Người Việt hải ngoại: Đại hội ở Pháp; Chủ tịch hội SV tại Singapore; Chia sẻ yêu thương đến Mottainai; Đi chợ ở HQ

HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP TỔ CHỨC ĐẠI HỘI LẦN THỨ 16

(Ảnh minh hoạ).

Đại hội tổng kết những công việc đã làm được trong 3 năm qua, bầu Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ mới và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới là hướng tới cộng đồng, hướng về đất nước Việt Nam và hướng về đất nước Pháp.

Chiều ngày 11/12, Đại hội lần thứ 16 của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của đông đảo đại biểu thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp. Đại hội tổng kết những công việc đã làm được trong 3 năm qua, bầu Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ mới và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới là hướng tới cộng đồng, hướng về đất nước Việt Nam và hướng về đất nước Pháp.

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng đánh giá Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) là hội đoàn lớn do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tháng 6/1919, đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Thời gian qua, Hội tiếp tục duy trì, phát triển các sinh hoạt văn hóa cộng đồng bảo vệ bản sắc Việt, các hoạt động hướng về quê hương đất nước, nổi bật trong đó là chiến dịch 10.000 liều vaccine Covid-19 gửi về trong nước, các hoạt động tương trợ, thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam hay giúp phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh ý nghĩa của Đại hội 16 khi đứng trước nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và tạo ra sức hấp dẫn thu hút giới trẻ tham gia sinh hoạt trong Hội.

Ông Ngô Kim Hùng, Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Pháp nhiệm kỳ 2019-2022 nhấn mạnh, việc triển khai các hoạt động chung của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh đó, Hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển việc sử dụng các công cụ nền tảng số như lập một trang web mới, phát triển kênh YouTube, Whatshapp, Instagram… kể kịp thời cập nhật thông tin, hỗ trợ và giúp đỡ cộng đồng hội nhập vào xã hội Pháp cũng như hướng về quê hương đất nước. Hội cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn như Tết cổ truyền, Tết trung thu, Hội ẩm thực Việt Nam, Nhạc hội dân tộc, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và mua vaccine gửi về trong nước...

Đại hội lần thứ 16 của Hội người Việt Nam tại Pháp đã nêu khẩu hiệu xây dựng “Một hội đoàn vững mạnh, đại diện cho công đồng đa dạng, cầu nối với Việt Nam”. Đại hội đã tái khẳng định 3 phương hướng phát triển đã đề ra từ nhiệm kỳ trước là hướng tới cộng đồng, hướng về đất nước Việt Nam và hướng về đất nước Pháp, trong đó lấy các trọng tâm là phát triển với các hoạt động văn hoá - xã hội, nâng cao tiềm năng của cộng đồng người Việt tại Pháp; tiếp tục các hoạt động nhân đạo và cứu trợ trong nước, phát huy trí tuệ, khả năng của cộng đồng góp phần có hiệu quả vào sự phát triển của Việt Nam, thúc đẩy và hỗ trợ sự hội nhập của cộng đồng vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của Pháp, làm cầu nối cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 28 thành viên và Ban đại diện và chiến lược với 10 thành viên. Hầu hết đại bộ phận thành viên Ban Chấp hành của Hội là những người Việt thuộc thế hệ thứ hai và ba.

Sau khi tái cử chức Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, ông Vương Hữu Nhân khẳng định bên cạnh những mục tiêu mới, Hội sẽ nỗ lực thúc đẩy những dự án còn dang dở chưa thể thực hiện được trong 3 năm qua do dịch bệnh Covid-19: “Hoạt động của Hội trong 3 năm qua đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, mục tiêu trong 3 năm tới triển khai những gì chưa thể thực hiện được. Cụ thể là tăng cường các hoạt động quảng bá của Hội tại Pháp, tập hợp các hội đoàn Việt Nam tại Pháp cũng như ở nước ngoài, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp cũng như các hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Pháp”.

(Nguồn: VTV4)

CHUYỆN VỀ CHỦ TỊCH HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN TẠI SINGAPORE

Mai Tuấn Minh, SN 1998, sinh viên ĐH Công nghệ Nanyang là người khởi xướng, thành lập và là chủ tịch khóa 1, Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) tại Singapore. Vượt qua cú sốc rào cản ngôn ngữ, áp lực học hành, Tuấn Minh đã vươn lên khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt ở xứ người và kết nối cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam tại “Đảo quốc Sư tử”.

Cú sốc ngoại ngữ và 4 lần thi trượt

14 tuổi - ngay khi kết thúc chương trình THCS, Mai Tuấn Minh quyết định du học Singapore. Tuấn Minh đã rơi vào cú sốc vì rào cản ngôn ngữ và chương trình học tập phức tạp. Theo quy định, ở Singapore, Minh phải học thêm 2 năm THCS. Để được nhận vào trường cấp 2 công lập, nam sinh phải trải qua kỳ thi đầu vào AEIS và Tuấn Minh đã trượt đến 4 lần, lần thi thứ 5, đỗ.

“Thời gian đầu mới sang Singapore, Tiếng Anh của tôi rất yếu. Hồi bé, nhiều lần tôi bị các bạn nhạo tiếng Anh. Đây chính là khó khăn lớn nhất và là rào cản cho nhiều vấn đề nữa, yếu tiếng Anh đồng nghĩa với việc không làm được cả đề thi Toán và Khoa học vì không hiểu nghĩa của câu hỏi”, Tuấn Minh kể.

Nhiều người bạn của Minh đã cuộc giữa chừng vì vừa phải chịu áp lực học thêm kiến thức mới và vừa phải học thêm tiếng Anh. Trong vòng 10 năm ở Singapore, 5 năm đầu, Tuấn Minh gần như không được nói tiếng Việt vì trong trường không có người Việt Nam.

“Tôi quan điểm rằng, nếu chịu được đau và thất bại từ còn nhỏ thì đó là cơ hội rất lớn nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Cùng với sự động viên của các thầy người Singapore, tôi đã nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân”, Tuấn Minh chia sẻ.

Hồi đó, nam sinh người Việt, Mai Tuấn Minh là học sinh duy nhất trong lớp làm nhiều sách giáo khoa về từ vựng nhất và cố gắng giao tiếp với người bản địa, kể cả những người bán đồ ăn. Quyển sách đầu tiên mà thầy giáo đưa cho Tuấn Minh đọc là How to talk anyone, bởi Leil Lowndes. Đó là quyển sách mà nam sinh vẫn nhớ tới bây giờ.

Bằng sự kiên trì, bền bỉ nỗ lực mỗi ngày, Mai Tuấn Minh dần vượt qua mọi thách thức, vươn lên khẳng định bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nam sinh đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trường Cao đẳng Bách khoa Cộng hòa Singapore, với điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0.

Hiện Mai Tuấn Minh là sinh viên trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử - ngành học đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng QS Ranking By Subject 2023. Ngôi trường Minh đang theo học đứng thứ 19 thế giới theo bảng xếp hạng của QS World University Ranking 2023, 4.

Không chỉ sở hữu bảng thành tích học tập xuất sắc, Mai Tuấn Minh là một người năng động, tích cực tham gia vào các chương trình, hoạt động cộng đồng, hướng về quê hương. Nam sinh được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng các giải thưởng danh giá: "Sinh viên 5 tốt", “Sao Tháng Giêng”. Ngoài ra, Minh còn nhận giải National Youth Achievement Award (Gold) được hậu thuẫn bởi văn phòng Tổng thống Singapore.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Singapore

Năm 2019, trong một lần tham gia hội chợ Trung thu, Tuấn Minh thấy đơn đăng ký vào Hội SVVN tại Singapore, nam sinh là người đầu tiên làm đơn đăng ký. Sau khi tìm hiểu thông tin, Tuấn Minh trăn trở vì ở Singapore tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam chưa được Chính phủ công nhận như ở các nước khác.

Với mong muốn thành lập Hội SVVN chính thức ở Singapore, nam sinh đã chủ động kết nối với Chủ tịch Hội SVVN ở các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ tận tình từ T.Ư Đoàn, T.Ư Hội SVVN để hoàn tất các thủ tục giấy tờ phức tạp. Nhờ đó, ngày 19/8/2019, Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore chính thức ra đời, sau hơn 20 năm học sinh, sinh viên Việt sang Singapore du học. Ông Lê Quốc Phong, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, nay là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đích thân sang Singapore trao quyết định thành lập. Mai Tuấn Minh giữ chức danh Chủ tịch Hội SVVN tại Singapore khóa 1.

Những ngày đầu thành lập, Hội Sinh viên gặp không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên thì là vấn đề về tài chính và đối ngoại. “Nhiều người nghĩ rằng việc danh chính ngôn thuận sẽ giải quyết vấn đề này nhưng sự thật nó là cả một vấn đề. Chính vì khó khăn này ngay từ lúc đầu và không ai trong Hội hay ở Singapore thực sự biết về việc tìm nhà tài trợ nên tôi đã tự tìm hiểu cùng một số bạn”, Minh chia sẻ. Sau khi ổn định về tài chính thì việc thứ 2 là lo về việc gắn kết các bạn sinh viên. Do các bạn đến từ nhiều trường khác nhau nên việc để các bạn hiểu nhau và làm việc với nhau là một thách thức lớn.

Minh biết ơn vì nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan sở tại, T.Ư Hội SVVN, các doanh nghiệp và các bạn học sinh, sinh viên nên Hội mới có được sự vững mạnh như bây giờ.

Tuấn Minh cho rằng, quan trọng nhất là thấy được các bạn trở nên đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn trong cộng đồng sinh viên và học sinh Việt Nam tại Singapore.

Hướng về quê hương

Mai Tuấn Minh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Singapore.

Mới đây, Hội SVVN tại Singapore tổ chức thành công sự kiện Giấc mơ du học Singapore 2022 và VNYA Run 2022. Điều đặc biệt trong những sự kiện này đều có sự tham gia của các bạn trong các trường khác nhau.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức Tết với các anh, chị Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cùng Ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore như một sự kiện truyền thông giúp mang Việt Nam sang Singapore. Đặc biệt, Hội luôn quảng bá các sự kiện gây quỹ về quê hương mỗi khi Tổ quốc cần.

"Tôi luôn mong Hội SVVN tại Singapore có được 2 mục tiêu chính là gắn kết cộng đồng du học sinh và cùng nhau phát triển, xây dựng hình ảnh người Việt ngày càng tốt đẹp hơn. Mong rằng, các bạn du học sinh sẽ ngày càng phấn đầu hơn ở xứ người; tiếp tục là niềm tự hào của Việt Nam”. Mai Tuấn Minh - Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Singapore

Chia sẻ về những mục tiêu, tâm huyết với Hội SVVN tại Singapore, Tuấn Minh kể: “Có một người hỏi mình tại sao lại có thể chịu được nhiều áp lực đến thế, làm ở Hội sinh viên không được trả lương. Tôi nói là vì mình đã không được may mắn, trong vòng 10 năm ở Singapore, 5 năm đầu là gần như không được nói tiếng Việt nhiều tại trường mình, vì không có người Việt. Vậy nên, tôi không muốn các em, đặc biệt là các em đi học từ cấp 2 phải chịu thiệt thòi như mình. Vì vậy, sự sống còn của Hội SVVN tại Singapore không phải quyền lợi của bản thân mình mà là quyền lợi cả cộng đồng”.

Và mục tiêu từ những ngày đầu làm đơn cho đến bây giờ không đổi của Tuấn Minh là “muốn đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Sing”.

“Với tôi, hành trình được tham gia Đoàn, Hội là một cơ hội tốt. Nhiều thứ tôi học được Đoàn, Hội là từ kinh nghiệm, bao gồm: kỹ năng làm việc nhóm, năng lực kết nối các bạn sinh viên - học sinh tại Singapore và kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc đời thật. Tôi sẽ không có kinh nghiệm sống phong phú và cũng không có nhiều người bạn tốt như bây giờ, nếu như không tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội”, Tuấn Minh chia sẻ.

(Nguồn: Tiền Phong)

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI TỈNH TOYAMA - NHẬT BẢN CHIA SẺ YÊU THƯƠNG ĐẾN MOTTAINAI 2022

(Ảnh minh hoạ).

Chiều 12/12, được sự ủy quyền của anh Nguyễn Tiến Quân - Trưởng nhóm Cộng đồng người Việt tại tỉnh Toyama - Nhật Bản. Anh Phan Huy Nguyên đại diện cho hơn 6.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Toyama - Nhật Bản đến tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam trao 40 triệu đồng ủng hộ quỹ Mottainai 2022.

Anh Phan Huy Nguyên cho biết, đây là phần quà của Cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh Toyama - Nhật Bản quyên góp, chung tay hỗ trợ đến các trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, trẻ em mồ côi do Covid-19, và mong được gửi những yêu thương chia sẻ đến các em.

Với thông điệp chia sẻ yêu thương đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông và trẻ mồ côi do Covid-19 trong chương trình Mottainai 2022 do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Sau hơn một tháng phát động, Cộng đồng người Việt tại tỉnh Toyama - Nhật Bản đều đồng lòng ủng hộ, tin tưởng và cùng chung tay sưởi ấm những yêu thương đến với các em.

Ngoài việc tham gia vào chương trình ủng hộ Mottainai 2022, Cộng đồng người Việt tại tỉnh Toyama - Nhật Bản đã thực hiện một số chương trình như ủng hộ trẻ em bị mồ côi do covid-19 tại Thủ Đức - TP HCM, các trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lụt, chương trình áo ấm cho em tại các tỉnh miền núi phía Bắc...

Mottainai 2022 do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức là chuỗi hoạt động, bao gồm cả trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Sự kiện kêu gọi cộng đồng thúc đẩy lối sống Xanh, bảo vệ môi trường, gây quỹ hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19.

Với sự bảo trợ của Hội LHPN Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức uy tín, dự kiến năm nay, Chương trình Mottainai sẽ có nhiều điểm đáng chú ý:

- Kết nối các hoạt động Mottainai Việt Nam - Nhật Bản;

- Gây quỹ + quyên góp đồ trao tặng chương trình;

- Livestream (11h30 thứ 6 hàng tuần) giao lưu/giới thiệu các hoạt động xã hội của Doanh nghiệp tham gia + đấu giá đồ tặng Mottainai trên fanpage https://www.facebook.com/baophunuvn/;

https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/

- Thăm/tặng quà hỗ trợ cho các trẻ em là nạn nhân tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19;

- Chương trình Mottainai 2022 có 4 đại sứ là những người nổi tiếng cùng lan tỏa thông điệp nhân văn. Đó là MC-diễn viên Bình Minh, diễn viên Lan Phương, Miss Photo Vũ Hương Giang và Hoa khôi Vầng trăng khuyết 2019 Bế Thị Băng - cô gái bị mất 1 chân do tai nạn giao thông;

- Đặc biệt, Ngày hội Giáng sinh "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vào đúng Noel 24/12/2022. Ngày hội dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, các nghệ sĩ tên tuổi, các "Mẹ đỡ đầu", CLB võ thuật Việt Nhật, CLB Áo dài Việt Nam, các nhóm Tái chế + Sống xanh, các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, biểu diễn dân vũ…

Dự kiến sẽ có thêm hàng chục ngàn người tương tác trực tiếp và qua Internet trong mùa thứ 9 của Chương trình quyên góp đồ đã qua sử dụng vì mục tiêu nhân đạo lớn nhất Việt Nam này. Các kênh trực tuyến quyên góp/đấu giá đồ Mottainai sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 12/2022.

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)

DU HỌC SINH VIỆT KỂ CHUYỆN ĐI CHỢ TRUYỀN THỐNG HÀN QUỐC: BÁN THEO RỔ, GIÁ RẺ NHƯ CHO NHƯNG COI CHỪNG BỊ LỪA TRẮNG MẮT

Chợ truyền thống Hàn Quốc có gì? Liệu có giống với chợ ở Việt Nam? Đó là câu hỏi đầy tò mò mà rất nhiều bạn du học sinh hoặc du khách muốn biết khi đặt chân tới xứ sở kim chi.

Một vài bạn trẻ người Việt sống ở Hàn Quốc đã ghi lại trải nghiệm của mình khi đi chợ và tất nhiên, đó toàn là những điểm ấn tượng mà có lẽ không đi thì không thể biết hết được.

Một nữ du học sinh với nickname Yong cho biết một điểm cực bất ngờ khi cô đi chợ ở Hàn Quốc: "Ở đây, bạn cũng có thể mua rau, mua cá, mua tôm... hoặc cùng nhau đi ăn vặt, trải nghiệm ẩm thực đường phố. Ở Việt Nam thì mọi người hay mua rau củ quả theo kg hoặc mớ (rau đã bó sẵn), nhưng người Hàn lại bán rau củ theo rổ. Người ta đã đặt sẵn gọn gàng trong các rổ, để giá sẵn, mình chỉ việc chọn và trả tiền".

Tuy nhiên, cô nàng cũng thú thật rằng mình ít khi mua đồ ở chợ truyền thống vì người dân nói tiếng địa phương rất khó nghe. Điều quan trọng hơn là cô không biết cách chọn đồ tươi ngon.

Thứ ở chợ truyền thống khiến cô nàng Yong cảm thấy bị hấp dẫn nhất chính là kim chi và chả cá. Chúng đều rất ngon, chuẩn vị Hàn Quốc. Cô cũng tiết lộ rằng cô và các bạn rất hay rủ nhau đi chợ, không phải để mua rau thịt, mà là ăn vặt, uống nước gạo vừa ngọt vừa mát. Đặc biệt, với thời tiết 5-6 độ C thì nhìn thấy miếng chả cá thơm lừng, nóng hổi là mắt sáng rực lên.

Còn Tiktoker Quân Pink thì kể ra một trải nghiệm đáng nhớ khi đi chợ truyền thống ở Hàn Quốc. Vừa đặt chân đến chợ, anh chàng nhìn thấy quầy bán mận vừa to, ngon lại rẻ, chỉ 5.000 won (tương đương gần 90.000 VNĐ) một rổ. Anh chàng hí hửng mua luôn. Nhìn màu đỏ tươi, không có dấu hiệu thối hỏng nhưng đến lúc đưa lên miệng ăn thì không nuốt được vì "nhạt như nước ốc".

Quân nói: "Mình vứt đi hết, không ăn được quả nào. Phí tiền quá. Nhìn sang bên cạnh có hàng bán đào. Trông rất to, tươi, ngon bắt mắt nhưng để ý kỹ lật lên thì hỏng ở bên dưới. Quả nào cũng có đốm, mình đoán ăn sẽ rất chua".

Anh chàng cũng hỏi người bán rằng loại nào ngon và được đáp lại rằng: "Loại ngon phải 30.000 won (tương đương 570.000 VNĐ/kg). Ở trong siêu thị ấy".

Tất nhiên, anh chàng cũng không quên mua một món ăn vặt và uống nước gạo ngon tuyệt tại khu chợ này.

Một bạn trẻ người Việt khác tên Mia cho hay: "Đồ ở chợ thì rẻ hơn trong siêu thị rất nhiều, mà có thể sẽ mua được đồ ngon và tươi hơn. Người già ở Hàn Quốc ưa chuộng đi chợ hơn là đi siêu thị. Mình thấy lâu lâu đi chợ cũng vui, vừa mua được hàng rẻ lại được ăn vặt toàn đồ ngon".

Đi chợ không chỉ là để mua đồ

Trong một bài viết với tựa đề "Traditional markets are window into the lifestyle of the people" (tạm dịch: Chợ truyền thống là cửa sổ vào lối sống của người dân) đăng trên Korea Magazine, tác giả cho biết: Người Hàn Quốc sử dụng cụm từ saram naemse - “mùi của mọi người” - để diễn tả cảm giác được bao quanh bởi đám đông.

Cảm giác hòa vào đám đông, ngay cả khi không ai quen biết ai, là một phần quan trọng của văn hóa Hàn Quốc. Khi ai đó muốn tìm kiếm mùi hương của con người, một trong những nơi đầu tiên họ đến là sijang, hay còn gọi là chợ địa phương.

Các khu chợ luôn là nơi tụ họp để mọi người giao lưu với nhau, cho dù đó là trao đổi những câu chuyện hay hàng hóa. Các khu chợ của Hàn Quốc vẫn là một phần sôi động của bối cảnh xã hội và thương mại ngày nay. Từ Chợ hải sản khổng lồ Jagalchi ở Busan đến Chợ điện tử Yongsan ở Seoul, hay những khu chợ nhỏ nằm rải rác ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước Hàn Quốc.

Chợ phiên cũng có

Truyền thống họp chợ theo phiên vẫn được lưu truyền đến nay ở Hàn Quốc. Đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ của xứ sở kim chi. Thậm chí, ở vùng nông thôn, chợ họp hàng tuần vẫn là một phần quan trọng của cuộc sống.

Thường họp 5 ngày một lần, những khu chợ này bày bán rất nhiều loại nông sản, đồ lặt vặt phục vụ sinh hoạt hàng ngày như quần áo, xoong nồi, xà phòng, đồ dùng tẩy rửa... Những phiên chợ kéo dài 5 ngày này vẫn là điểm sống động và đầy màu sắc nhất nếu bạn muốn trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nông thôn Hàn Quốc.

Hầu hết các địa phương ở Hàn Quốc đều có ít nhất một khu chợ và nhiều khu vực tổ chức một số phiên chợ khác nhau vào những ngày khác nhau. Mọi người tràn vào thị trấn để hòa mình vào không khí lễ hội mà một phiên chợ du lịch mang lại. Những điểm vốn vắng lặng sẽ trở nên sống động khi những người bán rong, thương nhân địa phương và người dân cùng nhau mua bán, buôn chuyện và đắm mình trong năng lượng mà khu chợ mang lại.

Tỉnh đảo Jejudo có khoảng 10 khu chợ kiểu này. Những người bán hàng rong đi lại giữa các thành phố chính Jeju và Seogwipo, cũng như các ngôi làng nhỏ quanh đảo.

Tuy nhiên, Jejudo không phải là nơi duy nhất để tìm thấy những khu chợ như thế. Chợ Moran ở Seongnam, Gyeonggi-do, là chợ lớn nhất trong số các chợ họp 5 ngày, với hơn 1.200 người bán hàng thường xuyên tụ tập để bán mọi thứ từ hoa cho đến gia súc.

Các khu chợ thường sống động với tiếng ồn và âm thanh khó tìm thấy ở các thành phố hiện đại. Các sản phẩm tươi chất đống với nhau tỏa ra mùi đất và màu xanh của lá rau cực kỳ hấp dẫn, còn các chợ hải sản mang thì vào đất liền vị mặn nồng của biển.

(Nguồn: Kenh14)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Học hỏi nghệ thuật hàn lâm; Dự buổi quốc yến ở HQ; Trúng tuyển quản lý ở Anh; Tình đồng hương ở Hà Lan ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang