Người Việt hải ngoại: Hội Tri thức ở Hungary; Truyền tải vai trò lịch sử ở Pháp; Sân chơi sinh viên ở Nga; Nuôi con ở Nhật

Hội Trí thức Việt tại Hungary bàn về cơ hội và thách thức của Việt Nam

(Ảnh minh họa).

Buổi hội thảo bàn về cơ hội và thách thức của Việt Nam do Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary tổ chức thu hút khoảng 80 thành viên tham dự, đa phần là các trí thức có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary tổ chức hội thảo về các nội dung Việt Nam-đất nước, con người; những thách thức và cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, đời sống trong thời đại cách mạng công nghệ số.

Buổi hội thảo kéo dài 4 giờ thu hút khoảng 80 thành viên tham dự, đa phần là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, cựu sinh viên... có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Mở đầu hội thảo, các đại biểu lắng nghe phần trình bày đặc biệt về những năm tháng ở Việt Nam của nguyên Đại sứ Hungary tại Hà Nội, nhà xã hội học, nhà hoạt động công đoàn, luật gia Őry Csaba, người đã có 18 lần đến Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua.

Coi Việt Nam như quê hương thứ hai và dành nhiều thiện cảm cho mảnh đất này, vị cựu chính khách, đại biểu Quốc hội Hungary và EU chia sẻ ông cảm nhận người dân Việt Nam nỗ lực rất lớn để đạt được thành quả như mong muốn và sau cố gắng của mỗi người là gia đình, xã hội, cộng đồng... khiến không ai bị lẻ loi.

Mừng sinh nhật lần thứ 70 đúng vào ngày diễn ra cuộc hội thảo, ông Őry Csaba cho hay ông theo dõi sự phát triển của Việt Nam những năm gần đây, vui mừng với những thành công và âu lo với những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nhưng ông tin tưởng vào những gì Việt Nam sẽ đạt được. Việt Nam giờ đã trở thành quê chồng của con gái ông - họa sỹ nổi tiếng Őry Annamária.

Phần sau của buổi trao đổi là hai đề tài có sự liên quan khăng khít “Cách mạng công nghiệp 5.0: Những cơ hội và thách thức” và “Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hằng ngày,” do Phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Viện Fintech (Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus, Budapest) và kỹ sư Phan Anh Sơn, chuyên gia tin học tại Tập đoàn Nokia trình bày.

Vừa trở về sau chuyến thăm Trường Sa, tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn mở đầu phần thuyết trình với cảm tưởng về kỷ niệm đáng nhớ đó và sự cảm nhận về tầm quan trọng của yếu tố con người trong cách mạng 5.0.

Nếu như phần trình bày của Tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn nhắc nhiều đến mặt lý thuyết của vấn đề thì kỹ sư Phan Anh Sơn lại mở đầu với những ứng dụng thực tiễn của “trí tuệ nhân tạo” đã được sử dụng lâu nay trong nhiều mặt của đời sống, trước khi ChatGPT xuất hiện. Bài nói chuyện cũng đi sâu phân tích khả năng áp dụng thực tế của AI.

Thời gian qua, Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương, các đề án hợp tác giữa Hungary và Việt Nam về khoa học, công nghệ, văn hóa và giáo dục, hỗ trợ cộng đồng trong các vấn đề giáo dục tại Hungary.

(Nguồn: VTV4)

TRUYỀN TẢI VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI PHÁP

Với chủ đề “Paris 1973: Cánh tả và Hội biểu tình vì hòa bình ở Việt Nam”, mục đích của triển lãm là đóng góp một cách thiết thực vào việc truyền tải vai trò lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp.

Ngày 13/5, tại số nhà 16 phố Petit Musc ở thủ đô Paris, Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức buổi gặp mặt và triển lãm ảnh kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023).

Tham dự sự kiện có đông đảo bà con kiều bào thuộc ba thế hệ và bạn bè Pháp.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Vương Hữu Nhân, Chủ tịch UGVF cho biết mục đích của buổi gặp mặt là nhằm chia sẻ những kỷ niệm về một thời kỳ hào hùng tại trụ sở chính của Hội, một địa điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Paris 50 năm trước.

Trong bầu không khí thân mật và đầm ấm như trong một gia đình, ông Nhân nhấn mạnh phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp, mà UGVF lúc bấy giờ là hạt nhân, đã góp phần to lớn vào Hiệp định Paris.

Trụ sở của UGVF tại con phố nhỏ Petit Musc, còn gọi là “Hội quán”, chính là một nhân chứng của những đóng góp này. Trong nhiều năm trước khi hiệp định này được ký kết, Hội quán là địa điểm chiến lược bắt nguồn mọi hoạt động đấu tranh cho hòa bình và đoàn kết với Việt Nam.

Để đi đến Hiệp định Paris năm 1973, phải mất 5 năm đằng đẵng vận động dư luận, biểu tình phản chiến, đàm phán, hội họp... chính thức và bí mật. Bởi vậy, buổi gặp mặt tại trụ sở UGVF là dịp rất có ý nghĩa để bà con ôn lại những kỷ niệm của một thời tham gia phong trào yêu nước.

Trong suốt gần 5 năm không thể nào quên, đã có rất nhiều bà con trong cộng đồng người Việt tại Pháp không quản ngại khó khăn, không tiếc sức mình, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp các đoàn Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán cho tới ngày chiến thắng.

Trước những người bạn Pháp luôn ủng hộ Việt Nam, ông Nhân đã nhắc quá trình hoạt động của Hội quán và cho biết trụ sở này được mua vào năm 1970 nhờ sự đóng góp của hàng ngàn thành viên và những người ủng hộ đất nước.

Hai đoàn đàm phán Việt Nam thường xuyên lui tới để trao đổi với lãnh đạo UGVF, thông tin về tình hình đất nước và diễn biến của Hội nghị Paris và đưa ra các chương trình hành động tiếp theo. Ngay tại đây, nhiều người đã học hát, múa để tham gia biểu tình thể hiện sự đoàn kết với Việt Nam, chuẩn bị áp phích và truyền đơn ủng hộ đất nước.

Cũng tại nơi đây, ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình cùng các thành viên của hai phái đoàn đã đến vào ngày 28/1/1973, một ngày sau lễ ký Hiệp định, để chúc mừng và cảm ơn cộng đồng người Việt Nam vì những đóng góp cho thắng lợi chung của đất nước.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Vương Hữu Nhân chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi muốn tưởng nhớ và biết ơn những người đã dành rất nhiều tâm sức cho sự kiện này bởi nhiều người hiện đã không còn nữa. Buổi gặp mặt hôm nay để những người bạn gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm và cũng rất quan trọng đối với chúng tôi trong việc chuyển tải thông điệp đến các thế hệ sau này là để có nước Việt Nam như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và các thế hệ trước đã phải nỗ lực to lớn mới có được”.

Tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, bà con Việt kiều và những người bạn Pháp đã có dịp ôn lại những kỷ niệm, những gương mặt thân thuộc của một thời qua những tấm ảnh tư liệu được trưng bày tại Hội quán.

Ông Nhân cho biết thêm nhân buổi gặp mặt, UGVF muốn tổ chức buổi triển lãm những hình ảnh tư liệu để tri ân sự đóng góp một thời của các bậc tiền bối. Thời điểm đó, Hội đã tham gia đóng góp nhiều ý tưởng cho việc ký kết Hiệp định Paris.

Trong suốt thời gian gần 5 năm, đã có rất nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra, đi kèm với rất nhiều sự chuẩn bị để có thể đi đến hiệp định quan trọng này.

Với chủ đề “Paris 1973: Cánh tả và Hội biểu tình vì hòa bình ở Việt Nam”, mục đích của triển lãm là đóng góp một cách thiết thực vào việc truyền tải vai trò lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp, qua đó duy trì mối liên hệ giữa các thế hệ và nâng cao di sản chung.

Qua triển lãm, bà con Việt kiều và bạn bè Pháp được thấy lại những gương mặt người Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào chiến thắng của cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris, hoặc những bạn bè Pháp đã tham gia các hoạt động phản đối cuộc chiến tranh chống Mỹ và vì hòa bình ở Việt Nam.

Cũng nhân dịp buổi gặp mặt, UGVF đã giới thiệu một số cuốn sách về lịch sử Việt Nam, trong đó có cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” của nhà ngoại giao Võ Văn Sung do nhà sử học Nguyễn Đắc Như Mai, Việt kiều ở Pháp chuyển ngữ.

Ngoài việc tái hiện những hoạt động ngoại giao của Việt Nam tại Pháp và châu Âu trong giai đoạn từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết đến khi nước nhà thống nhất, cuốn sách còn ghi lại những câu chuyện về tình cảm của những người Việt Nam sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc, về những người bạn quốc tế thủy chung và tiến bộ, hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Tại Hội quán, bà con có dịp được biết tác giả cuốn sách là người đã tham gia vào các cuộc hội đàm bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger giai đoạn 1971-1973 và là một trong 5 thành viên của phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết Hiệp định Paris./.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Sinh viên Việt Nam tại LB Nga tổ chức sân chơi kiến thức bổ ích

(Ảnh minh họa).

Chương trình "Rung chuông vàng" được sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức tại thủ đô Moskva vừa qua sân chơi kiến thức nhằm thúc đẩy phong trào học tập của sinh viên Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022) và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), đồng thời nhằm tạo một sân chơi lành mạnh, tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi, ngày 14/5 tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) ở thủ đô Moskva, Cụm chi đoàn 1, gồm chi đoàn Đại học tổng hợp Hữu nghị giữa các dân tộc (RUDN), Đại học Y II, Obolen, và các trường công an, đã tổ chức cuộc thi kiến thức “Rung chuông Vàng”.

Tham dự cuộc thi có các đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Đảng ủy tại LB Nga, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga, cùng các nhà tài trợ. Các thí sinh là 70 đoàn viên đến từ 15 chi đoàn các trường đại học ở thủ đô Moskva gồm 50 đoàn viên đang sinh hoạt tại Cụm chi đoàn 1 và 20 đoàn viên được mời từ các chi đoàn khác, cùng đông đảo các bạn sinh viên đến cổ vũ.

Phát biểu tại cuộc thi, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thứ Thứ nhất phụ trách giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, cho rằng đây là sân chơi kiến thức bổ ích và sáng tạo, sẽ mang lại rất nhiều kỷ niệm đẹp cho những người tham dự. Thông qua chương trình này, các bạn tham gia cũng học hỏi và bổ xung được thêm nhiều kiến thức.

Về phần mình, ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga, đồng thời cũng là cố vấn, nhà tài trợ cho chương trình khẳng định đây là sân chơi kiến thức nhằm thúc đẩy phong trào học tập của sinh viên Việt Nam. Ông cho biết thêm các thí sinh tham gia đã có một thời gian dài để chuẩn bị kỹ càng cho cuộc thi này.

Cuộc thi gồm 2 chặng, mỗi chặng có 10 câu hỏi liên quan tới các chủ đề về đất nước, con người, Đảng, Bác, thanh niên, đời sống và xã hội, cả bằng tiếng Việt và tiếng Nga. Các câu hỏi ở cả 2 chặng đề có độ khó tăng dần. Khi trên sàn thi đấu còn duy nhất 1 thí sinh thì thí sinh đó sẽ được vinh danh là người xuất sắc nhất chặng.

Do các thí sinh không thể trả lời hết 10 câu hỏi của chặng 1, đội cứu trợ gồm các khách mời đã tham gia trò chơi đá bóng để cứu các thí sinh. Chặng 2 cũng gồm 10 câu hỏi, và các thí sinh được cứu cũng không thể trả lời hết các câu hỏi của chặng 2.

Kết quả bạn Hoàng Công Danh đến từ Chi đoàn Học viên An ninh LB Nga trở thành thí sinh xuất sắc nhất chặng 1. Hai bạn Nguyễn Thị Hồng Huyền và Võ Nhật Mai thuộc chi đoàn RUDN trở thành những thí sinh xuất sắc nhất chặng 2. Cuộc thi đưa ra có nhiều câu hỏi bất ngờ, đòi hỏi người thi phải biết một lượng kiến thức rộng.

Những câu hỏi dành cho các thí sinh tham gia thi cùng những câu hỏi dành cho các bạn cổ động viên đã tạo nên một ngày hội kiến thức khó quên đối với các đoàn viên tham gia. Xen giữa các phần thi là những tiết mục ca nhạc cũng làm cho sân chơi càng thêm nhiều cảm xúc.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Mẹ Việt ở Nhật tiết lộ chuyện nuôi con: Lớp 3 đã lao vào luyện thi, chi phí học hành cho 4 đứa trẻ càng "choáng"

Theo chị Vân, giáo dục Nhật Bản đề cao nhân văn, dạy trẻ tính tự lập, tính đồng nhất trong giáo dục, chú trọng vào giáo dục thể chất... Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh thi cử cũng vô cùng áp lực.

Nhắc đến giáo dục tiên tiến trên thế giới không thể bỏ qua nền giáo dục Nhật Bản. Đây là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và thường xuyên phải đối mặt với thảm họa thiên tai. Chính vì vậy người Nhật luôn quan niệm con người là nguồn lao động của đất nước, muốn đất nước phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc đào tạo một lực lượng lao động hùng hậu và chất lượng.

Cả giáo viên và phụ huynh đều coi trọng việc giáo dục trẻ em nhưng không phải theo cách quan tâm tới quần áo, thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại mà là tạo cho trẻ có thói quen độc lập, dũng cảm và yêu lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, áp lực thi cử của quốc gia này cũng vô cùng gay gắt. Để có được một công việc tốt tại Nhật Bản, tấm bằng đại học danh giá là điều kiện cần. Hơn nữa, vì trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thường là liên cấp, nên nếu muốn có khởi đầu tốt, cuộc đua vào đại học thực ra đã phải bắt đầu từ khi học tiểu học, khởi đầu bằng việc thi tuyển vào các trường trong top.

Là người Việt đang sống tại Tokyo, Nhật Bản gần 15 năm, chị Hồng Vân (38 tuổi), một bà mẹ 4 con: bé lớn nhất học lớp 8, bạn thứ 2 lớp 6, bạn thứ 3 lớp 3 và bé út lớp 1 - cũng cho rằng giáo dục Nhật Bản có rất nhiều điểm tích cực đáng khen ngợi, mà khi người nước ngoài nhìn vào sẽ phải trầm trồ thán phục.

Ví dụ như, giáo dục Nhật Bản đề cao tính nhân văn, dạy trẻ tính tự lập, tính đồng nhất trong giáo dục, chú trọng vào giáo dục thể chất, trẻ em đến trường không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy cách làm người đối nhân xử thế.

"Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình, giáo dục của Nhật vẫn còn vài điểm hạn chế. Nhật Bản có một hệ thống học thêm dày đặc với các lò luyện thi, từ luyện thi kiểu tập trung cho đến luyện thi 1-1. Mặc dù mọi người vẫn nói giáo dục Nhật Bản không gây áp lực lên điểm số hay thi cử lên học sinh tại trường, cũng như không phân chia lớp theo học lực của học sinh vì cho rằng điểm số không phản ánh đúng khả năng của học sinh.

Điều này đúng trong trường học, nhưng phần nhiều các phụ huynh Nhật vẫn chạy đua để đưa con đi học thêm từ sớm, với mong muốn con thi được vào 1 trường cấp 2 tốt, dù là cấp 2 vẫn thuộc diện phổ cập giáo dục của Nhật, nghĩa là được học lên thẳng theo tuyến mà không cần phải thi", chị Vân cho biết.

Chạy đua vào trường công tốt, nhiều phụ huynh cho con đi luyện thi từ... tiểu học

Theo chị Vân, ở Nhật chỉ có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi vào cấp 3 và đại học. Nhưng xu thế gần đây là nhiều gia đình cho con đi học thêm ở lò từ sớm, khoảng lớp 3-4 để luyện thi vào các trường cấp 2 công quốc lập hoặc tư thục tốt, hoặc những trường liên thông lên cấp 3 và đại học (để tránh 2 kỳ thi căng thẳng này).

Việc này vô hình trung khiến con cái chịu gánh nặng thi cử quá sớm. Cả ngày học chính, tối về lại học thêm. Những đợt học tập trung vào các kỳ nghỉ xuân, hạ, đông thậm chí còn phải đi xa cả tuần để học hoặc học ở trung tâm cả ngày. Một đứa trẻ mà sáng học chính khoá, chiều tối học thêm, đêm về làm bài tập thì còn rất ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao và học các kỹ năng khác.

Vì lý do đó, chị Vân đã quyết định không ép con đi học thêm từ lớp 3, 4 để thi vào cấp 2, mà chỉ cho con học trường đúng tuyến gần nhà, được quận chỉ định. "Cấp 1 mình muốn con có một sự phát triển toàn diện cả tinh thần lẫn thể chất. Cho con tham gia học nhiều môn ngoại khóa như đàn, vẽ, thể thao, cờ vua... để con khỏe mạnh, có nhiều trải nghiệm và tìm ra sở thích đam mê cho mình", bà mẹ 4 con cho biết.

Vì cấp 3 bắt buộc phải thi nên hiện tại dù mới lớp 8 nhưng con lớn nhà chị Vân đã bắt đầu đi học thêm luyện thi, học 1 tuần 4 buổi luyện thi 4 môn là Quốc ngữ, Toán, Anh, Xã hội và Lý Hoá. Mỗi buổi 2 tiếng từ 7h đến 9h tối. Luyện thi đã chiếm hầu hết thời gian, tuy nhiên chị vẫn cố gắng duy trì cho con học vẽ, đàn và cuối tuần đưa ra ngoài vận động.

Sang lớp 9 thì lịch học luyện thi sẽ dày đặc hơn nhiều. Luyện thi cấp 3 là vậy, luyện thi đại học theo chị Vân còn gắt gao hơn nữa. Có những trường hợp có bạn còn tình nguyện lùi lại 1 năm thi để ôn luyện cho chắc để vào được những trường đại học có ranking cao. Bởi tỷ lệ chọi của những trường top của Nhật rất cao và rất nhiều trung tâm đã đưa ra những lớp luyện thi đặc biệt để thi được vào những trường top. Nói chung cuộc đua để cho con thi được vào những trường cấp 2, 3, đại học tốt, xịn của Nhật rất kinh khủng.

"Người ta đã thống kê rằng, chi phí để nuôi 1 em bé (bao gồm cả tiền ăn và tiền học phí các loại) từ khi sinh ra đến khi học đại học ở Nhật sẽ tiêu tốn của bố mẹ khoảng 2000 vạn yên đến 4000 vạn yên Nhật (theo tỷ giá bây giờ là khoảng 3,6 tỷ đồng đến 7,2 tỷ đồng).

Nếu như con chỉ học từ cấp 1 đến đại học là trường công, thì chi phí này khoảng 2000 vạn yên, nếu từ mẫu giáo đến đại học đều học trường tư là khoảng 4000 vạn yên. Mà nhà mình lại có 4 bạn nhỏ, độ tuổi thì cứ cách nhau 2-3 tuổi, nên số tiền cần chuẩn bị thật sự rất lớn. Tất nhiên là không phải ngay một lúc, mà là có sự trải dần, nhưng cũng có những năm phải đóng dồn tiền vì cả 2 đứa cùng học luyện thêm ở lò chẳng hạn", chị Vân chia sẻ.

Chính những mặt trái trong việc luyện thi ở Nhật đã khiến chị Vân có suy nghĩ muốn cho con đi du học đại học. Chị muốn hướng cho con đến học ở những nước với triết lý giáo dục khác với Nhật, mong muốn con sẽ có một thế giới quan khác hơn, rộng mở hơn, có thể trở thành công dân toàn cầu, không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nhật.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang