Người Việt hải ngoại: Dạo phố Việt ở Udon Thani; Nữ nghị sĩ Pháp đầu tiên; Trộm tài sản ở Nhật

DẠO PHỐ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI

(Ảnh minh họa).

Vietnam Town - Phố Việt Nam, mới được khai trương ở Udon Thani được kỳ vọng sẽ là nơi giao lưu, buôn bán, giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam tới cộng đồng người Thái Lan và du khách.

“Thủ phủ” của người Thái gốc Việt

Udon Thani ở Thái Lan được coi là "thủ phủ" của người Thái gốc Việt khi tập trung đông kiều bào gốc Việt đông nhất ở Thái Lan với khoảng 60.000 người.

Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, mở trường dạy chữ và truyền thụ tri thức cách mạng cho bà con và cán bộ Việt kiều vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Thái gốc Việt tại Udon Thani ngày càng lớn mạnh và đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội của tỉnh.

Bởi vậy, ý tưởng về việc thành lập một khu phố Việt Nam tại tỉnh Udon Thani đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nỗ lực thúc đẩy và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền tỉnh, thành phố Udon Thani.

Phố Việt Nam được hình thành tại khu chợ Việt trung tâm thành phố với 99% cư dân là người gốc Việt sinh sống và kinh doanh, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nằm tại ngõ 2, đường Si Suk, khu phố người Việt hiện diện các cửa tiệm có thực đơn ghi bằng tiếng Thái và tiếng Việt, niêm yết giá cả rõ ràng.

Trên trang chính thức của thành phố Udon Thani có bài viết giới thiệu về khu phố và chia sẻ thời gian mở cửa phục vụ.

Tại đây, thực khách được trải nghiệm nhiều đặc sản quê hương, từ phở bò phở gà, nem rán, bánh xèo, giả cầy, cho tới thịt heo quay sả, bún chả, bánh đúc, xôi, nộm các loại...

Không chỉ có các loại bánh, khu chợ còn bày bán đủ món đặc sản Việt Nam như phở gà, phở bò, gỏi cuốn, cuốn hành, nộm, giả cầy, nem rán, bún bò, bún bì, mắm tép, bún chả, dồi lợn, xôi khúc, thịt lợn rang sả, trứng vịt lộn, lạp xưởng.

Một biểu tượng cho tình hữu nghị hai nước

Là dự án hợp tác giữa chính quyền tỉnh và thành phố với Hội Người Thái gốc Việt tại tỉnh, dự án Phố Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cộng đồng Thái gốc Việt tại Udon Thani nói riêng và trên toàn Thái Lan nói chung.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Udon Thani và kiều bào tại Thái Lan, dự án đã nhận được sự tài trợ của một số doanh nghiệp trong nước.

Ngày 9/12 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo chính quyền tỉnh Udon Thani và đại diện các hội đoàn người Việt tại Udon Thani đã cắt băng khai trương Phố Việt Nam (Vietnam Town).

Phát biểu tại buổi lễ, Tỉnh trưởng Wanchai Kongkasem điểm lại mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước thời gian qua; đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Udon Thani là thành tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.

Tỉnh trưởng cho rằng, việc hình thành Phố Việt Nam là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng tới thăm Udon Thani, cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi như ngày Tết của đông đảo bà con kiều bào, đồng thời nhấn mạnh, việc khai trương Phố Việt Nam sẽ ghi thêm một dấu ấn Việt Nam trên đất nước Thái Lan.

Nhấn mạnh đây là Phố Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng thời gian tới phố sẽ phát triển các hoạt động kinh doanh, văn hoá, du lịch, từ đó, trở thành điểm đến của cộng đồng người Việt tại Thái Lan cũng như bà con trong nước khi tới Thái Lan và thu hút khách du lịch, không chỉ góp phần vào việc phát triển kinh tế của bà con mà còn góp phần thúc đẩy thêm du lịch của địa phương, làm giàu thêm văn hóa bản địa.

Phố Việt Nam được xây dựng và khai trương là một sáng kiến, việc làm có ý nghĩa của cộng đồng trong gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt, cần được coi là mô hình để nghiên cứu, áp dụng tại nhiều địa phương phù hợp khác ở Thái Lan cũng như trên thế giới.

Trong thời gian qua, chính quyền thành phố và tỉnh Udon Thani đã rất tích cực thúc đẩy việc triển khai các công tác chuẩn bị để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền thành phố Udon Thani đã quyết định dành 3 triệu Baht (gần 86.000 USD) để chỉnh trang khu Phố Việt Nam trong suốt một năm qua.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành khẳng định đây là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, tình cảm của người dân Udon Thani đối với những người gốc Việt sinh sống tại tỉnh cũng như tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên

(Ảnh minh họa).

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 18/12 tại thủ đô Paris, nữ nghị sĩ Pháp Stéphanie Đỗ đã có buổi tọa đàm với độc giả Pháp và Việt kiều về cuốn sách của bà mang tên "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên". Đây là lần đầu tiên sách được ra mắt tại Pháp.

Xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, cuốn sách là món quà đẹp để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Tại buổi ra mắt tác phẩm của mình, tác giả Stéphanie Đỗ đồng thời là nhân vật chính đã giới thiệu về cuốn tự truyện dày 53 trang, được chia thành 6 chương kể về truyền thống gia đình; hành trình đến Pháp cũng như khát khao trong học tập để thay đổi cuộc sống cùng những khó khăn, trở ngại và thành tựu đạt được nơi giảng đường; hành trình chinh phục con đường công chức cũng như chiến dịch vận động và quá trình trở thành một nghị sĩ từ khi được đề cử đến khi đắc cử.

Trong lời giới thiệu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cao "sự ngoan cường, mong muốn thành công và cống hiến vì người khác" của Stéphanie Đỗ và cho rằng người phụ nữ sinh ra ở Việt Nam, lớn lên tại Pháp và trở thành nghị sĩ Quốc hội của 68 triệu công dân này đã biết "nắm bắt mọi cơ hội mà nước Pháp mang đến cho mình và đã đền đáp cho nước Pháp gấp trăm lần".

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Stéphanie Đỗ cho biết mục đích viết cuốn sách này là muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thuộc cộng đồng người châu Á tại Pháp, thúc đẩy họ quan tâm hơn đến đời sống chính trị vốn là một sứ mệnh cao quý, bên cạnh các hoạt động nghề nghiệp. Bà cũng muốn khuyến khích giới trẻ Việt kiều trở thành cầu nối giữa hai quê hương Việt Nam và Pháp, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà cả trong các hoạt động khác như văn hóa hay hội đoàn, cùng chung sức và làm việc với nhau, cùng giúp đỡ các bạn trẻ dấn thân vào lĩnh vực mới và nói lên tiếng nói của mình.

Theo bà Stephanie Đỗ, cộng đồng người châu Á ở Pháp đông và rất giỏi, nhưng người theo đuổi con đường chính trị như bà thì không nhiều. Là nghị sĩ gốc Á đầu tiên, bà mong có thể là người dẫn đường cho các thế hệ trẻ hơn muốn theo đuổi sự nghiệp hoạt động như bà và hy vọng sẽ có nhiều người gốc Á đi theo con đường chính trị để khẳng định tiếng nói của mình, mạnh dạn ứng cử và thắng cử để không chỉ cống hiến cho nước Pháp, mà còn đóng góp cho quê hương Việt Nam.

Những chia sẻ của bà về nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của một người Việt nhập cư vào Pháp đã để lại trong lòng độc giả những ấn tượng tốt đẹp. Các diễn giả và khách tham dự đều bày tỏ sự yêu mến và khâm phục trước ý chí vươn tới thành công của bà.

Ông Pierre Manenti, Phó Giám đốc Văn phòng Bộ trưởng đặc trách các Chính quyền địa phương và Nông thôn, cho biết đã rất thiện cảm với Stéphanie Đỗ từ khi bà là nghị sĩ Quốc hội và cùng làm việc trong các lĩnh vực nhà ở, tái thiết, xây dựng và các vấn đề nhà ở xã hội. Bày tỏ vinh dự được mời đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách tự truyện của nữ nghị sĩ, ông cho rằng Stéphanie Đỗ là người phụ nữ dũng cảm, quyết đoán, ấm áp và tài giỏi. Ông cho biết: "Là một người bạn của chị ấy, tôi rất vui khi đến chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ này của Stéphanie Đỗ".

Bà Anoa Suzanne Dussol, một độc giả Pháp, cho rằng bà Stéphanie Đỗ là một phụ nữ điển hình, đại diện cho một thế hệ trẻ năng động và tài giỏi, hiện thân của sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp, một sự tổng hòa giữa tuổi trẻ và sự thông minh, giữa văn hóa và xã hội của hai nước. Bà mong rằng thế hệ trẻ người Việt tại Pháp sẽ có tinh thần trách nhiệm và tỏa sáng như nghị sĩ Stéphanie Đỗ.

Còn bà Nguyễn Diane Thu Dung, một độc giả Việt kiều, cũng cho rằng bà Stéphanie Đỗ là người phụ nữ nghị lực và kiên cường, biết vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để đạt đến điều ít người phụ nữ Việt ở nước ngoài đạt được. Bà khẳng định: "Chị là tấm gương cho tất cả phụ nữ chúng tôi noi theo".

Stéphanie Đỗ sinh năm 1979 tại Sài Gòn, trong một gia đình trí thức Nam Kỳ truyền thống. Ông cố nội của bà là cụ Đỗ Quang Đẩu - nhà giáo danh tiếng của đất Nam Kỳ xưa. Tên cụ đã được đặt cho một con đường tọa lạc gần chợ Bến Thành ngày nay. Tới Pháp năm 11 tuổi cùng gia đình, Stéphanie Đỗ đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để trở thành nghị sĩ Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 và cũng là nữ nghị sĩ Pháp gốc châu Á đầu tiên.

Trong 5 năm làm nghị sĩ, Stéphanie Đỗ đã nỗ lực tăng cường quan hệ Pháp - Việt Nam. Bà là Chủ tịch Hội Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt và từng tích cực đề nghị Pháp tặng Việt Nam 600.000 liều vaccine ngừa COVID-19 trong giai đoạn đại dịch đang hoành hành dữ dội nhất...

Hành trình vinh quang mà nghị sĩ Stéphanie Đỗ đã vươn tới và đạt được ở một vị trí ở tầm vóc quốc gia sẽ là một nguồn cảm hứng vô cùng lớn lao cho những ai muốn bước chân vào con đường chính trị.

Fukuoka: Bắt 3 người Việt vì tình nghi đột nhập nhà dân trộm tài sản

Ba nam giới quốc tịch Việt Nam đã bị bắt vì nghi ngờ trộm khoảng 12 triệu yên tiền mặt (khoảng 2 tỉ đồng) từ một ngôi nhà ở thành phố Nakagawa, tỉnh Fukuoka. Các nghi phạm hiện vẫn đang phủ nhận các cáo buộc. Trong 3 người có Ko Tuấn Anh (?, 25 tuổi), tình trạng thất nghiệp.

Theo cảnh sát, 3 người này bị nghi ngờ đột nhập vào nhà của một cụ công 79 tuổi ở thành phố Nakagawa chỉ sau 8 giờ 30 tối ngày 7 tháng 11 và lấy trộm khoảng 12 triệu yên tiền mặt và điện thoại thông minh từ ngăn kéo trong tủ của ông ở tầng 2.

Vào thời điểm đó, cụ ông đang trong nhập viện 3 nghi phạm được cho là đã đột nhập qua cửa sổ phòng tắm ở tầng 1 và sau đó bỏ chạy khi con gái ông, khoảng 50 tuổi về nhà.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh cả 3 đang lên một chiếc taxi gần đó. Hơn nữa, điện thoại thông minh của Tuấn Anh còn được tìm thấy trong ngôi nhà bị đột nhập, dẫn đến nghi ngờ. Trước cuộc điều tra của cảnh sát, cả 3 đều phủ nhận cáo buộc. Hàng trăm nghìn yên tiền mặt được tìm thấy tại nhà của một trong 3 nghi phạm và điện thoại thông minh của Tiến (?) có lịch sử trao đổi hàng triệu yên.

Cảnh sát sẽ xác nhận xem số tiền mặt tìm thấy có bị đánh cắp hay không và cũng sẽ điều tra bối cảnh vụ việc, bao gồm cả lý do tại sao 3 người lại nhắm vào ngôi nhà này.

Nguồn: Quê Hương Online; VTV4; Báo Tin Tức; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang