Khai mạc Hội nghị TƯ 7 khóa XIII; Quy hoạch tuần qua; Vướng mắc vùng tái định cư; Vụ nhà máy nước ngàn tỷ trùm mền

Khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII

(Ảnh minh họa).

Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ) chính thức khai mạc sáng 15/5 tại Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình, Hội nghị diễn ra từ ngày 15-17/5.

Tại Hội nghị, Trung ương sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị Trung ương 7 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để nhìn lại và đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng thời phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, để Hội nghị quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định đối với các nội dung của Hội nghị.

Nhấn mạnh Hội nghị Trung ương lần này là Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, thể hiện chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.

(Nguồn: Soha)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua: Dự chi 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4, sắp làm vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa

Bắc Ninh dự chi gần 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4; sắp làm đường vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa; sắp thông xe thêm 150 km cao tốc Bắc - Nam,... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Bắc Ninh dự chi gần 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.3, xây dựng đường song hành (đường đô thị) qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, thuộc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Về quy mô đầu tư, dự án này có tổng chiều dài trung bình khoảng 30,6 km. Đoạn tuyến vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có chiều dài trung bình khoảng 23,5 km, trong đó, đường song hành trái có chiều dài khoảng 22 km (không bao gồm đoạn đi trùng với tuyến số 5 của khu công nghiệp Thuận Thành 1 do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư); đường song hành phải có chiều dài khoảng 25 Km).

Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông cấp I. Tổng mức đầu tư dự án là 2.794 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 2.469 tỷ đồng; chi phí thiết bị 3,1 tỷ đồng; chi phí QLDA 16,4 tỷ đồng; chi phí TVĐTXD gần 89 tỷ đồng; chi phí khác là 29 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 190 tỷ đồng.

Sắp làm đường vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa

Theo Trung tâm Báo chí TP HCM, lãnh đạo thành phố vừa có buổi kiểm tra tiến độ một số dự án giao theo đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn.

Tại Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP sẽ tập trung chỉ đạo để giải quyết cơ bản xong phần giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thi công thuận lợi. Hiện dự án đang được người dân đồng thuận là một thuận lợi lớn, các đơn vị cố gắng triển khai sớm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các Sở liên quan sớm hoàn thiện, trình lại điều chỉnh phụ lục hợp đồng trong tháng 5 để dự án sớm triển khai. Dự kiến, tháng 6 năm nay, dự án thi công trở lại, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ chưa đảm bảo tiến độ

Đến ngày 10/5, việc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đường bộ Vạn Ninh – Cam Lộ (dự án) đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Vướng mắc nhất hiện nay là các địa phương triển khai công tác tái định cư quá chậm, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND các huyện tăng cường thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát khả năng thực hiện tái định cư của Hội đồng giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án huyện để có giải pháp tăng cường hỗ trợ nhân sự; yêu cầu phải đảm bảo hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong phạm vi tuyến chính cho chủ đầu tư dự án đúng tiến độ vào ngày 30/6.

Nghiên cứu làm đường nối Bình Phước - Đồng Nai

Theo Báo Chính phủ, ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn về việc đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường có điểm đầu tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn đầu tuyến đi trùng ĐT 753 khoảng 15 km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo hai hướng tuyến.

Cụ thể, phương án 1 do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có chiều dài khoảng 76 km, trong đó khoảng 31 km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Phương án 2 do Bộ GTVT nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5 km xây dựng mới để kết nối với đường vành đai 4 TP HCM tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71 km.

Đồng Tháp dự kiến khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vào tháng 6

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Triển khai thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tổ chức họp định kỳ để đánh giá tiến độ dự án và đề ra nhiệm vụ thực hiện tiếp theo.

Theo báo cáo, đến ngày 27/4, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 1) đã có 511/533 hộ dân nhận tiền bồi thường, đạt tỷ lệ 96%, giá trị bồi thường hơn 478 tỷ đồng. Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do còn khiếu nại về giá bồi thường.

Phần mặt bằng (dự án thành phần 1) đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh là 92,3 ha/101 ha, đạt tỷ lệ 91%. Về bố trí tái định cư, đã tổ chức bốc thăm 55 nền (48 hộ), còn lại 62 nền (53 hộ). Ban Quản lý dự án tiếp tục triển khai các gói thầu theo đúng tiến độ đã đề ra, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6.

Sắp thông xe thêm 150 km cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa qua đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Lễ khánh thành sẽ được tổ chức trực tiếp vào sáng 19/5/2023 tại hai địa điểm.

Trong đó, Lễ khánh thành hai dự án và cắt băng khánh thành dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ được tổ chức tại Km 33+800 thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết được tổ chức tại lý trình Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự kiến khởi công cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trong năm nay

Tỉnh Lâm Đồng hiện đang tập trung hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới khởi công hai cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nhằm kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là hai tuyến cao tốc nối liền đi qua các huyện, thành phố gồm Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km.

Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc 200 km Dầu Giây - Liên Khương, trong toàn bộ ba dự án là Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66 km, trong đó 11 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 55 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (dài 73 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

(Nguồn: Vietnammoi)

Vướng mắc vùng tái định cư – Bài 1: Vẫn chưa thể an cư

(Ảnh minh họa).

Sau hơn 15 năm nhường đất xây dựng Dự án thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) và chuyển về các khu tái định cư (TĐC) mới, người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn đối diện với nhiều khó khăn.

Bà con nhận nhà và đến nơi ở mới

Nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ở khu TĐC bà con đã và đang dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nhiều nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu giống cây trồng, vật nuôi, dụng cụ, kỹ thuật sản xuất...

Trong đó, thực hiện xây dựng công trình TĐST2, huyện Bắc Trà My có 834 hộ thuộc 4 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân được bố trí đến ở tại 11 điểm TĐC, trong đó TĐC tập trung là 413 hộ, 4 điểm TĐC xen ghép 177 hộ, còn lại 244 hộ tự nguyện TĐC tự do sinh sống trong và ngoài huyện. Số hộ bị ảnh hưởng do nhường đất xây dựng các khu TĐC là 279 hộ.

Đối với các hộ TĐC xen ghép, TĐC tự do bà con sản xuất nông nghiệp trên phần diện tích đất còn lại ở nơi ở cũ nên cơ bản đảm bảo điều kiện về đất sản xuất lâu dài. Về nước sinh hoạt, các hộ dân dùng ống nhựa dẫn nước từ các con suối và khe về sử dụng; đồng thời huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư các hệ thống nước sinh hoạt nên nguồn nước đảm bảo sử dụng lâu dài, điện sinh hoạt cũng được đảm bảo.

Về trường học, chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng các điểm trường mới tại các điểm TĐC xen ghép, tập trung đông dân cư phục vụ cho việc học tập của con em. Việc khám chữa bệnh của các hộ dân TĐC được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My.

Với các hộ TĐC tập trung, đa số bà con đã nhận nhà và đến ở. Các công trình công cộng đã được hoàn thiện đi vào phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân như: Nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế. Mỗi hộ dân TĐC tập trung được giao một lô đất có nhà ở với diện tích 1.000 m2, trong đó có 400 m2 đất ở và 600 m2 đất vườn gắn liền với đất ở. Mỗi hộ được cấp từ 1,2 đến 1,8 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc cấp đất sản xuất thì hầu hết các hộ TĐC theo kế hoạch có nguyện vọng nhận tiền quy đổi đất sản xuất chứ không nhận đất sản xuất. Vì vậy, hiện nay đa số các hộ dân di dời bị thiếu đất sản xuất. Thiếu đất để lo kế sinh nhai nên đa phần cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Nhà cửa bỏ hoang, nhiều công trình xuống cấp

Để tìm hiểu thực trạng các khu TĐC của Dự án TĐST2 vào những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đã tìm đến các khu TĐC này và thật sự trăn trở với cuộc sống của người dân nơi đây.

Tại khu TĐC ở xã Trà Đốc, bà Hồ Thị Đường cho hay, trước đây gia đình bà có 4ha đất bao gồm vườn tược, nhà ở. Cũng như nhiều hộ dân khác toàn bộ diện tích đất nhà bà Đường thuộc diện giải tỏa để triển khai dự án TĐST2, gia đình bà được đền bù 300 triệu đồng và chuyển về khu TĐC mới do chính quyền địa phương bố trí.

“Khi đến khu TĐC, gia đình tôi được cấp 1.000m2 đất để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Sau khi hoàn thành ngôi nhà gia đình tôi đã có chỗ tránh nắng che mưa ổn định. Thế nhưng mấy năm gần đây, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, hiện bị hư hỏng nặng, cũng không có việc gì làm ra tiền nên không có kinh phí sửa chữa” - bà Đường tâm sự.

Còn bà Hồ Thị Thổ, hàng xóm của bà Đường cho biết: “Hơn 15 năm chuyển về TĐC ở đây, hiện nay bà con chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, không có công ăn việc làm, đặc biệt nhà cửa ngày một xuống cấp nặng nhưng không có tiền sửa chữa. Một số người dân trong khu TĐC quyết định quay trở về nơi ở cũ để có đất sản xuất, dựng lều trại sinh sống”.

Qua quan sát của chúng tôi, nơi đây nhiều ngôi nhà cấp 4 bị bỏ hoang, mái tôn, tường nhà bị bong tróc, hư hỏng. Công trình chứa nước sạch cũng bị xuống cấp nặng nề, còn người dân phải mua ống nhựa dẫn nước từ khe suối chảy trên núi cao về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Nói về nguyên nhân những ngôi nhà bỏ hoang, xuống cấp, người dân cho biết, do lâu năm không được sửa chữa, cộng với thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, bão lũ nên bị hư hỏng nặng và đang đối diện với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Người dân cũng không quen với nếp sống trong những ngôi nhà được xây bằng bê tông và thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng, bà con dựng thêm những ngôi nhà gỗ bên những ngôi nhà xây để tiện cho sinh hoạt.

Còn về mưu sinh, nhiều người dân cho biết, nhiều năm qua họ sống chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, khoai, sắn trên nương rẫy, ngoài ra không có thu nhập gì khác nên giờ thiếu đất sản xuất càng khó khăn hơn.

Ông Hồ Cao Quý - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, lúc bà con về khu TĐC đã được các ngành chức năng đưa ra phương án một là nhận đất sản xuất, 2 là nhận tiền hỗ trợ không nhận đất. Tuy nhiên đa số người dân đều viết giấy cam kết nhận tiền, chứ không lấy đất sản xuất. Hiện nay số lượng nhân khẩu trên địa bàn tăng, trong khi đó quỹ đất địa phương có hạn, vì vậy mà dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất.

“Toàn xã có 74 hộ dân được di dời về nơi TĐC ở 3 địa điểm trên địa bàn xã. Hiện có một số ngôi nhà bỏ hoang, một số thì đang xuống cấp. Nguyên nhân, do người dân tìm về nơi cũ để sinh sống, còn nhà ở khu TĐC thì cửa đóng then cài rồi hư hỏng, nhưng hoàn cảnh của họ quá khó khăn không có tiền để tu sửa. Chúng tôi cũng đã đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để bà con có điều kiện sửa chữa lại nhà cửa, yên tâm sinh sống làm ăn, chống lại mưa bão” - ông Quý bày tỏ.

Rời khu TĐC xã Trà Đốc, chúng tôi tiếp tục di chuyển qua khu TĐC ở xã Trà Bui. Tại đây, những ngôi nhà cấp 4 được xây dựng nằm giữa lưng chừng đồi và phân bố rải rác theo tuyến đường thảm bê tông thuộc 2 thôn 5, 6. Cũng như ở xã Trà Đốc, phần lớn các căn nhà tại khu TĐC này đã bị bong tróc, hư hỏng, mái tôn hoen gỉ.

Ông Hồ Văn Thương ở khu TĐC Trà Bui cho biết, gia đình ông có 11 nhân khẩu chuyển về khu TĐC cuối năm 2009, được chính quyền cấp cho 1 ngôi nhà trong tổng số 1.000m2 đất vườn và nhận được hơn 300 triệu đồng. Sau đó, gia đình tự khai phá thêm đất rừng để trồng các loại cây lâm sản. Do nhà đông người, không có đất sản xuất nên hằng năm vợ chồng ông Thương phải đi xin thêm đất ở các rẫy của những hộ dân khác trong thôn để trồng lúa.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Trà Bui cho biết, ở nơi cũ, ông có 2ha đất trồng ngô, lúa và chăn nuôi 7 con bò cùng nhiều lợn, gà. Khi lên đây được cấp nhà, ông nhận thêm 70 triệu đồng tiền đền bù và khoản hỗ trợ 3 năm tiền ăn để mua lương thực, tuy nhiên không có đất sản xuất. Ông Dũng và bà con nơi đây mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ con vật nuôi, cây trồng và sửa chữa lại nhà ở để ổn định cuộc sống.

Ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, toàn xã có 3 thôn, với 663 hộ dân liên quan đến di dời, giải tỏa dự án TĐST2, nhưng hiện tại có một số ngôi nhà của bà con đang xuống cấp, nguyên nhân do ở lâu năm mà không sửa chữa, còn toàn xã hiện có 11 nhà TĐC đang bị bỏ hoang.

Thực trạng ở những khu TĐC này nhà cửa của người dân cùng các công trình dân sinh đang xuống cấp, đa số hộ dân còn khó khăn trong khi đó lại thiếu đất sản xuất. Mặc dù nắm được vấn đề nhưng chính quyền địa phương không thể một mình giải được bài toán này.

Chủ tịch UBND xã Trà Bui, ông Lê Cường nói: “Không chỉ nhà ở hư hỏng xuống cấp mà việc đi lại của người dân gặp khó vào mùa mưa, nhất là khi tuyến đường vào khu TĐC chậm triển khai thi công. Hệ thống nước sinh hoạt của các khu TĐC có tới 55 bể không có nước, 5 đập không hoạt động. Nguyên nhân do khô cạn mạch nước ngầm. Vì vậy, hằng năm, chính quyền xã phải góp tiền cùng bà con mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về khu TĐC”.

(Nguồn: CafeF)

Vụ nhà máy nước ngàn tỉ “trùm mền”: Đà Nẵng quyết thời gian vận hành

Đà Nẵng vừa chốt thời gian vận hành Nhà máy nước Hòa Liên. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỉ, khánh thành từ 29-3 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động.

Ngày 15-5, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam vừa ký ban hành kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP mùa cạn năm 2023.

Đáng chú ý, kế hoạch nêu rõ thời gian đưa Nhà máy nước Hòa Liên vào vận hành chính thức.

Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu trong quý II-2023 phải hoàn thiện, phê duyệt hồ sơ Quyết định giao tài sản công Nhà máy nước Hòa Liên cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng).

Các ngành liên quan được giao đề xuất, trình phê duyệt phương án khai thác tạm thời Nhà máy nước Hòa Liên đảm bảo đưa nhà máy hòa mạng lưới cấp nước của thành phố trong quý II-2023.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành, đưa vào vận hành Dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000 m3/ngày đêm lên 420.000 m3/ngày đêm và tuyến ống dẫn nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Đồng thời, các đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt và Bàu Nít cũng phải được phối hợp vận hành trong trường hợp 24 giờ liên tục độ mặn ở sông Vu Gia tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000 mg/l.

UBND TP Đà Nẵng giao các ngành liên quan tham mưu nghiên cứu đắp đập tạm trên sông Quảng Huế trong trường hợp thật sự cấp thiết và sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất.

Đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ chỉ được đắp khi tất cả các phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn khác đã thực hiện nhưng vẫn không đảm bảo cấp nước cho Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 29-3, Đà Nẵng khánh thành dự án Nhà máy nước Hòa Liên có tổng vốn đầu tư hơn 1.170 tỉ đồng. Nhưng sau khi khánh thành, dự án vẫn phải "trùm mền".

Nguyên nhân là do Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị, đơn vị được giao tiếp nhận Nhà máy nước Hòa Liên chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy nước. Đồng thời, các bên chưa thống nhất được công suất khai thác nước ban đầu của công trình.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang