Người Việt hải ngoại: Ngắm nhật thực ở Bắc Mỹ; Hội đồng hương ở Jeonnam-Gwangju; Tiếng Việt vui tại Nga; Thầy giáo ở TQ

HÁO HỨC NGẮM NHẬT THỰC TOÀN PHẦN Ở BẮC MỸ

Nhiều người Việt ở Bắc Mỹ, Canada... vô cùng háo hức khi chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Hạnh phúc hơn khi họ được hoà chung không khí cùng người dân địa phương hay được công ty cho nghỉ 30 phút để chứng kiến tượng hiếm có.

Chiều hôm 8.4 (rạng sáng 9.4 theo giờ Việt Nam) nhật thực toàn phần được nhìn thấy ở miền bắc Mexico, một phần của 15 tiểu bang Mỹ và miền đông nam Canada.

Đây là một trong những nhật thực được theo dõi nhiều nhất từ trước đến nay với hơn 32 triệu người sống trong đường nhật thực toàn phần, tuyến đường rộng 185 km xuyên qua Bắc Mỹ, nơi mặt trăng sẽ bao phủ 100% đĩa mặt trời.

Phạm Minh Mẫn (26 tuổi) hiện đang học tập và làm việc tại TP.Guelph, Ontario, Canada là một trong những người Việt được chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này.

Gần 1 tháng trước, Mẫn đã thấy báo đài địa phương đăng tin về sự kiện nhật thực sắp diễn ra. Những ngày gần tới sự kiện, các trang truyền thông trên mạng xã hội như Instagram hay Facebook đồng loạt đưa tin, nhắc người dân bảo vệ mắt bằng cách mang kính xem nhật thực có tiêu chuẩn ISO 12312-2.

Tại thành phố Guelph, diễn ra sự kiện mọi người cùng xem nhật thực chung với nhau. Ví dụ như thư viện công cộng Guelph Public Library phát hơn 10.000 kính miễn phí cho người dân xem. Hoặc trường đại học Guelph, khoa vật lý học, có giảng viên mang kính viễn vọng được trang bị đầy đủ để sinh viên được xem nhất thực một cách trọn vẹn nhất.

Hòa mình vào không khí chung của thành phố, Mẫn thấy tất cả mọi người đều hào hứng với việc xem nhật thực. Đường sá trước giờ nhật thực toàn phần rất đông đúc, mọi người di chuyển ra công viên, ở đây họ có thể nằm xuống để xem.

Nhật thực ở nơi Mẫn sống bắt đầu từ 14 giờ 30 phút, đạt đỉnh điểm lúc 15 giờ 5 phút và kết thúc hoàn toàn vào khoảng 16 giờ. Vì đã chuẩn bị kính đạt chuẩn để xem nên Mẫn chiêm ngưỡng được trọn vẹn nhật thực, không bị mỏi mắt.

"Mình rất kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên trong đời mình chiêm ngưỡng nhật thực một cách trọn vẹn. Lúc đạt đỉnh điểm, bầu trời trở nên tối như ban đêm và mọi người bắt đầu vỗ tay hoặc thốt lên nhiều câu cảm thán trước vẻ đẹp của thiên nhiên", Mẫn kể.

Anh Đặng Sơn (58 tuổi) hiện đang sống ở Texas, Mỹ chia sẻ cũng biết trước thông tin về nhật thực trên báo đài. Đang trong giờ làm việc tại một hãng in, anh Sơn bất ngờ được công ty cho phép tạm nghỉ để có thể ra ngoài ngắm nhật thực.

"Chủ hãng in chuẩn bị kính và thức ăn nhẹ để nhân viên cùng nhau xem. Nơi tôi sống nhật thực diễn ra vào lúc 13 giờ 35 phút và toàn phần được khoảng 4 phút. Mọi người ở công ty có khoảng 30 phút để trải qua những giây phút háo hức chờ đợi, chiêm ngưỡng hiện tượng tự nhiên tuyệt vời này.

Theo quan sát của anh, nhiều người Việt ở đây không săn tìm mua kính để có thể chiêm ngưỡng khoảnh khắc nhật thực. Đến khi thấy trời tối hẳn, vào khoảng 13 giờ 30 thì mới ra ngoài để ngắm nhìn. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, khi trực tiếp ngắm nhìn những khoảnh khắc hiếm có của nhật thực, mọi người ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và thích thú.

Chị Bùi Hạnh Nguyên, hiện đang sống tại TP.Bloomington, bang Indiana, Mỹ cho biết hiện tượng nhật thực kéo dài từ 13 giờ 45 phút, toàn phần vào lúc 15 giờ 5 phút.

"Chỗ mình sống trời nắng gắt nhưng khoảnh khắc mặt trăng che mặt trời thì bắt đầu tối dần, nhiệt độ giảm theo, từ nóng đến mát rồi có chút lạnh luôn. Lúc nhật thực toàn phần thì trời tối om, thấy được cả sao. Chứng kiến khoảnh khắc hiếm có mình bất ngờ đến "nổi cả da gà", chị Nguyên kể.

HỘI ĐỒNG HƯƠNG TẠI JEONNAM-GWANGJU MỞ RỘNG KẾT NỐI

Tại thành phố Naju, Hàn Quốc vừa diễn Đại hội đại biểu Hội người Việt Nam tại Jeonnam – Gwangju nhiệm kỳ 2024-2026.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Văn Hùng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc hy vọng ban chấp hành khoá mới sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu của ban chấp hành khoá trước, luôn chủ động, sáng tạo trong công việc và nâng cao tinh thần đoàn kết của Cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Jeonnam-Gwangju nói riêng và toàn Hàn Quốc nói chung.

Sau hơn 5 tiếng làm việc tập trung, nghiêm túc và dân chủ, Đại hội đã bầu ra được Ban chấp hành khoá mới bao gồm 23 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết.

Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Jeonnam – Gwangju Nguyễn Thị Lệ Hoa cho biết, Hội sẽ tiếp tục duy trì việc tổ chức thường niên các sự kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Chonnam-Gwangju. Nhiệm kỳ tới tập trung quan tâm mở rộng các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ gia đình đa văn hóa, sau đó nhân rộng mô hình tới các khu vực trên địa bàn.

Tiếp tục nhân rộng mô hình kết nối và hợp tác với các cơ quan bệnh viện, cơ quan phúc lợi hay các doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng kết nối ký kết các bạn MOU với các tổ chức liên quan đến hỗ trợ người nước ngoài. Trung tâm đa văn hóa, Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài, trung tâm lao động phát huy tính hiệu quả trong mỗi văn bản MOU.

Tiếp tục duy trì các hoạt động thăm hỏi trao quà cho các trường hợp cộng đồng kiều bào bị tử vong, ốm đau hay gặp những hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục thực hiện các chương trình thiện nguyện, tình nguyện hay kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ trong và ngoài nước.

Cộng đồng người Việt tại khu vực Jeonnam-Gwangju ước tính có khoảng 25.000 người và đang đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội người Việt Nam tại Jeonnam-Gwangju đã có nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng thông qua các lễ hội văn hóa, gặp gỡ lao động Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại đây, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước.

KHAI GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT VUI TẠI NGA

Sau gần 1 năm hoạt động, Tiếng Việt vui đã gặt hái được nhiều thành công, khi tổ chức được hơn 100 tiết học cho các em nhỏ là con em kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga.

Ngày 7/4, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra buổi lễ khai giảng giai đoạn 3 của chương trình Tiếng Việt vui do sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Liên bang Nga trực tiếp giảng dạy.

“Tiếng Việt vui” là chương trình do sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức dưới sự chỉ đạo và định hướng của Đảng ủy, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Hội sinh viên Việt Nam tại Nga.

Sau gần 1 năm hoạt động, Tiếng Việt vui đã gặt hái được nhiều thành công, khi tổ chức được hơn 100 tiết học cho các em nhỏ trong độ tuổi từ 6-12 là con em kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga và tổ chức thành công chương trình “Tri ân thầy cô 20/11” tại Liên bang Nga.

Hiện tại, số lượng học sinh của Tiếng việt Vui là 53 em, với độ tuổi từ 6-12 tuổi, được chia ra thành 3 lớp A, B, C với giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy khác nhau.

Đối với lớp A, các em học sinh được học tập những kiến thức cơ bản nhất của Tiếng Việt như bảng chữ cái và thanh điệu. Các em học sinh lớp B với trình độ cao hơn sẽ học các bài tập ghép vần cũng như tập đọc các đoạn văn bản nhỏ; trong khi các em học sinh lớp C sẽ luyện tập với những đoạn văn, đoạn thơ có độ khó cao hơn, cũng như là những bài tập luyện nói, luyện viết, học thêm những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hoá, đất nước và con người Việt Nam.

Các em học sinh tham gia lớp học Tiếng Việt vui đa phần thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba ở Nga. Bởi lẽ đó, việc giảng dạy Tiếng Việt cho các em không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt ngôn ngữ, mà còn tạo ra một sợi dây gắn kết giữa các lưu học sinh Việt Nam với cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, đồng thời tăng cường tinh thần gìn giữ ngôn ngữ, bản sắc của kiều bào ta ở nước ngoài.

Tham dự lễ khai giảng, có anh Bùi Trung Linh, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nga; chị Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm chương trình Tiếng Việt vui, cùng đông đảo các em học sinh, các thành viên tham gia giảng dạy và tổ chức chương trình.

Đặc biệt, trong buổi khai giảng giai đoạn 3 lần này của Tiếng Việt vui, còn có thêm sự góp mặt của 7 bạn học sinh người Nga có niềm đam mê và yêu thích với Tiếng Việt. Đây chính là một tín hiệu tốt cho sự lan tỏa của Tiếng Việt tới bạn bè quốc tế.

Trả lời phỏng vấn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nga Bùi Trung Linh khẳng định tầm quan trọng của việc giảng dạy Tiếng Việt đối với các em học sinh là con em kiều bào tại Liên bang Nga. Tiếng Việt vui thực sự đã tạo ra được một không gian học tập và sinh hoạt tích cực, hiệu quả, có ý nghĩa và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Anh Nguyễn Đức Mạnh, một trong những thành viên tham gia Tiếng Việt vui từ những ngày đầu chia sẻ, bản thân anh cũng như các thành viên tham gia chương trình đều mang trong mình mong muốn lan tỏa những nét đẹp ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới với con em cộng đồng người Việt tại Nga, cũng như đông đảo bạn bè quốc tế.

Sau Lễ khai giảng với phần chào cờ và hát quốc ca được diễn ra trang trọng, các em học sinh thuộc 3 lớp của Tiếng Việt vui đã bắt đầu những tiết học đầu tiên trong không khí vui tươi và sôi nổi.

Bên cạnh các em nhỏ là con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, các bạn học sinh người Nga cũng tỏ ra rất thích thú khi lần đầu được học tập một ngôn ngữ mới.

Dù gặp một số khó khăn, trở ngại khi bắt đầu học ngoại ngữ nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo, các bạn học sinh đã có thể tự tin phát âm một số chữ cái cơ bản trong bảng chữ cái Tiếng Việt.

Một số bạn học sinh người Nga chia sẻ, sẽ tiếp tục theo học tại lớp học của Tiếng Việt vui, cũng như giới thiệu cho bạn bè của mình biết về chương trình.

Chương trình Tiếng Việt vui giai đoạn 3 có bước phát triển mới so với trước đây, khi nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và phòng học từ Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” và Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow, nhờ vậy các em nhỏ có không gian phù hợp hơn để học tập.

Thời gian tới, phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, Ban Chủ nhiệm cùng toàn thể đội ngũ của Tiếng Việt Vui tiếp tục đặt ra cho mình mục tiêu không ngừng cố gắng, hoàn thiện; phát huy tốt tiềm năng, để truyền lửa gìn giữ Tiếng Việt đến với cộng đồng, góp phần giữ vững bản sắc; tiếp tục khẳng định con đường đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới với xứ sở bạch dương xa xôi, đồng thời cùng lan tỏa tinh thần năng động, sáng tạo tới cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga.

THẦY GIÁO QUẢNG BÁ VĂN HÓA VÀ GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT Ở TRUNG QUỐC

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa cho biết luôn mong muốn góp phần sức mình vào việc thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa, kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Tại một giảng đường ở Đại học Sư phạm Nam Ninh (thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc), giảng viên Nguyễn Đình Hòa say sưa giảng giải về ngữ pháp Tiếng Việt, giới thiệu về văn hóa và ẩm thực Việt Nam cho sinh viên Trung Quốc.

Sau giờ học, các sinh viên vẫn còn lưu luyến vì vẫn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa phong phú của quốc gia láng giếng.

Đối với anh Hòa, việc giảng dạy như gieo những hạt giống tâm hồn và vun đắp cho những hạt giống ấy nảy nở, đơm hoa kết trái.

“Tôi sẽ cố gắng trở thành một ‘người gieo hạt giống tâm hồn’, để tình hữu nghị Việt - Trung luôn như những bông hoa nở rộ”, thấy giáo đến từ Việt Nam chia sẻ với hãng thông tấn China News.

Năm 2013, anh Nguyễn Đình Hòa một mình đến Trung Quốc để học tập. Sau 6 năm miệt mài đèn sách, anh thuận lợi tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Tây Nam (thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc).

Anh cho biết đến Trung Quốc du học là ước mơ từ thuở nhỏ của mình. “Tôi đã lớn lên cùng những bộ phim truyền hình Trung Quốc, nên tôi đã có ấn tượng sâu sắc và yêu mến đất nước này”.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh Hòa được Đại học Sư phạm Nam Ninh mời về giảng dạy bộ môn Tiếng Việt. Khi được hỏi về lý do ở lại Trung Quốc, anh cho biết nơi đây “có nhiều cơ hội” và quan trọng hơn là “có những người tôi quan tâm”.

Trong thời gian theo học tại Đại học Tây Nam, anh Hòa đã gặp được tình yêu của mình. Anh và cô gái Trung Quốc Ngụy Du yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, cả hai cùng chia sẻ về lý tưởng sống, chìm đắm trong tình yêu và tiến tới cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hiện tại, hai vợ chồng đã định cư ở Nam Ninh và có một cô con gái.

Bên cạnh việc giảng dạy, anh Nguyễn Đình Hòa còn tham gia các diễn đàn kinh tế thương mại và giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam với vai trò là phiên dịch viên. Anh cho biết bản thân luôn nỗ lực thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa giữa hai nước, luôn muốn góp phần sức mình vào việc kết nối tình hữu nghị Việt - Trung.

Theo anh Hòa, Trung Quốc có nền thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, có thể gọi là “thiên đường mua sắm trực tuyến”.

"Hàng hóa mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc có giá cả phải chăng, thanh toán tiện lợi và vận chuyển nhanh chóng”, anh nói và kỳ vọng rằng Việt Nam - Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử để cùng thúc đẩy kinh tế thương mại hai nước phát triển thịnh vượng.

Nguồn: Thanh Niên; Thời Đại; Báo Quốc Tế; VTC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang