Cơn sốt mua vàng ở TQ; Dân HQ mang hành lá đi biểu tình; Ẩn số bầu cử xứ Hàn; Lỡ hẹn với hòa bình; Ukraine vạch chiến lược mới

SỰ THẬT ĐẰNG SAU CƠN SỐT MUA VÀNG Ở TRUNG QUỐC

Trong hơn một năm trở lại đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã rất tích cực mua vàng. Động thái này, cùng với các cuộc xung đột ở Ukraine, Gaza và chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang đến hồi kết, đã giúp giá kim loại quý tăng vọt liên tục lập những kỷ lục cao mới.

Vàng được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn và là hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ. Do đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine đã đẩy giá tăng mạnh gần đây, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt sau Covid.

Giá vàng trong tuần qua đã lần đầu tiên phá vỡ mức 2.300 USD do các vấn đề địa chính trị, kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất và Trung Quốc tiếp tục tích lũy kim loại quý. Tất cả những yếu tố đó đã thúc đẩy các nhà đầu cơ quan tâm tới vàng.

Về yếu tố Trung Quốc, Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) đã 17 tháng liên tiếp tiến hành mua vàng. Mới đây nhất, tháng 3/2024, PBoC đã bổ sung 160.000 troy ounce vàng vào kho dự trữ của mình, bất chấp giá vàng giao ngay tăng 9,3% trong tháng 3/2024, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Đáng chú ý, đà tăng giá đó vẫn chưa kết thúc, mặc dù USD mạnh và lãi suất thực của Mỹ đang ở mức rất cao.

Dữ liệu chính thức công bố hôm Chủ Nhật (7/4) cho thấy Trung Quốc nắm giữ 72,74 triệu ounce ( 2.257 tấn) vàng tính tới cuối tháng 3/2024, tăng so với 72,58 triệu ounce một tháng trước đó. Giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên 161,07 tỷ USD từ mức 148,64 tỷ USD.

Động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cũng được phản ánh bởi hầu hết các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khác, những tổ chức đều muốn tăng lượng nắm giữ vàng của mình.

Sau cuộc khủng hoảng tài sản, người tiêu dùng Trung Quốc lại choáng váng trước sức hấp dẫn của vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.

Chính xác thì Trung Quốc đã và đang làm gì?

Theo WGC, 2023 là năm Trung Quốc bổ sung lượng vàng cao nhất kể từ ít nhất là năm 1977. Theo đó, PBoC đã mua nhiều vàng hơn tất cả các ngân hàng trung ương nào khác, với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce, tương đương 224,9 tấn, gần bằng 1/4 trong số 1.037 tấn mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua.

Cũng như PBOC, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua tiền vàng, thỏi và đồ trang sức sau khi đầu tư vào bất động sản, đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán nước này giảm giá trị do những khó khăn kinh tế gần đây ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

John Reade, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của WGC cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chứng kiến lượng mua bán lẻ vàng khổng lồ ở Trung Quốc… số lượng mua kỷ lục trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải của nước này”.

Vàng bày bán tại cửa hàng trang sức Luk Fook Holdings International Ltd. ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ngay cả giới trẻ Trung Quốc cũng tích trữ vàng trong thời kỳ kinh tế bất ổn, từ những mảnh vàng bé như những hạt đậu cho đến các dạng trang sức vàng khác nhau.

Tại sao Trung Quốc mua nhiều vàng như vậy?

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô la Mỹ để giao dịch với phần còn lại của thế giới. Là đồng tiền dự trữ của thế giới, hầu hết hàng hóa đều được định giá bằng đô la và hơn một nửa giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đồng bạc xanh.

Trong khi phát triển 30 năm qua để thách thức vị trí nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng đô la.

Nhưng Bắc Kinh lo ngại họ đã trở nên quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBoC.

Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc đang dần giảm lượng nắm giữ USD, vốn đã giảm dần 1/3 kể từ năm 2011 xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Sự sụt giảm đã tăng tốc kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Mục tiêu đa dạng hóa ngoại hối phù hợp với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm sáng lập BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), những quốc gia có nền kinh tế dự kiến sẽ lớn hàng đầu thế giới vào năm 2050.

BRICS thậm chí còn đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong tương lai, điều này có khả năng thách thức đồng đô la với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới.

Tại sao Trung Quốc muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ khỏi đồng USD?

Các quốc gia BRICS, bao gồm cả Trung Quốc, lo ngại rằng Washington đã và đang vũ khí hóa đồng đô la để duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị toàn cầu của mình.

Vị thế của đồng đô la cho phép Mỹ vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều. Washington cũng có thể sử dụng đồng tiền này như một công cụ ngoại giao, chẳng hạn như khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt một số đợt trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga.

Dưới áp lực của Mỹ, hầu hết các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền quốc tế.

Nhà phân tích John Reade của WGC mới đây cho biết: “Tôi nghĩ [các lệnh trừng phạt] đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy nghĩ cẩn thận về lượng dự trữ USD mà họ nắm giữ”.

Trung Quốc lo ngại rằng nước này có thể phải đối mặt với những biện pháp kiềm chế tương tự như Mỹ đã áp dụng với một số nước khác, nếu nước này quyết định phô trương sức mạnh quân sự hơn nữa hoặc nếu cuộc xung đột thương mại với Washington trở nên tồi tệ hơn.

Nhà phân tích John Reade dự đoán Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa còn lâu mới kết thúc.

Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBoC. Con số đó thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương các nước phát triển.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vàng cho rằng giá đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức và nhu cầu tiếp tục của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc có thể không thúc đẩy giá tăng cao hơn nhiều.

Mặc dù vậy, không giống như tiền giấy, vàng có giá trị nội tại vì đây là mặt hàng hiếm, khó khai thác. Vàng cũng có nhiều ứng dụng kinh tế, trong điện tử, nha khoa, công cụ y tế và các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và ô tô.

NGƯỜI DÂN HÀN QUỐC XUỐNG ĐƯỜNG, MANG HÀNH LÁ ĐI BIỂU TÌNH

Từ nguyên liệu đơn giản trong ẩm thực, hành lá đã trở thành biểu tượng để người Hàn thể hiện nỗi phẫn nộ trước tình trạng vật giá leo thang.

Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi tháng 3 ghé thăm siêu thị Hanaro Mart ở Seoul để kiểm tra giá hành lá, nhằm thể hiện nỗi thông cảm trước áp lực tài chính mà các gia đình bình thường Hàn Quốc đang đối mặt. Chuyến thăm được ông Yoon kỳ vọng sẽ giành được ủng hộ của công chúng, nhưng cuối cùng lại khiến họ nghi ngờ ông không thấu cảm với người dân.

Hàn Quốc hôm nay bước vào kỳ bầu cử quốc hội quan trọng. Đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon hy vọng giành lại thế đa số ở quốc hội từ tay đảng Dân chủ đối lập, nhưng chuyến thăm siêu thị khiến ông Yoon bị chỉ trích nhiều hơn.

Trong chuyến thị sát siêu thị, Tổng thống Yoon đặt tay lên kệ bày hành lá, cho rằng mức giá niêm yết 875 won (0,51 USD) một bó là "hợp lý".

Tuy nhiên, giới quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng mặt hàng này chỉ giảm giá trong thời gian ngắn nhờ chính sách trợ cấp của chính phủ. Giá bán lẻ thực tế của hành lá cao gấp 3-4 lần, dao động ở mức 3.000-4.000 won một bó trong những tuần gần đây.

Hành lá, món ăn đơn giản trong ẩm thực Hàn Quốc, đã trở thành biểu tượng thể thiện sự phẫn nộ của cử tri trước tình trạng giá cả tăng chóng mặt ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Ngoài hành lá, giá cả nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng vọt. Giá nông sản tháng 3 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá táo tăng gần 90%, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 1980.

Chuyến thăm siêu thị của ông Yoon thúc đẩy làn sóng ủng hộ những đảng nhỏ hơn và có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực trong cuộc bầu cử quốc hội. Nhiều nông dân cầm theo những bó hành lá xuống đường biểu tình ở Sejong để phản đối nông sản nhập khẩu cũng như tình trạng vật giá leo thang.

Hành lá được các ứng viên đối lập dùng làm đạo cụ khi phát biểu tranh cử, cố gắng thu hút chú ý của những cử tri đang ngồi trên xe buýt ở Seoul.

Truyền thông xã hội tràn ngập biểu tượng hành lá. Một số người đăng ảnh hành lá bên ngoài các điểm bỏ phiếu sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấm mang hành lá tới các địa điểm này vì e ngại "bầu cử bị can thiệp".

Hyun Jung, 36 tuổi, cho hay ban đầu không suy nghĩ tới vấn đề hành lá, "nhưng sau khi nghe được lệnh cấm, tôi đã mua một băng đô hành lá và sẽ đeo nó vào ngày bầu cử".

Nếu đảng của ông Yoon không giành được nhiều ghế hơn và kiểm soát được quốc hội, ông sẽ đối mặt ba năm còn lại trong nhiệm kỳ một cách khó khăn mỗi khi muốn quốc hội thông qua chương trình nghị sự của mình.

"Nếu đảng Quyền lực Nhân dân vẫn chiếm thiểu số sau cuộc tổng tuyển cử, việc hợp tác giữa chính quyền với quốc hội sẽ rất khó khăn", Kang Joo-hyun, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Đại học Phụ nữ Sookmyung, nhận xét. "Tổng thống sẽ bị bó tay bó chân, quyền lực suy giảm".

Theo khảo sát ngày 31/13 của Gallup, đảng Dân chủ đối lập do ông Lee Jae-myung dẫn dắt nhận được 37% phiếu ủng hộ, so với 35% của đảng ông Yoon. Các đảng đối lập nhận định tổng tuyển cử là cơ hội để người dân truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ về cách điều hành nền kinh tế.

Sự bất mãn với nền kinh tế đang trao cơ hội hiếm hoi cho các đảng nhỏ hơn giành chỗ đứng, trong đó có đảng Tái thiết Hàn Quốc do cựu bộ trưởng tư pháp Cho Kuk lãnh đạo.

Trước thềm bầu cử, đảng của ông Cho tuyên bố cạnh tranh 46 ghế nghị sĩ và được dự đoán sẽ giành 10-15 ghế. Nếu giành đủ 15 ghế, đảng Tái thiết Hàn Quốc đủ điều kiện thành lập liên minh ngăn đảng Quyền lực Nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội.

"Nếu các đảng đối lập giành được số ghế đáng kể, vị thế của ông Yoon sẽ lung lay", ông Cho, người buộc phải từ bỏ tham vọng tổng thống sau vụ bê bối tuyển sinh đại học năm 2019, nói.

NHỮNG ẨN SỐ TRONG CUỘC BẦU CỬ Ở HÀN

Cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc khóa 22 tổ chức ngày 10/4 được coi là phép thử đối với đường hướng chính sách của chính quyền đương nhiệm, đồng thời cũng là chỉ dấu đối với đảng Dân chủ (DP) đối lập chính vốn đang chiếm đa số ghế trong quốc hội hiện tại.

Các ứng cử viên sẽ cạnh tranh 300 ghế trong Quốc hội Hàn Quốc khóa mới, trong đó có 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện đảng. Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc được cho là có sự cạnh tranh nội tại gay gắt, cuộc tổng tuyển cử mang ý nghĩa quan trọng với đảng Quyền lực quốc dân (PPP) và chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol. PPP kêu gọi cử tri ủng hộ để giành đa số ghế trong quốc hội khóa mới. Giới quan sát Hàn Quốc nhận định, 48 đơn vị bầu cử tại Seoul là khu vực cạnh tranh quyết liệt nhất và có thể quyết định kết quả bầu cử.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), những chính sách được cử tri quan tâm nhất liên quan tới sinh kế của người dân (33,6%), tiếp theo là tỷ lệ sinh thấp (22,7%), thúc đẩy kinh tế (12,7%). Trong số 5 cam kết tranh cử được cử tri quan tâm hàng đầu của PPP, có 4 cam kết thuộc các lĩnh vực dân sinh, gồm nâng hạn mức bảo hộ người gửi tiền tại các công ty tài chính, mở rộng đối tượng và tiêu chuẩn hỗ trợ tham gia tài khoản tiết kiệm mua nhà cho thanh niên.

Đối với DP, cử tri quan tâm nhất tới hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng chế độ tuần làm việc 4 - 4,5 ngày; tiếp đến là cam kết chi trả tiền trợ cấp kết hôn, thai sản, trợ cấp cho trẻ từ 8-17 tuổi mỗi tháng 200.000 won (148 USD).

Trước thềm bầu cử, xã hội Hàn Quốc có nhiều xáo trộn khi hàng nghìn bác sĩ tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh vào trường y. Gần 9.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập tại các bệnh viện lớn, tương đương khoảng 70% tổng số cả nước, đã nghỉ việc vào cuối tháng 2 vừa qua. Nhiều ca phẫu thuật và điều trị bị hủy bỏ, đồng thời gây ra tình trạng quá tải tại các khoa cấp cứu.

Theo nhận định của nhà báo John Burton trên tờ "The Korea Times", cuộc bầu cử sẽ là bước ngoặt quyết định đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Một chiến thắng thuộc về phe đối lập có nghĩa là nhà lãnh đạo này sẽ không có thực quyền trong phần còn lại của nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 2027. Nhưng nếu giành được đa số tương đối hoặc đa số ghế trong quốc hội, ông có thể bắt đầu những cải cách trong nước hai năm sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2022. Quốc hội Hàn Quốc hiện do phe đối lập kiểm soát cho đến nay đã chặn hầu hết các đề xuất của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Triển vọng bầu cử không chắc chắn do sự rạn nứt của hai đảng chính trị chính là PPP và DP đối lập. Mặc dù PPP dẫn trước DP trong các cuộc thăm dò gần đây nhưng sự gia tăng của các bên thứ ba làm giảm cơ hội chiến thắng của PPP.

Theo thăm dò sơ bộ, PPP có lợi thế rõ ràng ở 76 khu vực bầu cử và 24 quận tranh chấp. Trong khi đó, DP cho rằng họ có lợi thế tại 110 khu vực bầu cử. Cả hai chính đảng này đều nhất trí rằng số khu vực tranh chấp sít sao đã gia tăng khi tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm tăng mạnh. Theo PPP, số khu vực "chiến địa" tăng từ 55 lên 60. Khu vực cử tri cạnh tranh quyết liệt không chỉ là vành đai sông Hàn và còn mở rộng ra cả các vùng ngoại ô Seoul. Các khu vực lâu nay được coi là "thành trì" của đảng PPP theo trường phái bảo thủ là thành phố Busan, Ulsan, tỉnh Nam Kyeungseong hiện cũng có những dấu hiệu thay đổi.

Trong cuộc thăm dò dư luận do KBS tiến hành 1 tuần trước ngày bầu cử, 33% số cử tri đánh giá tích cực về công tác điều hành quốc gia của Tổng thống Yoon Suk Yeol, 62% số cử tri có ý kiến ngược lại. Tỷ lệ ủng hộ cử tri với DP là 35% và PPP cầm quyền là 36%, đảng Công lý xanh là 1%, đảng Cải cách mới là 3%, đảng Tương lai mới - 1%, đảng Tiến bộ - 1%, đảng Đổi mới Tổ quốc - 8%. Số cử tri chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng là 12%.

Ủy ban Bầu cử trung ương Hàn Quốc (NEC) cho biết trong đợt bỏ phiếu sớm (ngày 5 - 6/4), đã có 13.849.043 trong tổng số 44.280.011 cử tri hoàn thành nghĩa vụ công dân. Tỷ lệ bỏ phiếu sớm được ghi nhận là 31,28%, cao nhất trong lịch sử các kỳ tổng tuyển cử và cao hơn 4,59% so với tỷ lệ 26,69% bỏ phiếu sớm trong cuộc tổng tuyển cử liền kề trước đó. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở mức cao đặc biệt, các chuyên gia phân tích chính trị dự đoán cuộc đua tranh trong cuộc bầu cử lần này sẽ sít sao hơn nhiều so với cách đây 4 năm.

Giáo sư Khoa học Chính trị và Ngoại giao thuộc Đại học Quốc gia Seoul Lee Jun-han cho biết nếu trong các cuộc bầu cử trước đây, hiện tượng cử tri cấp tiến thường được vận động bỏ phiếu sớm thì lần này PPP cũng tích cực kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu sớm. Điều này đã làm tăng tỷ lệ bỏ phiếu sớm nói chung. Trong khi đó, theo ông Kim Hyeong-jun, Giáo sư tại Đại học Paichai, kể từ năm 2017, xã hội Hàn Quốc dường như bị chia rẽ mạnh theo hướng phân cực rõ ràng giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ, đồng thời cấu trúc xung đột giữa các hệ tư tưởng và phe phái ngày càng gia tăng, vì vậy tạo ra xu hướng cử tri sẽ tích cực đi bỏ phiếu.

Mới đây nhất, cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2022 có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao nhất trong lịch sử đạt 36,93% và Tổng thống Yoon Suk Yeol theo trường phái bảo thủ đã đắc cử. Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng còn quá sớm để kết luận liệu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao sẽ có lợi cho đảng phái nào. Cử tri Hàn Quốc ngày càng muốn thể hiện lập trường của mình. Họ hoàn toàn có thể bày tỏ bất tín nhiệm đối với chính sách của chính phủ đương nhiệm nhưng cũng có thể phản ánh sự bất mãn đối với đảng đối lập chính vì lý do cản trở guồng quay chính sách hiện tại.

GAZA CHƯA THỂ HÒA BÌNH

Một lệnh ngừng bắn từng được kỳ vọng diễn ra tại Dải Gaza trong tháng lễ ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo.

Cơ hội cho một cuộc ngừng bắn để dẫn đến hòa bình tạm thời cho Dải Gaza đã đóng sập lại, khi lực lượng Hamas ngày 9/4 tuyên bố bác bỏ mọi đề xuất để ngừng giao tranh của Israel.

Một lệnh ngừng bắn từng được kỳ vọng diễn ra tại Dải Gaza trong tháng lễ ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Tuy nhiên, cho đến khi chỉ còn một ngày là đến lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ này vào ngày 10/4 vẫn không có bất cứ lệnh ngừng bắn nào cho dải đất này được đưa ra. Lý do Hamas khước từ đề xuất của Israel thông qua các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar là không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ phía Israel.

Dù vậy, phía Hamas vẫn cho biết sẽ nghiên cứu thêm các đề xuất của phía nhà nước Do Thái về ngừng bắn. Nỗ lực hòa giải như thế chưa thất bại hoàn toàn nhưng tín hiệu này của lực lượng Hamas là vô cùng mong manh có thể dẫn đến cơ hội hòa bình và cũng đánh dấu việc cuộc đàm phán ngừng bắn cho Dải Gaza đến nay không ghi nhận bất cứ tiến triển nào.

Rào cản để hai bên đi đến ngừng bắn là việc các quan điểm mâu thuẫn nhau về điều kiện. Phía Hamas muốn thỏa thuận phải đảm bảo chấm dứt cuộc tấn công quân sự của Israel, rút quân đội Do Thái khỏi Dải Gaza và cho phép những người sơ tán được trở về nhà trên khắp dải đất này.

Trong khi đó, Israel chưa sẵn sàng cho việc chấm dứt chiến dịch tại Dải Gaza mà chỉ đồng ý trả tự do cho một số tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin còn lại bị Hamas bắt giữ ở Gaza.

Sau nửa năm phát động chiến dịch quân sự vào Dải Gaza để trả đũa Hamas tấn công làm chết và bắt cóc hàng nghìn người Do Thái, quân đội Israel vẫn khẳng định mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng này.

Để đạt được mục tiêu, chiến trường tiếp theo trong chiến dịch của Israel là thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza. Quân đội Israel đánh giá đây là cứ điểm cuối cùng của Hamas và buộc phải tấn công để hoàn tất mục tiêu đã đặt ra từ đầu chiến dịch.

Song song với việc cử phái đoàn tới Ai Cập để bắt đầu vòng đàm phán ngừng bắn mới với sự tham gia của các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập, quân đội Israel vẫn thực hiện chiến dịch ở Gaza bất chấp ý kiến phản đối từ nhiều nước.

Đồng minh lớn nhất của họ là Mỹ cũng đang gây sức ép, buộc Israel phải công khai các bước đi cụ thể trong chiến dịch để hạn chế gây tổn hại dân sự cũng cũng như nhân đạo.

Sức ép quốc tế với Israel ngày càng tăng sau vụ quân đội nước này không kích nhầm làm chết 7 nhân viên cứu trợ tại Dải Gaza hồi đầu tháng. Quân đội đã sa thải 2 sỹ quan cấp cao và khiển trách 3 người liên quan khác liên quan đến cuộc không kích được cho là phạm sai lầm vì xử lý sai thông tin và vi phạm quy tắc giao chiến.

Tuy nhiên, động thái trên cũng như chiến dịch quân sự tiếp diễn vẫn đang khiến chính phủ Do Thái hứng chịu sức ép quốc tế. Trong một động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/4 tuyên bố áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Israel cho đến khi nào một lệnh ngừng bắn được thực hiện tại Gaza. Đây cũng là biện pháp phản đối cứng rắn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lên Israel sau 6 tháng xung đột tại Dải Gaza.

Dù những tiếng nói phản đối cũng như biện pháp gây sức ép ngày càng cụ thể, nhưng dường như những điều này vẫn không thể khiến Israel thay đổi mục tiêu quân sự của mình tại Dải Gaza. Điều này đồng nghĩa hòa bình vẫn chưa thể đến, tiếng súng và máu sẽ vẫn tiếp tục đổ trên dải đất nhiều bi thương nhất hành tinh này.

UKRAINE LÊN KẾ HOẠCH PHẢN CÔNG MỚI, QUYẾT LẤY LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT TRONG NĂM 2023

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, kết quả của cuộc phản công mùa hè năm 2023 có thể đã được định đoạt ngay từ trước khi bắt đầu. Ông cũng tiết lộ mục tiêu trọng tâm của Kiev trong cuộc phản công năm nay để đảo ngược tình thế.

Nói về cuộc phản công mùa hè năm 2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, kết quả của chiến dịch này có thể đã được định đoạt ngay từ đầu.

“Phía Nga biết chúng tôi sẽ tấn công vào đâu. Tôi không thể nói làm sao họ biết được điều đó, làm sao họ có được thông tin này. Lịch sử sẽ trả lời”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Axel Springer ngày 9/4.

Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 2, ông Zelensky từng nói rằng, các kế hoạch của Ukraine đã “được đặt trên bàn của Điện Kremlin từ trước khi cuộc phản công bắt đầu”.

Thời điểm đó, Giám đốc Cơ quan tình báo Ukraine, Kyrylo Budanov, cũng nói với CBC News rằng Kiev có bằng chứng cho thấy Nga biết kế hoạch phản công của Ukraine, nhưng ông không nêu thông tin chi tiết.

Hiện vẫn chưa rõ sự rò rỉ đó có thể lan rộng đến mức nào và bao gồm những thông tin nào khác.

Tổng thống Zelensky nói với Axel Springer rằng Ukraine có kế hoạch cho một cuộc phản công vào năm 2024.

“Và cuộc phản công này sẽ phải mang lại cho chúng tôi một số kết quả”, nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm.

Trở lại thời điểm cuối tháng 2, ông Zelensky cho biết, có rất ít người biết về kế hoạch phản công trong năm 2024.

“Càng ít người biết về kế hoạch của quân đội Ukraine thì chiến thắng cho chúng tôi và kết quả bất ngờ dành cho phía Nga sẽ càng đến nhanh hơn”, Tổng thống Ukraine nói.

Lý do Ukraine phản công bất thành trong năm 2023

Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/4, ông Zelensky đã bác bỏ kết luận rằng cuộc phản công năm 2023 đã thất bại nhưng thừa nhận những hạn chế của chiến dịch này.

“Cuộc phản công năm ngoái không thành công lắm. Đúng là chúng tôi không đạt được kết quả như mong muốn”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng có “nhiều lý do” dẫn đến điều đó.

Bên cạnh việc Nga đã biết trước về kế hoạch của Ukraine, ông Zelenskyy cho rằng một số vấn đề là lỗi của Ukraine. Ông cũng nói rằng quân đội Ukraine đã không được trang bị phù hợp.

Ukraine phát động cuộc phản công chống lại Nga vào tháng 6/2023, muộn hơn nhiều tháng so với dự kiến ban đầu, một phần do sự chậm trễ trong quá trình huấn luyện và vũ khí do NATO cung cấp.

Trong số các vấn đề dẫn đến cuộc phản công không đạt được tiến triển là Ukraine thiếu binh lính có kinh nghiệm, trong khi nhiều đơn vị đã sa lầy trong trận Bakhmut. Những lý do khác bao gồm việc hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và các bãi mìn mà Moscow bố trí rộng khắp chiến trường làm cản trở quá trình tiến lên của quân Ukraine, khiến Kiev tổn thất nhiều xe tăng và xe thiết giáp hạng nặng do phương Tây cung cấp.

Cuộc phản công của Ukraine khi đó tìm cách đột phá qua Zaporizhzhia ở phía Nam và chia cắt các lực lượng Nga gần Biển Azov, đồng thời chiến đấu về phía Đông tới Donetsk và bờ Đông sông Dnipro, nhưng Kiev không đạt được mục tiêu nào trong số này. Ukraine được cho là chỉ giành lại được khoảng 500km2 lãnh thổ trong năm 2023.

Các báo cáo trước đây chỉ ra rằng giới lãnh đạo quân sự Ukraine muốn một cuộc phản công táo bạo theo hướng Nam từ một năm trước đó, nhưng Kiev không thể thuyết phục các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ, hỗ trợ thỏa đáng cho kế hoạch này.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/4, ông Zelensky nhấn mạnh rằng, cuộc phản công mùa hè 2023 vẫn có những khía cạnh “tích cực”.

“Những gì chúng tôi đã làm ở Biển Đen là điều tích cực. Chúng tôi đã tạo ra một hành lang ngũ cốc thay thế ở Biển Đen và gây thiệt hại nhiều hơn cho Hạm đội Biển Đen của Nga”, ông Zelensky nói.

“Tất cả những điều này có phải là một thành công lớn không? Một mặt thì không. Nhưng mặt khác, Ukraine đã cầm cự được và đó là một thành công lớn”, ông Zelensky bình luận.

Một trong những khía cạnh nổi bật nhất trong cuộc xung đột hiện nay là khả năng Ukraine sử dụng tàu mặt nước không người lái để tấn công các tàu chiến của Nga ở Biển Đen. Các tàu không người lái này thường tiếp cận mục tiêu vào lúc nửa đêm, áp sát tàu chiến và phát nổ, gây thiệt hại lớn cho đối phương.

Không có lực lượng hải quân phù hợp, Ukraine phải phụ thuộc rất nhiều vào đội tàu bay không người lái trên biển. Những chiếc USV giá rẻ này có thể phá hủy tàu chiến đắt tiền của Nga. Các phương tiện không người lái của Ukraine cũng được nâng cấp theo thời gian, một số mang đầu đạn mạnh hơn, mạnh hơn để gây tổn thất lớn hơn cho đối phương.

Cầu Crimea sẽ là một trong các mục tiêu

Nói về một cuộc phản công thành công trong năm 2024, ông Zelensky cho rằng, điều quan trọng là phải tập trung vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như cầu và sân bay, cụ thể là Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

“Chúng tôi rất muốn điều đó”, ông Zelensky nói khi được hỏi về việc phá hủy cây cầu chiến lược trong năm nay.

Cầu Kerch, hay còn gọi là cầu Crimea từ lâu đã trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine. Cầu được khánh thành vào năm 2018 và được Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là kết nối chiến lược giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea. Cây cầu này đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch để Nga vận chuyển thiết bị trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào cầu Kerch. Tháng 10/2022, một chiếc xe tải đã phát nổ trên cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến giao thông trên cầu bị đình chỉ cho đến tháng 2/2023 trong khi tuyến đường sắt bị đình chỉ đến tháng 5/2023.

Một cuộc tấn công khác xảy ra vào tháng 7/2023.

Tổng thống Zelensky cho hay sẽ không chỉ có mục tiêu cụ thể là cầu Kerch mà còn nhiều địa điểm khác đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của Nga ở Ukraine.

“Sẽ không chỉ có cầu Kerch mà mọi người đang nói đến. Một số cơ sở hạ tầng khác cũng là mục tiêu quân sự. Đó có thể là cây cầu này hay các sân bay nơi máy bay xuất kích. Có những cây cầu khác mà vũ khí được vận chuyển qua đó. Sân bay nơi máy bay xuất kích và ném bom chúng tôi. Đó đều là những mục tiêu chính đáng”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Báo Tin Tức; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang