Người Việt hải ngoại: Đi nhiều không bằng về nhà; Lo lắng & mong đợi ở Anh; Thực tập sinh ở show HQ; Đi chợ ở Mỹ

NGƯỜI VIỆT XA XỨ: 2022 ĐI NHIỀU, NHƯNG KHÔNG CHUYẾN NÀO BẰNG VỀ NHÀ

(Ảnh minh hoạ).

Sau gần 3 năm đi lại quốc tế gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, năm 2022 có lẽ là năm của sự đoàn tụ. Điều này mang đến niềm vui lớn cho nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài.

2022 là năm thứ 3 thế giới học cách sống chung với đại dịch Covid-19. Hầu hết quốc gia đều gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và tập trung phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Dẫu vậy, chia sẻ với Zing, nhiều người Việt đang sinh sống tại nước ngoài cho biết năm 2022 vẫn không phải một năm dễ dàng, khi những khó khăn về kinh tế như lạm phát, giá năng lượng leo thang,... vẫn khiến họ “đau đầu”.

Tuy nhiên, nhờ biên giới mở cửa, nhiều người đã có cơ hội thăm quê hương và đoàn tụ với gia đình. Chuyến đi này trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với họ trong năm 2022.

“Chuyến về Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc với tôi”

Chị Nhã Phương - sinh sống tại Krakow, Ba Lan

Tôi lựa chọn 3 từ “trải nghiệm - khám phá - học hỏi” để mô tả về năm 2022.

Năm qua, tôi có cơ hội đặt chân tới 9 nước. Qua những lần đi du lịch này, tôi biết thêm về văn hóa, địa danh nổi tiếng, khám phá nhiều điều mới. Tôi cảm thấy sau khi tận mắt chứng kiến, có những thứ hoàn toàn khác và đẹp hơn trong trí tưởng tượng và phim ảnh.

Trong số những nước đó, tôi thích nhất Italy vì quốc gia này có nét văn hóa gần với người Việt nhất so với các nước châu Âu. Người trưởng thành ở Italy sống hướng về gia đình nhiều hơn. Tôi thấy nhiều cặp dù kết hôn nhưng vẫn sống với cha mẹ. Họ cũng sống chậm và tận hưởng cuộc sống. Mỗi buổi sáng, họ ra quán cafe ngồi tám chuyện với nhau có thể 2-3 tiếng.

Tuy nhiên, chuyến đi về Việt Nam thăm gia đình sau hơn 2 năm dịch bệnh vẫn là thứ tôi nhớ nhất.

Trước giờ, tôi chưa từng hình dung sẽ lấy chồng xa, quyết định kết hôn của tôi hoàn toàn khác với dự định. Nhà chỉ có hai chị em, nên việc kết hôn với chồng hiện tại là quyết định rất lớn.

Trước khi kết hôn, anh nói 6 tháng hai vợ chồng sẽ về thăm Việt Nam một lần. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ ập tới và kéo dài, cũng như cần làm giấy tờ cho con gái, nên kế hoạch 6 tháng thăm nhà một lần của tôi không thành. Do đó, chuyến về Việt Nam vừa rồi có ý nghĩa sâu sắc với tôi.

Tôi tự nhận thấy mình chưa có thành tựu lớn nào trong năm qua, vì toàn bộ thời gian đều dành cho con gái. Sau khi con gái đi học, tôi mới có thêm thời gian để học tiếng Ba Lan.

Trong năm qua, tôi gặp khó khăn khi chưa thành thạo ngôn ngữ và mới chỉ giao tiếp trong gia đình, nên việc kiếm việc làm có chút khó khăn.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy vấn đề chưa thạo ngôn ngữ cũng không phải rào cản lớn nhất khi kiếm việc làm, mà là do cần dành thời gian trông con nên không có lịch cố định. Dù con gái đã đi học nhưng chưa theo được lịch của trường. Mỗi ngày tôi chỉ gửi con được 4-5 tiếng.

Trong năm 2023, mục tiêu hàng đầu với tôi là cải thiện ngôn ngữ để đi làm, không chỉ vì vấn đề tài chính, mà còn để có cơ hội ra ngoài tiếp xúc, thoải mái hơn là chỉ ở nhà. Ngoài ra, tôi cũng dự định học khóa thiết kế đồ họa.

“Trải qua khó khăn, tôi trân quý những điều bình thường”

Chị Oanh Karel - sống tại CH Czech

Nói về năm qua, có lẽ tôi sẽ mô tả bằng hai từ: vui mừng và lo lắng. Vui vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người lại có thể gặp mặt nhau, nhưng lo lắng khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Tôi sống ở Czech cách Nga và Ukraine không xa. Do đó, tác động từ chiến sự, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19, càng rõ rệt. Tôi cải tạo căn nhà mua từ năm 2019 đúng lúc chiến sự và dịch bệnh diễn ra, khiến công trình bị đình trệ đến tận cuối năm.

Giá vật liệu leo thang gấp nhiều lần và không có nhân công. Do đó, tôi phải hủy bỏ nhiều hạng mục. Trong năm qua, lãi suất ngân hàng tăng khiến tôi phải hủy bỏ dự định đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, giá điện và khí đốt cũng tăng nhiều.

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì cuộc sống ở Czech rất yên bình. Tôi có cơ hội về thăm người thân ở Việt Nam cũng như thưởng thức những món ăn quen thuộc.

Trải qua khó khăn lại càng khiến tôi thêm quý trọng những gì rất đỗi bình thường. Cảm thấy trân quý và biết ơn.

“Điều tôi nhớ nhất là đoàn tụ với gia đình”

Nguyễn Diệu Linh - du học sinh Việt tại Thái Lan

Nếu được nhận định năm vừa qua của bản thân trong ba từ, đó là ba từ “đã cố gắng”.

Điều khiến tôi nhớ nhất trong năm qua là được đoàn tụ với gia đình sau quãng thời gian dịch Covid-19 kéo dài (năm 2019-2020). Sau 2 năm, tôi mới được gặp lại gia đình.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, tình hình kinh tế nói chung khá khó khăn, nhưng đó không phải điều khiến tôi thấy khó khăn nhất. Với tôi, đó chính là những áp lực về tinh thần trong đại dịch.

Vào giai đoạn đầu năm 2022, kế hoạch học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện của tôi gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tôi là người hướng ngoại, nên rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Vì vậy, việc phải cách ly trong thời gian dài khiến tôi rất căng thẳng. Không những vậy, tôi cũng rất lo lắng khi hay tin người thân mắc bệnh.

Tôi rất vui mừng khi những hạn chế trong đại dịch kết thúc, và Bangkok trở lại nhịp sống vốn có. Thời điểm Thái Lan vừa mở cửa, thành phố Bangkok như được sống lại và nhộn nhịp hơn.

Từ những khó khăn trong năm 2022, tôi nghĩ hiện tại mỗi người nên cố gắng tiết kiệm một khoản tiền dự trữ cho những tình huống đột ngột xảy ra trong tương lai.

“Tôi luôn cố gắng cân bằng giữa gia đình và công việc”

Chị Nguyễn Huyền Trang - phiên dịch viên ở quận Hồng Khẩu, Phố Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Năm 2022 gói gọn trong ba từ tự tin, ham học hỏi và xác lập mục tiêu mới. Nhìn lại những gì đạt được trong năm qua, tôi tự hào thành tựu lớn nhất của bản thân là góp phần đẩy mạnh sự phát triển của Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc.

Tôi cũng hoàn thành kế hoạch cá nhân - mua nhà mới kế bên trường học có hệ thống giáo dục tốt cho con từ mẫu giáo đến cấp 3 và gần nhiều tiện ích như trung tâm thương mại, tàu điện ngầm.

Trong năm 2022, tình hình kinh tế phức tạp, vật giá leo thang khiến nhiều gia đình đau đầu. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi phải cân đối chi tiêu vì cần gánh vác trách nhiệm “trên có người già dưới có trẻ nhỏ”.

Con cái cần bổ sung nhiều dinh dưỡng và học hành để phát triển toàn diện, người già cũng cần đảm bảo dinh dưỡng để khỏe mạnh an vui.

Do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 tại Thượng Hải, tôi chưa thể đưa con về Việt Nam thăm ông bà, gia đình và người thân. Con gái tôi cũng chưa có cơ hội khám phá nhiều nơi do tình hình dịch bệnh. Nhìn chung, trẻ con sinh ra trong giai đoạn dịch bệnh đều chịu nhiều thiệt thòi.

(Nguồn: Zing News)

THƯ TỪ ANH: LO LẮNG VÀ MONG ĐỢI

Lễ Giáng sinh năm 2022 và Tết dương lịch năm 2023 là thử thách rất lớn cho dân Anh nói chung và cộng đồng người Việt tại nước này nói riêng.

Tâm trạng của họ có thể gói gọn trong hai từ lo lắng và mong đợi. Họ lo lắng vì toàn cầu bất ổn và giá cả sinh hoạt tăng cao nhưng vẫn mong đợi được đoàn viên, gặp mặt gia đình thời hậu COVID-19 và tự do đi du lịch.

Trong đêm giao thừa, nhiều người Anh tổ chức tiệc gia đình, mời bạn bè và người thân đến dự. Họ sẽ xem chương trình bắn pháo hoa truyền hình trực tiếp của chính phủ, với phần trình diễn của những người nổi tiếng ở thủ đô London.

Họ sẽ đếm ngược đến giờ phút giao thừa, sau đó mọi người sẽ ôm hôn và chúc nhau năm mới. Vào lúc nửa đêm, ca khúc "Auld Lang Syne" sẽ được hát lên để chào mừng năm mới, theo sau là thông điệp chúc mừng từ Vua Charles III.

Hòa chung không khí này, nhiều gia đình người Việt cũng tổ chức tiệc tại gia. Sau đó, người lớn thường chia thành hai phe riêng biệt nam và nữ. Nam giới sẽ tìm đến các hộp đêm dành riêng cho giới mày râu, còn phụ nữ sẽ tìm những nơi vui chơi thích hợp cho mình.

Khác hẳn với không khí sôi động, nhộn nhịp và ồn ào của dịp Giáng Sinh, ngày đầu năm là ngày nghỉ quốc gia và cũng là ngày đặc biệt. Đây là ngày duy nhất trong năm tỉ lệ số người thiếu ngủ và mệt mỏi rất cao vì hầu hết người dân thức khuya đón giao thừa. Ngày đầu năm là một ngày khá yên tĩnh với không gian và thời gian chỉ dành riêng cho gia đình, người thân và bè bạn.

Tuy nhiên, ngày đầu năm 2023 lại rơi vào chủ nhật và mọi người được nghỉ bù vào thứ hai sau đó. Vì vậy, các buổi tiệc nhỏ hơn đêm giao thừa sẽ diễn ra tự phát vào ngày đầu năm. Đến giữa trưa, một số người sẽ đến các quán rượu địa phương để tán gẫu và chúc phúc cho nhau sau một đêm dài say khướt.

Nhiều người Anh vẫn quan niệm năm mới là thời điểm để đổi mới, loại bỏ cái cũ, tiếp nhận cái mới. Người Anh có xu hướng sẽ chọn một hoặc nhiều mục tiêu mà họ sẽ thay đổi trong năm mới, như từ bỏ thuốc lá, đổi công việc hoặc cố gắng hạnh phúc hơn. Mọi người cố gắng khuyến khích, động viên nhau thực hiện các mục tiêu này.

(Nguồn: Người Lao Động)

THỰC TẬP SINH NGƯỜI VIỆT TẠI SHOW HÀN QUỐC HOÁ RA LÀ HỌC TRÒ ĐÔNG NHI, 6 NĂM TRƯỚC ĐÃ GÂY CHÚ Ý!

(Ảnh minh hoạ).

Thành tích văn nghệ, học tập của chàng trai người Việt đang tranh tài tại show Hàn Quốc khiến khán giả ngưỡng mộ.

Vừa qua, cộng đồng mạng được dịp xôn xao khi Boys Planet 999 - chương trình tìm kiếm các thành viên cho nhóm nhạc nam của Hàn Quốc bất ngờ xuất hiện 2 chàng trai Việt. Và 1 trong số đó là Đặng Hồng Hải - gương mặt quen thuộc đối với nhiều khán giả truyền hình. Trước khi trở thành thực tập sinh của Fantagio - công ty quản lý của Cha Eun Woo (ASTRO), Ong Seong Woo (cựu thành viên Wanna One)... anh chàng sinh năm 2003 từng tham gia nhiều chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi ở Việt Nam. Theo thông tin, Đặng Hồng Hải đã thực tập được 3 năm. Khẩu hiệu của anh chàng thực tập sinh là: "Mình sẽ phá vỡ sân khấu bằng kỹ năng và niềm đam mê của mình, vì vậy hãy dõi theo mình nhé!".

Năm 2015, Hồng Hải từng tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng dành cho thiếu nhi - Người Hùng Tí Hon, thuộc Biệt đội đáng yêu. Đến năm 2016, ca sĩ nhí Hồng Hải tiếp tục thử sức với Giọng Hát Việt Nhí, thuộc đội của cặp đôi HLV Đông Nhi - Ông Cao Thắng.

Ngoài ra, Hồng Hải cũng từng xuất hiện trong chương trình Bạn Có Thực Tài. Tại đây, anh chàng được diễn viên Khương Ngọc khen ngợi có khuôn mặt đẹp trai, xán lạn, nếu không làm ca sĩ có thể thử sức với nghề diễn viên.

Mặc dù tích cực hoạt động nghệ thuật, Hồng Hải vẫn dành nhiều thời gian cho việc học. Thành tích học tập của anh chàng khiến bao người nể phục khi là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Không những thế, anh chàng cũng từng có thứ hạng đứng thứ 2 trong cả khối!

(Nguồn: Kenh14)

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT SAY MÊ ĐI CHỢ NÔNG SẢN LỚN THỨ 3 NƯỚC MỸ, MUA ĐƯỢC GIÁ RẺ NHƯNG CÒN LÝ DO ĐÁNG HOAN NGHÊNH HƠN

Đi chợ cũng là cách để giải trí! Nghe thật kỳ lạ nhưng điều đó hoàn toàn đúng nếu bạn đến thăm khu chợ nông sản PSU nằm ngay trong khuôn viên trường đại học Portland State University.

"Dưới những tán cây du khổng lồ trong khuôn viên Đại học Bang Portland, các quầy hàng đầy ắp trái cây và rau tươi rói theo mùa, các nhạc công tài năng chơi những bản nhạc đi vào lòng người. Cả mùi bánh mì nóng hôi hổi thoảng trong không khí. Thật là sự khoan khoái khó diễn tả bằng lời".

Đó là dòng miêu tả của blogger Antonina khi nói về chợ nông sản PSU nằm ở trung tâm thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ). Đây được xem là chợ nông sản lớn thứ 3 của nước Mỹ, thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm.

Có lẽ vì vậy mà chị Nguyễn Hương Trà, một phụ nữ Việt hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Mỹ, cũng "lỡ yêu" khu chợ này để đến nỗi đi chợ trở thành niềm say mê, háo hức của chị mỗi dịp cuối tuần.

Đi chợ như một thú vui

Chị Trà kể: "Đều đặn mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, cả nhà mình dắt tay nhau đi chợ nông sản. Các cụ dạy là không sai rằng 'mùa nào thức nấy'. Chợ mùa hè có một nét đẹp rất riêng. Góc nào cũng đều thấy hoa quả rau củ tươi rói xanh mướt".

Được biết, chợ nông sản PSU họp đều đặn vào sáng thứ 7 hàng tuần. Chợ mở quanh năm, dù nắng hay mưa thì 100 sạp hàng vẫn mở đều vào mỗi sáng thứ 7.

Theo thống kê trên trang Portlandfarmersmarket, vào mùa hè, khu chợ này chào đón tới 12.000 người mua sắm vào các Thứ Bảy. Người dân và đầu bếp ở khu vực Portland, cùng với du khách từ khắp nơi trên thế giới, đổ xô đến chợ để ngắm và mua rau quả tươi. Người ta ví đó là trải nghiệm "nhất định phải làm" vào Thứ Bảy khi đến Portland.

Chị Trà cho biết:"Đồ ở chợ này thì không phải là tươi mà là rất tươi. Người nông dân thường gặt hái sáng sớm xong 7 giờ lái ra chợ sắp hàng ra sạp rồi. Đến khoảng 8-9 giờ, chợ mở cửa cho người mua. Độ tươi ngon thì đảm bảo là hơn siêu thị nhưng không rẻ hơn siêu thị".

Tuy nhiên, với chị Trà, việc đi chợ nông sản không chỉ đơn giản vì đồ tươi ngon, chất lượng mà lý do quan trọng nữa là trực tiếp giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản, không phải qua khâu trung gian.

Chị nói: "So với giá thành ở siêu thị, thì ở chợ nông sản nhỉnh hơn đôi chút nhưng ngoài việc đảm bảo nguồn gốc và chất lượng hàng hoá thì mình còn trực tiếp giúp đỡ những người nông dân bản xứ nữa.

Khi mua hàng ở siêu thị, siêu thị mua buôn (số lượng nhiều), đa phần hàng được chuyển từ nhiều khu vực khác nhau trên nước Mỹ về các siêu thị bán lẻ nên người nông dân sẽ chỉ được trả giá khá bèo bọt.

Khi đi chợ nông sản, tại mỗi sạp hàng, mình sẽ biết được tường tận về nguồn gốc rau quả, từ trạng trại nào, ở đâu. Mình cũng trực tiếp nói chuyện với những người nông dân về cách họ nuôi trồng, có nhiều loại rau củ mới lạ, mình nói chuyện với họ để nghe chia sẻ kiến thức rất hay.

Những chủ sạp hàng ở chợ nông sản thường là chủ các trang trại nhỏ thôi nên họ không đủ để cung cấp cho siêu thị nhưng vì nhỏ nên họ chu đáo chăm sóc cho rau củ quả được kĩ hơn.

Nhiều khi đi chợ mua đồ mình cũng gặp các em bé ra giúp bố mẹ bán hàng nữa. Mình cảm thấy không chỉ giúp đỡ trực tiếp người nông dân và còn ủng hộ cho cả một thế hệ nông dân tương lai".

Đắt nhưng xắt ra miếng

Dù là đi chợ hay vào siêu thị, điều người ta luôn quan tâm vẫn là giá cả và độ tươi ngon của thực phẩm. Đối với chị Trà cũng vậy, chị biết giá rau ở chợ nông sản đắt hơn siêu thị nhưng vẫn quyết lựa chọn chợ để mua cho gia đình những mớ rau, cân trái cây tươi ngon, hảo hạng nhất.

Chị Trà nói: "Nhà mình được cái ở rất gần nhiều chợ nông sản. Đi xe ô tô thì chỉ tầm 10-30 phút là nhiều nhất. Có chợ gần nhà mình đi tầm 20 phút đi bộ. Vậy nên cuối tuần thứ 7 trời đẹp là cả nhà hay rủ nhau đi bộ ra chợ mua đồ, vừa khoẻ vừa vui vừa tiết kiệm xăng xe".

Giá hàng hoá ở chợ nông sản so sánh với giá hàng tại Việt Nam thì chị Trà thấy đắt hơn nhưng chất lượng thì cực kì đảm bảo. Đa phần đồ bán ở chợ nông sản là hàng organic và seasonal (thực phẩm theo mùa), Non-GMO (không biến đổi gen), thịt thì không có bảo quản lâu, tươi sạch, không tăng trọng.

Và khu chợ nông sản PSU là minh chứng cho thấy không phải cứ đồ ở chợ là xấu xí, không ngon. Chị nói: "Ở khắp nước Mỹ thì mình không khẳng định được nhưng ở khu vực mình sống là Beaverton, Oregon thì chợ nông sản rất được ưa chuộng. Đi chợ nông sản mình có thể thấy từ thế hệ 8x, 9x hay đến thế hệ các ông bà mình. Đặc biệt nhóm người ăn chay và nhóm người sống thân thiện với môi trường. Họ rất thích đi chợ nông sản. Người Mỹ nhìn chung thì vẫn chuộng đi siêu thị hơn vì nhiều lí do, nhưng nhiều người đi chợ nông sản giống như một phần văn hoá vậy đó.

Được cái chợ nông sản ở đây mở nhiều ngày trong tuần, mỗi ngày là ở một chỗ khác nhau nên người dân tha hồ đi mua thoải mái, không phải mua số lượng lớn rồi trữ đông. Lúc nào cũng có hàng hoá tươi ngon không có thuốc bảo quản như hàng ở siêu thị. Thích nhất là đồ seasonal nên đảm bảo.

Qua đây, mình cũng muốn truyền một chút cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, lối sống ăn sạch, ăn thực phẩm theo mùa, và ủng hộ nông sản địa phương".

Cứ như vậy, mấy năm theo chồng sang Mỹ sinh sống là từng ấy năm chị Trà càng thêm yêu những quầy hàng chợ nông sản địa phương. Chúng khiến chị vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà và thêm gần gũi với thiên nhiên, sống chan hòa, vui khỏe.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Tết sớm ở Lào; Đi bắn pháo hoa ở Đức; Đưa lao động ở Nhật về ăn Tết; Nạn nhân ở vụ cháy sòng bạc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang