Người Việt hải ngoại: Tết cộng đồng ở Ai Cập; Tết sớm ở Oxford; Tự hào về hai nghị sĩ; Một người đi xuyên Mông Cổ

Ấm áp Tết cộng đồng tại Ai Cập

Tối qua (2/2), Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức Tết cộng đồng đón chào năm mới Giáp Thìn 2024. Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo bà con Việt kiều, học sinh - sinh viên, người lao động, cán bộ, nhân viên… các cơ quan Việt Nam tại Ai Cập.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng bày tỏ vui mừng được chào đón đông đảo bà con người Việt thuộc nhiều thế hệ về tề tựu dưới mái nhà chung là trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Cairo để cùng nhau đón Tết cổ truyền với những ước nguyện tốt đẹp. Đại sứ mong muốn bà con người Việt tại Ai Cập tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về quê hương, đất nước.

“Tôi có niềm tin vững chắc rằng dù trong hoàn cảnh nào, đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng chúng ta ở Ai Cập sẽ luôn giữ vững tinh thần lạc quan, kiên trì vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau ổn định cuộc sống, tiếp tục hội nhập vào sở tại và giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về quê hương, cùng đồng bào trong nước đưa Việt Nam tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, thực hiện khát vọng lớn lao của toàn dân tộc Việt”, Đại sứ nói.

Tại buổi lễ, trong bầu không khí ấm áp và cởi mở, bà con Việt kiều cùng nhau thưởng thức một số món ăn truyền thống Việt như phở bò, nem rán, nem cuốn… và chia sẻ những câu chuyện vui năm cũ cùng những dự định, kế hoạch về cuộc sống, công việc, học tập… trong một năm mới với nhiều dự cảm tốt lành.

Tết sớm của người Việt ở Oxford

“Đối với một người con đất Việt sống xa quê hương, mỗi lần đón Tết xa nhà giống như một nốt trầm trong cuộc sống ở xứ người. Vì vậy được tham gia các sự kiện Tết của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Oxford là một sự háo hức, vui mừng, phấn khởi".

Đó là lời phát biểu chào mừng của bà Đào Thị Hồng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh khi tham dự chương trình Tết Oxford 2024 - Giáp Thìn do Hội sinh viên Việt Nam tại Oxford (VOX) tổ chức tại St.Hilda’s College - Đại học Oxford, Vương quốc Anh, ngày 27-1.

Tết nhớ nguồn

Anh Nguyễn Đức An, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Chủ tịch VOX và Trưởng ban Tổ chức Tết Oxford 2024 cho biết Tết Oxford được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 khi Hội VOX được thành lập và nay đã trở thành truyền thống hàng năm của Hội.

Tham dự sự kiện năm nay có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, đại diện tổ chức Việt Nam - UK Network, các giáo sư, cán bộ của Đại học Oxford và các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Oxford và các thành phố khác ở Anh. Đây là dịp để cộng đồng sinh viên Việt Nam tại thành phố Oxford cùng gặp gỡ, kỷ niệm Tết cổ truyền dân tộc, đồng thời là cơ hội để quảng bá với bạn bè quốc tế về các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ta.

Ngoài các phần như hội thảo “Net Zero” (“Không phát thải ròng”), phát biểu của các vị khách quý, với đầy đủ các tiết mục văn nghệ vui nhộn, các món ăn cổ truyền, mừng tuổi đầu năm, Tết Oxford 2024 năm nay với chủ đề “Tết nhớ nguồn” còn có thêm phần lễ Phật và Tổ tiên, cầu an đầu năm mới.

Xúc động nghi thức lễ Tổ tiên

Ấn tượng và xúc động khi dự phần nghi lễ truyền thống này, bà Đào Thị Hồng chia sẻ: “Đặc biệt nhất là các khách mời đều thực sự xúc động trước giây phút thiêng liêng trước nghi lễ cúng Tổ tiên cầu nguyện năm mới bình an, hạnh phúc dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Nhuận Tú.

Nghi lễ cúng Tổ tiên và cầu nguyện năm mới bình an, hạnh phúc với bàn thờ gia tiên, cành đào, bánh trưng và thắp nén hương trầm trong tiếng thỉnh chuông, tụng kinh, gõ mõ nhẹ nhàng, sâu lắng của Thầy đã chạm đến sâu thẳm trái tim của những người dự lễ. Có lẽ đây là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất trong năm để mọi người tưởng nhớ về cội nguồn, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên, cùng hướng về quê hương và nguyện cầu cho một năm mới tốt đẹp cho mọi người dân Việt Nam và thế giới.”

Bà Phạm Bảo Hà, hiện đang sinh sống và làm việc tại London, UK, trong nỗi niềm chung của những người con Việt Nam, cho dù đang ở bất cứ phương trời nào, cũng cùng hướng về quê hương, tổ tiên và gia đình trong những ngày Tết đến xuân về. Bà xúc động nói: “Đứng trước bàn thờ trang nghiêm, ngẫm câu đối đỏ, nghe lời tụng cầu an đầu năm, nghe tiếng chuông đổ, nhìn làn khói hương nghi ngút, những người con Việt trên đất Anh quốc và bạn bè quốc tế tham gia sự kiện vô cùng cảm động cùng hướng về quê nhà trong giờ phút thiêng liêng cầu mong một năm mới bình an.”

Cũng vậy, anh Đỗ Đặng Nhật Huy, sinh viên trao đổi ngành Kinh tế tại Đại học Oxford, cảm thấy rất vui và ấm cúng vì được cùng mọi người chuẩn bị và đón một cái Tết nho nhỏ, được kết nối với cộng đồng người Việt vì ở Oxford không có nhiều người Việt lắm. Anh Huy cũng chia sẻ thêm: “Tôi là người Công giáo nên đây cũng là lần đầu tiên được dự một buổi lễ cầu an chào năm mới. Phần lễ Tổ tiên giúp tôi hiểu thêm một phần của văn hóa dân tộc và tinh thần Phật giáo mà trước giờ mình chưa có cơ hội để tiếp xúc. Tôi rất là ấn tượng, vì trong tất cả các phần của buổi lễ, tôi thấy đều có tinh thần dân tộc bao trùm, không phân biệt và rất ý nghĩa”.

Giới thiệu văn hóa truyền thống đến bạn bè quốc tế

Sự kiện cũng đã để lại dấu ấn sâu đậm cho bạn bè quốc tế tại Đại học Oxford về nét văn hoá truyền thống và giá trị tâm linh của con người Việt Nam.

Giáo sư Malcolm McCulloch, chuyên ngành năng lượng tại khoa Khoa học Kỹ thuật, Đại học Oxford cho biết lễ hội Tết Việt rất sống động, với những nụ cười, sự phấn khởi, tươi vui và các món ăn ngon. Ông đặc biệt ấn tượng với nghi lễ cúng tổ tiên, dù nghi thức bằng tiếng Việt, nhưng ông vẫn cảm nhận được lòng biết ơn đối với cội nguồn của những người dự lễ. Và, Giáo sư McCulloch cho biết Tết Oxford đã truyền cảm hứng để ông tìm hiểu về đất nước và nền văn hóa Việt Nam và nhất định ông sẽ sang thăm Việt Nam.

Bà Lesley Bleakley, Chủ tịch của Blue Dragon Children’s Foundation UK, kể: “Khi tôi sống ở Việt Nam, tôi luôn muốn đến thăm viếng và dự lễ ở chùa, nhưng tôi luôn có cảm giác mình là một vị ‘khách không mời mà đến’, nên tôi đã chưa bao giờ đi chùa ở Việt Nam. Do đó, khi buổi lễ truyền thống bắt đầu là một khoảnh khắc tuyệt vời của sự bình an và tĩnh lặng đối với tôi. Hương trầm thoang thoảng, tiếng chuông du dương hòa vào tiếng tụng kinh đã cho tôi giây phút chánh niệm và giúp tôi kết nối với hai đấng sinh thành vừa mất cách đây vài năm”.

Bà cũng chia sẻ rằng bà vốn là người rất ngại tham gia các sự kiện, tuy nhiên Tết Oxford lần này là một ngoại lệ, vì mọi thứ từ các tiết mục đến đồ ăn đều rất tuyệt vời. Đặc biệt, bà cảm thấy rất thoải mái và được chào đón nồng hậu từ các bạn bè Việt Nam. Do đó, bà mong muốn sẽ tham dự Tết Oxford lần sau.

Gìn giữ và tiếp nối văn hóa dân tộc

Đối với các bậc cha mẹ, làm thế nào để cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa dân tộc, để từ đó gìn giữ và tiếp nối cái hay, cái đẹp của Tổ tiên luôn là niềm trăn trở lớn.

Anh Trần Công Minh, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Oxford, đã rất vui khi thấy các con mình được trải nghiệm Tết truyền thống năm nay: “Gia đình tôi có hai bé 4 tuổi và 1 tuổi sinh ra ở Oxford. Các bé chưa có dịp về Việt Nam ăn Tết bao giờ. Do đó, tôi không thể bỏ qua sự kiện Tết của Hội người Việt tại Oxford. Đây là dịp để con tôi được trải nghiệm văn hóa dân tộc, để con thêm yêu và tự hào về quê hương của mình.

Bé Công Vinh 4 tuổi rất hiếu động và tò mò về Tết. Tôi cũng thường chỉ cho con về những phong tục ngày Tết, giải thích cho con ý nghĩa về dịp đặc biệt này. Bé đã rất háo hức và vui mừng khi được tận mắt thấy câu đối đỏ, bánh chưng xanh, cành đào cành mai, được nhận lì xì và được ăn những món ăn truyền thống.

Trong sự kiện có buổi lễ cầu an, cậu bé chăm chú nhìn như để ghi nhớ hết mọi chi tiết. Bé tươi cười thích thú khi nghe thấy tiếng chuông tiếng mõ, bé cũng học theo bố mẹ chắp tay cầu khấn. Đến tối trở về nhà, bé vẫn có hàng ngàn câu hỏi vì sao? Có qua bao nhiêu tranh ảnh, bao nhiêu câu chuyện, bé cũng không thể hiểu và học nhanh bằng một lần được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm một buổi lễ ý nghĩa như vậy. Tôi mong bé sau này lớn lên, dù có ở nơi đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội của mình, nhớ về Tết như nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc”.

Đi du học cũng là cơ hội để hiểu hơn về văn hóa dân tộc

Có lẽ, chính các bạn sinh viên Oxford cũng đã có cho mình những kỷ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên khi tham gia chuẩn bị cho sự kiện. Anh Nguyễn Đức An cho biết sự kiện được diễn ra chu đáo là nhờ sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mỗi thành viên Ban Tổ chức và sự ủng hộ tích cực từ những khách mời tham dự. Với những khó khăn ban đầu từ việc liên lạc với trường đại học để có được địa điểm tổ chức sự kiện, cho tới việc lên khung và các tiết mục trong chương trình, cũng như chuẩn bị đồ ăn truyền thống Việt Nam (được đóng góp bởi chính công sức các bạn sinh viên Việt Nam).

Với tấm lòng hướng về cội nguồn, về truyền thống dân tộc, Ban Tổ chức đã nỗ lực và cố gắng hết mình để có thể tái hiện một sự kiện Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc và đem hình ảnh Việt Nam tới các bạn bè, giáo sư quốc tế.

Đối với riêng bản thân anh An, năm nay là Tết Nguyên đán thứ ba xa quê hương và gia đình. Anh An thổ lộ: “Với vai trò là Chủ tịch VOX và Trưởng ban Tổ chức sự kiện, cũng như là một người con xa xứ hướng về quê hương, sự kiện Tết năm nay đem lại cho em rất nhiều sự bồi hồi và xúc động, đặc biệt là trong khoảnh khắc dâng hương hướng về Tổ tiên cội nguồn. Em thực sự có cảm giác như đang được đón Tết cùng một đại gia đình tại Oxford”.

Là thành viên trong Ban Tổ chức Tết Oxford và cũng là thành viên trẻ tuổi nhất của Hội VOX, bạn Đặng Nhã Trúc, đang theo học Cử nhân Kinh tế và Quản trị, bộc bạch: “Đây là năm thứ hai em đón Tết xa quê hương và gia đình. Ở một môi trường đầy cạnh tranh và áp lực như tại Đại học Oxford, em đã trải qua khá nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu nhập học. Việc tham gia Ban Chấp hành VOX và tổ chức những sự kiện tôn vinh văn hoá như thế này đã giúp em hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống ở UK, nhắc em nhớ về trách nhiệm xây dựng và kết nối cộng đồng người Việt mà mình đang được vinh dự đại diện”.

Bạn Phan Ngọc Linh, sinh viên trao đổi ngành Khoa học Vi tính tại St Catherine’s College, Oxford, phụ trách vị trí Event Coordinator (Điều phối viên tổ chức sự kiện), đảm bảo ngày Tết được trơn tru hết mức có thể. Đối với Linh, Tết ở VOX bắt đầu khi các bạn gói 200 summer roll (gỏi cuốn) từ 6 giờ đến 10 giờ đêm trước sự kiện. Linh cảm giác như được hưởng không khí Tết như ở nhà khi mọi người vây quần và chuẩn bị mọi thứ cùng nhau.

Là một học sinh trao đổi đến từ Mỹ, Linh so sánh: “Cộng đồng người Việt của trường em bên Mỹ không nhiều và Tết thường rơi vào dịp lễ lớn, nên ở trường sẽ không có ai. Em nhớ năm đầu đón Tết ở Mỹ, em chỉ đi qua chỗ các bạn Châu Á và nói “Happy Lunar new year” rồi lại đi học bình thường. Thế nên được tổ chức Tết ở Oxford là một niềm vui lớn với em.”

Đặc biệt, việc tổ chức này giúp các bạn hiểu sâu hơi về Văn hóa Việt Nam. Ví dụ khi chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều bạn học gói gỏi cuốn lần đầu, hoặc khi các bạn nghiên cứu về cách chuẩn bị mâm ngũ quả thì nhận ra rằng mỗi vùng miền có mâm ngũ quả khác nhau và ý nghĩa của các quả cũng khác nhau. Linh nói đùa với các bạn rằng mình đi du học nhưng lại học được nhiều hơn về văn hóa Việt. Ở Việt Nam, Linh chuẩn bị Tết với gia đình theo phong tục miền Bắc, nhưng ở Oxford, mọi người đến từ nhiều nơi trên Tổ quốc, nên các bạn được học hỏi về các phong tục của các vùng miền khác nhau.

Linh cũng cho biết gia đình Linh cũng rất vui vì thấy sự kiện diễn ra nhộn nhịp và vui vẻ như vậy. Linh kể: “Khi em đăng video về quá trình cuốn gỏi rất nhiều người bạn và gia đình đã nhắn tin cho em nói là Tết ở Oxford vui vậy. Mẹ em cũng khá lo lắng về việc em đón Tết nơi xa sẽ bị tủi thân, nhưng vì có sự kiện Tết ở Oxford mà mẹ em đã yên tâm hơn và vui vì em cũng có một cộng đồng để ‘về’ vào dịp lễ Tết.”

Dư âm còn vang vọng mãi

Đối với người Việt Nam chúng ta, Tết không chỉ là một kỳ nghỉ, một dịp đoàn viên sum họp với gia đình, trao nhau bao lì xì và những lời chúc tụng, mà Tết còn là dịp để tỏ lòng thành kính và tri ân Tổ tiên, là dịp để tưởng nhớ về cội nguồn.

Do đó, Tết cổ truyền mang ý nghĩa thiêng liêng, trong đó, phong tục lễ chùa, cúng Tổ tiên ngày Tết của người Việt là những cử chỉ văn hóa và tâm linh thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Thật đáng tự hào và khích lệ khi các bạn sinh viên Oxford đã tổ chức một ngày Tết vừa ấm cúng, trọn vẹn và đầy ý nghĩa như thế cho cộng đồng người Việt tại nơi Anh quốc xa xôi.

Anh Nguyễn Đức An, thay mặt cho Ban Tổ chức Tết Oxford 2024 và VOX, gởi lời tri ân đến tất cả các bạn sinh viên và quý khách tham dự đã cùng chung tay tạo nên sự thành công của buổi lễ và mong muốn rằng những hoạt động ý nghĩa này không những sẽ được duy trì tại Oxford mà còn lan tỏa trong các hội sinh viên và cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.

Đã gần một tuần trôi qua từ hôm dự Tết Oxford 2024, nhưng dư âm vẫn còn rất rõ trong lòng bà Đào Thị Hồng: “Buổi Tết đã khép lại vào thời điểm năm cũ Quý Mão sắp qua đi, chuẩn bị đón một năm mới Giáp Thìn sắp tới, với một tâm hồn tràn đầy ước mơ, hy vọng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống mới, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn đâu đó vẫn luôn nhớ đến câu đối được các bạn sinh viên Oxford muốn gửi gắm trong buổi Tết:

‘Tại đất người không mai một gốc,

Xa quê hương chẳng để quên nguồn’”.

Hai nghị sĩ gốc Việt: 'Phải làm gì đó cho Việt Nam'

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, hai nghị sĩ gốc Việt Stephanie Đỗ và Ken Pipatchaisiri khẳng định rất tự hào và muốn đóng góp cho quê hương Việt Nam.

Trong 100 kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân quê hương ở TP.HCM năm nay có hai nhân vật đặc biệt. Đó là chị Stephanie Đỗ - nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên và anh Trần Văn Kiều (Ken Pipatchaisiri) - nghị sĩ Quốc hội Thái Lan.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cả hai nghị sĩ gốc Việt đều khẳng định rất tự hào và muốn đóng góp cho quê hương Việt Nam.

Nghị sĩ gốc Việt tự hào làm cầu nối Việt - Pháp

Dù đã cùng gia đình chuyển sang Pháp định cư từ năm 1991, trong lòng chị Stephanie Đỗ vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Khi ứng cử nghị sĩ Quốc hội Pháp, chị khẳng định đã luôn đưa Việt Nam vào chương trình nghị sự của mình. Trong 5 năm làm việc tại cơ quan lập pháp sở tại (2017 - 2022), chị luôn tự hào làm cầu nối giữa hai nước.

"Quan hệ đối tác giữa hai nước phụ thuộc vào việc những nghị sĩ muốn thúc đẩy hay không. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã thúc đẩy rất mạnh. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang làm việc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tôi tham gia tiếp đón.

Các lãnh đạo cấp cao Việt Nam khác công du sang Pháp, tôi cũng có mặt. Khi Thủ tướng Édouard Philippe đến thăm Việt Nam, tôi cũng về nước. Phải có những nghị sĩ mới có thể thúc đẩy mối quan hệ đó", chị chia sẻ.

Thậm chí tới bây giờ Stephanie Đỗ vẫn thường xuyên thông báo cho tổng thống Pháp về sự phát triển của Việt Nam sau mỗi chuyến trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

"Mộng mơ của tôi là cống hiến cho cả nước Pháp và nước Việt Nam, vì tôi là người Pháp gốc Việt. Stephanie thấy đó là niềm tự hào. Mình tự hào là phụ nữ Việt", chị chia sẻ.

Xuất thân trong một gia đình trí thức, có cụ nhà giáo và danh nhân văn hóa yêu nước Đỗ Quang Đẩu, Stephanie Đỗ rất mong muốn tiếp nối truyền thống gia đình.

"Từ tổ tiên của tôi đã cống hiến cho đất nước. Không phải tri thức cho mình, mà là tri thức mở mang cho người dân. Tôi tin mình đã có mong muốn cống hiến trong máu từ rất lâu rồi, nhưng vì mình xa quê nên chưa có điều kiện. Và khi có cơ hội, mong muốn đó đã trở lại trong đầu mình", chị tâm sự.

"Phải làm gì đó cho Việt Nam"

Anh Trần Văn Kiều (Ken Pipatchaisiri), nghị sĩ Quốc hội Thái Lan, sinh ra và lớn lên tại thành phố Udon Thani, có mẹ là người Việt Nam. Đây là nơi quy tụ đông kiều bào Việt Nam sinh sống nhất Thái Lan, và cũng chính là nơi có khu phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới ra đời.

Anh Kiều chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan từng có một thời gian khó khăn, chưa thật sự được coi trọng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và thế giới đang thay đổi, thế hệ trẻ chúng tôi có thể bước ra và nói với cả thế giới rằng chúng tôi tự hào là người Việt Nam".

Anh Kiều khẳng định kiều bào trẻ Việt Nam trên thế giới vẫn sở hữu dòng máu kiên cường của người Việt Nam. Tất cả đều nhiệt huyết, thông minh và đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới. "Người Việt Nam đã có sẵn lòng yêu nước và tình đoàn kết. Chính phủ Việt Nam có thể khuyến khích kiều bào về nước nhiều hơn để công hiến cho đất mẹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng và giáo dục", anh nói.

Trước thông tin Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi kiều bào đầu tư tại quê hương, nghị sĩ Thái Lan gốc Việt khẳng định đó sẽ là một động lực cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho kiều bào nhắc nhở bản thân về cội nguồn Tổ quốc.

Nói về dự định tương lai, nghị sĩ Thái Lan gốc Việt cho biết khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2023, anh cảm thấy có điều gì đó thức tỉnh trong lòng và nhận ra phải làm gì đó cho Việt Nam.

"Tôi đang là thành viên Ủy ban hữu nghị Thái Lan - Việt Nam thuộc Quốc hội Thái Lan. Chúng ta chưa thể làm gì nhiều vì quốc hội mới vừa thành lập. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển quan hệ giữa quốc hội hai nước, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi ở cấp đại sứ để xem Việt Nam và Thái Lan có thể hỗ trợ nhau những gì trong tương lai", anh Kiều chia sẻ.

Một người Việt đi xuyên Mông Cổ để sống cùng bộ lạc nguyên thủy

Dù mùa đông ở Mông Cổ rất khắc nghiệt vẫn có du khách người Việt vượt qua thách thức này để đến bìa rừng Taiga, gặp gỡ và khám phá văn hóa du mục của bộ lạc chăn tuần lộc cuối cùng.

Gặp gỡ, khám phá đời sống văn hoá du mục của nhóm người này đã hấp dẫn một số du khách Việt Nam, điển hình trong số đó là anh Lê Viết Vinh đang sinh sống ở TPHCM. Người đàn ông này hiện có đam mê du lịch, khám phá những vùng đất mới để giúp vốn tri thức "giàu có" hơn.

Dưới cái lạnh có thể giảm còn -40 độ C, anh Vinh vẫn quyết định tới Mông Cổ, di chuyển hết 5 ngày 4 đêm cho hành trình đường bộ hơn 1.000 km từ thủ đô Ulaanbaatar - bìa rừng Taiga để tận mắt chứng kiến loài tuần lộc được chăm sóc như thời nguyên thủy.

Đến địa điểm này, du khách có thể sinh hoạt với người Tsaatan (hay còn gọi là Dukha theo ngôn ngữ của họ), ngủ trong những chiếc lều du mục đặc trưng, ngắm nghía và vui đùa với bầy tuần lộc của họ. Đặc biệt, Dukha được xem như là bộ lạc tuần lộc sống du mục nguyên thủy nhất còn sót lại trên thế giới. Tuần lộc là loài vật thích sống ở những nơi mát lạnh. Vào mùa hè, bộ lạc Dukha sẽ đưa chúng vào tận rừng sâu, vùng cao hơn để kiếm ăn. Còn mùa đông, họ đưa tuần lộc ra bìa rừng, gần với thị trấn để dễ sống hơn. Du khách du lịch Mông Cổ vào mùa đông có thể tiết kiệm thời gian hơn để tiếp cận với bộ lạc này. Nhiều con sông, mặt hồ đóng thành băng, xe ô tô địa hình có thể chạy thẳng vào tới nơi bộ lạc sinh sống. Trong khi mùa hè du khách phải cưỡi ngựa 9-10 tiếng mới tới nơi người Dukha dựng trại.

Điểm gây hấp dẫn du khách nhất của tuần lộc nằm ở khả năng sinh tồn vượt trội nhưng lại rất thân thiện với loài người. Theo quan sát của anh Vinh, khi đi gặm cỏ trong rừng, chúng dùng chân để đào lớp tuyết lên, chỗ nào băng thành đá thì liếm cho tan để gặm đám cỏ ở dưới.

Ngoài chuyến thăm bộ lạc chăn tuần lộc, vị khách Lê Viết Vinh còn có cơ hội khám phá đời sống văn hoá của người dân Mông Cổ. Anh rất say mê khi trải nghiệm âm thanh của đàn ngựa (mã đầu cầm) của các nghệ sĩ cổ truyền.

Mông Cổ còn giữ nhiều nét văn hóa của dân du mục xưa. Dù bây giờ họ có ở nhà kiên cố hơn, nhưng trong khuôn viên đất vẫn còn căn lều Yurt. Đây là loại lều có dáng lều hình tròn, trần thấp và có không gian sinh hoạt rộng hơn. Bên trong luôn có bếp củi để giữ ấm và là nơi để cả gia đình ngồi sum vầy cùng nhau vào những ngày đông lạnh giá ở vùng miền bắc Mông Cổ.

Khám phá lịch sử và văn hoá Mông Cổ tại quần thể tượng Thành Cát Tư Hãn. Ông là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới, được người Mông Cổ kính trọng như vị lãnh đạo mang lại sự thống nhất cho quốc gia này.

Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm du lịch Mông Cổ, đất nước này có diện tích rất lớn. Vì vậy, việc di chuyển giữa các điểm tham quan thường cách xa nhau và đường vào các làng địa phương cũng không rõ ràng, người dân thường di chuyển theo thói quen, đúng với bản chất của du mục. Do đó, cách tốt nhất cho các du khách là đặt land tour (chuyến đi do người bản địa tổ chức) để được sắp xếp tài xế có kinh nghiệm hướng dẫn tham quan.

Tháng 11/2023, Việt Nam và Mông Cổ cùng ký Hiệp định miễn thị thực đối với công dân Việt Nam. Do đó, người Việt Nam đi du lịch Mông Cổ không cần xin visa mà sẽ được cấp thị thực ngay tại cửa khẩu sân bay. Cho đến nay, Mông Cổ vẫn được du khách Việt Nam quan tâm bởi còn giữ nhiều nét sống văn hoá cổ xưa, đi kèm cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Nguồn: VTV4; Giác Ngộ; Tuổi Trẻ; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang