Người Việt hải ngoại: Hội đồng hương ở Ba Lan; Hướng về đại hội đoàn; Kỹ sư thắng lớn; Rời Ukraine; Nhận tội ở Nhật

HỘI ĐỒNG HƯƠNG NGHỆ TĨNH TẠI BA LAN GẶP MẶT MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023

(Ảnh minh hoạ).

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan vừa tổ chức buổi giao lưu, gặp mặt Mừng Xuân Quý Mão 2023 và ra mắt BCH Hội nhiệm kỳ 2022-2027.

Tại buổi lễ, sau màn múa lân sôi động, anh Hoàng Hữu Bình, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan đã điểm lại hoạt động của Hội trong thời gian qua và phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục có những hoạt động cộng đồng, góp phần đoàn kết cộng đồng, hướng về quê hương.

Tại buổi lễ, thay mặt Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, ông Lê Thiết Hùng, UVBCH Hội đã gửi lời chúc năm mới đến bà con, chúc bà con Nghệ Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

BCH Hội cũng tặng quà mừng thọ các vị cao niên, tặng giấy khen, kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp của đội văn nghệ, cho chủ tịch Liên đoàn bóng đá Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, đại diện các đội bóng đá của Hội và cho chị Kim Thoa, người đã đạt danh hiệu Hoa hậu áo dài phu nhân người Việt toàn châu Âu 2022. Hội cũng tặng giấy khen cho các học sinh đoạt danh hiệu Học sinh giỏi, xuất sắc, đặc biệt xuất sắc.

Nhân dịp này các thành viên BCH Hội nhiệm kỳ 2022-2027 (được bầu trong kỳ họp mở rộng của Hội năm 2022) đã ra mắt.

Trong buổi giao lưu, các ca sĩ trong Hội đồng hương Nghệ Tĩnh trong đó có các ca sĩ thiếu nhi đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc về quê hương Nghệ Tĩnh làm buổi gặp mặt thêm phần vui tươi, đầm ấm. Bà con và các vị khách mời đã cùng nâng ly, chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.

Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan là một trong những hội đồng hương đầu tiên của người Việt tại Ba Lan và là Hội có nhiều thành viên nhất hiện nay. Nhiều thành viên của Hội là những cá nhân xuất sắc trong các hoạt động cộng đồng nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, từ thiện.

Trong thời kỳ dịch COVID-19, nhiều thành viên của Hội đã có những đóng góp tích cực hỗ trợ Cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các y, bác sĩ Ba Lan trong tuyến đầu chống dịch và trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực người Việt tại Ukraine sang Ba Lan lánh nạn. Trong năm 2022, Hội đã tổ chức thành công giải bóng đá đồng hương xứ Nghệ toàn châu Âu lần thứ nhất.

BCH Hội nhiệm kỳ 2022-2027 có 55 thành viên với 17 ủy viên thường vụ, 1 chủ tịch và 6 phó chủ tịch. Hội có 6 ban hoạt động: Tài chính, Văn hoá - thể thao, Từ thiện - hiếu hỷ, Hoà giải - phát triển hội viên, Đối nội - đối ngoại, Khuyến học, thông tin truyên truyền và khen thưởng. Hội có 3 CLB bóng đá, 1 CLB Golf Quê choa PL; 1 đội văn nghệ. Hội có 7 hội đồng hương huyện xã là Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Sơn Thành, Bảo Thành ,Viên Thành, Nghi Văn. Hội có 500 gia đình hội viên.

(Nguồn: Thời Đại)

NGƯỜI TRẺ VIỆT KHẮP NĂM CHÂU HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI ĐOÀN

Hòa chung không khí hân hoan chào đón ngày hội lớn của tuổi trẻ cả nước, những bạn trẻ Việt trên khắp năm châu cũng hướng về và dành những lời chúc, tâm huyết, sự gửi gắm và kỳ vọng đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Sẵn sàng đóng góp xây dựng đất nước dù đang ở bất cứ đâu

Là cán bộ Đoàn tại trường phổ thông đến đại học và hiện tại là du học sinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi đặc biệt quan tâm đến những nội dung đào tạo nguồn lực thanh niên, nghiên cứu, sáng tạo và phụng sự cộng đồng. Đây sẽ là những trọng tâm trong nhiệm kỳ mới mà tổ chức Đoàn và các trường đại học cần đồng hành và chung tay. Ba nhiệm vụ đột phá được đề ra là chuẩn xác với bối cảnh hiện nay, khi thế hệ thanh niên mới rất cần sự hỗ trợ nhằm phát triển năng lực, khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Hiện đang ở nước ngoài, tôi thấy thanh niên Việt Nam luôn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng đóng góp, chung tay xây dựng đất nước dù các bạn đang ở chân trời nào. Vì vậy, tôi mong được thấy thêm những nội dung kết nối các tổ chức Đoàn với thanh niên Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài trên nhiều phương diện, đặc biệt là về khoa học công nghệ. Các sự kiện giao lưu, hội nghị khoa học thường niên, các diễn đàn trao đổi sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa Đoàn và du học sinh, đồng thời kéo gần tiến bộ của thế giới về với Việt Nam.

Tôi rất tin đại hội sẽ là diễn đàn để nhìn lại những thành tựu tổ chức Đoàn đã đạt được và kết tinh, tiếp tục phát huy tinh thần thanh niên cho đất nước và cộng đồng.

Trân trọng những giá trị tốt đẹp mà Đoàn đang định hướng và hỗ trợ người trẻ

Xuất thân là một cán bộ Đoàn, tôi luôn hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp mà Đoàn đang định hướng và hỗ trợ người trẻ phát triển trên nhiều phương diện, thể hiện rõ qua các kỳ đại hội.

Và với ngành y nói riêng, tôi mong rằng qua kỳ đại hội này, sẽ có nhiều cơ hội và sân chơi cũng như nguồn lực cho sinh viên y và bác sĩ trẻ được cọ xát, nuôi dưỡng đam mê với nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các khóa tu nghiệp, tạo điều kiện cho các sinh viên, bác sĩ trẻ có cơ hội học tập, tích cực hội nhập, phát triển chuyên môn và nâng cao năng lực bản thân, tự tin hơn khi đứng trên các đấu trường và diễn đàn quốc tế.

3 điều gửi gắm đến đại hội

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc, tôi chúc Đại hội Đoàn toàn quốc thành công tốt đẹp.

Tôi xin được gửi gắm một số mong muốn: Thứ nhất, tiếp tục quan tâm sâu sắc tới cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, có thêm nhiều chỉ đạo, định hướng hoạt động để các Hội sinh viên ở nước ngoài có thể tổ chức triển khai các hoạt động hiệu quả, ý nghĩa hơn nữa, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh viên Việt Nam ở nước ngoài mà còn có thể đóng góp, hướng về Tổ quốc.

Thứ ba, tạo ra nhiều cơ hội cho đoàn thể, cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có thể họp mặt, gặp gỡ giao lưu với các lãnh đạo Đoàn nhằm tăng tình gắn kết giữa cộng đồng sinh viên ngoài nước và lãnh đạo Đoàn trong nước.

Mong có nhiều diễn đàn như Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu

Mong Đoàn thanh niên sẽ tạo ra được nhiều diễn đàn như Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu để tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam ở ngoài nước kết nối và đóng góp cho quê nhà.

Tôi nhận thấy người Việt trẻ ở nước ngoài cần sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn trong việc kết nối cộng đồng người Việt để chia sẻ khó khăn với nhau, cũng như là hòa nhập với cộng đồng nước sở tại. Ngoài ra cũng là cầu nối giữa các bạn trẻ và chính quyền tại nước đó để có thể hiểu và tuân thủ pháp luật, được phổ biến về pháp luật.

Tôi nghĩ người trẻ Việt dù ở bất cứ đâu cũng luôn quan tâm đến sự phát triển hiện tại ở Việt Nam và luôn có mong muốn đóng góp, cống hiến cho nước nhà. Điển hình là hiện tại trên các nền tảng trực tuyến, các bạn trẻ đã chủ động liên kết với nhau. Tôi có tham gia các mạng lưới về học thuật, khoa học y sinh được hình thành để kết nối những nhà khoa học trẻ tại các nước có điều kiện nghiên cứu tốt. Tôi thấy mọi người chủ động chia sẻ và rất quan tâm là làm thế nào để có thể có cơ hội hợp tác, về Việt Nam làm nghiên cứu, nhưng mà còn gặp nhiều khó khăn. Nếu như tổ chức Đoàn có thể trở thành cầu nối để tìm kiếm các cơ hội kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ rất tốt.

(Nguồn: Thanh Niên)

KỸ SƯ VIỆT "VÁ" LỖ HỔNG BẢO MẬT, THẮNG LỚN TẠI CUỘC THI HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

(Ảnh minh hoạ).

Nhóm kỹ sư Việt đã khai thác lỗ hổng và giành giải bảo mật hơn 80.000 USD tại Pwn2Own - một trong những cuộc thi bảo mật lâu đời và lớn nhất thế giới.

Pwn2Own là một trong những cuộc thi bảo mật lâu đời và lớn nhất thế giới, được Zero Day Initiative tổ chức thường niên từ 2007. Chủ đề trong đợt thi lần này là tìm lỗ hổng trong thiết bị thông minh, nhắm đến các mục tiêu được sử dụng thường xuyên trong nhà hoặc văn phòng như điện thoại di động, bộ định tuyến không dây, máy in, loa thông minh.

Trong bốn ngày, mỗi ngày đội đến từ Việt Nam đều khai thác được từ 1 đến 2 lỗ hổng. Tổng cộng có 5 lỗ hổng được nhóm khai thác, nhắm vào các mục tiêu gồm: máy in Canon, HP, bộ định tuyến TP-Link, Cisco và thiết bị lưu trữ mạng Western Digital.

Năm nay, Pwn2Own có thêm hạng mục SOHO Mashup, mô phỏng lại cuộc tấn công trong một văn phòng nhỏ với hàng loạt thiết bị thông minh kết nối mạng. Thí sinh sẽ phải tấn công vào bộ định tuyến, sau đó nhắm mục tiêu đến các thiết bị tiếp theo trong mạng LAN. Ở phần này, đội thi đến từ Việt Nam đã khai thác thành công lỗ hổng trên router Cisco và máy in Canon. Đây cũng là kết quả cao nhất mà nhóm đạt được trong đợt thi, giúp mang về 7,5 điểm và 37,5 nghìn USD giải thưởng.

Được biết, nhóm có 11 người, trong đó có 8 thành viên trẻ, sinh từ 1995 đến 2000. Nhiều người lần đầu tham dự cuộc thi bảo mật tầm cỡ thế giới, nhưng đã có thành tích cạnh tranh với các chuyên gia có tiếng như Star Labs, DevCore.

Ngoài TeamViettel, một đội thi khác là Qrious Secure cũng có thành viên đến từ Việt Nam, gồm Toan Pham and Tri Dang, theo website cuộc thi. Tuy đạt 10,25 điểm và đứng top 5, đội giành gần 90.000 USD tiền thưởng, trong đó riêng lỗ hổng tấn công hệ thống loa Sonos One giúp đội thu về tới 60.000 USD. Ngoài ra, một số thí sinh tham gia cá nhân, như Chi Tran, AnhtuD, Le Tran Hai Tung, đều giành 10.000 USD sau khi khai thác thành công lỗ hổng từ máy in Canon.

Pwn2Own 2022 có 36 đội thi từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều đội mạnh về bảo mật như Đài Loan, Singapore, Mỹ, Đức, Israel, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Sau bốn ngày, cuộc thi tìm ra 63 lỗ hổng zero-day và 989.000 USD giải thưởng được trao.

(Nguồn: Thời Đại)

NGƯỜI VIỆT RỜI UKRAINE: "BƯỚC CHÂN QUA BIÊN GIỚI, TIM CHÚNG TÔI VỠ VỤN"

9 tháng lánh nạn tại Đức, nguồn sống gia đình anh Hồ Sỹ Trúc (57 tuổi) chủ yếu dựa vào trợ cấp nhân đạo của Chính phủ. Anh chưa có công việc chính thức, cố gắng học tiếng nhưng "mãi không thể nhớ".

PV Dân trí đã có buổi trò chuyện cùng anh Trúc về hành trình người đàn ông và vợ con chạy nạn từ Ukraine, cùng những khó khăn khi mưu sinh trên mảnh đất mới.

"Chiến sự nổ ra rồi! Thật rồi!"

Năm 1989, tôi rời Việt Nam sang Ukraine làm việc tại nhà máy cơ khí chế tạo máy mỏ mang tên Kirova (TP Gorlovka, tỉnh Donetsk), theo diện hợp tác lao động được ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô 1981.

Tôi đã gắn bó với công việc này 6 năm. Đến 1997, sau khi kết thúc hợp đồng lao động, tôi về Thủ đô Kiev sinh sống và làm việc.

34 năm tại Ukraine, suốt chiều dài nửa đời người đó, tôi và rất nhiều bà con người Việt đã hòa nhập, thích nghi với cuộc sống mưu sinh xứ người.

Dù trải qua nhiều sóng gió, nhưng chúng tôi vẫn tự làm chủ cuộc sống của mình, được chính quyền sở tại giúp đỡ về giấy tờ tùy thân hợp pháp. Các gia đình người Việt hầu hết đều có cơ sở hạ tầng ổn định, bình an và từ thâm tâm chúng tôi đã xem Ukraine như Tổ quốc thứ hai của mình.

Cuộc sống bình yên cứ thế trôi qua, cho đến sáng 24/2, Nga bắn tên lửa vào lãnh thổ Ukraine, mở màn "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Trước đó, dù đã được cảnh báo từ nhiều nguồn và biết có nguy cơ bùng nổ xung đột, nhưng chúng tôi không tin. Chỉ khi tiếng nổ của những quả tên lửa hành trình làm rung chuyển những ngôi nhà, tôi đã hết sức ngỡ ngàng.

"Chiến sự nổ ra rồi, thật rồi!" - bà con người Việt gọi nhau thông báo tình hình nguy cấp, nhưng không mấy hoảng loạn. Cuộc chiến xảy ra, trong cộng đồng người Việt và tôi cũng vậy, từng nhóm gia đình có quan hệ thân thiết với nhau tập trung lại một chỗ phòng bất trắc.

Riêng nhóm tôi khoảng 10 gia đình, đã tạm trú ẩn tại tầng ngầm - nhà của một người bạn tự xây dựng khá kiên cố.

Suốt hai ngày, 24 và 25/2, chúng tôi chuẩn bị lương thực thực phẩm đầy đủ cho khoảng 40 người. Mọi người không ra ngoài, chỉ theo dõi tình hình qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin tức càng lúc càng đáng lo ngại.

Nhận thấy ở tập trung đông quá chưa hẳn là phương án tốt, nên chiều 25/2 gia đình tôi quyết định trở về nhà mình. Nếu có báo động, chúng tôi sẽ chạy xuống trú ẩn tại boong ke - địa điểm tránh bom đạn mà chính quyền đã chuẩn bị sẵn từ mấy tháng trước cuộc chiến.

Từ 20 giờ ngày 25/2, Nga bắt đầu bắn tên lửa vào Kiev. Sau khi giục vợ con xuống hầm trú ẩn, tôi vẫn ngồi từ căn hộ nhà mình ở tầng 11, chứng kiến một trận bắn phá kinh hoàng. Tên lửa xé trời, mặt đất rung chuyển dữ dội và kéo dài tới hơn 3 giờ sáng mới ngừng hẳn. Hầu hết tên lửa đều bay qua nhà tôi hướng sang trung tâm Thủ đô.

Hành trình gian nan tháo chạy khỏi bom đạn

Thấy chiến sự leo thang, sáng sớm 26/2 nhóm chúng tôi hội ý và quyết định sơ tán về vùng biên giới tỉnh Chernivtsi giáp Rumani, dự định ban đầu là thuê nhà sống một thời gian nghe ngóng tình hình nếu Kiev ổn định sẽ quay về.

10 giờ sáng, chúng tôi xuất phát. Nhóm chia làm hai tốp, gia đình tôi đi tốp đầu gồm 5 xe, may mắn kịp đổ xăng đủ để chạy ra khỏi Kiev. Lúc này nếu hết xăng thì rất khó mua bởi các điểm bán xăng đông nghẹt, các phương tiện xếp hàng dài cả cây số.

Sau 3 đêm trắng không ngủ, việc ôm vô lăng chạy suốt quãng đường gần 600km là một thử thách khủng khiếp với tôi. Trên đường, chúng tôi đi nối đuôi nhau, có lúc đi lạc vào đường rừng dốc cua tay áo, chỉ cần lơ đễnh một khắc, xe sẽ lao xuống vực sâu.

Ròng rã suốt 17 tiếng chạy xe không nghỉ, chúng tôi mới tới được điểm tập kết. Tôi như gục xuống vô lăng, không thể đánh nổi xe vào điểm đậu. Một người em khi đó đã hỗ trợ tôi lái xe vào bãi.

Ngày 27/2, cả nhóm nghỉ tại thành phố Chernivtsi. Đêm ấy, chúng tôi nghe có tin tức có chiến sự tại khu vực nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, có thể phóng xạ đang phát tán. Lo ngại điều này, chúng tôi quyết định sáng 28/2 sẽ đưa các con qua biên giới Rumani để sang Châu Âu.

Đầu tiên chúng tôi dự định lái xe qua biên giới. Nhưng sau khi nghe một người quen nói rằng phải nằm tại biên giới 3 ngày 4 đêm vì dòng xe xếp hàng dài hơn chục cây số, mỗi ngày chỉ nhích được vài ba km, chúng tôi đã bỏ xe lại và đi bộ qua biên giới.

Tôi đã nhìn thấy hàng xe xếp hàng dài dằng dặc, nhích từng tí một. Dòng người chờ đợi đứng đầy hai bên đường, trông họ bơ phờ và mệt mỏi. Thương nhất là đám trẻ con kêu khóc náo loạn vì sợ hãi.

Nhóm chúng tôi đi bộ dọc theo đoàn xe xếp hàng. Sau 1km, chúng tôi gặp tổ chức nhân đạo, được hỗ trợ chở trẻ em và người bảo hộ đến tận cửa biên phòng, ưu tiên làm thủ tục qua biên giới sớm.

Trên quãng đường ấy, tôi xúc động bởi hình ảnh cứ cách vài chục mét, hai bên đường xuất hiện những chiếc bàn đầy đủ thức ăn và nước uống mà người dân địa phương chuẩn bị sẵn. Tất cả đều miễn phí dành cho người dân tị nạn như chúng tôi.

Sau vài tiếng xếp hàng tại đồn biên phòng, chúng tôi được giải quyết mọi thủ tục nhanh gọn. Chừng 30 phút, chúng tôi đã có mặt bên kia giới phận Rumani. Tại đây, rất nhiều tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội của Rumani chờ sẵn để cứu hộ, giúp đỡ các nạn nhân chạy loạn. Hễ thấy người bước qua cửa biên, họ tiến đến hỏi han nguyện vọng rồi hướng dẫn, giúp đỡ, chở người lánh nạn tới những điểm tập kết.

Trong cảnh chạy loạn bơ vơ gặp được những tình cảm ấm áp như vậy, tôi không thể nào quên trong cuộc đời.

Sau hai đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, ngày 2/3, chúng tôi lên đường đến Thủ đô Bucharest để bay sang Đức theo lời mời của gia đình đồng nghiệp hiện định cư tại Tây Đức.

Do sức khỏe vợ yếu, tôi cố gắng mua vé máy bay ở Suceava thật nhanh, mong thực hiện chuyến bay nhưng không thành công, do Rumani không nằm trong khối Schengen. Thế là, tôi mất đi những đồng tiền gần cuối cùng. Khi chạy loạn, gia đình tôi cũng như hầu hết bà con người Việt tại Ukraine đều tay trắng. Trước đó, vào tháng hai, chúng tôi dồn hết tiền tập kết hàng hóa mùa Xuân, chưa kịp buôn bán đã vội vã tháo chạy.

Giữa sân bay Bucharest xa lạ, vợ tôi nói trong túi chỉ còn mấy trăm USD: "Bây giờ phải làm sao?". Tôi có chút hoang mang.

Đang loay hoay tại sân bay, tôi biết được một vài anh em trong nhóm đang nằm trong trại lánh nạn cách đó không xa. Do vậy, chúng tôi quyết định đêm hôm đó về tụ họp rồi tính tiếp.

Ở Bucharest, trại lánh nạn được chính quyền tổ chức trong một cung thi đấu thể thao rất lớn. Mấy trăm người chen chúc nhau khiến không khí ngột ngạt và khó thở. Không thể chịu đựng, hôm sau, chúng tôi thuê xe của một người bản địa chở sang Đức.

4 giờ sáng 3/3, nhóm chúng tôi lên đường trên hai xe do bố con người Rumani lái - họ là những người thường sang Berlin mua ô tô về bán nên rất thông thạo đường sá.

Trên đường đi, chúng tôi nhận được những tin tức rất bất lợi về việc Hungary sẽ không cho nhập cảnh vì Rumani không nằm trong khối Schengen.

Tôi động viên mọi người cùng quyết tâm, bởi đoàn cũng đã tiến sát gần biên giới Hungary.

Suốt 13 tiếng xe chạy từ Bucharest, tới 6 giờ chiều chúng tôi tới cửa khẩu Hungary, hồi hộp chờ đợi, rồi thở phào nhẹ nhõm khi mọi thủ tục nhập cảnh đều nhanh gọn, mọi người lần lượt đặt chân qua biên giới.

Xe vẫn tiếp tục chạy suốt đêm xuyên qua Hungary, rồi Cộng hòa Séc, đến 1 giờ chiều hôm sau tới Thủ đô Berlin. Chúng tôi tập kết tại nhà một người quen, được gia chủ mời ăn uống và nghỉ ngơi. Sau đó, đoàn chia tay, mỗi người mỗi hướng.

Gia đình tôi được Lê Vũ - một người bạn của con trai đón về nhà gần khu chợ Đồng Xuân sau một hành trình khó diễn tả hết.

4 ngày ở Berlin, chúng tôi dần hồi phục sức khỏe và tinh thần. Trong những ngày này, tôi được dẫn ra khu chợ Đồng Xuân, chứng kiến hình ảnh xúc động khi bà con Việt tại Berlin cùng kêu gọi mua đồ ăn, thức uống, các vật dụng thiết yếu, rồi dùng xe chuyển về các vùng biên giới để giúp đỡ bà con người Ukraine chạy nạn sang Châu Âu.

Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với nhóm tương trợ của chị Phạm Quỳnh Nga. Họ tỏa đi khắp nơi, đến những địa điểm mà người chạy nạn thường lui tới để giúp đỡ, bố trí chỗ ăn, ngủ tạm thời trước khi mọi người nhập trại tị nạn của chính quyền.

Đó chính là tình yêu thương, chia bùi sẻ ngọt với đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt chúng ta. Những tình cảm nồng ấm đó có lẽ không chỉ tôi mà hầu hết bà con người Việt tại Ukraine sang Châu Âu đều cảm nhận được.

"Ở Ukraine, chúng tôi tự làm chủ, bây giờ sang Đức đi làm thuê"

Gia đình chúng tôi đi tàu từ Berlin đi thành phố Mannheim. Hoàng Nhung - vợ bạn tôi đã đón từ sân ga đưa về nhà nghỉ ngơi một đêm. Sáng hôm sau, cô ấy chở chúng tôi vào nhập trại tị nạn ở thành phố Karlsruhe để làm các thủ tục.

Sau 9 ngày ở trại tị nạn, gia đình tôi lại được chuyển về làng Trossingen thuộc huyện Tuttlingen, được cấp một phòng như ký túc xá sinh viên, sống ở đó đến cuối tháng 9.

Trong quãng thời gian 9 tháng di tản khỏi Ukraine, tôi có quay về Kiev hồi tháng 7 để giải quyết một số việc, đồng thời cùng cộng đồng người Việt giúp đỡ trẻ em mồ côi.

5 giờ sáng 28/7, Nga bắn 27 quả tên lửa vào khu vực Vyshhorod của Kiev, ngay sau cửa sổ nhà tôi, khiến 6 người chết và hơn 20 người bị thương.

Tình hình Kiev ổn định hơn, mọi hoạt động diễn ra bình thường như trước đây, người dân cần tuân thủ lệnh giới nghiêm. Các cửa hàng siêu thị đầy đủ các loại thực phẩm. Bà con người Việt vẫn đi chợ bán hàng. Ở vùng ngoại ô Kiev, nhiều nhà cửa, công xưởng, nhà máy bị bắn cháy, ngổn ngang xác xe tăng Nga hai bên đường.

Người dân Kiev đã quen với không khí chiến tranh. Khi còi báo động vang lên, không ai hoảng loạn như những ngày đầu cuộc chiến.

Hai tháng sau, tôi quay về Đức, vì tổ chức xã hội thông báo chuyển nhà đến một căn hộ ba phòng đầy đủ tiện nghi tại làng Emmingen, vẫn thuộc huyện Tuttlingen. Tất cả các chi phí đều do nước Đức cấp từ nhà ở đến tiền ăn hàng tháng.

Tôi và cũng như hầu hết người Việt tại Đức đều đã được nhận thẻ nhựa sinh học, có thời hạn 2 năm và được phép đi tìm việc làm. Chính quyền Đức cũng khuyến khích chúng tôi làm việc, nếu không tìm được việc làm sẽ được hỗ trợ học tiếng.

Nước Đức thật tuyệt vời.

Họ đã giang tay cứu giúp cả triệu người Ukraine sang lánh nạn, trong đó có mấy nghìn bà con người Việt. Tôi vô cùng biết ơn về những điều đó.

Tuy nhiên, thật không đơn giản tạo dựng một cuộc sống mới.

Lớp trẻ có thể thích nghi sau một thời gian ngắn, nhưng điều này không dễ dàng với người có tuổi như chúng tôi. Ở Ukraine, chúng tôi tự làm chủ, bây giờ sang Đức đi làm thuê cũng là một rào cản.

Khó khăn lớn nhất vẫn là ngôn ngữ giao tiếp, tôi học mãi không nhớ. Trong khi Đức là đất nước có các điều luật vô cùng khắt khe, nếu không nắm vững thì rất dễ phạm luật.

Sau tất cả, nhìn lại hành trình 9 tháng qua, điều trăn trở và day dứt khi buộc rời xa Ukraine, không hẳn là những giá trị vật chất. Tôi, cũng như cộng đồng người Việt tại Ukraine, đã hơn nửa đời người miệt mài lao động, tạo dựng và đã có thành quả nhất định.

Tôi tiếc nuối nhất một đất nước Ukraine vô cùng xinh đẹp, người dân hồn hậu, rộng lượng bao dung, bỗng chốc xung đột đã làm tan nát tất cả.

Ukraine - đất nước không sinh ra chúng tôi, nhưng hầu hết người Việt tại Ukraine từ trong trái tim đều xem đây là quê hương thứ hai.

Chúng tôi - trên hành trình chạy nạn - mỗi khi bước qua đường biên giới, đều ngoảnh lại ngắm nhìn mảnh đất ấy, ngậm ngùi rơi lệ. Lòng tôi tự hỏi: "Vì sao, vì sao? Ai đã gieo rắc nên nỗi đau thương đó?".

Những ngày tháng qua, tôi ám ảnh khi bắt gặp những người phụ nữ Ukraine đem con đi lánh nạn. Ở bất kỳ làng mạc, thành phố nào trên nước Đức, tôi đều thấy những đứa trẻ tội nghiệp phải rời bỏ mái ấm của mình, ngơ ngác nơi quê người xứ lạ.

"Chiến tranh đã phá hỏng tương lai của những đứa trẻ. Ngay chính con tôi và rất nhiều con em của bà con Việt kiều tại Ukraine, thời gian đã rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần đến trầm cảm. Các con nhớ và mong muốn trở về nơi chúng được sinh ra.

Tôi cũng vậy, mong ngóng sao chiến sự kết thúc để được trở về căn nhà đã lưu giữ 34 năm thanh xuân.

Nơi đó, dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, luôn mãi trong tim tôi.

(Nguồn: Dân Trí)

BA NGƯỜI VIỆT NHẬN TỘI SAU KHI BỊ BẮT GIỮ Ở NHẬT

Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện phối hợp với Nhật Bản xác minh việc 3 người Việt bị bắt nghi thuộc nhóm "lừa đảo lãng mạn quốc tế".

Trả lời câu hỏi của Zing trong buổi họp chiều 15/12 về việc Nhật Bản bắt giữ ba người Việt nghi thuộc nhóm “lừa đảo lãng mạn quốc tế”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với cơ quan chức năng sở tại xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Trước đó, hôm 16/11, tờ Sankei (Nhật Bản) thông tin Cơ quan Điều tra quốc tế, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ ba người đàn ông Việt Nam tên Do Gong Son (33 tuổi, thất nghiệp), Nguyen Thanh Thanh (23 tuổi, du học sinh), cùng với Nguyen Viet Lam (26 tuổi, thất nghiệp), nghi là thành viên nhóm “lừa đảo lãng mạn quốc tế”. Một vài người khác cũng bị bắt giữ.

Cảnh sát cho hay cả ba nghi phạm đều bị truy cứu vì tình nghi thuộc nhóm chuyên giả vờ hẹn hò rồi lừa đảo trên mạng xã hội, một hình thức phổ biến ở Nhật. Những người này chuyên giả danh làm sĩ quan quân đội hoặc bác sĩ nước ngoài, xây dựng lòng tin rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Cơ quan điều tra cho biết một người đàn ông khoảng 60 tuổi nhận tin nhắn từ một phụ nữ tự xưng là bác sĩ phục vụ trong quân đội Mỹ ở Yemen.

Đoạn tin nhắn nói rằng người tự xưng là bác sĩ trên muốn sống ở Nhật Bản và cần tiền làm thủ tục nghỉ hưu. Nạn nhân cho biết đã bị lừa 5 triệu yen. Một phần tiền đã được thu hồi, song vụ việc được cảnh sát mở rộng điều tra.

Tờ Sankei đưa tin vụ bắt giữ được thực hiện vào ngày 14/11 và cả ba người Việt đã nhận tội.

Truyền thông Nhật Bản cho biết số tiền thiệt hại từ các vụ lừa đảo được cho là hơn 100 triệu yen (hơn 17 tỷ đồng). Cảnh sát đã đột kích, khám xét căn hộ ba người Việt vào ngày 14/11 và thu giữ khoảng 10 triệu yen (1,7 tỷ đồng) tiền mặt cũng như khoảng 80 thẻ ATM.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đại hội tại Séc; Tổng hội ở Lào; Giải võ ở Ý; Lo con cháu mất gốc tiếng Việt; Cuộc sống tị nạn ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang