Mỹ: Đề xuất 'thuế tỷ phú'; Khai thông bế tắc ngân sách; Trump tiếp tục tạo sóng, lo bán tháo BĐS; Cấm tài trợ cho UNRWA

MỸ: ĐỀ XUẤT 'THUẾ TỶ PHÚ' CÓ HIỆU QUẢ?

Lời kêu gọi đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu của Tổng thống Joe Biden một lần nữa gây ra sự chú ý sâu rộng trong công chúng Mỹ.

Trong đề xuất ngân sách năm 2025 công bố mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắm đến giới siêu giàu và nhắc lại kế hoạch đánh thuế 25% đối với những người Mỹ có tài sản hơn 100 triệu USD.

Ông Biden nhấn mạnh không có tỷ phú nào được trả mức thuế thấp hơn giáo viên, nhân viên vệ sinh và y tá. Kế hoạch này từng khơi dậy một cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về phương án tốt nhất để đánh thuế tài sản của những người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề trên đã có tầm quan trọng đặc biệt trong năm nay khi các chính phủ trên toàn cầu tìm kiếm những cách thức mới để giải quyết vấn đề tài chính công đang suy giảm và tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.

Tháng trước, các bộ trưởng tài chính toàn cầu họp tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil cho biết họ đang xem xét kế hoạch đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với 3.000 tỷ phú trên thế giới để đảm bảo giới siêu giàu có đóng góp công bằng cho xã hội.

Những ý tưởng như vậy thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của một số người giàu nhất thế giới. Đầu năm 2024, mạng lưới những người được gọi là Patriotic Millionaires (tạm dịch là "triệu phú yêu nước") đã ký một bức thư tới các nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi tăng thuế đối với người giàu. Trong số 260 người ký tên có người thừa kế hãng phim truyện Disney Abigail Disney và ngôi sao Brian Cox của loạt phim “Succession”.

Ông Phil White, một chủ doanh nghiệp nhấn mạnh đóng góp nhiều hơn cho xã hội là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất về tính hiệu quả của thuế tài sản và mức độ khả thi của phương án này trên thực tế.

Thuế tài sản là gì?

Thuế tài sản là một loại thuế “trên diện rộng” đánh vào giá trị của tất cả - hoặc hầu hết - tài sản thuộc về một cá nhân hoặc hộ gia đình giàu có, chẳng hạn như tiền mặt, tài sản, xe cộ, đồ trang sức và các mặt hàng có giá trị khác.

Không giống như thuế thu nhập được tính dựa trên thu nhập hàng năm và thuế trên thặng dư vốn được đánh vào lợi nhuận tích lũy từ việc bán tài sản, thuế tài sản được coi là một cách hạch toán tổng thể hơn về tổng tài sản của một cá nhân.

Những loại thuế như vậy từng phổ biến ở châu Âu, mặc dù việc thực hiện đã giảm dần vào đầu thế kỷ 21 trong bối cảnh có nhiều nghi vấn về tính hiệu quả và sự chuyển dịch rộng rãi hơn sang mức thuế suất cao hơn.

Tính đến năm 2024, Thụy Sỹ, Na Uy, Tây Ban Nha nằm trong số ít quốc gia áp dụng một số hình thức thuế tài sản. Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia đi theo ý tưởng này. Colombia đã đưa ra thuế tài sản vào năm 2022.

Theo ông Arun Advani, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Warwick, Arun Advani, cho rằng các chính sách thuế tài sản hiệu quả nhất là những chính sách có mục tiêu và cụ thể.

Ông Advani nhấn mạnh nếu muốn thuế tài sản thực sự có hiệu quả ở mức cao nhất, cần bắt đầu ở một ngưỡng khá cao.

Cuộc "di cư" của tài sản

Tuy nhiên, các chuyên gia thuế lưu ý rằng ngay cả những chính sách thuế tài sản được thiết kế tốt cũng khó có thể thực thi trên thực tế, với những câu hỏi nảy sinh về tài sản nào sẽ bị đánh thuế và ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá giá trị của chúng.

Bên cạnh đó, các nhà phê bình chỉ ra nguy cơ di cư của cải ngày càng tăng trong giới siêu giàu sang các thiên đường thuế. Động thái sẽ làm suy yếu những nỗ lực ban đầu của chính phủ nhằm tăng nguồn thu thuế.

Christine Cairns, đối tác thuế cá nhân tại PwC cho biết, các cá nhân đang nhìn vào các quốc gia khác để xem liệu thuế tài sản được áp dụng có đáng để chuyển hay không?

Vào năm 2022, khi Na Uy tăng thuế tài sản đối với những người có tài sản trên 20 triệu kroner Na Uy (1,8 triệu USD), nhiều người đã đổ xô đến Thụy Sỹ. Doanh nhân Tord Kolstad là một trong khoảng 70 người Na Uy siêu giàu đã rời đi vào năm 2023.

Tord Kolstad, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn bất động sản Na Uy T. Kolstad Eiendom, cho biết việc tăng gấp đôi mức thuế từ ngày này sang ngày khác là lý do các chủ doanh nghiệp Na Uy buộc phải rời khỏi đất nước.

Các nhà nghiên cứu cũng bất đồng về rủi ro của thuế tài sản. Dữ liệu cho thấy thuế tài sản chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu thuế ở những quốc gia áp dụng thuế này và những khoản thu nhập này không tăng nhiều theo thời gian.

Theo ông Advani, cơ quan thuế tốn nhiều chi phí hơn, vì họ sẽ cần phải thực hiện định giá bổ sung.

Giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo

Những người ủng hộ thuế tài sản lập luận rằng doanh thu được tạo ra từ loại thuế này có thể đánh dấu một bước quan trọng trong việc giải quyết khoảng cách giàu nghèo.

Oxfam cho hay bất bình đẳng giàu nghèo toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, trong đó 1% người giàu nhất chiếm tới 66% tổng số tài sản mới được tạo ra kể từ năm 2020. Trong khi 50% dân số nghèo nhất toàn cầu hiện chỉ sở hữu 2% tổng tài sản ròng, chỉ 10% người giàu nhất nắm giữ 76% tổng tài sản. Trong số đó, 1% người giàu nhất sở hữu khoảng hơn 66%.

Theo đề xuất của ông Biden, mức thuế 25% đối với những người có trên 100 triệu USD sẽ huy động được 500 tỷ USD trong 10 năm để giúp tài trợ cho các phúc lợi như chăm sóc trẻ em và nghỉ phép có lương cho các bậc cha mẹ.

Một báo cáo năm 2023 từ tổ chức nghiên cứu độc lập EU Tax Observatory, ước tính ngay cả mức thuế 2% đối với 2.756 tỷ phú nổi tiếng trên thế giới cũng có thể thu về 250 tỷ USD mỗi năm. Một báo cáo riêng của Oxfam vào năm 2023 cho thấy mức thuế 5% đối với nhiều triệu phú và tỷ phú trên thế giới có thể huy động được 1.700 tỷ USD mỗi năm - đủ để giúp 2 tỷ người thoát nghèo.

Một cuộc khảo sát năm 2024 của Patriotic Millionaires cho thấy hơn một nửa (58%) triệu phú từ các nước G20 ủng hộ mức thuế 2% đối với tài sản trên 10 triệu USD và ba phần tư (74%) ủng hộ việc tăng thuế đối với người giàu nói chung.

Tuy nhiên, một số người đặt ra nghi vấn liệu những lời kêu gọi như vậy có thể là cách để những người giàu nhất thế giới bảo vệ mình khỏi sự phân phối lại của cải một cách triệt để hơn trong tương lai hay không.

KHAI THÔNG BẾ TẮC NGÂN SÁCH TẠI QUỐC HỘI LƯỠNG VIỆN MỸ

Ngày 19/3, lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận để duy trì nguồn tài chính cho Chính phủ đến hết tài khóa (bắt đầu từ tháng 10/2023), qua đó khởi động việc hoàn thiện và thông qua dự luật nhằm tránh nguy cơ Chính phủ đóng cửa vào cuối tuần này.

Chủ tịch Hạ viện - Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Johnson, và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer đã thông báo thỏa thuận trên. Điểm mấu chốt cuối cùng là nguồn tài trợ cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, trong bối cảnh lượng người di cư gia tăng ở biên giới Mỹ - Mexico đã trở thành vấn đề gai góc trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Dự luật sẽ chi trả khoảng 75% chi tiêu của Chính phủ cho tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2024, bao gồm tài trợ cho quân đội, giao thông, nhà ở và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi vẫn còn liên quan đến khoản nợ công lên tới 34.500 tỷ USD và đang tiếp tục "phình to". Đầu tháng này, Tổng thống Biden và Hạ viện đã đưa ra đề xuất ngân sách cho tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2024, với những ưu tiên hoàn toàn trái ngược nhau.

Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua các dự luật chi trả khoảng 1/3 ngân sách (460 tỷ USD) và nỗ lực khơi thông gói chi tiêu lớn hơn gồm 6 dự luật phân bổ ngân sách còn lại để tài trợ cho các Bộ Quốc phòng, Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, An ninh Nội địa và những ưu tiên khác trước thời hạn chót vào nửa đêm 22/3 tới. Tổng cộng, 2 gói chi tiêu này trị giá 1.660 tỷ USD. Thỏa thuận mới đạt được giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã khai thông bế tắc.

Tổng thống Biden đã hoan nghênh diễn biến tích cực này và bày tỏ mong muốn sớm được ký ban hành dự luật chi tiêu nói trên.

ÔNG TRUMP TIẾP TỤC GÂY SÓNG GIÓ CHO NATO

Ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump nhắc lại rằng Mỹ sẽ chỉ giúp bảo vệ các thành viên NATO khỏi một cuộc tấn công trong tương lai nếu các thành viên châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng.

Trong cuộc phỏng vấn với GB News được phát sóng vào ngày 19-3, ông Trump nhắc lại những bình luận từng gây tranh cãi vào tháng 2.

Khi đó, ông nói trong một cuộc vận động tranh cử rằng ông sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu nước này không chi tiêu đủ cho quốc phòng.

Cựu Tổng thống Trump thường xuyên nhắm vào việc nhiều thành viên trong số 32 thành viên của NATO không đáp ứng được mục tiêu chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Theo Reuters, quân đội Mỹ là cốt lõi sức mạnh quân sự của NATO. Ước tính của tổ chức này cho thấy chỉ 11 thành viên đang đáp ứng được mục tiêu kể trên.

Sau bình luận hồi tháng 2 của ông Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng ông dự kiến 18 đồng minh sẽ đạt được mục tiêu chi 2% GDP vào năm 2024.

Bảo vệ những bình luận hồi tháng 2 của mình, cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh ông không quan tâm liệu các đối thủ chính trị có sử dụng chúng để chống lại ông trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 5-11 hay không.

Đối thủ của ông trong cuộc bầu cử này là đương kim Tổng thống Joe Biden - một người ủng hộ trung thành của NATO.

"Tôi không quan tâm liệu họ có sử dụng những bình luận của tôi hay không. Bởi vì điều tôi đang nói là một hình thức đàm phán. Tại sao chúng ta phải bảo vệ những quốc gia giàu có này và Mỹ phải trả tiền cho phần lớn NATO?" – ông Trump nói trong buổi phỏng vấn ngày 19-3 kể trên.

Khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ các đồng minh NATO nếu họ bắt đầu "thanh toán khoản chi hợp lý hay không", ông Trump nói: "Có. Nhưng Mỹ nên trả phần công bằng của mình chứ không phải phần công bằng của bất kỳ ai khác."

ÔNG TRUMP LO PHẢI BÁN THÁO BẤT ĐỘNG SẢN ĐỂ NỘP PHẠT

Trump nói ông có thể phải bán loạt bất động sản với giá "siêu rẻ" để có tiền nộp phạt 464 triệu USD theo phán quyết của tòa New York.

"Thẩm phán Arthur Engoron thật sự muốn tôi nộp hàng trăm triệu USD để có quyền kháng cáo phán quyết lố bịch của ông ấy. Nói cách khác, ông ấy đang muốn tước đi quyền kháng nghị của tôi. Chưa từng nghe về những điều như này trước đây", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/3 đăng lên mạng xã hội Truth Social.

Thẩm phán Engoron của tòa New York là người hồi tháng 2 ra phán quyết yêu cầu ông Trump nộp phạt 355 triệu USD, với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi ở bang này. Cộng với tiền lãi, ông Trump phải nộp phạt tổng cộng 464 triệu USD.

Trump không chấp nhận phán quyết của tòa và đã đệ đơn kháng cáo, nhưng luật quy định ông vẫn phải nộp phạt trong quá trình chờ kết quả kháng nghị, dự kiến kéo dài nhiều năm. Nếu kháng cáo thành công, số tiền đã nộp phạt sẽ được trả lại cho cựu tổng thống.

"Tôi sẽ buộc phải thế chấp hoặc bán các bất động sản, có thể là với giá siêu rẻ. Nếu tôi kháng cáo thành công, số tài sản đó cũng biến mất. Điều đó có nghĩa là gì? Đây là cuộc săn phù thủy, can thiệp bầu cử!", ông Trump nói.

Nhóm luật sư của ông Trump hôm 18/3 nộp đơn đề nghị tòa phúc thẩm bang hoãn thi hành án phạt, với lý do đây là số tiền quá lớn. Các luật sư cho biết phía ông Trump đã thông qua 4 công ty môi giới để tiếp cận 30 công ty bảo lãnh cho khoản phạt, nhưng đều không thành công.

"Tập đoàn Trump có tính thanh khoản tốt, nhưng họ không có một tỷ USD tiền mặt hay tương đương tiền", các luật sư viết. "Với công ty đã đầu tư phần lớn tài sản vào bất động sản như Tập đoàn Trump, việc đạt được thỏa thuận bảo lãnh cho khoản phạt 464 triệu USD là bất khả thi".

Cựu tổng thống Mỹ tuyên bố có tài sản hàng tỷ USD, nhưng hầu hết là bất động sản. Theo ước tính của tạp chí Forbes vào tháng 9/2023, ông Trump sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD.

NGUỒN TIN REUTERS: THỎA THUẬN CỦA QUỐC HỘI MỸ CẤM TÀI TRỢ CHO UNRWA ĐẾN THÁNG 3/2025

Một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo quốc hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng về một dự luật lớn tài trợ cho quân đội, Bộ Ngoại giao và một loạt chương trình khác của chính phủ sẽ tiếp tục cấm nước này tài trợ cho UNRWA, cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc về người Palestine, cho đến tháng 3/2025, hai nguồn tin cho Reuters biết hôm 19/3.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho hay hồi tháng 1 rằng họ tạm dừng cấp tài trợ mới cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ chuyên trách người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA) sau khi Israel cáo buộc 12 trong số 13.000 nhân viên của cơ quan này ở Gaza tham gia vào cuộc tấn công đẫm máu của Hamas ngày 7/10/2023.

Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật này vào tháng trước để cắt nguồn tài trợ cho UNRWA, vốn là một phần của dự luật trị giá 95 tỷ USD cung cấp viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan đã bị đình trệ tại Hạ viện.

Những người ủng hộ khoản viện trợ này đang cố gắng khôi phục nó, kêu gọi Washington hỗ trợ cơ quan cứu trợ khi các nhóm viện trợ nỗ lực ngăn chặn nạn đói ở Gaza.

Hai nguồn tin nắm thông tin về thỏa thuận cho biết nguồn tài trợ sẽ bị chặn trong một năm và chi tiết về các nỗ lực thay thế nhằm cung cấp trợ giúp nhân đạo cho người Palestine ở Gaza sẽ được thảo luận sau khi luật này được công bố.

Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội từ chối bình luận về chi tiết của thỏa thuận này cho đến khi văn bản về dự luật chi tiêu được công bố.

LHQ đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc nhằm vào nhân viên UNRWA và cơ quan này đã sa thải một số nhân viên sau khi Israel cung cấp thông tin cho họ.

Hoa Kỳ, nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA, cung cấp từ 300 triệu đến 400 triệu USD hàng năm, nói rằng họ muốn xem kết quả của cuộc điều tra đó và các biện pháp khắc phục được thực hiện trước khi xem xét nối lại nguồn tài trợ.

Theo thống kê của Israel, cuộc chiến ở Gaza bùng phát khi các chiến binh Hamas hung hãn tràn vào Israel hồi ngày 7/10/2023, giết chết 1.200 người và bắt giữ 253 con tin.

Theo các quan chức y tế Palestine, gần 32.000 người được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc tấn công trả đũa của Israel, cùng với hàng ngàn người khác có thể bị mất tích dưới các đống đổ nát.

Nguồn: Bnews; Báo Tin Tức; CafeF; Vnexpress; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang