Người Việt hải ngoại: Học hỏi nghệ thuật hàn lâm; Dự buổi quốc yến ở HQ; Trúng tuyển quản lý ở Anh; Tình đồng hương ở Hà Lan

GEN Z VỚI NGHỆ THUẬT HÀN LÂM Ở NƯỚC NGOÀI

(Ảnh minh hoạ).

Với các bạn trẻ là du học sinh hay đi làm ở hải ngoại, ngoài việc cân bằng cuộc sống thì học hỏi thêm về văn hóa và nghệ thuật nước sở tại cũng là ưu tiên

Ngày càng nhiều người quan tâm nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính nghệ thuật hàn lâm cũng góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, hòa nhịp tâm hồn cho cộng đồng, đề cao giá trị nhân văn, mang lại khả năng hội nhập quốc tế cao.

Nghệ thuật gần gũi với cuộc sống

Mọi người liên tưởng đến nghệ thuật hàn lâm qua những loại hình như giao hưởng, thính phòng, Ballet, Opera, Broadway… Phí Thị Thu Hằng (hiện sống ở Tilburg, Hà Lan) đang theo học thạc sĩ chuyên ngành văn học thiếu nhi, kể: "Nghệ thuật hàn lâm tại những nơi tôi từng qua (Anh, Đan Mạch, hay Hà Lan) dường như không có ranh giới, không có khoảng cách với công chúng. Nghệ thuật gọi mời, gợi mở thiện lương và dành cho mọi người, cho ai yêu cái đẹp".

Dù Hằng đã nuôi dưỡng niềm say mê nhạc thính phòng và cổ điển ở quê nhà song trải nghiệm với âm nhạc hàn lâm ở nước ngoài vẫn rất đáng nhớ. Hằng thích xem nhạc thính phòng trên Đài Truyền hình Hà Nội từ 9-10 tuổi và giữ thói quen này đến tận cấp 3. Cuối tuần, khi em trai Hằng đi học về, cả hai háo hức nghe nhạc Baroque. Hằng kể: "Nhà tôi khi đó ở vùng đồi núi, internet chưa có. Khoảng năm 2010, được nghe nhạc Baroque là điều mới mẻ, hấp dẫn." Sau này, lên Hà Nội học, cô được tham dự hòa nhạc ở nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc. Đắm chìm trong âm nhạc, cô như lạc vào thế giới thần tiên tươi đẹp, sống động!

Khi đặt chân đến châu Âu, Hằng thỏa nguyện việc nghe nhạc cổ điển thường xuyên: "Ở Glasgow, hay Edinburgh (Scotland), dễ bắt gặp các "gánh hát rong" - nghệ sĩ chơi nhạc giữa đường phố. Trên các con phố cổ kính, tấp nập, bên các kiến trúc xưa, những nghệ sĩ cần mẫn làm đẹp cho đời bằng âm nhạc. Tôi dừng thật lâu, nghe từng thanh âm đẹp". Lần khác, trên sân ga Liverpool Street, Hằng nán lại nghe người ta chơi nhạc giữa dòng người hối hả. Ở ga Euston (London, Anh), hay ở Tilburg (Hà Lan), có sẵn đàn piano, những giai điệu du dương được cất lên thường xuyên. Khi qua Đan Mạch học, Hằng có cơ duyên tham gia các buổi diễn ở thư viện trung tâm TP Aarhus hoặc trung tâm nghệ thuật.

Với Juliet Nguyễn (Melbourne, Úc), từ khi ra nước ngoài, hằng năm, cô đều đi xem các vở kịch nổi tiếng được lưu diễn. Theo Juliet: "Nghệ thuật vốn dĩ là liều thuốc tinh thần cho cuộc sống và nghệ thuật hàn lâm bây giờ không còn quá xa lạ. Gen Z và gen Y tiến gần nghệ thuật hàn lâm so với các thế hệ trước một cách cởi mở và thấu cảm nhanh. Nghệ thuật hàn lâm cũng được hiện đại hoá, trở nên gần gũi. Công chúng nhận ra các tác phẩm được đầu tư dày công, bài bản và trân trọng nỗ lực của nghệ sĩ. Càng nhiều người yêu mến nghệ thuật chân chính là lúc ta biết được xã hội phát triển tốt như thế nào". Theo Juliet Nguyễn, nghệ thuật hàn lâm phát triển góp phần giúp giới trẻ nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật, giảm mô hình giải trí không tốt.

Làm giàu vốn sống

Âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác ở mỗi quốc gia và nền văn hóa được biểu hiện dưới những góc nhìn đa dạng. Để hiểu thêm lịch sử lập quốc của Mỹ, người viết đã đón xem vở "Hamiltonngay" tại thủ đô Washington DC và tham quan những di tích liên quan thời kỳ này. Nhạc kịch Broadway là thể loại âm nhạc chỉ mới xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX tại Mỹ và Anh, sau đó lan tỏa khắp thế giới với những trung tâm nghệ thuật lớn như London, New York và Washington DC. "The Lion King", "Chicago" hoặc "The Phantom of the Opera" là những vở khó bỏ qua khi muốn tìm hiểu nhạc kịch.

Thế giới nghệ thuật muôn màu muôn vẻ luôn chào đón những tâm hồn đồng điệu đến từ bất kỳ nền văn hóa hay ngôn ngữ nào. Tuy vậy, muốn thưởng thức trọn vẹn tác phẩm cũng như các hình thức biểu diễn khác nhau thì nên có kiến thức nền về văn hóa - nghệ thuật - lịch sử thế giới. Ở các quốc gia phát triển, nền giáo dục chú trọng tạo điều kiện để người học tiếp cận nghệ thuật cơ bản từ sớm, giúp tăng khả năng cảm nhận và sự nhạy cảm trong giao tiếp xã hội.

Một môn nghệ thuật xuất xứ từ Ý và phổ biến ở phương Tây là múa ba lê, mọi người dễ dàng đăng ký khóa học trong trường. "The Nutcracker" ("Kẹp hạt dẻ") và Swan Lake ("Hồ thiên nga") là các vở kinh điển được diễn suốt ở Âu, Mỹ. Nhà hát quốc gia và nhà hát lớn ở địa phương có các sự kiện giao lưu và quảng bá văn hóa đồng thời phát hành vé miễn phí. Trước khi xem các vở lớn, có thể đọc sách, xem tài liệu, phim ảnh liên quan để hiểu thêm ý nghĩa, lịch sử ra đời tác phẩm.

Phụ huynh các nước phương Tây còn hay dẫn con cái tham quan bảo tàng. Bảo tàng Louvre (Pháp), British Museum (Vương quốc Anh), National Gallery of Art (Mỹ), Vatican Museums là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về nền nghệ thuật thế giới từ cổ đại đến đương đại. Bên cạnh hệ thống bảo tàng cấp quốc gia còn có hệ thống bảo tàng tư nhân và bảo tàng của các trường đại học. Princeton University Art Museum (Mỹ) nổi tiếng có các bộ sưu tập do cựu sinh viên và nhân viên hiến tặng. Những câu chuyện lịch sử gắn với hiện vật không chỉ làm phong phú vốn kiến thức mà còn là nơi con người tìm về nguồn cội chính mình.

Từ sự trải nghiệm thú vị, nhiều bạn trẻ có mong muốn chung tay đưa những tác phẩm kinh điển hoặc có yếu tố Việt Nam với ngôn ngữ nghệ thuật hàn lâm đến gần khán giả trong và ngoài nước nhiều hơn.

(Nguồn: Người Lao Động)

NGƯỜI GỐC VIỆT LÀ KHÁCH MỜI BUỔI QUỐC YẾN CỦA TỔNG THỐNG HÀN QUỐC CHIÊU ĐÃI CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC

Lee Doo-yeon, một công chức của Tòa thị chính Iksan, một người gốc Việt, đã thu hút được sự chú ý sau khi cô tham dự quốc yến của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chiêu đãi Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc 4/11.

Trong buổi quốc yến với sự có mặt của các bộ trưởng nội các, các quan chức chính phủ cấp cao và các lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã mời một số người đại diện cho tình hữu nghị giữa hai nước, Lee là một trong số họ.

Lee, 41 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Bích Thảo, đến Hàn Quốc năm 2007 theo diện kết hôn di cư. Cô học tiếng Hàn tại trường đại học ở Việt Nam.

Sau hai năm làm việc tại một trung tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa địa phương, cô đã vượt qua kỳ thi công chức và vào năm 2011 được bổ nhiệm vào bộ phận hỗ trợ gia đình tại Tòa thị chính Iksan ở tỉnh Bắc Jeolla. Cô phụ trách ngân sách hỗ trợ các gia đình đa văn hóa của thành phố. Đây là trường hợp đầu tiên một người Hàn Quốc nhập tịch trở thành công chức ở tỉnh Bắc Jeolla.

"Việc tham dự sự kiện kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất có ý nghĩa đối với tôi, và tôi rất xúc động khi thấy Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy tình hữu nghị" - Lee nói với báo Korea Times. "Tôi đến Hàn Quốc sau khi kết hôn. Tôi có cảm giác như đang ở quê mẹ vậy."

Lee cho biết cô đã gửi lời chào đến Tổng thống Yoon và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cô cũng có một cuộc trò chuyện ngắn với đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee.

“Đầu tiên bà ấy hỏi tôi đến từ đâu và tôi đã sống ở Hàn Quốc bao lâu, sau đó bà nói rằng bà cảm thấy rất vui vì tôi đã ổn định rất tốt ở Hàn Quốc và có một công việc tốt” - Lee Doo-yeon, tức Nguyễn Thị Bích Thảo, nói.

Lee cho biết cô quyết định làm việc trong cơ quan dân sự để có thể làm nhiều công việc liên quan đến người di cư và các gia đình đa văn hóa.

"Tôi thích làm việc tại trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa, nơi tôi dịch thuật và giám sát các nhân viên tình nguyện, nhưng tôi đăng ký thi công chức vì muốn làm nhiều việc hơn ở vị trí mà tôi có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn" -cô nói.

“Tôi nghĩ đó sẽ là một công việc khó khăn, nhưng các đồng nghiệp và tiền bối đã giúp đỡ tôi rất nhiều, và giờ tôi đã làm ở đây 11 năm”.

Trong buổi quốc yến, Lee đã trò chuyện với thư ký tổng thống về chính sách công nghiệp Kang Kyung-sung về các dự án hỗ trợ các gia đình đa văn hóa của Iksan.

“Ngày nay không có nhiều người nhập cư đến Hàn Quốc để kết hôn” - Lee nói.

"Thay vào đó, trọng tâm của việc hỗ trợ các gia đình đa văn hóa hiện nay là giáo dục, vì trẻ em từ các gia đình đa văn hóa đang lớn lên. Vì vậy, chúng tôi hiện đang tập trung vào việc hỗ trợ nuôi dạy trẻ em trong các gia đình đó và nâng cao nhận thức cộng đồng về các gia đình đa văn hóa. May mắn thay, thị trưởng của chúng tôi đã rất quan tâm đến vấn đề gia đình đa văn hóa nên ông cũng đang hỗ trợ rất nhiều".

Korea Times cho biết: Cùng với cô Lee, một số người Hàn Quốc gốc Việt đã được mời dự quốc yến để bày tỏ tình hữu nghị giữa hai nước. Họ bao gồm Lee Bo-eun, trợ lý thanh tra tại Sở cảnh sát Hwaseong Dongtan ở tỉnh Gyeonggi, là sĩ quan cảnh sát gốc Việt thứ hai tại Hàn Quốc, và Nguyễn Thị Tâm Đinh, người Hàn Quốc nhập tịch đầu tiên giành được giải thưởng dịch vụ tình nguyện hàng đầu do chính quyền thành phố Seoul trao tặng.

(Nguồn: Dân Việt)

CÔ GÁI VIỆT TIẾN THẲNG VÀO VỊ TRÍ QUẢN LÝ Ở ANH DÙ CHƯA TỪNG ĐẾN CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

Đặng Lan Anh đang đảm nhiệm vị trí quản lý Tiếp thị tăng trưởng thuộc nhóm Tăng trưởng toàn cầu của một công ty dịch vụ tài chính ở London. Cô nhận được công việc này chỉ sau 1 tháng tìm việc.

Trước đó, tại thời điểm nộp đơn xin việc, Lan Anh chưa học và làm ở Vương quốc Anh ngày nào.

Ngã rẽ bất ngờ và 1 tháng tìm việc

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương năm 2015, Lan Anh đi làm 5 năm ở Việt Nam, sau đó qua Singapore học MBA.

Trong quá trình học, Lan Anh đi thực tập khoảng 9 tháng, và đó là kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài duy nhất của cô.

Khi chuyển qua London vì lý do gia đình, Lan Anh có phần sốc. Tuy nhiên, cô mau chóng bắt tay vào tìm việc, một quá trình “có thể nói là nhanh, nhưng không hề dễ dàng”, kéo dài khoảng 1 tháng.

Nhờ học MBA nên CV, profile LinkedIn… của Lan Anh đều đã có sẵn và chỉnh sửa hoàn thiện bởi bộ phận Dịch vụ việc làm của ĐH Quốc gia Singapore (NUS) từ trước đó.

Cô cũng đã xác định rõ điểm mạnh của bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

“Mình nghĩ 50% thành công nằm ở khâu này, vì một hồ sơ với kinh nghiệm phù hợp, trình bày rõ ràng, chuẩn, không chỉ giúp bạn vượt qua được vòng sơ tuyển mà nếu vào những vòng trong, bên nhân sự cũng sẽ nhìn vào CV đó để phỏng vấn.

Lời khuyên của mình là nếu ai đang đi học, hãy tận dụng hết mức bộ phận Dịch vụ việc làm của trường. Nếu không, bạn có thể tìm dịch vụ ở ngoài hoặc tham gia vào các chương trình hỗ trợ, hoặc nếu bạn thấy ai hợp thì cứ mạnh dạn liên lạc. Đã tham gia thì phải chủ động hết mức”.

Theo Lan Anh, lợi thế của cô là CV và chuyên môn, bất lợi là chưa có kinh nghiệm làm việc ở châu Âu, không hiểu văn hoá, không hiểu khách hàng, không hiểu về thị trường lao động.

“Mình thấy đa phần bất lợi của mình đến từ việc chưa biết. Vậy chưa biết thì hỏi, và việc mình cần làm, đó là tìm người để hỏi” - Lan Anh chia sẻ.

Cô chủ động mở rộng mối quan hệ để tìm kiếm thông tin bằng cách tham gia vào rất nhiều nhóm, cả người Việt và người nước ngoài.

“Mình có sẵn một danh sách câu hỏi như: tìm việc ở Anh như thế nào? Đại lý và khách hàng ở Anh ra sao? Lương bao nhiêu? Anhchị đã xin được việc ở Anh như thế nào?…

Bất cứ ai mình thấy có nền tảng tương tự hay đã viết bài chia sẻ, có tiềm năng giúp đỡ ở một khía cạnh nào đấy thì mình đều mạnh dạn inbox”.

Hành trình tạo nên cuộc sống mơ ước

Lan Anh tìm việc trên LinkedIn, bắt đầu bằng việc kết nối với bộ phận nhân sự của các công ty mà cô quan tâm, các đại lý tuyển dụng, những người đang làm công việc cô muốn làm.

“Mỗi khi nhấn 'connect', mình đều để lại ghi chú nói rõ mình là ai, tại sao mình muốn liên hệ với họ. Mình tìm được việc hiện tại nhờ liên hệ với sếp của sếp trên LinkedIn”.

Một đầu mục nữa mà Lan Anh thực hiện là để chế độ báo việc (job alert) với các từ khóa mà cô quan tâm, sau đó mỗi ngày sẽ có công việc báo về email. Cô dành thời gian đọc kỹ, tìm kiếm thông tin về công ty, thậm chí về cả người tuyển dụng nếu được. Nếu tìm được người phụ trách tuyển dụng, cô chủ động liên hệ rồi nộp CV thẳng cho họ.

“Mình không có 1 CV nộp cho tất cả các công việc, mà là 1 CV riêng được chỉnh cẩn thận cho vị trí đó và công ty đó. Thậm chí với một số công việc mình rất thích, mình viết hẳn thư xin việc ghi rõ lý do tại sao mình phù hợp, gửi kèm CV luôn, để nếu họ mở ra thì đọc thư xin việc đầu tiên, xong mới tới CV”.

Để quản lý cảm xúc, Lan Anh đặt khung giờ cố định, cụ thể là từ 2-5h hàng ngày chỉ để tìm việc. Cô ghi rõ những việc cần làm mỗi ngày, làm xong là gấp máy, đi chơi, đi ăn hoặc đi tập, không nghĩ đến nữa. Cô dành thời gian nói chuyện với những người cùng hoàn cảnh và cả những người không cùng hoàn cảnh. Đôi khi, cô gọi điện về nhà, trò chuyện với các cháu… để kéo mình ra khỏi lo lắng.

Trong quá trình tìm việc, cô đã trò chuyện với rất nhiều người. Có tới 80% nói là với điều kiện như của cô, qua Anh phải bắt đầu lại từ đầu, hoặc tốt lắm là nhân viên chứ không bao giờ có chuyện “nhảy” thẳng vào vị trí quản lý.

“Vì thế, lúc đầu, mình cũng chỉ nhắm tới các vị trí nhân viên (senior), điều hành (executive)… Tuy nhiên, mình vẫn nghĩ có thể làm được hơn thế, có mức lương tốt hơn thế.

Mãi cho đến khi mình nói chuyện với một bạn và bạn ấy bảo có mất gì đâu mà không nộp hồ sơ, mình mới lấy lại sự tự tin, nộp cả hồ sơ cho vị trí quản lý. Kết quả là mình đã thành công”.

Hiện nay, Lan Anh còn có một website mang tên Lanh_corner, nơi cô chia sẻ kinh nghiệm du học, xin việc, làm việc ở nước ngoài với các bạn trẻ, và về "hành trình tạo nên cuộc sống mơ ước" của chính cô.

(Nguồn: Vietnamnet)

DU LỊCH BỤI, ẤM LÒNG GẶP NGƯỜI VIỆT Ở HÀ LAN

Vừa nghe người đồng hương đến thăm, chị Huyền chạy xe đến chở tôi đi ăn phở Việt Nam do Tây nấu. Tô phở to gấp 2 lần tô phở ở nhà, dành cho người dân có chiều cao trung bình 1,9 mét.

Luôn có người tốt xung quanh, dù là bạn đang ở đâu

Từ Brussels, tôi đáp chuyến tàu trưa đến Charleroi để thoát khỏi cảnh thủ đô du lịch ồn ào, trung tâm văn hóa và chính trị của châu Âu. Tôi thích ngồi cửa sổ ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà màu trắng vương nhiều cành lá phía đối diện, buổi tối lạnh cóng với những ai không thích hội hè mà lại đến từ miền nhiệt đới như tôi chỉ muốn về nhà.

Ánh sáng ấm cúng phía khung cửa đó lại mang màu vàng, như những ngôi nhà trên phố cổ Hội An. Phía dưới đường lát gạch từ bao nhiêu năm trước là tiếng hò hét của khách du lịch say, đi từng tốp chọc phá lẫn nhau.

Ga tàu Charleroi đầy những người nghiện chân thấp chân cao xin tiền người đi tàu. Lữ khách độc hành như tôi sợ nhất là cảnh bị đám nghiện vây quanh, huống chi là đám nghiện cao to. Nhưng luôn có người tốt xung quanh dù là bạn đang ở đâu. Những người tốt ấy xuất hiện trong hình dáng của cặp vợ chồng người Hồi giáo, có lẽ gốc người Nam Á đến gần và hỏi họ có thể giúp gì được tôi không.

Đưa tôi đi hết quãng đường trong ga tàu, họ còn đứng chờ tôi mua vé xe buýt từ máy bán vé đã được lắp đặt nửa thế kỷ trước. Còn trong cơn hoảng sợ, tôi chỉ lúng búng nói được câu cảm ơn mà quên bẵng hỏi thăm họ là ai, đến từ nơi đâu. Cổng ga tàu đông người, tôi chui vội vào taxi, không kịp chộp tấm ảnh nào ở nhà ga.

Ra khỏi nhà ga đó là những con đường vắng lặng, trời vẫn lạnh buốt dù nắng rực. Tôi tự hỏi người dân làm gì hai ngày cuối tuần sau những ngôi nhà đóng cửa ấy. Còn tôi thoải mái rảo bước xung quanh.

Xa xa là những nhà máy bỏ hoang phế, thỉnh thoảng lại có nét vẽ graffiti nguệch ngoạc trên tường lâu năm chỉ bị bong lớp sơn bên ngoài. Đường phố rộng rãi mà hàng quán nhỏ xíu. Người bán, có lẽ là chủ nhà hàng không nói sõi tiếng Anh, nhìn chằm chằm thực khách để cố hiểu tôi đang đặt món gì.

Chai bia Bỉ thật đắng, ngồi suốt buổi trong quán tôi chỉ uống được gần phân nửa, xung quanh cũng chẳng có ai. Chỉ có người đi sắm tụ tập đông ở siêu thị mua thức ăn cho cả tuần. Đông mà chẳng ai nói với nhau câu nào. Thành phố được mệnh danh xấu nhất thế giới này không vì thế mà xấu xí, tôi lại cảm thấy một vẻ đẹp của ngày buồn kéo dài mãi trên xứ này.

Bác tài xế xe buýt vội đóng cửa mặc khách vẫn đứng đợi vì vội vã về nhà cùng vợ con. Có lẽ bên ngoài lạnh lẽo nhưng bên trong những ngôi nhà kín cửa ấy lại ấm áp.

Suốt ba ngày vật vờ hít thở không khí tỉnh lẻ để lấy lại năng lượng, tôi mới can đảm bước chân vào chiếc nhà ga bất ổn ấy lại, để sang Amsterdam. Tôi kéo lê vali trong dòng người vào các toa tàu cũ kỹ nhưng vững chắc. Những kẻ nghiện lại lãng vãng xung quanh mà không tụ tập đông như ngày cuối tuần. May quá, nhà ga đông người trong ngày đầu tuần.

Một phụ nữ người Nga nhập cư trong áo khoác đỏ chạy theo tôi nói chuyện. Cô đến Amsterdam gặp người yêu, thỉnh thoảng cô lại nheo mắt khi lấy chai rượu nhỏ từ áo khoác ra làm vài hớp. Người phụ nữ Nga ở độ tuổi trung niên nhưng thời gian vẫn giữ cho cô nhiều nét đẹp, cô cứ nhắc hoài về những người hàng xóm lâu năm khó tính, hẹn hò ở Charleroi như bia Bỉ pha nước loãng.

Ở Amsterdam, hẹn hò đượm hương vị hơn. Có lẽ cô ấy nhắc đến hương vị khen khét pha mùi gỗ mục mà thành phố tự do đấy luôn đượm mùi - đó là cỏ. Gật gù theo câu chuyện của người phụ nữ Nga, ánh mắt tôi cứ dán vào vào cửa sổ, bên đường là những hàng cây dại khô héo che khuất những tòa nhà bỏ hoang.

Người Việt mình thương nhau thật

Hơn 5 giờ chiều, vừa đặt chân xuống ga tàu trung tâm Amsterdam là tôi đã cảm thấy nhịp sống hối hả của người dân thủ đô Hà Lan. Tàu vừa dừng lại là đoàn người hối hả chạy lên tàu, có lẽ để về kịp bữa cơm chiều vì phải nửa tiếng sau mới có chuyến nữa.

Tôi như lọt thỏm trong đám đông to lớn trên chiếc thang cuốn. Có lẽ đây là các cô gái to lớn mang thân hình đồng hồ cát bó gọn trong quần jeans phấn khích chờ được đưa đến khoảnh khắc huy hoàng ở đầu cầu thang, còn người cuối cầu thang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự phồn thực.

Cuộc sống có vẻ bận rộn đấy, nhưng người Amsterdam không có vẻ lạnh lùng trầm lặng. Từng nhóm người cười nói ra vào ga trong lúc hối hả là thế, mà khi tôi hỏi đường ra metro thì cả nhóm bạn trẻ nhiệt tình, nhốn nháo tranh nhau chỉ đường. Tôi mỉm cười và câu nói "C'est La Vie" bật lên trong đầu.

Ga tàu trung tâm Amsterdam nằm trong tòa nhà khổng lồ cổ kính xây dựng từ thế kỷ 19 theo phong cách thời Phục hưng, nhưng các con tàu chạy trong các tuyến ngầm đều đã được cải tạo rất hiện đại tỏa đi khắp miền đất nước, sang tới Pháp, Bỉ, Đức. Rời nhà ga trung tâm phố cổ nên thơ cạnh dòng sông, tôi về khách sạn mãi tít tận cuối tuyến đường metro. Vừa vào khách sạn là thấy tin nhắn bay tới tấp vào điện thoại.

“Khi nào chị tới Delft ngồi nghỉ ngơi đợi em một chút nhé. Em đang trình bày với giáo sư, xong em gọi và ra đón chị ở ga Delft ạ.”

“Em đang ở ga Delft ạ, khi nào chị tới thì gọi em nhé, trên tàu và ga có wifi ạ”.

“Em vẫn đang ngồi đợi tại ga ạ.”

Mấy dòng tin nhắn là từ một người đồng hương đang chờ mình tại ga tàu ở thành phố Delft trong khi mình lại theo tàu vào thủ đô Amsterdam chỉ vì không biết đi vào Delf như thế nào. Chàng trai đồng hương, Phan Hùng, đang vật lộn với đề tài nghiên cứu tiến sĩ về việc chống xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long tại trường Đại học TU Delft, vừa lo trình bày với giáo sư tiến triển của đề tài, vừa lo chị đồng hương từ Việt Nam sang tập tành đi du lịch bụi mà chẳng có một chút kiến thức phượt nào trong tay.

Tôi đã vật lộn với mớ bòng bong đặt vé tàu nhanh quốc tế và chỉ dám nghĩ đi một mạch từ Charleroi, Bỉ và xuống tuyến cuối ở Amsterdam, Hà Lan. Muốn gặp người đồng hương lo chỗ ăn chỗ nghỉ cho mình ở Delft phải lên từ con tàu nào đó, canh me đến trạm Rotterdam rồi mới đi vào Delft. Tàu ở Rotterdam tỏa đi nhiều ngả, chỉ có 10 phút để đổi tàu trong một trạm ga khổng lồ có rất nhiều đường ray. Ở TPHCM, tôi chỉ nhảy lên con ngựa sắt chạy khắp phố, bí đường thì dùng xe ôm. Mà ở Charleroi thì chẳng ai nói tiếng Anh để cô gái hỏi đường. Thế là xuống ga cuối cho xong. Tới nơi mới biết đồng hương đang chờ mình tại Delf, tôi thấy mình bật khóc, sao người Việt mình thương nhau thế.

Tôi mới chỉ gặp Hùng có vài tiếng ở Đại học TU Delft. Sang Hà Lan chơi cũng chỉ nghĩ mình gặp đồng hương nói chuyện một tí, vậy mà người bạn này đã lo mình bị lạc. Dù Hùng không nói ra, tôi biết rằng Hùng lo cho mình lạc vào Utrecht, nơi có vụ xả súng vào người đi tàu điện ngầm vào thời gian trước.

Hùng kể lúc đầu mình mới qua Hà Lan cũng vậy, không dám đi đâu vì các dịch vụ vận chuyển đều được tự động hóa, hành khách cứ thế mua vé trên các trang web có đầy đủ thông tin rồi, hoặc đến ga mua vé qua quầy tự động trong khi mình thì không biết tuyến đường ở đây thế nào cả. Nhưng cộng đồng sinh viên ở đây rất gắn bó, họ là những người giúp Hùng vượt qua ngày đầu khó khăn nên anh rất có trách nhiệm với những người mới đến. Anh là đại diện của các sinh viên Việt giúp đỡ những người mới sang làm quen với cuộc sống bên đó mà chẳng vụ lợi gì.

Điều này cô gái như tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi đi nước ngoài. Trước kia tôi chỉ nghe nói cộng đồng người Việt ra nước ngoài mang tiếng khô khan, không còn nhiều tình cảm như trong nước. Họ lại chẳng kể người Việt giúp nhau thế nào, sinh viên mang tinh thần lực lượng "tình nguyện xanh" sang xứ người thế nào. Thế mới thấy là việc tốt thì ít được người khác khen làm gương, việc xấu thì đồn năm thổi mười, thành ra chính người Việt “dìm hàng” người Việt chứ chưa đợi đến người ngoài nói.

Tôi, một kẻ "điếc không sợ súng" đã bắt tàu vào Utrecht ngày hôm sau. Vâng, Utrecht nơi đã có vụ xả súng mà những kẻ đồng phạm vẫn chưa bị bắt hết. Sau khi được Hùng trang bị rành rọt cách sử dụng phương tiện vận chuyển gồm xe buýt, tàu trạm và metro tôi đã quyết định đến thăm thành phố cổ nên thơ gần Amsterdam chỉ mất 30 phút tàu chạy.

Bên ngoài ga tàu hiện đại chỉ xây toàn bằng kính như các nhà kính trồng rau tại Hà Lan là một thành phố cổ rất duyên dáng. Vẫn còn dư âm của vụ nổ súng nên các anh cảnh sát cao trên 1,90 mét, một chiều cao bình thường ở Hà Lan, đi tuần đặc kín khu chợ ngoài ga với vẻ mặt nghiêm trọng, tuy nhiên cũng không quên dừng mắt lại ở những nữ du khách xinh đẹp đang há mồm chữ o, xuýt xoa sao nhiều cảnh sát thế.

Hẹn chị Hải Anh, một cựu đạo diễn phim tài liệu tại đài HTV ở chân nhà thờ cổ nhất thành phố Utrecht, Dom Tower, tôi ngồi chờ ở gốc cây to trước con hẻm dẫn vào nhà thờ cao nhất ở Hà Lan được xây từ những năm 1320 mà chưa được hoàn thành vì thiếu tiền. Gió thổi mạnh xung quanh khu đất rộng bên nhà thờ đang trùng tu sửa phần chóp. Người dân ở đây kể rằng đã có vụ phản đối giữa người dân thành phố và nhà thầu trùng tu di sản văn hóa từ thế kỷ thứ nhất này mà việc tu bổ mới được thi công lại. Nhìn các công trình hàng quán xung quanh, tôi tâm đắc với những căn nhà ống nhỏ cổ được tu bổ hiện đại làm cho đường phố rất hài hòa. Những quán cà phê nhỏ trang trí y như những quán trà sữa ở Sài Thành.

Bạn đường với tôi nơi gốc cây là một người nghệ sĩ đường phố đang chơi đàn guitar, hát lại các bài rock’n’roll thập niên 70-80. Giọng người nghệ sĩ luống tuổi vẫn khỏe khoắn nhấn nhá các đoạn lên giọng kéo dài bình tĩnh. Đến cuối bài, giọng ông trầm lại và hỏi thăm cô gái đến từ đâu. Sau một hồi trò chuyện rôm rả, cô gái đánh bạo hỏi ông đã hát ở đây bao lâu rồi. Ông cười nháy mắt hỏi lại “Cô muốn hỏi tôi đã hát bao lâu rồi hay ra đường phố bao lâu?”. Ông kể mình ra hát ở đây rất lâu rồi, kể từ khi ông biết chơi guitar. Không biết trả lời sao, cô gái mừng húm khi thấy chị Hải Anh.

Vội vàng cám ơn người nghệ sĩ đường phố già, tôi theo người đồng hương ra khu chợ phiên cạnh ga tàu thử món cá sống herring. Đất nước cảng này luôn có hải sản sống, cá herring sống của họ rất tươi, được lọc sạch xương giữa nhưng vẫn giữ đủ hình thù của em cá rồi ướp muối tiêu, ăn cùng với dưa leo chua và chanh. Cách ăn cá này không sang như ăn gỏi cá mai sống ở Việt Nam, mà chỉ đơn giản là cầm đuôi cá dốc ngược lên và bỏ vào miệng.

Rồi chị Hải Anh kéo tôi về khu vườn hoa đầy màu sắc. Ở nhà, vẻ ngoài phong trần của người cựu đạo diễn bay đi đâu mất, chỉ thấy người phụ nữ Việt tươi cười chăm sóc những đóa hồng cạnh bờ rào và có khả năng kể về những đóa hoa mùa trước tới tận 2 tiếng đồng hồ. Chị kể nào là người Hà Lan hiền hòa lắm, thấy chị làm vườn buổi sáng là hay chạy sang bắt chuyện hỏi han rồi mới đi làm. Rồi là chị không giỏi tiếng Hà Lan, tiếng Anh thì tự học nhưng người Hà Lan chẳng làm chị tự ti tí nào.

Tôi lang thang trên đường phố Amsterdam tuyệt đẹp, mùa này hoa tulip chỉ mới chớm nở. Thành phố được mở rộng ra từ thị trấn cổ từ những năm 1500 vẫn dày đặc những ngôi nhà cổ nhỏ. Cửa hiệu mọc ra bên dưới quanh kênh đào của thành phố. Bên góc đường, có tờ poster quảng cáo “Tình bạn chỉ tốn 15 EURO dẫn đến các ngõ đi vào phố đèn đủ món ăn chơi". Các cô gái xinh đẹp đứng sau khung cửa kính xen lẫn những phụ nữ da đen lớn tuổi trong chiếc đầm ngủ xinh xắn, cười vui vẻ với người qua đường.

Ở Amsterdam, tôi không còn bắt gặp nét chân chất điềm đạm của người Việt ở xứ Hà Lan nữa mà toát lên nét hiện đại năng động. Sáng thứ Sáu, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền lái xe vào khu trung tâm đón tôi.

Nhập cư vào Hà Lan đầu những năm 2000 nay chị nằm trong danh sách một trong số người Việt thành công ở Hà Lan. Chị Huyền đang là Trưởng phòng mua hàng của công ty Hà Lan Beagley Copperinan, là người chuyên mang nước mắm, bún khô, cà phê trong nước sang Hà Lan xuất khẩu kể từ khi các siêu thị nước này vẫn còn vắng bóng hàng Việt Nam.

Vừa nghe người đồng hương đến thăm Amsterdam là chị Huyền chạy xe đến chở tôi đến thăm công ty, đưa đi ăn phở Việt Nam do Tây nấu cho biết. Tô phở ở Hà Lan to gấp 2 lần tô phở ở nhà dành cho người dân có chiều cao trung bình 1,9 mét. Húp hương vị phở xa lạ, tôi lại ấm lòng vì người đồng hương không quản đường xa đến gặp. Có lẽ chuyến đi đến Hà Lan không đẹp và ấm như vậy nếu không được gặp người Việt xa xứ luôn đón chào đồng hương đến thăm xứ sở ngàn hoa.

(Nguồn: Du Lịch TPHCM)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: 'Ngày VN' ở nước ngoài; Đi 55 nước mua thìa bạc; Nỗi niềm lao động xa xứ; Nữ thần tượng bị chê ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang