EU: Trật tự kinh tế mới; Tiếp tục chế tài Nga; Ngành lông thú Hy Lạp tê liệt; Đức: Berlin biểu tình, 'dụ' Ấn Độ chống Nga

Trật tự mới của kinh tế châu Âu hậu khủng hoảng năng lượng toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Tình hình kinh tế châu Âu trong mùa đông vừa qua khi thời tiết ấm áp đã không tệ như kỳ vọng thế nhưng đến năm nay nhiều khả năng cũng sẽ không có gì sáng sủa.

Sau ba năm đóng cửa bởi đại dịch COVID-19, quá trình mở cửa trở lại bắt đầu, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng được giải quyết và lạm phát ở mức thấp, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nghĩ rằng năm 2023 sẽ là một năm mà “lục địa già” trở lại trật tự mới với tăng trưởng thấp và lạm phát dưới mức 2%.

Kinh tế châu Âu thực chất đang ổn định. Thật không may mắn, trật tự mới rối loạn hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia, theo nội dung bài báo mới được Economist đăng tải.

Khởi đầu với những điểm tích cực. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu vốn đã khá vững vàng, xét đến những tác động từ việc căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giá khí đốt hiện thấp hơn so với thời kỳ đầu khi căng thẳng mới bùng phát, mùa hè năm ngoái, giá khí đốt đã tăng đột biến. Chính phủ các nước đã không bị buộc phải hành động quá quyết liệt để bảo đảm nguồn cung năng lượng bởi thời tiết ấm hơn so với thực tế. Lạm phát toàn phần, sau khi chạm ngưỡng 10,6% vào tháng 10/2022, hiện đang giảm đi.

Giờ đây, khác hoàn toàn với các chuyên gia bi quan dự đoán, ngành cũng không sụp đổ bởi chi phí nhiên liệu. Tại Đức, các ngành thâm dụng năng lượng đã chứng kiến tình trạng sản lượng giảm đến 20% tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bắt đầu khi mà hàng hóa nhập khẩu thay thế cho sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất nói chung chỉ suy giảm 3% tính đến thời điểm cuối năm nay, đúng với xu thế trước đại dịch COVID-19. Kết quả cuộc khảo sát của IFO mới đây cho thấy các doanh nghiệp sản xuất lạc quan như trước đại dịch COVID-19.

Dù rằng kinh tế Đức chỉ suy giảm nhẹ trong quý 4/2022, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tránh được kịch bản suy thoái. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), khối này sẽ tránh được tình trạng suy giảm kinh tế trong quý hiện tại.

Kết quả cuộc khảo sát niềm tin doanh nghiệp mới đây cũng ủng hộ cho dự báo này. Kết quả khảo sát chỉ số PMI cho thấy chỉ số này đã tăng trong những tháng gần đây, nó cho thấy một bức tranh lạc quan mới trong ngành sản xuất và dịch vụ.

Ổn định kinh tế giúp người lao động có việc làm. Số lượng việc làm mới trong khối tăng trở lại trong quý 4/2022. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang thấp nhất tính từ khi đồng euro bắt đầu được đưa vào lưu hành năm 1999. Trong các cuộc khảo sát, các doanh nghiệp vẫn thể hiện quan điểm tiếp tục cần thêm việc làm.

Và một khi có việc làm, người dân sẽ tiếp tục chi tiêu. Dù rằng giá năng lượng cao, tiêu dùng đóng góp nửa điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế trong quý 2 và quý 3/2022.

Tại nhiều nước, cú sốc năng lượng cũng cần có thời gian mới ảnh hưởng được đến người tiêu dùng bởi giá cao cũng sẽ có độ trễ mới tác động đến giá cả, theo chuyên gia phân tích thuộc Morgan Stanley – bà Jens Eisenschmidt phân tích. Trong lúc đó, bà Eisenschmidt nói: “Hỗ trợ tài chính từ chính phủ các nước đã giúp cho các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu”.

Vấn đề nhiều người quan tâm ở đây chính là người dân sẽ tiếp tục chi tiêu đến bao giờ nữa. Các hộ gia đình bắt đầu “nới lỏng hầu bao” từ quý 4/2022. Tại Áo và Tây Ban Nha, tiêu dùng kéo tăng trưởng quý giảm đến 1 điểm phần trăm. Doanh thu bán lẻ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 12/2022 giảm 2,7% so với tháng liền trước. Chính sách hỗ trợ tiền mặt và hạn chế giá trần sẽ được rút đi trong năm nay. Tiêu dùng thực sự sẽ là một vấn đề.

Trong khi đó, lạm phát vẫn duy trì ở ngưỡng cao. “Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, có đến 27 cách mà giá năng lượng bán buôn cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng, chính vì vậy sẽ thật là một cơn “ác mộng” với những người làm công tác dự báo”, theo một quan chức khẳng định. Áp lực giá cả có thể đang lớn dần, giống như trường hợp tại Đức nơi mà giá năng lượng ở thời điểm tháng 1/2023 tăng 8,3% so với tháng 12/2022. Ngay cả nếu giá cả bán buôn ổn định ở ngưỡng thấp hiện tại, giá cả tiêu dùng vẫn ở mức cao.

Thị trường lao động tăng trưởng tốt tại châu Âu cũng có thể khiến cho lạm phát tăng cao hơn. Giá cả hàng hóa cao và tình trạng thiếu lao động sẽ chỉ ngày một tệ hơn khi mà nhiều người già về hưu nhưng lại quá thiếu người trẻ gia nhập thị trường lao động, nhu cầu lao động vì vậy lớn hơn.

Tại Hà Lan, mức lương trong tháng 1/2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 3,3% trong năm 2022 và 2,1% trong năm 2021. Các nghiệp đoàn lao động ở Đức hiện đang đe dọa sẽ có thêm các cuộc đình công. Họ muốn mức lương tăng đến 10,5% và nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ kéo theo lạm phát tăng ở nhiều nơi khác.

(Nguồn: BizLive)

EU thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga

Liên minh Châu Âu thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga nhân dịp kỉ niệm ngày Moscow xâm lược Ukraine, chủ tịch EU Thụy Điển cho biết vào cuối ngày thứ Sáu.

"Cùng nhau, các quốc gia thành viên EU đã áp đặt các chế tài mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến," văn phòng chủ tịch nói trên Twitter.

"EU đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết."

Gói chế tài bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt hơn đối với hàng hóa có tính năng sử dụng kép cũng như các biện pháp nhắm vào các thực thể hỗ trợ chiến tranh, phát tán tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng.

Tất cả 27 quốc gia thành viên cần phải thông qua các chế tài để chúng được ban hành.

EU cho biết vòng trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu được thiết kế để khiến việc tài trợ cho cuộc chiến trở nên khó khăn hơn và không cho Nga tiếp cận những thiết bị công nghệ và phụ tùng cho vũ khí được sử dụng để chống lại Ukraine.

Các chế tài cũng đưa thêm nhiều cá nhân vào danh sách đen, bao gồm cả những người mà phương Tây cho là những tuyên truyền viên của Nga, những người mà Kyiv quy trách về việc trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga và những đối tượng tham gia sản xuất máy bay không người lái của Iran được triển khai ở tiền tuyến.

Gói này cũng được thiết kế để cắt đứt thêm những ngân hàng bao gồm ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff ra khỏi hệ thống toàn cầu SWIFT và cắt giảm thương mại giữa EU và Nga hơn 10 tỉ euro.

(Nguồn: VOA)

Ngành lông thú Hy Lạp tê liệt vì lệnh trừng phạt Nga

(Ảnh minh họa).

Thời trước chiến sự, nhiều phụ nữ Nga thường mặc đồ lông thú, tạo dáng chụp ảnh tại phòng trưng bày ở miền bắc Hy Lạp, nhưng cảnh tượng này giờ đây không còn.

"Hồi đó họ trông như những nữ hoàng. Bây giờ, không ai đặt chân tới đây nữa", một nhân viên phòng trưng bày cho hay.

Những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp lông thú suy giảm sau khi liên tục hứng chỉ trích của các nhà hoạt động vì quyền động vật. Nhưng trang phục kiểu này vẫn được ưa chuộng ở những quốc gia như Nga hay Trung Quốc.

Hy Lạp, nhà xuất khẩu lông thú lớn sang Nga, chịu đòn giáng nặng nề khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt Moskva. Lông thú nằm trong số các mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Nga.

Hàng chục doanh nghiệp ở Kastoria và Siatista, miền bắc Hy Lạp, nơi sản xuất lông thú từ thế kỷ 15, buộc phải đóng cửa. "Chúng tôi dừng hoạt động. Tôi cho 80% nhân viên nghỉ việc, tổng cộng 52 người", Akis Tsoukas, chủ tịch Liên đoàn lông thú Hellenic nói.

Theo nghiên cứu năm 2019 của Ernst và Young, lông thú nằm trong số 12 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hy Lạp, với những chiếc áo khoác lên tới 213.000 USD.

Tsoukas cho biết trước đại dịch, xuất khẩu lông thú năm 2019 thu về 116 triệu USD, trong đó gần một nửa doanh thu đến từ Nga; 22,9 triệu USD từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, nơi khách hàng cũng chủ yếu là người Nga; Ukraine chiếm 10,7 triệu USD.

Một năm sau, xuất khẩu cơ bản giảm về gần bằng 0, theo Tsoukas. Đại dịch ảnh hưởng nặng nề tới ngành, khi hàng triệu con chồn bị tiêu hủy tại các trang trại nuôi thú lấy lông do chúng dương tính với nCoV.

Không thể xuất khẩu hàng hóa sang Nga, lao động địa phương chuyển tới Nga tìm việc làm. Apostolis Gravas, 47 tuổi, điều hành công việc kinh doanh lông thú của gia đình ở Siatista, cho hay đã học nghề từ bé.

"Covid-19 và cuộc xung đột đã làm chúng tôi cạn kiệt. Chúng tôi đang tuyệt vọng. Đó là lý do tôi sang Nga tìm việc. Nhiều người khác cũng có chung mong muốn", ông nói.

Maria Fotis, người làm việc trong ngành lông thú từ năm 1979, cho hay Nga đang tìm kiếm công nhân giàu kinh nghiệm để làm việc trong nước. "Tôi thấy họ không bị cuộc chiến ảnh hưởng nhiều. Vì không thể mua được lông thú ở Hy Lạp, họ bắt đầu tự sản xuất và bán trong nước", bà nói.

Bà tìm được việc làm trong xưởng ở Chelyabinsk, miền nam nước Nga. Fotis cho hay 6 trong số 8 người được tuyển dụng là người Hy Lạp. "Nhưng họ chỉ có thể ở Nga trong ba tháng tới khi hết hạn thị thực", bà lưu ý.

Christos Zefklis, thị trưởng Voio, cho hay 80% cư dân ở gần và xung quanh Siatista sống nhờ ngành lông thú. "Họ sẽ học nghề mới bằng cách nào? Toàn bộ quá trình chuyển sang mô hình kinh tế mới đều rất tốn kém so với mức sống của họ", ông nói.

Số liệu chính thức cho thấy một nửa trong số 4.000 thợ may lông thú ở Siatista và Kasstoria buộc phải bỏ nghề trong năm nay. Miltos Karakoulakis, phát ngôn viên Hiệp hội các nhà chăn nuôi động vật lấy lông ở Panhellenic, cho hay các trang trại nuôi chồn trong khu vực cũng bị ảnh hưởng, giảm một nửa sản lượng.

40 trong số 92 trang trại đã đóng cửa. Số còn lại dự kiến nuôi một triệu con chồn, giảm so với 1,8 triệu con những năm trước. Các nhà sản xuất lông thú đang tìm cách khai thác thị trường mới ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Chúng tôi sẽ thử tập trung vào thị trường khác thêm vài năm nữa. Có thể sẽ có cách để vượt qua lệnh cấm vận. Chúng tôi chỉ buôn lông thú mà thôi, đâu phải buôn vũ khí", Nikos Gliayas, 50 tuổi, có gia đình làm trong ngành từ năm 1960, nói.

Các thương hiệu thời trang lớn những năm gần đây không còn sử dụng lông thú cũng như da cá sấu và da rắn, đặc biệt khi thế hệ trẻ yêu cầu sản phẩm mang tính nhân đạo hơn.

Những tổ chức bảo vệ quyền động vật như PETA nói rằng chồn, cáo, sóc và những động vật lấy lông khác bị nhốt trong môi trường đông đúc và bẩn thỉu, bị giết một cách dã man, đôi khi bị lột da sống.

Tại Hy Lạp, một số thương nhân cố duy trì hoạt động bằng cách sản xuất sản phẩm từ da cừu, mặt hàng dễ chấp nhận về mặt đạo đức hơn lông chồn.

"Chúng tôi đang cố duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách sản xuất đồ da cừu", Stelios Porporis, giám đốc tiếp thị của một trong những doanh nghiệp lông thú lớn nhất khu vực, giải thích.

Ông cho hay da cừu được xử lý để giống như da hải ly hoặc hải cẩu, "được thị trường dễ chấp nhận hơn bởi thịt cừu có mặt trong chuỗi thức ăn".

(Nguồn: Vnexpress)

Berlin: Hàng ngàn người biểu tình phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine

Hôm thứ Bảy (25/02), một cuộc biểu tình phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến tranh với Nga đã thu hút 10,000 người, khiến lực lượng cảnh sát phải tăng cường hiện diện để duy trì trật tự.

Được tổ chức bởi một chính trị gia cánh tả nổi tiếng của Đức, cuộc biểu tình này diễn ra một ngày sau ngày đánh dấu tròn một năm cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã dẫn đến những lời hứa hẹn sẽ cung cấp thêm vũ khí từ các đồng minh phương Tây, loạt trừng phạt mới nhằm vào Nga, và những biểu hiện sự ủng hộ dành cho Kyiv trên toàn cầu.

Những người tổ chức cuộc biểu tình nói trên trang web của họ, “Chúng tôi kêu gọi thủ tướng Đức ngừng leo thang hoạt động chuyển giao vũ khí. Ngay bây giờ! … Bởi vì mỗi ngày trôi qua đồng nghĩa với việc có thêm 1,000 sinh mạng bị tước đoạt — và chúng ta lại bước thêm một bước đến Đệ Tam Thế Chiến.”

Phong trào “Nổi dậy vì Hòa bình” này được tổ chức một phần bởi bà Sahra Wagenknecht, một thành viên của đảng cánh tả Die Linke của Đức.

Đức, cùng với Hoa Kỳ, là một trong những nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine.

“Đàm phán, không leo thang”, là nội dung trên tấm biểu ngữ mà một người biểu tình đã viết, trong khi đó một bích chương lớn trong đám đông ghi “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.”

Một phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát cho biết 10,000 người đã tụ tập xung quanh Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng của nước Đức ở trung tâm Berlin.

Cảnh sát đã điều động 1,400 sĩ quan ra hiện trường để giữ hòa bình và thực thi lệnh cấm quân phục, cờ Nga và cờ Liên Xô, các bài hát của quân đội Nga, và các biểu tượng của cánh hữu.

Phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát cho biết không có dấu hiệu của các nhóm cánh hữu tham dự và rằng cuộc biểu tình này, vốn là hoạt động mà Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng phải “bị phản đối một cách dứt khoát,” đã diễn ra trong ôn hòa.

“Bất cứ ai không đứng về phía Ukraine là đi ngược lại lịch sử,” ông Lindner viết trên Twitter.

(Nguồn: Epoch Times)

Đức lôi kéo Ấn Độ chống Nga?

(Ảnh minh họa).

Ấn Độ không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Với chuyến thăm Ấn Độ lần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn tìm cách "lôi kéo" Ấn Độ đứng về phía phương Tây.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), Thủ tướng Olaf Scholz đã đến Ấn Độ trong chuyến thăm hai ngày (25 - 26/2) với cuộc xung đột Nga - Ukraine chi phối cuộc thảo luận vào cuối ngày 25/2. Mục đích của ông Scholz là tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ đối với lập trường cứng rắn của EU và Mỹ đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Năm 2022, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đức và các đồng minh phương Tây khác đã bị "sốc" khi thấy một số quốc gia quan trọng đã chọn bỏ phiếu trắng. Trong số những nước này có Trung Quốc và Ấn Độ, vốn chiếm hơn một phần ba dân số thế giới.

Vào ngày kỷ niệm một năm ngày bắt đầu nổ ra xung đột ở Ukraine (24/2/2023), Ấn Độ lại bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức. Chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố rõ rằng họ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và sẽ tiếp tục từ chối làm như vậy.

Trong khi liên minh phương Tây có thể dự báo về một lập trường như vậy từ Trung Quốc, thì động thái của Ấn Độ là một sự thất vọng lớn đối với họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ, quốc gia mà Đức coi là "đối tác chiến lược", đã "không đứng" về phía phương Tây.

“Mặc dù sự thất vọng của phương Tây có lẽ là điều dễ hiểu, nhưng không có sự ngạc nhiên của họ thì không. Bên cạnh mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Nga, sự phụ thuộc của New Delhi vào nguồn cung cấp quân sự từ Moskva là rất lớn - Ấn Độ không thể gây nguy hiểm cho điều này, đặc biệt là khi xét đến những căng thẳng trong khu vực. Ít nhất trong ngắn hạn, hành vi của Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược”, Amrita Narlikar, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức (GIGA) tại Hamburg, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Nhưng điều có thể mang ý nghĩa chiến lược trong ngắn hạn có thể trở thành vấn đề đối với Ấn Độ trong dài hạn, bà Narlikar nhận định: "Một nước Nga ngày càng suy yếu có khả năng sẽ bị phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, và do đó, một cách gián tiếp, bằng cách hỗ trợ Nga, Ấn Độ có thể đang tăng cường sức mạnh của Trung Quốc - khi Trung Quốc không chỉ là đối thủ mà còn là nước láng giềng mà Ấn Độ có tranh chấp và xung đột biên giới nghiêm trọng".

Tuy nhiên, cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Ấn Độ sắp thay đổi quan điểm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin ANI tuần này, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đã mô tả mối quan hệ của Ấn Độ với Nga là "cực kỳ ổn định giữa những bất ổn chính trị toàn cầu".

Ấn Độ dường như cũng không có kế hoạch sử dụng vai trò Chủ tịch luân phiên của mình tại G20, nhóm các nền kinh tế công nghiệp hóa và mới nổi lớn trên thế giới, để khuyến khích một cuộc tranh luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Một số quan chức chính phủ Ấn Độ đã nói rõ điều đó trong các cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters. Ấn Độ đã thực sự mở rộng đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga kể từ khi xung đột bắt đầu.

Giờ đây, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là một nỗ lực nhằm đưa Ấn Độ xích lại gần phương Tây hơn. Nhưng Chính phủ Đức không mong đợi một sự thay đổi hoàn toàn và không có kế hoạch ký một tuyên bố chung về cuộc xung đột ở Ukraine nhân chuyến thăm của ông Scholz. Người phát ngôn chính phủ Đức, Steffen Hebestreit cho biết vấn đề là "chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy quan điểm của mình, quan điểm của chúng tôi về cuộc xung đột này" với mục đích là sử dụng các lập luận để bác bỏ những tuyên bố từ phía Nga.

Về vấn đề này, nhà khoa học chính trị Amrita Narlikar lưu ý: "Để đưa Ấn Độ đến gần hơn một chút về phía EU, ông Scholz cần phải hiểu rõ hơn về văn hóa đàm phán của Ấn Độ, những thách thức mà nước này phải đối mặt trong khu vực của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz dường như đang gửi những tín hiệu lẫn lộn tới Nam bán cầu, trong đó có Ấn Độ, thông qua việc ông ấy sẵn sàng tiếp tục thực hiện các thỏa thuận với Trung Quốc”.

Việc Thủ tướng Đức gặp khó khăn như thế nào trong kế hoạch "lôi kéo" một số quốc gia "trung lập" trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đã được thể hiện rõ ràng ở Brazil vài tuần trước. Thủ tướng Đức đã hy vọng có thể thuyết phục được Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đứng về phía phương Tây. Nhưng ông Lula tiếp tục bác bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga, đồng thời từ chối lời đề nghị của Đức nhằm cung đạn dược cho pháo tự hành Gepard của Đức sang Ukraine.

Theo bà Narlikar, để lôi kéo được Ấn Độ, Đức và phương Tây cần hai điều kiện tiên quyết chính. Thứ nhất, họ phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các mối quan tâm của Nam bán cầu và người dân ở đây một cách bình đẳng. Thứ hai, Ấn Độ phải được cung cấp các lựa chọn thay thế cho sự phụ thuộc kinh tế và quân sự vào các cường quốc ngoài phương Tây.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang