Người Việt hải ngoại: Trải nghiệm văn hóa Nhật; Lính Quảng Trị ở Nga; Thực tập sinh bị tố lười; Giấc mơ nghiên cứu ở Mỹ, Nhật

Mie: Thực tập sinh Việt Nam trải nghiệm văn hoá Nhật cùng học sinh địa phương

Vào ngày 19 tháng 12, các học sinh Trường Trung học cấp Tỉnh Nabari ở Higashimachi ở thành phố Nabari, tỉnh Mie và các thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đang làm việc tại các công ty trong thành phố đã thắt chặt tình bạn thông qua trải nghiệm văn hoá truyền thống là Nghệ thuật cắm hoa – Ikebara/KadoTrà đạo – Sado/Chado.

Buổi họp mặt giao lưu được tổ chức tại cùng một trường trung học và lần đầu tiên được thực hiện với sự hợp tác của nhà máy Nabari (Shibaide, Thị trấn Kuramochi) của nhà sản xuất thiết bị nhà ở LIXIL. Những người tham gia bao gồm 20 thực tập sinh Việt Nam, hầu hết ở độ tuổi 20, bắt đầu làm việc tại nhà máy từ năm nay và 20 học sinh từ các câu lạc bộ Cắm hoa và Trà đạo của trường.

Sau khi được các học sinh trong Câu lạc bộ cắm hoa giải thích về lịch sử và triết lý cắm hoa, các thực tập sinh đã thử sức mình với nghệ thuật cắm hoa bằng cách sử dụng một chiếc jubako làm bình hoa. Sau khi nhận được lời khuyên từ các học sinh về cách giữ thăng bằng, họ đã tạo ra những tác phẩm sáng tạo của riêng mình bằng cách sử dụng các loại hoa như hoa kanzakura (một dòng hoa anh đào) và hoa hồng.

Các học sinh người Nhật đã cố gắng giao tiếp với thực tập sinh không chỉ bằng cử chỉ mà còn bằng việc sử dụng ứng dụng dịch thuật trên điện thoại thông minh. Những người tham gia với khoảng cách tuổi tương đối ngắn nên đã nhanh chóng gắn kết với nhau, cười đùa và chụp ảnh selfie cùng nhau trong suốt buổi trải nghiệm.

Tiếp theo, trong phần trải nghiệm trà đạo, các thực tập sinh được các thành viên đến từ câu lạc bộ Trà đạo giải thích về nghi thức, sau đó nếm thử trà matcha do các học sinh pha và các loại bánh ngọt truyền thống Nhật Bản từ một cửa hàng địa phương.

Bạn Thanh (20 tuổi), đến Nhật Bản vào tháng 9, cho biết: “Đó đều là những trải nghiệm mới mẻ đối với em. Việc cắt cành trong cắm hoa khó, việc xoay bát trong trà đạo thật thú vị. Các em học sinh cấp 3 dạy chúng tôi rất nhiệt tình và dễ hiểu”. Touka Nakabayashi (18 tuổi), chủ tịch câu lạc bộ Cắm hoa năm thứ 3, nói. “Tôi rất vui vì mọi người đều thích nó. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi thấy một số anh chị nghĩ ra cách bài trí hoa mà chính tôi cũng không nghĩ tới.” .

Trải lòng của những người lính chiến trường Quảng Trị ở Liên bang Nga

Nhiều thế hệ người Việt Nam, trước đây sang Liên Xô học tập, nghiên cứu và lao động, đã ở lại Liên bang Nga làm ăn và sinh sống.

Trong số này có không ít những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam từng đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Họ đã hàng chục năm sống ở xứ sở Bạch Dương, coi đây như quê hương thứ hai của mình, đồng thời vẫn một lòng trung thành đi theo Đảng, có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại.

Ông Trần Văn Hiển, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, 50 năm tuổi Đảng, cho biết ông vừa tốt nghiệp phổ thông đã tòng quân, tham gia chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Khi đó cả nước hừng hực khí thế ra trận. Lớp thanh niên các ông bị cuốn vào bầu không khí đó mà không hề suy tính gì. Ông Hiển chia sẻ: “Giữa cái sống, chết, hy sinh, giữa cái tiễn biệt anh em xảy ra hàng ngày, tôi cho là người lính lúc đó chỉ có trách nhiệm, nhiệm vụ của mình với đất nước và không suy nghĩ, dao động gì cả”.

Nhớ lại những năm tháng ác liệt ngoài chiến trường, ông Trần Văn Hiển hồi tưởng nhiều kỷ niệm đáng nhớ ở Trường Sơn, trong đó đáng nhớ nhất là mùa mưa Quảng Trị. Ông kể rằng vào mùa mưa Quảng Trị, ông cùng các đồng đội đứng bên này suối phải nhịn đói vài ngày, dù bên kia là kho gạo mà không qua lấy được. Ông cũng chia sẻ nước lũ dữ dội vào mùa mưa Quảng Trị cho thấy sự gian lao của người lính, nhưng với sức trẻ, sức khỏe và nhiệt huyết thời đó, ông cùng các đồng đội đã vượt qua tất cả.

Năm 1994, ông Hiển là Bí thư Chi bộ “ốp” Salut-2 với 36 đảng viên thuộc Tổng công ty Bến Thành Moskva. Thời kỳ đó, khu buôn bán này của người Việt Nam ở Moskva thường xuyên được đánh giá là đơn vị cộng đồng tốt, yên ổn, tạo điều kiện cho nhiều người làm ăn và thành đạt. Hiện nay ông Hiển là chủ khu khách sạn-nhà hàng Rybak, từng rất đông người Việt Nam sinh sống và làm ăn ở thủ đô Moskva những năm 2000. Đề cập đến kinh nghiệm thành công trong thời gian chật vật làm ăn ở Liên bang Nga, ông Hiển cho rằng điều quan trọng là cần phải lao động nghiêm túc, có trách nhiệm và đặc biệt là tạo được lòng tin với mọi người. Những người lớn tuổi, đã kinh qua quân đội nên là tấm gương, tạo niềm tin cho cộng đồng, tổ chức hợp lý để bà con ổn định làm ăn.

Ông Lưu Công Niệm, 50 năm tuổi Đảng, quê Chương Mỹ, Hà Nội, Bí thư Chi bộ Docuchaev thuộc Đảng bộ tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Liên bang Nga. Ông cho biết cũng từng có mặt tại chiến trường Quảng Trị ở Cửa Việt, tham gia nhiều trận đánh và ông có rất nhiều kỷ niệm trong thời kỳ quân ngũ. Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là ngày giải phóng miền Nam. Ông kể: “Chúng tôi khi đó, tất cả, từ người dân, đến cán bộ chiến sĩ đều rất hào hứng, phấn khởi và chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, khi là những người lính trong ngày trọng đại này”. Ông Niệm cũng tâm đắc vì đã gắn bó với Đảng suốt chặng đường hơn 50 năm. Theo ông Lưu Công Niệm, mặc dù đã trở về với đời thường, song ông luôn tâm niệm làm sao phát huy được truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ, luôn giữ được phẩm chất và đạo đức của anh bộ đội cụ Hồ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Đon, 40 năm tuổi Đảng, quê Quảng Ninh, Quảng Bình, cho biết ông đã tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè “hoa lửa” năm 1972. Lớp sinh viên và giáo viên các ông khi vào chiến trường là những người lính trẻ, hăng hái và không suy nghĩ về ngày trở về. Cho đến nay, ông vẫn yêu màu xanh áo lính. Nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, ông Đon bày tỏ tiếc thương cho những người không được may mắn trở về và những người đồng đội chưa tìm ra được mộ chí.

Thực tập sinh người Việt từng tham gia show Mnet bị tố lười biếng và loạt "phốt" chấn động với quản lý cũ, công ty lập tức lên tiếng!

CONGB - thực tập sinh người Việt bước ra từ Boys Planet khiến MXH xôn xao vì loạt “phốt” tiêu cực.

Tối 20/12, fan Kpop có phen hoang mang trước loạt “phốt" liên quan đến Nguyễn Thành Công - CONGB, thực tập sinh người Việt bước ra từ show sống còn Boys Planet. Đầu năm nay, Nguyễn Thành Công và Đặng Hồng Hải gây chú ý khi tham gia show tuyển chọn nhóm nam của đài Mnet.

Dù không thể đi đến cuối và được suất debut, nhưng hai cái tên này đã sớm nổi tiếng trong cộng đồng fan idol - thực tập sinh Kpop người Việt. Hậu chương trình, Đặng Hồng Hải ở lại Hàn Quốc, tìm kiếm cơ hội ra mắt. Nguyễn Thành Công về Việt Nam và debut solo với nghệ danh mới CONGB.

Trên một trang cộng đồng, người dùng ẩn danh đã liệt kê loạt “phốt" của CONG. Cụ thể, sau khi kết thúc Boys Planet, nam ca sĩ lười biếng, không luyện tập; vô ơn, mắng chửi quản lý; tin đồn tình ái ở Thái; đổ lỗi vô cớ cho Đặng Hồng Hải; mắc bệnh ngôi sao và không thật lòng với những đồng đội cũ hiện là thành viên ZB1. Chưa kể, bài đăng còn tố CONGB vốn không thân thiết với Zhang Hao mà chỉ cố tình “ké fame”. Đi kèm là loạt ảnh chụp màn hình tin nhắn bị cho là của quản lý cũ CONGB.

Bài đăng thu hút hơn 1000 bình luận chỉ sau ít phút, khiến dân tình “rần rần" đồn đoán. Phần đông tỏ ra hoài nghi vì thiếu căn cứ. Loạt tin đồn tiêu cực chỉ dựa trên những tin nhắn không rõ nguồn gốc, bị cho là quản lý cũ CONGB, không có xác thực. Chưa kể, CONGB mới đây vừa ra mắt MV debut Em Đợi Anh Lâu Chưa, thu hút không ý sự chú ý từ cộng đồng người hâm mộ. Nhiều người cho rằng, việc bị thêu dệt tin đồn ác ý vốn không còn lạ, các fan cần giữ bình tĩnh để phân biệt đúng sai.

Không lâu sau bài đăng thị phi này, Mustation - công ty quản lý CONGB hiện tại lên tiếng làm rõ nghi vấn. Theo đó, Mustation thông báo đã tiến hành xác minh với các bên liên quan và phủ nhận toàn bộ tin đồn vô căn cứ. Bên cạnh đó, công ty xin lỗi những người bị ảnh hưởng, kéo vào lùm xùm không đáng có, sẽ có biện pháp xử lý, bảo vệ nghệ sĩ. Trên MXH, bài đăng này cũng đã bị gỡ khỏi nền tảng.

Nguyên văn thông báo của Mustation về bài đăng tố CONGB:

"Xin chào, đây là Mustation Entertaiment - công ty quản lý độc quyền nghệ sĩ CONGB.

Gần đây chúng tôi nhận được cảnh báo về các tin đồn đang lan truyền trên mạng về nghệ sĩ của chúng tôi - CONGB.

Sau khi kiểm tra và làm rõ với các bên liên quan - bao gồm nhân vật được đề cập trong tin đồn, chúng tôi xin phủ nhận những tin đồn vô căn cứ trên.

Như các bạn đã biết, CONGB vừa phát hành pre-debut single "Em Đợi Anh Lâu Chưa" trong chuỗi hoạt động pre-debut nhằm tri ân fanclub Unicongs nói riêng và khán giả nói chung.

Để quyết định đầu tư cho một nghệ sĩ, Mustation đã có thời gian đào tạo và quan sát, nhận định về tài năng lẫn tính cách của CONGB. Ngay khi về nước sau cuộc thi Boys Planet, CONGB đầu quân về Mustation Entertaiment. Cho đến nay, trong gần một năm rèn luyện và làm việc dưới sự quản lý của Mustation, CONGB đã cho thấy sự chăm chỉ, lòng trân trọng với không chỉ công ty mà còn với những cộng sự, những người giúp đỡ, ủng hộ mình, đặc biệt là người hâm mộ của CONGB. Đó là một trong những lý do thuyết phục chúng tôi lựa chọn đầu tư để CONGB phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình cảm và niềm tin của FC Unicongs cũng chứng minh phần nào tính cách, tài năng và nỗ lực của CONGB đã được ghi nhận bởi những khán giả dõi theo cậu ấy.

Chúng tôi chân thành xin lỗi những ai bị ảnh hưởng, làm phiền bởi tin đồn thất thiệt trên. Mustation đã can thiệp, ngăn không để chúng phát tán, gây nhiễu loạn thông tin thêm, tránh tổn hại thêm bất cứ ai.

Chúng tôi chân thành cảm ơn khán giả, người hâm mộ CONGB - FC Unicongs đã đồng hành và kịp thời thông tin đến công ty để xử lý, bảo vệ nghệ sĩ của chúng ta.

Chân thành,

Mustation Entertaiment"

Chàng trai người Việt dành 6 năm theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học trên đất Mỹ và Nhật

Nguyễn Đình Song Thanh (27 tuổi) vừa tốt nghiệp Thạc sĩ Y sinh học về tế bào gốc tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản. Hiện tại, chàng trai đang chuẩn bị hồ sơ học lên Tiến sĩ.

Bên cạnh việc học, Song Thanh còn thường xuyên chia sẻ các bài viết về trải nghiệm du học, văn hóa lịch sử Nhật Bản lên trang cá nhân và nhận tư vấn giúp nhiều sinh viên có ước mơ du học.

Trong một bài viết trên một hội nhóm của du học sinh, Song Thanh đã chia sẻ về hành trình du học của mình tại hai quốc gia Nhật Bản và Mỹ. Bài viết đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các bạn học sinh, sinh viên qua nhiều lượt bình luận và chia sẻ.

Chàng trai cho biết năm 2010, một bước ngoặt khiến Thanh thay đổi hoàn toàn là quyết định bỏ game online sau khi thấy bản thân tốn quá nhiều tiền, thời gian và kết quả học tập bị sụt giảm đáng kể. Sau sự nỗ lực thay đổi đó năm 2014, Thanh đỗ vào hai trường đại học. Trong đó anh đã chọn học tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM (IU) chuyên ngành công nghệ sinh học ( CNSH ).

Hai năm sau, Song Thanh thi đạt IELTS 6.5 và năm 2017 nhập học ngành Công nghệ Sinh học tại trường California State University San Marcos (CSUSM) ở Mỹ. Vào học tại đây, chàng trai Việt giành học bổng Tuition Waiver do trường CSUSM cấp và tốt nghiệp vào năm 2020.

Đến năm 2021, Thanh tiếp tục trúng tuyển vào chương trình học Thạc sĩ Đại học Tsukuba (Nhật Bản) về Y sinh học, chuyên ngành về tế bào gốc với học bổng JASSO.

Nhắc đến lý do để Song Thanh quyết định theo đuổi mục tiêu trở thành một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư xuất phát từ công việc bác sĩ của bố mẹ. Thanh chia sẻ: “Ba mình là một bác sĩ về gan còn mẹ mình là một bác sĩ nha khoa. Ba mình nói với mình rằng tế bào gốc là lĩnh vực nhiều hứa hẹn trong tương lai có thể giúp chữa trị các bệnh về ung thư. Thế nên mình đã tìm hiểu về tế bào gốc và muốn học về lĩnh vực này để chữa ung thư, nhất là sau khi đọc được những nghiên cứu của Giáo sư (GS) Yamanaka Shinya ở ĐH Kyoto về việc tạo ra những tế bào gốc đa năng (Induced Pluripotent Stem Cell - iPSC).

Từ những chia sẻ của ba mẹ và những nghiên cứu của GS Yamanaka, mình đã quyết định theo đuổi trở thành một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và sử dụng tế bào gốc để chữa ung thư”.

Theo Thanh tìm hiểu Mỹ và Nhật Bản là hai quốc gia hàng đầu về nghiên cứu tế bào gốc trong ung thư, nên việc học tập sẽ là những cơ hội lớn giúp anh đi sâu về lĩnh vực này. Đây cũng là lý do Thanh mong muốn được đến Mỹ và Nhật.

Ngày đặt chân sang CSUSM (Mỹ) học về Công nghệ sinh học vào năm 2017 Thanh đã phải trải qua nhiều thách thức. Tuy tiếng Anh giao tiếp khá tốt nhưng khi nghe giảng Thanh khó có thể hiểu được toàn bộ bài cũng vì vậy mà anh chàng từng bị trượt vài môn và bị mất học bổng.

Ngoài ra, ở Mỹ không chỉ học những môn chuyên ngành mà còn yêu cầu học thêm những môn trái ngành như kế toán, quản lý, marketing, xã hội học, tâm lý học,... Song Thanh bày tỏ điều này rất là khác biệt so với việc học ở Việt Nam. Bên cạnh đó sự khác biệt về văn hoá, lối sống, nhất là việc phải ăn nhiều fast food để tiết kiệm tiền và thời gian đã khiến anh chàng tăng cân rất nhiều. Việc đi lại cũng không đơn giản, thuận tiện như ở Việt Nam Thanh thường phải đi bộ hay bus, tàu khá mất thời gian.

Để cải thiện bản thân, nam sinh lựa chọn chủ động hỏi thầy cô những phần bài chưa hiểu sau giờ lên lớp. Bên cạnh đó, Thanh dành nhiều thời gian lên thư viện tìm đọc thêm những sách vở, tài liệu, hay xem những video bài giảng có liên quan và ghi chú lại.

“Mình cũng sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hoá những kiến thức mình đã học. Những vấn đề về văn hoá mình cũng chủ động tìm hiểu từ bạn bè người Mỹ và các du học sinh khác. Mình còn tham gia lab cô Trischman về vi sinh vật biển để học hỏi thêm về kiến thức sinh học và các kỹ năng làm thí nghiệm, mình cũng thường xuyên liên lạc với gia đình và được họ động viên nhiệt tình. Những điều đó đã giúp mình rất nhiều trong thời gian học ở Mỹ”, Thanh nói.

Quãng thời gian học ở Mỹ điều khiến chàng trai Việt tự hào nhất là đã tốt nghiệp đúng hạn, dù năm cuối là thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát dữ dội ở Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, niềm vui nối tiếp là Thanh giành học bổng Thạc sĩ Y sinh học Đại học Tsukuba về tế bào gốc. Có định hướng học lên Thạc sĩ nên trong thời gian học đại học Thanh luôn cố gắng đạt GPA cao và tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Song song với đó, anh chàng chủ động tìm hiểu các lab về tế bào gốc ở Nhật, nhất là lab thầy Ohneda ở Đại học Tsukuba, ngôi trường có thể coi là mơ ước từ lâu của Thanh.

Thanh tiết lộ: “Mình soạn kế hoạch nghiên cứu, có nhờ một số anh chị đi trước góp ý, hướng dẫn thêm để mình hoàn thiện. Trước khi phỏng vấn mình dành thời gian xem lại kế hoạch nghiên cứu, xem lại những kiến thức mình đã học ở bậc Cử nhân và tự học về tế bào gốc. Ngày phỏng vấn dù rất run nhưng mình cố gắng giữ bình tĩnh và thể hiện trọn vẹn bản thân”.

Khác với học ở Mỹ, sang Nhật du học rào cản ngôn ngữ là điều khiến Thanh lo lắng. Trong trường sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính nhưng ra ngoài anh cho biết đa phần mọi người không biết tiếng Anh, hay biết nhưng không giao tiếp được trôi chảy và đôi khi khó nghe.

Thêm nữa, phong cách làm việc ở Nhật khác nhiều so với ở Mỹ hay Việt Nam. Thanh kể ở Nhật Bản mọi người nhiều khi phải ở lại đến tối muộn để làm thí nghiệm, đọc tài liệu nghiên cứu. Một số môn khó đến mức Thanh buộc phải học lại mới qua được.

Tuy gặp nhiều thử thách nhưng Thanh vẫn đảm bảo tốt nghiệp đúng hạn. Anh chàng cũng là một trong những sinh viên đại diện trường tham gia một hội nghị liên ngành lớn tổ chức tại Tokyo.

Ngoài học tập, Thanh có cơ hội thưởng thức trà đạo, mặc kimono, ngắm hoa anh đào, ngắm mùa thu lá vàng lá đỏ, tham quan một số công trình văn hoá lịch sử như thành cổ Osaka, thành Kumamoto, chùa Vàng,... cùng các lễ truyền thống của nước bạn. Đây cũng là lý do Song Thanh dành nhiều tình cảm cho Nhật Bản hơn Mỹ.

Được học tập ở hai quốc gia rất phát triển đã giúp Thanh được mở mang, phát triển rất nhiều về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, tinh thần kỷ luật, những nét văn hoá lịch sử. Hơn hết là bước đà để Thanh thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khám phá những chân trời mới, tri thức mới. Hiện tại, anh chàng đang tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu bằng việc học thêm tiếng Nhật, trau dồi tiếng Anh, tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên môn, tham gia các hội nhóm khoa học và những buổi webinar, workshop, journal club.

Chia sẻ góc nhìn về cơ hội du học đối với sinh viên ngành Y, Song Thanh khẳng định: “ Ngành Y là một ngành thiết yếu trong cuộc sống, có nhiều lĩnh vực cần học lên chuyên sâu ở nước ngoài như tế bào gốc, sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh,... nên cơ hội là rất lớn và đa dạng, chỉ cần các bạn cố gắng nỗ lực”.

Nguồn: LocoBee; Thời Đại; Kenh14; Dân Việt

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang