Người Việt hải ngoại: Nét văn hóa ở Ấn Độ; Ươm mầm tiếng Việt ở HQ; Du học sinh ở TQ; Học lái xe ở Đức

NÉT ĐẸP VĂN HÓA VIỆT NAM GIỮA MIỀN ĐẤT PHẬT

(Ảnh minh hoạ).

Sau ba ngày diễn ra với các hoạt động sôi động và nhiều ý nghĩa, Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 đã khép lại, để lại nhiều dư âm, ấn tượng tốt đẹp, khó quên trong lòng các đại biểu, quan khách, bạn bè Ấn Độ…

Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 không chỉ giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người và những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam tới công chúng Ấn Độ mà còn góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường phát triển du lịch giữa hai quốc gia.

Chương trình gồm ba sự kiện đặc sắc: Biểu diễn nghệ thuật Đêm huyền diệu (12/12), Không gian Văn hóa Việt Nam (13/12) và Diễn đàn Du lịch Việt Nam tại Ấn Độ (14/12).

Trải nghiệm văn hóa giàu bản sắc

Có mặt tại Không gian Văn hóa Việt Nam từ rất sớm, ông PK Chakravorty, một cựu quân nhân Ấn Độ thích thú nhìn ngắm những bức tranh Đông Hồ và tự tay làm tranh sơn mài ngay tại gian hàng mỹ thuật sáng tạo do nghệ nhân Trần Anh Tuấn-giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội hướng dẫn.

Từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam khi còn là Tùy viên Quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam, ông Chakravorty chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng với văn hóa và con người mảnh đất hình chữ S. “Trong thời gian công tác, tôi đã có dịp đặt chân đến nhiều thành phố, thị trấn của Việt Nam, thưởng thức nhiều món ăn ngon và tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc”, ông kể, đồng thời “bật mí” phở gà luôn là món ăn đầu tiên ông thưởng thức mỗi khi có dịp trở lại Việt Nam.

Tại khuôn viên ngoài trời của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, các khách mời gồm các nhà ngoại giao, doanh nghiệp, học giả, bạn bè Ấn Độ có dịp trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam như nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, nghệ thuật nặn tò he, biểu diễn tranh sơn mài, thưởng thức các tiết mục âm nhạc dân tộc…

Bên cạnh đó, công chúng cũng được tìm hiểu về cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam thông qua triển lãm ảnh, góc trưng bày sách Sức sống Việt Nam, Đặc san Việt Nam-Ấn Độ: Đối tác chiến lược toàn diện - ấn phẩm đặc biệt do Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao.

Phát biểu khai mạc Không gian Văn hóa Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải khẳng định, Ấn Độ và Việt Nam đã có sự giao lưu, kết nối văn minh, văn hóa từ hàng ngàn năm trước.

Ấn Độ là một trong những cái nôi văn hóa lớn của nhân loại. Việt Nam, với 4.000 năm lịch sử, bề dày văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi giao thoa của nhiều dòng văn hóa lớn, trong đó có văn hóa Ấn Độ. Sự giao thoa văn hóa còn được thể hiện trong kiến trúc, mỹ thuật với những công trình tuyệt mỹ mang đậm dấu ấn văn hóa Ấn Độ tại Thánh địa Mỹ Sơn, các di tích đền tháp ở Nha Trang, Phú Yên, sự giao lưu giữa các tăng ni và pháp lữ...

Đặc biệt, sự giao thoa còn thể hiện ở mối quan hệ gắn bó giữa các thế hệ người dân Việt Nam và Ấn Độ, tiêu biểu là tình hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Ấn Độ cùng nhau vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày càng phát triển.

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, qua Không gian Văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, Đại sứ quán mong muốn giới thiệu đến người dân Ấn Độ những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, cùng hòa mình vào các di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tại Việt Nam.

“Thời gian trôi nhanh nhưng khoảnh khắc thì tồn tại mãi mãi. Thông qua Không gian văn hóa, chúng tôi mong muốn phần nào giới thiệu nét đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, đồng thời cùng nhau ôn lại những thời khắc lịch sử, từng bước đi trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Tôi tin rằng các hoạt động trải nghiệm, triển lãm tranh, ảnh, gian hàng ẩm thực… sẽ tạo thành một không gian đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, giúp gắn kết cộng đồng hai quốc gia cũng như bạn bè Ấn Độ nói chung và những người yêu nghệ thuật, cái đẹp và các nghệ sĩ, nhà văn Ấn Độ nói riêng; cùng trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam, từ đó hiểu và gần gũi hơn với Việt Nam. Hãy yêu Việt Nam như người Việt từ lâu đã thích xem phim Bollywood, tập Yoga và mê ẩm thực Ấn Độ”, Đại sứ nhấn mạnh.

Tiềm năng hợp tác du lịch “khổng lồ”

Là hoạt động cuối cùng trong chương trình, Diễn đàn Du lịch Việt Nam tại Ấn Độ ngày 14/12 thu hút sự góp mặt của đông đảo đại diện công ty, doanh nghiệp, hãng lữ hành của Ấn Độ cùng 12 doanh nghiệp du lịch Việt Nam quan tâm đến thị trường Ấn Độ.

Dẫn con số đầy hứa hẹn 27 nghìn khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam riêng trong tháng 11/2022, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, Ấn Độ đang trở thành một thị trường quan trọng và đầy tiềm năng đối với du lịch Việt Nam nhờ vào các hoạt động tích cực xúc tiến quảng bá du lịch, các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước được kết nối và mở rộng.

“Tiềm năng khổng lồ”, “cơ hội vàng”, “rất nhiều dư địa hợp tác”… là những nhận định phổ biến đến từ đại diện các công ty du lịch, hãng lữ hành Ấn Độ khi chia sẻ về tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Bà Nidhi Kapur, CEO Công ty Vietrade Tours & Travel Pvt cho biết, rất nhiều du khách Ấn Độ quan tâm và mong muốn đến Việt Nam bởi đây là điểm đến mới lạ và hấp dẫn. Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với nhu cầu thị hiếu du khách Ấn Độ như: du lịch ẩm thực, du lịch tiệc cưới, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch điện ảnh…

Người dân thân thiện, nền văn hóa đặc sắc và ẩm thực phong phú cũng là những yếu tố then chốt thu hút du khách Ấn Độ đến với Việt Nam. “Việt Nam đang trở nên ngày càng lợi thế với những đường bay thẳng tới Ấn Độ giá cả rất phải chăng. Chưa kể, đất nước của các bạn được đánh giá là an toàn, đặc biệt đối với những du khách nữ”, bà Kapur cho biết thêm.

Ông Naveen Sharma, Chủ tịch Công ty Athena Ventures, một trong những đơn vị lữ hành đang khai thác thị trường Việt Nam cho rằng, chính sự tương đồng và giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia là tiền đề tốt để thúc đẩy hợp tác du lịch thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, Ấn Độ cũng là điểm đến yêu thích của ngày càng nhiều du khách Việt Nam để trải nghiệm, tận hưởng những hoạt động thú vị như thiền, yoga... “Những địa danh như Leh-Ladakh, Kashmir, Jaipur, Rishikesh… đang trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều hội nhóm du lịch tại Việt Nam”, Đại sứ cho hay.

(Nguồn: Thời Đại)

ƯƠM MẦM TIẾNG VIỆT CHO CON EM GIA ĐÌNH VIỆT-HÀN

Mong muốn góp phần lưu giữ và ươm mầm tiếng Việt trong thế hệ con em thuộc gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc, nhiều người tình nguyện tham gia các lớp dạy học tiếng Việt với niềm tự hào về công việc ý nghĩa của mình.

Tổ chức lớp học tiếng Việt là hoạt động thường niên đầy ý nghĩa của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc với mục đích giúp con em các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn học tiếng mẹ đẻ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước.

Không chỉ ở thủ đô Seoul, mô hình lớp học này được nhân rộng thành công ở nhiều thành phố như Daejeon, Gwangju-Chonnam... Việc mở lớp học là mong mỏi của rất nhiều bà mẹ người Việt muốn con cái biết tiếng Việt để gắn chặt hơn tình mẫu tử, cũng như giúp con cái hiểu được văn hóa, đất nước Việt Nam.

Phụ trách lớp học thường là những sinh viên đang học tập tại các trường đại học Hàn Quốc ở các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và những người Việt có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt lâu năm tại đây...

Sinh viên làm giáo viên

Đang học thạc sĩ ngành giáo dục tại Hàn Quốc, cô sinh viên năng động Phương Anh làm thêm một số các công việc về giảng dạy tiếng Hàn, dạy tiếng Việt và biên phiên dịch tự do.

Việc giảng dạy tiếng Việt đến với cô như một duyên lành. Ban đầu, bản thân cô không chủ ý hướng theo con đường dạy tiếng Việt nhưng nhờ sự tín nhiệm của những anh chị trong Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến khích, cô được giới thiệu vào dạy tiếng Việt cho các em nhỏ trong gia đình đa văn hóa.

Phương Anh chia sẻ: “Đây là công việc rất có ý nghĩa. Khi được đảm nhận nhận lớp học tiếng Việt này, tôi thấy các em rất ngoan, học rất chăm chỉ. Nhìn thấy các em như vậy, tôi càng có động lực tìm tòi để soạn ra những cái bài giảng thú vị hơn.

Bây giờ thì cứ hàng tuần, tôi lại có thêm niềm vui mới là gặp gỡ và dạy tiếng Việt cho các bạn”.

Với cô gái Việt Nam này, công việc giảng dạy không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, giúp cho các bạn nhỏ giao tiếp được bằng tiếng Việt trong gia đình và xã hội. Xa hơn nữa là cô có thể góp phần cho sự phát triển và gắn kết quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo Phương Anh, đa số các em nhỏ trong gia đình đa văn hóa ở độ tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ và giữ gìn tiếng Việt. Đây là trọng trách và vai trò của người lớn, cần phải giúp các em có định hướng rõ về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Từ những kinh nghiệm thực tế trong việc giảng dạy tại xứ sở kim chi, cô bộc bạch: “Dù ở Hàn Quốc đã có những lớp học tiếng Việt dành cho các em nhỏ, nhưng điều quan trọng là phụ huynh phải cùng đồng hành, hỗ trợ. Ví dụ, đốc thúc các bạn làm bài tập về nhà, khơi gợi để các bạn nói chuyện bằng tiếng Việt nhiều hơn...

Chúng ta cũng nên mở nhiều chương trình giao lưu tiếng Việt để các em có nhiều hứng khởi hơn trong việc học ngôn ngữ.

Cuối cùng, học đi đôi với thực hành, học mà chơi, chơi mà học, luôn tạo không khí thoải mái để các em nhỏ cảm thấy yêu tiếng Việt một cách chủ động chứ không phải là miễn cưỡng”.

Phương Anh cho rằng ngôn ngữ mẹ đẻ chính là cội nguồn, là tình yêu thương gắn kết của gia đình, dân tộc Việt Nam. Cô giáo trẻ gửi gắm niềm tin tiếng Việt có thể trở thành công cụ hữu ích cho con đường phát triển tương lai sự nghiệp của các em nhỏ trong các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn sau này.

Cô dâu Việt bén duyên với nghề

Theo chồng sang Hàn Quốc từ năm 20 tuổi, đến nay Kim Thoa đã gắn bó với xứ sở kim chi được 19 năm.

Khoảng thời gian 10 năm đầu, cô quẩn quanh với công việc của người phụ nữ trong gia đình: sinh con, nuôi dạy con và làm việc nhà. Sau đó, khi bé lớn bắt đầu đi học mẫu giáo, cô mới có thời gian đi học tiếng Hàn và dần dần bén duyên với nghề dạy.

Đến nay, Kim Thoa dạy tiếng Việt cho sinh viên Đại học quốc gia Chungnam và học sinh các trường tiểu học ngoài giờ học chính thức được tám năm. Gần đây, cô tham gia giảng dạy ở lớp học tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.

Thời gian đầu mới đến với nghề dạy học, cô dâu Việt gặp nhiều khó khăn như quên chữ Việt, viết sai chính tả vì sang Hàn Quốc ít dùng... nên mỗi lần lên lớp phải chuẩn bị thật kỹ, xem đi xem lại. Tuy nhiên, sự chăm chỉ của các trò đã trở thành động lực và niềm vui của cô mỗi ngày.

Mặt khác, bộ môn tiếng Việt ngày càng được coi trọng và được giảng dạy trong nhiều trường học tại Hàn Quốc. Các giáo viên như cô Thoa khi làm việc tại đây được nhà nước Hàn Quốc đầu tư trang thiết bị, trả lương nên họ có thể yên tâm công tác và tâm huyết với nghề.

Niềm tin về cơ hội của tiếng mẹ đẻ

Với sự thành công của các lớp học tiếng Việt và sự nhiệt tình của các giáo viên như Phương Anh, Kim Thoa… thế hệ kiều bào thứ hai sẽ trở thành cầu nối, góp phần vào thúc đẩy quan hệ hai nước Việt - Hàn trong tương lai.

Tại Hàn Quốc, việc học và sử dụng thành thạo tiếng Anh là yếu tố thiết yếu để kiếm việc làm lương cao và cơ hội thăng tiến, nhưng vẫn có nhiều người đang theo học một ngôn ngữ ít phổ biến hơn như tiếng Việt.

Với kinh nghiệm hơn tám năm giảng dạy tại các công ty, trung tâm ngoại ngữ cho người nước ngoài và thế hệ con em gia đình Việt-Hàn, cô giáo Vũ Thị Thái Linh vui mừng nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt và người Hàn ngày càng cao.

Cô cho biết, đối tượng học được mở rộng từ lãnh đạo, nhân viên các công ty đến đầu tư ở Việt Nam đến sinh viên Hàn Quốc, con em gia đình đa văn hóa Việt-Hàn, trẻ em Hàn, phụ nữ kết hôn lưu trú...

Tại thành phố Daejeon, hiện có rất nhiều con em gia đình đa văn hóa không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tiếng Việt. Nguyên nhân một phần là các bậc làm cha, làm mẹ sinh sống và dùng ngôn ngữ Hàn như người bản địa, phần khác là vì công việc quá bận rộn nên họ không có thời gian dạy con.

Tuy nhiên, nếu tất cả con em gia đình đa văn hóa có thể sử dụng song song cả ngôn ngữ mẹ đẻ và sở tại thì các em sẽ dễ dàng hòa nhập hơn, cộng đồng người Việt sẽ vượt trội hơn hẳn so với các cộng đồng đa văn hóa khác.

Là một người mẹ có con mang hai dòng máu Việt-Hàn, chị Châu Thị Ngọc Mai đang sinh sống tại Daejeon thấu hiểu nỗi lòng của những người mẹ mong muốn con mình có thể nói được hai ngôn ngữ của cả ba và mẹ.

Chị tâm sự: “Dù sống tại Hàn Quốc, các con vẫn không quên ông bà ngoại và những người thân đang sống ở Việt Nam. Đó là quê hương của mẹ, là một phần dòng máu đang chảy trong người các con. Tôi chỉ mong được nghe các cháu có thể hỏi thăm, nói chuyện với ông bà ngoại, với những người bạn đồng hương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Thời gian tới, theo kế hoạch, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ mở thêm các lớp học tiếng Việt trên toàn quốc.

Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và nguồn tài trợ từ các trung tâm gia đình đa văn hóa, các công ty ở Hàn Quốc, Hội tiếp tục phối hợp với Quỹ Phát triển châu Á để hỗ trợ các học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba, đào tạo tiếng Việt và cấp học bổng cho học sinh đi du học tại các trường đại học ở Việt Nam.

Hơn ai hết cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc mong muốn mô hình lớp học như vậy được nhân rộng để tất cả con em các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt có cơ hội học ngôn ngữ mẹ đẻ.

(Nguồn: Quê Hương Online)

DU HỌC SINH VIỆT NAM: ‘DÂN TRUNG QUỐC VẪN CÒN RẤT SỢ COVID’

(Ảnh minh hoạ).

Tâm lý lo sợ COVID vẫn còn hiển hiện ở người dân Trung Quốc bất chấp chính quyền đang dần dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc, báo hiệu đợt bùng phát các ca nhiễm mới, một du học sinh Việt Nam nói với VOA.
Hiện tại Trung Quốc đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới kỷ lục mỗi ngày: chẳng hạn gần 14 ngàn ca hôm 9/12 và gần 11 ngàn ca vào ngày 10/12, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia nước này được Reuters dẫn lại.
Đợt bùng phát này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang dần dần nới lỏng các quy định kiểm soát dịch, bao gồm giảm xét nghiệm đại trà, cho cách ly tại nhà, giảm bớt thời gian cách ly tập trung, không phong tỏa trên diện rộng, giảm bớt các yêu cầu xuất trình về giấy tờ khi đi lại hay vào những nơi công cộng.
Việc nới lỏng này cho thấy Bắc Kinh đang dần rời xa chính sách Zero COVID trong suốt gần ba năm qua để tiến tới sống chung với dịch bệnh sau khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa của các sinh viên ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh, Thành Đô…
Hành trình gian nan
Từ Thượng Hải, anh Lộc Văn Đàn, 23 tuổi, sinh viên cao học ngành Thương mại quốc tế, Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương Bắc Kinh, đã kể lại với VOA hành trình gian nan đi từ Việt Nam sang Trung Quốc và những thay đổi mà anh chứng kiến kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Anh Đàn trở lại Trung Quốc hồi tháng 10 để nhập học. Trước đó, anh về Việt Nam tránh dịch sau khi đã lấy bằng cử nhân tại Đại học Quý Châu, tỉnh Quý Châu.
“Quá trình đi từ Việt Nam sang Trung Quốc rất phức tạp và phải tuân thủ mọi quy trình của họ,” anh Đàn nói và cho biết trước khi lên máy bay anh phải cách ly trong ba ngày ở Việt Nam theo yêu cầu của phía Trung Quốc và được xét nghiệm mỗi ngày. Nếu hành khách nào bị tình nghi có virus corona thì sẽ không được lên máy bay.
Khi lên máy bay, hành khách phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ ‘gồm 7 món, trong đó có quần, áo bảo hộ, tất chân, tất tay, mũ, kính chắn giọt bắn’, theo lời anh Đàn.
Chuyến bay đi Bắc Kinh của anh phải dừng ở Hàng Châu chờ nối chuyến. Khi đến Hàng Châu, anh ‘được xe ca đặc biệt đưa thẳng đến trại cách ly tập trung ở ngoại ô trong vòng 10 ngày’.
Theo lời anh kể thì tại sân bay Hàng Châu, hành khách phải đi ra theo một lối đi riêng ‘với tổng cộng tám lần quét mã QR theo dõi sức khỏe’.
Sau khi hoàn thành cách ly ở Hàng Châu, anh Đàn đáp chuyến bay đến Bắc Kinh và tiếp tục cách ly tập trung thêm 14 ngày theo quy định của Bắc Kinh, cũng theo lời sinh viên cao học này.

“Ở Hàng Châu ngày nào cũng xét nghiệm, còn ở Bắc Kinh xét nghiệm mỗi ngày đến ngày thứ 10, sau đó thì xét nghiệm cách ngày,” anh Đàn nói và cho biết chi phí cách ly mỗi ngày là 400 tệ, tức 1,4 triệu đồng, do sinh viên bỏ ra. Tổng cộng, anh Đàn đã tốn hơn 50 triệu đồng cho chuyến đi nhập học lần này.
Cách ly xong 14 ngày, anh được cho vào trường và ở hẳn trong ký túc xá chứ không được đi ra ngoài trừ phi bị ốm đau và phải làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu muốn đi ra ngoài ‘phải xin phép đủ thứ loại giấy tờ’, anh Đàn cho biết.
“Nếu chỉ cần trong trường có một ca dương tính thì nhà trường ngay lập tức yêu cầu tất cả sinh viên quay trở về phòng ký túc xá và chỉ được ở trong phòng của mình. Liên tục trong 5 ngày như vậy nếu không có ca mới thì trường mới thả ra,” anh nói.
Theo lời anh thì nhà trường sẽ cắt cử các thầy cô giám sát việc cách ly của các sinh viên và ‘mọi người đã quen rồi nên đều rất tuân thủ’.
Anh nói trong đợt biểu tình phản đối phong tỏa hồi cuối tháng 11 vừa qua, sinh viên trường anh không có tham gia nhưng ‘tất nhiên là có bất mãn’ khi mà thế giới đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh từ lâu.
“Tất nhiên là không thể nào quen được, nó rất là bí bức. Quá trình mở cửa của Việt Nam mình đã diễn ra khá lâu rồi, mình đã quay lại cuộc sống bình thường, đã gần như quên hẳn COVID rồi, nhưng sang đến Trung Quốc mình có cảm giác nó quay lại thời kỳ mình chưa biết gì về dịch bệnh, mọi thứ vẫn còn rất đáng sợ,” anh Đàn mô tả cảm giác của anh khi quay trở lại Trung Quốc.
‘Đã dễ thở hơn’
Tuy nhiên, hiện giờ nhà trường đã cho phép sinh viên rời trường về nhà để nghỉ đông, và bản thân anh Đàn đã đi được từ Bắc Kinh xuống Thượng Hải bằng tàu cao tốc.
Việc xét nghiệm cũng không phải bắt buộc làm mỗi ngày nữa ‘mà thực hiện theo yêu cầu của sinh viên’ và nhà trường đã cho sinh viên tự xét nghiệm ở nhà bằng que xét nghiệm nhanh, cũng theo lời anh Đàn.
Anh cho biết hiện giờ ở Bắc Kinh, Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung, việc đi lại bằng phương tiện công cộng không đòi hỏi giấy tờ gì nữa. Lúc anh vừa đến Thượng Hải, anh đã phải xét nghiệm ngay ở nhà ga và tạo mã QR riêng mới được ra. Trong vòng 5 ngày đầu ở Thượng Hải, anh không được phép đến những nơi công cộng vốn đòi hỏi phải quét mã QR mới cho vào.
So sánh giữa ba thành phố mà anh đã đặt chân qua kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, anh nói ‘Thượng Hải quay lại cuộc sống bình thường nhanh nhất’ và cho đến giờ, các trung tâm thương mại ở đây đã bỏ quy định phải quét mã QR mới cho vào.
“Các nhà hàng ở Bắc Kinh hiện vẫn còn hạn chế lượng người ra vào và số lượng shipper (người giao hàng) ở Bắc Kinh vẫn khá là ít nên việc tự do ăn uống ở các nhà hàng ở Bắc Kinh vẫn đang bị hạn chế,” anh Đàn nói.
Theo nhận định của anh thì Trung Quốc chọn thời điểm này để nới lỏng ‘là phù hợp vì cả thế giới đều đã nới lỏng và cảm thấy COVID không còn quá nguy hiểm như trước’.
“Trung Quốc không thể nào là quốc gia đầu tiên mở cửa khi mà dân số họ quá đông, với phần trăm người già trong tỷ lệ dân số rất là cao,” anh giải thích.
‘Vẫn còn tâm lý sợ’
Theo quan sát của anh thì người dân Trung Quốc, nhất là người già, vẫn còn tâm lý sợ COVID.
“Người dân Trung Quốc rất yêu thương gia đình của họ, nếu người thân bị nhiễm hay mất đi là điều rất đau đớn nên nếu được chọn lựa giữa mất mát tiền bạc và mất sức khỏe thì người dân Trung Quốc vẫn lựa chọn tạm thời không thể kiếm tiền còn hơn là ảnh hưởng đến người nhà,” anh lý giải về thái độ không mặn mà với việc nới lỏng kiểm soát dịch của một bộ phận người dân Trung Quốc.
“Cho đến tận bây giờ Trung Quốc vẫn còn đang có hai luồng ý kiến: một là nên duy trì chính sách cũ, một là nên mở cửa. Đa số những người đòi duy trì chính sách cũ là những người trên 50 tuổi”
Ngay cả trong sinh viên cũng có người còn sợ COVID, anh nói và đưa ra dẫn chứng là khi anh đi Thượng Hải, nhiều bạn bè anh sợ ‘đi sẽ nhiễm bệnh nên chọn ở nhà’.
Giải thích tại sao COVID vẫn còn đáng sợ với người dân Trung Quốc như vậy, anh Lộc nói việc phong tỏa nặng tay trước đây đã ‘khắc sâu trong tâm trí người dân một hình ảnh rất đáng sợ về căn bệnh này’.
Bản thân anh Đàn từng bị nhiễm COVID hai lần ở Việt Nam. Do đó, anh nói anh chia sẻ với các bạn bè Trung Quốc của anh về cách phòng chống, chữa trị.
“Bản thân mình thấy phòng dịch nhưng không nên gắt quá. Chính vì làm quá gắt nên mới gây ra vụ cháy chết chóc ở Tân Cương khiến các bạn sinh viên xuống đường biểu tình,” anh nói.

(Nguồn: VOA)

NGƯỜI VIỆT KỂ CHUYỆN HỌC LÁI Ở ĐỨC: BẬT KHÓC VÌ QUÁ TỐN KÉM VÀ VẤT VẢ

Chị Nga nhớ lại bên cạnh thời gian học tiếng Đức vất vả cũng phải bỏ nhiều thời gian tập lái đường trường với thầy giáo trước khi đủ điều kiện thi bằng lái xe.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, một người Hà Nội đã sang định cư ở thành phố Leipzig (Đức) được 6 năm, kể lại về hành trình học lái xe khá gian nan của mình, nhân việc báo VietNamNet mở diễn đàn "Học lái xe: Làm sao để tránh bệnh hình thức?".

Chị Nga cho biết sau một hai năm đầu sang Đức sống, do nhà ở vùng ngoại ô nên nhu cầu sử dụng ô tô là rất cần thiết, chị quyết định học thi lấy bằng lái để không phải phiền chồng làm tài xế bất đắc dĩ.

"Tôi bắt đầu qúa trình học từ tháng 4/2019 và đến cuối tháng 11/2019 mới đủ điều kiện để thi thực hành. Trước đó phần thi lý thuyết không quá khó nếu học hành chăm chỉ và hiểu tiếng Đức", chị Nga kể lại.
Theo chị Nga, học và thi bằng lái ô tô ở Đức có hai vấn đề khiến người mới sang dễ "sốc". Đó là chi phí đắt đỏ và học vất vả, lơ mơ rất dễ trượt.

Lệ phí cho một lần thi áp dụng toàn quốc sẽ tốn khoảng 215 euro, tương đương gần 6 triệu đồng tiền Việt, trong đó thi lý thuyết tốn 55 euro và thi thực hành tốn 160 euro. Mức này gấp 10 lần lệ phí thi cấp bằng lái xe ở Việt Nam (khoảng 600.000 đồng, chưa tính chi phí học).

Tuy nhiên, chi phí để học lý thuyết và thực hành mới khiến học viên phải "hoa mắt". Chị Nga hoàn thành khóa học lý thuyết gồm 12 buổi đã tiêu tốn khoảng 250 euro (hơn 6,7 triệu VND) bao gồm sách và đĩa học.

Nhưng học phí này chưa thấm vào đâu so với mức học phí học thực hành lái xe. Đây cũng là quá trình học khắc nghiệt và đắt đỏ nhất để một người dân có được tấm bằng lái xe ở Đức. Ở thành phố Leipzig, học viên phải trả 30 euro/giờ học lái (khoảng hơn 800.000 đồng).

Theo quy định, học viên phải học đủ ít nhất 50 giờ mới được phép thi, tức là tối thiểu, mỗi người sống ở Đông Đức như chị Nga phải tốn khoảng 1.500 euro (khoảng hơn 40 triệu đồng) để hoàn tất điều kiện này.

Cộng thêm lệ phí đăng ký thi, mỗi học viên phải chi ít nhất là gần 50 triệu đồng cho 1 quá trình học và lấy bằng (con số này ở Việt Nam hiện nay là khoảng 10-15 triệu đồng cho bằng B2, PV), nhưng nếu lần thi đầu trượt thì lại quay trở lại vòng lặp tốn kém.

“Nếu trượt, bạn sẽ phải lập lại quá trình học lái xe đủ 50 giờ ôn luyện với thầy dạy lái kèm hóa đơn chi trả toát mồ hôi. Ở Đức, nếu học thi không cẩn thận và thi đi thi lại dễ tốn đến cả chục ngàn euro”, chị Nga cho biết.

Thông qua báo chí, chị Nga biết người Việt trong nước đang tranh luận khá nhiều về quy định học lái đường trường phải đủ 810 km. Chị Nga cho rằng quãng đường phải lái như vậy là còn ít so với thời gian chị học lái bên Đức.

Chị Nga kể, chế độ học lái thực hành tại Đức chỉ được phép học một kèm một, không có chuyện học ghép theo nhóm như ở Việt Nam, và thầy giáo cũng rất nghiêm khắc. Dù quy định tối thiểu chỉ cần học 50 tiếng lái trên đường là đủ điều kiện đi thi, nhưng quyền quyết định lại do thầy giáo.

"Do còn phải thi tiếng Đức nên lịch học của tôi một tuần là 3 buổi, mỗi buổi 45 phút. Trong 10 buổi đầu tiên là học làm quen số sàn và lái loanh quanh trong thành phố. Từ buổi thứ 10 trở đi sẽ được lái sang các thành phố khác và vùng lân cận. Sang buổi thứ 30 tôi mới được học lùi, đỗ xe và luyện thêm kỹ năng lái", chị Nga nhớ lại.

Điều khiến chị Nga nhớ nhất là sau 50 buổi học lái, chị mới được thầy giáo cho lái cao tốc, lái ban đêm. "Với người học nhanh thì chỉ cần 20 buổi là đã có thể đi thi, nhưng vì tay lái tôi kém nên phải học trên 50 buổi mới có thể kết thúc giáo án. Tổng số đường đã đi phải trên 2.500 km, tiền học thầy cũng mất gần 2.000 euro", chị Nga cho biết.

Tuy nhiên, nhờ được học rất kỹ theo kiểu "cầm tay chỉ dẫn" nên ngay sau khi lấy được bằng lái, chị Nga đã có thể tự tin lái chiếc BMW của gia đình ra phố và chồng ngồi bên cạnh hoàn toàn yên tâm.

Chị Nga cho rằng việc học kỹ, thầy nghiêm, đủ giờ, chạy xe nhiều giúp học viên dần quen các điều kiện môi trường, giao thông như ban ngày, ban đêm, trên cao tốc, đường nông thôn, đường vắng, đường đông... Mục đích là học xong, người dân có thể tự tin lái ra đường.

Điều này hoàn toàn khác với cách học trước đây ở Việt Nam, phổ biến là chỉ học đủ để đi thi, học viên chỉ học theo sa hình và luyện xe chíp trong sa hình, dẫn tới tình trạng nhiều người được cấp bằng nhưng không dám lái thật ngoài đường.

"Tôi vẫn nhớ trong những buổi cuối học với thầy giáo, mình đã mắc lỗi sơ đẳng là khi thấy một phụ nữ chuẩn bị băng qua đường ở chỗ đường dành cho người đi bộ. Chính ra tôi phải dừng lại, thì lại lái qua luôn, mặc dù cô ấy mới chuẩn bị bước chân xuống đường. Với lỗi như vậy khi thi sẽ bị trừ 5 điểm và khả năng đánh trượt cao vì gây nguy hiểm cho người đi bộ. Thầy đã chỉ ra điểm sai của tôi và từ những chi tiết đó, khi thi mình cẩn thận hơn. Đến khi có bằng rồi vẫn thuộc nằm lòng kỹ năng cơ bản của lái xe trên đường", chị Nga kể.

Ngay khi có trong tay tấm bằng lái, chị Nga cảm thấy hạnh phúc tột bậc. Chị thấy rằng có được bằng lái xe ở Đức không hề dễ dàng gì mà cả một sự dày công khổ luyện mồ hôi lẫn nước mắt, tiền bạc và thời gian. Rất nhiều người sau khi mất công khổ luyện giống chị nhưng thi lần đầu tiên không đỗ, họ đã không thể giữ được cảm xúc mà phải bật khóc vì quá vất vả, bao công sức bỏ ra mà không được đền đáp.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hội đồng hương ở Ba Lan; Hướng về đại hội đoàn; Kỹ sư thắng lớn; Rời Ukraine; Nhận tội ở Nhật ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang