EU: Thảm kịch di cư; Pháp kêu gọi tiết kiệm nước; Đức: Đình công ở sân bay, cái giá phải trả, chia rẽ vì Leopard 2

Thảm kịch di cư: Thuyền bị tách đôi ngoài khơi Italy

(Ảnh minh họa).

Trong năm qua, ít nhất 2.836 người đã thiệt mạng khi băng qua Trung Địa Trung Hải, một tuyến đường được coi là tuyến vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ít nhất 43 người đã thiệt mạng và 100 người đã được giải cứu sau khi một chiếc thuyền chở người di cư và người tị nạn bị chìm ngoài khơi thành phố ven biển Crotone thuộc vùng Calabria, miền Nam Italy. Khoảng 70 người trên tàu vẫn mất tích.

Vụ đắm tàu xảy ra sáng sớm hôm 26/2 gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát ven biển Calabria, khu vực hình thành nên “mũi giày” của Italy.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết trong một tuyên bố trên Twitter rằng các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra. Hãng thông tấn ANSA của Italy cho biết thêm rằng việc tìm kiếm những người sống sót vẫn đang tiếp tục bất chấp biển động.

Hãng tin AGI dẫn lời một nhân viên cứu hộ cho biết con tàu bị nhồi nhét quá nhiều người đã bị tách đôi sau khi đâm vào đá ngầm. Một em bé vài tháng tuổi nằm trong số các nạn nhân, AGI cho biết thêm.

Bà Manuela Curra, một quan chức chính quyền tỉnh, cho biết chiếc thuyền đã rời Izmir ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ 3-4 ngày trước, chở người di cư đến từ Afghanistan, Pakistan và Somalia. “Theo những người sống sót, có khoảng 140-150 người đã ở trên tàu”, bà Curra cho biết.

Ông Luca Cari, phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa tham gia nỗ lực cứu hộ, cho biết đến giữa buổi sáng, khoảng 40 người sống sót đã được tìm thấy. Một số người sống sót đã tự mình bơi vào bờ.

Rất nhiều trong số những chiếc thuyền như thế này đã đến những dải bờ biển dài ở miền Nam Italy mà không có sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc các tàu cứu hộ nhân đạo.

Thảm kịch mới nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ cực hữu của Italy nhận được sự chấp thuận của quốc hội nước này về một luật mới gây tranh cãi đối với vấn đề giải cứu người tị nạn và người di cư.

Luật buộc các tàu cứu hộ chỉ được thực hiện mỗi lần một nỗ lực cứu hộ, điều mà các nhà phê bình cho rằng có nguy cơ làm tăng số vụ chết đuối thương tâm ở trung Địa Trung Hải.

Thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni của Italy được bầu vào tháng 9 năm ngoái một phần nhờ lời hứa ngăn chặn dòng người tị nạn và người di cư đến bờ biển nước này.

Trong một tuyên bố hôm 26/2, bà bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” về vụ việc và “nhiều sinh mạng bị mất bởi những kẻ buôn người”.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cho biết trong một tuyên bố riêng rằng vụ việc là “một thảm kịch lớn cho thấy cần phải hành động kiên quyết chống lại các kênh di cư bất hợp pháp”.

Giáo hoàng Francis, một người lên tiếng ủng hộ quyền của người di cư, cho biết ông đang cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ đắm tàu trong bài phát biểu hôm 26/2 trước đám đông ở Quảng trường Thánh Peter.

Thống đốc vùng Calabria, Roberto Occhiuto, đã chỉ trích chính quyền EU vì họ không hành động trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và đặt câu hỏi “Liên minh châu Âu đã làm gì trong suốt những năm qua?”

“Châu Âu ở đâu khi nói đến việc đảm bảo an ninh và pháp lý?”, ông đặt câu hỏi, đồng thời nói thêm rằng những khu vực như vùng Calabria của ông đã bị bỏ rơi và phải tự mình “xử lý các trường hợp khẩn cấp và thương xót những người đã khuất”.

Italy là một trong những điểm đổ bộ chính của những người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển.

Trong năm qua, ít nhất 2.836 người đã thiệt mạng khi băng qua Trung Địa Trung Hải, một tuyến đường được coi là tuyến vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Tổng thống Pháp kêu gọi tiết kiệm nước để đối phó đợt khô hạn kỷ lục

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (25/2) đã kêu gọi người dân Pháp cần tiết kiệm nước trong bối cảnh nguy cơ hạn hán vào mùa Hè tới sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp.

Ông Macron cho rằng các nhà phân phối và bán lẻ cần giảm lợi nhuận để kìm hãm đà tăng của giá lương thực cũng như cam kết sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ để giúp ngành nông nghiệp Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phát biểu tại phiên khai mạc Triển lãm Nông nghiệp Pháp hằng năm tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lo lắng về tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng và lan rộng ra toàn nước Pháp khi nước Pháp đã phải trải qua mùa Đông khô hạn kỷ lục với 32 ngày liền không có mưa.

Ông Macron cũng kêu gọi người dân tránh lãng phí nước và cơ quan quản lý cần phân phối hợp lý hơn nguồn nước uống theo nhu cầu thiết thực để tránh một mùa Hè khô hạn như năm 2022.

Người đứng đầu nước Pháp tiếp tục khẳng định thời kỳ sung túc và dư thừa của nước Pháp đã kết thúc và cho biết sẽ sớm công bố, triển khai kế hoạch tiết kiệm nước kể từ tháng 3/2023 theo tinh thần giống như kế hoạch tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong thời gian qua.

“Chúng ta đã phải đối mặt với một mùa Hè hạn hán thiếu nước vào năm ngoái và điều này có thể tái diễn. Vậy nên, chúng ta cần thực hiện từ sớm thay vì để đến phút cuối và gây ra những xung đột về lợi ích. Cần phải có kế hoạch cho tất cả. Thời kỳ dư thừa đã kết thúc và chúng ta giờ đây nên có ý thức tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày”.

Trong bối cảnh giá thực phẩm vẫn lạm phát ở mức cao lên tới 14,5% trong tháng 2/2023, Tổng thống Pháp Macron kêu gọi các nhà phân phối và bán lẻ giảm bớt lợi nhuận để chung tay kìm hãm giá lương thực có nguy cơ tiếp tục leo thang trong tháng 3/2023.

Để tháo gỡ phần nào các khó khăn về nguồn cung thực phẩm, Tổng thống Pháp hy vọng hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Nam Mỹ (Khối Mercosur) sẽ được thúc đẩy sau khi ông Lula da Silva trở thành Tổng thống mới của Brazil. Thoả thuận này được EU và Khối Mercosur được ký kết từ năm 2019 nhưng hiện vẫn chưa được phê chuẩn do vướng mắc liên quan đến các cam kết của Brazil về vấn đề môi trường theo khuôn khổ Thoả thuận khí hậu Paris năm 2015.

Tổng thống Pháp Macron cũng tuyên bố sẽ kéo dài chính sách trợ giá nhiên liệu cho ngư dân Pháp cho đến tháng 10/2023.

Liên quan đến dự luật cải cách hưu trí, ông Macron cho biết sẽ không nhượng bộ và khẳng định làm việc nhiều hơn là cách tốt nhất để cải thiện sức mua. Người đứng đầu nước Pháp cũng hé lộ khả năng sẽ thực hiện chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2023 để tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine.

(Nguồn: VOV)

Đình công tại các sân bay Đức khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy

(Ảnh minh họa).

Hôm nay (27/2), hơn 300 chuyến bay tại các sân bay Duesseldorf và Cologne Bonn ở Đức không thể cất cánh do cuộc đình công kéo dài 24h của công đoàn Verdi.

Hãng Reuters dẫn tin từ sân bay Duesseldorf cho biết, trong số 330 chuyến bay đã lên kế hoạch có 205 chuyến phải hủy, 29 chuyến được chuyển hướng sang sân bay khác và 7 chuyến được dời lại ngày hôm sau.

Theo thông lệ, vào thứ Hai, có 136 chuyến bay sẽ khởi hành từ sân bay Cologne Bonn, song tối qua, có 133 chuyến đã bị hủy. Công đoàn Verdi hồi cuối tuần trước tuyên bố đình công sau khi các nỗ lực thương lượng không thành công.

Hai sân bay trên, phục vụ cho một loạt hãng hàng không, gồm cả Luftthansa, Turkish Airlines, Aegean Airlines, hầu hết đều vắng người vì hành khách đã được thông báo về cuộc đình công kịp thời để thay đổi kế hoạch.

Hồi đầu tháng này, giao thông đường không bị đình trệ vì cuộc đình công 1 ngày tại 7 sân bay lớn, gồm cả sân bay Frankfurt và Munich, làm ảnh hưởng gần 300.000 hành khách.

Hôm nay, các thành phố trên khắp bang miền tây North Rhine Westphalia, bao gồm Cologne, Leverkusen và Bonn, cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công của nhân viên dịch vụ công.

Cuộc đình công là một phần của cuộc tranh chấp kéo dài về tiền lương và điều kiện làm việc, vốn xuất phát từ lạm phát, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vào năm 2022. Andrea Becker, một quan chức thuộc Verdi nói: "Người lao động đang gây sức ép cho chủ lao động vì trong các cuộc đàm phán trước đó không có đề nghị nào của họ được chấp nhận".

(Nguồn: Vietnamnet)

Cái giá khổng lồ Đức phải trả để đối phó khủng hoảng năng lượng

Chính phủ Đức sẽ phải phân bổ hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030 để đối phó với những rủi ro và thách thức phát sinh từ cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đức đã dành hơn 260 tỷ euro (275 tỷ USD) để đối phó với những rủi ro trước mắt của cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, nhưng giải pháp cuối cùng nếu được thực hiện sẽ tốn kém hơn nhiều.

Theo Bloomberg NEF ngày 26/2, chi phí cho hệ thống năng lượng của Đức trong tương lai dự đoán lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Chi phí bao gồm các khoản đầu tư nâng cấp lưới điện cũng như kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và than đá, xử lý nhu cầu ngày càng tăng từ ô tô điện và hệ thống sưởi ấm, đồng thời đáp ứng các cam kết về khí hậu.

Đến năm 2030, nhu cầu điện của Đức sẽ tăng khoảng 30% so với mức tiêu thụ hiện tại, lên tới khoảng 250 gigawatt công suất.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg, quá trình chuyển đổi theo lộ trình cũng sẽ yêu cầu lắp đặt các tấm pin Mặt Trời với tổng diện tích tương đương với 43 sân bóng đá. Ngoài ra, Đức sẽ cần xây dựng ​​27 trang trại gió mới trên đất liền và 4 trang trại gió ngoài biển mỗi tuần để đáp ứng kế hoạch năng lượng tham vọng của chính phủ.

Đầu tháng 2, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels đã báo cáo rằng các quốc gia EU đã chi gần 846 tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ khi khu vực này tiếp tục hứng chịu chi phí năng lượng leo thang.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Nước Đức chia rẽ vì 14 chiếc Leopard 2

(Ảnh minh họa).

Khi cuộc chiến Nga-Ukraine chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, vấn đề ủng hộ và chuyển vũ khí hiện đại cho Ukraine đang trở thành đề tài nóng tại nhiều nước châu Âu. Tại Đức, vấn đề này còn “nóng” hơn, bởi Đức dường như được giao giữ vai trò “đầu tàu” trong cuộc đua cung cấp vũ khí cho Ukraine, gián tiếp can thiệp vào cuộc xung đột và đối đầu nước Nga.

Ngày 24/2 là vừa tròn một năm nước Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tân phát xít” ở Ukraine. Giới chức quân sự phương Tây chăm chú theo dõi mọi động thái của Nga để đưa ra dự đoán rằng “Nga đang chuẩn bị triển khai đợt tấn công mùa xuân” để đưa cuộc chiến vào giai đoạn mới.

Trước lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và áp lực từ các đồng minh NATO, vào hạ tuần tháng 1/2023 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz quyết định sẽ gửi 14 xe tăng công nghệ cao Leopard 2 cho Ukraine. Quyết định này được giới quan sát đánh giá là một “quyết định lịch sử”, là bước ngoặt trong thái độ và vai trò của nước Đức đối với cuộc chiến Ukraine, bởi nó cho thấy một sự chuyển hướng ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn so với giai đoạn đầu cuộc chiến. Phương Tây kỳ vọng việc Đức quyết định cung cấp xe tăng sẽ tạo chuyển biến mới có lợi cho Ukraine.

Cùng Đức, Mỹ và một số quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ cũng sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho lực lượng Ukraine. Canada (14 chiếc) và Ba Lan (4 chiếc) cùng là xe tăng Leopard 2; Mỹ tuyên bố sẽ gửi 31 chiếc M1 Abrams, Anh tuyên bố sẽ gửi 14 chiếc Challenger. Phương Tây đang dự liệu một cuộc tấn công mùa xuân của các lực lượng Nga và hy vọng cuộc chiến giành lại lãnh thổ của Ukraine sẽ sớm được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của vũ khí mạnh mẽ và hiện đại của phương Tây. Cũng như Mỹ và các đồng minh, nước Đức đã thay đổi quan điểm ban đầu, đó là “không cung cấp các loại khí tài hạng nặng đòi hỏi kỹ thuật bảo trì phức tạp”.

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận người dân Đức được cho là có nhiều ý kiến trái chiều. Từ những lo ngại về chiến tranh leo thang, dư luận Đức giờ đây đang chia rẽ xung quanh việc liệu quyết định của chính phủ là đúng hay sai? Miền Đông nước Đức nhìn chung không ủng hộ việc can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine, trong khi miền Tây Đức theo truyền thống chống lại nước Nga, ủng hộ việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine nhằm lật ngược tình thế.

Một luồng dư luận lo ngại rằng quyết định gửi xe tăng có thể thúc đẩy sự tức giận của Moscow và làm cho cuộc xung đột càng trở nên trầm trọng thêm. Nhiều người Đức vẫn có thái độ tích cực đối với Nga, cho rằng Nga sẽ không tấn công bất kỳ thành viên NATO nào, ít nhất là bây giờ. Nhưng, người ta lo lắng về việc Nga sẽ có hành động khốc liệt hơn nhắm vào Ukraine và người dân Ukraine. Việc triển khai và sử dụng Leopard 2 là một tài sản lớn cho chiến tranh Ukraine, nhưng Đức phải đối mặt với thực tế là điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và cả hậu quả chính trị.

Ngay cả những người ủng hộ việc nước Đức hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến cũng lo ngại rằng việc đưa xe tăng Leopard 2 sang Ukraine không những không giải quyết được vấn đề xung đột mà còn có nguy cơ đẩy cuộc chiến leo thang theo chiều hướng nguy hiểm hơn. Họ xem hành động của Chính phủ Đức như một sự can thiệp lớn. Việc triển khai xe tăng và huấn luyện quân đội Ukraine có thể được xem như lời tuyên bố chiến tranh của Đức và NATO bất cứ lúc nào.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng ARD công bố cho thấy 46% người Đức ủng hộ việc gửi xe tăng cho Ukraine, trong khi 43% chống, trong đó có đến 59% người dân Đông Đức. Các thế hệ người lớn tuổi có chiều hướng ủng hộ việc gửi xe tăng cho Ukraine. Trong khi khoảng 52% của người trẻ, từ 18 đến 24 tuổi, tin rằng Đức không nên giao xe tăng.

Sự phân hóa rõ ràng nhất là trong chính trị. Một tỷ lệ cao (61%) những người ủng hộ của đảng Greens của Đức ủng hộ việc gửi xe tăng, trong khi tỉ lệ ủng hộ trong đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz là 49%. Phản đối việc cung cấp xe tăng chiến đấu nặng nề nhất đến từ những người ủng hộ đảng AfD, với 84% người từ chối việc giao xe tăng cho Ukraine. Khi Thủ tướng Scholz đưa ra quyết định gửi xe tăng, người đồng lãnh đạo đảng AfD Tino Chrupalla đã kịch liệt lên án, cho rằng đó là động thái “vô trách nhiệm” và nguy hiểm, có nguy cơ khiến nước Đức bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến.

Trong suốt giai đoạn đầu của cuộc chiến Ukraine, nước Đức dường như đã ghể hiện một thái độ thờ ơ đối với cuộc chiến, trong mọi vấn đề từ việc tham gia các biện pháp trừng phạt Nga cho đến việc gửi các khí tài cho Ukraine. Dường như Đức chỉ tham gia theo một xu thế chung trong NATO do sức ép từ các đồng minh, nhất là Mỹ.

Giới chính khách Đức cũng không thống nhất về việc liệu đưa xe tăng Leopard 2 sang Ukraine có mang lại kết quả tích cực nào không? Nghị sĩ Marie-Agnes Strack-Zimmermann (đảng Dân chủ tự do - FDP) cho rằng việc Đức chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine là hành động không thể tránh khỏi, như điều sớm muộn cũng xảy ra, trong khi nghị sĩ Ralf Stegner (đảng SPD) đặt câu hỏi liệu các xe tăng Đức có thể thay đổi đáng kể quá trình chiến tranh theo hướng có lợi cho Ukraine hay không, hay chỉ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài hơn, nặng nề hơn, tàn phá nhiều hơn cả về vật chất lẫn con người.

Trong chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Kiev hôm 20/2 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy một lần nữa kêu gọi phương Tây sớm cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại. Điều này đang đặt phương Tây vào thế chọn lựa mới trong việc hậu thuẫn Ukraine chống lại Nga. Đó sẽ là một bước leo thang hết sức nguy hiểm, có thể kích hoạt chiến tranh lan rộng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

(Nguồn: CAND)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang