Người Việt hải ngoại: Vui Tết tại Ai Cập; Lễ hội Xuân tại Nhật; Đón Tết tại Ma-rốc; 'Hồn Việt' giữa lòng châu Âu

XUÂN QUÝ MÃO 2023: VUI TẾT CỘNG ĐỒNG VỚI KIỀU BÀO TẠI AI CẬP

(Ảnh minh hoạ).

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng gửi tới bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và công tác tại Ai Cập lời chúc mừng Năm mới sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, bình an và thành công.

Tối 12/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tổ chức chương trình Tết Cộng đồng, chào đón Xuân Quý Mão 2023 tại trụ sở Đại sứ quán ở thủ đô Cairo, với sự tham dự của các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng đông đảo bà con kiều bào đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ai Cập và bạn bè quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu tại buổi gặp mặt mừng Xuân Quý Mão 2023, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã chào đón và gửi tới bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và công tác tại Ai Cập lời chúc mừng Năm mới sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, bình an và thành công.

Đại sứ biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực đóng góp của bà con người Việt tại Ai Cập trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lao động cần cù, sáng tạo và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước cũng như làm cầu nối góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước, đặc biệt năm 2023 là năm đánh dấu chặng đường 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ai Cập.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã thông tin tới bà con kiều bào về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2022, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam đã mở cửa trở lại và đạt được những thành tựu rất khởi sắc về kinh tế, thương mại và an sinh xã hội.

Đặc biệt về kinh tế, trong năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận các chỉ số rất ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 8,02%, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ai Cập, khẳng định hai nước có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và Ai Cập đã ủng hộ Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đại sứ nhấn mạnh quan hệ hai nước đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây.

Đại sứ cho biết trong năm 2023, Việt Nam và Ai Cập sẽ tổ chức một loạt sự kiện để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng cộng đồng người Việt tại Ai Cập sẽ cùng tham gia với Đại sứ quán trong các hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng trong năm 2023, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Chương trình đón Tết cổ truyền do Đại sứ quán tổ chức là dịp để những người con xa xứ gặp gỡ, giao lưu, động viên và thăm hỏi nhau dịp Tết đến Xuân về.

Trong bầu không khí đầm ấm, vui tươi chào đón Xuân Quý Mão 2023, bà con cộng đồng người Việt tại Ai Cập và bạn bè quốc tế đã cùng thưởng thức các món ăn truyền thống đậm đà hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam như bánh chưng, nem, phở.

(Nguồn: VietnamPlus)

ĐOÀN KẾT, TRUYỀN THỐNG VÀ HỮU NGHỊ TẠI LỄ HỘI XUÂN QUÊ HƯƠNG 2023, FUKUOKA, NHẬT BẢN

Lễ hội Xuân Quê hương 2023 tại Fukuoka, sự kiện thường niên đã thu hút sự được quan tâm đặc biệt của đông đảo kiều bào và người dân khu vực Kyushu-Okinawa.

Ngày 7/1, tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản đã diễn ra lễ hội Xuân Quê hương 2023, đây là một hoạt động với quy mô lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, sự kiện đã thu hút sự quan tâm hơn 70 ngàn người tham dự, gồm cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Kyushu nói riêng và toàn nước Nhật nói chung cùng người dân sở sở tại.

Năm 2023, kỷ niệm 50 năm mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Nam-Nhật Bản, đây là dấu mốc quan trong lịch sử gắn bó, đoàn kết và phát triển của hai dân tộc. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản đã phối hợp với Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) đã tổ chức lễ hội “Xuân Quê hương 2023” với quy mô lớn nhất nhất từ trước đến nay.

Lễ khai mạc đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và các ban ngành sở tại, phía khách mời đến dự có bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka; ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka; ông Matsuo Tosho, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Hữu nghị Fukuoka-Việt Nam; ông Ogawa Seiji, Phó Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Hữu nghị Fukuoka-Việt Nam; ông Kohara Katsuji, Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Fukuoka-Việt Nam; ông Ito Yoshito, Chủ tịch Hội đồng thành phố Fukuoka; ông Kubota Kazuhiro, Trưởng ban Quốc tế thành phố Fukuoka; ông Goto Motohide, Thị trưởng thành phố Buzen.

Ngoài ra, các tỉnh trưởng không tham dự được đều đã gửi thư chúc mừng đến sự kiện, đặc biệt có thư của Thống đốc tỉnh Fukuoka Hattori Seitaro. Trong thư, Thống đốc Hattori Seitaro đánh giá cao cộng đồng người Việt tại khu vực Kyushu đã đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển Kyushu và ngài mong muốn tình hữu nghị và truyền thống văn hóa của hai nước Việt-Nhật ngày càng phát triển và bền chặt.

Về phía Việt Nam, có Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hoàng Đức và lãnh đạo các hội đoàn tại khu vực Kyushu Osaka và Tokyo cùng tham dự.

Ngay sau màn khai mạc lễ hội với bài hát “hào khí Việt Nam” đầy ý nghĩa và dàn múa của các diễn viên do chính các bạn lưu học sinh, sinh viên tại Fukuoka biểu diễn, bà Vũ Chi Mai Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka phát biểu chúc Tết cộng đồng người Việt tại khu vực Kyushu.

Bà Vũ Chi Mai cảm ơn tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam tại Kyushu đã thể hiện được truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ khó khăn với chính quyền, người dân sở tại trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chào đón Xuân Quý Mão 2023, Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai gửi gắm và tin tưởng rằng với bản sắc văn hóa của đất nước và con người Việt Nam, với truyền thống đoàn kết gắn bó, với tinh thần tương thân, tương ái, với đức tính cần cù, trí thông minh, năng động và sáng tạo, cộng đồng người Việt Nam tại Kyushu nói riêng và toàn nước Nhật nói chung sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh và hội nhập bền vững.

Cộng đồng người Việt tại khu vực Kyushu và toàn nước Nhật đã được tham dự lễ hội “Xuân Quê hương 2023” ấm áp gắn chặt với truyền thống cổ truyền Việt Nam.

Đạo diễn Hoàng Công Cường đã tái hiện không khí đón Tết Nguyên đán của Việt Nam với các hoạt động như rước ông Công ông Táo về trời, thi gói bánh chưng, chợ hoa Tết, xin chữ đầu năm, lì xì may mắn, các trò chơi gian Việt Nam...

Bên cạnh đó là các hoạt động đặc biệt hẫp dẫn và đặc sắc đó là Chung kết cuộc thi Hoa hậu hữu nghị Việt-Nhật. Hoa hậu hữu nghị đã thuộc về bạn Trương Thị Thanh Thuý, Á hậu một Phạm Thảo Uyên, Á hậu 2 Nguyễn Lưu Hà Trang - giảng viên tiếng Nhật tới từ Việt Nam và chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Kyushu Got Talent 2023", giải Nhất Lê Duy Minh với tiết mục nhảy poping hiện đại, giải Nhì thuộc về FGB band - một ban nhạc acoustic nghiệp dư tại Fukuoka, và giải Ba thuộc về tiết mục thổi sáo dân tộc của thí sinh Đào Văn Tâm.

Cộng đồng người Việt tại Kyushu và Nhật Bản đã được cháy hết mình với chương trình biểu diễn của các sao Việt: MC Tuấn Tú, Ca sĩ Thu Ba, Mỹ Dung, Phan Anh, diễn viên Quang Anh, Á hậu Mai Ngô và Ca sĩ Tuấn Hưng.

Lễ hội Xuân Quê hương 2023, sự kiện thường niên đã thu hút sự được quan tâm đặc biệt của đông đảo kiều bào và người dân khu vực Kyushu-Okinawa trở thành điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Đến với Lễ hội năm nay, cộng đồng người Việt và người dân sở tại ngoài việc được trực tiếp tham gia các trò chơi truyền thống dân gian của Việt Nam còn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa Tết Nguyên đán Việt Nam, thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc sắc mang hồn cốt ẩm thực Việt như phở, bún bò, bánh mì, bánh tráng nướng…

Lễ hội Xuân Quê hương 2023, tại Fukuoka đã kết thúc thành công tốt đẹp, mang đến món ăn tinh thần quý giá cho những người con xa xứ, tạo động lực để họ học tập, làm việc và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Lễ hội sẽ tạo sự khởi đầu cho một năm mới đầy năng lượng, tràn ngập niềm vui, thành công đến với toàn thể cộng đồng người Việt và người dân Nhật Bản.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

DU HỌC SINH VIỆT TẠI MA-RỐC HÁO HỨC ĐÓN TẾT QUÝ MÃO 2023

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 8/1/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Ma-rốc đã tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2023” tại trụ sở của Đại sứ quán ở thủ đô Rabat. Là một trong số ít những sinh viên Việt Nam đang học tại Ma-rốc, Thuỵ Anh đã có những chia sẻ thú vị khi được tham dự sự kiện đặc biệt này.

Vũ Thuỵ Anh (20 tuổi) từng có thời gian theo học tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2022, cô nhận được học bổng toàn phần đi học tại Ma-rốc theo diện Hiệp định, bắt đầu hành trình theo đuổi tấm bằng cử nhân về Ngôn ngữ và Văn học Ả Rập tại trường Đại học Mohammed V Rabat.

Háo hức và ngóng chờ khi được tham gia chương trình Tết cộng đồng, từ sáng sớm chủ nhật, Thuỵ Anh cùng các bạn chung nhà đã xúng xính trong tà áo dài, trang điểm thật xinh và nhanh chóng di chuyển đến đại sứ quán cho kịp giờ. Hiện cô đang ở cùng nhà với 7 sinh viên Việt Nam khác, tất cả đều đến Ma-rốc theo diện học bổng Hiệp định.

“Lần đầu đón Tết ở nơi xa, mình cũng cảm thấy hơi buồn và có chút nhớ nhà. Nhưng những ngày qua được cùng các bạn và các anh, chị nhân viên Đại sứ quán chuẩn bị cho chương trình đón Tết thì cũng cảm thấy ấm áp hơn. Mọi người tất bật cùng nhau trang trí khuôn viên của sứ quán, tập duyệt văn nghệ và chuẩn bị các món ăn truyền thống. Cộng đồng người Việt tại Ma-rốc không nhiều nên tất cả đều gắn bó, thân thiết như một gia đình” - Thuỵ Anh chia sẻ.

Cô cũng cho biết thêm, người Việt tại đây chủ yếu là gia đình của các hàng binh Ma-rốc đã tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam trước năm 1954, bên cạnh đó là một số người lao động và sinh viên du học theo chương trình học bằng tiếng Ả Rập hoặc tiếng Pháp.

Trước khi bắt đầu chương trình “Xuân Quê hương 2023”, toàn thể mọi người đã cùng thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca và thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tiếng hô vang mừng năm mới, những điệu múa sạp trong tiếng nhạc cổ truyền, những tiết mục múa, hát, đọc thơ, kể chuyện đã gắn kết những con người xa xứ tại đất nước Bắc Phi này. Buổi lễ diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ và mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Sau chương trình, Thuỵ Anh và các bạn sinh viên khác cũng nán lại đại sứ quán, cùng phụ giúp mọi người dọn dẹp.

Được tham gia sự kiện đặc biệt, cô sinh viên quê Nam Định cảm thấy vô cùng biết ơn sự quan tâm, chu đáo của Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Ma-rốc. Thuỵ Anh kể rằng, những nguyên liệu cho các món ăn Việt, những vật dụng trang trí đều được Đại sứ đặt từ Việt Nam mang qua. Đặc biệt, các trang phục, phụ kiện biểu diễn văn nghệ như áo dài, nón lá, quạt múa cũng được “đo ni đóng giày” cho từng bạn sinh viên.

Nhớ về những ngày giáp Tết khi ở nhà, cô tâm sự rằng mình thường sang nhà ông bà chơi, quây quần với các anh, chị, em họ và cùng gói bánh chưng. Từ phương xa, cô mong gia đình và người thân sẽ luôn mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. Cô cũng gửi lời chúc may mắn và thành công tới các giảng viên và bạn học cũ tại khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Ả Rập của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong năm Quý Mão 2023, Thuỵ Anh tự đặt mục tiêu chinh phục tiếng Pháp (ngôn ngữ phổ biến tại Ma-rốc) và có thêm công việc bán thời gian để nâng cao trình độ tiếng Ả Rập.

(Nguồn: SVVN)

PHỞ- “HỒN VIỆT” GIỮA LÒNG CHÂU ÂU

“Phở là hơi ấm của gia đình”. Đây là đánh giá của nhiều thực khách nước ngoài khi nhắc tới Phở, món ăn mà nhà văn Nguyễn Tuân trong chuyến công tác Phần Lan năm 1957 đã mô tả là “rất tính chất dân tộc của ta”.

Lần đầu tiên được đưa vào từ điển năm 1937 với cái tên “Cháo Phở”, Phở đã theo chân người Việt đi khắp thế giới từ những quốc gia châu Á gần gũi như Nhật Bản, Hàn Quốc đến những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt như Mỹ hay châu Âu. Có thể nói, Phở là món ăn truyền thống được nhiều người nước ngoài yêu thích, góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Tọa lạc tại trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ từ năm 2016, nhà hàng Hanoi Station, có nghĩa Bến Hà Nội, của chị Đào Thu Hải là địa chỉ yêu thích không chỉ của những người Việt xa xứ, mà còn của rất đông thực khách Bỉ. Xuất thân trong một gia đình gốc Hà Nội được xếp vào hàng khá giả, cùng một công việc ổn định, song chị Đào Thu Hải đã quyết tâm từ bỏ tất cả để sang Bỉ và thực hiện giấc mơ mở nhà hàng của riêng mình với món chính là phở đậm chất Bắc giữa trái tim châu Âu.

Giờ đây sau hơn 6 năm, chị đã là chủ của 4 quán phở nổi tiếng ở Bỉ và đang ấp ủ dự án về quán thứ 5.

“Minh ấp ủ mở quán từ rất lâu. Đến khi có bầu mình thèm món ăn Việt Nam thật sự. Mà nhà hàng bên này không mấu được đúng gu của người Việt. Mình quyết tâm đi học, nhưng mình làm ở nhà khác với khi mình bán nhà hàng. Hồi đấy mua công thức không có nhiều, trong khi mạng xã hội cũng không phổ biến. Mình nghĩ rằng giai đoạn đoạn tìm ra phở ngon là khó nhất trong hành trình đấy. Mình nấu như thế nào, mình canh xương như thế nào là khó nhất. Tuy nhiên đến bây giờ mình cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được”, chị Hải chia sẻ.

Thực khách khi đi qua Bến Hà Nội bị ấn tượng bởi tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ màu đỏ, cùng bức ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng ở một góc quán và rồi không thể cưỡng lại mùi phở thơm lừng, “ngọt, bùi, thơm, béo, bổ”. Bến Hà Nội mới đây đã vinh dự trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được lên sách của Wolf Bruxelles.

Nhiều tờ báo lớn của Bỉ như Dernière Heure hay Bruzz cũng dành những lời khen đặc biệt cho món Phở của Việt Nam: “Tôi thích không gian ấm cúng tại Bến Hà Nội. Đặc biệt khi nhìn vào gian bếp bạn sẽ có cảm giác mọi người như một gia đình vậy. Quán được trang trí rất ấn tượng, chủ quán, cũng như nhân viên đều rất thân thiện và đặc biệt món ăn rất ngon. Mọi nguyên liệu đều tươi và được lựa chọn hàng ngày. Tôi đã ăn rất ngon miệng”.

Nổi tiếng bởi sự cầu kỳ và hương vị độc đáo nhưng Phở Việt vẫn đem lại cảm giác giản dị, tao nhã. Nhà văn Thạch Lam trong tùy bút “Hà Nội 36 phố phường” viết: “Một bát phở ngon là khi nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đầy đủ”. Còn nhà văn Vũ Bằng trong cuốn tùy bút “Miếng ngon Hà Nội” in năm 1960 viết: "Muốn biết chân giá trị của một hàng phở, phải ăn bát phở chín không thôi,… Và điều hệ trọng của tất cả các hàng phở, chính là nằm ở bí quyết trong nồi nước dùng...". Đây cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Hằng, chủ nhà hàng Phở “HaNoi Epxress” tại khu phố mua sắm đông đúc ở thành phố Damsstad, Đức luôn trăn trở.

Không giống như chị Đào Thu Hải, chị Nguyễn Thị Hằng lại đến với Phở ban đầu vì cuộc sống mưu sinh. Tuy nhiên, hàng ngày nhìn những vị khách Đức gật gù bên tô phở Việt, trong chị lại nung nấu quyết tâm đưa phở Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

“Qua món Phở tôi muốn mọi người biết nhiều hơn tới Việt Nam. Tuy nhiên để có một tô phở chuẩn vị không phải là dễ, nhất là khi ở bên này không có sẵn nhiều loại rau gia vị như ở Việt Nam. Vì thế để làm được bát phở được khách yêu thích như hiện nay, tôi đã phải học hỏi và thử nghiệm rất nhiều công thức. Tôi tin chắc rằng những người được ăn những bát phở ngon thì họ sẽ mang theo mình một kỷ niệm tuyệt vời để kể về đất nước Việt Nam, về nền ẩm thực Việt Nam”, chị Hằng cho biết.

Phở Việt có thâm niên hàng trăm năm tuổi, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam và theo chân người Việt đi khắp thế giới. Dường như phở đã âm thầm làm thay đổi thói quen ăn uống của người châu Âu. Người dân nơi đây đã có thể phát âm rõ từ “Phở” và đều dần quen thuộc với các loại nguyên liệu lạ lẫm như rau thơm, nước mắm và cả cách dùng đũa khi ăn.

“Phở là món ăn rất ngon. Bạn có thể cảm nhận được hương vị ngay từ miếng đầu tiên. Tôi đến quán này khá thường xuyên và tôi thực sự thích các món súp ở đây, đặc biệt là món Phở, món ăn của gia đình”, một thực khách nhận xét.

Phở không chỉ để ăn no, mà còn là một đặc sắc của ẩm thực, là một phần của hồn dân tộc. Và có lẽ cũng chính bởi sự độc đáo này, nên khi đi vào từ điển LaRousse của Pháp hay từ điển Oxford của Anh, món ăn truyền thống của Việt Nam luôn được lưu truyền bằng chính cái tên “ Phở “ chứ không phải bất kỳ cái tên thay thế nào khác.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Thời khắc lịch sử ở Croatia; Gói bánh chưng ở Hà Lan; Cô gái thực tập ở NBC; Nhà hàng ở Quảng Châu ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang