EU: Thảm họa hạn hán; 'Dìm' giá dầu Nga; Đàm phán FTA với Thái; Tăng hiện diện ở Biển Đông; Rắc rối vây Credit Suisse

Thảm họa có sức tàn phá lớn sắp giáng xuống châu Âu: Điều các chuyên gia "thấp thỏm" suốt mùa đông đã thành hiện thực!

(Ảnh minh họa).

Tờ Euro News đưa tin, châu Âu ghi nhận tháng 1 nóng thứ 3 trong lịch sử vào đầu năm nay.

Tháng 1 nóng nực này xuất hiện sau năm 2022 - đây là năm nóng kỷ lục thứ 2 đối với Ý, Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Hiện tại, lượng mưa và lượng tuyết rơi ít ở các khu vực này đồng nghĩa với việc nhiều nơi tại châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ về hạn hán và tác động của nó đối với nông nghiệp, nguồn nước và việc sản xuất năng lượng.

Ý

Nhiều tuần không có mưa hoặc tuyết đã làm dấy lên lo ngại rằng Ý có thể phải đối mặt với một năm hạn hán nữa sau thời tiết khô hạn vào mùa hè năm ngoái. Các sông hồ thiếu nước trầm trọng, nhất là ở phía bắc đất nước. Các nhà khoa học cho biết dãy núi Alps đã nhận được ít hơn một nửa lượng tuyết rơi bình thường vào thời điểm này trong năm và thấp hơn 63% ở lưu vực sông Po. Mực nước trên các sông hiện thấp hơn 3,3m so với điểm hạn thông thường. Trường hợp này ít khi xảy ra ngay cả trong những tháng hè.

Ở Venice, nơi người ta thường chỉ bận tâm về lũ lụt thì hiện tại, mức thủy triều thấp bất thường đã kiến những chiếc thuyền không thể di chuyển qua các con kênh trên thành phố.

Hạn hán ở Pháp

Pháp trải qua số ngày kỷ lục không có mưa trong mùa đông này.

Pháp đã ghi nhận đợt khô hạn kéo dài 31 ngày không mưa. Trên toàn quốc, lượng mưa chưa đến một milimet mỗi ngày kể từ ngày 21 tháng Giêng.

Mùa đông thường là thời điểm lượng mưa quan trọng bổ sung nguồn cung cấp nước. Nhưng số ngày không có mưa "chưa từng thấy" trước đây vào thời điểm này trong năm được ghi nhận từ năm 1959, Meteo France cho biết.

Đầu tháng 2, tỉnh Bouches-du-Rhône ở đông nam nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động hạn hán cao với 17 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Các quan chức cho biết vào ngày 9 tháng 2 rằng "năm 2022 được đánh dấu bằng nhiệt độ cao" và lượng mưa thiếu hụt 33%. Tình hình khí tượng hiện nay đã dẫn đến những hạn chế trong việc sử dụng nước cho cư dân.

Các con sông sẽ bị tàn phá nghiêm trọng

The Guardian đưa tin, mực nước trên khắp nước Anh đã ở mức thấp kỷ lục và các con sông có khả năng bị "tàn phá" bởi dữ liệu mới dự báo thời tiết khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng cho đến ít nhất là tháng 5.

Các nhà vận động xã hội cho biết, chính phủ và các công ty cấp nước đã không hành động đủ để bảo tồn nguồn cung cấp nước bằng cách xây dựng các hồ chứa và khắc phục tình trạng rò rỉ bởi lượng mưa thấp trong nhiều tháng có thể khiến cho một số khu vực cạn kiệt nước.

Dự báo hàng tháng từ Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Anh cảnh báo rằng, tình trạng khô hạn kéo dài có nhiều khả năng xảy ra và các dòng sông đã phải gánh chịu thiệt hại.

Mực nước ngầm cũng là một thước đo quan trọng để xác định tình trạng hạn hán. Báo cáo dự đoán mực nước ở nhiều khu vực sẽ thấp: "Mực nước ngầm có thể ở mức bình thường đến dưới mức bình thường trên hầu hết nước Anh và xứ Wales trong ba tháng tới."

Mark Lloyd, giám đốc điều hành của Rivers Trust, cho biết hạn hán có thể sẽ "tàn phá" các con sông nếu lại tiếp tục xảy ra năm thứ 2 liên tiếp. Ông cho biết: "Dữ liệu này làm rõ điều mà nhiều người trong chúng tôi làm việc trong lĩnh vực môi trường đã nghi ngờ suốt mùa đông. Nối tiếp cùng với hạn hán năm ngoái ở nhiều khu vực, các nguồn nước vẫn chưa được cải thiện thì một mùa hè khô nóng khác lại có thể xảy ra."

Ông cho biết, tình trạng hạn hán lặp đi lặp lại hàng năm sẽ tàn phá các dòng sông. Ông nói với Guardian: "Tôi đã dự đoán với Guardian điều này 6 tháng trước. Nhưng chính phủ và các công ty nước không lắng nghe."

(Nguồn: CafeF)

Các quốc gia EU tiếp tục tìm cách cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Nga

Hãng Bloomberg đưa tin ba thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang muốn đẩy giá dầu của Nga xuống dưới mức trần 60 USD hiện tại, nhằm cắt giảm doanh thu của Moskva từ hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Estonia, Litva và Ba Lan đang muốn giảm giá trần dầu Nga xuống 51,45 USD/thùng. Theo tính toán của các quốc gia này, biện pháp trên sẽ khiến giá dầu của Nga thấp hơn 5% so với giá thị trường và khiến doanh thu của nước này giảm 650 triệu USD mỗi tháng.

Đài phát thanh RMF FM của Ba Lan cũng đưa tin về chiến dịch hạ trần giá dầu Nga của một số quốc gia EU. Theo các nguồn tin của đài, các nhà ngoại giao Ba Lan cho rằng mức trần hiện tại 60 USD/thùng là quá “hào phóng” đối với Moskva.

Ngày 16/3, các đại diện của EU dự kiến bắt đầu thảo luận về việc xem xét mức giá trần này vì muốn thay đổi cần có sự nhất trí từ các quốc gia thành viên. Theo RMF FM, đề xuất trên “có khả năng lớn” sẽ được thông qua.

Tháng 12/2022, EU, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng. Sau đó, các nước này tiếp tục đưa ra những biện pháp trừng phạt mới, cấm gần như toàn bộ hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời áp đặt giá trần đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác của Moskva. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/2.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm nhằm đảm bảo rằng dầu của Nga tiếp tục lưu thông, giữ cho thị trường toàn cầu ổn định, đồng thời hạn chế nguồn thu của Moskva từ hoạt động xuất khẩu dầu để dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Đáp lại, Nga đã cấm mọi giao dịch dầu mỏ với các khách hàng theo cơ chế giá trần của phương Tây. Vào tháng 2, nước này đã công bố kế hoạch tự nguyện giảm sản lượng dầu trong tháng 3 xuống 500.000 thùng/ngày, do Moskva tạm ngừng bán dầu cho những khách hàng tuân thủ giá trần do phương Tây áp đặt.

(Nguồn: Soha)

Tái khởi động đàm phán FTA với Thái Lan, EU mong đợi gì?

(Ảnh minh họa).

Việc tái khởi động các vòng đàm phán FTA với Thái Lan đã bổ sung thêm một quốc gia nữa vào danh sách mong muốn thương mại tự do của EU.

Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan hôm 15/3 tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán thương mại nhằm hướng đến một hiệp định mạnh mẽ giữa khối 27 quốc gia châu Âu và nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Thông tin này được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit.

Tìm kiếm một FTA hiện đại, năng động

Theo tuyên bố của EU, mục tiêu của hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Thái Lan là thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng cách giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ; các thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm nhanh chóng và hiệu quả; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý (GI) và loại bỏ các trở ngại đối với thương mại số và thương mại năng lượng và nguyên liệu thô, từ đó hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và xanh.

“Một FTA hiện đại, năng động giữa EU và Thái Lan sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên và củng cố/đa dạng hóa quan hệ thương mại của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Dombrovskis cho biết trên Twitter.

Các cuộc đàm phán thương mại ban đầu giữa EU và Thái Lan, bắt đầu vào năm 2013, đã bị đình trệ vào năm 2014 do chính biến ở quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù các nước EU đã bật đèn xanh cho việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào cuối năm 2019, nhưng phải mãi đến 15/3 năm nay, bước cụ thể đầu tiên mới thực sự diễn ra.

Tuy việc khởi động lại các cuộc đàm phán đã chính thức được công bố, nhưng vòng đàm phán đầu tiên “không có khả năng diễn ra trước tháng 9 năm nay”, một nhà ngoại giao EU cho biết.

EU vốn là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan và là nhà đầu tư lớn thứ ba tại quốc gia châu Á này. Thương mại hàng hóa giữa hai bên trị giá khoảng 42 tỷ Euro.

Các đề xuất của EU sẽ được đăng công khai sau các cuộc đàm phán ban đầu để đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch, và việc đánh giá sẽ được thực hiện bao gồm các lĩnh vực như tác động kinh tế, môi trường, nhân quyền và xã hội của thỏa thuận.

Nhìn về phía châu Á

Việc tái khởi động các vòng đàm phán FTA với Thái Lan đã bổ sung thêm một quốc gia nữa vào danh sách mong muốn thương mại tự do của EU.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và phơi bày sự phụ thuộc của khối này vào Nga, Ủy ban châu Âu (EC) – cũng như Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU – đã thúc đẩy đa dạng hóa thương mại để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia riêng lẻ bằng cách ký kết nhiều thỏa thuận thương mại hơn.

Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành với một loạt quốc gia khác, bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Trong khu vực, EU đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Singapore. Nếu 2 bên hoàn tất thỏa thuận, FTA EU-Thái Lan sẽ là FTA thứ ba của EU với một quốc gia thành viên ASEAN.

Đây cũng là một phần trong xu hướng lớn hơn của việc EU hàn gắn lại các mối quan hệ với Đông Nam Á, với việc một số quan chức EU và các Bộ trưởng châu Âu đã công du tới khu vực này trong những tháng gần đây.

Mặc dù EU và ASEAN bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa hai khối vào năm 2007, nhưng lại chọn triển khai các hiệp định thương mại song phương. Theo Ủy ban châu Âu (EC), các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này có thể đóng vai trò là nền tảng cho một hiệp định thương mại EU-ASEAN trong tương lai

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Liên minh châu Âu nêu các biện pháp tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang muốn đẩy mạnh các chuyến thăm hải quân và có thể tham gia hoạt động tập trận quân sự chung nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Theo AP, trong một tuyên bố hôm 15/3, Đặc phái viên của EU tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Richard Tibbels cho biết, khối 27 quốc gia này sẵn sàng cung cấp dịch vụ giám sát vệ tinh nhằm giúp đỡ các quốc gia trong khu vực ứng phó thảm họa thiên tai và bảo vệ lợi ích.

Theo ông, đây là chiến lược quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và những nước trong vùng Biển Đông đang gia tăng.

Hoạt động tiếp cận này là một phần trong chiến lược của EU, được công bố vào năm 2021, nhằm tập trung các hành động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mục tiêu là nhằm đóng góp cho an ninh khu vực trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Ông Tibbels cho biết, sự gắn kết lâu dài sẽ dựa trên các giá trị được chia sẻ, bao gồm cam kết tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.

"Chúng tôi thật sự quan tâm đến việc đảm bảo tiếp tục tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở khu vực, và mạng lưới thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng gia tăng trong khu vực", ông Tibbels trả lời phỏng vấn hãng tin AP ở Manila, nơi ông gặp gỡ các quan chức ngoại giao, quốc phòng và cảnh sát biển Philippines.

Khoảng 40% ngoại thương của EU đi qua Biển Đông, vì vậy khối liên minh này đặc biệt quan tâm đến sự ổn định tại khu vực này.

"Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường sự hiện diện hải quân ở đây", ông Tibbels cho biết khi được hỏi EU đã sẵn sàng thực hiện những bước đi nào để giúp đảm bảo duy trì quyền tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã triển khai tàu chiến trong khu vực này những năm gần đây.

"Chúng tôi sẽ cố gắng khuyến khích và phối hợp các quốc gia thành viên tiếp tục các chuyến thăm hải quân như vậy, thậm chí là tham gia các cuộc tập trận chung nếu có thể", ông cho biết.

Đặc phái viên EU cũng nói thêm rằng, việc triển khai như vậy "tương đối khiêm tốn" nhưng có thể diễn ra thường xuyên vì phù hợp với khả năng của các quốc gia thành viên trong khối.

Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm, tàu chiến và máy bay chiến đấu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông, thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc. Và nay đến lượt EU.

"EU đã tổ chức hoạt động phối hợp tương tự ở Tây Bắc Ấn Độ Dương để thúc đẩy tự do hàng hải và đẩy lùi các vụ cướp biển. Nỗ lực này có thể mở rộng về phía đông trong tương lai, gần châu Á hơn "khi năng lực hải quân của các quốc gia thành viên cho phép", Đặc phái viên Tibbels nói.

Ông Tibbels nhắc lại sự ủng hộ của EU đối với những nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để ngăn chặn các tranh chấp lãnh thổ âm ỉ từ lâu và có nguy cơ leo thang đáng lo ngại hơn.

(Nguồn: Dân Trí)

Rắc rối tài chính bủa vây Credit Suisse

(Ảnh minh họa).

Chưa hồi phục hoàn toàn sau hàng loạt vấn đề tài chính năm ngoái, Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - vài ngày qua lại đối mặt thách thức mới.

Cổ phiếu Credit Suisse chốt phiên hôm 15/3 giảm 24%, xuống thấp kỷ lục. Trong phiên, mã này có thời điểm mất tới 31%. Theo S&P Global Market Intelligence, khoản phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của Credit Suisse cũng lập kỷ lục mới với 574 điểm cơ bản (5,74%). Phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.

CDS là một công cụ chứng khoán phái sinh, cho phép một nhà đầu tư hoán đổi rủi ro tín dụng với một nhà đầu tư khác. Người mua CDS sẽ trả cho người bán một khoản phí để được bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ. Phí CDS thường có quan hệ chặt chẽ với xếp hạng tín nhiệm của bên vay.

Đà giảm cũng lan sang nhiều cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác. Các nhà băng Pháp và Đức như BNP Paribas, Societe Generale, Commerzbank và Deutsche Bank mất 8-12%. Cổ phiếu các ngân hàng Italy và Anh cũng lao dốc phiên 15/3.

Vấn đề tại Credit Suisse một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank cuối tuần trước. Tuy nhiên, những rắc rối tài chính của Credit Suisse không phải mới xuất hiện.

Credit Suisse thành lập năm 1856 và là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Nhà băng này được Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) xếp vào nhóm "ngân hàng có tầm quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu". Nhóm này gồm 30 ngân hàng trên thế giới, trong đó có JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Tuy nhiên, năm ngoái, ở thời điểm các công ty tại Wall Street đều báo lãi, Credit Suisse lại lỗ 3 quý liên tiếp. Ngân hàng này cũng cấp tín dụng cho Archegos Capital Management - quỹ đầu tư đã sụp đổ năm 2021 của Bill Hwang và lỗ 5,5 tỷ USD vì không rút chân nhanh như các đối thủ Goldman Sachs, Morgan Stanley. Họ cũng đang vướng vào các vụ kiện tụng có thể kéo dài 5 năm do các khoản vay cấp cho quỹ đầu tư Greensill Capital đã phá sản.

Hồi tháng 10/2022, họ bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD vì cho vay các công ty quốc doanh tại Mozambique. Nhà băng này cũng vướng vào cáo buộc cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền tại Bulgaria. Credit Suisse năm ngoái đã phải hoãn kế hoạch tăng vốn cho một quỹ đầu tư bất động sản, với lý do biến động thị trường.

Hàng loạt scandal liên tiếp khiến cổ phiếu Credit Suisse năm ngoái giảm gần 70%. Các khách hàng cũng lo ngại về sức khỏe của nhà băng này và rút tiền kỷ lục trong quý IV, với hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ (120 tỷ USD). Credit Suisse ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) năm ngoái - lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

CEO Ulrich Koerner sau đó đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để thu hút khách hàng quay lại. Kế hoạch 3 năm mà ông công bố năm ngoái gồm cắt giảm 9.000 việc làm, tách riêng mảng ngân hàng đầu tư và đưa Credit Suisse quay về làm ngân hàng cho giới siêu giàu. Việc này đồng nghĩa họ sẽ phải tách First Boston – ngân hàng đầu tư Mỹ được mua năm 1990, để niêm yết năm 2025.

Họ cũng sẽ phải bán mảng các sản phẩm chứng khoán hóa cho quỹ đầu tư Apollo Global Management. Tuy nhiên, việc này hiện gặp khó do làn sóng bán tháo trong ngành tài chính sau vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank.

Những nỗ lực trên phát huy hiệu quả phần nào trong tháng 1, khi Credit Suisse ghi nhận tiền gửi ròng tăng lên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) lại nghi ngờ độ chính xác của báo cáo tài chính năm 2022, buộc họ hoãn công bố.

Sự hoảng loạn càng tăng thêm sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank bị đóng cửa cuối tuần trước. Nhà băng này là nạn nhân của các khoản đầu tư mạo hiểm và lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu, khiến giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của họ giảm mạnh. Nhà đầu tư vì thế bắt đầu bán tất cả tài sản họ cảm thấy rủi ro, đồng thời rút tiền gửi ra khỏi các ngân hàng.

Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm liên tiếp kể từ phiên 3/3. Đến ngày 14/3, Credit Suisse công bố báo cáo thường niên cho năm 2022. Trong đó, họ cho biết đã phát hiện ra "các điểm yếu" trong việc kiểm soát báo cáo tài chính và vẫn chưa đảo ngược được tình trạng khách hàng rút tiền.

Đến hôm 15/3, mức giảm càng tăng tốc khi Chủ tịch Saudi National Bank Ammar Al Khudairy - cổ đông lớn nhất của họ - phủ nhận khả năng tăng đầu tư. "Chúng tôi chắc chắn không làm điều đó, vì nhiều lý do, trong đó đơn giản nhất là vì pháp lý. Mức sở hữu là 9,8% rồi và nếu vượt 10%, chúng tôi sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới, dù là của giới chức châu Âu hay Thụy Sĩ", ông nói.

Việc này khiến Credit Suisse phải tìm đến Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để trấn an thị trường. Thông báo chung hôm 15/3 của Cơ quan quản lý thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết Credit Suisse đáp ứng "các quy định khắt khe về vốn và thanh khoản" với một ngân hàng có tầm quan trọng lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Họ khẳng định "sẽ cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết".

Thông báo cũng khẳng định vấn đề "của một số ngân hàng Mỹ không gây rủi ro lan truyền trực tiếp đến thị trường tài chính Thụy Sĩ". Sau đó vài giờ, Credit Suisse cũng tuyên bố sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương.

Giới phân tích cho rằng Credit Suisse sẽ khó sụp đổ như SVB cuối tuần trước và Lehman Brothers năm 2008. Credit Suisse có lượng tài sản thanh khoản lớn, có khả năng tiếp cận các công cụ cho vay của ngân hàng trung ương, đồng thời ít nhạy cảm với biến động lớn về lãi suất.

Họ cũng đã gây dựng được bộ đệm để đối phó với việc tiền gửi bị rút ra, sau làn sóng rút tiền tồi tệ hồi tháng 10/2022. Ngân hàng này cũng có đủ tài sản thanh khoản để trả nửa khối nợ, theo Paul J. Davies – nhà phân tích tại Bloomberg. Koerner khẳng định LCR (tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán) của Credit Suisse cho thấy họ có đủ khả năng chống chịu với một tháng bị rút tiền ồ ạt nữa.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang