Người Việt hải ngoại: Tiếng Việt kết nối kiều bào; Triển lãm ở Anh; Quảng bá văn hóa ở Anh; Nước mía ở Úc

Tiếng Việt kết nối kiều bào với quê hương

(Ảnh minh họa).

Đối với cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ chính là nuôi dưỡng tình yêu cũng như sự hiểu biết, trân trọng đối với cội nguồn văn hoá quê hương cho thế hệ con, cháu.

Ở nước ngoài vẫn gắng cho con nói tiếng Việt mỗi ngày

Ông Trần Đăng Huệ (Harry Trần) có 6 năm học tập ở Đức và hiện cùng gia đình định cư ở thành phố Sydney (Australia) đã hơn 10 năm. Hai con ông là Đăng Bách (10 tuổi) và Isabella (8 tuổi) thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai nhập cư tại Úc. Ông Harry cho biết, gia đình rất quan tâm để các con có thể nói và hiểu được tiếng Việt ngay từ lúc nhỏ.

Đối với ông Harry, ông cố gắng để các con không coi tiếng Việt không phải là ngoại ngữ.

Hàng ngày ông và vợ tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với các con bằng tiếng Việt, cũng như tạo điều kiện để con nói chuyện với ông bà và họ hàng khi gọi điện thoại hoặc khi về thăm quê.

Vì ở trường hoàn toàn bằng tiếng Anh nên Bách và Isabella còn học tiếng Việt cùng với gia sư ngoài giờ để thành thạo ngữ pháp hơn. Cô trò dạy và học qua hình thức trực tuyến, từ một đến hai buổi một tuần.

Đây cũng là thời gian để Bách và Isabella tìm hiểu về văn hoá Việt Nam một cách tự nhiên, không gò bó.

Ông Harry cho biết các bạn thích thú với những câu chuyện dân gian như sự tích trầu cau, Sơn tinh - Thuỷ tinh qua sách tiếng Việt, hoặc nghe kể chuyện cổ tích, tìm hiểu phong tục truyền thống như cúng bái tổ tiên, chúc sức khoẻ ông bà và người lớn tuổi vào ngày Tết...

"Ngày lễ Việt Nam yêu thích của Bách và Isabella chính là ngày Tết Nguyên đán, khi các bạn được cùng bố mẹ về quê, được nói bằng tiếng mẹ đẻ với mọi người xung quanh," ông Harry cho biết.

Từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, cả gia đình ông Harry về quê ăn Tết ở Thanh Hoá. "Vào thời điểm khi ở Việt Nam đón năm mới lại là mùa hè ở Australia. Về Việt Nam xum họp với gia đình, người thân và cảm nhận khác biệt về thời tiết, không khí và hương vị Tết đích thực, vì vậy các con rất thích thú, luôn muốn đón Tết ở quê", ông Harry chia sẻ.

Chuyến đi này đặc biệt hơn cả với Bách và Isabella vì không chỉ về quê để đón Tết cổ truyền mà còn được thăm Lăng Bác, đến đỉnh Fansipan (Sapa), hay rừng nguyên sinh và biển Phú Quốc. Nét đẹp của những nơi các con được đến, những điều các con khám phá về quê hương khiến cho Việt Nam trở nên gần gũi hơn, dù chỉ trong một thời gian vài tuần về thăm.

Ông Hary chia sẻ, tuy các con chưa có cơ hội đến đền Hùng hay ở Việt Nam vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhưng cả gia đình nhất định sẽ thăm địa danh này trong lần tới về nước.

Ông cũng mong với số lượng hơn 100.000 người Việt Nam sống tại thành phố Sydney, cộng đồng này sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi hơn để cho thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của người Việt tại đây được giao lưu và cùng nhau gìn giữ tiếng mẹ đẻ, nhất là các gia đình có con ở lứa tuổi như Bách và Isabella.

Tự hào về cội nguồn

Đối với bà Nguyễn Thu Thảo Griffiths (hiện đang sống và làm việc tại Singapore, hai con sống tại Australia), việc hai con là My (Aimee, 19 tuổi) và Liêm (Liam, 20 tuổi)) giỏi tiếng Việt là niềm tự hào.

Bà Thảo chia sẻ: "Chồng tôi người Australia nhưng giỏi tiếng Việt nên trong gia đình chúng tôi cũng dùng tiếng Việt song song với tiếng Anh. Kể cả khi tôi không ở nhà, ba bố con cũng nói chuyện với nhau tiếng Việt".

Bà Thảo còn cho con, đặc biệt là My, đọc nhiều những tác phẩm thơ văn như Truyện Kiều hoặc ca dao, câu chuyện dân gian. Bà cho biết, tình yêu với thơ ca, văn học là do được mẹ bà, là giáo viên dạy văn, truyền cho, vì vậy bà cũng muốn truyền dạy cho con gái.

"Tôi muốn con ý thức được nét đẹp nhất của cả và Việt Nam cũng như sự tôn trọng, bình đẳng giữa các nền văn hoá. Tôi cho rằng khi các con tự thấy tự hào về người Việt, thấy thơ văn Việt hay quá, sẽ tự nhiên tìm hiểu về Việt Nam, muốn giỏi tiếng Việt,", bà Thảo chia sẻ.

Vừa qua, khi tham dự buổi lễ sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia đầu tháng 3/2023 tại Hà Nội, bà Thảo đã chia sẻ về câu chuyện và ý nghĩa của sự kiện đặc biệt đối với bà và con gái.

Trước chương trình ít ngày, cô sinh viên năm nhất tại Đại học quốc gia Australia còn đang ở trường học thì bất ngờ nhận được lời mời dẫn chương trình cho đêm Gala tại Hà Nội từ đích thân Tân Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski. Ngay cả khi bà Thảo cũng động viên về cơ hội đặc biệt này, nhưng My cho biết mình rất phân vân vì tự ti rằng mình không biết "tiếng Việt trang trọng".

Nhưng rồi với sự động viên của mẹ, My vẫn nhận đã nhận lời dù lúc đó vẫn đang ngồi học, chưa có vé máy bay hay đồ đạc gì chuẩn bị về nước. Quyết định bay từ Canberra (Australia) về Hà Nội, vừa chuẩn bị toàn bộ phần dẫn bằng tiếng Việt vừa học cách nói, cách phát âm thật chuẩn, tất cả đều chỉ có một, hai ngày để hoàn tất.

My chia sẻ với Thời Đại rằng, khi đã chấp nhận thử thách lần đầu dẫn chương trình bằng song ngữ Việt - Anh trước hàng trăm quan khách, cô không cảm thấy run mà chỉ thấy háo hức và tự hào.

"Tôi tự hào khi được coi là người Việt Nam ở Úc. Tôi luôn giới thiệu với bạn bè ở trường và người quen về những điều tốt đẹp, thú vị trong văn hoá Việt Nam. Họ rất thích khi nghe tôi kể về việc Tết ở Việt Nam, tôi được mừng tuổi, hay cùng tôi ăn những món Việt,", My chia sẻ.

Đặc biệt, My có ước mơ sẽ được làm những công việc liên quan đến quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới cũng như trở về sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian dài sau khi tốt nghiệp đại học. Cô cho rằng bên cạnh việc học hiện nay khá bận rộn nhưng luôn luyện tập tiếng Việt hàng ngày. Như mọi năm, kế hoạch của cô vào ngày lễ đặc biệt của Việt Nam sẽ là đến nhà người quen cùng thưởng thức các món Việt để có được không khí đón lễ như ở quê hương, ngay ở tại Australia.

(Nguồn: Thời Đại)

Triển lãm về ký ức quê hương của các nghệ sỹ gốc Việt tại Anh

Rất đông khán giả đã đến tham quan triển lãm “Không đâu bằng nhà” của các nghệ sỹ gốc Việt tại Anh để trải nghiệm, ôn lại ký ức tuổi thơ gắn với quê hương Việt Nam, nhất là những người Việt trẻ tuổi.

Giữa những ngày cuối tháng Tư ngập tràn không khí Xuân với muôn hoa khoe sắc ở thủ đô London của nước Anh, chợt như chìm vào một trời ký ức về tuổi thơ, về quê hương Việt Nam những năm 1980 khi bước vào không gian của triển lãm “Không đâu bằng nhà” (No place like home) - một triển lãm về những ký ức, trải nghiệm với quê hương Việt Nam của những nghệ sỹ gốc Việt sống tại Anh.

Được khai trương vào ngày 19/4 tại Bảo tàng về nhà (Museum of the home) ở thủ phủ Hackney của cộng đồng người Việt tại London, triển lãm này là phần tiếp nối hành trình khám phá quê hương của các nghệ sỹ gốc Việt, bắt đầu vào năm 2022 tại Phòng trưng bày Canning.

Rất đông khán giả thuộc nhiều tầng lớp, dân tộc, lứa tuổi khác nhau đã đến tham quan triển lãm để trải nghiệm, ôn lại ký ức tuổi thơ gắn với quê hương Việt Nam, đặc biệt là những người Việt trẻ tuổi.

Thứ dễ đưa chúng ta sống lại những ký ức xa xưa về gia đình, về quê hương bản quán hay rộng hơn là đất nước chính là những vật dụng, cảnh vật, hình ảnh thân thiết và vô cùng đặc trưng của một thời đã xa, không thể phai mờ trong ký ức.

Đó là hình ảnh của bữa cơm gia đình truyền thống mà những người dân gốc Việt nỗ lực gìn giữ để mọi thành viên gắn kết với nhau ở nơi xứ người.

Ở đó có các món ăn truyền thống gắn bó với ký ức, bản sắc Việt mà các bậc làm cha làm mẹ muốn lưu giữ cho thế hệ sau ở ngay đất nước nơi họ định cư.

Căn phòng chính của triển lãm trưng bày các tác phẩm được tạo hình trên những chiếc bàn thấp và mời khách tham quan ngồi trên thảm rơm để tham gia các tác phẩm nghệ thuật.

Hình dạng cong mềm mại của chiếc bàn phá vỡ cấu trúc của những chiếc bàn truyền thống thường có cạnh cứng uy nghiêm.

Điều này tạo thuận lợi cho khách tham quan thoải mái trao đổi hay truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho những người thế hệ sau.

Cảnh quan thành phố nổi bật được lắp đặt ở lối vào phòng triển lãm, dựng lên từ những chiếc ghế đẩu bằng nhựa của Việt Nam, làm nổi bật tác động của cấu trúc đô thị đối với cảm xúc của những người con đất Việt xa xứ.

Không gian kê bàn thờ truyền thống của người Việt, thường được đặt ở trước cửa của một doanh nghiệp hoặc nhà riêng, gợi nhớ khách tham quan về hình ảnh đặc trưng của Việt Nam không thể lẫn vào đâu.

Triển lãm sẽ tiếp tục được mở cửa cho khách tham quan đến ngày 11/7 tới với nhiều chương trình tọa đàm, tiệc trà, ẩm thực Việt Nam.

(Nguồn: VietnamPlus)

Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Anh

(Ảnh minh họa).

Trong khuôn khổ Những ngày Việt Nam tại Anh (từ 28/3 đến 27/4) kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh, Hội sinh viên Việt Nam tại Anh đã tổ chức chương trình Giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Ðại học Aston ở thành phố Birmingham của Anh.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, sinh viên Việt Nam và bạn bè quốc tế, với nhiều hoạt động phong phú, như triển lãm ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam-Anh, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn áo dài, các trò chơi dân gian, giới thiệu ẩm thực Việt Nam...

Ðại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Anh, sự kiện giới thiệu văn hóa Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, cũng như giữa Việt Nam và thành phố Birmingham.

Ðại sứ kêu gọi cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Anh tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè Anh, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Hiệu trưởng Ðại học Aston, Giáo sư Aleks Subic cho biết, ông rất vui khi được kết nối với Việt Nam thông qua chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam. Ðại học Aston luôn coi trọng và hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy giao lưu văn hóa của sinh viên nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Giám đốc về quan hệ quốc tế của Ðại học Aston, ông Matt Dean bày tỏ ấn tượng mạnh về các màn biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian và khẳng định sự kiện này là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè Anh.

(Nguồn: Nhân Dân)

120.000 đồng/ly nước mía của người Việt ở Australia gây sốt, ép cùng đủ thứ

Đoạn video ghi cảnh cửa tiệm nước mía của người Việt nằm bên trong trung tâm thương mại ở Australia luôn trong tình trạng tấp nập khách tới đặt mua, thu hút hơn 14 triệu lượt xem.

Trong thời gian qua, hình ảnh về những chiếc xe ép nước mía của Việt Nam xuất hiện ở một số nơi trên thế giới như Hàn Quốc hay châu Phi đang nhận được sự chú ý từ dư luận.

Từng "gây sốt" tại Hàn Quốc, thứ đồ uống ngọt mát bình dị của người Việt bất ngờ chinh phục thực khách ở "xứ sở kim chi". Chủ quán người Việt cho biết, vào thời gian cao điểm, cô có thể bán được hơn 1.200 ly mỗi ngày với giá 5.000 won (gần 90.000 đồng/ly).

Trước đó, máy ép nước mía cũng xuất hiện trong phiên chợ tại Angola ở châu Phi khiến thực khách tò mò chờ mua. Theo chủ quán Lindo, máy ép được đưa từ Việt Nam qua, còn mía là nguyên liệu tương đối rẻ, không khó tìm tại địa phương, nhưng đây là lần đầu người dân được nếm thử thứ đồ uống này.

Và mới đây, nước mía tiếp tục nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ thực khách. Món đồ uống bình dân này xuất hiện trong nhà hàng, quán ăn của người Việt khắp thế giới, trong đó có Australia - quốc gia có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc.

Được biết, tiệm nước mía mang tên Juice Mia do người Việt mở, nằm tại trung tâm thương mại Stockland Merrylands thuộc bang New South Wales, Australia. Quán đã mở được một thời gian, nhưng thực sự gây sốt sau khi đoạn video do blogger có tên Raafat Maamari chia sẻ lên mạng xã hội.

Những đoạn video do blogger đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem. Thậm chí có những video đạt con số kỷ lục lên tới gần 14 triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn bình luận.

Theo lời chia sẻ, Juice Mia là một cửa hàng nhỏ đặt tại sảnh của trung tâm thương mại. Cửa tiệm dùng loại máy ép mía bằng kim loại nhìn khá giống với những chiếc máy của Việt Nam. Quán dùng loại mía xanh để ép lấy nước.

Nét đặc biệt của tiệm nước mía này ở chỗ, thay vì gọt hết vỏ, cửa tiệm vẫn giữ nguyên phần vỏ ngoài được sơ chế sạch sẽ từ trước. Sau đó, nhân viên sẽ chẻ mía làm đôi. Tùy theo khẩu vị của từng khách muốn uống vị nào, họ sẽ đặt thêm một số hoa quả vào giữa thân mía rồi mới ép.

Thực đơn của quán rất phong phú. Ngoài nước mía nguyên chất, khách có thể chọn uống kèm dâu tây, dứa, kiwi, vài lát chanh hay thậm chí thêm vài lát gừng.

Giá một ly nước mía tại đây từ 6 AUD - 7,7 AUD (93.000 đồng - 120 nghìn đồng) tùy theo cách khách chọn uống loại tự nhiên hay kết hợp với số lượng trái cây.

Hiện video thu hút lượng tương tác lớn với nhiều ý kiến trái chiều bình luận về giá cả. Có người cho rằng, với một ly nước mía bình dân ở Việt Nam chỉ khoảng 10.000 đồng, thì giá thành ở Australia được coi là "quá đắt đỏ".

Tuy nhiên, cũng có nhận định cho biết, chẳng riêng gì Australia, ly nước mía khi "xuất ngoại" sang các nước khác đều có giá khá cao, liên quan tới vấn đề vận chuyển, chi phí nguyên liệu, thuê nhân công và mặt bằng đắt đỏ.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang