Nắng nóng bao trùm ĐNA; Trung Đông căng như dây đàn; TQ trừng phạt 2 công ty Mỹ; Cuộc chơi may rủi; Căng thẳng Mexico-Ecuador

NẮNG NÓNG KỶ LỤC BAO TRÙM ĐÔNG NAM Á

Nắng nóng gay gắt bao trùm nhiều quốc gia Đông Nam Á với nhiều kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ ở Thái Lan, Malaysia hay Philippines. Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và các chuyên gia cảnh báo, các đợt nắng nóng khả năng cao sẽ kéo dài.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu tác động mạnh nhất của đợt nắng nóng hiện nay. Tháng 4 là tháng thứ 13 liên tiếp nhiệt độ tại nước này tăng cao kỷ lục, với độ nóng và độ ẩm không ngừng tăng lên. Các chuyên gia dự báo năm nay sẽ là một năm thời tiết khắc nghiệt nữa. Từ nay đến hết tháng 4, nhiệt độ ở thủ đô Bangkok sẽ không dưới 30 độ C, ngay cả vào ban đêm.

Tại Malaysia, ít nhất hai trường hợp tử vong đã được ghi nhận liên quan đến nắng nóng, trong đó có một thanh niên 22 tuổi ở bang Pahang phía Bắc và một cậu bé 3 tuổi ở bang láng giềng Kelantan. Nhiệt độ tăng cao cũng làm gia tăng các vụ cháy, đặc biệt là tại bang Sabah với hơn 300 đám cháy tại các trang trại, đồn điền và rừng chỉ trong tháng 2.

Theo các nhà khí hậu học, đây là một xu hướng khó tránh khỏi. Đông Nam Á phải chuẩn bị cho đợt nắng nóng khắc nghiệt trong những ngày còn lại của tháng 4 và hầu hết tháng 5.

Chuyên gia David Karoly tại Đại học Melbourne, Australia cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết bất thường, khiến nắng nóng khắc nghiệt diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn. Tôi không thể nói đợt nắng nóng này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn sẽ có những giai đoạn nhiệt độ tăng cao cùng với những tác động kéo dài của biến đổi khí hậu. Chừng nào chúng ta chưa thể đảo ngược được những tác động của biến đổi khí hậu thì các đợt nắng nóng tại châu Á sẽ còn kéo dài, với tần suất, cường độ và quy mô lớn hơn.”

Mặc dù nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á tăng lên mỗi thập niên kể từ năm 1960, song một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất của đợt nắng diện rộng tại khu vực hiện nay là thời gian kéo dài. Nhóm nghiên cứu khí hậu Thụy Sĩ IQ Air cho rằng, đợt nắng nóng hiện nay là do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết El Niño. Điều này đã dẫn đến nhiệt độ cao chưa từng thấy trên toàn khu vực. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, IQ Air cho biết, hiện chưa thể dự báo chu kỳ nắng nóng sẽ kết thúc vào khi nào bởi việc giảm nhiệt sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mô hình thời tiết và nỗ lực của các chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Một trong những nỗ lực đang được Malaysia triển khai là tạo mưa nhân tạo. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Adly Zahari, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế bởi phải tính đến các yếu tố thời tiết khác nhau như điều kiện mây và gió. Tại Singapore, một số trường học đã yêu cầu học sinh mặc đồ tập thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn cho đến khi có thông báo mới, do nhiệt độ cao liên tục trong những tuần gần đây. Còn tại Philippines, hàng trăm trường học đã buộc phải cho học sinh nghỉ học sau khi nhiệt độ hàng ngày tăng mạnh lên tới 42 độ C.

TRUNG ĐÔNG CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN

Tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông thời điểm này đang bị đẩy lên cao độ, sau khi Iran ra tuyên bố sẽ trả đũa vụ tấn công của Israel nhằm vào lãnh sứ quán nước này tại Syria đầu tháng này. Trước tuyên bố của Iran, Israel cũng đang chuẩn bị các kịch bản để đối phó.

Ngoại trưởng Iran trong chuyến thăm Oman mới đây đã gửi đi thông điệp nói rằng họ sẽ tấn công trả đũa Israel theo cách tránh làm xung đột leo thang nghiêm trọng và cũng sẽ không hành động vội vàng. Thông điệp ngoại giao của Iran cho thấy cách tiếp cận thận trọng của quốc gia Hồi giáo này trong việc cân nhắc hình thức đáp trả vụ tấn công mà họ cáo buộc do Israel đã thực hiện ngày 1 tháng 4 vừa qua làm một số sĩ quan cao cấp của Iran thiệt mạng.

Ngay sau tuyên bố của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này đang tiếp tục hành động quân sự ở Dải Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản ở những nơi khác ở bên ngoài vùng lãnh thổ này.

“Chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến ở Gaza, cuộc chiến vẫn tiếp diễn với toàn lực lượng. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để trả lại tự do cho các con tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản thách thức. Và chúng tôi đã thiết lập một chiến lược nguyên tắc đơn giản. Đó là bất cứ ai làm tổn thương chúng tôi, chúng tôi sẽ có hành động đáp trả. Chúng tôi đang chuẩn bị đáp ứng các nhu cầu an ninh của Nhà nước Israel cả trong phòng thủ lẫn tấn công”, ông Netanyahu nhấn mạnh.

Tuyên bố của cả Israel và Iran cho thấy, cả hai bên đều đang chuẩn bị các kịch bản cho một cuộc xung đột. Nguy cơ một cuộc xung đột mới giữa Israel và Iran là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến ỏ Dải Gaza chưa có hồi kết. Điều này sẽ khiến khu vực Trung Đông bị lún sâu vào vòng xoáy của xung đột.

Diễn biến tại khu vực đã khiến dư luận không khỏi quan ngại. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Mỹ đã liên lạc với Iran để khẳng định họ không liên quan đến cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà ngoại giao của Iran ở Syria. Cùng lúc, Mỹ đã tăng cường đề phòng trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công.

Đại sứ quán Mỹ tại Israel hôm qua cho biết họ đã yêu cầu các nhân viên chính phủ Mỹ và người thân của họ hạn chế đi lại vì mục đích cá nhân bên ngoài một số khu vực ở Israel bao gồm vùng đô thị Tel Aviv, Jerusalem. Cảnh báo an ninh này được áp dụng cho đến khi có thông báo mới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/4 cũng đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và những người đồng cấp khác, trong đó, ông kêu gọi các bên sử dụng ảnh hưởng để ngăn cản Iran tấn công Israel.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã kêu gọi các nước Trung Đông thể hiện sự kiềm chế và ngăn chặn khu vực rơi vào hỗn loạn. Theo ông Peskov, Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Iran.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Iran, ngoại trưởng các nước Đức và Anh cũng kêu gọi Iran kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh về nguy cơ xung đột lan rộng nếu một trong hai bên không thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.

Các nước trong khu vực đang trong tình trạng cảnh giác cao và chuẩn bị cho khả năng Iran có hành động tấn công đáp trả. Một số hãng hàng không trong đó có hãng Lufthansa của Đức hôm qua cho biết hãng này kéo dài thời gian đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Iran của Iran có thể cho đến ngày 13/4 tới do lo ngại tình hình hiện nay ở Trung Đông.

2 CÔNG TY CỦA MỸ BỊ TRUNG QUỐC TRỪNG PHẠT VÌ ‘HỖ TRỢ BÁN VŨ KHÍ CHO ĐÀI LOAN’

Trung Quốc hôm 11/4 công bố các biện pháp trừng phạt hiếm hoi đối với hai công ty quốc phòng của Hoa Kỳ vì cái mà họ gọi là hỗ trợ bán vũ khí cho Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình và sẽ bị giành lại bằng vũ lực nếu cần thiết.

Thông báo này đã đóng băng tài sản của General Atomics Aeronautical Systems và General Dynamics Land Systems ở Trung Quốc, đồng thời cấm ban quản lý của các công ty nhập cảnh vào nước này.

Hồ sơ cho thấy General Dynamics vận hành hơn một chục hoạt động dịch vụ hàng không và máy bay phản lực ở Trung Quốc, quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ hàng không vũ trụ nước ngoài ngay cả khi họ nỗ lực xây dựng sự hiện diện trong lĩnh vực này.

Công ty này cũng giúp sản xuất xe tăng Abrams đang được Đài Loan mua để thay thế lớp binh giáp lỗi thời nhằm ngăn chặn hoặc chống lại cuộc xâm lược từ Trung Quốc.

General Atomics sản xuất máy bay không người lái Predator và Reaper được quân đội Hoa Kỳ sử dụng. Chính quyền Trung Quốc không đưa ra chi tiết về cáo buộc công ty có liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Bắc Kinh từ lâu đã đe dọa các biện pháp trừng phạt như vậy, nhưng hiếm khi ban hành chúng khi nền kinh tế nước này gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh.

“Việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho khu vực Đài Loan của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba hiệp định Trung-Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Tuyên bố cũng khẳng định rằng Trung Hoa lục địa và hòn đảo, mà lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã chạy trốn đến đây trong cuộc nội chiến năm 1949, vẫn là một phần của một quốc gia Trung Quốc duy nhất.

Các lệnh trừng phạt được áp dụng theo Luật chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài do Bắc Kinh ban hành gần đây, nhằm trả đũa các hạn chế về tài chính và du hành của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Các công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của General Dynamics được đăng ký tại Hong Kong, thành phố bán tự trị phía nam Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đang dần tăng cường kiểm soát chính trị và kinh tế đến mức không gặp phải sự phản đối lớn tiếng nào và những người chỉ trích họ đã bị bịt miệng, bỏ tù hoặc buộc phải lưu vong.

Hai công ty không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của AP.

Trung Quốc đã đe dọa có hành động chống lại các công ty và chính phủ nước ngoài hỗ trợ quốc phòng của Đài Loan và sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, dẫn đến các cuộc tẩy chay thương mại và bế tắc ngoại giao.

Trung Quốc đã cấm các công ty Mỹ Lockheed Martin và Raytheon Missiles & Defense khỏi thị trường Trung Quốc để trả đũa việc họ sử dụng một trong các máy bay và tên lửa của họ để bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám bay qua lục địa Hoa Kỳ vào năm ngoái. Những khinh khí cầu tương tự thường xuyên được phát hiện bay trên không phận Đài Loan và vào khu vực Thái Bình Dương.

Bất chấp việc không có quan hệ ngoại giao chính thức – một sự nhượng bộ mà Washington đã thực hiện với Bắc Kinh khi họ thiết lập quan hệ vào năm 1979 – Mỹ vẫn là nguồn hỗ trợ ngoại giao quan trọng nhất và là nhà cung cấp khí tài quân sự từ máy bay chiến đấu đến hệ thống phòng không cho Đài Loan.

Đài Loan cũng đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng của mình, sản xuất tên lửa và tàu ngầm tinh vi.

Trung Quốc đã điều 14 máy bay chiến đấu và 6 tàu hải quân hoạt động quanh Đài Loan hôm 10-11/4, trong đó sáu máy bay đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan – một chiến thuật nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của Đài Loan, làm suy yếu khả năng của nước này và đe dọa người dân.

Cho đến nay, những hành động trên rất ít có tác dụng, khi đại đa số trong 23 triệu người dân ở quốc đảo phản đối việc thống nhất với Trung Quốc.

CUỘC CHƠI KHÍ ĐỐT ĐẦY MAY RỦI

Sau 15 năm ngần ngại, Pakistan đã triển khai thực hiện thỏa thuận với Iran về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Hòa bình cung ứng khí đốt của Iran cho Pakistan.

Năm 2009, Iran và Pakistan thỏa thuận hợp tác xây dựng "tuyến đường ống dẫn khí đốt Hòa bình" bao gồm khoảng 900 km ở phía lãnh thổ Iran và gần 800 km ở phía lãnh thổ Pakistan.

Lúc đầu, cả Ấn Độ cũng muốn tham gia vì cũng muốn được Iran cung ứng khí đốt như Pakistan. Sau khi Mỹ thực thi những biện pháp chính sách trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của Iran, trong đó có việc cấm Tehran xuất khẩu khí đốt, New Delhi rút lại ý định và Pakistan cũng muốn dừng. Vấn đề ở chỗ nếu không thực thi thỏa thuận năm 2009, Pakistan phải nộp phạt 18 tỉ USD cho Iran. Phía Iran đã đưa ra tối hậu thư cho phía Pakistan là đến cuối tháng 9 năm nay phải quyết định thực hiện thỏa thuận hoặc đền bù. Đoạn tuyến đường ống dẫn khí đốt trên lãnh thổ Iran đã được Tehran hoàn thiện từ cách đây mấy năm. Để tránh phải nộp phạt khoản tiền lớn trên, Pakistan thay đổi quan điểm.

Nhưng trong thực chất không hẳn chỉ có như vậy. Phía Pakistan còn "nhất cử lưỡng tiện" khi việc thực hiện thỏa thuận vừa có thể tránh nộp phạt, vừa có thể tăng vị thế trong quan hệ với Mỹ, Ấn Độ và Nga.

Mỹ muốn ngăn cản kế hoạch trên thì phải giúp Pakistan nộp phạt hoặc cung ứng khí đốt cho Pakistan với giá rẻ. Ấn Độ muốn được Iran cung ứng khí đốt thì phải "lụy" Pakistan. Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận, nên phải tranh thủ Pakistan nếu muốn xuất khẩu khí đốt thông qua Iran. Xem ra, Pakistan đang tạo cuộc chơi may rủi lớn về chính trị thế giới ở khu vực này.

CĂNG THẲNG MEXICO-ECUADOR: LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ NGOẠI GIAO

Vụ lực lượng an ninh Ecuador đột nhập Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito rạng sáng ngày 6/4 bắt giữ cựu Phó Tổng thống nước này - ông Jorge Glas gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất từ trước tới nay giữa hai quốc gia Mỹ Latinh.

Đây là một thách thức lớn đối với quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao được quy định trong Công ước Vienna năm 1961, nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan ngoại giao và mối quan hệ ổn định, hòa bình giữa các quốc gia.

Leo thang căng thẳng

Vụ đột nhập Đại sứ quán Mexico là đỉnh điểm của một chuỗi hành động “ăn miếng trả miếng”, làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, bắt đầu từ ngày 4/12/2023 khi ông Jorge Glas, cựu Phó Tổng thống Ecuador chạy vào Đại sứ quán Mexico ở Quito xin tị nạn với tuyên bố là “nạn nhân của một cuộc đàn áp chính trị”.

Chính phủ Ecuador bác bỏ tuyên bố của ông Glas và ngày 29/2 yêu cầu Đại sứ quán Mexico cho phép tiến hành bắt giữ ông Glas, nhưng đã bị từ chối. Ngày 3/4, Tổng thống Mexico López Obrador lên tiếng công khai chỉ trích cuộc bầu cử vòng hai năm 2023 ở Ecuador là gian lận.

Bộ Ngoại giao Ecuador gọi bình luận của ông Lopez Obrador là “đáng tiếc” và ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố persona-non-grata (người không được chào đón) đối với Đại sứ Mexico tại Ecuador Raquel Serur Smeke.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mexico ra thông cáo coi tuyên bố đó của Ecuador là “không phù hợp” và quyết định cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Jorge Glas. Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfield nhanh chóng chỉ trích đó là hành động “can thiệp công việc nội bộ”, cáo buộc Mexico "đã lạm dụng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao" và coi “việc cấp quyền tị nạn cho những người bị kết án về các tội thông thường là không hợp pháp”.

Sau khi vụ đột nhập xảy ra, Ngoại trưởng Gabriela Sommerfield giải thích với các phóng viên rằng, quyết định tiến vào Đại sứ quán để bắt ông Glas đã được Tổng thống Daniel Noboa đưa ra sau khi xem xét “nguy cơ sắp có chuyến bay đưa ông Glas ra khỏi Ecuador” và mọi khả năng đối thoại ngoại giao với Mexico đã cạn kiệt.

Trong khi đó, Tổng thống Mexico López Obrador gọi vụ đột nhập là “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico”. Chính phủ Mexico tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador và ngay lập tức rút toàn bộ nhân viên ngoại giao ra khỏi nước này. Không dừng lại ở đó, Mexico tuyên bố sẽ khởi kiện Ecuador lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Phản ứng quốc tế

Hầu hết các nước Nam Mỹ lên án vụ đột kích. Nicaragua coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Chính phủ Brazil yêu cầu hành động này của Quito “phải bị phản đối mạnh mẽ, bất kể lý do biện minh cho việc thực hiện nó là gì”.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro cho rằng “phải duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng trên thế giới” và cho biết sẽ tìm kiếm sự bảo vệ pháp lý cho ông Glas. Honduras lên án cuộc đột kích và kêu gọi một cuộc họp của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).

Argentina cho rằng đây là hành vi vi phạm Công ước Caracas. Guatemala, Uruguay, Venezuela và Chile cũng đã chỉ trích Ecuador về động thái nói trên. Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) coi hành động của Ecuador là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và các công ước quy định về tị nạn, đồng thời kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng thường trực về vấn đề này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ quan ngại về cuộc tấn công và “tái khẳng định nguyên tắc cơ bản về quyền bất khả xâm phạm của cơ sở và nhân viên ngoại giao và lãnh sự, nhấn mạnh rằng nguyên tắc này phải được tôn trọng trong mọi trường hợp”. Ông “kêu gọi ôn hòa và khuyến khích cả hai Chính phủ giải quyết những khác biệt của họ thông qua các biện pháp hòa bình”.

Liên minh châu Âu (EU) và Tây Ban Nha lên án vụ tấn công. Một số quốc gia bày tỏ thái độ chậm hơn như Mỹ, Canada và Nga. Mỹ và Canada không lên án trực tiếp vụ tấn công và kêu gọi cả Mexico và Ecuador “giải quyết sự khác biệt”.

Nga tuyên bố “cực kỳ lo lắng về sự xâm nhập vũ trang của lực lượng an ninh Ecuador” và “khẳng định cam kết không điều kiện đối với Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao”. Tuyên bố ngắn gọn nhưng mạnh mẽ của Nga được cho là do trước đó Quito và Moscow đã trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Mexico đề xuất trao vũ khí của Nga cho Mỹ để đổi lấy việc cung cấp trang thiết bị hiện đại hơn từ Mỹ.

Tiền lệ nguy hiểm

Vụ đột nhập Đại sứ quán Mexico ở Ecuador là hành động chưa từng có trong lịch sử ngoại giao. Các đại sứ quán tại một số nước như Lebanon, Argentina, Libya, Indonesia, Iran và Thái Lan từng bị đột kích, nhưng phần lớn được thực hiện bởi các nhóm nổi dậy. Chưa từng có trường hợp nào ghi nhận một quốc gia sở tại tấn công đại sứ quán của một quốc gia khác trên lãnh thổ của mình. Đây là động thái mà ít nhà cầm quyền nào dám làm. Ngay trong Chiến tranh Lạnh, các cường quốc hạt nhân cũng không dám vi phạm chủ quyền của một đại sứ quán khác.

Sự cố này đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của quyền miễn trừ ngoại giao được các nước long trọng cam kết trong Công ước Vienna năm 1961. Theo khoản 1, Điều 22 của Công ước này: “Trụ sở của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. Chính quyền nước tiếp nhận không được vào nơi đó nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện”. Điều 45 Công ước này còn ghi “Nước tiếp nhận, ngay cả trường hợp có xung đột vũ trang, phải tôn trọng và bảo vệ trụ sở cùng với tài sản và hồ sơ của cơ quan đại diện”.

Quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao theo Công ước Vienna là một trong những dấu mốc quan trọng của ngoại giao, bất kỳ sự vi phạm nào đối với nguyên tắc này đều đe dọa phá vỡ sự ổn định và hòa bình giữa các quốc gia. Cuộc tấn công vào đại sứ quán Mexico bộc lộ tính mong manh của quyền miễn trừ ngoại giao và trở thành một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đồng thời làm nổi bật nhu cầu cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao.

Giải pháp pháp lý

Việc Mexico theo đuổi hành động pháp lý thông qua ICJ có khả năng sẽ mang lại giải pháp lâu dài để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao. Trong vụ kiện của Mexico đối với Ecuador, ICJ sẽ phải xem xét hai vấn đề là tính hợp pháp của việc Mexico cấp tị nạn ngoại giao cho ông Jorge Glas và vấn đề Ecuador có vi phạm quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao hay không.

Nếu Tòa thấy rằng ông Jorge Glas bị truy tố hợp pháp vì một tội danh tham nhũng và bị kết án bởi một tòa án thông thường, thì việc Mexico cho tị nạn ngoại giao là sai trái và Mexico có nghĩa vụ giao ông Glas cho Ecuador. Ngược lại, nếu Tòa phán quyết việc tị nạn là hợp pháp, thì Ecuador có nghĩa vụ để ông Jorge Glas rời khỏi lãnh thổ của mình, theo Điều XII của Công ước Caracas mà cả Mexico và Ecuador là thành viên.

Đối với cuộc đột kích của Ecuador vào Đại sứ quán Mexico, ICJ có thể tuyên bố cuộc đột kích này là vi phạm Công ước Vienna 1961, bất kể việc Mexico cấp tị nạn cho ông Jorge Glas là bất thường hay lạm dụng các quyền miễn trừ ngoại giao hay không.

Theo điều 22 của Công ước Vienna 1961, quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan đại diện ngoại giao là không có ngoại lê, nghĩa là bất kỳ sự xâm nhập nào của chính quyền sở tại, kể cả việc truy đuổi kẻ chạy trốn, cũng cần có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan ngoại giao đó.

Theo án lệ của ICJ khi xử vụ Con tin Tehran năm 1979 (đoạn 86), quyền bất khả xâm phạm là một điều khoản tự thân, không chấp nhận thêm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao. Bản thân Ecuador trong vấn đề này cũng ở một vị trí khá phức tạp bởi năm 2012 chính Ecuador đã cấp tị nạn cho người sáng lập WikiLeaks Julian Assange tại đại sứ quán của họ ở London.

Chính quyền Anh cảnh báo Ecuador chứa chấp Assange là không phù hợp với luật pháp quốc tế và họ có thể bắt giữ Assange khi vẫn còn ở trong Đại sứ quán. Ecuador đã phản ứng mạnh mẽ, coi việc xâm nhập không có sự đồng thuận của Đại sứ quán sẽ là một hành động thù địch không thể dung thứ, coi thường Công ước Vienna nên cảnh sát Anh đã không thể vào Đại sứ quán Ecuador để bắt giữ Assange.

Phán quyết của ICJ đối với cuộc đột kích của Ecuador vào Đại sứ quán Mexico sẽ góp phần tạo thêm án lệ, để giải thích rõ ràng hơn và củng cố tính ràng buộc của các quy định của Công ước Vienna 1961 về quyền ưu đãi miễn trừ nói chung và quyền bất khả xâm phạm nói riêng của các cơ quan đại diện ngoại giao trên thế giới.

Nguồn: VOV; Soha; VOA; Thanh Niên; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang