Mỹ: Nỗi ám ảnh với USD; Hạ viện trước lựa chọn khó; Vụ Trump tiền bịt miệng; Trump ủng hộ Ukraine; Viện trợ 1 tỷ đô 'cứu đói'

THÁCH THỨC VỚI ĐỒNG ĐÔ LA MỸ LỚN DẦN

Đô la Mỹ đã và đang khiến "kẻ khóc, người cười" vì sự đắt đỏ tột cùng của nó.

Kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang bị dập tắt. Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 16/4 nói rằng: “Nước Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để lạm phát về mức 2% - để tạo điều kiện phù hợp cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ”.

Như vậy, “đồng bạc xanh” tiếp tục tăng giá, chỉ số USD Index đạt mức 106,4 điểm so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ quốc tế, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Nhóm G20 sẽ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng Trung ương vào tuần sau tại Washington, trọng tâm nghị sự là “tác động tiêu cực từ sự thống trị của đồng đô la Mỹ với kinh tế toàn cầu”.

Thực ra, lo ngại đã bắt đầu từ cuối năm 2022 khi FED bắt đầu tăng lãi suất, lên tới đỉnh điểm, khiến tất cả đồng tiền của các thành viên G20 đều bị khuất phục, đặc biệt là đồng Yen đã mất giá đến 8%, won mất 5,5%; đồng đô la Australia, đô la Canada và đồng euro giảm lần lượt 4,4%, 3,3% và 2,8%.

Còn hàng chục đồng tiền yếu khác bị trượt giá rất sâu chưa được thống kê cụ thể hoặc vì lý do nào đó nhiều chính phủ không muốn công khai, nhưng người tiêu dùng, nhà xuất nhập khẩu đang oằn minh chống chọi.

Chính phủ các nước ngày càng lo ngại về đà mất giá của đồng nội tệ. Các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với tác động tiêu cực, khi gánh nặng nợ bằng đồng đô la tăng lên cùng với chi phí lãi vay lớn hơn do lãi suất cao hơn. Vậy, những tác động với Việt Nam cụ thể ra sao?

Với kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây, vượt mốc 100 tỷ USD vào cuối năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam thu được thặng dư thương mại cao hơn. Năm 2023, cán cân thương mại của cả nước tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành hưởng lợi lớn nhất nhất là dệt may, gia dày, linh kiện, thiết bị điện tử, mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ,…

Nhưng xem ra, lợi ích này không giữ được lâu, khi sự thuận lợi của doanh nghiệp này đồng thời là bất lợi với doanh nghiệp khác. Lý do là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn hơn khi phải thanh toán bằng đồng USD, phải đi mua USD từ các ngân hàng với giá cao nhưng lại bán ra sản phẩm nội địa bằng tiền Việt.

Từ câu chuyện này cho thấy gì? Để tận dụng cơ hội đồng USD tăng giá, giảm thiểu chi phí - hoàn toàn là vấn đề chủ động của Việt Nam. Nếu chuỗi cung ứng trong nước đủ mạnh giúp các nhà sản xuất giảm bớt nhập khẩu từ bên ngoài (thanh toán bằng USD), qua đó tiết kiệm chi phí, nâng sức cạnh tranh.

Để giải bài toán này, nhiều ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ví dụ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã điều chỉnh giá đồng real, lira và rupiah nhằm ngăn chặn tuột giá sâu.

Thế khó của nhiều nền kinh tế mới nổi hiện nay là chưa dám mạnh tay hạ lãi suất do “bóng ma” lạm phát. Thậm chí, sự lừng khừng của FED trong cắt giảm lãi suất cũng khiến nhiều nền kinh tế mới nổi buộc phải quay lại con đường tăng lãi suất.

Thật khó trông chờ vào FED khi hai ông Jerome Powell và Joe Biden đang “tâm đầu ý hợp”. Chống lạm phát như là mục tiêu tối thượng để ông Biden có thể tự tin thuyết phục cử tri Mỹ trước kỳ bầu cử vào tháng 11 này.

HẠ VIỆN MỸ & CUỘC BỎ PHIẾU QUYẾT ĐỊNH

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, một cuộc bỏ phiếu sẽ được diễn ra vào ngày 20-4 liên quan đến gói viện trợ quân sự bị trì hoãn lâu nay của Mỹ dành cho Ukraine, Israel.

Nhu cầu kiểm soát nhập cư

Phát ngôn trên của ông Johnson được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã đưa ra một gói viện trợ quân sự mới bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, hơn 26 tỷ USD dành cho Israel và 8 tỷ USD dành cho lãnh thổ Đài Loan. Nhiều Hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng dự luật tài trợ cho Israel, Ukraine và đảo Đài Loan đẩy nước Mỹ vào cảnh nợ nần hoặc khủng hoảng tài chính, hoặc làm tổn hại đến vai trò toàn cầu của Mỹ.

Theo CNN, khi cố gắng chuyển hàng tỷ USD viện trợ nói trên, ông Johnson đã phải đặt cược chính sinh mạng chính trị của mình. Nhiều Hạ nghị sĩ cực đoan đảng Cộng hòa cáo buộc ông Johnson phản bội lợi ích của đảng. Hai người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa là Marjorie Taylor Greene của bang Georgia và Thomas Massie của bang Kentucky đang đe dọa sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nếu ông đưa gói viện trợ ra Hạ viện thông qua.

Các đảng viên Cộng hòa cánh hữu khác cũng cảnh báo ông Johnson viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine kèm điều kiện thông qua các biện pháp an ninh biên giới mới để ngăn dòng người nhập cư. Các nhà lập pháp Hạ viện khẳng định không có lợi ích nào của Mỹ lớn hơn việc bảo vệ biên giới phía Nam với Mexico, sau khi số lượng người di cư không có giấy tờ vượt biên tăng cao trong những tháng gần đây.

Sự phản đối ngày càng tăng của cánh hữu đối với các kế hoạch viện trợ nước ngoài của ông Johnson khiến ông quay sang tìm sự ủng hộ của các Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ. Trong lúc đó, Ukraine liên tục lên tiếng rằng sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga nếu không có sự giúp đỡ khẩn cấp từ phương Tây.

Sự thay đổi của Chủ tịch Hạ viện

Các Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đang đứng trước lựa chọn quan trọng: hoặc thông qua gói viện trợ hoặc bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson do ông đã đưa dự luật này ra Quốc hội thông qua. Để xoa dịu, một số viện trợ kinh tế cho Ukraine đã được chuyển đổi thành một khoản cho vay. Trước đó, chính ông Johnson đã nhiều lần bỏ phiếu phản đối việc gửi thêm tiền đến Ukraine và ông đã cẩn thận trong 6 tháng làm chủ tịch Hạ viện để không đi quá xa trước những người chỉ trích từ đảng Cộng hòa về việc tài trợ cho Kiev. Hiện chưa rõ điều gì đã thúc đẩy sự thay đổi trọng tâm của ông Johnson.

Theo CNN, có điều chắc chắn là mức độ gây sốc của cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel vào tuần trước (ngay cả khi đã bị các lực lượng quân sự Mỹ, Israel, Anh và Jordan đẩy lùi) đã khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ mong muốn cấp bách bổ sung kho vũ khí của Israel. Với một số Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có ông Johnson, nhu cầu của Ukraine thậm chí còn cấp bách hơn khi xuất hiện nhiều cảnh báo từ các quan chức tình báo và quốc phòng hàng đầu của Mỹ rằng nếu không có gói viện trợ cực kỳ cần thiết của Mỹ, Kiev có thể thua cuộc.

Theo giới quan sát, nếu bằng cách nào đó có thể sắp xếp việc thông qua các dự luật hỗ trợ Israel và Ukraine vào cuối tuần này, ông Johnson sẽ củng cố vai trò lãnh đạo mà Mỹ đã nắm giữ trong nhiều thập niên qua.

VỤ ÔNG TRUMP DÙNG TIỀN BỊT MIỆNG: TÌM KIẾM BỒI THẨM ĐOÀN KHÔNG THIÊN VỊ

Ông Donald Trump có mặt tại tòa án Manhattan vào ngày 18/4 khi các luật sư tiếp tục tìm kiếm thành viên cho bồi thẩm đoàn để quyết định số phận của vị cựu tổng thống Mỹ trong một phiên tòa hình sự lịch sử chỉ vài tháng trước trận tái đấu sắp tới của ông với Tổng thống Joe Biden.

Bảy bồi thẩm viên đã được lựa chọn sau hai ngày tra hỏi bởi các công tố viên và luật sư của ông Trump – những người được giao nhiệm vụ tìm kiếm những người dân New York có thể công tâm với ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trên địa hạt Manhattan của đảng Dân chủ, nơi ông Trump, một doanh nhân chuyển sang làm chính trị gia, đã nổi tiếng là ông trùm bất động sản cách đây hàng chục năm.

Ông Trump đã không nhận tội đối với 34 cáo trạng về làm giả hồ sơ kinh doanh để che lấp khoản tiền trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.

Phiên tòa xét xử tiền bịt miệng đã bắt đầu vào ngày 15/4. Các bồi thẩm viên được lựa chọn cho đến nay bao gồm một y tá, một kỹ sư phần mềm và hai luật sư doanh nghiệp. Thẩm phán cho biết danh tính của 12 bồi thẩm viên và 6 thành viên dự bị sẽ không được công bố, ngoại trừ đối với ông Trump, công tố viên và các luật sư của ông.

Các cuộc tranh tụng dự kiến bắt đầu vào ngày 22/4.

Một phán quyết có tội sẽ không cấm ông Trump làm tổng thống, nhưng một nửa số cử tri độc lập và 1/4 đảng viên Đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông nếu ông bị kết án, theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kết thúc hôm 8/4.

Cuộc thăm dò tương tự cho thấy 64% cử tri đã đăng ký bỏ phiếu cho rằng khoản tiền bịt miệng ít nhiều là "có nghiêm trọng".

Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 6 đến 8 tuần và ông Trump có thể bị kết tội và tuyên án trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump đã không nhận tội trong ba vụ án hình sự khác, nhưng phiên tòa ở New York có thể là vụ án duy nhất mà ông phải đối mặt trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 5/11.

Trong vụ kiện này, cáo trạng do Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg đưa ra cáo buộc ông Trump che dấu khoản tiền 130.000 đô la trả cho Daniels để giữ cô im lặng về cuộc hẹn bí mật mà cô nói đã có với ông vào năm 2006.

Ông Trump phủ nhận có quan hệ tình cảm với cô Daniels, tên thật là Stephanie Clifford.

Trong hai ngày 15 và 16, các luật sư đã thăm dò một nhóm gần 100 người dân New York được chọn ngẫu nhiên để tìm dấu hiệu thiên vị trong khi ông Trump quan sát từ bàn của bị cáo.

Ít nhất 50 ứng viên bồi thẩm đoàn ngay lập tức được cho ra về sau khi họ nói rằng họ không thể vô tư đối với ông Trump. Điều này cho thấy những thách thức mà các luật sư phải đối mặt trong việc lập bồi thẩm đoàn cho phiên tòa lần đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ.

Hôm 16/4, ông Trump được trông thấy đang nói chuyện với luật sư của mình và ra hiệu về phía một ứng viên bồi thẩm đoàn sau khi người phụ nữ này được gọi đến để thẩm vấn bổ sung, khiến thẩm phán giám sát vụ án phải cảnh báo ông Trump không được đe dọa các bồi thẩm viên tiềm năng.

Thẩm phán Juan Mercan đã đưa ra lệnh ‘khóa miệng’ đối với Trump, cấm ông nói năng công khai về một số người liên quan đến vụ án và gia đình của họ theo những cách nhằm can thiệp vào vụ án.

Các công tố viên hôm 15/4 cho biết ông Trump đã vi phạm lệnh khi đăng tải trên mạng xã hội Truth Social của ông về Daniels và Michael Cohen, cựu luật sư và người dàn xếp trả tiền bịt miệng của ông. Ông Cohen được xem là nhân chứng chính trong vụ xét xử này.

Thẩm phán Mercan đã lên lịch cho việc lắng nghe lời khai vào ngày 23/4 để đưa ra phán quyết về yêu cầu của các công tố viên đề nghị phạt 1.000 USD cho mỗi đăng tải trong số ba bài đăng mà họ đã xác định là vi phạm lệnh ‘khóa miệng’.

Ông Trump cũng đã bị cáo buộc ở Georgia và Washington DC về âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và ở Florida về việc xử lý các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở.

Những vụ án đó vẫn chưa có ngày xét xử.

TRUMP BẤT NGỜ ĐỔI GIỌNG ỦNG HỘ UKRAINE?

Vài ngày trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về gói viện trợ bổ sung dành cho Ukraine, cựu Tổng thống Donald Trump thừa nhận sự tồn tại của Ukraine quan trọng đối với Washington.

"Mọi người đều có quan điểm rằng sức mạnh và sự tồn vong của Ukraine quan trọng với châu Âu nhiều hơn, nhưng nó cũng quan trọng với chúng tôi (Mỹ)", ông Trump bình luận trên mạng xã hội ngày 18/4.

Đây dường như là một trong những thừa nhận đầu tiên của cựu chủ nhân Nhà Trắng rằng sự tồn vong của Ukraine có tầm quan trọng đối với những lợi ích an ninh của Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN năm ngoái, ông từ chối trả lời câu hỏi liệu ông có mong muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không.

Bình luận mới nhất của ông Trump đưa ra chỉ vài ngày trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về các gói viện trợ nước ngoài, trong đó có 61 tỷ USD dành cho Ukraine.

Ông Trump không công khai ủng hộ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng ông ủng hộ cách tiếp cận của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đối với việc điều phối các cuộc thảo luận và bỏ phiếu về viện trợ Ukraine.

Ông Johnson cho biết, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về các dự luật viện trợ nước ngoài vào ngày 20/4, trong đó có gói viện trợ cho Israel và Ukraine. Theo đó, dự luật đề xuất phương án hỗ trợ Ukraine dưới dạng cho vay. Đây cũng là ý tưởng mà ông Trump đã đề cập trước đó.

"Hiện tại, chúng tôi đang xem xét để biến nó thành một khoản cho vay, thay vì một món quà", ông Trump cho biết khi được hỏi liệu ông có ủng hộ đạo luật viện trợ của Ukraine nếu Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật này ra biểu quyết hay không.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, các đồng minh châu Âu cần hỗ trợ Ukraine tương xứng với mức hỗ trợ của Mỹ. "Châu Âu phải bước lên và họ phải cân bằng mọi thứ nếu không tôi rất khó chịu vì thực tế họ bị ảnh hưởng (bởi xung đột Ukraine) nhiều hơn chúng tôi", ông Trump nói.

Trong bài viết đăng trên mạng Truth Social hôm qua, ông bình luận: "Tại sao châu Âu không thể cân bằng số tiền mà Mỹ bỏ ra để giúp đỡ một quốc gia (Ukraine) đang gặp khó khăn tuyệt vọng?".

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, khi cuộc chiến kéo dài và cuộc phản công của Ukraine không đạt được kỳ vọng, các kế hoạch viện trợ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vấp phải sự phản đối ở quốc hội.

Sau nhiều tháng, quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói viện trợ bổ sung hơn 60 tỷ USD cho Kiev.

Trước đó, ông về cơ bản phản đối việc Mỹ chi hàng tỷ USD cho Ukraine. Ông cũng đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Ông khẳng định, nếu ông còn làm tổng thống, xung đột Nga - Ukraine đã không nổ ra.

Ông cũng tuyên bố có thể giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

MỸ TIẾP TỤC LÀ 'LÁ CỜ ĐẦU' GIẢI CỨU NẠN ĐÓI TOÀN CẦU

Ngày 18/4, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USDA) thông báo sẽ viện trợ hàng hóa trị giá 1 tỷ USD của Mỹ cho các quốc gia có tỷ lệ nạn đói cao.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (UNWFP), các quốc gia sẽ nhận được viện trợ - bao gồm CHDC Congo, Yemen, Nam Sudan, Sudan và Haiti - nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nạn đói.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack tuyên bố: "Khi hàng triệu người đang gặp khó khăn trên toàn thế giới, ngành nông nghiệp Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ".

LHQ cảnh báo nạn đói toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn. Năm 2023, có tới 745 triệu người trên toàn thế giới bị đói ở mức độ vừa phải đến nghiêm trọng, khiến thế giới đi chệch khỏi mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030 trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Theo LHQ, nguyên nhân dẫn đến nạn đói gia tăng là xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu và quá trình phục hồi lâu dài sau đại dịch COVID-19 đối với người nghèo trên thế giới. Nạn đói đang gia tăng nhiều nhất ở châu Phi cận Sahara.

USDA cho biết các loại lương thực trồng ở Mỹ sẽ được mua và gửi ra nước ngoài bao gồm ngũ cốc và đậu. Cũng theo USDA, Mỹ cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ nạn đói gia tăng sau đại dịch và cơ quan này đã chi 2,3 tỷ USD để mua thực phẩm cho trường học và ngân hàng thực phẩm trong năm 2022.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Sài Gòn Giải Phóng; VOA; Dân Trí; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang