Người Việt hải ngoại: Thời khắc lịch sử ở Croatia; Gói bánh chưng ở Hà Lan; Cô gái thực tập ở NBC; Nhà hàng ở Quảng Châu

NGƯỜI VIỆT Ở CROATIA HÀO HỨNG VỚI THỜI KHẮC LỊCH SỬ

(Ảnh minh hoạ).

Chia sẻ với Zing, nhiều người Việt tại Croatia lạc quan về việc quốc gia này gia nhập Eurozone. Họ tin tưởng điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích trong công việc và cuộc sống.

Kể từ ngày 1/1, Croatia chính thức gia nhập Eurozone, thay thế đồng nội tệ kuna lịch sử bằng đồng euro. Nhiều người Việt đang sinh sống tại đất nước này đều nhận định đây là một tín hiệu đáng mừng, mang đến sự thuận tiện khi thanh toán và gửi kiều hối về quê nhà.

Theo chị Nguyễn Yến - đang sinh sống tại Vinkovci - người dân Croatia thường dùng thẻ nên việc chuyển đổi từ đồng kuna sang euro không ảnh hưởng nhiều.

“Ở Croatia, người dân thường thanh toán bằng thẻ nên không gặp quá nhiều vấn đề. Mọi việc đều có phía ngân hàng và nhà nước chuẩn bị từ trước”, chị nói với Zing.

Ngoài ra, anh Lê Đặng Linh, đầu bếp Việt đang sinh sống tại Croatia, cũng cho biết quá trình này diễn ra “khá tự nhiên”. Anh kỳ vọng bước đi mới của Croatia sẽ giúp công việc của anh phát triển tốt hơn và đem lại cơ hội mới cho những người trẻ.

Croatia là quốc gia mới nhất và là nền kinh tế thứ 20 đứng vào hàng ngũ các nước chuyển hẳn sang dùng đồng euro. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng gia nhập khối đi lại tự do Schengen - khối gồm 26 quốc gia đã loại bỏ kiểm tra biên giới ở châu Âu, khiến đây trở thành khu vực không có biên giới lớn nhất trên thế giới.

Không gặp bất tiện

Chia sẻ với Zing, anh Đặng Linh cho biết anh hiện không gặp bất tiện gì trong quá đổi tiền từ kuna sang euro.

“Quá trình chuyển đổi sang đồng tiền chung diễn ra khá tự nhiên. Người dân cũng không quá bận tâm. Chỉ cần đợi đến đúng hạn, số tiền trong tài khoản của họ sẽ chuyển sang euro”, anh nói.

Theo chia sẻ của anh Đặng Linh, hiện người dân có thể dùng được hai loại tiền mặt kuna và euro, nhưng lúc đầu euro chưa phổ biến nên người bán sẽ không có nhiều để trả lại tiền thừa. Việc sử dụng loại tiền nào cũng không quá quan trọng vì người Croatia chủ yếu dùng thẻ thanh toán.

Đồng tình, anh Phạm Bá Tiến, lao động Việt tại thủ đô Zagreb, cũng có cảm nhận tương tự và không gặp bất tiện trong quá trình chuyển đổi từ đồng kuna sang euro.

Đối với tiền mặt bằng đồng kuna, anh Tiến cho biết người dân vẫn có thể chi tiêu bình thường cho đến ngày 15/1. Bên cạnh đó, trong trường hợp người dân vẫn còn tiền mặt kuna thì ngân hàng tại Croatia vẫn cho phép đổi đến hết năm 2023.

Theo chia sẻ của anh, tỷ giá giữa hai đồng tiền kuna và euro là hợp lý, ở mức 7,53 kuna đổi một euro.

Trong khi đó, chị Thương Nguyễn - sống tại thành phố Labin - cho biết việc chuyển đổi sang đồng euro đã cho thấy sự chênh lệch về thu nhập giữa Croatia với các nước khác trong khối Eurozone.

“Nền kinh tế của Croatia thu nhập bình quân rất thấp, khoảng 1.000 euro/tháng nên khi chuyển từ kuna sang đồng euro mới thấy rõ sự chênh lệch. Trong khi đó, giá cả thực phẩm tiêu dùng cao không khác so với các nước trong khối”, chị nói.

Do đó, chị Thương cho rằng một số người Croatia ngại chuyển sang dùng euro vì thói quen, cũng như sự bất tiện trong việc chuyển đổi giá cả từ kuna sang euro. Nhưng theo chị, những người khác đều hào hứng với sự thay đổi vì họ có đủ thời gian chuẩn bị cho việc hội nhập sau 10 năm Croatia gia nhập khối.

Tuy nhiên, trước tình hình giá cả sinh hoạt leo thang ở Croatia và châu Âu nói chung, nhiều người Việt cho biết người Croatia có cảm xúc lẫn lộn về việc gia nhập Eurozone. Anh Đặng Linh chia sẻ việc chuyển sang đồng euro cũng có thể khiến giá tăng cao hơn, song anh không quá bận tâm về điều này.

“Tôi sống một mình tại Croatia nên không quá quan tâm giá tăng hay giảm. Đồng thời, khi giá cả tăng, người thuê nhân công cũng sẽ phải nâng lương để hỗ trợ”, anh nói.

Chia sẻ về tình hình giá cả leo thang, chị Yến cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, khi một bên là ảnh hưởng của xung đột và một bên là sự chênh lệch giữa giá cả tại Croatia và các nước lân cận vốn đã sử dụng đồng euro trước đó, việc giá tăng cao (sau khi gia nhập Eurozone) là không tránh khỏi”.

Nhưng chị Yến vẫn cho rằng dù giá cả tăng cao hơn, mức tiêu thụ của người dân vẫn tăng, một phần có thể do mua sắm dịp cuối năm.

Cơ hội mới

Trong khi đó, anh Linh cho rằng một số người lớn tuổi ở Croatia có thể không ủng hộ đồng tiền mới vì họ không muốn mất đi một phần bản sắc của đất nước. Tuy nhiên, với người trẻ, đây là một bước đi mang lại nhiều lợi ích.

“Khi nền kinh tế mở cửa (nhiều hơn với khu vực), người trẻ sẽ có cơ hội đến các nước khác học tập, làm việc nhiều hơn. Họ sẽ không cần xin visa khi đến nước khác và dễ dàng chuyển đến sinh sống ở nước ngoài”, anh cho hay.

Từ quan điểm cá nhân, anh Linh chia sẻ rất ủng hộ việc Croatia chuyển sang sử dụng đồng euro, vì cảm thấy “bản thân có giá trị hơn trong mắt người nước ngoài”.

Là một đầu bếp tại khách sạn, anh cũng cho biết việc Croatia gia nhập Eurozone khiến công việc của anh tiến triển tốt hơn.

“Sau khi Croatia gia nhập Eurozone, lượng khách đến khách sạn tăng cao hơn. Croatia cũng nằm trong top những địa điểm du lịch hấp dẫn ở châu Âu, do đó khi những rào cản được dỡ bỏ, lượng khách sẽ đông hơn”, anh nói.

Đồng quan điểm với anh Linh, chị Nguyễn Yến cũng hy vọng khu vực không biên giới Schengen sẽ mở ra cơ hội cho người nước ngoài đến du lịch Croatia.

“Hiện tại, tôi thấy bạn bè chồng mình từng chuyển qua sống ở Đức đang có xu hướng quay lại Croatia. Hy vọng trong tương lai, Croatia sẽ thu hút nhiều nguồn nhân lực hơn nữa để cải thiện mọi lĩnh vực”, chị nói với Zing.

Du lịch thuận lợi cũng là điều chị Nguyễn Thương mong chờ khi nghe tin về bước tiến mới của Croatia. Kết hôn với chồng người Croatia từ năm 2003 và đã có nhiều năm định cư tại đất nước này, chị Thương chia sẻ bản thân rất vui và tự hào khi nước này chính thức gia nhập Eurozone.

Chị Thương kể trước khi Croatia vào khối, người nước ngoài sống ở Croatia như chị muốn sang các nước châu Âu đều phải làm visa và mất thời gian chờ đợi khi qua cổng hải quan. Nhưng điều này đã thay đổi.

“Tôi từng đến các nước Anh, Áo, Italy, Hy Lạp, Slovenia, và tôi cũng dự định đến Hungary trong mùa hè này. Tôi hy vọng (sau khi Croatia gia nhập khu vực không biên giới Schengen), mỗi năm tôi sẽ đi du lịch một nước trong khối để thỏa mãn sở thích”, chị cho biết thêm.

Trong khi đó, anh Tiến cho rằng bước đi mới nhất của Croatia là tin tốt cho những người Việt đang làm việc tại đây vì việc dùng đồng euro sẽ thuận tiện hơn so với trước, đặc biệt là khi chuyển tiền về nước.

"Chẳng hạn, với những người được trả lương bằng kuna, khi chuyển tiền từ Croatia về Việt Nam, họ sẽ không còn phải đổi tiền qua euro như trước”, anh Tiến cho biết. “Trong khi đó, tôi được trả lương bằng đồng euro nên quá trình chi tiêu tại đất nước này cũng thuận tiện hơn”.

(Nguồn: Zing News)

XUÂN QUÝ MÃO 2023: GÓI BÁNH CHƯNG GỢI HƯƠNG VỊ TẾT Ở HÀ LAN

Gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền đã dần trở thành thói quen, một hoạt động của lớp Tiếng Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về, để giúp các em sinh ra và lớn lên ở đây hiểu được phong tục truyền thống Tết.

Nhân dịp Tết cổ truyền Quý Mão 2023, lớp Tiếng Việt tại La Haye ở Hà Lan phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức một khóa học đặc biệt: hướng dẫn học sinh của lớp và một số thiếu nhi Việt kiều tại Hà Lan gói bánh chưng mừng Tết nguyên đán Quý Mão.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, lớp Tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức theo yêu cầu của Hội Người Việt tại La Haye và vùng phụ cận đã hoạt động được 6 năm. Giáo viên là cán bộ, phu nhân ngoại giao và một số tình nguyện viên trong cộng đồng.

Gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền đã dần trở thành một thói quen, một hoạt động của lớp học mỗi dịp Tết đến, Xuân về, để giúp các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở Hà Lan hiểu được phong tục truyền thống Tết của người Việt.

Để thực hiện buổi gói bánh chưng, giáo viên của lớp học cùng một số bà con Việt kiều đã chuẩn bị đủ các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, nước mắm Phú Quốc… Lá dong và lạt giang được chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang.

Các giáo viên tận tình hướng dẫn các học viên “nhí” cách trải lá, xếp lạt, tra gạo, tra đỗ, gói bánh sao cho vuông vắn, đẹp mắt. Các gia đình Việt kiều, đặc biệt là các cháu nhỏ, đều cảm nhận được không khí chuẩn bị Tết ấm áp của một đại gia đình.

Với sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo viên lớp học, những bàn tay nhỏ xinh đã làm ra những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn. Các em nhỏ rất phấn khởi khi thấy thành quả của chính mình, mang trọn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc.

(Nguồn: Quê Hương Online)

CÔ GÁI VIỆT GIÀNH SUẤT THỰC TẬP Ở KÊNH TRUYỀN HÌNH NỔI TIẾNG MỸ

(Ảnh minh hoạ).

Lê Minh Anh nói được nhận làm thực tập sinh ở kênh truyền hình NBC, thuộc tập đoàn truyền thông và giải trí NBCUniversal, Mỹ sau hàng trăm lá thư bị từ chối.

Lê Minh Anh, 22 tuổi sẽ làm việc ở vị trí biên tập viên và sản xuất cho mảng tin chính trị của chương trình Nightly News, chương trình thời sự buổi tối có lượng xem lớn thứ thứ hai nước Mỹ năm 2022 từ 17/1. "Em học rất nhiều suốt bốn năm qua để phát triển về kiến thức lẫn con người và hiện tại em nghĩ mình thực sự sẵn sàng để bước chân vào NBC", Minh Anh nói, cho biết nhận thù lao 16,5 USD (387.000 đồng) một giờ.

Nữ sinh kể, trong giây phút vỡ oà khi nghe hai từ "Congratulations" (Chúc mừng), em nhận ra người gọi chính là nhà tuyển dụng đầu tiên gửi email mời em phỏng vấn cách đây bốn năm. "Em chia sẻ đây là một sự trùng hợp đặc biệt. Điều ngạc nhiên, cô nói không phải, mà suốt bốn năm qua kỳ nào cô ấy cũng thấy đơn ứng tuyển của em, với mỗi kỳ, hồ sơ lại được cập nhật", Minh Anh nhớ lại. Theo lời Minh Anh, mỗi năm với ba kỳ Thu - Xuân - Hè, em đều đặn gửi hàng trăm đơn ứng tuyển nhiều vị trí khác nhau của 5-6 đài truyền hình, tòa soạn ở Mỹ, và đã bị từ chối hơn 400 lần.

Yêu thích viết lách, Minh Anh cộng tác với một số tờ báo thiếu nhi từ nhỏ, từng được giải "Cây bút triển vọng" của tờ Thiếu niên Tiền phong năm 2015. Em cũng là chủ tịch câu lạc bộ viết báo ở trường Ams năm lớp 11 và lớp 12. Tháng 8/2018, với mục tiêu trở thành một doanh nhân, Minh Anh sang Mỹ du học ngành Kinh tế tại Đại học Fairfield.

Vào kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, Minh Anh được nhận vào thực tập tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam. Cũng từ đây, nữ sinh hào hứng và có niềm yêu thích với công việc của một phóng viên truyền hình. Trở lại Đại học Fairfield, Minh Anh đăng ký học thêm ngành Truyền hình, khiến khối lượng học nặng gấp đôi vì hai ngành mà em theo học không có tín chỉ nào trùng nhau. Dù vậy, cô gái người Việt luôn đạt điểm trung bình (GPA) 4.0/4.0, vào danh sách học sinh xuất sắc của trường (Dean’s List).

Vì sống ở New York, mỗi ngày Minh Anh mất khoảng 5 tiếng ngồi tàu, em đã tận dụng thời gian này để làm bài. Minh Anh sử dụng phương pháp 80/20, giúp tối đa hoá hiệu quả học tập bằng cách phân bổ 20% thời gian cho những việc mang lại 80% tổng hiệu quả. Em tìm cách nắm bắt kiến thức trọng tâm của mỗi môn học để tối ưu thời gian học tập, luôn chuẩn bị và hoàn thành bài tập trên lớp kỹ và sớm hơn các bạn khác.

Minh Anh thích nhất môn Đạo diễn, em được học về cách diễn xuất, tương tác với diễn viên và làm phim ngắn. Điều này giúp em có cái nhìn bao quát về công việc sản xuất trên trường quay. Các giáo sư giao cho sinh viên nhiều bài tập nhóm. Để hoàn thành tốt bài tập, Minh Anh phải chủ động giao tiếp với các thành viên khác để bảo vệ quan điểm cũng như học cách ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong khâu sản xuất.

Theo nữ sinh, điểm số tốt giúp các nhà tuyển dụng có cơ sở đánh giá về khả năng tiếp thu và nền tảng học vấn của mình. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp em vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ ở NBC.

Minh Anh tiếp tục thực tập ở Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam năm 2020 và Vụ Thông tin - Báo chí, Bộ Ngoại giao năm 2021 để trau dồi kinh nghiệm. Khi thực tập tại đài truyền hình, em được thử sức với mọi công việc trong trường quay. Còn quãng thời gian thực tập tại Bộ Ngoại giao giúp em có cái nhìn vĩ mô hơn về công tác báo chí đối ngoại, cũng như trau dồi thêm vốn hiểu biết về ngoại giao và tình hình chính trị khu vực.

Theo Minh Anh, các đài truyền hình ở Mỹ thường ưu ái tuyển dụng ứng viên người bản địa vì họ hiểu rõ về văn hoá, chính trị, lịch sử, các nhân vật có ảnh hưởng hơn ứng viên quốc tế rất nhiều. Các giáo sư của Minh Anh khuyên em nên thực tập tại một số đài truyền hình của bang để làm đẹp hồ sơ trước khi nộp đơn vào đài truyền hình NBC.

Dù là sinh viên quốc tế với hạn chế về ngôn ngữ, kiến thức văn hoá, xã hội nhưng Minh Anh cho rằng mình có thể đem đến cho đội ngũ biên tập góc nhìn đa dạng và khách quan của một cô gái châu Á, có quan điểm trung lập về chính trị. Ở NBC, nữ sinh trải qua ba vòng phỏng vấn. Tại vòng thứ hai, em có 30 giây để suy nghĩ và 1 phút 30 giây để trả lời mỗi câu hỏi. Nhà tuyển dụng sẽ xem tất cả video trả lời của thí sinh và chuyển hồ sơ những thí sinh tiềm năng cho các nhà sản xuất chương trình phù hợp. Vòng cuối cùng, Minh Anh được nhà sản xuất của NBC Nightly News yêu cầu phỏng vấn bất ngờ trong hai tiếng, không có sự chuẩn bị trước. "Em học thuộc tên mọi loại thiết bị, phần mềm trong trường quay, tìm hiểu nội dung trọng tâm các bản tin của chương trình thời sự", Minh Anh cho biết.

Nữ sinh nhận định những thất bại giúp em tiến lên và mỗi lời từ chối đều ẩn chứa một cơ hội đổi thay. Và điều quan trọng là em đã bền bỉ theo đuổi mục tiêu của mình. "Nếu được nhận vào NBC bốn năm trước, em sẽ không có cơ hội được thực tập tại Đài truyền hình và Bộ Ngoại giao Việt Nam, sẽ không mở rộng tầm mắt để quyết định theo đuổi ngành Chính sách công cho bậc thạc sĩ. Đặc biệt, em sẽ không có một tinh thần mạnh mẽ và khiêm tốn như bây giờ", nữ du học sinh nói, cho biết đã nhận tin trúng truyển bậc thạc sĩ từ Đại học Columbia và Đại học Johns Hopkins.

"Minh Anh là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Em có thái độ tích cực, bền bỉ, tinh thần cống hiến mà ít người có được", Giáo sư Sharma Nazuk, giảng viên Marketing tại Đại học Fairfield đánh giá.

Suốt ba mùa hè Minh Anh về Việt Nam thực tập, trên đường từ Đài Truyền hình về nhà, ngày nào em cũng bắt gặp một ông cụ ăn xin ở ngã ba đường, bất kể mưa nắng. Hình ảnh đó khiến em quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà báo để lên tiếng cho những con người không có tiếng nói trong xã hội. Đồng thời, nữ sinh đánh giá tin tức có thể hướng khán giả đến các giải pháp hiệu quả để xử lý những bài toán khó trong xã hội. "Kiến thức về chính sách công và hợp tác phát triển quốc tế sẽ là một nền tảng chắc chắn để em trở thành một nhà báo đúng với sứ mệnh của mình", Minh Anh chia sẻ.

(Nguồn: Vnexpress)

NHÀ HÀNG ẨM THỰC VIỆT TẠI QUẢNG CHÂU KHIẾN DÂN MẠNG BẤT NGỜ VÌ CẢNH XẾP HÀNG CHỜ BÀN ĐÔNG NHƯ TRẨY HỘI

Tại một nhà hàng Việt nổi tiếng tại nước bạn, hình ảnh thực khách xếp hàng dài chờ đợi để được vào trong ăn khiến nhiều người bất ngờ.

Từ lâu, các món ngon nước Việt đã vang danh ra thế giới. Từ các nước châu Á đến các nước phương Tây đều có mặt nhà hàng Việt Nam và được nhiều người địa phương yêu thích. Điển hình như đoạn video đang được lan truyền rộng rãi ghi nhận cảnh chờ bàn để ăn đồ ăn Việt tại Quảng Châu, Trung Quốc dưới đây.

Video được cô bạn người Việt đang sinh sống tại Quảng Châu quay lại được trước cửa một nhà hàng chuyên bán những món truyền thống của nước ta. Nhà hàng có tên là Tiger Prawn (tạm dịch: Tôm sú), được lấy cảm hứng từ con tôm sú đặc trưng của vùng sông nước Việt Nam.

Hàng dài người đứng ngồi ngoài đường để lấy số chờ vào trong ăn các món ngon tại đây. Dù chỉ mới đầu giờ chiều nhưng cũng thấy lượng thực khách "khủng" đổ về nhà hàng để dùng bữa.

Cô nàng TikToker cũng chia sẻ đây là nhà hàng do người Việt làm chủ nên các món ăn vô cùng đa dạng. Có thể thấy nhiều món thường bắt gặp ở đường phố như bún chả, bò lá lốt hay cả những món nộm như nộm xoài, nộm rau muống.

Món ăn ở đây được nhận xét là khá chuẩn vị, TikToker cùng gia đình đã ăn rất nhiều món tại nhà hàng. Cô nàng còn gọi thêm món bánh mì ăn không khác gì mua ở Việt Nam.

Khi ăn cô nàng cũng quan sát được nhiều thực khách dùng bữa vô cùng ngon miệng, nhiều thực khách còn tấm tắc khen các món như bún chả, phở,... Tưởng rằng ở Trung Quốc thì ít ăn món Việt, ai ngờ món ngon quê hương lại hợp khẩu vị người dân nước bạn như vậy!

Cư dân mạng sống tại Quảng Châu cũng biết về quán ăn nổi tiếng này. Mà cũng dựa theo các bình luận chia sẻ thì quán còn có chính sách ưu tiên đồng hương Việt Nam. Nếu ai là là người Việt hay nói tiếng Việt thì sẽ được lên vào thẳng nhà hàng mà không cần chờ đợi, sau đó lên tầng 2 để dùng bữa.

(Nguồn: Kenh14)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Trở lại '3 không' ở TQ; Hội từ thiện Sen vàng Berlin; Tết ấm áp ở Ma-Rốc; Diễn viên thắng Quả cầu vàng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang