EU: Tăng rủi ro thiên tai; NK gấp đôi vũ khí; Cuộc chiến săn nhân tài AI; Nông dân Ba Lan nới phong tỏa; Pháp 'không' đại hạ giá

GIA TĂNG RỦI RO THIÊN TAI TẠI CHÂU ÂU

Các nước châu Âu đang đối mặt với nhiều rủi ro, từ các đợt lũ lụt đến đợt nắng nóng nghiêm trọng, khi tình trạng biến đối khí hậu diễn tiến ngày càng tiêu cực tại khu vực.

Điều này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, nhất là điều kiện sống của người dân trên khắp châu Âu những năm tới, nếu không có hành động khẩn cấp, thích ứng với những rủi ro.

Số liệu của Cơ quan môi trường Liên minh châu cho rằng châu Âu đang là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, với tốc độ gấp đôi toàn cầu, khiến các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, thiếu nước ngày càng tăng ở khu vực Nam và Bắc Âu, còn các nước ở vùng ven biển trũng lại đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn.

Rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng tại châu Âu là nguyên nhân gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học, suy giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và làm thiệt hại kinh tế hơn 1.000 tỷ Euro mỗi năm, vượt xa khoản thiệt hại 650 tỷ Euro trên toàn khối giai đoạn từ năm 1980 - 2022.

Cơ quan môi trường Liên minh châu Âu khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách của khối cần xây dựng kế hoạch, giúp người dân ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan. Ưu tiên hàng đầu là cải thiện phạm vi bảo hiểm, thiết kế lại cơ sở hạ tầng và đưa ra luật để bảo vệ người lao động ngoài trời khỏi tình trạng nắng nóng.

CHÂU ÂU NHẬP KHẨU LƯỢNG VŨ KHÍ TĂNG GẦN GẤP ĐÔI TRONG 5 NĂM QUA

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ SIPRI cho biết các nước châu Âu đã nhập vào gần gấp đôi số lượng vũ khí trong khoảng 5 năm qua.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 11-3 cho biết số lượng vũ khí các nước châu Âu nhập vào tăng đến 94% trong giai đoạn 2019-2023, cao gần gấp đôi so với giai đoạn 2014-2018.

Ukraine đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới trong giai đoạn 2019-2023, sau khi nhận được viện trợ quân sự từ ít nhất 30 nước khác kể từ tháng 2-2022.

Mỹ gia tăng xuất khẩu vũ khí thêm 17% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018, trong khi Nga giảm một nửa.

“Mỹ tăng cường vai trò toàn cầu của họ với tư cách là một nhà cung cấp vũ khí - một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Họ xuất khẩu nhiều vũ khí sang nhiều nước hơn mọi lần trước đây”, nội dung báo cáo của SIPRI nêu rõ.

Mức xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2019-2023 giảm 53% so với giai đoạn 2014-2018. Mức giảm này ngày một tăng dần trong giai đoạn 2019-2023, riêng năm 2023 thấp hơn 52% so với năm 2022.

SIPRI cho biết: “Số lô vũ khí chính ít ỏi, đang chờ được giao hàng tại Nga cho thấy xuất khẩu vũ khí của nước này có thể còn thấp hơn nhiều so với những gì họ đạt được trong giai đoạn 2014-2018, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn”.

Khối lượng vận chuyển của các loại vũ khí quốc tế lớn trên toàn cầu gồm máy bay, tàu chiến cỡ lớn, pháo, tên lửa đất đối không và xe tăng giảm nhẹ 3,3% trong giai đoạn 2019-2023.

Pháp lần đầu tiên vượt qua Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới kể từ năm 1950, vị trí dẫn đầu vẫn là Mỹ.

NÓNG CUỘC CHIẾN SĂN NHÂN TÀI AI TẠI CHÂU ÂU

Làn sóng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm nóng cuộc chiến giành nhân tài ở lĩnh vực kỹ thuật tại châu Âu, khiến các công ty như Google DeepMind đau đầu lựa chọn giữa việc trả nhiều tiền hơn hoặc đánh mất những "bộ não" giỏi nhất của mình.

Theo tờ Times of India, thành công vang dội của phần mềm ChatGPT của OpenAI đã tiếp thêm động lực cho các nhà đầu tư - những người đang đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng với mong muốn sớm đạt được thành công.

Thúc đẩy làn sóng đầu tư, một loạt các công ty AI nước ngoài - bao gồm Cohere của Canada và Anthropic và OpenAI có trụ sở tại Mỹ - đã mở văn phòng ở châu Âu vào năm ngoái, gây thêm áp lực lên các công ty công nghệ đang cố gắng thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực.

Được thành lập vào năm 2010 và Google mua lại vào năm 2014, DeepMind có trụ sở tại London (Anh) đã tạo nên tiếng vang khi áp dụng AI vào mọi lĩnh vực, từ trò chơi đánh cờ đến sinh học cấu trúc.

Giờ đây, công ty phải đối mặt với loạt đối thủ được tài trợ đang càn quét thị trường của mình, trong khi ngày càng nhiều nhân viên của công ty nghỉ việc để khởi động các dự án kinh doanh cá nhân.

Một số quyết định ra đi đáng chú ý gần đây bao gồm người đồng sáng lập Mustafa Suleyman. Doanh nhân này đã rời đi để thành lập Inflection AI cùng với tỷ phú LinkedIn Reid Hoffman và nhà khoa học nghiên cứu Arthur Mensch, hiện là Giám đốc điều hành của Mistral AI. Cả hai công ty đều được định giá hàng tỷ USD sau thời gian ngắn hoạt động.

Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn cản làn sóng nhân viên gia nhập công ty khác hoặc thành lập công ty riêng, DeepMind đã cho phép một số nhà nghiên cứu cấp cao quyền truy cập vào số lượng cổ phiếu giới hạn trị giá hàng triệu USD vào đầu năm nay.

Người phát ngôn của DeepMind cho hay: “Đây thực sự là một môi trường cạnh tranh”.

Theo công ty tìm kiếm nhân sự Avery Fairbank, lương của nhân viên cấp cao tại các công ty AI ở Anh đã tăng theo cấp số nhân trong năm qua. Các giám đốc điều hành có mức lương cơ bản khoảng 350.000 bảng Anh chứng kiến mức tăng vọt từ 50.000 đến 100.000 bảng Anh.

Charlie Fairbank, giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Sự gia nhập của những gã khổng lồ AI nước ngoài như Anthropic và Cohere vào thị trường London sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài năng AI”.

Cohere, công ty thiết kế chatbot nội bộ và các công cụ khác cho khách hàng, đã thuê Phil Blunsom - kỹ sư nghiên cứu chính làm việc tại DeepMind trong 7 năm, làm nhà khoa học trưởng của công ty vào năm 2022. Ekaterina Almasque, đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm OpenOcean, cho biết DeepMind không còn là người dẫn đầu với khoảng cách lớn trong lĩnh vực này.

Suleyman gần đây đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật cho Inflection AI tại London, trong khi Mistral của Mensch nhanh chóng trở thành một trong những công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất châu Âu, huy động được 415 triệu USD vốn đầu tư vào tháng 12 năm ngoái.

Dẫn đầu xu hướng, OpenAI đã mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại London vào năm ngoái, sau đó nhanh chóng là văn phòng thứ hai tại Dublin. Theo Phó Giám đốc nhân sự công ty Diane Yoon, đây mới chỉ là những bước đầu tiên khi công ty có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác.

Cuộc chiến nhân tài có nghĩa là người lao động ngày càng có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Công ty âm thanh AI ElevenLabs tại London đang tung ra các chính sách chiêu mộ nhân tài, phát cổ phiếu cho nhân viên mới, đặt ra mức lương hậu hĩnh và cho phép làm việc hoàn toàn từ xa, mặc dù hầu hết các vị trí được quảng cáo đều quy định rằng nhân viên phải làm việc tại châu Âu. Họ dự kiến sớm tăng số lượng nhân viên từ 50 lên 100.

Công ty khởi nghiệp Bioptimus có trụ sở tại Paris do cựu nhân viên DeepMind thành lập cũng đã huy động được số tiền đầu tư 35 triệu USD vào tháng 2 vừa qua. Thomas Clozel, một nhà đầu tư ban đầu vào công ty cho biết các công ty khởi nghiệp đang tìm cách tuyển dụng nhân tài từ những ông lớn như Google bằng cách mang lại cho họ nhiều ảnh hưởng hơn đối với định hướng của công ty.

“Google là một trong những công ty giỏi nhất và sản sinh ra một số tài năng xuất sắc nhất. Nhưng tại một công ty khởi nghiệp nhỏ hơn, các nhân viên sẽ có cơ hội để tiếp tục cống hiến hết mình cho công việc đam mê và góp phần vào sự thành công của công ty”, ông Thomas nhận định.

NÔNG DÂN BA LAN NỚI LỎNG PHONG TỎA BIÊN GIỚI VỚI UKRAINE

Nông dân Ba Lan tạm thời dỡ phong tỏa khu vực cửa khẩu Krakivets-Korczowa ở biên giới với Ukraine ngày 10/3.

Ukrainska Pravda dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Biên phòng Ukraine Andrii Demchenko cho biết: "Nông dân Ba Lan đã ngừng hoạt động phong tỏa gần cửa khẩu Krakivets từ đêm mùng 8/3, rạng sáng 9/3, nhưng phát tín hiệu sẽ nối lại hoạt động phong tỏa vào khoảng ngày 13/3".

Quan chức này nói thêm, 5 cửa khẩu khác ở biên giới giữa 2 nước vẫn bị phong tỏa. Khoảng 1.700 xe tải ùn ứ.

"Mặc dù cửa khẩu Krakivets đã được bỏ phong tỏa, tuy nhiên hoạt động lưu thông vẫn còn khó khăn, các xe tải vẫn xếp hàng dài để chờ thông quan từ Ba Lan sang Ukraine", ông Demchenko cho hay.

Ông Demchenko cho biết thêm, người biểu tình Ba Lan đã cho phép một lượng nhỏ xe tải di chuyển sang biên giới Ukraine.

Nông dân Ba Lan đã phong tỏa biên giới với Ukraine kể từ tháng 11 năm ngoái. Họ phản đối quy định của Liên minh châu Âu (EU), trong đó cho phép nông dân Ukraine bán ngũ cốc trong khối này mà không phải trả thuế hoặc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Brussels. Ngoài ra, EU cũng bãi bỏ quy định yêu cầu các công ty vận tải của Ukraine phải xin giấy phép hoạt động.

Không chỉ phong tỏa biên giới với Ukraine, nông dân Ba Lan còn tổ chức biểu tình tại biên giới với Lithuania vì cho rằng Kiev đang lợi dụng quốc gia Baltic để lách phong tỏa.

VÌ SAO PHÁP NÓI “KHÔNG” VỚI KHUYẾN MÃI ĐẠI HẠ GIÁ?

Các chương trình khuyến mãi đại hạ giá cho nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ chính thức bị loại bỏ tại Pháp. Phạm vi giảm giá quá 34% so với giá thông thường sẽ bị cấm, và điều này cũng đánh dấu sự kết thúc của các chương trình "mua một, tặng một"...

Để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Pháp gần đây đã thực thi luật cấm siêu thị giảm giá quá 34% cho nhiều sản phẩm cá nhân và gia dụng. Đạo luật mang tính đột phá có hiệu lực kể từ ngày 1/3 này mang tên Descrozaille, được đặt theo tên của người đề xuất luật - ông Frédéric Descrozaille, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. Đạo luật được xây dựng dựa trên một quy định tương tự áp dụng cho tất cả các mặt hàng thực phẩm kể từ tháng 3 năm trước.

Việc cấm các khuyến mãi đại hạ giá cũng có nghĩa là không có bất ngờ lớn khi thanh toán, vì giá của một giỏ hàng mua sắm tương tự sẽ không dao động quá nhiều từ tuần này sang tuần khác, đảm bảo sự ổn định giá cả cho người mua hàng. Ngoài ra, theo lập luận của giới lập pháp viên nước Pháp, các SME đang gặp khó khăn không thể nào cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia khổng lồ khi nói đến việc giảm biên lợi nhuận của họ để đưa ra các mức khuyến mãi lớn như vậy.

Khi các nhà bán lẻ đàm phán với nhà sản xuất hoặc bên nhập khẩu, họ sẽ cố gắng thương lượng được giá thấp nhất để có thể cung cấp các mặt hàng tương tự như đối thủ cạnh tranh nhưng với giá thành thấp hơn, nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng. Logic tương tự cũng áp dụng cho chiến lược khuyến mãi giảm giá, với các nhà bán lẻ cố gắng mang đến những ưu đãi hấp dẫn hơn. Nhưng thực tế, các hệ thống bán lẻ lại không phải là nơi cắt giảm biên lợi nhuận khi họ thực hiện siêu khuyến mãi, mà là các nông dân và nhà sản xuất phải chịu những chi phí này.

Mặc dù giới hạn về các khuyến mãi giảm giá tại siêu thị đã được áp dụng cho thực phẩm từ tháng 3 năm 2023, các nông dân Pháp vẫn phàn nàn về cách các nhà bán lẻ đã tìm ra để tránh những quy định như vậy. Từ lâu, SME và những nhà sản xuất quy mô nhỏ đã phàn nàn về sự cạnh tranh không công bằng được tạo ra bởi hệ thống, vì họ không thể sánh kịp những gì các tập đoàn lớn có thể cung cấp.

Và ngay cả khi giới hạn về các khuyến mãi giảm giá tại siêu thị đã được áp dụng cho thực phẩm từ tháng 3/2023, nhưng người nông dân Pháp vẫn rất bức xúc về cách mà các nhà bán lẻ lớn đã “lươn lẹo” để tránh những quy định như vậy. Một số nhà bán lẻ đa quốc gia hoạt động tại Pháp đã hình thành liên minh bán lẻ với các đối tác châu Âu của họ, với trụ sở giao dịch đặt ngoài biên giới Pháp, tại các quốc gia mà luật pháp vẫn thuận lợi hơn cho “túi tiền” của họ.

Theo Euro News, hiện tại đạo luật mới nhận được nhiều lời khen ngợi vì thúc đẩy tính minh bạch về giá, cho phép người tiêu dùng so sánh giá thực tế và đưa ra những lựa chọn sáng suốt, thay vì có cảm giác sai lầm về những mặt hàng giá rẻ mà chỉ các tập đoàn lớn mới có khả năng để bày lên kệ. Người mua sắm sẽ không còn phải trải qua những biến động mạnh mẽ về giá đi kèm với các đợt bán hàng giảm giá lớn, bảo đảm sự ổn định trong hóa đơn mua sắm hàng tuần của họ.

Tuy nhiên, khi lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến Pháp vào năm 2023, người tiêu dùng đã chuyển sang mua thực phẩm tại các thương hiệu và siêu thị giảm giá như Aldi và Action for Food. Với luật hiện đang mở rộng sang các sản phẩm cá nhân và gia dụng, người mua hàng một lần nữa có thể điều chỉnh thói quen của mình và khám phá các lựa chọn mua sắm thay thế thay vì các siêu thị truyền thống.

Chuyên gia tiếp thị Eric Carabajal gợi ý rằng, tác động của luật sẽ được cảm nhận rõ ràng trong việc mua sắm theo sở thích, những khoản bổ sung nhỏ, mua hàng ngoài kế hoạch, mua số lượng lớn và khám phá. Nhiều người mua sắm có xu hướng chất đầy giỏ hàng của họ những mặt hàng được giảm giá và việc không có đợt giảm giá lớn có thể thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình mua hàng.

Mua sắm trực tuyến có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu chiếm một phần đáng kể trong ngân sách hộ gia đình, chẳng hạn như tã lót hoặc dao cạo râu. Nghiên cứu tháng 1 của văn phòng thống kê IFOP của Pháp về doanh số bán sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc gia đình cho thấy, áp lực kinh tế khiến 50% số người được hỏi hạn chế mua hàng, tăng từ 34% của năm trước.

Vào tháng 1, văn phòng thống kê IFOP của Pháp đã công bố một nghiên cứu về doanh số bán các sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc gia đình, trong đó 50% số người được hỏi cho rằng tình trạng kinh tế hiện tại buộc họ phải hạn chế và giảm số lượng mua - tăng từ 34% của người trả lời năm trước.

Mặt hàng đầu tiên mà khách hàng Pháp có xu hướng cắt giảm là sản phẩm trang điểm: 40% số người được hỏi cho biết họ đã ngừng hoặc giảm mua các sản phẩm này vì lý do tài chính. Tiếp theo là thuốc nhuộm tóc (33%) và kem dưỡng ẩm (30%). Một số người được hỏi cũng cho biết họ phải cắt giảm nhiều mặt hàng vệ sinh thiết yếu hơn, như kem đánh răng (10%) và giấy vệ sinh (9%) - những sản phẩm không thể giảm giá dưới 34% giá thông thường nữa .

Nhiều người ở Pháp cũng đã phải giảm bớt khẩu phần ăn hoặc bỏ qua những yêu cầu khắt khe về chất lượng thực phẩm mua về. Một cuộc khảo sát mới được hãng Elabe thực hiện cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng Pháp thì có 8 người cho biết đã thay đổi thói quen mua sắm trong những tháng gần đây để thích ứng với tình trạng giá cả leo thang.

Trong vài tháng tới, các nhà phân tích bán lẻ sẽ xem xét kỹ lưỡng hành vi của người tiêu dùng đang thích ứng với luật mới này như thế nào, đặc biệt là khi lạm phát đang giảm bớt ở Pháp và EU, tạo ra cảm giác bình thường nhất định ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của hộ gia đình.

Trước đó, hồi tháng 6/2023, Chính phủ Pháp thông báo đã đạt được thỏa thuận với các nhà bán lẻ chính nhằm thiết lập mức trần đối với giá cả nhiều loại thực phẩm, trong nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng nước này. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ước tính chi phí thực hiện sáng kiến này vào khoảng vài trăm triệu euro. Các hãng bán lẻ cũng đã nhất trí gánh chi phí này.

Hiện tại, các báo cáo công bố mới nhất cho thấy, lạm phát tại các nền kinh tế lớn của Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 2/2024. Tại Pháp, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai EU này đã giảm từ 3,1% của tháng 1, xuống còn 2,9% trong tháng 2.

Nguồn: VTV; Tuổi Trẻ; Báo Tin Tức; Dân Trí; VnEconomy

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang