Người Việt hải ngoại: Lễ Thượng Nguyên ở Lào; Vấn vương Tết quê nhà; 7 người trong thùng xe ở Anh; Những người trụ lại ở Ukraine

Lễ Thượng Nguyên ở chùa Phật Tích của cộng đồng người Việt tại Lào

Sáng 24/2,chùa Phật Tích ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã tổ chức Lễ Thượng Nguyên (hay còn gọi là Lễ Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng) - một trong những truyền thống văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt ở bất cứ đâu vào những ngày đầu Xuân mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong khuôn viên chùa, đông đảo Phật tử, bà con kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống tại Lào, dù khác nhau về tuổi tác, giới tính, nhưng đều thành tâm dâng hương cầu nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, thân tâm an lạc và cầu cho năm mới hai đất nước Việt Nam và Lào phát triển, thịnh vượng, cầu cho nhà nhà được bình an, hạnh phúc.

Dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích, các tăng ni, Phật tử đã cùng nhau thực hiện lễ cầu quốc thái dân an với mong ước tất cả tăng ni, Phật tử trên toàn thế giới nói chung, và tại Việt Nam và Lào nói riêng gặp nhiều may mắn trong năm 2024. Đây đồng thời cũng là dịp để bà con Phật tử phát huy lòng từ bi bác ái, đoàn kết hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ công tác Phật sự của nhà chùa, hướng về quê hương.

Lễ Thượng Nguyên là khởi sự của một năm mới. Trong ngày này, người Việt Nam có truyền thống đến chùa lễ Phật, cầu bình an, công việc suôn sẻ hanh thông và cùng hướng về những điều thiện. Truyền thống đó đã trở thành một nét văn hóa của người Việt Nam.

Sau buổi lễ, các Phật tử và những người tham dự được thưởng thức những món ăn chay do nhà chùa thực hiện, tận hưởng không gian thuần Việt của ngôi chùa.

Cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có 15 ngôi chùa Việt được phân bố từ Bắc đến Trung và Nam Lào. Chùa Phật Tích ở thủ đô Viêng Chăn là một trong những ngôi chùa từ lâu đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc, là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng để đoàn kết những người con đất Việt cùng hướng về Tổ quốc thân yêu.

Vấn vương vị Tết quê nhà

Sau cái Tết đong đầy yêu thương, nhiều kiều bào tạm biệt quê hương vẫn vấn vương tình cảm ấm áp của gia đình, người thân và bạn bè.

Sau cái Tết đong đầy yêu thương ở Việt Nam, bà Trần Thị Chang lại trở về với cuộc sống và công việc thường nhật tại Viện Tim mạch quốc gia Malaysia. Cảm xúc của bà cũng như những kiều bào khác phải tạm biệt quê hương, mang theo nhiều vấn vương cùng tình cảm ấm áp của gia đình, người thân và bạn bè.

Bà Chang cho biết, khá lâu rồi bà mới có khoảng thời gian thực sự hạnh phúc khi Mùng 1 Tết đi lễ chùa và du Xuân cùng con cháu tại thành phố Vũng Tàu.

Dù hoạt động Tết cộng đồng được tổ chức thường niên ở Malaysia, nhưng tận hưởng không khí Tết ở quê nhà thực sự là điều quý giá đối với mỗi người Việt xa xứ.

Đặc biệt, về nước dịp này, bà vinh dự cùng khoảng 100 kiều bào tiêu biểu đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự chương trình Xuân Quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Ấn tượng Xuân Quê hương

Nhớ lại sự kiện này vào những ngày giáp Tết, bà Chang chia sẻ: “Đây chính là dịp để tôi hội ngộ, tay bắt mặt mừng, giao lưu và học hỏi cùng cộng đồng người Việt mình ở khắp năm châu”.

Với nhiều hoạt động ý nghĩa như Lễ dâng hương, dâng hoa các Vua Hùng, Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và nghi thức thả cá chép truyền thống… Xuân Quê hương giúp những người con xa quê lâu ngày hiểu hơn về văn hóa, bản sắc cội nguồn, từ đó vun đắp, khích lệ tinh thần yêu nước, niềm tự tôn dân tộc.

Là một trong những đại biểu kiều bào trẻ tham dự chương trình, anh Huỳnh Tấn Đạt - nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế của Đại học Công nghệ Sydney (Australia), cũng nhớ lại kỷ niệm khó quên tại quê hương.

Sau những cái Tết xa xứ đằng đẵng, chàng trai trẻ quê Bình Định háo hức trải nghiệm hương vị Tết vừa truyền thống, vừa mới mẻ tại TP. Hồ Chí Minh, tham quan đường hoa Nguyễn Huệ chào Xuân Giáp Thìn 2024, xem những phiên chợ Tết, mua hoa mai, hoa đào về trang trí nhà cửa, xem pháo hoa đêm giao thừa…

Anh Đạt chia sẻ: “Chương trình đem lại cho những người Việt Nam xa nhà như tôi cơ hội thưởng thức không khí Tết tại quê hương, đồng thời chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ, tích cực của TP. Hồ Chí Minh.

Tôi cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước trong việc đoàn kết, kết nối và quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và rất trân quý, xúc động khi được giao lưu, trao đổi với các lãnh đạo cũng như các cô chú, anh chị kiều bào tiêu biểu tại nước ngoài”.

“Ly hương, không ly Tổ”

Đó là quan niệm của cụ ông Lê Văn Duyên, người định cư ở Mỹ nhưng năm nào cũng muốn về Việt Nam ăn Tết.

Là đại biểu kiều bào cao tuổi nhất về dự Xuân Quê hương năm nay, cụ ông ngót 95 tuổi gây ấn tượng với những người xung quanh vì luôn tham gia tích cực các hoạt động của chương trình.

Dù thời tiết TP. Hồ Chí Minh. đang khá nóng (có lúc tới 35 độ C) nhưng ông vẫn mặc bộ đồ vest sẫm màu trịnh trọng tham dự các hoạt động như đi viếng các vua Hùng tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, trải nghiệm chuyến tàu điện của tuyến metro 1 từ ga Suối Tiên tại Thủ Đức đến ga Bến Thành...

Điều khiến cụ Duyên quý trọng là mỗi lần trở về quê hương, cụ lại được sống trong những kỷ niệm nơi quê nhà và bầu không khí ấm cúng khi gặp người thân trong gia đình, dòng họ.

Cụ tâm sự: “Về nước, chúng tôi thấy rất ấm áp. Riêng tôi có quan niệm ly hương nhưng không ly Tổ. Tổ của tôi là Tổ quốc. Xa quê nhưng chúng tôi vẫn giữ nề nếp của dân tộc, không bao giờ quên văn hoá của người Việt”.

Có thể hiểu được tinh thần ấy trong chia sẻ của một khách đặc biệt khác của Xuân Quê hương 2024 là chị Stephanie Đỗ - nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên tại Pháp.

Về nước lần này, chị Stephanie Đỗ rất vui khi được đi chợ Xuân ngắm hoa đào Hà Nội, rồi về lại TP. Hồ Chí Minh, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

Dù đã cùng gia đình chuyển sang Pháp định cư từ năm 1991, trong lòng chị vẫn luôn hướng về quê hương và mong muốn làm nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.

Tết năm nay vui hơn rất nhiều!

Dù thường xuyên về Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, Giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde tại Đại học UC Davis (Mỹ) rất bất ngờ với tốc độ phát triển hạ tầng của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua.

Dễ dàng cảm nhận được niềm vui của bà Kiều Linh khi được trải nghiệm tuyến tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh hay chứng kiến sự phát triển của TP. Thủ Đức trong những ngày đón Tết ở quê nhà.

Với niềm tin Việt Nam sẽ đại diện cho thế giới về một cách phát triển mới, bà chia sẻ: “Việt kiều và người nước ngoài đều quan tâm điều gì khiến Việt Nam đặc biệt. Đây mới chính là những điều thu hút được đầu tư vào nước ta, chứ không phải các tòa cao ốc nơi các nước đều có thể xây dựng”.

Có chung niềm vui này, anh Đỗ Quang Ba – Chủ tịch Tổ chức Giao lưu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, hào hứng khi trở về nước gặp gỡ, trao đổi về các dự án tiềm năng của thành phố Thủ Đức, qua đó có thể lựa chọn các cơ hội đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư ở nước sở tại.

Anh kể: “Khi thăm quan trải nghiệm tuyến tàu Metro số 1, tôi có cảm giác hạnh phúc vì tất cả mọi thứ không kém gì những chuyến tàu mà hàng ngày tôi đang đi tại Nhật Bản. Điều đó cho thấy cơ sở hạ tầng của chúng ta đang dần tiến kịp với các nước phát triển.

Ngoài ra, được tham quan một số địa danh của thành phố, ngồi trên xe bus hai tầng ngắm thành phố, mục sở thị bộ mặt thành phố với những công trình cao tầng hiện đại trong thời tiết mát mẻ… tự bản thân tôi càng khẳng định được TP. Hồ Chí Minh quả thực là một thành phố đáng sống”.

Khác với những kiều bào rất lâu mới có dịp về nước, anh Đỗ Quang Ba cho biết, cứ khoảng từ 1-2 tháng, anh lại có chuyến công tác về Việt Nam khoảng một tuần do anh còn có công ty tại đây.

Mỗi năm trở về đón Tết, anh đều có những cảm xúc rất háo hức. Vì chỉ có Tết, anh mới thực sự có thời gian quây quần bên gia đình một cách đúng nghĩa.

Anh chia sẻ thêm: “Đặc biệt, mấy năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Tết có phần ảm đạm hơn. Năm nay, mọi công việc của tôi gần như quay trở lại mức như khi chưa có dịch.

Hơn nữa, công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi nên tôi đã ở Việt Nam thời gian lâu hơn trong dịp Tết. Trước Tết Nguyên đán và sau Tết tôi đã và đang thực hiện khoảng gần 10 dự án thiện nguyện trong nước. Với tôi, việc mang lại niềm vui được cho thật nhiều người khác khiến tôi cũng vui lên. Đó là những lý do mà tôi thấy Tết năm nay vui hơn rất nhiều!”.

Đón Tết Giáp Thìn, bên cạnh niềm vui đoàn tụ cùng người thân, những người Việt Nam ở nước ngoài càng tự hào hơn khi chứng kiến sự đổi thay và phát triển của đất nước. Đây cũng là động lực giúp họ vững tin khi trở lại sinh sống, làm việc và hội nhập ở nước sở tại.

Xác minh thông tin 7 người Việt trong thùng xe tải ở Anh

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang xác minh thông tin phát hiện 7 người nhập cư được cho là công dân Việt Nam trong thùng xe tải ở bến phà Newhaven.

Truyền thông Anh đưa tin giới chức nước này hôm 16/2 phát hiện 7 người nhập cư được cho là công dân Việt Nam trong thùng xe tải ở bến phà Newhaven, thị trấn Newhaven thuộc quận Lewes, hạt East Sussex, TTXVN ngày 23/2 cho hay.

Nhà điều hành phà DFDS, đơn vị vận hành các tuyến giữa Newhaven và Dieppe ở Normandy, miền bắc nước Pháp, xác nhận nhóm người nhập cư được tìm thấy trong thùng xe tải trên phà Seven Sisters và cho biết họ được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Xe cứu thương, lực lượng cảnh sát và biên phòng Anh cũng có mặt tại hiện trường và đưa 6 người nhập cư vào bệnh viện. Công tố viên David Holman cho biết 4 người vẫn ở bệnh viện và một người trong tình trạng nguy kịch.

Nghi phạm Anas Al Mustafa, 42 tuổi, đến từ Swansea, Xứ Wales ra trình diện tòa hôm 19/2 với cáo buộc đưa người nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh. Mustafa đã bị tạm giam và sẽ hầu tòa ngày 18/3.

Theo nguồn tin của cảnh sát, ngoài Al Mustafa, một nghi phạm khác bị bắt với cáo buộc nhập cảnh trái phép vào Anh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin, cũng như sẵn sàng có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết nhằm đảm bảo những người nhập cư này được đối xử nhân đạo và đúng pháp luật.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam ngày 22/2 ra thông cáo cho biết tòa án Chelmsford Crown ngày 15/2 tuyên phạt ba năm tù đối với Valeriu Iordatii, 24 tuổi, quốc tịch Romania, với tội danh đưa nhóm 7 người nhập cảnh trái phép vào Anh. Nhóm này, trong đó có 6 người Việt, đã chen chúc trong không gian chật hẹp trên nóc buồng lái chiếc xe tải Citroen cỡ nhỏ đi phà từ Hà Lan đến hạt Essex, Anh ngày 16/12/2023 và bị giới chức phát hiện.

Chính phủ Anh khẳng định khuyến khích và chào đón người nhập cư theo con đường an toàn và hợp pháp, cũng như quyết tâm ngăn chặn mọi hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp.

Giới chức Anh cuối năm 2019 phát hiện thi thể 39 người Việt trong xe container tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex. Kết quả điều tra cho thấy họ trước đó được đưa lên xe ở phía bắc nước Pháp, sau khi nộp cho những kẻ buôn người 20.000 euro (hơn 23.000 USD) để vượt biên sang Anh. Các nạn nhân đã tử vong trong thùng container trên hành trình này vì thiếu oxy và quá nóng.

Năm 2021, Anh kết án một người Romania và một người Anh với mức án lần lượt là 27 và 20 năm tù vì cáo buộc cầm đầu đường dây buôn người. Các nghi phạm khác, đặc biệt là những tài xế, bị kết án 12-20 năm tù. Tòa án Bỉ năm ngoái cũng kết án một người đàn ông Việt Nam 15 năm tù vì tội cầm đầu đường dây buôn người ở địa phương.

Hai năm cuộc chiến Ukraine: những người Việt giữa bão lửa chiến tranh

Tròn hai năm từ ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, cuộc sống của người Việt tại đất nước này đã bị đảo lộn hoàn toàn, với không ít đau thương, mất mát.

“Hai năm qua có một người Việt đã hi sinh, hai người khác bị thương và một phụ nữ người Ukraine lấy chồng Việt bị mất một chân.”

Lời kể của ông Vũ Chân về những người xung quanh mình tuy ngắn gọn, nhưng đã khái quát phần nào những đau thương mất mát mà cuộc chiến này gây ra. Ông là một người Việt từng sống tại Kharkiv nhiều năm, trong một cộng đồng người Việt từng rất đông đảo và làm ăn yên ổn những ngày hòa bình, trước khi phải chạy nạn vì chiến tranh.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Ukraine trước chiến tranh có gần 7.000 người, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Odessa, Kharkiv, Kyiv...

Sau khi cuộc chiến nổ ra, phần lớn đã di tản sang các nước châu Âu. Một số người chọn về Việt Nam. Số người ở lại được cho là chỉ còn vài trăm.

Từ Kyiv, ông Nguyễn Quang nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/2 rằng trước chiến tranh, cộng đồng Việt Nam ở thủ đô Ukraine có khoảng 700-800 người, nay còn chưa tới 100 người ở lại.

Ông Vũ Chân, một người Việt đã định cư tại Kharkiv hơn 40 năm, cho biết thành phố này có đông người Việt nhất, với khoảng hơn 6.000 người trước chiến tranh, nay chỉ còn trên dưới 100 người.

Bản thân ông đã cùng gia đình sang Đức lánh nạn từ tháng 6/2022. Mới đây ông có về thăm nhà và cơ sở kinh doanh tại khu chợ Barabashovo từng một thời sầm uất.

“Khu chợ lớn nhất miền đông Ukraine nay chỉ còn tầm vài ba chục cửa hàng của người Việt là còn hoạt động thôi. Khách ít lắm, chủ yếu bán hàng trên mạng,” ông Chân chia sẻ hôm 23/2.

Nhưng dù ra đi hay ở lại, người Việt dường như đã thích nghi với cuộc sống mới.

Người ở lại và những thói quen từ cuộc chiến

Ông Nguyễn Quang, 55 tuổi, qua Ukraine học trường Quân sự Kyiv từ cuối những năm 1980, thời vẫn còn Liên Xô, và đã lập gia đình với người vợ Ukraine.

Ông không muốn đi lánh nạn do tuổi tác không còn trẻ. Vợ con ông cũng không muốn rời Ukraine, vả lại ông không muốn “ăn nhờ ở đậu”.

Dù nói rằng cuộc sống bây giờ so với ngày xưa vất vả hơn và nguy hiểm hơn, nhưng ông cũng như những người dân Kyiv đã dần quen với căng thẳng và cố gắng quay trở lại cuộc sống bình thường, thông qua những thói quen mới.

“Bây giờ mỗi lần nghe tiếng động mạnh trên đường hay nửa đêm đang ngủ mà nghe ầm một cái là giật mình tỉnh dậy và vớ điện thoại xem có phải tên lửa bắn vào không, hay là nổ ở đâu,” ông chia sẻ.

Một thói quen mới nữa của ông là trước khi đi ngủ phải xem tin tức, chẳng hạn máy bay ném bom của Nga đã cất cánh chưa.

“Nếu cất cánh khoảng độ 5-7 chiếc thì sáng sớm 4-5 giờ sẽ có lệnh báo động và có thể là bắn vào trong thành phố,” ông giải thích.

“Dạo trước có thiết bị bay không người lái tự sát của Iran bay từng đợt vào trong thành phố cũng rất nguy hiểm. Thời gian gần đây phòng không của Kyiv tốt hơn nhiều, nên những thiết bị bay thường bị tiêu diệt hết ở vùng ngoại ô. Nhưng thỉnh thoảng có một số vẫn bay được vào trong, và mảnh vỡ rơi xuống khi bị phòng không bắn có thể gây ra hỏa hoạn hoặc chết người.”

Cũng theo ông, chỉ có lúc báo động là mọi người nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, còn bình thường thì mọi sinh hoạt như cũ, người lớn đi làm, trẻ con đi học.

"Lâu dần thì quen và cảm thấy bình thường, mình có thể chịu đựng được”, ông tâm sự.

Cũng theo ông, nhờ hệ thống phòng không ở Kyiv đã tốt hơn, nên mùa đông năm nay việc cúp điện, cúp nước là rất ít, và nếu có sự cố thì chỉ nửa ngày là đã được khắc phục.

“Mùa đông năm 2022 căng thẳng hơn, mất điện, rồi mất nước, lò sưởi tắt một-hai ngày. Điện bị cắt liên tục, có khi một ngày bị cắt hai-ba lần, mỗi lần mấy tiếng,” ông so sánh.

Tuy nhiên, đời sống tinh thần thì không được như trước, cộng đồng người Việt còn rất ít và đón Tết cũng không vui như trước.

“Người Việt không còn tập trung trong Tết Âm lịch mà chủ yếu chỉ làm ở nhà, không bày biện gì cả. Ngay cả Tết Dương lịch thì người dân Ukraine nói chung đón Tết cũng buồn lắm, vì chiến tranh mà. Dù sao thì không thể vui chơi được khi ngoài mặt trận các chiến sĩ đang hi sinh,” ông nói với BBC.

Nỗi lòng người ra đi

Ông Vũ Chân đã biết tới nhiều cuộc chiến từ lúc còn ở Việt Nam, "từ chống Mỹ, rồi tới Campuchia, Trung Quốc". Và giờ đây, khi ông sống ở Ukraine, chiến tranh lại xảy ra. Sau nhiều cân nhắc, ông đã lựa chọn rời khỏi Kharkiv sang Đức tị nạn.

"Tản cư", "sơ tán", "chạy giặc", "chạy loạn", "di tản" là những gì ông bà, cha mẹ ngày xưa đã trải qua, rồi chính ông cũng phải đưa ra quyết định vào tháng 6/2022.

Ông kết hôn với người vợ Việt Nam và có bốn người con, trong đó cháu bé nhất chỉ mới sáu tuổi, do đó ông đã bỏ lại tất cả để chạy khỏi vùng chiến tranh.

“Vì không còn nguồn sống và nguy hiểm cho các cháu bé nên bắt buộc phải lên đường sang các nước EU tị nạn. Chiến tranh làm tiêu tan hết nhà cửa, tiền bạc, bất động sản, hàng hóa, tài sản của mình bị phá nát hết,” ông nói với BBC từ Đức.

“Chợ Barabashovo đã bị quân Nga bắn tan nát hết rồi. Đạn pháo và rocket của Nga bắn trúng nhà hàng xóm của mình, còn nhà mình may chỉ bị vỡ kính và đèn thôi,” ông mô tả cảnh tượng mà ông đã chứng kiến khi về thăm nhà ở Kharkiv vài tuần trước.

Ông Chân là quản trị viên của nhóm ‘Tương trợ người Việt Ukraina’ có hơn 12.000 thành viên trên Facebook. Ông cho biết cuộc chiến này đã gây ra thương vong và mất mát cả vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng người Việt tại Ukraine.

Ông kể rằng trong hai năm chiến tranh, nhóm mà ông biết đã có một người Việt hi sinh, hai người khác bị thương và một phụ nữ người Ukraine lấy chồng Việt bị mất một chân.

“Còn chợ Barabashovo nơi rất đông bà con người Việt kiếm kế sinh nhai coi như là mất hết tiền bạc, hàng hóa, cửa hàng, bất động sản mà ngày xưa phải bỏ rất nhiều tiền để mua, bây giờ coi như là mất hết.

“Gia đình mình cũng mất hết. Nhà cửa xuống giá, bỏ không chứ không sử dụng hay cho thuê được,” ông chia sẻ.

Kharkiv là thành phố đông dân của Ukraine và nằm sát biên giới Nga. Khi cuộc chiến nổ ra, thành phố này đã bị tấn công từ ba hướng.

Quân đội Ukraine đã tái chiếm thành phố, nhưng số người Việt ở lại đây hiện không nhiều.

“Một số người từ Ba Lan hoặc Đức quay về để giải quyết hàng hóa tồn đọng. Một số người làm hàng khô hoặc mở tiệm may, tiệm ăn thì vẫn làm ăn được. Nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay,” ông Chân cho hay.

Cũng theo ông, cuộc sống ở Kharkiv không đến nỗi khó khăn lắm, vì các khoản thuế hiện không phải đóng, đi lại bằng các phương tiện công cộng được miễn phí, cũng có nhiều điểm phát đồ ăn từ thiện nên các gia đình vẫn bám trụ được.

‘Đứng được một chân tại Đức’

Nói về cuộc sống hiện tại ở Đức, nơi đã nhận hàng ngàn người Việt tị nạn từ Ukraine, ông Chân cho biết chính sách tị nạn của Đức rất tốt và bài bản.

“Người Ukraine sang đây được đón tiếp rất tốt, cho vào ăn ở trong các trại tị nạn. Chỉ trong hai ngày là gia đình mình được đăng ký là người tị nạn chiến tranh Ukraine luôn.

"Người tị nạn chiến tranh của Ukraine được luật của Đức bảo vệ, được phân chỗ ở, có tiền trợ cấp và các cháu được đi học.”

“Làm giấy tờ cũng rất nhanh, trong vòng 14 ngày là vợ mình đã đi làm và có quyền lao động, có quyền học hành rồi, và có bảo hiểm y tế luôn… Tức là những thứ tối thiểu cho quyền con người ở nước Đức đã được đảm bảo rồi,” ông nói thêm.

Ông cho biết tiền trợ cấp của Đức rất cao, tính tất cả bảo hiểm, tiền nhà, sinh hoạt phí, trẻ em đi học, cha mẹ đi học tiếng thì tầm 800 euro/người/tháng.

“Gia đình mình qua đây và đi làm ngay, không nhận hết số tiền đó nhưng mà cho đến tận bây giờ vẫn được trợ cấp tiền nhà. Cho đến nay các cháu đi học hết và hai vợ chồng đã có thể tự lo và tự đứng một chân trên đất Đức được rồi,” ông nói với BBC.

Tuy vậy, ông cho biết trong nhóm Facebook cộng đồng, có nhiều người chia sẻ về việc chọn về Việt Nam rồi phải quay lại vì việc học hành của con cái không được suôn sẻ.

"Hầu hết là người ta sang Ba Lan, Đức, Tiệp, một số về Việt Nam nhưng con cái không thích nghi được nên lại đưa các cháu sang, hầu hết sang Đức vì bên đó có chính sách tốt cho người lánh nạn."

Có trở lại Ukraine?

Phần lớn cộng đồng người Việt tại Ukraine đã có trên dưới 30 năm sinh sống tại đây và cũng đã coi Ukraine là quê hương thứ hai.

Ông Chân cho biết nếu chiến tranh kết thúc, gia đình ông chắc chắn sẽ quay về vì cơ ngơi sự nghiệp cả đời ở đó, còn ở Đức thì dù tốt nhưng ông nói vẫn chỉ là người tị nạn, sống nhờ trợ cấp và tình thương yêu giúp đỡ của nước Đức.

Tuy nhiên, ông cho rằng không tới một nửa người Việt sẽ quay lại Kharkiv nếu cuộc chiến kết thúc.

“Ban đầu tôi nghĩ cuộc chiến chỉ kéo dài 3-5 tháng, Nga đánh đe dọa thế thôi. Sau đó thì thấy chiến tranh chuyển biến, tôi nghĩ trong vòng khoảng độ hai năm gì đó. Nhưng bây giờ thì thấy rằng cuộc chiến này còn kéo dài lắm, không biết đến bao giờ mới kết thúc được.”

“Tôi nghĩ nếu chiến tranh kết thúc thì cũng có người Việt trở về Ukraine, nhưng sẽ không nhiều. Giả sử cuộc chiến kéo dài năm năm đi, bà con bên Đức có công ăn việc làm ổn định, con cái học hành ổn định thì họ sẽ muốn ở lại để con gái tiếp tục học hành. Và điều kiện sống ở bên Đức thì cũng không đến nỗi tồi, nên đa số bà con muốn ở lại.”

Ông Nguyễn Quang dự đoán số người quay lại Kyiv nếu chiến tranh kết thúc còn ít hơn, nhiều nhất chỉ khoảng 30%.

Theo ông, những người đã rời khỏi Kyiv nhưng lớn tuổi và có nhà cửa, vẫn có nơi để về thì chắc sẽ quay lại. Còn thanh niên và các cháu nhỏ đang ở trong độ tuổi phát triển, vẫn còn sức khỏe thì sẽ ở lại nước ngoài.

“Khi hòa bình trở lại chắc Ukraine cũng không phát triển nhanh được. Sau chiến tranh điều kiện sẽ khó khăn nên phần lớn họ sẽ chọn ở lại, đấy là người Việt Nam mình, còn người Ukraine sẽ quay về nhiều,” ông nhận định.

Nguồn: Báo Tin Tức; Báo Quốc Tế; Vnexpress; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang