Giá điện tăng 3%; Giá đất sắp sát thị trường; 1.300 trường hợp chưa giao đất dự án vành đai 3; Bà Ngụy Thị Khanh được trả tự do

Giá điện VN tăng 3%: Chuyên gia nhận định không giải quyết được vấn đề

(Ảnh minh họa).

Mùa nắng nóng năm nay, nhiệt độ ở Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, nhưng ngành điện càng nóng hơn khi liên tục báo lỗ và vừa quyết định tăng giá điện sau bốn năm không đổi.

Cụ thể, tập đoàn điện lực Việt Nam EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 VND/kWh, tương đương 3% áp dụng từ ngày 4/5/2023.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết mức 3% là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

Vị lãnh đạo này cũng cũng tiết lộ với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì EVN mới cân đối được tài chính.

“Điệp khúc” lỗ - tăng giá điện

EVN thông báo lỗ hơn 31.000 tỷ VND vào năm 2022. Năm 2023, ngành điện dự kiến lỗ thêm 71.620 tỷ VND, đưa tổng lỗ giai đoạn 2022 - 2023 lên 99.305 tỷ VND. Với khoản lỗ này, sẽ làm mất 44,8% vốn Nhà nước tại EVN.

Việc tăng giá điện 3% mới đây có góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính cho tập đoàn này khi ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định vẫn không đủ bù lỗ.

Như vậy, trong 14 năm, tính từ 2009-2023, giá bán lẻ điện bình quân đã có 11 lần điều chỉnh tăng giá.

Ý kiến của chuyên gia: “Giá điện còn tăng nữa”

Từ Singapore, ông Michael Nguyễn Minh, giám đốc công ty đầu tư hải ngoại Singapore, tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam nhận định với BBC rằng mức tăng này “rõ ràng là không giải quyết được vấn đề cấp thiết trước mắt của EVN và họ sẽ phải tìm cách tiếp tục tăng giá điện”.

“Tôi nghĩ đây chỉ là bước đầu trong cả lộ trình, để tránh xáo trộn xã hội. Những người có trách nhiệm của EVN họ tính rằng mức tăng phải đến 15% mới bù đắp được các chi phí sản xuất đầu vào, nhưng họ chỉ tăng 3% theo quy định và thẩm quyền của họ được Thủ tướng Chính phủ quy định từ 2017”, ông Michael Nguyễn Minh nói.

Nhưng theo ông, nếu giá điện mà tăng đột ngột một lúc như vậy thì bên sử dụng điện, là người dân và doanh nghiệp sẽ không kịp điều chỉnh, đồng thời đánh giá rằng động thái này đáng ra phải được thực hiện từ vài năm trước, chứ không phải đợi đến nay khi các chi phí sản xuất đầu vào liên tục tăng và đến lúc EVN không thể chịu được việc bù đắp cho các chi phí này nữa.

“Tôi cho rằng nên tăng từ 7-8% và tăng làm hai đợt”, chuyên gia này nhận định.

Trong khi đó, trên Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Tư Giang đánh giá rằng lẽ ra để giảm thiệt hại thì giá điện cần tăng hồi cuối quý tư năm ngoái và ở mức cao hơn, khi lạm phát còn thấp.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng mức tăng 3% thể hiện “sự chần chừ, do dự đầy cảm thông của các nhà điều hành kinh tế trước cuộc sống khó khăn của người dân và doanh nghiệp”.

Nghịch lý của ngành điện

Điện là một loại hàng hoá đặc biệt, chịu sự quản lý điều tiết của nhà nước.

Thực tế là EVN liên tục kêu lỗ lớn, tăng giá điện vì chi phí sản xuất đã tăng cao chót vót do những biến động bất ổn trên thị trường thế giới.

Nhưng thay vì sử dụng điện của các doanh nghiệp sản xuất điện sạch trong nước, Việt Nam lại chấp nhận tăng nhập khẩu than than để sản xuất điện, ít nhất trong thập kỷ tới, bất chấp giá cao hơn điện sạch và mới ký thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD hỗ trợ từ các nước phát triển để giảm điện than.

Ngày 10/3/2023, 36 doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã gửi văn bản tới kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá, làm cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại nhưng không thể bán điện cho EVN theo giá điện cơ chế cố định khuyến khích (FIT).

Các dự án bị “đắp chiếu” này có vốn đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỷ VND, trong đó có đến 58.000 tỷ VND là vốn vay ngân hàng, đẩy các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị nợ xấu.

Những lý do khiến các doanh nghiệp này lao đao, thậm chí lâm vào nguy cơ phá sản có thể kể đến là nhà nước thiếu cơ chế giá phù hợp cho loại hình điện tái tạo, quy trình cấp phép chưa rõ ràng. Ngoài ra, điện từ mặt trời và gió sản xuất ra chỉ bán được cho EVN khoảng 50%, do lưới điện quốc gia bị 'quá tải'.

“Do lo ngại về tính an toàn, ổn định của cả hệ thống, nên EVN không chấp nhận cho các nhà máy năng lượng tái tạo mới hoàn thành được hoà mạng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời đã tạo ra những thách thức cho sự ổn định của lưới điện (quán tính hệ thống thấp, nghẽn đường truyền tải, dư thừa công suất, lỗi dự báo sai lệch lớn, nguy cơ lỗi đi qua và tỷ xuất dòng ngắn mạch giảm thấp gây mất ổn định”, doanh nhân Michael Nguyễn Minh lý giải trong một bài viết gửi cho BBC News Tiếng việt gần đây.

Dưới góc độ các nhà đầu tư sản xuất điện, ông Michael Nguyễn Minh nói rằng đối với các đơn vị đang vận hành nhà máy và đã có Hợp đồng mua bán điện (PPA), các hợp đồng này với EVN đã chốt giá đến 20 năm.

“Việc điều chỉnh về giá trong hợp đồng rất ít, thì về lý thuyết gần như không được hưởng lợi gì khi EVN tăng giá điện này. Tuy nhiên nếu EVN không cân đối được dòng tiền hay dòng tiền mà bị âm, thì họ không có nguồn để thanh toán điện họ mua từ nhà sản xuất điện và chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đối với các nhà đầu tư mới, hoặc đang cân nhắc đầu tư dự án điện tại Việt Nam thì rõ ràng họ sẽ rất quan tâm”, ông cho biết thêm.

Nỗi lo khi giá điện tăng

Bài toán về nghịch lý của ngành điện vẫn đang chờ lời giải, nhưng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại về hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã.

Một doanh khoản có sức ảnh hưởng trên nhóm Facebook Bóc phốt tài chính có gần 90.000 thành viên bày tỏ quan điểm:

“Khi EVN tăng giá điện 3%, ai là người trả?

Người dân.

Khi EVN lời, ai là người trả?

Người dân trả.

Khi EVN lỗ, ai là người trả?

Người dân trả.”

“Dù EVN lời hay lỗ thì người gánh chịu cuối cùng vẫn là người dân”, tài khoản này viết.

Chị Ngọc Vũ, tại Quận 7, TP HCM gửi cho BBC hoá đơn tiền điện đầu tháng 5 đã tăng gần 1,4 lần so với tháng 4/2023 dù chưa áp dụng giá mới.

Chị Ngọc cũng bày tỏ sự lo lắng khi có thông báo rằng giá điện sẽ tăng thêm 3% kể từ ngày 4/5. Chị cho rằng: “Tôi chắc chắn tiền điện tháng tới sẽ còn cao hơn nữa. Rồi giá điện tăng thì những thứ khác cũng tăng theo, gia đình tôi sẽ cần thắt chặt chi tiêu.”

Gia đình chị không phải là trường hợp cá biệt, có hàng triệu sinh viên, người lao động, hộ gia đình cũng sẽ phải chật vật với giá điện tăng trong những ngày nền nhiệt lên tới gần 40 độ này.

“EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện tăng đến mức đủ bù đắp được các chi phí đầu vào. Vấn đề là chính phủ Việt Nam cần có một chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá để tránh việc các nhà cung cấp lợi dụng tăng giá không kiểm soát được”, chuyên gia Michael Nguyễn Minh kết luận.

(Nguồn: BBC)

Giá đất sắp sát thị trường?

Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện thí điểm trước.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 6/5 và thực hiện đến khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, UBND huyện cũng được thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Trao đổi với Dân trí về quy định mới này, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất là việc nên làm và đáng làm. Đó là bước đi trước, triển khai tinh thần Luật Đất đai mới chúng ta đang góp ý bổ sung, sửa đổi.

Theo ông Thịnh, khi UBND huyện là đơn vị đưa ra quyết định thẩm định, đưa ra giá đất, chủ trì đền bù về giải phóng mặt bằng sẽ thể hiện được sát hơn, đúng với thị trường, gần gũi với hơi thở cuộc sống hơn. Từ đó, người dân dễ dàng tiếp nhận hơn.

"Việc định giá đất phù hợp với giá thị trường sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn, đỡ tốn thời gian của chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng khi cần thu hồi đất đai", ông Thịnh nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, ủy quyền cho UBND cấp huyện làm giảm tải cho UBND cấp tỉnh. Đồng thời, việc cũng làm nâng cao vị trí UBND cấp huyện trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai, gần người dân hơn.

"Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất làm thay đổi cách quản lý, hoạt động của UBND cấp tỉnh. Trước đây, UBND tỉnh là người trực tiếp quyết định giá cả, nhưng bây giờ, trách nhiệm của tỉnh là thẩm định, công bố giá cả, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Vị trí, vai trò của UBND cấp tỉnh đã thay đổi trong việc này", ông Thịnh phân tích.

Bên cạnh những tích cực của quy định mới này, theo ông, UBND huyện chưa làm việc này cho nên họ thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng tổ chức hoạt động, cũng như thiếu năng lực cũng như thẩm định và quyết định giá.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - cũng đồng tình với việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Theo ông, UBND cấp huyện quyết định giá đất sẽ sát với thực tế, giảm khiếu kiện trong vấn đề thu hồi đất đai và giải phóng mặt bằng.

"Thực tế, việc thu hồi đất tại một số dự án, trường hợp cá nhân cũng được UBND cấp huyện tiến hành. Theo quy định mới, UBND huyện được ủy quyền quyết định giá đất cũng là việc làm phù hợp, sát dân, nghe được tiếng nói của người dân tốt hơn", luật sư Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông băn khoăn Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất yêu cầu, phải chuẩn bị đầy đủ về tài chính, nguồn nhân lực, tạo điều kiện khác để UBND huyện thực hiện quyết định giá đất được ủy quyền. Do đó, để làm việc này, cần có thời gian và cần có thí điểm nhất định ở một số địa phương đảm bảo được nhân lực.

Cũng chia sẻ về quy định mới này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, cần phải quan tâm xem thực chất các dự án hiện đang ách tắc cụ thể về cái gì trong việc định giá đất.

Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai. Đơn cử, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án); nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; về đền bù và giải phóng mặt bằng; về giao đất, cho thuê đất dự án đối ứng BT.

(Nguồn: Dân Trí)

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Hơn 1.300 trường hợp chưa bàn giao đất

(Ảnh minh họa).

Để triển khai 47km đường thuộc dự án Đường Vành đai 3, TP.HCM cần thu hồi 410ha đất của 1.689 trường hợp. Đến nay chỉ có 360 trường hợp đã bàn giao đất.

Giải phóng mặt bằng chưa đạt 50%

Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 75.300 tỷ đồng.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại TP.HCM, dự án Đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, với tổng chiều dài 47km. Tổng mức đầu tư đoạn đường này hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng.

Để xây dựng 47km thuộc dự án Đường Vành đai 3, TP.HCM cần thu hồi 410,439ha đất của 1.689 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, tính đến ngày 12/5, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã chi 1.639 tỷ đồng tiền bồi thường. Có 360 trường hợp đã bàn giao đất, tổng diện tích bàn giao mặt bằng là 184,236ha.

Cụ thể: TP.Thủ Đức có 556 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích đất cần thu hồi gần 100ha. Đến nay mới chỉ có 28 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, tổng diện tích đất đã bàn giao gần 19ha;

Huyện Củ Chi có 408 trường hợp bị ảnh hưởng, cần thu hồi 65,2ha. Đã có 126 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, tổng diện tích đất đã bàn giao gần 31ha;

Huyện Hóc Môn là địa phương thực hiện tốt nhất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 3 khi có 164/332 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, diện tích đất đã bàn giao gần 75ha trong tổng số 99ha đất cần thu hồi;

Huyện Bình Chánh có 393 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích đất cần thu hồi gần 146ha. Đến nay, đã có 42 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích gần 60ha.

Như vậy, so với tổng số 1.689 trường hợp bị ảnh hưởng, 360 trường hợp đã bàn giao đất chỉ đạt tỷ lệ 21,31%. Tổng diện tích đất đã bàn giao đến nay là 184,236ha/410,439ha, đạt tỷ lệ 44,88%.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong 182,236ha đất đã bàn giao mặt bằng tại các địa phương đã bao gồm 44ha do Nhà nước trực tiếp quản lý, có thể bàn giao ngay cho chủ đầu tư để thi công. So với tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng, năm 2023 UBND TP.HCM đã bố trí vốn 1.639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,1%.

Doanh nghiệp ‘không hợp tác’ đã đồng ý bàn giao đất

Liên quan đến những khó khăn khi thu hồi đất, ngày 11/5, Ban Chỉ huy dự án thành phần 2 Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 TP.HCM (Ban chỉ huy) có văn bản khẩn gửi Đảng uỷ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đề nghị xử lý chi bộ và đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Ban chỉ huy cho biết trên địa bàn huyện Bình Chánh có 142.024,7m2 đất tại địa chỉ số 2D10, đường số 3, xã Phạm Văn Hai do Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Sagri, đã cổ phần hoá năm 2016) đang tạm quản lý, sử dụng. Diện tích đất này thuộc ranh dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn không chịu bàn giao đất. Dù cơ quan chức năng đã vận động, thuyết phục nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này không hợp tác và đưa ra nhiều yêu sách bất hợp lý, không phù hợp quy định pháp luật.

Do đó, Ban chỉ huy đề nghị Đảng uỷ Sagri kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với Chi bộ, cấp uỷ chi bộ và các đảng viên có liên quan tại Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn theo đúng quy định.

Tìm hiểu của PV VietNamNet, sở dĩ Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn chưa chịu bàn giao hơn 142m2 nói trên là do chưa hoàn thiện được thủ tục đất đai.

Năm 2015, UBND TP.HCM ra quyết định giao tài sản cố định của Sagri cho Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn để doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hoá. Trong 15 tài sản nhà đất giao có khu đất hơn 142m2 này.

Giai đoạn 2019 – 2020, Kiểm toán Nhà nước khu vực 4 và Kiểm toán Nhà nước khu vực 8 đã kiến nghị UBND TP.HCM ký lại hợp đồng thuê đất cho Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn.

Đồng thời, năm 2020, Thường trực UBND TP.HCM cũng đã có thông báo chỉ đạo các sở ngành giải quyết cho Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn ký lại hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên, 7 năm qua, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện được thủ tục pháp lý về đất đai của khu đất này.

Ngày 12/5, đại diện Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn đã ký biên bản bàn giao hơn 142m2 đất tại địa chỉ số 2D10, đường số 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh.

(Nguồn: Vietnamnet)

Nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh được trả tự do

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, ra tù trước thời hạn ở Việt Nam hôm 12/5, một đồng nghiệp cũ của bà xác nhận với VOA.

Nhà hoạt động môi trường này bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ hồi tháng 2 năm ngoái. Sau hai phiên xét xử vào tháng 6 và tháng 11 trong cùng năm, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt bà 21 tháng tù về tội trốn thuế.

Vào buổi sáng hôm 13/5, trang Facebook cá nhân của bà, mang tên KhanhGreenid Vietnam, xuất hiện bài viết có nội dung “Hạnh phúc vô bờ bến khi được trở về giữa vòng yêu thương của gia đình, được gặp và ôm người thân sau 16 tháng tròn xa cách”.

Chủ tài khoản Facebook này cũng “gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả mọi người đã quan tâm lo lắng, chia sẻ và giúp đỡ cho cá nhân Khanh và gia đình trong suốt gần một năm rưỡi qua”.

Hơn 1.000 bạn bè, người quen thể hiện phản ứng “yêu, thích” và viết các lời chúc mừng, cũng như chia sẻ bài đăng đó.

Trong số những người bày tỏ vui mừng về tin bà Khanh ra tù sớm có nữ ca sĩ kiêm nhà hoạt động vì sự tiến bộ xã hội Đỗ Nguyễn Mai Khôi. Bà Khôi đăng một thông điệp trên trang cá nhân của mình nói rằng “chúng ta nên ăn mừng” về việc bà Khanh được trả tự do.

Tuy nhiên bà Khôi cũng lưu ý rằng mọi người cần phải tiếp tục vận động để các nhà hoạt động khác như các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương được sớm trả tự do.

Với việc bà Khanh được tha trước hạn, bà Khôi nói thêm rằng “Lần này mình hoan hô Việt Nam một chút vì đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang có chút thay đổi để tiến đến dân chủ nhân quyền thực sự”.

Như VOA đã đưa tin, bà Ngụy Thị Khanh, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng từng được giải thưởng quốc tế, bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 24 tháng vào tháng 6/2022, rồi được giảm án còn 21 tháng tù trong phiên xử phúc thẩm hôm 21/11 trên cơ sở ‘ăn năn hối cải’ và ‘có nhiều đóng góp’.

Cáo trạng của nhà chức trách Việt Nam nói rằng bà Khanh đã không nộp thuế số tiền hơn 456 triệu đồng từ giải thưởng 200.000 đô la Mỹ, tương đương hơn 4,5 tỷ đồng, mà bà được Quỹ môi trường Goldman trao cùng giải Goldman Environmental Prize hồi năm 2018. Bà được trao giải thưởng vì có những thành tích hoạt động nhằm cắt giảm khí thải carbon ở Việt Nam.

Bà Khanh là giám đốc của trung tâm GreenID và Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam, gọi tắt là GREEN IN. Hai tổ chức của bà hoạt động trong lĩnh vực môi trường để đưa ra các giải pháp về nước sạch, năng lượng sạch và không khí sạch.

Khi bà bị kết án tù, Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đã lên án. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang