Ngày tàn của chocolate; OPEC+ siết cung dầu; Thủ đô Haiti hỗn loạn; Tín hiệu từ Lưỡng hội TQ; Israel tẩy chay đàm phán ngừng bắn

Ngày tàn của Chocolate: Mất mùa, thay đổi khí hậu khiến Cacao khan hiếm, các doanh nghiệp đổi sang dùng ‘hàng thay thế’, giảm kích cỡ sản phẩm để ‘lừa’ người tiêu dùng

Những hạt cacao sắp được ‘đưa vào viện bảo tàng’ vì mức độ khan hiếm và khả năng tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu. Thế nhưng chẳng ai thiếu chocolate mà chết cả, nên các doanh nghiệp khó tăng giá và phải tìm cách để sống sót.

Năm 2023, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng Mars đã lặng lẽ giảm kích thước những thanh chocolate Galaxy của mình xuống 10gr, thay đổi bao bì cho đẹp mắt nhưng nhỏ nhẹ hơn mà không giảm giá để tránh bị người tiêu dùng để ý dẫn đến giảm doanh số.

Thế nhưng đây không chỉ là câu chuyện thu nhỏ kích cỡ do lạm phát khi các công ty giữ giá nhưng giảm quy mô sản phẩm. Việc hãng nổi tiếng Mars giảm kích thước Chocolate đã liên tục được các nhà sản xuất bánh kẹo làm vài năm trở lại đây vì một nguyên nhân chính: khan hiếm nguyên liệu cacao.

Thậm chí hãng tin Bloomberg cho hay ngày nay nhiều doanh nghiệp bánh kẹo còn tìm cách thay thế nguyên liệu cacao đắt đỏ, khan hiếm bằng sản phẩm nhân tạo để giữ giá bán.

Hiện nguyên liệu cacao đang tăng giá lên mức kỷ lục và nhiều chuyên gia nhận định trong tương lai gần, thứ nông sản này chắc chắn sẽ không hạ giá xuống.

Các nhà cung ứng cacao lớn nhất ở Tây Phi đang phải vật lộn với hạn hán, thay đổi khí hậu, dịch bệnh...đã kéo dài trong nhiều năm và sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Hậu quả là sản lượng cacao ngày một đi xuống đến mức có thể tuyệt tích nếu không được chính phủ và các chuyên gia vào cuộc hỗ trợ.

Trong khoảng năm 1980-2023, giá cacao trên thị trường kỳ hạn (tương lai-giao sau) New York được bán trung bình 3.500 USD/tấn, nhưng đến tháng 2/2024, con số này đã vượt 6.000 USD/tấn và vẫn đang tăng mạnh.

"Chúng tôi đang cố gắng tìm cách giải quyết tình trạng gia tăng chi phí nguyên liệu thô. Việc giảm kích thước sản phẩm để giữ giá bán không phải lừa dối khách hàng mà thực sự là một quyết định rất khó khăn cho công ty", người đại diện của Mars Wrigley UK than phiền.

Không thiết yếu

Thông thường, chi phí gia tăng sẽ được các doanh nghiệp chuyển cho người tiêu dùng chịu bằng cách gia tăng giá bán, thế nhưng chocolate không phải sản phẩm thiết yếu, chẳng có ai thiếu mặt hàng này mà không sống nổi.

Bởi vậy các hãng chocolate khó tăng giá vì sẽ làm giảm doanh số bán hàng.

Theo khảo sát của hãng NIQ, nếu lạm phát tăng thì người tiêu dùng sẽ ưu tiên giảm chi phí mua bánh kẹo, chocolate chỉ sau rượu bia và mỹ phẩm.

Hệ quả của tình trạng này là các doanh nghiệp giảm kích cỡ thực của sản phẩm, tự động hóa quy trình sản xuất để sa thải bớt lao động hoặc thậm chí là tung ra các sản phẩm có ít cacao hơn, đổi sang dùng những hương vị nhân tạo.

Mới đây, Nestle chi nhánh Anh đã giới thiệu dòng chocolate hạt Aero chỉ nặng 36gr, tương đương 1/3 so với thanh chocolate thông thường, nhưng lại được bọc trong bao bì túi khí gây hiểu lầm cho người mua.

Tại Mỹ, các thanh Kitkat dòng Chocolate Frosted Donut của Hershey hiện chỉ nhúng một phần sản phẩm vào chocolate chứ không phải toàn bộ như trước nữa. Hãng đã cố gắng giảm thành phần chocolate và bơ cacao xuống mức thấp hơn nhiều so với sản phẩm cũ.

Chuyên gia Billy Roberts của CoBank nhận định việc làm thế nào giảm hàm lượng cacao trong bánh kẹo và chocolate đang trở thành vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp.

Tương tự, chuyên gia Carl Quash III của Euromonitor International cũng cho biết hơn 40% số chocolate đang được bán ở Mỹ trong mọi phân khúc đều có chứa thêm những thành phần khác để giảm nguyên liệu cacao, ví dụ như các loại hạt, sữa, hay trái cây khô.

"Xu hướng chocolate trộn từng hết thời, nhưng hiện chúng lại đang trở thành một lựa chọn khả dĩ cho doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu cacao", ông Quash nhấn mạnh.

Trong chương trình Super Bowl vào tháng 2 thu hút đến gần 124 triệu người xem vừa qua, các hãng bánh kẹo khổng lồ như Mars hay Hershey thay vì bán sản phẩm chocolate truyền thống thì lại quảng bá những cốc M&M’s và Reese, bao gồm nhân bơ đậu phộng có thêm caramen, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Dùng hàng thay thế

Bơ cacao là loại nguyên liệu được sản xuất từ hạt cacao và được dùng chủ yếu trong ngành bánh kẹo, chocolate.

Trung bình mỗi thanh chocolate sữa sẽ có khoảng 20% bơ cacao nhưng hiện nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thay thế chúng bằng hương vị nhân tạo nhằm giảm chi phí.

Hãng AAK AB đến từ Thụy Điển chuyên sản xuất các hương vị, nguyên liệu thay thế bơ cacao cho biết với những doanh nghiệp không áp dụng chiến lược thu nhỏ kích cỡ sản phẩm thì việc tìm lựa chọn thay thế cho cacao đang ở mức giá quá cao là điều bắt buộc.

Tuy nhiên, động thái thay thế cacao truyền thống thường chỉ được doanh nghiệp áp dụng với mặt hàng bình dân, ví dụ như phủ một lớp chocolate mỏng lên thanh Granola hay dùng hương vị chocolate nhân tạo thay thế trong nhân bánh mỳ.

Với những thành chocolate truyền thống, nhiều hãng vẫn chưa dám thay đổi hẳn vì lo sợ có thể bị khách hàng phát hiện ra gây suy giảm doanh số và tẩy chay.

Mặt khác, những nguyên liệu thay thế chocolate thường được dùng ở khu vực có thời tiết nóng do điểm tan chảy của những sản phẩm này cao hơn cacao truyền thống, do đó tránh bị khách hàng phát hiện.

Thông thường các nhà sản xuất bánh kẹo, chocolate sẽ mua nguyên liệu cacao trên thị trường kỳ hạn giao sau 8-9 tháng để dự trữ và giữ giá. Thế nhưng khi cacao tiếp tục tăng giá thì nhiều hãng buộc phải tái gia nhập thị trường để tích trữ nguyên liệu trong bối cảnh khan hiếm.

Báo cáo của Morgan Stanley đã hạ xếp hạng cổ phiếu của hãng Hershey xuống mức thấp do lo ngại rủi ro gia tăng chi phí nguyên liệu.

OPEC+ siết cung dầu đến hết quý II

Nga, Arab Saudi và nhóm nước sản xuất dầu lớn trên thế giới sẽ tiếp tục giảm cung hàng triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ thị trường.

Hôm 3/3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo gia hạn chính sách giảm sản xuất tổng cộng 2,2 triệu thùng một ngày đến hết quý II. Việc này nhằm hỗ trợ thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức và nguồn cung phi OPEC+ tăng lên.

Arab Saudi cho biết tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng một ngày cho đến hết tháng 6. Sản lượng của nước này vì thế vẫn quanh 9 triệu thùng.

Với Nga, tổng mức giảm sản xuất và xuất khẩu là 471.000 thùng một ngày trong quý II. Dù vậy, Phó thủ tướng Nga Minister Alexander Novak cho biết họ sẽ nới lỏng dần mức giảm với xuất khẩu.

Theo đó, trong tháng 4, họ sẽ giảm sản xuất 350.000 thùng và giảm xuất khẩu 121.000 thùng một ngày. Sang tháng 5, hai số liệu này lần lượt là 400.000 và 71.000. Đến tháng 6, toàn bộ mức giảm 471.000 thùng sẽ đến từ sản xuất.

Dù quyết định của OPEC+ đã được dự báo từ trước, thông báo của Nga có thể kéo giá lên cao hơn. "Quyết định của Nga khiến thị trường ngạc nhiên. Nếu họ thực hiện đúng như vậy, lượng dầu ra thị trường sẽ giảm", Giovanni Staunovo - nhà phân tích tại UBS cho biết.

Giá dầu năm nay được hỗ trợ nhờ căng thẳng chính trị gia tăng và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, sức tăng bị ghìm lại vì lo ngại tăng trưởng toàn cầu giảm sút.

Dầu Brent hiện tăng 0,13% lên 83,6 USD một thùng. Từ đầu năm, giá dầu này đã lên 8%.

Sau cuộc họp hôm 3/3, các nước OPEC+ lần lượt công bố mức cắt giảm. OPEC+ sau đó mới ra thông cáo xác nhận mức giảm tổng cộng là 2,2 triệu thùng một ngày. Hãng thông tấn quốc gia Arab Saudi cho biết con số này sẽ được rút dần, tùy vào tình hình thị trường.

"Quyết định trên cho thấy sự đoàn kết của OPEC+. Họ không vội vã quay về mức sản xuất trước đây, mà sẽ làm điều đó một cách từ từ", các nhà phân tích tại ngân hàng Jefferies nhận xét.

OPEC+ đã thực hiện hàng loạt đợt giảm sản xuất kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Mỹ và các nước phi OPEC đang tăng cung dầu, trong bối cảnh nhu cầu dầu bị đe dọa khi các nền kinh tế lớn vật lộn với lãi suất cao. Mức giảm 2,2 triệu thùng một ngày được thông báo từ tháng 11/2023

Thủ đô Haiti hỗn loạn khi hàng nghìn tù nhân vượt ngục

Tình trạng bạo lực đang leo thang nhanh chóng sau khi hàng nghìn tù nhân vượt ngục khỏi nhà tù lớn nhất Haiti ở thủ đô Port-au-Prince.

Theo Reuters, vào ngày 3/3, Liên đoàn cảnh sát Haiti đã kêu gọi toàn bộ sĩ quan được trang bị vũ khí và phương tiện di chuyển cùng tham gia nỗ lực duy trì quyền kiểm soát tại nhà tù ở thủ đô Port-au-Prince, sau khi các băng nhóm tấn công cơ sở này vào đêm 2/3.

"Nếu các băng nhóm thành công, sẽ không có một ai ở thủ đô được an toàn. Chúng ta đang nói về hàng nghìn tù nhân vượt ngục", cảnh sát Haiti cho biết.

Trong khi đó, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia Haiti tiết lộ rằng hiện chỉ còn khoảng 100 trong tổng số 3.800 tù nhân ở nhà tù Port-au-Prince vẫn còn lưu lại cơ sở này sau vụ tấn công. Bên cạnh đó, đã có ít nhất 12 người thiệt mạng trong vụ vượt ngục.

Tình trạng bạo động tại Haiti đã bắt đầu xảy ra từ thứ Năm tuần trước, khi các băng nhóm tuyên bố lật đổ chính quyền của Thủ tướng Ariel Henry.

"Chúng tôi yêu cầu cảnh sát và quân đội Haiti bắt giữ ông Henry. Người dân không phải kẻ thù của các bạn, các nhóm vũ trang cũng vậy", Jimmy Cherizier, thủ lĩnh xã hội đen khét tiếng Haiti nói.

Bạo loạn tại Haiti xảy ra khi ông Henry tới Kenya ngày 1/3 nhằm kêu gọi triển khai lực lượng cảnh sát quốc tế để trấn áp các băng nhóm địa phương. Hiện tại, vẫn chưa rõ tung tích của Thủ tướng Haiti, dù ông đã về nước sau chuyến thăm Kenya.

Sau vụ ám sát cố Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021, ông Henry đã nắm quyền lãnh đạo Haiti. Tuy vậy, quốc gia Caribe vẫn chìm sâu trong nghèo đói, bạo lực, thiên tai và mâu thuẫn chính trị.

Những tín hiệu quan trọng từ Lưỡng hội Trung Quốc

Hàng ngàn đại biểu từ khắp Trung Quốc về thủ đô Bắc Kinh trong tuần này để dự sự kiện chính trị thường niên quan trọng nhất, nơi các lãnh đạo sẽ gửi tín hiệu về cách chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và xua lo ngại về những thách thức phía trước.

Thể hiện sự tự tin có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao trong sự kiện kéo dài nhiều ngày, được gọi là Lưỡng hội , khai mạc ngày 4/3.

Kỳ họp năm nay có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng bất động sản , mức nợ của các chính quyền địa phương lớn, giảm phát, thị trường chứng khoán chao đảo , và cuộc chiến công nghệ với Mỹ.

Những trận gió ngược này đặt ra câu hỏi, rằng kinh tế Trung Quốc có mất động lực trước khi đạt được mục tiêu trở thành cường quốc phát triển toàn cầu hay không.

Kỳ họp lần này diễn ra sau 1 năm Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19, nhưng nhiều người trẻ vẫn chật vật tìm việc làm, các nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường và nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ chật vật tồn tại.

Các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nhân trên khắp thế giới sẽ theo dõi sát sao sự kiện này, nhất là trong năm mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng hơn.

“Chính phủ muốn dùng diễn đàn này để gửi tín hiệu, rằng nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn ổn và đang đi đúng hướng”, Chen Gang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc ĐHQG Singapore, nhận định.

“Hiện, đang có nhiều hoài nghi… vì thế họ muốn thể hiện rằng chính phủ mới đủ khả năng xử lý các vấn đề kinh tế”, ông Chen nhận định.

Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc họp tại Đại lễ đường nhân dân, là dịp duy nhất trong năm mà gần 3.000 đại biểu gặp gỡ trực tiếp. Kỳ họp của Chính hiệp cũng diễn ra cùng thời điểm.

Hai kỳ họp là diễn đàn quan trọng để Chính phủ Trung Quốc đưa ra các chính sách kinh tế - xã hội và đối ngoại, đồng thời công bố những chỉ số chính của đất nước, bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giới hạn thâm hụt ngân sách và chi tiêu quốc phòng trong năm nay.

Đây cũng là dịp để các lãnh đạo lắng nghe ý kiến từ đại biểu khắp cả nước và nhiều ngành nghề khác nhau.

Giới quan sát chú ý đến thông điệp mà các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra về những vấn đề quan trọng, như đảo Đài Loan, quan hệ với Mỹ và nỗ lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao.

“Có thể ông Tập sẽ đưa ra quan điểm ôn hòa hơn với Mỹ, tạm gác chính sách ngoại giao ‘ chiến binh sói ’, và chuyển hướng nỗ lực theo hướng đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông Xuezhi Guo, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường Cao đẳng Guilford ở Mỹ, nhận định.

Sự thay đổi quan điểm đó có thể thể hiện ở việc bổ nhiệm ngoại trưởng mới trong kỳ họp lần này. Các nhà phân tích cho rằng việc đó sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Vị trí đó đang tạm thời do ông Vương Nghị đảm nhận, sau khi ông Tần Cương bị cách chức hồi tháng 7/2023.

Israel tẩy chay đàm phán ngừng bắn ở Cairo

Israel đã tẩy chay các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza tại Cairo hôm 3/3, sau khi Hamas từ chối yêu cầu của họ về một danh sách đầy đủ nêu tên các con tin vẫn còn sống, một tờ báo của Israel đưa tin.

Một phái đoàn Hamas đã đến Cairo để tham gia cuộc đàm phán, vốn được coi là rào cản cuối cùng trước khi đạt được thỏa thuận tạm dừng giao tranh trong sáu tuần. Nhưng đến đầu giờ tối vẫn không có dấu hiệu nào của phía Israel.

“Không có phái đoàn Israel nào ở Cairo”, Ynet, phiên bản trực tuyến của tờ báo Yedioth Ahronoth của Israel, dẫn lời các quan chức Israel giấu tên cho biết. "Hamas từ chối đưa ra câu trả lời rõ ràng và do đó không có lý do gì để cử phái đoàn Israel".

Washington nhấn mạnh rằng gần có thỏa thuận ngừng bắn và đúng lúc để ngừng giao tranh trước khi bắt đầu tháng Ramadan, vốn chỉ còn một tuần nữa là diễn ra. Tuy nhiên, các bên tham chiến hầu như không công khai đưa ra dấu hiệu nào về việc rút các yêu cầu trước đó.

Sau khi phái đoàn Hamas đến, một quan chức Palestine nói với Reuters rằng thỏa thuận "vẫn chưa có". Từ phía Israel, thậm chí không có xác nhận chính thức nào về việc phái đoàn của họ sẽ tham dự.

Một nguồn tin được thông báo về các cuộc đàm phán cho biết rằng Israel có thể tránh xa Cairo trừ khi Hamas trước hết phải đưa ra danh sách đầy đủ các con tin vẫn còn sống.

Một nguồn tin Palestine nói với Reuters rằng Hamas cho đến nay đã bác bỏ yêu cầu đó.

Trong các cuộc đàm phán trước đây, Hamas đã tìm cách tránh thảo luận về tình trạng của từng con tin cho đến sau khi các điều khoản trả tự do cho họ được ấn định.

Một thỏa thuận sẽ mang lại lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên trong cuộc chiến, vốn đã xảy ra suốt 5 tháng cho đến nay và chỉ tạm dừng một tuần vào tháng 11 năm ngoái. Hàng chục con tin bị phiến quân bắt giữ sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Vietnamnet; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang