Người Việt hải ngoại: Kinh doanh ế ẩm ở Nga; Góc HN ở Campuchia; Quán bánh mì ở Nhật; Bún đậu mắm tôm ở New York

Người Việt tại Nga kinh doanh ế ẩm vì kinh tế trì trệ

(Ảnh minh họa).

Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tới thị sát, gặp gỡ, thăm hỏi bà con Việt Nam đang kinh doanh tại chợ Teply Stan ở Tây Nam thủ đô Matxcơva vào chiều 6-5.

Trong bối cảnh người Việt Nam kinh doanh tại Nga đang gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế nước này trì trệ, chiều 6-5, Đại sứ Đặng Minh Khôi cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tới thị sát, gặp gỡ, thăm hỏi bà con Việt Nam đang kinh doanh tại chợ Teply Stan ở Tây Nam thủ đô Matxcơva.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, từ năm 2011, Công ty thương mại Kim Sơn do ông Phạm Đình Lý làm giám đốc đã đứng ra thuê một phần khu vực bán hàng vải để người Việt Nam kinh doanh buôn bán tại chợ Teply Stan.

Cho đến nay chợ có khoảng 70 cửa hàng của người Việt, kinh doanh bán lẻ các mặt hàng quần áo cũng như kinh doanh các loại hình dịch vụ.

Đại sứ Đặng Minh Khôi và đoàn công tác Đại sứ quán đã đến tận các quầy hàng để hỏi thăm tình hình làm ăn buôn bán cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con.

Tại buổi gặp gỡ các tiểu thương người Việt đang kinh doanh tại chợ Teply Stan, lãnh đạo Công ty thương mại Kim Sơn đã giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành khu chợ cũng như tình hình kinh doanh buôn bán hiện nay.

Đại diện ban quản lý chợ cũng khẳng định luôn phối hợp cùng Công ty thương mại Kim Sơn để tạo điều kiện tối đa cho bà con Việt Nam làm ăn, buôn bán.

Về phần mình, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã phát biểu bày tỏ vui mừng vì sự đoàn kết hỗ trợ các tiểu thương của ban quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay. Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ mong muốn bà con ngày càng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cố gắng hoàn thành các thủ tục giấy tờ pháp lý.

Đại sứ quán sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong khả năng của mình. Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng căn dặn bà con trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần cung cấp dịch vụ tốt, hàng hóa giá hợp lý, quan hệ tốt với địa phương.

Cùng với mong muốn bà con quảng bá thêm nhiều hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ mong muốn lãnh đạo Công ty thương mại Kim Sơn và ban quản lý chợ tổ chức các hoạt động cho bà con nhân các ngày lễ của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Trung thu, ngày giỗ Tổ Hùng Vương…; thông báo kịp thời các thông tin của Đại sứ quán tới bà con, quan tâm đến đời sống tinh thần để gắn bó bà con cũng như đảm bảo hài hòa giữa tinh thần và vật chất.

Tại cuộc gặp, nhiều ý kiến phát biểu đã bày tỏ cảm ơn Đại sứ Đặng Minh Khôi và đoàn công tác Đại sứ quán đã quan tâm đến thăm hỏi, đồng thời đề nghị Đại sứ quán quan tâm hơn nữa tới các tiểu thương Việt Nam đang kinh doanh ở khu chợ này.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Góc Hà Nội giữa lòng Campuchia

Tôi nhớ về những món mang đặc trưng Hà Nội. Thật bất ngờ, tôi tìm thấy một “góc Hà Nội” ngay tại thủ đô Phnom Penh.

Cần phải nói rằng ở Phnom Penh không thiếu phở. Tuy nhiên, thường là những tô phở hoặc không đúng điệu, hoặc đã được cải biên bởi những người Việt ở Campuchia đã lâu. Vì vậy, tôi không khỏi bất ngờ khi trên chiếc bàn tre là bát phở nghi ngút khói mang hương vị cổ điển.

Nêm nếm chút giấm và thưởng thức chiếc quẩy giòn trước khi tận hưởng thứ nước dùng trong, ngọt, thanh cùng bánh dai, thịt tươi mềm, lại thêm ly trà sen, ngắm nhìn hình ảnh tháp Rùa, phía đằng xa là một góc café đường tàu, bất giác tôi thấy mình như vẫn ở Hà Nội, chứ không phải một nơi cách đó tới 1.400km.

Nhà văn Thạch Lam từng viết, “phở không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Vậy nên tôi đoán chủ quán ắt phải người Hà Nội gốc. Và tôi đã đúng. Chị Trần Thanh Nhung vốn người Hà Nội nhưng phát triển sự nghiệp tại Phnom Penh từ năm 2016.

Bình thường chị vẫn đi lại thường xuyên giữa hai nơi, cho đến khi bị kẹt ở Campuchia suốt thời gian đại dịch COVID-19. Sau những ngày nhớ Hà Nội quay quắt, lúc về lại, chị quyết định “phải mang một góc Hà Nội tới xứ chùa tháp”.

“Cũng không chỉ mình tôi, mà rất nhiều đồng bào ở đây ao ước được thưởng thức những món ăn mang hồn cốt của người Việt, của Hà Nội”, chị nói.

Vậy là quán Ha Noi Corner - Góc Hà Nội được dựng lên ở Oknha Chrun You Hak, con đường sầm uất tại Phnom Penh. Tất nhiên không dễ để “mang Hà Nội đi”. Chị phải thuyết phục một đầu bếp đến Campuchia, mang theo đủ loại gia vị cần thiết.

Tuy nhiên bánh phở ở Campuchia lại nát và không thơm, buộc chị phải đặt bánh từ Sài Gòn. Góc Hà Nội cũng không chỉ bao gồm phở, còn có cả bánh cuốn Thanh Trì và bún đậu mắm tôm. Hai món này mới thật kỳ công.

“Đậu phụ Campuchia khác xa Hà Nội, thiếu cái mềm, mát, béo ngậy”, chị Nhung nói. Vậy nên ban đầu chị phải đặt một cơ sở ở Hà Nội, mỗi lần chuyển 500 bìa sang Campuchia. Phương án này bất thành bởi vấn đề bảo quản.

Có lẽ phải tự làm sẽ tốt hơn, nghĩ vậy chị bèn nhập máy từ Sài Gòn, đồng thời đón bà cô làm đậu ngon có tiếng ở Hà Nội sang. Nhưng xong khâu này, chuyện khác lại nảy sinh.

“Nước bên này có nhiều tạp chất, có thể vì công nghệ lọc, nên đậu chỉ đạt 8 điểm so với đậu mơ chính cống”, chị chủ quán có nghề nghiệp chính trong ngành xây dựng kể. “Điều này cũng tương tự khi làm bánh cuốn, mặc dù làm rất đúng bài bản nhưng gạo Campuchia lại không có sự kết dính, chuyển sang dùng bột bánh cuốn bán sẵn vẫn không xong”.

“Nhiều lúc nản muốn bỏ, nhưng rồi cái máu trong người lại thôi thúc tôi tiếp tục, để rồi quay ngược lại Hà Nội để hỏi bí quyết. Sau đó, tôi phải nhập đúng gạo Khang Dân mùa trước, cộng thêm cơm nguội mới làm ra thứ bánh mềm dẻo, trắng mỏng như tờ lụa”.

Khi cô làm đậu đòi về Việt Nam, chị Nhung buộc phải xoay qua một bạn Campuchia không biết chữ nhưng nhanh nhẹn, biến cậu ta thành người nhận chuyển giao công nghệ và tiếp tục công việc. Giờ thì Góc Hà Nội đã trở thành một địa điểm quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Phnom Penh.

Bất ngờ hơn, tỷ lệ khách Tây đến quán thậm chí chiếm phần nhiều. “Họ từng sang Việt Nam, thích phở Hà Nội và tự tìm đến”, chị Nhung lý giải. Đó là minh chứng sống động chị đã thành công khi chuyển tải hồn cốt Hà Nội sang một góc Campuchia.

Ngoài công việc kinh doanh, chị Nhung còn đam mê bóng đá và là “bà bầu” của một đội bóng “phủi” tại Phnom Penh. Đội của “bầu” Nhung thường xuyên đá giao lưu với các đội người Việt khác, duy trì sân chơi lành mạnh và gia tăng tình đoàn kết của người Việt đang sinh sống ở Campuchia.

(Nguồn: 2Sao)

Chàng trai trẻ gốc Huế và câu chuyện kinh doanh bánh mì ở Nhật Bản

(Ảnh minh họa).

Kinh doanh ở đất nước xa lạ không hề dễ dàng nhưng Đặng Văn Quý vẫn quyết tâm thực hiện để thử thách bản thân mình.

Thời gian gần đây câu chuyện món ăn truyền thống Việt Nam được các bạn trẻ vinh danh toàn cầu không còn xa lạ. Đặng Văn Quý - chàng trai người Huế là một trong những người mang món bánh mì đến với Nhật Bản.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Quý cho biết: "Sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, mình bắt đầu công việc đầu tiên tại hệ thống "Bánh Mì Xin Chào" với vị trí thiết kế. Mình chọn công việc này một phần là do đam mê, một phần muốn nâng tầm hình ảnh cho các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển tại Nhật Bản. Nhờ sự hỗ trợ tận tình của nhà sáng lập "Bánh Mì Xin Chào", mình đã quyết định mở chi nhánh của thương hiệu ở Ikebukuro".

Kinh doanh ở xứ người không hề dễ dàng đối với Đặng Văn Quý. Từ việc chuẩn bị vốn, tìm mặt bằng cho đến báo cáo thuế, các vấn đề về bằng cấp, giấy phép ở "đất vàng" Tokyo rất khắt khe khiến anh rơi vào căng thẳng. Để hoàn thành "Bánh Mì Xin Chào" chi nhánh Ikebukuro, cả nhóm thức mấy tháng liền trước đó để cố gắng hoàn thiện các công đoạn chuẩn bị.

Chàng trai trẻ người Huế bộc bạch: "Để khởi nghiệp theo đúng như kế hoạch cần khá nhiều vốn đầu tư. Trong khoảng 2 năm đi làm mình cũng có tiết kiệm được ít tiền nhưng con số đó không đủ để khởi nghiệp được. May mắn là bố mẹ, anh chị đã ủng hộ cho dự án khởi nghiệp này".

Chỉ mới 3 tháng kinh doanh, "Bánh Mì Xin Chào" chi nhánh Ikebukuro của Đặng Văn Quý nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của thực khách Nhật lẫn người Việt đang sống tại xứ sở Phù Tang. Nhiều người Việt xa xứ đã tìm đến tiệm.

"Bánh Mì Xin Chào" Ikebukuro để thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy như một cách hướng về quê hương. "Khách Nhật rất thích món bánh mì bởi sự tiện lợi mà nó mang lại nhưng không kém phần hấp dẫn. Không cần đi đâu xa, ở Tokyo cũng có thức ăn Việt Nam ngon lành", Quý nói.

Nhắn nhủ với người trẻ đang đắn đo về sự nghiệp, Đặng Văn Quý gửi gắm: "Việc khởi nghiệp kinh doanh chưa bao giờ là điều dễ dàng, có thể mất cả thời gian cho bản thân lẫn người xung quanh khi tham gia. Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm, thách thức bản thân mình. Có bạn vì không thể chịu đựng được thất bại nên đã sợ tới mức không dám thử thách bản thân, không dám chấp nhận sự thất bại. Tuy nhiên, “thất bại là mẹ thành công” nếu chỉ vì thấy khó khăn mà vội nản chí, bỏ cuộc thì đã thất bại hoàn toàn".

(Nguồn: Thanh Niên)

Vợ chồng Việt - Mỹ mở quán bún đậu mắm tôm giữa lòng New York

Ở nước Mỹ ngày nay không khó để tìm một nhà hàng phục vụ các món đặc trưng của Việt Nam như phở hay bánh mì…

Thế nhưng bún đậu mắm tôm thì rất hiếm hoi vì tại Hoa Kỳ không phải ai cũng mê mùi vị đặc trưng của mắm tôm, và nguyên liệu làm ra món này cũng không dễ tìm ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Ấy vậy mà cặp vợ chồng trẻ Nhung Đào - Jerald Head đã đưa được mắm tôm qua Mỹ, bán ngay trên vỉa hè Manhattan và quán ăn nhỏ của họ được The New York Times bình chọn là 26/100 nhà hàng ngon nhất ở New York năm 2023.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Nhung và Jerald cho biết ý tưởng mở nhà hàng tên Mắm xuất phát từ việc cả hai vợ chồng đều rất mê món này.

Vốn là đầu bếp chuyên nấu món Việt bên Mỹ, Jerald sang Việt Nam lần đầu năm 2016 với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ nền ẩm thực bản địa. Tới ngày thứ ba, anh tình cờ gặp Nhung tại một quán ăn, hai người chào nhau rồi trò chuyện, từ đó chính thức quen nhau vào năm 2017.

“Mê mắm tôm hơn cả người Việt”

Nhung cho biết, hồi mới quen nhau ở Việt Nam, mỗi lần hẹn hò hai người đều đi ăn bún đậu mắm tôm, thậm chí ăn hết ba suất đặc biệt.

“Bình thường mới quen người ta thường hạn chế ăn mắm tôm vì hơi “nặng mùi”, nhưng Jerald thì mê mắm tôm hơn cả người Việt”, người vợ Việt chia sẻ.

Sau khi hai người kết hôn thì Việt Nam đóng cửa biên giới vì Covid, Jerald không qua thăm vợ được. Nhung chuyển sang Mỹ ở cùng chồng vào tháng 7/2020, cũng là lúc đỉnh dịch, mọi người không được ra đường và nhà hàng đều đóng cửa.

“Khi đó hai vợ chồng chỉ nghĩ ở nhà lâu quá nên chán, muốn làm bún đậu là món mình thích nhất mà muốn mua ở ngoài cũng không có huống gì là lúc dịch bệnh”, Nhung nói.

"Dù mục đích ban đầu là chỉ làm vài bàn cho bạn bè biết và tới ăn là vui rồi, nhưng chỉ sau một tuần, khách tới ăn truyền tai nhau và chia sẻ trên mạng xã hội, quán dần đông khách".

Và mới đây, đầu tháng 4/2023, khi tờ báo danh tiếng của nước Mỹ The New York Times có bài viết giới thiệu “món ăn Việt Nam hấp dẫn nhất ở New York” về quán ăn tên Mắm của Nhung và Jerald, thì nhà hàng nhỏ lại càng nhộn nhịp.

Vỏn vẹn chưa tới 40 mét vuông, Mắm chỉ chứa được tối đa 19 chỗ ngồi nên khách thường ngồi tràn ra vỉa hè trên những bộ bàn ghế nhựa xanh đậm chất Việt Nam.

“Bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan”

Có lẽ một trong những điểm hấp dẫn của Mắm là thực khách tới đây được thưởng thức một trải nghiệm "rất Việt Nam": ngồi ăn trên bộ bàn ghế nhựa Duy Tân, trong khi người đi bộ, chó mèo, xe đạp điện, xe đạp và xe gắn máy tấp nập qua lại.

Nhà phê bình ẩm thực Pete Wells của The New York Times đánh giá đây là: “một trải nghiệm gần giống bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan vậy”.

Chuyên gia này đã tới Mắm nhiều lần, xếp quán vào thứ 26 trong “Top 100 nhà hàng ngon nhất New York 2023”, và đây cũng là quán Việt duy nhất nằm trong danh sách.

Nhung chia sẻ rằng từ cuối năm ngoái, nhà hàng có nhiều khách nước ngoài vào ăn vì họ đi ngang qua thấy bàn ghế nhựa kê ở ngoài đường, bên trên kê một cái mâm có mẹt bún đậu, rồi khách vừa ăn uống vừa trò chuyện rất thoải mái. Đó là một điều gì đó khác hoàn toàn với nhà hàng quán ăn bên Mỹ, nên họ tò mò và muốn thử.

“Tất cả đều là ý tưởng của Jerald trong lần về Việt Nam chơi cuối năm 2022, hai vợ chồng dù có con nhỏ nhưng ráng mang sang Mỹ đồ đạc lỉnh kỉnh gồm nào bàn ghế, mâm đồng, rổ nhựa Duy Tân, mẹt tre… Tiền hành lý quá khổ còn đắt hơn tiền mua nhưng hai vợ chồng đều thấy rất đáng”, Nhung nói với BBC.

Và tất nhiên là phải nhắc đến tay nghề công phu của anh đầu bếp người Mỹ nói được tiếng Việt nữa. Ngoại trừ mắm tôm là nhập khẩu từ Việt Nam, tất cả mọi thứ còn lại gồm bún, đậu phụ, dồi, chả cốm… đều được Jerald cùng vợ tự làm theo cách riêng vô cùng kỳ công.

Đầu bếp người Mỹ cho biết: “Ở Mỹ có muốn làm mắm tôm cũng không được, vì không có tôm tươi. May mắn là Nhung đã tìm được một làng chài ở Thanh Hoá, nơi ngư dân tự đánh bắt thuỷ sản xong rồi làm mắm, nên chất lượng rất tốt”.

Bún đậu nhà làm

Tất cả thành phần còn lại đều được hai vợ chồng tự đi chợ rồi chế biến rất tỉ mỉ. Để làm đậu phụ, hai vợ chồng mang sang từ Việt Nam chiếc máy 40 lít. Đầu tiên là xay nhuyễn hạt đậu nành thành sữa, sau đó thì nấu chín, ép thành miếng đậu phụ.

Trước khi có chiếc máy này, hai vợ chồng phải đứng quậy bằng tay rất lâu, chưa kể có những lúc bị cháy, rất mất công và tốn thời gian. Mỗi ngày, hai vợ chồng làm ra được 30 cân đậu phụ.

Với chả cốm, Jerald trộn cốm tươi mua ở Hà Nội trong chuyến về Việt Nam năm 2022 vào giò sống và rán trong chảo dầu nóng, còn dồi được chế biến theo công thức riêng của bố Nhung.

“Bán món này ở Mỹ rất vất vả bởi thiếu nguyên liệu”, Nhung chia sẻ. “Ở Việt Nam cái gì cũng có sẵn, chỉ cần chọn chỗ bán đậu phụ ngon, ra chợ mua bún, ngay cả nếu muốn đặt hàng đơn vị họ chuyên làm chả cốm họ sẽ giao tận nơi và dồi cũng thế”.

Chụp lại hình ảnh,

Mẹt bún đậu được chế biến kì công của cặp vợ chồng Việt - Mỹ

“Đậu nành, lá chuối đông lạnh thì dễ tìm, lòng cũng có nhiều chỗ bán, nhưng huyết thì chỉ có một chỗ thôi. Rau thơm như tía tô, kinh giới... thì New York không có, hai vợ chồng phải mua từ một phụ nữ người Việt tại Florida, nơi có khí hậu phù hợp để trồng các loại rau này…”

Công sức của họ đã được đền đáp bằng những đánh giá tích cực của thực khách qua các chia sẻ của họ trên mạng xã hội. Nhiều người Việt nhận xét bún đậu tại Mắm ngon hơn cả quán ở Hà Nội.

“Kể câu chuyện ẩm thực Việt”

Nhung và Jerald cho biết các nhà hàng Việt ở Mỹ thường thay đổi mùi vị của thức ăn để phù hợp hơn với người bản xứ, nhưng hai vợ chồng muốn giữ nguyên hồn cốt của món bún đậu.

“Với những vị khách đến ăn lần đầu tiên, chúng tôi đều khuyến khích họ hãy thử ăn mắm tôm. Chỉ khi họ không ăn được thì mới đổi qua nước mắm hoặc nước tương”, Nhung nói.

Với mong muốn hoàn thiện món ăn này hơn nữa, hai vợ chồng còn đưa vào thực đơn những món ăn kèm phù hợp như gỏi nghêu, chả ốc cuốn lá lốt nướng, cà tím nướng… Ngoài ra, để đổi món thì có vài tuần nhà hàng sẽ bán bún hến, bún riêu cua bắp bò, cháo lòng, bún bò huế, vịt cháy tỏi, lẩu dê… nhằm mang đến nhiều hương vị Việt cho thực khách.

Chụp lại hình ảnh,

Món ốc ăn kèm với bún đậu cho đầu bếp Mỹ chế biến

Sau khi thu hút được sự chú ý của truyền thông Mỹ, nhà hàng nhỏ ngày càng đông khách người Việt lẫn nước ngoài. Nhung nói rằng có rất nhiều người Việt đã dành hàng tiếng đồng hồ di chuyển từ các bang khác sang New York để được thưởng thức hương vị quê nhà.

Dù chỉ mở vào một số buổi trong ba ngày cuối tuần do bận chăm con nhỏ, cặp vợ chồng Việt-Mỹ luôn cố gắng duy trì sự ổn định và hướng tới sự hoàn thiện.

“Có nhiều người ngỏ ý hợp tác mở chi nhánh ở các bang khác, nhưng chúng tôi hiện chỉ muốn tập trung hoàn thiện nhà hàng bún đậu của mình”, Jerald nói.

Cuối cùng, anh chia sẻ một quan sát rằng:

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Mỹ đang trở thành nạn nhân của việc có quá nhiều món trong thực đơn vì họ cố gắng làm quá nhiều. Vì vậy, chúng tôi muốn thực đơn của mình đơn giản hơn nhưng gắn kết và có ý nghĩa, giống như kể một câu chuyện về món bún đậu mắm tôm và văn hóa dùng thức ăn ở vỉa hè của Việt Nam vậy”.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang