EU: Thế khó tương lai; Cục diện phức tạp; Lao xe vào cổng điện Buckingham; Trộm 'vàng lỏng' ở TBN; Pháp đưa quân tới Ukraine

THẾ KHÓ CỦA CHÂU ÂU

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 8/3 cho rằng, thời kỳ hòa bình ở châu Âu đã qua từ lâu và vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tương lai của lục địa này.

Cho rằng châu Âu đang sống ở giai đoạn mới - thời kỳ tiền chiến tranh, ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải đối mặt với việc phải đưa ra quyết định: Hoặc là đứng lên chiến đấu hoặc là chấp nhận thực tế". Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas xảy ra ngay trước "cửa ngõ" của châu Âu vẫn chưa có hồi kết.

Đã tránh được điều tồi tệ nhất

Hai cuộc xung đột nêu trên đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế và xã hội châu Âu, đồng thời đang làm lung lay nghiêm trọng ANTT của lục địa già. Cuối tháng 10 năm ngoái, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã mô tả cảm xúc của mình khi nghe tin về xung đột Israel - Hamas, cho rằng có cảm giác tương tự như vào ngày 24/2/2022, khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông nói: "Chúng ta sắp phải đối mặt với một thời điểm quyết định khác trong lịch sử, tạo ra đau khổ to lớn cho con người và xác định vai trò toàn cầu của EU trong nhiều năm tới". Có thể nói, cho đến nay EU đã tránh được điều tồi tệ nhất. Dù đã thất bại trong việc biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, nhưng châu lục này đã tự thích nghi với hoàn cảnh và tìm cách bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình. Thậm chí, có thể lập luận rằng tình hình hiện tại ở một mức độ nào đó đã giúp EU tránh được những khó khăn lớn hơn.

Về cuộc xung đột ở Ukraine, chỉ sau khi diễn ra được 4 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt các lực lượng răn đe của nước này trong tình trạng báo động cao, làm dấy lên một kịch bản chiến tranh hạt nhân cho châu Âu. Tránh leo thang hoặc lan rộng xung đột là nhu cầu cấp thiết nhất của EU. Mặt khác, EU không muốn thấy toàn bộ khu vực Á-Âu chìm trong hỗn loạn, một lập trường được thể hiện rõ qua những tuyên bố thận trọng liên quan đến cuộc binh biến của lực lượng Wagner. Bên cạnh đó, EU không theo đuổi một chiến thắng nhanh chóng hay trọn vẹn cho Ukraine. Hai cuộc phản công lớn đã được Ukraine phát động vào mùa thu năm 2022 và một lần nữa vào mùa hè năm ngoái. Kết quả là sự bế tắc kéo dài trên chiến trường.

Tuy nhiên, tại Hội nghị An ninh Munich gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus, một phần vì lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga. Ngoài những cân nhắc về mặt chiến thuật, hai yếu tố đã ngăn cản EU can dự sâu vào cuộc chiến: Thứ nhất là, cơ chế ra quyết định ngoại giao ở cấp EU và lập trường ở cấp quốc gia. Thứ hai là, năng lực sản xuất quân sự của châu Âu.

Về vấn đề Trung Đông, EU rơi vào thế khó hơn. Vấn đề Do Thái và Hồi giáo đã chia rẽ châu Âu. Mặc dù là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Trung Đông, EU đã không thể hiện được vai trò địa chính trị sau khi xung đột bùng nổ ở Gaza. Chính sức mạnh quân sự của Mỹ - hai nhóm tấn công tàu sân bay và chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng đang ổn định tình hình trong khu vực. Lục địa già có nhiều mối quan ngại liên quan đến Trung Đông.

Trước hết, họ muốn tránh làn sóng người tị nạn. Mùa xuân Arab năm 2011 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu năm 2015 và điều đó vẫn còn ám ảnh EU. Với nguồn lực quân sự hạn chế, EU không muốn đối mặt với các cuộc chiến cùng lúc ở Trung Đông, Ukraine và có thể cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, EU muốn đảm bảo các tuyến đường vận tải hàng hải và tự do thương mại. Cho rằng các hành động của Mỹ đã giải quyết được những mối quan ngại chính của châu Âu, EU phần lớn đã chấp nhận và hợp tác. EU cũng đã triển khai chiến dịch hộ tống ở Biển Đỏ riêng của mình, Chiến dịch Aspides, tuy nhiên, hoạt động này nhằm bổ sung cho các hoạt động của Mỹ.

Di sản phức tạp của những thành công trong quá khứ

Thành công trong quá khứ đôi khi lại trở thành gánh nặng ở thời điểm hiện tại là điều thường thấy. Tình trạng khó khăn hiện tại của EU là kết quả của di sản phức tạp từ những thành công trong quá khứ. Hội nhập, bắt đầu từ đầu Chiến tranh Lạnh và tăng tốc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã là công thức chiến thắng cho châu Âu trong nửa thế kỷ. Điều này không chỉ xác lập trật tự châu Âu mà còn là nguồn sức mạnh của EU trong các vấn đề quốc tế. Nhưng hai cuộc chiến đang diễn ra đặt ra thách thức hội nhập. Châu lục này hiện có một trật tự phân cấp giống như làn sóng.

Những quốc gia cốt lõi đã thành lập Cộng đồng châu Âu, sau đó dần dần thay đổi bản chất (dân chủ), bản sắc (châu Âu) và hành vi (chuyển giao quyền lực chủ quyền) của các nước láng giềng. Những nước này sau đó được kéo vào hệ thống "hòa bình lâu dài" thông qua tư cách thành viên EU. Những nước không đủ điều kiện sẽ được xếp vào các cấp độ có khoảng cách thành viên khác nhau - chẳng hạn như các quốc gia ứng cử viên, các nước láng giềng phía Đông và thành viên của Liên minh Địa Trung Hải. Nga, Ukraine và Trung Đông đều nằm ở vòng ngoài của trật tự an ninh châu Âu. Hai cuộc xung đột hiện nay đã nêu bật ranh giới ảnh hưởng của châu Âu.

Tuy nhiên, về cơ bản, hội nhập châu Âu không bị phủ nhận. Nếu không có hy vọng gia nhập EU, Ukraine có thể không có động lực tinh thần trong cuộc xung đột với Nga. Nếu không có triển vọng trở thành thành viên EU, việc tái thiết Ukraine sau xung đột sẽ trở thành một vấn đề lớn, như những thất bại ở Iraq và Afghanistan đã cho thấy.

Đánh giá lại và phân loại di sản của hội nhập là vấn đề chiến lược lớn nhất mà các chính trị gia châu Âu hiện nay phải đối mặt. Đề xuất cộng đồng chính trị châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ đánh dấu sự khởi đầu.

Một vấn đề chiến lược quan trọng khác với EU là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sự tập trung của châu Âu vào hòa bình và thịnh vượng sau Thế chiến II đã được đặt trong "chiếc ô an ninh" do Mỹ cung cấp. Cái giá mà châu Âu phải trả là chấp nhận quyền bá chủ của Mỹ. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang khiến EU lo lắng. Thực tế cho thấy, EU không đủ sức mạnh để thay thế quyền bá chủ của Mỹ, cũng như không coi quốc gia nào khác là bá chủ mới đầy tiềm năng. Do đó, điều duy nhất EU có thể làm là đẩy nhanh "quyền tự chủ chiến lược" của mình, chủ yếu như một sự bổ sung - và đôi khi là một vùng đệm - cho quyền bá chủ của Mỹ.

CỤC DIỆN PHỨC TẠP

Ngày 11/3, quốc kỳ của Thụy Điển được kéo lên tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), đánh dấu quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn và lâu đời nhất thế giới này.

Sự kiện này sẽ thay đổi đáng kể cán cân địa - chính trị trong khu vực cũng như môi trường an ninh tại châu Âu, vốn đã có nhiều biến động vì xung đột Nga - Ukraine.

Chỉ cách đây vài năm, khó có thể tưởng tượng Thụy Điển sẽ gia nhập NATO vì đất nước này giữ vị trí trung lập trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhất là khi Liên Xô giải thể năm 1991, Thụy Điển cũng cắt giảm chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, kể từ khi năm 2014, Thụy Điển lại bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng lại vào năm 2018 và chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan bắt đầu quá trình gia nhập NATO.

Đánh giá về việc kết nạp Thụy Điển, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Thụy Điển có lực lượng vũ trang có năng lực và nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Việc Thụy Điển gia nhập làm cho NATO mạnh hơn".

Mặc dù số lượng không đông, song quân đội Thụy Điển được đánh giá là được huấn luyện rất bài bản và trang bị hiện đại, nên về sức mạnh quân sự, những năm gần đây, nước này luôn nằm trong nhóm 30 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu (trong số trên 140 quốc gia/vùng lãnh thổ) trong Bảng xếp hạng hỏa lực toàn cầu. Thụy Điển là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh với các tàu ngầm tiên tiến, quen hoạt động ở vùng biển Baltic nông. Ngoài hải quân, Thụy Điển còn sở hữu một trong những lực lượng không quân lớn nhất châu Âu với khoảng 100 máy bay chiến đấu. Điều này có nghĩa là các quốc gia NATO ở Đông Bắc Âu có thể chủ động việc giám sát không phận khu vực.

Theo Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển - một trong những ngành lớn nhất ở châu Âu, sản xuất một số thiết bị tinh vi nhất trên thị trường. Năng lực công nghệ cao trong khu vực tư nhân của Thụy Điển cùng với số lượng lớn các khoáng sản quan trọng, như quặng sắt và kim loại đất hiếm, rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Thụy Điển có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự sản xuất máy bay chiến đấu, nổi bật với dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Tập đoàn Saab.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển tài khóa 2020 - 2021 đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tới gần 60 nước. Danh mục khí tài do Thụy Điển xuất khẩu cũng khá đa dạng, từ phụ tùng máy bay chiến đấu, các loại radar, hệ thống tác chiến điện tử, cảnh báo trên không… đến xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, tên lửa, chiến đấu cơ, tàu chiến và cả tàu ngầm. Mỹ là khách hàng mua các loại lựu pháo trang bị cho hải quân và hệ thống pháo phản lực do Thụy Điển cung cấp.

Với vị trí là mắt xích quan trọng kết nối Bắc cực với biển Baltic và Đại Tây Dương, việc Thụy Điển gia nhập NATO đã làm thay đổi đáng kể cục diện địa - chính trị ở khu vực này. Giờ đây, ngoại trừ Nga, tất cả các nước ven biển Baltic đều là thành viên NATO. Điều đó sẽ giúp NATO có lợi thế chiến lược ở biển Baltic. Giới phân tích đánh giá trong trường hợp xung đột giữa NATO và Nga ở biên giới phía Đông leo thang, Thụy Điển sẽ là nơi trung chuyển quan trọng về hậu cần và quân đội.

NATO cũng có thể mở rộng ảnh hưởng ở Bắc cực thông qua việc Thụy Điển gia nhập. Hiện nay, 7/8 quốc gia trong Hội đồng Bắc cực là thành viên NATO (ngoại trừ Nga). Đây được xem là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và có khả năng xảy ra tranh chấp trong tương lai bởi tiềm năng về những nguồn tài nguyên và tuyến vận chuyển ngắn hơn đang còn ẩn giấu dưới lớp băng tan chảy tại vùng cực.

Đối với Thụy Điển, quyết định gia nhập NTO được cho sẽ giúp nước này có được sự đảm bảo an ninh trong bối cảnh cấu trúc an ninh châu Âu đã thay đổi. Tuy nhiên, việc nước này từ bỏ chính sách không liên kết cũng có thể mang tới những hệ lụy phức tạp. Chính sách không liên kết cho phép Thụy Điển duy trì tính độc lập trong chính sách đối ngoại, đồng thời giúp tạo dựng danh tiếng của nước này như một quốc gia trung lập và hòa bình, nhờ đó Thụy Điển có thể theo đuổi vai trò tích cực trong quan hệ quốc tế và giải quyết xung đột. Nay với việc gia nhập liên minh quân sự, vai trò này không còn.

Đối với ổn định và an ninh khu vực, như tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Stockholm, việc Thụy Điển gia nhập “khối quân sự thù địch với Nga” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định ở Bắc Âu và khu vực Baltic, nơi vốn từng một trong những khu vực ổn định nhất thế giới. Sau khi NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, danh sách các “quốc gia trung lập” ở châu Âu ngày càng ít dần, điều này tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Nga coi việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO là “mối đe dọa đáng kể với an ninh của Moskva” và cảnh báo về những động thái phản ứng trước những bước tiến của NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Chính phủ Nga sẽ giám sát chặt chẽ cách Thụy Điển hành xử trong "khối quân sự hiếu chiến" và dựa trên điều này, Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mang tính chất chính trị và quân sự - kỹ thuật để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nội dung chính xác của các biện pháp sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và mức độ hội nhập của Thụy Điển vào NATO, chẳng hạn như khả năng triển khai quân đội và vũ khí của NATO tới quốc gia Scandinavia này.

Trên thực tế, khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga thông báo thành lập quân khu mới để củng cố các vị trí của nước này gần biên giới Phần Lan. Theo các chuyên gia quân sự, nếu NATO điều lực lượng hoặc lắp đặt các khí tài quân sự đến Phần Lan và Thụy Điển, Nga có thể sẽ đáp trả quyết liệt và cứng rắn hơn. Điều đó càng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu, khiến căng thẳng, xung đột và đối đầu thêm trầm trọng, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.

Như vậy, có thể khẳng định việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ thay đổi môi trường an ninh châu Âu, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa khối này với Nga, khiến cục diện địa - chính trị khu vực trở nên phức tạp hơn. Tình hình này cũng khiến triển vọng giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, thêm khó khăn.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG LAO XE VÀO CỔNG CUNG ĐIỆN BUCKINGHAM

Cảnh sát Anh bắt người đã lao xe vào cổng Cung điện Buckingham ở London, nơi ở của hoàng gia Anh, khiến phần cổng bị hư hại.

Cảnh sát London ngày 10/3 cho biết chiếc xe đã "đâm vào cổng" dinh thự hoàng gia vào 2h30 ngày 9/3. Video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy chiếc ôtô màu xanh trước cổng cung điện sau va chạm và cảnh sát khống chế người đàn ông đang quỳ trên mặt đất, hai tay để sau đầu. Không ai bị thương trong sự việc.

Người lao xe được đưa đến bệnh viện để đánh giá sức khỏe và sau đó bị giam theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần. Anh ta được tại ngoại, trong khi các cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Sự việc không bị xem là liên quan khủng bố.

Cung điện Buckingham cho biết không thành viên hoàng gia nào ở dinh thự vào thời điểm xảy ra sự việc và cổng cung điện đang được sửa chữa.

Các biện pháp an ninh ở Cung điện Buckingham, dinh thự chính thức của hoàng gia Anh, rất nghiêm ngặt. Tòa nhà nằm ở trung tâm thủ đô nước Anh luôn được cảnh sát vũ trang bảo vệ.

Hồi tháng 9 năm ngoái, nam thanh niên 25 tuổi bị bắt khi tìm cách đột nhập vào chuồng ngựa của hoàng gia.

Trước lễ đăng quang của Vua Charles III tháng 5 năm ngoái, một người đàn ông bị bắt vì ném đạn súng săn vào khuôn viên cung điện. Cùng tháng đó, người đàn ông 43 tuổi bị bắt vì đâm xe vào cổng chắn bên ngoài tòa nhà Phố Downing, nơi ở của thủ tướng Anh.

LOẠI "VÀNG LỎNG" BỊ ĂN TRỘM NHIỀU NHẤT Ở TÂY BAN NHA

Dầu ôliu, món hàng được mệnh danh là "vàng lỏng" hiện là sản phẩm bị ăn trộm nhiều nhất tại các siêu thị ở Tây Ban Nha.

Theo Sky News, các vụ ăn trộm dầu ôliu diễn ra sau đợt hạn hán thiêu đốt ở miền nam nước này hồi năm ngoái, gây ảnh hưởng đến vụ thu hoạch ôliu.

Ông Ruben Navarro, người đứng đầu chuỗi siêu thị Tu, đang vận hành khoảng 30 cửa hàng ở vùng Andalucia của Tây Ban Nha cho biết, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang ăn trộm dầu để bán lại. "Dầu ôliu là món hàng lý tưởng để bọn chúng đánh cắp", ông Navarro cho hay.

Dầu ôliu là mặt hàng bị ăn trộm nhiều thứ hai trong tất cả các siêu thị của Tây Ban Nha, chỉ sau rượu mạnh. Thịt giăm bông Iberico đứng vị trí thứ 3 trong danh sách các món hàng bị trộm cắp nhiều, kết quả khảo sát cho thấy. Một lít dầu ôliu nguyên chất chất lượng cao có giá dưới 5 Euro cách đây 4 năm, giờ đây đã lên tới 14 Euro.

Tây Ban Nha là nước sản xuất dầu ô liu lớn nhất và các gia đình thường mua số lượng lớn để nấu ăn. Hiện nay, các siêu thị đã xích các chai dầu ôliu lớn, loại 5l lại với nhau và khóa chúng vào kệ để ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Tại một số cửa hàng, chai dầu loại 1l cũng được gắn thẻ an ninh và sau khi khách mua hàng, nhân viên siêu thị sẽ tháo khóa cho khách. Tuy nhiên, Giám đốc bán hàng của chuỗi siêu thị Eroski - ông Jose Izquierdo nói, kẻ trộm đang dùng thiết bị từ tính để phá thẻ an ninh.

Theo công ty an ninh STC, đơn vị thực hiện khảo sát các cửa hàng, dầu ôliu hiện là mặt hàng bị đánh cắp nhiều nhất tại các siêu thị ở Aragon, Andalusia, Castilla-La Mancha, Catalonia, Valencia, Madrid, Quần đảo Balearic và Extremadura.

Giám đốc tiếp thị của STC Alejandro Alegre cho biết, một mặt hàng thực phẩm thiết yếu lại nằm ở vị trí cao trong danh sách trộm cắp như vậy là điều bất thường.

3 NƯỚC BẮT TAY PHÁP LẬP LIÊN MINH ĐƯA QUÂN TỚI UKRAINE: NGA XÉ LẰN RANH ĐỎ, CẢNH CÁO "QUYẾT ĐỊNH TỰ SÁT"

Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng điều quân đội tới Ukraine sau tuyên bố ủng hộ Kiev "không giới hạn".

Pháp lập liên minh các nước có khả năng đưa quân tới Ukraine

Tờ Politico (Mỹ) và tờ Baltic News Service (chi nhánh Lithuania) đưa tin, Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng điều quân đội tới Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné trong ngày 8/3 đã có mặt tại Lithuania, nơi ông gặp gỡ những người đồng cấp đến từ 3 nước Baltic và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba để củng cố ý tưởng rằng: Quân đội nước ngoài có thể hỗ trợ Ukraine.

Tại cuộc họp do Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis chủ trì, ông Séjourné nói: "Không đến lượt Nga chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong thời gian tới. Nga không có quyền chỉ đạo cách chúng ta hành động hoặc đặt ra các lằn ranh đỏ. Chúng ta tự mình quyết định điều đó".

Theo Ngoại trưởng Pháp, quân đội các nước châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine rà phá bom mìn. Trong cuộc họp, ông Séjourné liên tục đề cập đến khả năng này và nhấn mạnh rằng, "điều đó đồng nghĩa với việc đưa một số lượng quân tới, nhưng không phải để chiến đấu".

Theo Politico, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng, khiến việc ngăn chặn các đợt tấn công dữ dội của Nga trở nên khó khăn hơn.

"Ukraine không đề nghị chúng ta gửi quân tới, mà đang đề nghị gửi đạn dược", ông Séjourné nói, "tuy nhiên, chúng ta sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào trong những tháng tới".

Phản hồi lại đề nghị của ông Séjourné, các Bộ trưởng vùng Baltic đã ca ngợi Pháp "có tầm nhìn".

Ngoại trưởng Lithuania Landsbergis nhắc lại lời ông Séjourné: "Chúng ta phải vạch ra lằn ranh đỏ cho Nga, chứ không phải cho chính chúng ta. Không thể loại trừ bất cứ hình thức hỗ trợ nào cho Ukraine. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở bất cứ nơi nào cần thiết nhất".

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna thì nói rằng "Chúng ta đích thực cần một cách tiếp cận khác, một sáng kiến khác để tiến về phía trước" trong vấn đề hỗ trợ Ukraine.

"Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và chúng ta phải thực hiện các quyết định đã được đưa ra" - Ông Tsahkna nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Latvia Krišjanis Karinis bày tỏ ý kiến rằng, Ukraine hiện cần những thứ thiết thực, như vũ khí, đạn dược và huấn luyện cho binh sĩ.

"Điều quan trọng là chúng ta phải truyền tải được cảm giác cấp bách mà chúng ta cảm thấy ở Đông Âu đến phần còn lại của châu Âu" - Ông Karinis nói.

Trước đó, theo tờ Le Monde, trong ngày 7/3, Tổng thống Pháp Macron đã gặp lãnh đạo các đảng phái ở nước này để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại cuộc gặp, ông Macron khẳng định rằng "không có giới hạn nào" đối với sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine.

"Quan điểm của Pháp đã thay đổi: Không có lằn ranh đỏ hay giới hạn nào cả", Le Monde dẫn lời một quan chức tham gia cuộc họp cho biết.

Ông Macon vào tháng trước đã đề cập tới khả năng đưa quân đội phương Tây tới Ukraine, tuy nhiên ngay sau đó, hầu hết các nước châu Âu như Đức, Czech, Ba Lan... đều lần lượt ra tuyên bố rằng họ không có kế hoạch như vậy.

Chỉ riêng 3 nước Baltic (gồm Estonia, Lithuania và Latvia) - những quốc gia đang lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga sau thành công ở Ukraine - tỏ ra cởi mở hơn với ý tưởng này.

Các quan chức Lithuania thời điểm đó cho biết họ cũng đang xem xét khả năng đưa binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ Kiev huấn luyện lực lượng.

Ba Lan sau đó cũng thay đổi quan điểm. Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski trong ngày 8/3 tuyên bố: "Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng được".

Ông Sikorski đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Macron, bởi "chính [Tổng thống Nga Vladimir] Putin mới đang sợ hãi, chứ không phải chúng tôi sợ Putin".

Hiện chưa rõ Warsaw có sẵn sàng gia nhập liên minh với Pháp nếu được đề nghị hay không.

Nga cảnh báo Pháp về "quyết định tự sát"

Phản ứng trước thông tin Pháp lập liên minh các nước có khả năng đưa quân tới Ukraine, ông Leonid Slutsky - người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế cảnh báo Paris "đang đùa với lửa".

Theo ông Slutsky, Tổng thống Pháp đã không từ bỏ ý tưởng "đối đầu trực tiếp giữa quân đội NATO-Nga", bất chấp lập trường của đa số các thủ đô châu Âu.

"Việc có tạo ra được một liên minh quân sự 'sẵn sàng cho mọi tình huống' chống Nga hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, rõ ràng Paris đang cố gắng đảm nhận vai trò là người sáng lập một cấu trúc mới mạnh mẽ hơn bên trong NATO.

Đây là hành động rất mạo hiểm, và nguy cơ tổn thất đầu tiên có thể sẽ là của những phía chống đối Nga. Dẫu sao, không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào, đúng không, ông Macron?" - Hãng thông tấn TASS ngày 10/3 trích dẫn quan điểm của ông Slutsky.

Ông Slutsky đồng thời gọi ý tưởng thành lập liên minh đưa quân tới Ukraine là "quyết định tự sát" và cho rằng nó chỉ có thể nhận được sự ủng hộ từ phía các nước Baltic - những phía "không muốn mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua bài Nga".

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Yury Hempel, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại và quan hệ giữa các sắc tộc thuộc chính quyền bán đảo Crimea, gọi liên minh mới gồm Pháp và các nước sẵn sàng điều quân đến Ukraine là "hành động xâm lược".

"Sáng kiến của Pháp là hành động gây hấn và bản thân Tổng thống Macron đang mắc sai lầm rất nghiêm trọng, điều này có thể khiến sự nghiệp chính trị của ông ta sụp đổ" - ông Hempel nói.

Ông Hempel đồng thời kêu gọi các chính trị gia ở châu Âu giữ vững lý trí và không bị lôi kéo vào những hành động "khiêu khích" của Paris.

Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga không còn "lằn ranh đỏ" nào với Pháp sau khi ông Macron tuyên bố ủng hộ Kiev "không giới hạn".

"Ông Macron nói 'không còn lằn ranh đỏ hay giới hạn nào' trong việc ủng hộ Ukraine. Điều đó đồng nghĩa Nga không còn lằn ranh đỏ nào nữa với Pháp" - Ông Medvedev tuyên bố qua mạng xã hội X, đồng thời viết thêm cụm từ "In hostem omina licita".

Cụm từ này dường như muốn đề cập thuật ngữ "in hostem omnia licita" (binh bất yếm trá) theo tiếng Latin, ám chỉ Nga sẽ không loại trừ bất cứ hành động nào với Pháp trong trường hợp xung đột xảy ra giữa hai nước.

Nguồn: CAND; Báo Tin Tức; Vnexpress; Vietnamnet; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang