EU: Thắt chặt tài chính; Chật vật tăng ngân sách QP; Buộc ngân hàng rời Nga; Ngăn TQ đưa hàng sang Nga; Pháp làm điều chưa từng có

EU THẮT CHẶT TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KHU VỰC KINH TẾ CHÂU ÂU

Ngày 22/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) kể từ năm 2025 nhằm giúp giảm lạm phát và ổn định tài chính công sau tình trạng chi tiêu quá mức do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp thượng đỉnh EU, Hội đồng châu Âu đã tán thành khuyến nghị yêu cầu thực thi lập trường tài khóa tổng thể chặt chẽ hơn ở khu vực EEA. Quy định mới được cho là sẽ phù hợp hơn với triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực này về nhu cầu tăng cường tính bền vững tài chính, hỗ trợ quá trình giảm phát đang diễn ra và duy trì các chính sách linh hoạt trước tình hình bất ổn.

Trước đó, hôm 11/3, các Bộ trưởng tài chính của 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã nhất trí về hướng dẫn chính sách tài khóa cho năm 2025 để có thêm thời gian cắt giảm nợ trong khi vẫn thu hút vốn đầu tư để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kinh tế kỹ thuật số, đồng thời tăng tính cạnh tranh về công nghệ và các nguyên liệu thô quan trọng.

Mục đích nhằm tạo ra một Liên minh thị trường vốn (CMU) của EU và giảm bớt rào cản đối với đầu tư tư nhân xuyên biên giới. Đây sẽ là nhiệm vụ của Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) trong nhiệm kỳ tiếp theo, sau cuộc bẩu cử vào tháng 6 tới. Trong số những lĩnh vực được quan tâm có chứng khoán hóa, điều hòa luật phá sản, xử lý thuế tiết kiệm hưu trí và lợi tức vốn, cũng như các yêu cầu về việc niêm yết.

Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup), ông Paschal Donohoe, cho biết việc tạo ra một thị trường vốn chung hoạt động tốt và hiệu quả thông qua việc thúc đẩy CMU là điều cần thiết đối với châu Âu. Ông nói: “CMU là một trong những thành phần quan trọng trong trọng tâm đổi mới của chúng tôi về khả năng cạnh tranh của khu vực đồng euro, vốn là yếu tố bắt buộc để ứng phó với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu”.

Theo kế hoạch, chiến lược hội nhập thị trường vốn sẽ được thảo luận sâu hơn tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU, dự kiến diễn ra từ 17 - 18/4 ở Brussels.

Trước đó, EC dự báo thâm hụt ngân sách tổng thể của khu vực đồng euro trong năm 2024 sẽ giảm xuống còn 2,8% GDP, so với mức 3,2% của năm 2023, sau đó tiếp tục giảm xuống 2,7% GDP vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EIB) dự báo lạm phát tiêu dùng sẽ giảm từ 5,4% năm 2023 xuống 2,3% năm 2024, 2,0% năm 2025 và 1,9% năm 2026.

CHÂU ÂU CHẬT VẬT TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG THEO YÊU CẦU CỦA NATO

Nhiều thành viên NATO ở châu Âu đối mặt thâm hụt ngân sách cao, khó có thể đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng ít nhất 2% GDP.

Các thành viên châu Âu của NATO cần tăng đóng góp hơn 60 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngân sách quốc phòng của liên minh.

Mỹ nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, đặc biệt dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, người thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ phải chịu gánh nặng tài chính nhiều hơn các nước thành viên khác. Trump hôm 10/2 cho biết từng tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ những thành viên NATO không góp đủ ngân sách cho liên minh.

Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, việc thúc đẩy các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ Nga đang làm gia tăng áp lực ngân sách ở châu Âu, vào thời điểm nhiều quốc gia phải thi hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" về tài chính. Các nhà kinh tế cho rằng điều này sẽ khiến cho khoảng cách giữa các nước châu Âu ngày càng xa.

Nghiên cứu của Viện Ifo của Đức cho thấy các nước có tỷ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP thấp nhất so với mục tiêu 2% GDP mà NATO từng thống nhất cũng là những quốc gia có mức nợ và thâm hụt ngân sách cao nhất ở châu Âu.

Đức là quốc gia có mức thiếu hụt lớn nhất, khi chi ít hơn 15 tỷ USD so với mức yêu cầu. Tây Ban Nha, Italy và Bỉ theo sau với mức thiếu hụt lần lượt gần 12 tỷ USD, 11,7 tỷ USD và gần 5 tỷ USD.

Ba quốc gia Tây Ban Nha, Italy, Bỉ nằm trong nhóm 6 nước Liên minh châu Âu (EU) có mức nợ trên 100% GDP trong năm ngoái. Italy còn là một trong những nước có thâm hụt ngân sách cao nhất khối với 7,2% và điều này khó cải thiện trong năm nay.

"Các quốc gia có mức nợ và chi phí lãi vay cao dường như không còn lựa chọn nào khác là cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác. Điều này không dễ dàng. Đức đã tìm cách giảm trợ cấp dầu diesel cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng vấp phải phản ứng dữ dội từ nông dân", Marcel Schlepper, nhà kinh tế tại Ifo, nói.

Matthew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, thừa nhận EU đã nỗ lực để thúc đẩy các thành viên NATO đạt mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Washington từ lâu đã muốn châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và tự chủ hơn về an ninh. Những lời đe dọa của cựu tổng thống Trump đã khiến nhiều thành viên liên minh lo ngại về tương lai nếu ông tái đắc cử vào tháng 11.

Tổng ngân sách quốc phòng năm ngoái của NATO là 1,2 nghìn tỷ euro, trong đó Mỹ đóng góp cao hơn gấp đôi so với mức 361 tỷ euro mà các thành viên EU, Anh và Na Uy cộng lại.

Các quy tắc tài khóa mới của EU áp dụng cho năm tới dự kiến thúc đẩy các quốc gia cắt giảm chi tiêu nhiều hơn để tuân thủ mức trần thâm hụt ngân sách 3% hàng năm và ngưỡng nợ 60% so với GDP. Hơn 10 quốc gia trong khối có thể vượt trần thâm hụt hàng năm, điều có thể khiến họ đối mặt với lệnh trừng phạt của Ủy ban châu Âu.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán cuối năm ngoái, Ba Lan, Italy và các nước vùng Baltic đã vận động thành công để tránh nguy cơ bị phạt theo quy tắc mới. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ coi chi tiêu quốc phòng là yếu tố giảm nhẹ khi đánh giá có nên trừng phạt các nước vượt trần thâm hụt hàng năm hay không.

Ba Lan dự kiến chi hơn 4% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024 và trở thành nước có mức chi lớn nhất trong NATO. Điều này đồng nghĩa Warsaw có thể được xem xét giảm nhẹ trừng phạt khi vi phạm mức trần của EU.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cho biết 2/3 số thành viên liên minh dự kiến đạt mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm nay, tăng từ 3 nước vào năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các quốc gia khu vực đồng euro đang trên đà tăng ngân sách quốc phòng từ gần 163 tỷ USD năm 2021 lên hơn 347 tỷ USD vào năm 2026, theo Pantheon Macroeconomics. Tuần này, Na Uy trở thành thành viên NATO mới nhất tuyên bố sẽ đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Lorenzo Codogno, cựu quan chức Bộ Tài chính Italy và hiện là cố vấn kinh tế, cho biết mục tiêu này sẽ "khó khăn" với Italy, quốc gia có mức nợ trên 140% GDP vào năm ngoái, nếu không có miễn trừ quy định hoặc hỗ trợ từ EU.

"Mối đe dọa từ Nga không được xem là đủ lớn để biện minh cho quyết định cắt giảm phúc lợi xã hội và đầu tư cho vũ khí", ông nói.

Khảo sát của NATO chỉ ra tỷ lệ ủng hộ thấp của công chúng đối với ý tưởng tăng ngân sách quốc phòng ở những nước có mức đóng góp ít. Chỉ 28% người dân Italy cho rằng đất nước của họ cần tăng đầu tư cho quân sự, trong khi 62% muốn duy trì hoặc cắt giảm mức 1,47% như hiện tại.

Dù là nơi đặt trụ sở của NATO, Bỉ chỉ chi 1,2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm ngoái, một trong những nước đóng góp ít nhất liên minh, theo số liệu công bố tuần trước. Tây Ban Nga cao hơn một chút với 1,24%.

Trừ 7 quốc gia châu Âu cam kết hoàn thành mục tiêu 2% trong năm nay, trong đó có Thụy Điển, nước vừa được kết nạp, Ifo chỉ ra châu Âu thiếu hụt 38 tỷ USD ngân sách quốc phòng so với kế hoạch.

"Chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng quá chậm và quá muộn", Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nói cuối tuần trước, chỉ ra ngân sách quốc phòng của Nga dự kiến đạt 7% GDP trong năm nay. "Nga đang chuyển sang nền kinh tế thời chiến. Các nền kinh tế châu Âu ít nhất cũng phải chuyển sang chế độ khủng hoảng".

CHÂU ÂU GÂY SỨC ÉP BUỘC CÁC NGÂN HÀNG RỜI KHỎI NGA

Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo các ngân hàng kinh doanh ở Nga có thể gặp rủi ro về danh tiếng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi các ngân hàng tăng tốc rút khỏi Nga do rủi ro gia tăng khi kinh doanh tại quốc gia bị trừng phạt này - tờ Financial Times dẫn lời giám sát viên ngân hàng Claudia Buch cho hay.

Bà Claudia Buch trở thành Chủ tịch cơ quan giám sát của ECB vào tháng 1. Bà nói cơ quan này đang tiếp tục gây áp lực buộc các ngân hàng châu Âu có hoạt động ở Nga phải nhanh chóng rời đi.

Một số ngân hàng nước ngoài đã rời Nga trong hai năm qua do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraina. Tuy nhiên, một số khác, bao gồm cả các ngân hàng từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga.

Các ngân hàng này bao gồm Raiffeisenbank và UniCredit Bank, là các công ty con của Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo và UniCredit của Italy. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cho phép thanh toán bằng đồng euro đến và đi từ nước này. Cả hai cũng là những thực thể nước ngoài duy nhất nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nga.

Ngân hàng ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, Ngân hàng OTP của Hungary, Intesa SanPaolo của Italy và SEB của Thụy Điển cũng duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga.

Theo bà Buch, các ngân hàng EU đã cắt giảm một nửa hoạt động ở Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraina và những ngân hàng vẫn còn hiện diện đã được yêu cầu thu hẹp quy mô hoạt động và có chiến lược rút lui.

Bà Buch cho biết, các ngân hàng tiếp tục hoạt động tại Nga sẽ đối mặt với rủi ro “danh tiếng” bởi Mátxcơva đang chịu trừng phạt quốc tế. “Ngoài ra, còn có những vấn đề liên quan đến khả năng kiểm soát, quản lý rủi ro trong môi trường khó khăn như vậy” - bà Buch nói thêm.

Tập đoàn RBI, công ty sở hữu Raiffeisen, đã phản đối các yêu cầu từ Mỹ và EU về việc đẩy nhanh rút khỏi Nga. Ngân hàng Áo này đã công bố kế hoạch vào tháng 3 năm ngoái để dừng hoạt động kinh doanh ở Nga vào tháng 9, sau áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, vào tháng 8, Thống đốc RBI Johann Strobl cho biết công ty đã hoãn quá trình này đến cuối năm 2023. Đến tháng 9, ngân hàng này đã nộp đơn đăng ký logo mới tại Nga, cho biết muốn mở rộng khả năng của nhãn hiệu.

Trong khi đó, đầu tháng này, Washington đã cảnh báo gã khổng lồ ngân hàng của Áo rằng họ có nguy cơ “bị cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ” nếu bị phát hiện đã giúp tài trợ cho quân đội Nga - Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Raiffeisen xác nhận đã thảo luận với Mỹ về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra đối với hoạt động kinh doanh ở Nga, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết, theo trang EUobserver.

MỸ, EU TÌM CÁCH NGĂN TRUNG QUỐC ĐƯA HÀNG HÓA SANG NGA

Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đang xem xét các bước giải quyết việc Trung Quốc xuất khẩu những mặt hàng có thể hỗ trợ quân đội Nga, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 21/3, Đặc phái viên về trừng phạt của EU David O'Sullivan cho biết ông đã thảo luận với các đối tác Mỹ trong tuần này về cách đối phó vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc và vai trò của các trung tâm sản xuất khác ở châu Á trong hoạt động cung cấp các sản phẩm công nghệ tiên tiến cho Nga.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào", hãng tin Reuters dẫn lời ông O'Sullivan nói với các phóng viên.

Động thái này diễn ra khi Mỹ và EU đang tìm cách giải quyết việc Moscow có thể trốn tránh các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây áp đặt nhằm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Mỹ, EU và các đối tác đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow trong nỗ lực hạn chế nguồn thu của Nga và ngăn nước này tiếp cận những công nghệ tinh vi mà nước này cần để chế tạo vũ khí.

Ông O'Sullivan cho biết những hoạt động đó đã chậm lại và trong một số trường hợp đã chặn được việc vận chuyển hàng hóa có thể sử dụng cho mục đích quân sự qua các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Quan chức trên cũng cho biết, EU đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với một số tổ chức ở Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong vốn bị cáo buộc là một phần của mạng lưới thu mua các sản phẩm của châu Âu để xuất khẩu sang Nga và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Cũng theo ông, Washington và EU đang tính toán các biện pháp khác để ứng phó trong giai đoạn mới, bao gồm khả năng tiếp cận trực tiếp với Trung Quốc.

"Chúng tôi nhận thấy sự tập trung ngày càng tăng vào Hồng Kông, Trung Quốc là nguồn cung cấp các sản phẩm này", ông O'Sullivan nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không có bình luận gì về thông tin này. Bắc Kinh trước đây cho biết kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến Ukraine.

PHÁP ĐANG LÀM ĐIỀU CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ: TRỞ THÀNH ‘THÁNH ĐỊA’ MỚI CỦA ĐỒ ĂN NHANH MỸ, ĐÓNG GÓP 19 TỶ EURO LỢI NHUẬN HÀNG NĂM, CHUYỆN GÌ ĐANG DIỄN RA?

Bằng chiêu trò marketing, các chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ đang kiếm bộn tiền ở Pháp khi kiếm về 19 tỷ Euro lợi nhuận riêng trong năm 2023, biến nơi đây thành thị trường lớn thứ 2 thế giới sau quê nhà.

Hãng tin CNBC cho hay nước Pháp đang trở thành "Thánh địa" mới cho các chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ khi nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực truyền thống của người dân.

Với nền ẩm thực nổi tiếng, người dân Pháp thường không ưa chuộng những cửa hàng đồ ăn nhanh kiểu Mỹ. Chính vì vậy mà Pháp là nước có nhiều cửa hàng đạt sao Michelin nhất thế giới.

Thế nhưng văn hóa này đã dần thay đổi trước áp lực kinh tế cũng như xu thế mới của giới trẻ, tạo nên một bối cảnh chưa từng có trong lịch sử âm thực Pháp.

19 tỷ Euro

Trong khoảng 2019-2023, hơn 1.300 nhà hàng đồ ăn nhanh đã được khai trương tại Pháp, đem đến tổng lợi nhuận 19 tỷ Euro trong riêng năm ngoái. Tính trong 1 thập kỷ qua, doanh số ngành đồ ăn nhanh nơi đây đã tăng tới 61%.

Mặc dù McDonal’s đang là chuỗi đồ ăn nhanh dẫn đầu do tiếp cận sớm thị trường Pháp nhưng Burger King, Domino’s Pizza, KFC cũng đang mở rộng nhanh chóng. Đó là chưa kể đến những cái tên mới gia nhập thị trường như Popeyes và Krispy Kreme.

Hiện Pháp đang là thị trường lớn thứ 2 thế giới của McDonald’s và Burger King sau Mỹ. Tổng doanh số của 2 ông lớn này tại Pháp đã lên đến 8,1 tỷ Euro riêng trong năm 2023.

"Pháp đang trở thành thị trường đầy hấp dẫn với các hãng đồ ăn nhanh Mỹ khi doanh số tại đây cao gấp 2-3 lần so với những thị trường khác ngoài Mỹ ", nhà sáng lập Xavier Expili của EXPM thừa nhận.

"Pháp là một quốc gia mà người dân rất coi trọng nhu cầu ẩm thực, do đó những chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ đã tìm được thành công tại đây", Giám đốc Andrew Charles của TD Cowen đồng quan điểm.

Theo CNBC, người Pháp đang ngày càng thích những món như bánh Burger vì tiện lợi và giá rẻ trong thời buổi kinh tế khó khăn, thay vì những nhà hàng hạng sang đạt sao Michelin.

Số liệu cho thấy khoảng 47% doanh số của các chuỗi đồ ăn nhanh tại Pháp đến từ bán bánh Burger.

"Trong suốt 30 năm qua, bánh Burger đang dần trở thành một món ăn phổ biến tại Pháp, thậm chí trở thành một món thiết yếu trong thực đơn nhiều nhà hàng", nhà sáng lập Expili cho hay.

Đây là những con số gây sốc cho nhiều người dân Pháp khi vào năm 2022, khoảng 55% trong số 157.000 nhà hàng tại đây là theo văn hóa ẩm thực truyền thống.

Lối sống Mỹ

Để đạt được thành công này, các chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ đã rất biết quảng cáo, marketing về lối sống cao của Mỹ gắn liền với ẩm thực.

"Ẩm thực của người Pháp thường được liên kết với cảm xúc. Bởi vậy khi tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ đem đến một món ăn mới mà là cả một ý tưởng mới, sự kết nối mới cho khách hàng", CEO Joel Tissier của Domino’s Pizza tại Pháp cho biết.

Những khách hàng Pháp mong muốn có một cuộc sống tiêu chuẩn cao ở Mỹ như quảng cáo nhưng không đủ tiền nhập tịch thì sẽ không ngại ngần thử những chiếc bánh Burger giá rẻ để có cảm xúc tương tự.

Chính chiêu trò quảng bá gắn hình ảnh đồ ăn nhanh với lối sống Mỹ chất lượng cao này đã thu hút được một bộ phận lớn giới trẻ Pháp.

Chỉ trong vòng 5 năm, top 4 chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ tại Pháp đã mở mới gần 500 chi nhánh với lợi nhuận tăng trưởng 10%, qua đó cho thấy sự thành công trong chiến lược quảng bá lối sống Mỹ.

Tận dụng nông dân

Hãng tin CNBC cho hay ngoài chiến lược marketing thông minh, các chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ còn biết tận dụng mảng nông nghiệp hùng mạnh của Pháp. Những chuỗi cung ứng khoai tây cho McDonal’s hay gà cho Popeyes được kết nối chặt chẽ với các trang trại của Pháp.

Đây là lý do mà người nông dân Pháp dù biểu tình chống chính phủ nhưng vẫn có thái độ tích cực với các cửa hàng đồ ăn nhanh Mỹ.

Nhiều trang trại than phiền giá năng lượng tăng cao và chính phủ có tiêu chuẩn kép, muốn người nông nghiệp thân thiện môi trường nhưng lại phải đảm bảo sản lượng, trong khi lại chẳng trợ cấp đủ để giúp người nông dân có lợi nhuận.

Quay trở lại vấn đề, các chuỗi đồ ăn nhanh tại Pháp cũng rất biết cách tuân thủ những quy định ẩm thực ở Châu Âu, qua đó được đánh giá là "lành mạnh" (Healthy) hơn và càng phù hợp khẩu vị của người dân.

Một yếu tố nữa là dù quảng bá lối sống Mỹ nhưng các chuỗi đồ ăn nhanh cũng biết hòa hợp văn hóa địa phương. Rất nhiều cách làm món ăn được pha trộn với văn hóa ẩm thực Pháp.

"Chúng tôi không phân biệt được xuất xứ của chúng nữa, có cảm giác những chuỗi đồ ăn nhanh này đang trở thành một phần của đất nước tôi vậy", một thực khách trả lời CNBC.

Rẻ và tiện lợi

Đặc biệt qua thời đại dịch Covid-19, nhu cầu giao đồ ăn nhanh tăng cao khiến các chuỗi của Mỹ ngày càng phát triển hơn tại Pháp.

Khoảng 20% số bữa ăn của người dân Pháp là ở ngoài đường hoặc trong nhà hàng nhưng do thời gian ngày càng eo hẹp, áp lực công việc và hầu bao thắt chặt nên đồ ăn nhanh trở thành lựa chọn hợp lý hơn cả.

Đó là chưa kể đến ngày càng nhiều người nhập cư vào Pháp cảm thấy đồ ăn nhanh của Mỹ hợp túi tiền hơn so với văn hóa nhà hàng Michelin truyền thống. Chưa kể đến mức GDP bình quân đầu người cao khiến khả năng chi trả cho những bữa đồ ăn nhanh khá dễ dàng.

"Đồ ăn nhanh của Mỹ tiện lợi, đủ no và hiệu quả trong thời buổi lạm phát gia tăng, thời gian ăn uống bị thu hẹp như hiện nay", một thực khách nói với CNBC.

"Thời gian thưởng thức bữa ăn của người Pháp trung bình hiện nay chỉ còn khoảng 42 phút/bữa. Bởi vậy đồ ăn nhanh trở thành lựa chọn hợp lý", nhà sáng lập Expili nói.

Hiện Pháp là thị trường đóng góp 7% tổng doanh thu cho những chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ như McDonald’s.

Rõ ràng, doanh nghiệp Mỹ đang kiếm bộn tiền từ Pháp, nơi được mệnh danh là kinh đô ẩm thực Châu Âu.

Nguồn: Báo Tin Tức; Vnexpress; Lao Động; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang