Người Việt hải ngoại: Chuẩn bị đón Tết xa xứ; Nỗ lực vượt qua khó khăn ở Nga; Khởi nghiệp từ gánh chè ở Tokyo

Người Việt xa xứ chuẩn bị tết

(Ảnh minh họa).

Cuối năm, nhiều người Việt ở nước ngoài đặt vé máy bay về Việt Nam để được quây quần bên đại gia đình. Những người không có điều kiện trở về cũng cố gắng chuẩn bị chu toàn nhất cho một cái tết thật ấm áp, gần gũi và đặc trưng ở xứ người.

Tết Nguyên đán của Việt Nam thường rơi vào ngày trong tuần, hầu hết người Việt sở tại vẫn đi làm bình thường. Một số ít người có thể lấy phép để duy trì phong tục “kiêng làm việc ngày tết để tránh gặp xui”. Bà con kinh doanh tự do vẫn phải mở cửa hàng quán nhưng sẽ trang trí với đầy đủ màu sắc, phong vị tết.

Người Việt xa xứ trồng cây, chơi hoa quanh năm, nhưng tết đến sẽ trưng các loại cây hoa gợi ngày tết quê nhà. Hoa đào hồng, hoa mai vàng cũng không khó kiếm lắm. Bà con cắm lai rai chơi cả tháng trước và trong tết. Chậu quất (tắc) lúc lỉu quả vàng, cành phất lộc xanh được bà con bày biện trong nhà với ước mong một năm mới tấn tài tấn lộc.

Những tấm thẻ xuân in câu đối từ năm trước có thể sử dụng lại, treo trên cành lộc xuân. Nhà có trẻ em nhỏ tuổi đôi khi treo đèn lồng ngoài ban công. Bao lì xì thì đương nhiên không thể thiếu.

Mâm ngũ quả cũng vậy, rất được chú trọng trong nhà người Việt mỗi dịp tết. Mâm ngũ quả của người gốc miền Bắc với nải chuối, quả bưởi, những trái đào, hồng và cam quýt. Sau này có nhiều hơn năm thứ quả nhưng vẫn gọi là mâm ngũ quả như ý nghĩa ban đầu theo thuyết Ngũ hành, vạn vật dung hòa cùng trời đất.

Người gốc miền Trung bày các loại quả tươi ngon, nhiều màu xen kẽ đẹp mắt. Người miền Nam chọn bày mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, còn có cả quả sung, dứa (thơm), cặp dưa hấu.

Ngày tết, nếu không nhanh chân đến siêu thị sớm thì các nguyên liệu như tai heo, lưỡi và chân giò để làm món giò xào sẽ không còn. Húng quế, mắm tôm được đưa sang bằng máy bay; ớt chỉ thiên, rau muống lúc nào cũng có sẵn trong cửa hàng thực phẩm châu Á; lòng heo thì đã có mối lâu năm với lò mổ... - chuyện dễ ợt ở mấy bang Đông Đức tập trung nhiều người gốc Việt sinh sống.

Những lúc tết nhất, giỗ chạp, cần gà cúng nguyên con thì kiếm đâu ra giữa cái xứ siêu thị chỉ bày bán những hộp gà 1kg, 1,2kg hay 1,6kg không đầu, không nội tạng và không chân? Vậy là người Việt lại cử đại diện làm thân với một hai ông bà chủ trại chăn nuôi để đặt mua gà còn sống.

Vài ba người đi chung xe đến trại gà ngoại ô thành phố, trên đường đi gọi điện với chủ trại: “Ông Mueller à, tôi Nguyễn đây. Chuẩn bị cho 15 giai non và 10 gái tơ nhé, cứ lựa hàng ngon vào, chúng tôi sẽ trả giá cao”. Những người ngồi trong xe cười rần vì thứ tiếng Đức bồi của anh bạn không biết dùng từ “gà trống” và “gà mái”, nếu nghe qua rất dễ bị hiểu nhầm.

Các gia đình còn chỉ nhau mua cá trê sông cỡ lớn, lọc phi-lê ướp riềng, nghệ, mắm tôm rồi làm món chả cá Lã Vọng, ăn ngon chẳng kém gì cá lăng, cá vược. Chị em thủ thỉ chia sẻ chọn loại máy nào xay thịt làm giò chả dai giòn mà không cần hàn the, cách lót vải xô vào nồi hấp cho ra lò cả loạt xôi dẻo thơm ráo nước, chia nhau những hũ mẻ chua dịu nấu giả cầy những dịp cuối tuần hay mời nhau bát tào phớ (tàu hũ) nhà làm, cùng nếm mứt sen, bò khô tự tay tẩm sấy, tặng nhau rau thơm, rau muống tự trồng trong chậu…

Thời buổi bão giá, người Việt xa xứ lập ra các nhóm chung trên mạng xã hội để chia sẻ chỗ nào mua gì ngon và rẻ, nơi nào đang giảm giá, khuyến mại. Các công thức nấu ăn, những bí kíp trang trí nhà cửa cũng được chia sẻ cùng nhau mỗi ngày.

Gia đình người Việt nào ở nước ngoài cũng đều mong có một cái tết đậm đà phong vị Việt.

Người Việt ở Nga nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm 2023

Với những người Việt tại Nga, 2023 là một năm đầy sóng gió nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, họ đã từng bước vượt qua khó khăn và trụ vững ở xứ sở Bạch Dương.

Khi đại dịch Covid-19 qua đi, việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Nga gặp muôn vàn khó khăn, thêm vào đó là ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng rúp mất giá, các mặt hàng thiết yếu lại tăng cao. Riêng tại chợ Trung tâm Moscow hay còn gọi chợ Liublino, mà người Việt quen gọi là chợ Liu, hiện có 4.800 điểm bán hàng. Số người Việt Nam kinh doanh tại chợ chiếm tới 2/3, với trên dưới 10.000 người. Trong số này, 85% buôn bán quần áo và các mặt hàng vải, còn lại mở xưởng sản xuất quần áo, bán cho các tỉnh xa.

Ông Bùi Huy Thắng - người từng sinh sống và kinh doanh tại Nga mấy chục năm cho biết, sau Covid-19, 2/3 số người tồn tại được, 1/3 thua lỗ phải về nước. “Doanh thu của bà con trong cộng đồng giảm nhiều. Do xung đột, điểm bán hàng ở tỉnh xa, nhất là các vùng biên giới họ ít lên Moscow nên kinh doanh ảm đạm. Tuy vậy, người Việt giỏi tương kế tựu kế nên vượt qua rất nhanh. Hiện tại, kinh doanh để có của ăn của để và đưa về Việt Nam thì khó, chỉ cố gắng lo đủ chi phí chi sinh hoạt gia đình và con cái học hành. Không được như trước, nhưng vẫn bám trụ được, chỉ cầm chừng thôi, mong xung đột kết thúc, mọi thứ sẽ thuận lợi trở lại”.

Riêng năm 2023 này, lượng hàng hóa từ các nước thân thiện với Nga chuyển sang Nga nhiều hơn gấp nhiều lần so với những năm trước. Đây là khó khăn lớn với những người Việt đang kinh doanh tại đây nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, người Việt đã chuyển sang bán hàng online. Với những địa bàn xa xôi, đi lại khó khăn, họ chuyển hàng đến tận nơi và nhận tiền qua tài khoản online.

Với những gia đình cả 2 vợ chồng cùng kinh doanh buôn bán, họ phải thay nhau vừa lo công việc kinh doanh, vừa chăm sóc con cái, đưa con đi học và lo việc nhà cửa, cơm nước. Cứ mỗi sáng, 5 giờ đã phải có mặt ở chợ, nhất là vào mùa đông băng giá như nước Nga, đó thật sự là một thách thức.

Chị Trịnh Thị Ngà, người sang Nga từ năm 1998 cho biết, suốt hơn 20 năm nay, gia đình chị chỉ có bữa tối đoàn tụ đủ cả nhà và mọi công việc trong gia đình thường kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. "Thời gian giải trí rất ít. 2 vợ chồng tôi phải sắp xếp để đôi khi đi cùng các con và chỉ đi được 1 người. Thứ Bảy và Chủ nhật, 1 trong 2 người phải ở nhà chơi với con, đưa con đi công viên, còn đi cả nhà là rất khó, chỉ thực hiện được vào dịp Năm mới hoặc Tết”.

Khó khăn là vậy, nhưng bù lại, những người Việt tại Nga luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua thách thức. Anh Lê Bá Toàn, một tiểu thương ở chợ Liublino chia sẻ, ngoài kinh doanh, những người Việt tại Nga có khá nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng. “Đại sứ quán và Ban công tác cộng đồng luôn tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt chung, họp Hội đồng hương hoặc thành lập các Hội đồng hương. Tại Moscow hiện có hơn 10 Hội đồng hương cấp tỉnh, hàng năm có đội bóng của Hội đồng hương, thi đấu rôm rả, đoàn kết. Hàng năm Hội đồng hương đều tổ chức họp mặt, làm từ thiện, giúp đỡ những người Việt khó khăn, đặc biệt là giúp đỡ người dân ở những vùng lũ lụt tại Việt Nam.

Trong các gia đình, đa số con cái họ đều học trong các trường của Nga nên việc nói và viết tiếng Việt bị hạn chế. Những ông bố, bà mẹ Việt Nam đều cố gắng nói tiếng Việt với con nhiều nhất có thể. Để dạy con viết, họ nhắn tin cho con và sửa lỗi cho con mỗi khi chúng viết sai. Không có nhiều thời gian bên con và dạy dỗ con rèn luyện thể chất, họ đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ ở nhà trường như bóng đá, bóng rổ, bóng chày, vẽ, nhảy, múa…

Với họ, nước Nga giờ đây đã là quê hương thứ hai, bởi vậy, tất cả những người con nước Việt xa xứ đều mong muốn năm 2024 sẽ đến trong an lành, nước Nga tiếp tục bình yên và cuộc xung đột mau chấm dứt để tất cả mọi người đều yên tâm học tập, kinh doanh và có thêm nhiều đóng góp cho xứ sở Bạch Dương - nơi họ đang gắn bó.

Vợ chồng Việt khởi nghiệp từ gánh chè ở Tokyo

(Ảnh minh họa).

Một ngày đầu hè 2015, nhân viên soi chiếu của sân bay Narita (Tokyo) kinh ngạc khi thấy hành lý của một cặp vợ chồng Việt nhập cảnh chỉ toàn gạo nếp, đậu, bột cốt dừa.

Khi bị yêu cầu giải thích, người chồng tên Mạc Đức Mạnh cho biết đó là vốn liếng để chuẩn bị khởi nghiệp.

Mạnh, 33 tuổi, là người Hải Dương, sang Nhật du học từ năm 2013. Ở đây anh gặp và yêu cô gái cùng quê tên Nguyễn Ngân Nhi. Hai năm sau, họ về quê tổ chức hôn lễ.

Những ngày đi mời cưới họ hàng, Mạnh phát hiện gánh chè thập cẩm 5.000 đồng của người bác họ khá đông khách trong khi nguyên liệu rất đơn giản gồm đậu đen, đậu đỏ, cốt dừa, chuối và đu đủ sấy, siro. Anh nghĩ món ăn vặt này có thể bán được ở Tokyo và trở thành nguồn thu nhập cho gia đình. Thời đó, trên đất Nhật chưa có nhiều món Việt, một suất bún chả có giá khá đắt, tương đương tiền lương một giờ làm việc. Mạnh bàn với vợ học nghề ba món đầu tiên gồm chè thập cẩm, sữa chua nếp cẩm và chè mít.

Hè 2015, trong căn trọ 20 m2, vợ chồng đọc thêm thông tin từ Google, hì hục nấu thử chè. Nhưng hóa ra món này không dễ như họ tưởng. Gần chục nồi chè đầu tiên không đạt. Có lúc họ phải đổ cả nồi hoặc cố ăn trừ cơm vì chè không sánh mà vón lại, bị quá lửa, đậu ninh không nhừ, hương không thơm.

Khi tự rút ra công thức ổn định, Mạnh quyết định chụp ảnh món chè đăng trên các hội nhóm của người Việt ở Nhật. Bài đăng đầu nhận được gần 4.000 lượt tương tác. Điện thoại Mạnh đổ chuông nhận đơn đặt hàng liên tục.

Thời điểm này, Nhi mang thai nên anh là người giao hàng. Vợ chồng họ có chiếc xe đạp duy nhất, nếu đi xa phải dùng tàu điện. Mạnh thường hẹn khách ở ga Shinokubo - nơi đông người qua lại để giao hàng.

Mỗi ngày, anh đón chuyến tàu sớm nhất, di chuyển ba tiếng để đến trường, 14h về nhà rồi đạp xe 10-15 lượt để giao chè. Tối 11h bắt đầu nấu cho ngày hôm sau, thời gian ngủ còn bốn tiếng.

Họ bán được 50 - 100 cốc mỗi ngày, số tiền bằng lương của một công việc làm thêm. Tuy nhiên, một vấn đề bắt đầu phát sinh. Nhiều khách bận rộn nên không thể chờ 10-15 phút ở ga, họ sẽ bị trễ tàu.

Mạnh nhận ra hình thức giao hàng này không hiệu quả, anh chuyển sang đựng chè trong thùng xốp và đứng bán trực tiếp ở ga Shinokubo. Anh chọn đứng gần khu vực hút thuốc vì đây là nơi mọi người tập trung và dừng lâu nhất. Tuy nhiên, Mạnh dị ứng khói thuốc nên dễ bị ngạt, có hôm phải đạp xe về nhà nằm nghỉ 15 phút rồi trở ra bán tiếp.

Món chè Việt của vợ chồng trẻ bắt đầu chinh phục được thêm cả thực khách Nhật Bản. Nhưng khách ngoại quốc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chỉn chu hơn hẳn. Có hôm chỉ vì nước cốt dừa hơi bị quá lửa, khuấy không đều tay nên bị khê, anh buộc phải đổ đi hết. "Xót tiền kinh khủng nhưng chỉ cần ăn một lần có vấn đề hoặc không ngon, họ sẽ không bao giờ quay lại nữa", Mạnh kể.

Nhờ đảm bảo được chất lượng nên doanh số món chè thập cẩm của Mạnh tăng lên 200-250 cốc mỗi ngày, cuối tuần đạt 300 cốc. Lúc này, Mạnh mạnh dạn xin nghỉ việc, quay về Hà Nội học nấu thêm món xôi xéo.

Năm 2017, họ dành dụm được 600 triệu đồng, vay họ hàng thêm 1 tỷ để mở quán ăn đầu tiên Tokyo.

Mạnh trải qua lớp học an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhiều thủ tục để có giấy phép mở quán ăn. Nhưng điều này không khó bằng quá trình tìm mặt bằng. Theo Mạnh, ở Nhật có những thứ hạng ưu tiên người thuê mặt bằng, như người bản xứ, người có thẻ vĩnh trú, nhân viên các công ty, cuối cùng mới đến du học sinh.

Anh trải qua hai tháng xét duyệt hồ sơ thuê nhà, trong đó có xác nhận bảo lãnh của người Nhật, tình hình tài chính cá nhân. Nhiều lúc nản quá, họ tính bỏ cuộc nhưng nhớ về những ngày đạp xe giao xôi chè, Nhi động viên chồng cố gắng. Cuối cùng, họ cọc được mặt bằng 25 m2 thời hạn 10 tháng ở gần ga tàu Shinokubo, nơi có bốn triệu lượt qua lại mỗi ngày.

Họ đặt tên quán là Sóc Con theo tên của em bé đầu lòng. Không nhiều vốn, cả hai tự tay làm tất cả. Nhi nhớ lại khi đó liệt kê danh sách gần 200-300 đầu việc khác nhau. "Từ việc ký hợp đồng, giấy tờ cho đến mua chiếc tăm, ống đũa, vợ chồng cũng cùng nhau chuẩn bị", Nhi kể.

Quán ăn của họ lập tức trở thành điểm hẹn của người Việt, trung bình đón 150-200 lượt khách mỗi ngày. Mạnh và Nhi quyết định mở rộng thực đơn gồm các món bún, phở, lẩu khiến khách đông kín, có ngày không đặt được bàn.

"Không chỉ món ăn, người Việt Nam cần không gian để ngồi cùng nhau", Mạnh nói. Sự ủng hộ đã trở thành tiền đề để họ mở thêm hai quán nữa vào năm 2020 và quán thứ tư năm 2022. Toàn bộ nhân viên phục vụ là người Việt.

Năm ngoái, họ đối mặt với bài toán mới bởi khách chững lại. Cặp vợ chồng trẻ buộc phải ngồi lại cùng nhau tìm nguyên nhân. Cuối cùng Mạnh nhận ra mình đã quá tham, menu bị mở rộng quá mức với gần 100 món khiến chất lượng bị dàn trải. "Một đầu bếp không thể nấu tốt nhiều món", Mạnh kể. "Quán có nhiều món thì khách nhiều lựa chọn nhưng ăn không ngon thì cũng thất bại".

Anh bắt đầu tập trung vào những món thế mạnh như xôi, chè và bánh mì. Mạnh về Việt Nam khoảng 10 lần, đi Hà Nội và Hải Phòng để học nghề ở những hàng nổi tiếng.

Với bánh mì, yếu tố quyết định thành công 50% nằm ở vỏ, giòn và nóng. Họ cũng quyết giữ vị Việt và quyết không chạy theo khẩu vị người Nhật. "Tôi muốn người ta cầm trên tay ổ bánh mì thật Việt như cách để giới thiệu ẩm thực đất nước mình", anh nói. Dần dần khách Nhật cũng đồng ý bánh mỳ thuần vị Việt vẫn là ngon nhất và họ có thêm khách hàng ở Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tháng 2/2023, quán ăn của Mạnh được đài truyền hình NHK chọn ghi hình và phát sóng để giới thiệu ẩm thực Việt Nam qua xôi và chè.

Những ngày cuối năm này Mạnh nói đang là thời gian khó khăn nhất bởi suy thoái kinh tế khiến khách sụt giảm khoảng 50% trong khi giá nguyên liệu tăng. Họ làm việc từ 9h đến 23h để điều hành các quán ăn, thêm nhiều đầu việc nhưng chi phí hẹp lại. Tuy nhiên, Mạnh vẫn tin khó khăn này vẫn không khiến vợ chồng bỏ cuộc.

"Hành trình đã đi qua khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn", Mạnh nói.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; VOV; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang