Người Việt hải ngoại: Từ Maroc hướng về Trường Sa; Thiện nguyện ở Kiev; Giảng đạo Phật tại Nhật; Nhận học bổng ở Mỹ

Người Việt tại Maroc hướng về Trường Sa - Biển đảo quê hương

(Ảnh minh họa).

Tại chương trình giao lưu, các đại biểu xúc động xem lại buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc được tổ chức ngay trên boong tàu, ở vùng biển Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, chương trình giao lưu mang tên "Trường Sa - Biển đảo quê hương" vừa được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, giữa một số thành viên của Đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2016 với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, sinh viên và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Maroc.

Mở đầu chương trình, các đại biểu đã dâng hương bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà nhấn mạnh buổi giao lưu nhằm tăng cường nhận thức và tình cảm của cộng đồng người Việt Nam ở Maroc đối với Hoàng Sa-Trường Sa, để từ đó mỗi người sẽ có những hành động thiết thực góp phần lan tỏa hiểu biết về chủ quyền của Việt Nam và tiếp tục kết nối hậu phương với với các lực lượng đang gìn giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại sứ cũng cho biết Đoàn công tác số 6 năm 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức nhằm đưa khoảng 200 đại biểu kiều bào và một số cơ quan, địa phương trong nước ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Chuyến thăm diễn ra cách đây đã 7 năm nhưng từ đó đến nay, các thành viên của đoàn ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với nhau và trở thành những nòng cốt trong các hoạt động hướng về biển đảo quê hương, tất cả đó là nhờ có "chất keo gắn kết" Trường Sa.

Các đại biểu đã rất cảm động khi được xem những thước phim ghi lại toàn bộ hành trình chuyến đi của đoàn công tác số 6 năm 2016 qua hàng chục đảo và nhà giàn, thấy hình ảnh và nghe những lời chia sẻ của các cán bộ, chiến sỹ và kiều bào trong chuyến đi.

Đặc biệt, hình ảnh gây nhiều xúc động nhất là buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh được tổ chức ngay trên boong tàu, ở vùng biển Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao.

Thay mặt các thành viên của Đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2016, Đại tá Nguyễn Xuân Thanh đã trình bày về tình hình biển đảo của Việt Nam, về cuộc sống của các chiến sỹ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 cũng như tinh thần quyết tâm gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá cũng đề nghị cộng đồng người Việt tại Maroc, mỗi người bằng khả năng của mình, hãy đóng góp bằng vật chất và tinh thần cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhân dịp này, bà Bùi Thị Thu Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Trường Sa Cộng hòa Liên bang Đức, chị Tạ Thùy Liên, Trưởng Ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore và một số thành viên trong đoàn đã kể về những hoạt động đóng góp của cộng đồng người Việt ở các nước đối với Trường Sa thời gian qua cũng như chia sẻ với các đại biểu về những điều mắt thấy, tai nghe trong chuyến công tác đặc biệt đó.

Thông qua các câu chuyện, kỷ niệm được chia sẻ, các đại biểu thêm hiểu về cuộc sống và công việc của quân và dân nơi biển đảo xa xôi, qua đó thêm cảm phục và biết ơn sâu sắc ý chí sắt đá vượt mọi khó khăn gian khổ của quân và dân trên các vùng biển đảo luôn thường trực sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Cuối chương trình, các thành viên của Đoàn công tác số 6 năm 2016 và các đại biểu đã cùng nhau cất vang các khúc quân hành, các bài hát về Trường Sa và Tổ quốc.

Buổi giao lưu diễn ra hết sức xúc động, để lại ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào và ý thức đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong cộng đồng và sinh viên Việt Nam tại Maroc.

(Nguồn: Báo Thái Bình)

Giảng đạo cho Phật tử người Việt tại Nhật Bản

Trong chuyến hoằng pháp tại Nhật Bản, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Phó trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có buổi giảng đạo cho những Phật tử người Việt tại đây.

Chuyến hoằng pháp của Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các chư tăng dành cho những người Việt xa xứ trên đất nước mặt trời mọc đã nhận được sự quan tâm của các Phật tử. Đây cũng là buổi giảng đạo giúp các phật tử rèn luyện bản thân, nâng tầm vị thế người Việt ở nước ngoài, đồng thời mang lại sự gắn kết của Phật giáo quốc tế.

Tại buổi hoằng pháp ở thành phố Toyota (Aichi – Nhật Bản), Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã giảng cho các Phật tử những câu chuyện về phước báu, về luật nhân quả, gieo những mầm thiện lành để trổ quả ngọt, cây tốt tươi.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh căn dặn: con người đừng bao giờ sống ác, tránh gieo nhân để sau này trổ quả xấu, quả bất hạnh. Mà nên gieo những nhân để trổ quả lành thiện, quả phúc, quả may mắn, thành công, tốt đẹp. Để có tài sản thì cần tạo phúc, tài sản phụ thuộc vào phúc báu: không trộm cắp, không xui người trộm cắp, làm ra được tài sản thì báo hiếu cha mẹ, không bớt xén tài sản của bố mẹ...

Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, các Phật tử cần rèn luyện đạo đức theo 5 giới của người Phật tử tại gia để người Việt Nam được tin tưởng, yêu quý, tôn trọng ở nước ngoài. Làm sao để hình ảnh người Việt ở nước ngoài được đẹp, đạo đức, trách nhiệm. Đó là chúng ta đang đền đáp ân của đất nước, ân của quốc gia.

"Trong mỗi con người luôn tồn tại một vị Phật, mỗi người phải tự ý thức, trách nhiệm về hình ảnh của đất nước mình tại đất nước bạn, sang nước ngoài là mình làm đại sứ cho đất nước, không làm gì ảnh hưởng đến quốc thể. Điều này giúp tạo nên sự lâu dài, bền vững cho những người đến sau", Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.

Nhắc đến quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định, việc thực hiện tốt các quy định của nước sở tại giúp xây dựng uy tín của người Việt tại nước ngoài. Mỗi cá nhân cần có uy tín, thực hiện tốt quy định là góp phần xây dựng tình hữu nghị và sự gắn kết lâu dài giữa hai nước.

Sau buổi hoằng pháp tại thành phố Toyota, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi hoằng pháp ở thành phố Fukuoka ngày 23/4 về luật nhân quả, khuyến khích người Việt sống tự tin, tích cực, yêu quê hương đất nước; mang nét đẹp truyền thống dân tộc đi ra nước ngoài, đặc biệt là có tình yêu thương sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc và trong tu tập để trở thành con người có đạo đức, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Người Việt ở Ukraine được cảnh sát Kharkiv trao giấy khen vì thiện nguyện giúp người

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo Sở cảnh sát Kharkiv (Ukraine) đã gửi tặng giấy khen cho ông Anh Tuấn và bà Semerianova Yana Oleksandrivna vì vợ chồng họ đã tích cực có những hoạt động tình nguyện trong thời gian qua.

"Chung tay vì cộng đồng!"

Mới đây, Sở cảnh sát Kharkiv đã trao giấy khen và lời cảm ơn đến cặp đôi chồng người gốc Việt vợ người Ukraine vì có nhiều hoạt động ý nghĩa trong việc thiện nguyện. Vợ chồng ông cùng các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm đã và đang tích cực có những việc làm tốt cho người dân đang sinh sống ở Ukraine.

Giấy khen được trao cho vợ chồng ông có nội dung: "Sở cảnh sát Ukarine tại Kharkiv xin gửi lời cảm ơn tới anh Trịnh Anh Tuấn, chị Semerianova Yana Oleksandrivna, đại diện cộng đồng Việt Nam vì những sáng kiến, quan điểm dân sự tích cực và sự hỗ trợ hiệu quả dành cho các đơn vị cảnh sát Ukraine. Nhờ những công dân sáng tạo và nhiệt huyết với Ukraine như anh chị, hoạt động tình nguyện đã trở nên hiệu quả hơn và góp phần đưa chiến thắng của chúng ta lại gần hơn. Xin chúc anh chị và các cộng sự của anh chị mọi điều tốt lành và vạn sự như ý, có nhiều sức khỏe, gia đình êm ấm, lạc quan và làm việc hiệu quả".

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trịnh Anh Tuấn (55 tuổi, quê ở Hải Dương) cho hay, cầm trên tay tờ giấy khen của lãnh đạo Sở cảnh sát, ông coi đây là một niềm vui. Ông luôn nghĩ rằng, những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ mọi người giúp cho họ có thêm niềm tin và cũng là cách thể hiện tình cảm của người Việt dành cho người dân đang sống tại Ukraine.

Cách đây hơn một năm, xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra khiến cuộc sống của nhiều người rơi vào cảnh khó khăn. Không ít người buộc phải di tán sang nước khác để đảm bảo an toàn. Từ đó đến nay vợ chồng ông Tuấn cùng chung tay với các mạnh thường quân san sẻ những khó khăn đó. Mọi người khắp nơi quyên góp đồ dùng thiết yếu, ông đứng ra nhận và trao tận tay cho họ.

"Đó là tấm lòng của mọi người trên thế giới nói chung và người Việt nói riêng cùng đóng góp. Những món quà nhỏ cũng là sự động viên giúp người dân vượt qua khoảng thời gian gian nan", ông chia sẻ.

Nhìn những chuyến xe chở thực phẩm, thuốc men, quần áo,… được quyên góp ông thực sự xúc động trước tình nghĩa của tất cả mọi người giữa lúc khó khăn, hoạn nạn. Hơn một năm qua, vợ chồng ông đồng hành cùng nhau trong những hoạt động thiện nguyện.

"Chúng tôi không làm để nhận được sự công nhận của ai khác, không làm một cách ồ ạt mà luôn hướng đến những người dân cần. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian đầu việc vận chuyển đến các nơi đang cần gặp nhiều khó khăn về chuyện đi lại, giấy tờ xác minh. Hiện đến thời điểm này mọi thứ đã tạm ổn. Đây cũng là một việc đánh dấu sự tham gia của cộng đồng người Việt chung tay giúp đỡ lẫn nhau khi xung đột xảy ra", người đàn ông chia sẻ.

Cảm động tình người giữa khó khăn

Ông Tuấn cho hay, may mắn nhà ông không bị ảnh hưởng do xung đột, gia đình ông vẫn ở nhà an toàn. Nghĩ lại những chuyến đi hỗ trợ người dân ở vùng cần giúp đỡ, ông vô cùng cảm động. Giữa cảnh mưa bom, bão đạn, tình người vẫn trỗi dậy giúp ông quên đi những nỗi sợ hãi.

"Trước khi vào những vùng bắn phá ai cũng sợ nhưng khi thấy bà con, tận tay trao cho họ những đồ dùng cần thiết mọi lo lắng gần như tan biến. Mọi người nhận quà rất nghiêm túc, không bao giờ có sự chen lấn, xô đẩy. Tôi vẫn nhớ như in lúc ra về có một bà cụ cầm theo túi táo chạy đuổi theo đưa cho tôi nói đây là "cây nhà, lá vườn". Bà muốn tôi cầm cho vui, xem đó là lời cảm ơn. Bà rất cảm động và tôi cũng rơi nước mắt. Tôi và bà cùng ôm nhau, bà mong chúng tôi thường xuyên đến khu vực đó để gặp và giúp đỡ bà", ông bộc bạch.

Bà Semerianova Yana Oleksandrivna (44 tuổi, vợ ông Tuấn) luôn đồng hành cùng ông trong các hoạt động thiện nguyện. Vợ chồng họ có hai người con, bà Yana cũng là người tích cực đóng góp cùng chồng hỗ trợ người dân trên chính quê hương mình. Nhận giấy khen từ Sở cảnh sát bà cũng rất vui và tự hào.

(Nguồn: Thanh Niên)

Steven Truong - người Mỹ, gốc Việt nhận học bổng 90.000 USD

Steven Truong là 1 trong 30 người (được lựa chọn từ 2.000 hồ sơ) vừa được Quỹ Paul & Daisy Soros Fellowships for New America (Mỹ) vinh danh. Quỹ này nhằm tôn vinh sự đóng góp đáng kể của những người nhập cư và gia đình của họ đối với xã hội, văn hóa và học thuật Mỹ. Người được lựa chọn sẽ nhận học bổng 90.000 USD trong 2 năm.

Steven Truong tốt nghiệp đại học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2020 và hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford. Anh sinh ra tại St. Paul, bang Minnesota, trong một gia đình người Việt Nam.

Mặc dù có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật và đã gặt hái được nhiều thành công, song hướng nghiên cứu chính của Steven Truong là góp phần giải quyết và điều trị các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường. Trong những năm học đại học tại MIT, Steven Truong đã làm việc tại Phòng thí nghiệm Langer-Anderson để phát triển insulin thông minh và tại Phòng thí nghiệm Lauffenburger để nghiên cứu mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch và bệnh tiểu đường. Với sự tài trợ từ một chương trình nghiên cứu của MIT, Steven Truong đã có sự hợp tác với các đồng nghiệp tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu về cơ sở di truyền của bệnh tiểu đường và đã cùng họ công bố kết quả nghiên cứu về liên kết đa hình đơn nucleotide với bệnh tiểu đường loại 2 ở người Việt Nam. Anh hiện đang tham gia một dự án nghiên cứu do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ liên quan tới bộ gen của người Việt.

(Nguồn: Tạp Chí Khoa học & Công nghệ)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang