Mỹ: Hỗn loạn cảnh di cư; Gói chi tiêu 1,2 tỷ USD; 16 tiểu bang kiện Biden; Trump 'cầu cứu'; Thúc đẩy lệnh cấm urani Nga

HỖN LOẠN CẢNH NGƯỜI DI CƯ XÔ ĐỔ HÀNG RÀO Ở BIÊN GIỚI MỸ

Một đám đông người di cư đã xô đổ hàng rào dây thép và vượt qua Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Texas khi cố gắng xâm nhập Mỹ từ Mexico. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh đang có tranh luận gay gắt về vấn đề an ninh biên giới, với việc đảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Joe Biden lơ là nhiệm vụ.

Đoạn video - lan truyền trên mạng xã hội hôm 21/3 cho thấy những người di cư xô đổ hàng rào dây thép và vượt qua một nhóm Vệ binh Quốc gia đang cố gắng ngăn chặn họ.

Những người di cư giơ tay ra hiệu cho nhóm binh sĩ không nổ súng, nhưng chỉ vài giây sau, họ ồ ạt tràn qua, đẩy nhóm binh sĩ sang một bên và chạy về phía cửa khẩu .

Phóng viên New York Post tại hiện trường cho biết vụ việc xảy ra ở cửa khẩu biên giới El Paso (bang Texas). Khoảng 600 người di cư đã tập trung ở phía Mexico trước khi một phần hàng rào biên giới bị xô đổ. Nhưng một nguồn tin giấu tên cho biết nhóm này đã bị đẩy lùi về phía biên giới Mexico.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas được triển khai trong khuôn khổ "Chiến dịch Ngôi sao cô đơn" trị giá 12 tỷ đô la của Thống đốc Greg Abbott nhằm ngăn chặn dòng người di cư vượt biên trái phép vào bang.

Chính quyền của ông Joe Biden đã đệ đơn kiện Texas vì việc dựng hàng rào kiểm soát di cư. Trên thực tế, thẩm quyền trong vấn đề an ninh biên giới thuộc về chính phủ liên bang. Nhưng Thống đốc Abbott đã viện dẫn quyền tự vệ theo quy định của bang này, lập luận rằng việc "Tổng thống Biden lơ là nhiệm vụ đã gây ra một cuộc xâm lược của người di cư".

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp gia tăng đã ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Biden khi ông vận động tái tranh cử vào cuối năm nay.

QUỐC HỘI MỸ CÔNG BỐ GÓI CHI TIÊU 1,2 NGHÌN TỶ USD ĐỂ NGĂN CHÍNH PHỦ ĐÓNG CỬA

Sau nhiều ngày trì hoãn, các nhà lãnh đạo quốc hội Hoa Kỳ đã công bố gói chi tiêu lưỡng đảng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD cho quốc phòng, an ninh nội địa và các chương trình khác vào sáng sớm thứ Năm, cho phép các nhà lập pháp có chưa đầy hai ngày để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa một phần.

Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ bỏ phiếu về gói chi tiêu lớn vào thứ Sáu, khiến Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số chỉ còn vài giờ để thông qua gói sáu dự luật bao gồm khoảng 2/3 trong số 1,66 nghìn tỷ USD chi tiêu của chính phủ cho năm tài chính đã bắt đầu vào ngày 1/10.

Hai nhà đàm phán hàng đầu của Thượng viện – Patty Murray, đảng viên Dân chủ và Susan Collins, đảng viên Cộng hòa – cho biết trong một tuyên bố: “Sáu dự luật cuối cùng này thể hiện sự thỏa hiệp lưỡng đảng và lưỡng viện”.

“Chúng sẽ đầu tư vào người dân Mỹ, xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, giúp giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta và tăng cường an ninh quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của chúng ta”.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo rằng thâm hụt và nợ của Mỹ sẽ tăng đáng kể trong 30 năm tới, dự báo rằng khoản nợ quốc gia 34,5 nghìn tỷ USD, hiện chiếm khoảng 99% GDP, có thể gia tăng và lên tới 166% GDP vào năm 2054.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer nói ông “hy vọng” Quốc hội có thể ngăn chặn tình trạng đóng cửa nếu đảng Dân chủ và Cộng hòa tại thượng viện hợp tác với nhau.

Lịch trình căng thẳng làm tăng nguy cơ chính phủ đóng cửa ít nhất một phần trong thời gian ngắn sau thời hạn nửa đêm thứ Sáu, trừ khi ông Schumer có thể đạt được thỏa thuận với các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện để xúc tiến dự luật.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ca ngợi điều mà ông gọi là một loạt chiến thắng thuộc về Đảng Cộng hòa, từ chi tiêu cao hơn cho quốc phòng và an ninh biên giới của Mỹ cho đến việc Mỹ cắt nguồn tài trợ cho cơ quan cứu trợ chính của Liên Hiệp Quốc chuyên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.

Ông Johnson nói trong một tuyên bố: “Đạo luật phân bổ ngân sách năm tài khóa 2024 này là một cam kết nghiêm túc nhằm tăng cường quốc phòng của chúng ta bằng cách đưa Lầu Năm Góc tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình”.

Đảng Dân chủ cho biết họ đã chặn một số khoản cắt giảm và biện pháp chính sách của Đảng Cộng hòa, đồng thời ca ngợi các ngân quỹ nhằm giảm chi phí chăm sóc trẻ em, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và chống lại dòng chảy của fentanyl.

“Chúng ta đã đánh bại những khoản cắt giảm kỳ quặc có thể là cú giáng mạnh vào các gia đình Mỹ và nền kinh tế của chúng ta - và chúng ta đã chống lại hàng loạt chính sách cực đoan có thể hạn chế các quyền tự do cơ bản của người Mỹ, gây tổn hại cho người tiêu dùng trong khi mang lại cho các tập đoàn khổng lồ một lợi thế không công bằng, và hành động kéo lui tình trạng khí hậu mang tính lịch sử”, ông Murray, chủ tịch Đảng Dân chủ của Ủy ban Thẩm định Thượng viện, nói.

Hai tuần trước, Quốc hội vào phút chót đã tránh được việc đóng cửa có thể ảnh hưởng đến các chương trình nông nghiệp, giao thông và môi trường.

Văn bản được công bố hôm thứ Năm chứa đầy các chi tiết của một thỏa thuận về nguyên tắc giữa ông Johnson và ông Schumer, mà Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã cam kết ký thành luật.

Với đa số mỏng manh của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện là 219-213, ông Johnson sẽ phải dựa vào phiếu bầu của Đảng Dân chủ để đưa dự luật chi tiêu lên Thượng viện.

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện dự kiến vẫn sẽ phản đối đạo luật này, bao gồm cả những người theo đường lối cứng rắn muốn cắt giảm chi tiêu mạnh hơn.

Bên cạnh các Bộ An ninh và Quốc phòng Nội địa, dự luật sẽ tài trợ cho các cơ quan bao gồm Bộ Ngoại giao và Sở Thuế vụ trước thời hạn nộp hồ sơ nộp thuế vào ngày 15/4.

NGUYÊN NHÂN 16 TIỂU BANG NHẤT TRÍ KIỆN TỔNG THỐNG MỸ JOE BIDEN

Vụ kiện được khởi xướng với lập luận rằng Nhà Trắng đang đi ngược lại ý định của Quốc hội và chính sách đã có từ hàng thập kỷ của Mỹ.

Texas – nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên hàng đầu của Mỹ, cùng 15 tiểu bang khác do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, hôm 21/3 đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Louisiana để phản đối việc chính quyền Biden đình chỉ phê duyệt các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Vụ kiện chống lại Tổng thống Joe Biden và Bộ Năng lượng Mỹ đã được khởi xướng với lập luận rằng Nhà Trắng đang đi ngược lại ý định của Quốc hội và chính sách đã có từ hàng thập kỷ của Mỹ.

“Lệnh cấm sẽ đẩy hàng tỷ USD đầu tư ra khỏi Texas, cản trở khả năng tối đa hóa doanh thu của chúng tôi cho các trường công lập, buộc các nhà sản xuất ở Texas phải đốt khí đốt tự nhiên dư thừa thay vì đưa nó ra thị trường và triệt tiêu các công việc quan trọng”, Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Năng lượng Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Bloomberg. LNG là khí đốt đã được làm lạnh đến mức chuyển thành chất lỏng để có thể được chất lên các tàu chở hàng lỏng và vận chuyển đi khắp thế giới theo các hải trình.

Chính quyền Biden tuyên bố hồi cuối tháng 1 rằng họ đang tạm dừng cấp phép cho các dự án xuất khẩu LNG mới để đánh giá xem lĩnh vực này ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia.

“Việc tạm dừng phê duyệt các dự án LNG mới là để thấy cuộc khủng hoảng khí hậu thực chất là gì: Mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta”, ông Biden nói vào thời điểm đó.

Mỹ chỉ bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2016 nhưng nhanh chóng trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới, một phần do châu Âu quay lưng với khí đốt qua đường ống của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 năm trước.

Động thái đình chỉ cấp phép của Nhà Trắng đánh vào tâm điểm của cuộc tranh luận về tương lai của năng lượng. Trong khi những người ủng hộ cho rằng khí đốt rất quan trọng trong việc hạn chế sử dụng than đá ở các quốc gia đang phát triển, các nhà môi trường cảnh báo rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh LNG sẽ khiến nó được sử dụng trong nhiều thế hệ mai sau.

Việc tạm dừng sẽ “làm gián đoạn quá trình phát triển và sản xuất khí đốt tự nhiên và khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ đến tòa án để thực thi luật pháp”, Tổng chưởng lý Louisiana Liz Murrill cho biết trong một tuyên bố sau khi nộp đơn kiện.

Lệnh đình chỉ phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới được đưa ra khi ông Biden tìm cách thu hút sự ủng hộ từ các cử tri trẻ vốn hăng hái với các vấn đề môi trường trong cuộc tái đấu cam go ở Nhà Trắng.

Ông có thể sẽ phải đối mặt với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người gọi hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra là một “trò lừa bịp” và đã tuyên bố sẽ phá hủy chương trình nghị sự về khí hậu của đối thủ Đảng Dân chủ.

Theo kế hoạch của ông Biden, các đơn đăng ký xuất khẩu LNG mới sẽ phải được xem xét trong khoảng thời gian không xác định, có tính đến khí hậu cũng như các tác động kinh tế và môi trường rộng hơn.

Sự đình chỉ này sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của hơn chục cơ sở xuất khẩu LNG đã được lên kế hoạch.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường hoan nghênh động thái của chính quyền Biden, vốn loại trừ các nhà máy đã được phê duyệt nhưng chưa được xây dựng và có ngoại lệ đối với các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia

ÔNG TRUMP "CẦU CỨU" NGƯỜI ỦNG HỘ

Trước nguy cơ phải bán tài sản để trang trải chi phí pháp lý ngày càng tăng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi người ủng hộ hỗ trợ tài chính.

Theo Guardian, trong thư gửi đến người ủng hộ ngày 21/3, cựu Tổng thống Trump nói rằng: "Đảng viên Dân chủ điên khùng Letitia James muốn tịch thu tài sản của tôi ở New York, bao gồm Tháp Trump".

Ông Trump nói thêm: "Đảng Dân chủ nghĩ rằng điều này sẽ khiến tôi sợ hãi. Họ nghĩ rằng nếu họ lấy tiền của tôi để ngăn chặn chiến dịch của tôi thì tôi sẽ bỏ cuộc. Họ nghĩ các bạn sẽ bỏ rơi tôi, bỏ rơi đất nước. Nhưng có một điều họ không biết đó là: Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc".

Thẩm phán bang New York tháng trước đã yêu cầu cựu Tổng thống Trump nộp phạt 454,2 triệu USD sau khi ông bị kết tội thao túng giá trị tài sản ròng. Số tiền bao gồm khoản phạt 354,9 triệu USD cộng với số tiền lãi sau phiên tòa kéo dài hơn 3 tháng. Nếu ông Trump không nộp phạt đúng hạn vào đầu tuần tới, Tổng chưởng lý của bang có thể bắt đầu tìm cách tịch thu tài sản của ông.

"Nếu ông ấy không có tiền để đóng khoản phạt thì chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ chế thi hành án tại tòa án và chúng tôi sẽ yêu cầu thẩm phán tịch thu tài sản của ông ấy", Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cho hay.

Ông Trump đã phủ nhận hành vi sai trái trong tất cả các vụ án hình sự và dân sự mà ông phải đối mặt. Ông đã nhiều lần mô tả vụ án dân sự ở New York là một vụ "trả thù chính trị" của Tổng chưởng lý Letitia James.

Các luật sư của ông Trump đầu tuần này cho biết, ông vẫn chưa tìm được bên bảo lãnh số tiền phạt 454 triệu USD, khiến ông chưa thể kháng cáo.

Guardian dẫn nguồn thạo tin cho biết, hôm 21/3, Văn phòng Tổng chưởng lý New York đã thực hiện các bước đầu tiên cho kế hoạch tịch thu các tài sản của ông Trump gồm một sân golf, một bất động sản ở phía bắc Manhattan. Các bước tương tự cũng được thực hiện ở thành phố New York, nhưng chưa tiến hành với Florida, nơi ông Trump và gia đình đang sinh sống.

Ông Trump hôm 19/3 cho biết, ông có thể phải thế chấp hoặc bán một phần bất động sản của mình để trả khoản phạt. "Chưa ai từng nghe đến điều gì như thế này trước đây. Tôi sẽ buộc phải thế chấp hoặc bán các tài sản lớn, có lẽ với giá siêu rẻ", ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Ông Trump đang đối mặt với thách thức về tài chính khi phải cân bằng giữa việc huy động tiền cho cả chiến dịch tranh cử và trang trải chi phí pháp lý trong bối cảnh ông đối mặt với hàng chục cáo buộc hình sự.

Các hồ sơ cho thấy, ông Trump huy động được ít tiền hơn so với Tổng thống Joe Biden. Cụ thể, trong tháng 2, ông Trump huy động được gần 22 triệu USD, và hiện có trong tay 42 triệu USD. Trong khi đó, ông Biden huy động được khoảng 53 triệu USD và có trong tay 155 triệu USD.

MỸ THÚC ĐẨY LỆNH CẤM URANI CỦA NGA

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã kêu gọi Quốc hội nước này cấm nhập urani từ Nga để hỗ trợ phát triển nhiên liệu trong nước cho các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Vào tháng 12/2023, các nhà lập pháp Mỹ đã nỗ lực đưa ra lệnh cấm nhập khẩu urani từ Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt chống lại Moscow liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, dự luật đã bị đình trệ tại Thượng viện Mỹ.

Theo thỏa thuận mà các nhà lập pháp đạt được, việc thông qua lệnh cấm urani của Nga sẽ giải phóng nguồn vốn để phát triển nhiên liệu trong nước, mở rộng việc làm giàu urani nội địa và sản xuất nhiên liệu urani đặc biệt - được gọi là urani làm giàu ở mức độ cao, hay HALEU - cho các lò phản ứng thế hệ tiếp theo.

Bà Jennifer Granholm - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ - nói trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 20/3: "Hy vọng rằng chúng tôi có thể ban hành lệnh cấm đó để 'mở khóa' cho những khoản tiền. Tôi thực sự hy vọng và khuyến khích Quốc hội làm điều đó để chúng tôi có thể hành động nhanh chóng".

Số liệu thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã nhập khẩu urani của Nga trị giá 1,2 tỷ USD vào năm 2023, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo hãng thông Nga RIA Novosti, lượng mua của Mỹ đã tăng gấp đôi trong tháng 12/2023, lên 193,2 triệu USD, sau nỗ lực cấm cung cấp của Nga. Tổng giá trị vận chuyển urani trong năm đã tăng 43%.

Theo tính toán của S&P Global, Nga vẫn là nhà cung cấp urani hàng đầu cho Mỹ về mặt giá trị và đứng thứ tư về khối lượng, trong đó Canada đứng đầu.

Mỹ có trữ lượng urani riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Nga có tổ hợp làm giàu urani lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu. Theo một số ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư lớn để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu urani đã làm giàu của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

Nguồn: Soha; VOA; Người Đưa Tin; Dân Trí; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang