Người Việt hải ngoại: Khó khăn ở trời Tây; Đi chợ Việt ở Mỹ; Cô giáo ở đảo Jeju; Cô gái kết nối cộng đồng

NGƯỜI VIỆT KỂ VỀ CUỘC SỐNG KHÓ KHĂN Ở TRỜI TÂY DO CHIẾN SỰ UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người Việt ở châu Âu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do tác động của xung đột Nga - Ukraine.

Chi phí sinh hoạt tăng

Chia sẻ với Dân trí, chị Trần Phượng, 34 tuổi, định cư tại thành phố Annecy, tỉnh Haute-Savoie, Cộng hòa Pháp, cho biết 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay, công việc kinh doanh cũng như sinh hoạt của gia đình chị bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19 và gần đây là chiến sự tại Ukraine.

Chị Phượng cho biết, vài tháng trở lại đây, lạm phát ở Pháp tăng mạnh, lên đến 2 con số. Giá cả các loại mặt hàng đều tăng rõ rệt, khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tăng khoảng 30% gần nửa năm qua. Ví dụ, trước kia, chi phí ăn uống của một người khoảng 150 euro thì giờ tăng lên khoảng 180-200 euro.

Một số loại mặt hàng nhập khẩu truyền thống từ Ukraine, điển hình là bột mỳ và dầu hướng dương, trở nên khan hiếm. Có thời điểm, người dân phải xếp hàng dài trong siêu thị để mua những mặt hàng này, dù giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 kg bột mì hoặc 1 lít dầu ăn, với giá tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Theo đó, tất cả các mặt hàng thực phẩm quen thuộc như bánh ngọt, bánh mì, đồ chế biến sẵn đều tăng giá chóng mặt.

Giá cả tăng cao dẫn đến bất ổn xã hội, mà biểu hiện rõ nhất là các cuộc biểu tình, đình công đòi tăng lương của tất cả hiệp hội các ngành nghề đều diễn ra. Các cuộc biểu tình của SNCF, hãng vận tải quốc gia Pháp, kéo dài khoảng 4 tháng nay, dẫn đến tình trạng tàu bè hủy chuyến, giao thông ách tắc, đi lại rất khó khăn giữa các vùng miền.

Trong khi đó, công nhân vệ sinh đình công liên tục, rác thải không được dọn dẹp, chất đống bốc mùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan và đời sống.

Giáo viên và bảo mẫu trong các trường học cũng biểu tình, đình công. Trong khoảng một tháng nay, các cháu mẫu giáo không có căng-tin ăn trưa và không được trông giữ sau giờ học (16h30), do giáo viên tham gia biểu tình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và công việc của các gia đình có bố mẹ đi làm giờ hành chính, bởi phải liên tục đưa đón con. Rất nhiều phụ huynh buộc phải tập trung tại tòa thị chính để lên tiếng phản đối và bày tỏ sự bất lực trong việc sắp xếp giữa công việc và đưa đón con.

Chị Phượng chia sẻ thêm: "Công ty của chồng tôi là công ty thiết kế và thi công nhà bằng thép, bao gồm cả xưởng sản xuất. Hiện nay, công ty đang đối diện với rất nhiều khó khăn, giá thép tăng, giá điện tăng, dẫn đến không ký được hợp đồng, thiếu việc làm, nhân viên có nguy cơ bị sa thải, cắt giảm giờ làm, giảm lương. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập gia đình".

Kinh doanh khó khăn

Gia đình chị Phượng sở hữu chuỗi cung cấp căn hộ cho khách du lịch. Công việc kinh doanh vốn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, giờ càng thêm khó khăn do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Giống nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Pháp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do tác động của xung đột Nga - Ukraine. Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp (EDF) gần đây đã phát thông báo về việc sẽ cắt điện luân phiên trong thời gian cao điểm.

Từ tháng 1/2023, Pháp sẽ cắt điện, sưởi, nước nóng luân phiên toàn quốc ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Hoạt động của đèn giao thông cũng bị ảnh hưởng. Hiện có rất nhiều luồng ý kiến về kế hoạch này, nhưng chính phủ Pháp buộc phải làm, và sẽ ban hành luật giao thông mới bổ sung cho giai đoạn khủng hoảng năng lượng

Với chị Phượng, điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Khách hàng thuê phòng du lịch đôi khi phải chịu mất điện, nước - điều này là không có tiền lệ. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện tăng 30% khoảng vài tháng trở lại đây.

Ngoài ra, các hệ thống sưởi gas của tòa nhà sẽ giảm nhiệt độ xuống 2 độ so với trước kia, ví dụ trước là 17 độ, nay chỉ còn 15 độ để tiết kiệm năng lượng. Do vậy, chị Phượng buộc phải sắm thêm sưởi điện cho khách du lịch thuê phòng.

Tất cả điều này khiến chi phí kinh doanh tăng cao, dẫn đến doanh thu sụt giảm đáng kể. Đó là chưa kể đến việc lạm phát tăng nhanh, kinh tế khó khăn kéo theo nhu cầu du lịch trở thành thứ yếu, lượng khách giảm mạnh, tỷ lệ phủ phòng thấp.

Những khó khăn kể trên không chỉ riêng gia đình chị Phượng gặp phải, đó là nỗi niềm của rất nhiều kiều bào hiện sinh sống ở một số nước châu Âu.

Chị M.Lan, 35 tuổi, người Việt định cư tại thành phố Dresden, bang Sachsen, Đức cho hay, năm nay là năm khó khăn nhất của gia đình chị kể từ khi chuyển đến Đức. Điều này là bởi nền kinh tế Đức vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lại tiếp tục đối mặt với những hệ quả do xung đột ở Ukraine.

Chị Lan cho biết, hóa đơn tiền điện của gia đình chị tăng theo tháng. Khoảng 3 tháng trở lại đây, tháng nào chị cũng nhận được thông báo giá điện tăng. Để tiết kiệm chi phí, chị phải bật sưởi mức 1 ít tiêu hao nhất, chỉ lúc tắm mới dám bật nấc 2 và gần như không bật nấc 3.

Trong khi đó, công việc kinh doanh không thuận lợi như trước. Chị Lan có một cửa hàng bán hoa quả, lượng bán giảm đáng kể do giá cả tăng. Hiện giờ, người mua chấp nhận và có xu hướng chọn hàng loại 2, loại 3, chấp nhận cả dập, mã xấu vì giá rẻ hơn. Hàng loại 1 đắt rất khó bán. Do vậy, chị buộc phải chuyển hướng kinh doanh, nhập những container hàng loại 2, loại 3 về lựa bán cho khách.

Trước những khó khăn hiện nay, cộng đồng người Việt ở châu Âu hy vọng xung đột Nga - Ukraine sớm chấm dứt, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn để đời sống kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường.

(Nguồn: Dân Trí)

ĐI CHỢ VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

Trong vài thập kỷ qua, cộng đồng người Việt bám rễ ở TP Denver của bang Colorado - Mỹ với những khu chợ đậm chất Việt như Little Saigon, New Saigon, Hồng Phát…

Có khoảng 24.000 người Mỹ gốc Việt coi bang Colorado là quê hương thứ hai, trong đó nhiều người tập trung ở Denver.

Mặc dù người Mỹ gốc Á của bang này tôn vinh các di sản đa dạng của họ thông qua các sự kiện như lễ hội thuyền rồng Colorado hay lễ hội người Mỹ gốc Á nhưng tờ The Denver Post cho rằng chính các khu chợ mới là nền tảng văn hóa đặc trưng. Chỉ riêng việc ngửi mùi rau thơm và gia vị đã là một mối liên hệ hữu hình với nguồn cội.

Khu thương mại Little Saigon của Denver được thành lập vào năm 2014, chạy dọc theo đường South Federal, từ đường West Alameda đến đường West Mississippi. Những ai ghé thăm có thể tìm thấy những món ăn Việt như phở, bánh mì… ở vô số nhà hàng dọc tuyến đường này.

Pacific Ocean Marketplace tại số 2200 West Alameda - từng được gọi là "siêu thị châu Á lớn nhất và tốt nhất của Denver" - cũng là địa điểm mua sắm yêu thích của cộng đồng người Việt.

Điểm đáng nói là dù không biết tiếng Anh nhưng những người Việt lớn tuổi vẫn dễ dàng trao đổi ở các khu chợ này. Giới thiệu những cửa tiệm thường lui tới với những món ăn "như nhà nấu", Peter Vo (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Denver) nói với The Denver Post rằng gia đình anh vẫn sống một cuộc sống "rất Việt Nam".

Mimi Luong, chủ một cửa hàng quà tặng ở trung tâm mua sắm Viễn Đông ở Denver, thốt lên: "Thứ mà bạn nhớ nhất luôn là món ăn, không phải sao?". Khi được hỏi về khu thương mại Little Saigon với "trái tim" là Trung tâm Viễn Đông trong tương lai, Mimi Luong chia sẻ: "Tôi không muốn nó biến mất. Tôi không muốn nó phai nhạt. Tôi không muốn mọi người quên đi cội nguồn của ông bà, cha mẹ".

Hồi tháng 5-2021, ở TP Boston thuộc bang Massachusetts, một đoạn của đường Dorchester được Hội đồng Văn hóa Massachusetts công nhận là "Little Saigon" của Boston.

Khu này được xem như minh chứng cho sự phát triển, tăng trưởng vượt bậc và ngày càng có nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh của người Việt được mở ra. Ban quản lý "Little Saigon" cũng đang xúc tiến mở chợ đêm trên đường Dorchester để thu hút nhiều người từ khắp nơi.

Trong khi đó, tờ Houston Chronicle đánh giá một trong những thế mạnh lớn nhất của TP Houston, bang Texas là sự đa dạng sắc tộc và văn hóa. Khu chợ Việt Nam là ví dụ điển hình về tấm thảm văn hóa phong phú của thành phố.

Người Việt ở Houston tha hồ tìm mua nông sản, hàng hóa, gia vị đậm đà hương sắc dân tộc tại chợ Việt Hoa. Mọi người có thể tìm thấy các mặt hàng quen thuộc như rau thơm, trứng vịt lộn, trứng vịt muối, lạp xưởng heo… Chợ Việt Hoa cũng là nơi cung cấp hơn 300 loại trà.

Đến với chợ Việt Hoa, đài ABC13 nhắc đến loại trái cây rất quen thuộc của người Việt là thanh long, được nhiều người ưa thích về độ thơm, ngọt. ABC13 cho rằng một khi đã đến chợ này, sẽ rất tiếc nếu không ăn thử một ổ bánh mì Việt Nam cùng với món ăn vặt tiếng tăm nơi đây là da heo chiên giòn.

Và rất thiếu sót nếu không nhắc đến chè - món ngọt vẫn còn mới lạ với nhiều thực khách. Những món chè nóng hoặc lạnh, thường kèm nước cốt dừa, các loại đậu, khoai, bột báng, thạch và cả các loại trái cây nhiệt đới. Nào là chè bánh lọt nước dừa thơm lừng, chè ba màu với lớp đậu xanh vàng ươm bên trên lớp thạch lá dứa xanh tươi, chè bà ba béo ngọt với khoai môn, khoai lang và nước cốt dừa…

Nói như báo Houston Chronicle, Houston - một trong những thành phố có người gốc Việt đông nhất tại Mỹ - được xem là nơi tuyệt vời để thưởng thức chè Việt. Houston Chronicle nhận xét: "Dù cách xa hàng ngàn dặm, chè ở Houston vẫn mang hương vị rất giống những món chè mà bạn có thể tìm thấy trên đường phố Việt Nam".

(Nguồn: Soha)

CUỘC SỐNG CỦA CÔ GIÁO NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẢO JEJU

(Ảnh minh hoạ).

Tháng 12, hoa trà nở rộ trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Vẻ đẹp của loài hoa này khiến cô giáo trẻ dạy tiếng Việt say đắm.

Lê Ngọc Uyên Sa (26 tuổi, Thừa Thiên Huế) đến Jeju (Hàn Quốc) từ tháng 4/2022 theo hợp đồng với Sở Giáo dục tỉnh Jeju. Cô gái trẻ nhận công việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho một số trường trên đảo.

Trước khi sang Hàn Quốc, Uyên Sa làm thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc có trụ sở ở TP.HCM. Sau 3 năm, Sa muốn xê dịch và vừa hay lúc đó, Sở Giáo dục tỉnh Jeju đăng tin tuyển giáo viên.

Mùa hoa trà trên đảo JeJu

Những ngày đầu đặt chân lên đảo, Uyên Sa cảm nhận được ngay không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Sa ấn tượng nhất là bầu trời Jeju, đặc biệt là bầu trời mùa thu. Đảo không có những tòa nhà chọc trời nên lúc nào cũng thấy rộng lớn, xanh ngắt.

Một sáng tháng 12, Sa đang trên xe buýt thì bất chợt nhìn thấy hoa trà nở đỏ thắm hai bên đường. Hàng cây thẳng tắp được phủ kín hoa khiến Sa phải thốt lên liên tục.

Quá yêu thích loài hoa này, Sa lên mạng tìm hiểu những địa điểm trồng hoa trà trên đảo để đến tận nơi nhìn ngắm. Cuối cùng, Sa tìm được một công viên sinh thái trồng rất nhiều hoa trà cho khách vào ngắm và chụp ảnh.

Cuối tuần, Uyên Sa đi xe buýt đến công viên sinh thái. Hôm đó, trời lạnh căm căm. Thế nhưng, thời tiết ấy khiến hoa nở rực rỡ hơn. Sa nói: “Tháng 12 là mùa hoa trà trên đảo nở đẹp nhất. Đảo có rất nhiều hoa trà, tạo thành đặc trưng bên cạnh vẻ đẹp của biển”.

Mê đắm trước vẻ đẹp của hoa trà, Uyên Sa chụp ảnh liên tục trong khoảng một tiếng đồng hồ. Cô nàng không phải thợ ảnh chuyên nghiệp nhưng trước vẻ đẹp của hoa, mỗi bức ảnh đều được thổi hồn sống động.

Mặc dù, Uyên Sa sống trên đảo Jeju gần một năm nhưng bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh đẹp, cô nàng đều thích thú. Sa rất thích lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy bằng máy ảnh.

Cô giáo trẻ lan tỏa văn hóa Việt

Ngoài sở thích khám phá vẻ đẹp của đảo Jeju, Uyên Sa là một giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam có nhiều tâm huyết. Học trò của cô chủ yếu là học sinh cấp 2 của một số trường học trên đảo.

“Giữa dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, văn hóa chiếm khối lượng giảng dạy nhiều hơn. Trên đảo, số lượng gia đình đa văn hóa (người Hàn kết hôn với người nước ngoài) khá đông. Vậy nên, các trường học ở đảo rất chú trọng việc giáo dục đa văn hóa cho học sinh”, Uyên Sa cho biết.

Các gia đình Việt - Hàn chiếm phần lớn trong số các gia đình đa văn hóa trên đảo. Cho nên, học sinh của Sa có rất nhiều người là con lai Việt - Hàn.

Một số học sinh mang hai dòng máu Việt - Hàn của Sa sang Hàn Quốc muộn nên các em khá khó khăn khi phải học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Hàn. Thế nhưng, một số em sang Hàn từ bé hoặc sinh ra ở Hàn thì thích ứng tốt hơn.

Dù diện tích đảo Jeju không lớn nhưng có rất nhiều trường học. Học kỳ vừa rồi, Sa dạy học sinh của gần 13 trường trên đảo. Uyên Sa thường phải di chuyển giữa các trường để dạy học. Tính đến thời điểm này, Sa đã đi dạy được khoảng 10 tháng và đang rất hạnh phúc với công việc của một giáo viên.

Niềm vui của cô giáo trẻ đến từ việc học sinh ứng dụng tiếng Việt vào giao tiếp hàng ngày. Các em thường chào nhiều thầy cô khác bằng tiếng Việt, rồi đố họ từ này từ kia có nghĩa là gì.

Trong ngày tôn vinh giáo viên ở Hàn Quốc, học sinh tặng cô giáo Uyên Sa một giấy khen có khắc dòng chữ tiếng Hàn, tạm dịch: “Nhờ có cô mà chúng em yêu thích tiếng Việt hơn”. Đọc lời cảm ơn của học trò, Sa rất vui và cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa.

Hiện tại, Uyên Sa sống trong khu nhà do Sở Giáo dục tỉnh Jeju cấp cho giáo viên nước ngoài. Tại đây, Sa quen biết nhiều giáo viên đến Jeju để dạy văn hóa, ngôn ngữ của các nước. Tất cả chung sống rất hòa đồng và tương trợ lẫn nhau.

Uyên Sa dự định sẽ làm công việc dạy học ở trên đảo Jeju thêm khoảng 2 năm. Tết này, Sa được nghỉ phép 2 tuần để về Việt Nam thăm gia đình. Chắc chắn, cô nàng sẽ khoe với bố mẹ về công việc yêu thích và cảnh đẹp trên đảo Jeju, nơi Sa đang lan tỏa văn hóa Việt.

(Nguồn: Zing News)

IONAH HẰNG NGUYỄN: CÔ GÁI VIỆT ĐAM MÊ KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

Là người con của Hà Nội, tình yêu đối với quê hương của Ionah Hằng Nguyễn thể hiện trong chính nickname “Ionah” (chữ viết ngược của Hanoi). Quê hương là nguồn động lực giúp chị luôn nhiệt tình trong các hoạt động kết nối cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Khi còn là sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Hằng đã nung nấu ý định đi du học tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, chị quyết định Nam tiến và thử sức với nhiều vị trí công việc khác nhau. Chị vừa đi làm vừa điều hành USGuide-một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng và giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam thực hiện giấc mơ du học bậc cao học ở Mỹ…

Hành trình tới nước Mỹ

Thông qua mạng lưới của USGuide, Hằng tiếp xúc với nhiều cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Trong số họ, có người ở lại Mỹ đầu quân cho các tập đoàn lớn, người trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp.

Tại đây, chị có cơ duyên gặp gỡ và làm việc cùng anh Nguyễn Mạnh Tường, người đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Chicago Booth. Anh đã phát triển một start-up vô danh với vài chục nhân viên và 10 năm sau trở thành “kỳ lân” công nghệ MoMo. Đó là nguồn cảm hứng to lớn khiến Hằng đặt mục tiêu du học MBA tại Mỹ để thay đổi tư duy và tầm nhìn của mình.

Sau sáu năm đi làm và chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch du học của mình, Hằng được nhận vào chương trình MBA của Duke Fuqua Business School và bắt đầu hành trình mới trên đất Mỹ từ năm 2018.

Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa khiến Hằng gặp nhiều khó khăn với việc hòa nhập vào môi trường. Tự nhận mình là người có xuất phát điểm thấp, chị không ngại tìm đến các sinh viên và cựu sinh viên của trường, cũng như những người bạn trong cộng đồng Việt MBA tại Mỹ để nhờ giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm học tập và tìm việc.

Chị may mắn gặp được nhiều người tốt, những người đã động viên, giúp đỡ chị tận tình từ những ngày đầu đặt chân tới nước Mỹ, đặc biệt trong quá trình tìm việc. Không phụ sự giúp đỡ của mọi người và sự nỗ lực của bản thân, chị Hằng đã được nhận vào chương trình Retail Leadership Development của Amazon khi chỉ mới bắt đầu năm thứ hai của chương trình MBA.

Nhìn lại hành trình đã trải qua, chị Hằng nhận thấy việc có một cộng đồng luôn tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau là điều hết sức quan trọng để giúp mỗi cá nhân vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu của mình. Chính vì vậy, với mong muốn xây dựng một cộng đồng MBA tại Mỹ gắn kết, Hằng tích cực tham gia kết nối hàng trăm bạn MBA các khóa thông qua facebook group US MBA – Vietnamese students.

Hằng cùng các admin và thành viên nòng cốt khác trong nhóm đã tổ chức rất nhiều những hoạt động hữu ích như: chuỗi event mang tên “Happy Hours” và “Soul Time” với mục đích giúp các thành viên chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tìm việc, phát triển sự nghiệp và thích nghi với cuộc sống tại Mỹ; hay chương trình MBA Retreat thường niên là dịp cho các thành viên tụ họp, vui chơi tại các thành phố khác nhau ở Mỹ.

Chị chia sẻ: “Mình rất tự hào về gia đình Việt US MBA vì mọi người rất gần gũi, tương trợ và đồng cảm với nhau, mình ít thấy một cộng đồng nào có sự gắn kết sâu và chất lượng như thế”.

Sáng lập Viet Spark

Trong thời gian học MBA, Hằng từng tập hợp một nhóm bạn trong group Việt US MBA, giúp nhau luyện tập phỏng vấn với mục tiêu vào được các công ty công nghệ tại Mỹ. Nhóm đã giúp nhiều thành viên có được công việc mong muốn.

Từ kết quả đáng khích lệ này, chị rủ một vài người bạn trong nhóm thành lập nên Vietnamese Business Professionals in Tech (VBPT) vào tháng 6/2020, sau đổi tên thành Viet Spark và đăng ký pháp nhân tại Mỹ dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận.

Chia sẻ về lý do sáng lập Viet Spark, Hằng cho rằng đa số người Việt làm trong các công ty công nghệ tại Mỹ có công việc thuộc khối kỹ thuật, nhưng số lượng các bạn làm trong các bộ phận thuộc khối kinh doanh không nhiều và thường không phải là thế mạnh của người Việt.

Viet Spark ra đời với mong muốn kết nối và tạo động lực cho người Việt trẻ thuộc các nhóm ngành này tìm được việc làm và phát triển sự nghiệp thành công trong ngành công nghệ tại Mỹ.

Thành viên của Viet Spark chủ yếu là các bạn đang học MBA, Master hoặc PhD khối ngành kinh doanh, tuy nhiên Viet Spark không giới hạn đối tượng tham gia.

Ngược lại, Viet Spark muốn tạo ra một sân chơi kết nối các bạn khối kỹ thuật và các bạn khối kinh doanh, giúp mọi người học hỏi lẫn nhau và có cơ hội tìm kiếm đồng đội cho các dự án cá nhân hoặc startup.

Sau hai năm thành lập, Viet Spark đã triển khai hàng chục sự kiện, hoạt động thiết thực và hiệu quả, như chương trình thường niên “Break Into Tech” dành cho các bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngành công nghệ; chuỗi webinar “Industry Xplained” chia sẻ kiến thức và góc nhìn của chuyên gia về; chuỗi bài viết “Humans of Viet Spark” giới thiệu các thành viên nổi bật trong cộng đồng công nghệ, các buổi networking và hội thảo phát triển kỹ năng, định hướng nghề.

“Break Into Tech” là chương trình không thu phí của Viet Spark kéo dài trong ba tháng đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ người được cố vấn và những người tham gia cố vấn. Đặc biệt, tỷ lệ những người được cố vấn có được việc làm tại các công ty công nghệ Mỹ sau sáu tháng tham gia chương trình lên đến 85%, trong đó nhiều bạn vào được các công ty công nghệ lớn như Amazon, Meta, Apple…

“Muốn thấy nhiều người Việt thành công hơn”

Một hoạt động nổi bật khác cũng là ý tưởng được được ấp ủ của Ionah Hằng Nguyễn và các đồng nghiệp đã trở thành hiện thực là “Tech Summit 2022”.

Hoạt động này do Việt Spark phối hợp với Hội chuyên gia và sinh viên Việt Nam tại Seattle (SVPS) và Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại San Francisco tổ chức, nhằm mục đích kết nối và phát triển cộng đồng người Việt đang học tập và làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ.

Thu hút được hơn 100 thanh niên, sinh viên và chuyên gia người Việt đến từ nhiều nơi trên nước Mỹ, “Tech Summit 2022” bao gồm các hoạt động giao lưu kết nối, tham quan trụ sở của Amazon và Microsoft, các buổi tọa đàm, hội thảo với nhiều khách mời đến từ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Với thành công ban đầu, Viet Spark và SVPS dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và các ban ngành liên quan nâng hoạt động trở thành một sự kiện thường niên, được tổ chức luân phiên tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ thời gian tới.

Ionah Hằng Nguyễn chia sẻ: “Tôi thấy người Việt mình rất giỏi, chăm chỉ, có đam mê và cầu tiến, tiềm năng phát triển không thua kém gì người Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, số lượng người Việt lên được các vị trí điều hành cấp cao trong các công ty công nghệ lớn, hoặc khởi nghiệp thành công và có tên tuổi còn khá ít ỏi.

Giấc mơ của tôi và Viet Spark là được nhìn thấy nhiều người Việt thành công hơn nữa, nâng cao sự hiện diện của người Việt trong các vị trí lãnh đạo của các công ty công nghệ hàng đầu”.

Đảm nhiệm vị trí quản lý sản phẩm cao cấp tại Amazon và mới đầu quân cho Koidra - một công ty khởi nghiệp tại Seattle, Ionah Hằng Nguyễn luôn tràn đầy năng lượng cho các hoạt động kết nối cộng đồng cũng như làm người cố vấn cho nhiều bạn tại Việt Nam và Mỹ trong quá trình nộp hồ sơ du học và tìm việc.

Với Hằng, việc tham gia hoạt động cộng đồng và giúp đỡ người khác thành công là cách giúp chị cân bằng cuộc sống, quên đi những áp lực, mệt mỏi của công việc thường ngày. Chị cho rằng khi giúp được một ai đó thành công, bản thân chị được tiếp thêm năng lượng và nguồn năng lượng đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Nét văn hóa ở Ấn Độ; Ươm mầm tiếng Việt ở HQ; Du học sinh ở TQ; Học lái xe ở Đức ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang