EU: Mở văn phòng ở Greenland; Tương lai khí đốt Nga; Tăng sản xuất đạn pháo; Cắt giảm rác thải bao bì; Chưa cấp phép máy bay TQ

EU MỞ VĂN PHÒNG Ở GREENLAND - KHỞI ĐẦU CHO KỈ NGUYÊN HỢP TÁC MỚI

Liên minh Châu Âu ngày 15/3 khánh thành văn phòng tại Greenland giữa lúc khối này đang tìm cách tiếp cận nguồn dự trữ nguyên liệu thô quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp.

Chủ tịch EC von der Leyen và Thủ tướng Greenland Múte Bourup Egede đã ký hai thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chiến lược Cổng toàn cầu của EU, với tổng trị giá gần 94 triệu euro. Số tiền này sẽ được đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Greenland, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Chủ tịch EC von der Leyen cho rằng việc mở văn phòng mới của EU ở Nuuk tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa EU và Chính phủ Greenland, thúc đẩy đầu tư công và tư của EU vào Greenland cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thô quan trọng và bảo vệ đa dạng sinh học.

“Tôi rất vui mừng tham gia lễ khánh thành văn phòng của Liên minh Châu Âu tại Nuuk. Đây là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ đối tác của chúng tôi với sự hiện diện rất cụ thể của Liên minh Châu Âu ở Greenland và ở khu vực Bắc Cực rộng lớn hơn. Trọng tâm nữa trong cuộc thảo luận của chúng ta là về các nguyên liệu thô quan trọng, những nguyên liệu mà tất cả chúng ta cần để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Thỏa thuận đã ký sẽ cho phép chúng ta ngay bây giờ tiếp tục xác định các dự án tốt trong toàn bộ chuỗi giá trị, không chỉ khai thác mỏ mà còn rất quan trọng cho các hoạt động có giá trị gia tăng cao như chế biến và tinh chế. Đây là mục tiêu ở Greenland vì điều này sẽ thu hút các khoản đầu tư mới cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm ở Greenland”, bà Leyen cho hay.

Về phần mình, Thủ tướng Greenland Múte Bourup Egede nhấn mạnh: “Ở Greenland, chúng tôi cần có sự tăng trưởng nhất định và đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Và tất nhiên, trước tiên chúng tôi hoan nghênh các đối tác mạnh mẽ của chúng tôi, những quốc gia có cùng chí hướng, nhưng nếu họ chưa có ý định đầu tư thì vẫn sẽ có rất nhiều công ty khác muốn đầu tư vào đất nước này”.

Nằm ở vị trí chiến lược ở Đại Tây Dương, Greenland có trữ lượng khoáng sản đất hiếm lớn nhất thế giới cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Trong khi EU vốn không có khả năng tiếp cận các mỏ và chế biến nguyên liệu thô, đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc- quốc gia hiện đang thống trị trong lĩnh vực sản xuất đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác.

TƯƠNG LAI CỦA KHÍ ĐỐT NGA Ở CHÂU ÂU

EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu.

Theo nhận định của chuyên gia năng lượng và khí hậu Ignacio Urbasos Arbeloa thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đến nay EU đã giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống mà không cần phải từ bỏ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine. Trong khi Nga chiếm 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống 14% vào năm 2023 (5,3% với khí tự nhiên hóa lỏng LNG và 8,7% với khí đốt qua đường ống).

Nhờ phát triển năng lực mới để nhập khẩu LNG và xây dựng các kết nối, EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. EU cũng đề ra kế hoạch REPowerEU, xác định rằng đến năm 2027 sẽ ngừng mua khí đốt Nga.

Như vậy trước mắt, trong trường hợp nhập khẩu qua đường ống, có thể loại trừ khả năng hoạt động trở lại của “Dòng chảy phương Bắc”, trong khi vì lý do chính trị, việc nối lại dòng chảy qua Ba Lan (đường ống Yamal) dường như khó xảy ra. Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố ý định không đàm phán thỏa thuận gia hạn với tập đoàn Gazprom.

Mặc dù những tháng gần đây, trong khuôn khổ các cuộc đối thoại với Hungary và Slovakia, Ukraine đã để ngỏ về việc tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga sau năm 2024, nhưng rõ ràng rằng lượng quá cảnh sẽ giảm so với hiện tại và sẽ chỉ mang tính chất tạm thời.

Ông Arbeloa cho rằng, tình huống trên có nghĩa là chỉ hệ thống đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) sẽ hoạt động để cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số khách hàng còn lại của Gazprom ở EU. Nhưng TurkStream chỉ có thể đảm bảo một phần nhỏ khối lượng được chuyển từ Ukraine từ năm 2025 trở đi, chủ yếu để cung cấp cho Slovakia và Hungary, nên có nguy cơ dẫn đến việc đình chỉ các hợp đồng dài hạn còn lại của Gazprom ở châu Âu, chẳng hạn như các hợp đồng với Áo và Italy.

Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu đang thực hiện kế hoạch đa dạng hóa và duy trì mục tiêu năm 2027, Hungary đã thể hiện ý định tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách ký các hợp đồng dài hạn mới. Mặc dù quan điểm của Chính phủ Hungary đối với Nga vẫn là ngoại lệ ở EU, nhưng lại đặt ra một tiền lệ có thể làm suy yếu quyết tâm của các quốc gia thành viên để lựa chọn tiếp tục nhận khí đốt của Nga qua TurkStream.

Trong trường hợp LNG từ Yamal, các nước EU tiếp tục tuân thủ các hợp đồng dài hạn, trong khi các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt về mặt công nghệ các dự án mới của tập đoàn Novatek (đặc biệt ở Bắc Cực và Murmansk) và ngăn cản công ty này có được năng lực hậu cần và công nghệ.

Nếu việc mua tàu phá băng và dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở các cảng châu Âu bị hạn chế, phần lớn sản phẩm từ Yamal đến châu Á sẽ gặp khó khăn về hậu cần trong mùa đông, đồng thời việc hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây sẽ trì hoãn hoặc thậm chí làm tê liệt các dự án mới ở khu vực Bắc Cực. Do tính thanh khoản ngày càng tăng và tính linh hoạt của thị trường LNG toàn cầu, các nhà nhập khẩu khí đốt của EU sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Nga và giờ đây sẽ có thể hưởng lợi từ cơ sở khí đốt chung mới để đàm phán mua bổ sung.

Tuy nhiên, EU sẽ gặp khó khăn hơn trong việc dung hòa lợi ích thương mại liên quan đến các dự án của Novatek khi loại bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga và thực hiện các lệnh trừng phạt LNG và chuỗi giá trị liên quan.

Bất kỳ quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt nào cũng cần có sự nhất trí của các nước thành viên EU. Khả năng đạt được sự đồng thuận như vậy ở Brussels rõ ràng đã suy yếu trong những tháng gần đây, đặc biệt là do quyền phủ quyết của Hungary và cũng do xung đột ở Ukraine trì trệ.

Tình huống bế tắc này đã tạo ra một giai đoạn mới trong chính sách năng lượng của EU đối với Nga, trong đó các quyết định ràng buộc sẽ phụ thuộc vào thiện chí của từng quốc gia thành viên. Trong kịch bản này, có khả năng Gazprom và Novatek sẽ tìm cách khai thác các đối tác tiềm năng ở châu Âu, đưa ra các điều kiện có lợi cho những khách hàng từ chối làm theo lời kêu gọi của Ủy ban châu Âu, trên thực tế sẽ hạn chế khả năng chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ khí đốt vào năm 2027 với Nga.

Chuyên gia Arbeloa kết luận, bất chấp tình trạng chia rẽ ở cấp độ chính sách của EU, dự báo khí đốt từ Nga sẽ đóng vai trò ngày càng nhỏ ở châu Âu, khi phải cạnh tranh với các nhà cung cấp khác (chủ yếu là LNG từ Mỹ và Qatar) trong bối cảnh khử cacbon và nhu cầu dự báo sẽ giảm.

CHI 550 TRIỆU USD, LIÊN MINH CHÂU ÂU TĂNG TỐC SẢN XUẤT ĐẠN PHÁO

Ngày 15/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ phân bổ 500 triệu euro (550 triệu USD) để đẩy nhanh tốc độ sản xuất chất nổ nhằm mục tiêu đạt sản lượng 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU, đã công bố danh sách các công ty quốc phòng sẽ nhận được tài trợ. Một quan chức EU cho biết 75% ngân sách sẽ được sử dụng cho các dự án sản xuất thuốc súng và chất nổ. Thiếu chất nổ được cho là một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động sản xuất đạn pháo ở châu Âu.

Theo EU, với khoản ngân sách này, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sẽ có thể xuất xưởng thêm 10.000 tấn thuốc súng và hơn 4.300 tấn thuốc nổ mỗi năm, hướng đến mục tiêu đạt sản lượng 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025. Đây là một trong loạt sáng kiến được EU đưa ra nhằm phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Vấn đề này dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo EU tập trung thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

EU đang nỗ lực tăng sản lượng đạn pháo để bổ sung kho dự trữ và viện trợ Ukraine.

Tháng 3/2023, các quan chức EU thông qua kế hoạch cung cấp một triệu quả đạn pháo 155 mm cho Ukraine trong vòng một năm. Tuy nhiên, đến cuối năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận EU không thể thực hiện được cam kết này.

EU THÔNG QUA DỰ LUẬT MỚI VỀ CẮT GIẢM RÁC THẢI BAO BÌ, CẤM ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN

Eu đặt mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu (nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng), cụ thể giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018.

Ngày 15/3, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một dự luật mới của EU về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần.

Trong thông báo, Bỉ - quốc gia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU với nhiệm kỳ 6 tháng, cho biết 27 nước EU đã nhất trí với Dự luật sửa đổi về bao bì và rác thải bao bì vốn sẽ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn.

Đầu tháng này, EP, Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận về giảm lượng rác thải bao bì trên toàn EU. Thỏa thuận đặt ra một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu giảm dần rác thải bao bì bất kể vật liệu (nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa cứng), cụ thể giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018. Đến năm 2030, tất cả các bao bì được sử dụng trong EU phải tái chế được, ngoại trừ một số trường hợp.

Trong các quán càphê và nhà hàng, tất cả các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho bán lẻ sẽ bị cấm nhưng bao bì bằng giấy hoặc bìa cứng vẫn được phép. Do đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh sẽ không bắt buộc phải sử dụng hộp đựng có thể tái sử dụng thay cho bao bì dùng một lần, nhưng phải cho phép người tiêu dùng sử dụng hộp đựng của riêng mình nếu họ muốn mang bữa ăn đi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực khách sạn được hưởng lợi từ một số miễn trừ nhất định.

Từ ngày 1/1/2030, EU sẽ cấm sử dụng các bao bì nhựa sử dụng một lần cho trái cây và rau củ, thực phẩm và đồ uống, gia vị, sốt, đường… trong ngành ăn uống; cho các sản phẩm mỹ phẩm nhỏ và dùng trong ngành lưu trú (như chai dầu gội hoặc dưỡng thể); và các túi nhựa mỏng nhẹ (như được sử dụng tại các chợ hoặc cửa hàng tạp hóa) trừ khi chúng cần thiết cho mục đích vệ sinh.

Để tránh bao bì quá khổ, các quy định mới đặt ra tỷ lệ khoảng trống tối đa là 50% trong bao bì đóng gói, vận chuyển và thương mại điện tử, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất và nhà nhập khẩu giảm thiểu trọng lượng và khối lượng của bao bì.

Thỏa thuận cũng mở đường cho việc thiết lập các hướng dẫn về chai nhựa và lon hộp. Đến năm 2029, các quốc gia thành viên phải đảm bảo thu gom riêng biệt ít nhất 90% các loại bao bì này mỗi năm.

Theo thỏa thuận, từ năm 2026, các nước cũng phải hạn chế đưa ra thị trường bao bì có chứa "hóa chất vĩnh cửu" Per và Polyfluoroalkyl (PFAS) vượt quá ngưỡng nhất định mà tiếp xúc với thực phẩm nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe như mắc một số loại bệnh ung thư.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), châu Âu đã sản xuất 84 triệu tấn bao bì vào năm 2021, tương đương 188,7 kg rác thải/người. Nếu không có biện pháp giải quyết, ước tính lượng rác thải này có thể tăng lên 209 kg/người vào năm 2030./.

CHÂU ÂU 'NHIỀU NĂM NỮA MỚI CẤP PHÉP' CHO MÁY BAY TRUNG QUỐC

Giới chức châu Âu cho biết cần thêm thời gian để đánh giá máy bay C919, điều này kéo tụt kỳ vọng của Trung Quốc về việc nhanh chóng chiếm thị trường.

Trung Quốc đang đẩy nhanh các động thái pháp lý nhằm giúp máy bay họ tự phát triển được phương Tây cấp phép. Tuy nhiên, Reuters trích các nguồn tin trong ngành cho biết quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Chiếc C919 thân hẹp của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) được phát triển để cạnh tranh với Airbus và Boeing. Máy bay này đã đi vào hoạt động tại Trung Quốc tháng 5/2023, sau khi được cấp phép trong nước năm 2022.

Trên Reuters, Luc Tytgat - quyền Giám đốc Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) - cho biết Comac từng đề xuất châu Âu cấp phép năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch đã làm gián đoạn quá trình này. Tháng 11/2023, Trung Quốc tái khởi động việc này. Họ muốn được cấp phép muộn nhất là năm 2026.

"Nói thật là tôi cũng không biết khi nào chúng tôi làm được. Máy bay này quá mới, khiến chúng tôi cũng không biết việc này dễ hay khó đến mức nào", ông cho biết. Tygat giải thích kể từ năm 2019, Trung Quốc vẫn tiếp tục cải tiến C919, khiến EASA phải tìm hiểu lại các thay đổi.

Bình luận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Comac mang máy bay đến trình diễn tại Triển lãm Hàng không Singapore. Họ quảng bá máy bay này là lựa chọn thay thế khi Airbus đang ngập trong đơn hàng, còn Boeing quay cuồng với các sự cố về an toàn của dòng 737 Max.

Để nhận được các đơn hàng quốc tế lớn, Comac cần nhận được sự chấp thuận rộng rãi của giới chức quốc tế, như Mỹ và châu Âu. Nếu không được phê duyệt, máy bay C919 sẽ không thể hoạt động tại đây.

"Với chúng tôi, việc kết nối lại và làm quen lại với phiên bản mới của máy bay này sẽ mất khá nhiều thời gian", Tytgat giải thích. Bình luận này ám chỉ EASA chỉ mới đang ở giai đoạn "làm quen về mặt kỹ thuật". Đây là giai đoạn đầu của quá trình phê duyệt có thể kéo dài 5 năm hoặc lâu hơn.

Giới chức phương Tây đã siết chặt việc phê duyệt sau các tai nạn chết người của Boeing 737 Max năm 2018 và 2019. Với các hãng sản xuất máy bay mới, việc này sẽ càng chặt hơn.

Hãng bay giá rẻ Ryanair (Ireland) từng cho biết sẽ xem xét máy bay C919. Dù vậy, đến nay, chưa hãng hàng không nào ở châu Âu gây sức ép lên EASA về việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép để họ đặt hàng, Tytgat cho biết.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) hồi tháng 1 cho biết có kế hoạch tăng quảng bá C919 năm nay. Mục tiêu của họ năm nay là thúc đẩy châu Âu cấp phép cho máy bay này. Sau triển lãm Hàng không Singapore, Comac đã đưa C919 đến nhiều nước châu Á, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia để gặp các hãng bay và quan chức chính phủ.

Nguồn: VOV; Báo Tin Tức; Soha; VietnamPlus; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang