EU: Thay đổi thị trường điện; Dự luật giảm khí thải; 'Rạn nứt' vì Ukraine; Anh cấm TikTok; Chuột 'xâm lăng' Paris

EC đề xuất thay đổi thị trường điện

(Ảnh minh họa).

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/3 đã đưa ra đề xuất thay đổi thị trường điện tại Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, các nhà cung cấp điện sẽ có nghĩa vụ cung cấp cho khách hàng thuộc EU các phương án hợp đồng khác nhau, bao gồm hợp đồng có giá điện cố định, trong khi tỷ lệ các hợp đồng dài hạn nhằm góp phần ổn định giá điện cũng tăng lên.

Với đề xuất mới, EC kỳ vọng tác động của tình trạng biến động giá đối với người dân và các doanh nghiệp sẽ được ngăn chặn thông qua việc ký kết bắt buộc hợp đồng chênh lệch trong quá trình hỗ trợ công cho đầu tư sản xuất điện từ các nguồn tái tạo. Bước đi này cũng sẽ giúp giảm tác động của giá khí đốt đối với giá điện mà không làm thay đổi nguyên tắc sản xuất ra điện vốn bị một số quốc gia thành viên EU chỉ trích.

EU đã bắt đầu chuẩn bị cho việc cải cách thị trường điện từ mùa Hè năm 2022 do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine và các yếu tố khác khiến giá khí đốt và giá điện tại châu Âu tăng kỷ lục. Một số quốc gia thành viên EU, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã thúc đẩy thay đổi cách tính giá điện và sự tương ứng với tỉ lệ ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một số quốc gia khác, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, chỉ quan tâm đế những biến động giá trong ngắn hạn, đồng thời cảnh báo sẽ chống lại các biện pháp can thiệp đáng kể vào thị trường điện vốn đã hoạt động từ nhiều năm qua.

Đề xuất của EC không trực tiếp loại trừ khí đốt hay một nguồn tài nguyên hóa thạch khác là than đá khỏi hệ thống định giá điện. Tuy nhiên, EC hy vọng đề xuất sẽ giúp tăng cường hơn nữa vai trò của các nguồn rẻ hơn như năng lượng mặt trời, gió hoặc năng lượng hạt nhân, thông qua các hợp đồng mang tính dài hạn.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất về việc khách hàng có thể lựa chọn các phương án hợp đồng từ tất cả các nhà cung cấp điện, trong đó luôn có sẵn hợp đồng với một mức giá cố định. Khách hàng cũng được quyền bán lại điện chưa sử dụng cho lưới điện chung, chẳng hạn như điện được sản xuất từ các tấm pin Mặt Trời của khách hàng. Đề xuất của EC cũng quy định các quốc gia thành viên EU sẽ chỉ định các nhà cung cấp điện cuối cùng cho khách hàng trong trường hợp khẩn cấp.

Để có hiệu lực, đề xuất nói trên của EC về việc thay đổi thị trường điện cần được toàn bộ 27 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua./.

(Nguồn: Bnews)

Dự luật giảm khí thải, tăng diện tích rừng được Nghị viện châu Âu thông qua

Ngày 14/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua với đa số tán thành 2 dự luật nhằm giảm khí thải của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong một số lĩnh vực và tăng cường các hệ sinh thái tự nhiên hấp thụ khí CO2.

Hai dự luật trên, nằm trong số các dự luật quan trọng về biến đổi khí hậu được cơ quan lập pháp châu Âu xem xét, nhằm đảm bảo tổng lượng khí thải của 27 nước thành viên EU vào năm 2030 sẽ giảm 55% so với mức của năm 1990.

Cụ thể, dự luật thứ nhất đặt ra các mục tiêu quốc gia cao hơn về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực gồm giao thông đường bộ, hệ thống sưởi ấm các tòa nhà, nông nghiệp và quản lý chất thải.

Khác với ngành công nghiệp và sản xuất điện, những lĩnh vực này không nằm trong thị trường carbon EU, song tạo ra khoảng 60% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khu vực.

Dự luật mới đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng khí thải của các nước thành viên EU trong các lĩnh vực nêu trên sẽ giảm 40% so với mức của năm 2005, thay cho mục tiêu hiện nay là 30%.

Theo luật này, các nước giàu hơn sẽ phải cắt giảm lượng khí thải mạnh hơn, như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Luxembourg và Thụy Điển phải giảm 50% trong khi Bulgaria cần giảm 10%.

Dự luật mới cũng thắt chặt lượng khí thải trong quá khứ hoặc tương lai mà mỗi nước có thể “tiết kiệm” hoặc “vay” để đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, dự luật thứ hai tập trung vào tăng diện tích các khu rừng, đầm lầy và các hệ sinh thái tự nhiên khác hấp thụ khí CO2 từ khí quyển.

Dự luật đặt mục tiêu đảo ngược xu hướng suy giảm các bể chứa carbon của châu Âu gần đây, thông qua loại bỏ lượng khí thải ròng tương đương 310 triệu tấn CO2 vào năm 2030, tăng khoảng 15% so với mục tiêu hiện nay.

Mỗi nước thành viên EU được áp mục tiêu ràng buộc riêng để loại bỏ lượng khí thải nhiều hơn và để EU đạt được mục tiêu chung.

Năm ngoái, các nước thành viên EU và các nghị sỹ EP đã thống nhất về các chi tiết của hai dự luật trên sau nhiều tháng thảo luận. Sau khi được EP thông qua, hai dự luật này sẽ được các nước thành viên EU xem xét và bỏ phiếu trong những tháng tới.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Châu Âu “rạn nứt” giữa chiến sự Ukraine

(Ảnh minh họa).

Trong khi Mỹ và kiềng ba chân phương Tây (Đức, Ý, Pháp) chạy đua xây liên minh chống Nga, một số nước trong Liên minh Châu Âu đang không ủng hộ chiến dịch này của Mỹ và đồng minh. “Rạn nứt” bắt đầu rõ hơn khi phương Tây nhận thấy không thể ngưng phụ thuộc vào quốc phòng Mỹ.

Hơn một năm kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến, một liên minh phương Tây đã được tập hợp để chống lại Moskva. Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là “liên minh toàn cầu”, nhưng giới quan sát cho rằng thế giới không thể đạt được nhất trí về các vấn đề liên quan tới xung đột Ukraine.

Xung đột đã phơi bày sự chia rẽ toàn cầu sâu sắc và những giới hạn trong ảnh hưởng của Mỹ đối với trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng. “Nhiều bằng chứng cho thấy nỗ lực cô lập ông Putin đã thất bại và không chỉ có các đồng minh của Nga ủng hộ họ” (theo Liz Sly, nhà phân tích của Washington Post).

Một số nước ở phe trung lập

Điển hình như việc Thuỵ Sĩ quyết tiêu hủy 60 hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn Rapier và khoảng 2.000 tên lửa phòng không cũ sau khi từ chối cung cấp cho Ukraine. Kai-Gunnar Sievert, người phát ngôn Cơ quan phụ trách mua sắm quân trang của Thụy Sĩ, ngày 12-3 cho biết: "Tất cả các hệ thống này sẽ được tháo dỡ và tiêu hủy theo đúng kế hoạch".

Peter Schneider, cựu tổng biên tập một tạp chí quân sự của Thụy Sĩ cho hay, những khí tài này tuy cũ, nhưng vẫn hoạt động tốt. Mặc dù vậy, Chính phủ Thụy Sĩ cuối tuần trước khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ quy định cấm tái xuất vũ khí sang những nước đang có xung đột. Dù có thể thanh lý lại cho Anh - quốc gia sản xuất những vũ khí này theo một Nghị quyết năm 2006, rồi từ London cung cấp cho Kiev. Song, các nhà chức trách Thuỵ Sĩ vẫn từ chối cách làm này để giữ thế trung lập khi chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ tướng Hungary Orban nói trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Thụy Sĩ Die Weltwoche hôm 2-3: "Việc Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa Nga và phương Tây". Hungary kiên quyết kêu gọi Châu Âu nên tự bảo vệ mình và phải có một liên minh quân sự riêng, không có sự tham gia của Mỹ.

Ông Orban lặp lại quan điểm Hungary sẽ đứng ngoài cuộc xung đột này và nói rằng Budapest phải chịu "sức ép liên tục" khi các quốc gia phương Tây khác "muốn lôi kéo chúng tôi vào cuộc chiến bằng mọi cách có thể". "EU đang phải trả giá để đáp ứng lợi ích cho Mỹ. Các quyết định EU đưa ra phản ánh lợi ích của Mỹ nhiều hơn là châu Âu", ông nói thêm.

Thủ tướng Orban cảnh báo châu Âu "đang trên bờ vực sa vào chiến tranh" và "trên thực tế đã có một cuộc chiến gián tiếp với Nga". "Chúng tôi chỉ có một lựa chọn là đứng ngoài cuộc, điều này không dễ với tư cách thành viên NATO và EU, bởi mọi người ở đó đều ủng hộ xung đột", Thủ tướng Hungary nói rõ.

Châu Âu khó thoát thế phụ thuộc quốc phòng Mỹ

Trong lúc đó, rạn nứt giữa Đức và Ba Lan xuất hiện và ngày càng tăng liên quan hoạt động chuyển giao xe tăng. Đều là nước ủng hộ và tiếp viện cho Ukraine trong chiến sự, song, tranh cãi giữa Warsaw và Berlin về xe tăng Leopard 2 chuyển cho Ukraine và linh kiện thay thế đã bị đẩy lên một mức độ căng thẳng mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 7 - 3 thông báo chuyển giao thêm 10 xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine, nhưng không quên nhắc nhở Đức cung cấp phụ tùng thay thế cho những chiếc xe tăng này. Giới lãnh đạo Ba Lan hiện không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để công kích Đức, một mục tiêu quen thuộc với họ.

Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã cố gắng tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Chiến dịch Nga phát động ở Ukraine vào cuối tháng 2 - 2022 được coi là hồi chuông cảnh tỉnh để châu Âu thay đổi quan điểm về an ninh quốc phòng của mình, sau nhiều thập kỷ liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự, với niềm tin một cuộc xung đột quy mô lớn sẽ không còn nổ ra trên châu lục.

Sau những nỗ lực viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine, hầu hết các nước châu Âu nhận ra rằng họ đều không dự trữ đủ đạn pháo hay xe tăng. Với tần suất khai hỏa như ở Ukraine, quân đội Đức chỉ đủ đạn pháo cho vài ngày chiến đấu và chỉ 1/3 số xe tăng sẵn sàng chiến đấu.

Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã suy giảm năng lực nghiêm trọng sau hàng chục năm các nước duy trì mức chi tiêu thấp cho quốc phòng. Vấn đề lớn hơn với châu Âu là họ không có thị trường quốc phòng chung để đáp ứng nhu cầu an ninh của lục địa.

Đó là lúc các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhảy vào và hưởng lợi từ các hợp đồng vũ khí khắp châu Âu, lấn át hoạt động của công ty ở châu lục. Giới quan sát cho rằng đây là lý do Mỹ thường phản đối những nỗ lực của châu Âu nhằm tự lực về quốc phòng.

Sẽ không có bên thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Khi Ukraine đang đối đầu cường quốc hạt nhân có 140 triệu dân, còn Nga đang đối đầu toàn bộ NATO. Đây là sự bế tắc, có thể dễ dàng dẫn đến Thế chiến.

Hiện tại, Hungary được coi là nước ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Thủ tướng Hungary nhiều lần tuyên bố liên minh sẽ tự hủy hoại chính mình vì áp lệnh trừng phạt với Moskva, 97% người dân nước này phản đối các lệnh trừng phạt Nga, do chúng sẽ để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

(Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Đến lượt Anh muốn cấm TikTok

Trước Anh, một số nước như Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã ban bố lệnh cấm TikTok do lo ngại về vấn đề an ninh từ ứng dụng này.

Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat ngày 14-3 cho biết đã giao Trung tâm an ninh mạng quốc gia nước này xem xét việc có nên cấm TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và Chính phủ Anh hay không.

Trước Anh, một số nước như Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã ban bố lệnh cấm TikTok trên do lo ngại về vấn đề an ninh từ ứng dụng này.

Anh muốn cấm TikTok vì lo an ninh

Bộ trưởng Tugendhat nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải hiểu chính xác những thách thức tiềm ẩn từ các ứng dụng công nghệ cũng như cách thức các ứng dụng này tác động đến cuộc sống của người dùng. Ông khẳng định đây là trách nhiệm của Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh.

Phản ứng trước thông tin trên, một người phát ngôn của TikTok cho biết công ty này sẽ rất thất vọng nếu Anh đưa ra lệnh cấm trên, đồng thời khẳng định TikTok cam kết làm việc với Chính phủ Anh để giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ hơn nữa dữ liệu người dùng châu Âu.

Tại Mỹ, Nhà Trắng đã yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải gỡ bỏ ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị công vụ.

Quân đội và chính quyền tại hơn 25 bang của Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị công. Một số thống đốc bang còn đề xuất cấm ứng dụng này trên toàn nước Mỹ - nơi có khoảng 100 triệu người dùng TikTok.

Lệnh cấm tương tự cũng đã có hiệu lực tại Canada, Đan Mạch và Úc, trong khi CH Czech và Ireland cũng đang điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của TikTok.

TikTok mất điểm nhanh chóng

Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok xuống các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3 này.

Các lệnh cấm nêu trên một lần nữa dấy lên những nghi ngại vốn đã tồn tại lâu nay về vấn đề quyền riêng tư và an toàn trực tuyến, trong bối cảnh TikTok cũng như Facebook, Instagram… đều là những nền tảng nội dung hấp dẫn người dùng ở nhiều độ tuổi…

Những lo ngại đằng sau các lệnh cấm này không chỉ là về an ninh dữ liệu, mà còn về những trào lưu nguy hiểm hay nội dung không phù hợp được lan truyền trực tuyến.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Khủng hoảng rác, Paris đối mặt cuộc xâm lăng của... chuột

(Ảnh minh họa).

Tại thủ đô của Pháp, những người thu gom rác đang đình công, điều đó có nghĩa là rác hôi thối chất đống trên đường phố, các chính trị gia la hét nhau và có khả năng là một cuộc xâm lăng của… chuột!

Theo trang Politico.eu, các chính trị gia Pháp đang tranh cãi việc ai là người phải chịu trách nhiệm khi cuộc đình công của công nhân thu gom rác tiếp tục diễn ra để phản đối cải cách lương hưu.

Người ta có thể nhìn thấy những bao rác chất đống trên vỉa hè ở Paris vào cuối tuần qua - đặc biệt là ở những khu vực có nhiều nhà hàng - tạo thành những đống rác cao đến vai. Đó là hậu quả của việc nhân viên thu gom rác của thành phố đã đình công kể từ ngày 6/3 để phản đối những cải cách gây tranh cãi đối với hệ thống lương hưu, được Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ.

Theo cải cách này, nhân viên thu gom rác, cũng như những người lao động khác sẽ bị tăng tuổi nghỉ hưu lên 64. Trong khi đó, công nhân thu gom rác vốn đã mong đợi có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57-59 do công việc nặng nề, hại sức khỏe, được chứng minh là ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ.

Hậu quả là đến ngày 13/3 đã có khoảng 5.600 tấn rác thải không được thu gom nằm rải rác trên đường phố thủ đô, trong ngày thứ tám của cuộc đình công - theo văn phòng thị trưởng Paris.

Cô Mathilde Boyer, 23 tuổi, sống ở quận 15 phía Nam Paris, cho biết: “Thật tồi tệ, xấu xí và bốc mùi". Nhưng dù lo lắng về vấn đề vệ sinh, Boyer nói rằng cô thông cảm với nỗ lực đình công của những người công nhân thu gom rác. “Điều đó cho thấy rằng có những bàn tay nhỏ bé ở khắp mọi nơi ở Paris, và công việc của họ - cũng như quyền có cuộc sống tử tế và lương hưu - cần được tôn trọng", cô Boyer nói.

Nhưng mọi người không chỉ lo lắng về một số túi rác, vấn đề thực sự là Paris, giống như hầu hết các thành phố lớn, tràn ngập chuột.

Ước tính, cứ một người sống ở Paris thì có 1,5 đến 1,75 con chuột, khiến Kinh đô Ánh sáng là một trong những thành phố bị chuột phá hoại nhiều nhất thế giới. Học viện Y khoa Quốc gia Pháp phải đưa ra cảnh báo vào tháng 7 năm ngoái về “mối đe dọa đối với sức khỏe con người” do chuột gây ra và những căn bệnh mà chúng có thể truyền sang người.

Vấn đề thậm chí đã gây ra một cuộc ẩu đả chính trị vào cuối tuần qua, sau khi quận trưởng của một số quận ở Paris cho rằng cuộc đình công có nguy cơ trở thành rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng và kêu gọi thị trưởng Paris, người của đảng Xã hội Anne Hidalgo, hành động.

Tranh cãi leo thang vào tối 12/3 khi Bộ trưởng Giao thông vận tải - người đang muốn trở thành thị trưởng Paris - Clément Beaune đổ lỗi cho văn phòng thị trưởng về tình huống này.

“Ngày thứ bảy không thu gom rác. Mùi hôi thối và phân hủy", ông Beaune viết trên Twitter vào tối 12/3 kèm những bức ảnh rác ngập vỉa hè. “Đây là ví dụ thứ mười một về việc không hành động và coi thường người dân Paris", ông nói thêm.

Nhưng tuyên bố này đã vấp phải phản ứng từ văn phòng Thị trưởng Paris Hidalgo. Phó Thị trưởng Antoine Guillou phản pháo: “Sự thối rữa là đặc trưng cho tầm nhìn của ông về đối thoại xã hội. Nếu ông thực sự lo lắng cho người dân Paris và người Pháp, hãy rút lại cải cách lương hưu bất công, thứ mà mọi người đã phản bác rộng rãi".

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp vào sáng 13/3, người phát ngôn của chính phủ Olivier Véran cũng đổ lỗi cho ông Hidalgo, cáo buộc ông này ủng hộ cuộc đình công.

Theo nhật báo Le Parisien, cuộc đình công sẽ kéo dài ít nhất cho đến 15/3, khi đại diện của các công đoàn sẽ bỏ phiếu quyết định có tiếp tục đình công hay không.

Nhưng phong trào này có thể tiếp diễn lâu hơn, vì các công đoàn cho biết họ sẽ tiếp tục đình công cho đến khi chính phủ rút lại cải cách lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 64.

Do một loạt các cuộc bỏ phiếu của quốc hội dự kiến diễn ra vào 15 và 16/3, kế hoạch cải cách chế độ hưu trí có thể được chính thức thông qua vào cuối tuần.

Trong khi đó, người dân Paris đang sẵn sàng chờ đợi.

Anh Guillaume Meigniez, 28 tuổi, một cư dân lâu năm ở phía bắc Paris, nói rằng, rác “không phải là một cảnh tượng đặc biệt thú vị, nhưng đó cũng là mục tiêu của cuộc đình công".

Meigniez cho biết anh không đặc biệt lo lắng về lũ chuột, bởi vì chúng vốn đã “khá nhiều lúc bình thường” và “chúng sẽ không bắt đầu tập hợp thành nhóm và tấn công con người.”

Nhưng “nếu lũ chuột xuất hiện, chúng có thể làm mọi thứ xáo động một chút", Meigniez nói.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang