Người Việt hải ngoại: Chính khách chia sẻ ở Pháp; Xuân Quê hương ở Mỹ; Chuyện lạ ở Thụy Điển; Vì sao nhiều người Việt ở Nhật?

Một chính khách gốc Việt chia sẻ thành công với giới trẻ Việt Nam tại Pháp

(Ảnh minh họa).

Những chia sẻ của chị Stéphanie Đỗ về nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của một người Việt nhập cư đã để lại trong lòng các bạn trẻ Việt Nam tại Pháp một sự ngưỡng mộ, niềm tin và động lực thành công.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuối tuần qua tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, chị Stéphanie Đỗ, nữ nghị sỹ Quốc hội gốc Việt tại Pháp, nhiệm kỳ 2017-2022, đã có buổi gặp gỡ với Hội sinh viên và thanh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), cùng đông đảo bà con kiều bào tại nước này để chia sẻ bí quyết thành công và truyền cảm hứng tới giới trẻ.

"Nói chuyện với cộng đồng về đoạn đường đã qua để truyền cảm hứng đặc biệt tới giới trẻ, giúp các bạn có sự tự tin và quyết tâm vươn tới thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi, để từ đó có thể vừa phục vụ nước sở tại, vừa đóng góp cho sự phát triển của quê hương, góp phần gắn kết hai đất nước Pháp và Việt Nam," đó là thông điệp mà chị Stéphanie Đỗ, nữ nghị sỹ gốc châu Á đầu tiên tại Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2017-2022, đã chia sẻ trong buổi tọa đàm diễn ra cuối tuần qua tại thủ đô Paris, với sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng đông đảo hội viên Hội sinh viên và thanh viên Việt Nam (UEVF) và cộng đồng người Việt tại Pháp.

Tại buổi gặp mặt, chị Stéphanie Đỗ đã kể về truyền thống gia đình, quá trình đến với nước Pháp, cũng như khát khao trong học tập để thay đổi cuộc sống, từ cách vượt qua những khó khăn, trở ngại để đạt được thành công, đến hành trình chinh phục sự nghiệp chính trị và quá trình trở thành một nghị sỹ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, chị Stéphanie Đỗ cho biết buổi tọa đàm có nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ là cơ hội để chia sẻ niềm vui, sự gắn kết mối quan hệ với cộng đồng, mà còn là dịp để trao đổi với các bạn trẻ những bí quyết thành công trong sự nghiệp và từ đó vừa phục vụ nước Pháp, vừa góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.

Chị cho rằng, khi đã thành công thì sẽ có điều kiện để đóng góp, không chỉ cho quê hương mà cho cả đất nước đã đón nhận mình.

Những chia sẻ của chị Stéphanie Đỗ về nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của một người Việt nhập cư đã để lại trong lòng các bạn trẻ Việt Nam tại Pháp một sự ngưỡng mộ, niềm tin và động lực để vươn tới thành công.

Bạn Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội sinh viên và thanh niên Việt Nam tại Pháp, cho biết: “Thành công của chị Stéphanie Đỗ là niềm tự hào của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, đặc biệt với giới trẻ. Chị cũng là nguồn cảm hứng và là động lực để chúng em luôn cố gắng phấn đấu trong tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào sự thành công của nước sở tại và từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp."

Với bạn trẻ Trần Minh Ngọc, thành công của chị là "tấm gương sáng để giới trẻ noi theo, giúp họ có cái nhìn rõ hơn về con đường chính trị, vốn không phải là định hướng yêu thích của các bạn thanh niên hiện nay, những người luôn muốn theo đuổi các lĩnh vực thời thượng như tài chính, công nghệ, kỹ thuật số."

"Tới nay chưa nghĩ nhiều đến các công việc vì cộng đồng, nhưng sau khi nghe chia sẻ của chị Stéphanie Đỗ, em thấy rất hào hứng, thậm chí nghĩ rằng sẽ có thể thử sức trên con đường này," Minh Ngọc cho biết thêm.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Stéphanie Đỗ tới Pháp cùng gia đình vào năm 11 tuổi.

Luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, rào cản đối với một người nhập cư, chị đã trở thành nghị sỹ Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 và cũng là nữ dân biểu Pháp gốc châu Á đầu tiên.

Trong 5 năm đảm nhiệm trọng trách này, bên cạnh việc phục vụ người dân Pháp, Stéphanie Đỗ cũng đã nỗ lực thúc đẩy các hoạt động tăng cường quan hệ giữa hai nước, trong vai trò Chủ tịch Hội Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt.

Mới đây, chị Stéphanie Đỗ đã cho ra mắt cuốn tự truyện mang tựa đề "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên, miêu tả hành trình vinh quang mà chị đã vươn tới và đạt được ở tầm vóc quốc gia.

Sự phấn đấu của chị sẽ là một nguồn cảm hứng vô cùng lớn lao cho những bạn trẻ Việt Nam muốn dấn thân vào sự nghiệp chính trị./

CHƯƠNG TRÌNH XUÂN QUÊ HƯƠNG MỪNG TẾT GIÁP THÌN 2024 TẠI MỸ

Chương trình Xuân Quê hương do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đã trở thành một điểm hẹn thân thương cho những người con xa quê cũng như bạn bè Mỹ và quốc tế tại đây mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tối 19/1, tại thủ đô Washington, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức chương trình Xuân Quê hương mừng Tết Giáp Thìn 2024.

Hơn 600 khách mời gồm đại diện cộng đồng người Việt từ nhiều bang cùng các bạn bè Mỹ và quốc tế gắn bó với Việt Nam đã tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhiệt liệt chào mừng và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị khách có mặt tại sự kiện, cũng như cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024.

Nhìn lại năm 2023, Đại sứ đã điểm lại nhiều thành tựu nổi bật của đất nước và của quan hệ Việt Nam-Mỹ trong năm qua với điểm nhấn là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đạt được những thành công kể trên có đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt tại Mỹ, bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt tại Mỹ ngày càng lớn mạnh hơn nữa, tăng cường đoàn kết và hướng về quê hương, tiếp tục là cầu nối, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Mỹ.

Chị Ngô Kim Việt, một việt kiều đã hơn 40 năm không được ăn Tết Việt Nam, xúc động nói: “Mỗi lần Tết đến, vùng tôi ở không có người Việt và rất xa cho nên mình vẫn cố gắng giữ truyền thống ra chợ Việt Nam mua bánh chưng. Tôi hay mở xem các chương trình Tết, rất nhớ Việt Nam. Năm nay đại sứ quán tổ chức rất hay và không khí làm tôi rất cảm động khi nhìn thấy những cành mai, hoa đào, tôi nhớ tới những hình ảnh rất Việt Nam, những cô gái mặc áo dài, áo tứ thân, ông đồ... Mỗi năm Tết đến tôi lại ao ước được về Việt Nam ăn Tết.”

Còn chị Lê Thùy Trang - giáo viên dạy tiếng Việt cho các cán bộ Bộ Ngoại giao Mỹ sang Việt Nam làm việc, chia sẻ: “Thực sự đã 10 năm tôi chưa được ăn Tết ở Việt Nam và đối với tôi, Tết là một khoảnh khắc rất thiêng liêng. Tết là một trong những chương trình mà chúng tôi cần dạy cho các cán bộ ngoại giao Mỹ khi họ sang Việt Nam bởi vì họ cần biết về văn hóa của Việt Nam. Tết là một trong những chủ đề rất quan trọng mà chúng tôi luôn luôn dạy họ những phong tục của người Việt Nam để họ biết rằng là khi đến sống và làm việc ở Việt Nam thì họ hòa nhập được trong xã hội của người Việt…”

Chương trình Xuân Quê hương do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đã trở thành một điểm hẹn thân thương cho những người con xa quê cũng như bạn bè Mỹ và quốc tế đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Washington mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chương trình năm nay đã đạt nhiều con số kỷ lục vượt xa những năm trước, với số lượng kiều bào và bạn bè quốc tế tham dự đông đảo nhất; bất chấp thời tiết lạnh giá và những con đường phủ trắng tuyết, từ người cao tuổi cho đến các em nhỏ vẫn háo hức đến tham dự chương trình.

Đặc biệt năm nay ai ai cũng mặc những bộ trang phục áo dài truyền thống với niềm tự hào được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Có cả những chàng rể, nàng dâu ngoại quốc cũng diện áo dài đón Tết Việt.

Hòa chung không khí đón chào năm mới Giáp Thìn, cộng đồng người Việt, các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, tập thể Đại sứ quán và các cơ quan thường trú tại thủ đô Washington, Hội phu nhân, phu quân, các cháu thiếu nhi đã giao lưu biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc và thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam. Các khách mời bày tỏ vui mừng, xúc động khi được gặp gỡ đồng bào trong không khí ấm áp, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Người phụ nữ Việt kể chuyện lạ ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Vợ sinh con, đàn ông có 240 ngày thai sản, không muốn cũng phải nghỉ

(Ảnh minh họa).

Thụy Điển được ví như "thiên đường" của những người sắp làm cha mẹ nhờ chế độ nghỉ thai sản "đáng quý" dành cho các bậc cha mẹ.

Từ lâu, hình ảnh Thụy Điển trong mắt của mọi người trên khắp thế giới luôn là một đất nước bình yên, sung túc về mọi mặt. Quốc gia Bắc Âu này nhiều năm liền vẫn luôn có tên trong bảng xếp hạng những đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

Cũng không có gì ngạc nhiên bởi những điều kiện về kinh tế, xã hội, chính sách phúc lợi mà người Thụy Điển được hưởng. Đặc biệt, bản thân họ luôn đề cao sự bình đẳng, sống cân bằng, giản dị, hòa hợp với thiên nhiên...

Mới đây, chị Phương Thảo, một phụ nữ Việt sống ở Thụy Điển đã đưa ra một khía cạnh ít người biết cho thấy sự bình đẳng của đàn ông và phụ nữ Thụy Điển trong cả việc chăm sóc con cái.

Chị Phương Thảo cho biết ở quốc gia Bắc Âu này, nếu người vợ sinh con, người chồng được 'nghỉ thai sản' 240 ngày để ở nhà chăm con và vẫn có tiền trợ cấp.

Phương Thảo nói trong video đăng trên tài khoản TikTok @thaothuydien: "Hình ảnh người đàn ông Thụy Điển ở nhà nấu cơm, cho con ăn và tắm cho con thực sự không còn xa lạ đối với thế giới nữa. Đó cũng chính là lý do tại sao đàn ông Thụy Điển lại nổi tiếng trên thế giới về mức độ đảm đang như vậy".

Cô trích dẫn câu chuyện từ năm 1974. Theo đó, Thụy Điển đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có chế độ nghỉ thai sản cho cả đàn ông và phụ nữ.

Bố và mẹ của em bé mới chào đời có chế độ nghỉ thai sản 480 ngày và sẽ chia đều cho cả 2 người. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà 2 người sẽ lấy chế độ thai sản cùng nhau hoặc thay phiên.

Nếu muốn, họ có thể lấy 30 ngày nghỉ thai sản cùng nhau để ở nhà chăm sóc cho con. Nếu người bố bận công việc có thể nhường ngày nghỉ thai sản cho người mẹ. Nhưng người bố vẫn phải nghỉ "bắt buộc" 60 ngày đẻ ở nhà chăm con mà không được viện bất kỳ lý do gì.

Phúc lợi tài chính khi nghỉ thai sản ở Thụy Điển

Danh mục này được chia làm 2 trường hợp khác nhau:

- Thu nhập của cha mẹ.

- Thu nhập không cố định mỗi ngày của cha mẹ.

Nhìn chung, các cặp vợ chồng sẽ được nhận 80% thu nhập trước khi sinh con và có thể linh hoạt về mặt thời gian. Chẳng hạn, một phụ nữ có thu nhập khoảng 39.000 USD/năm (950 triệu VNĐ) sẽ được nhận 2.500 USD/tháng (60 triệu VNĐ) trong vòng 6,5 tháng. Cô cũng có thể lựa chọn nhận một nửa số tiền trợ cấp trên và kéo dài thời gian nghỉ đến 13 tháng hoặc nghỉ dài hơn với mức trợ cấp thấp hơn.

Chị Phương Thảo cho biết: "Nguồn gốc của việc đàn ông Thụy Điển có chế độ nghỉ thai sản như thế là bắt nguồn từ quyền bình đẳng giới giữa nam và nữ. Chính vì thế mà đàn ông Thụy Điển có thể làm việc nhà, chăm sóc con cái một cách rất tự nhiên, không có cảm giác gượng ép. Phụ nữ Thụy Điển có thể mạnh mẽ, độc lập, xây dựng sự nghiệp riêng và khẳng định vị trí của mình trong xã hội".

Tại sao có nhiều người Việt ở Nhật Bản?

Theo số liệu thống kê được Chính quyền Tokyo công bố hàng tháng, hiện có gần 630.000 người nước ngoài sống ở Tokyo. Đứng đầu là Trung Quốc với 251.322 người, tiếp theo là Hàn Quốc với 87.693 người và vị trí thứ 3 là Việt Nam với 41.114 người. Trung Quốc và Hàn Quốc có lịch sử quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản cả về mặt địa lý lẫn lịch sử, nhiều người đã đến sống ở Tokyo trước và sau chiến tranh. Thế còn Việt Nam – quốc gia mới chỉ thúc đẩy “xuất khẩu nhân lực” trong thời gian ngắn gần đây, tại sao lại lọt vào top 3, đứng trên cả Philippines ở vị trí thứ 4, Nepal ở vị trí thứ 5 và Mỹ ở vị trí thứ 6? Cùng LocoBee tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Thông tin khái quát về người Việt Nam tại Nhật

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng ở phía Đông bán đảo Đông Dương. Hiện nay có khoảng 520.000 người Việt sống ở Nhật Bản, trong đó có 180.000 thực tập sinh kỹ thuật, làm việc trong các ngành sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, đánh bắt cá trên khắp đất nước, từ Hokkaido đến Okinawa và các đảo xa xôi. Ngoài ra, có rất nhiều du học sinh ở khu vực Tokyo và họ cũng làm việc bán thời gian trong các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ.

Hơn nữa, nhìn vào dân số theo thành phố, phường, thị trấn, phường Edogawa có số lượng người Việt Nam lớn nhất ở Tokyo với 3.207 người. Phường Adachi đứng ở vị trí thứ 2 (2.983 người), tiếp theo là Phường Toshima ở vị trí thứ 3 (2.610 người). Những con số này thật đáng ngạc nhiên. Nhiều người nghĩ rằng Phường Shinjuku, đặc biệt là nơi nổi tiếng có dân số đa sắc tộc ngày càng tăng như ở Shin-Okubo, sẽ đứng đầu, nhưng thực tế không phải vậy.

Du học sinh theo học tại trường Nhật ngữ

Tại sao lại có nhiều người Việt ở Edogawa?

Koiwa cách xa trung tâm Tokyo nhưng giao thông thuận tiện. Hơn nữa, giá thuê nhà rẻ và dễ dàng mua sắm. Đó là lý do tại sao có rất nhiều sinh viên quốc tế sống tại đây. Mọi người đều sống ở Koiwa và di chuyển đến Shin-Okubo, Shibuya, Asakusa và nhiều trường dạy tiếng Nhật khác nhau.

Mục đích đến Nhật Bản của người nước ngoài thường là để “tích lũy kinh nghiệm” và “kiếm tiền”. Tiết kiệm được chi phí nhà ở và ăn uống, sinh hoạt là điều mà nhiều người ưu tiên khi chọn chỗ ở.

Trong phường Edogawa, nhiều người Việt Nam sống ở Koiwa, nơi có phố mua sắm sôi động, giá thuê phải chăng và có thể đến trung tâm thành phố bằng Tuyến Sobu. Trên tuyến Sobu, giữa Ryogoku và Funabashi. Ga nào cũng đầy người Việt. Nhưng Koiwa là ga có nhiều người nhất. Tiếp theo là Shin-Koiwa bên cạnh (phường Katsushika).

Từ lâu, phường Edogawa đã có các nhà máy nơi người nước ngoài làm việc và đặc biệt là có nhiều cửa hàng châu Á trong khu giải trí, khiến nơi đây trở thành một nơi tốt để người nước ngoài chọn sinh sống. Người Việt đã và đang đến khu vực này sống ngày càng nhiều. Hầu hết trong số họ là sinh viên quốc tế, và số ít là các thực tập sinh kỹ thuật. Có vẻ như các thực tập sinh chủ yếu làm việc tại các nhà máy và công trường ở khu vực Chiba, và Koiwa là địa điểm thuận tiện cho việc đi lại ở đó.

Có khá nhiều du học sinh đến Nhật với mục đích kiếm tiền thông qua công việc bán thời gian và gửi tiền về quê. Koiwa là khu vực trung tâm thành phố có khu vui chơi giải trí nên không thiếu việc làm bán thời gian. Quán bar Izakaya, cửa hàng tiện lợi, dọn dẹp ban đêm, dọn giường khách sạn… Koiwa có nhiều cửa hàng châu Á xung quanh nhà ga, mang lại cảm giác đa quốc tịch kỳ lạ. Ngoài ra còn có một cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam, gần lối ra phía Bắc được người Việt ưa chuộng.

Tòa nhà tổng hợp Việt Nam có karaoke và quán cắt tóc, làm đẹp

Để phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Nhật, nhiều dịch vụ đi kèm đã được hình thành. Chẳng hạn như bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tòa nhà mà có cả quán Karaoke, quán cắt tóc, làm đẹp tại các khu vực tập trung nhiều người Việt.

Tại các cửa hàng tóc, cắt tóc nam có giá 1.500 yên cho nam và nữ là 2.500 yên. Quán karaoke sang trọng có giá 3.500 yên một giờ và thậm chí thỉnh thoảng người Nhật cũng đến. Dù có thể nói các tòa nhà kiểu như vậy đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ Việt Nam.

Số người Việt sinh sống tại Nhật Bản hiện nay đã tăng lên 520.000 người, nguyên nhân là do xã hội Nhật Bản phụ thuộc vào lực lượng lao động của họ. Phía Việt Nam cũng coi việc đi làm ở nước ngoài là chính sách quốc gia và ngày càng có nhiều người trẻ đến Nhật Bản.

Nguồn: VTV4; Quê Hương Online; Soha; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang