EU: Đạo luật AI; Tăng thêm viện trợ Ukraine; Ba Lan triệu đại sứ về nước; Đan Mạch gọi phụ nữ nhập ngũ; 'Café sửa chữa' tại Anh

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU THÔNG QUA ĐẠO LUẬT TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐẦU TIÊN CỦA THẾ GIỚI

Trí tuệ nhân tạo phát triển đột biến những năm gần đây mở ra nhiều triển vọng, nhưng cũng mang đến nhiều hiểm họa đáng sợ. Hôm nay, 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo AFP, tại cuộc thảo luận hôm qua ở Nghị Viện Châu Âu, 12/03/2024, nghị sĩ đồng chủ trì dự luật Brando Benifei (đảng Xã Hội Dân Chủ) nhấn mạnh đây là ‘‘đạo luật đầu tiên trên thế giới mang tính ràng buộc về trí tuệ nhân tạo’’. Ông khẳng định, nhờ luật này mà những hoạt động vốn không thể chấp nhận được tại châu Âu kể từ giờ sẽ bị nghiêm cấm, ví dụ như các ứng dụng giúp nhận biết cảm xúc con người tại nơi làm việc, hay ‘‘xác định thành phần dân tộc hay tôn giáo thông qua các thông số sinh trắc học (biometrics)’’. Theo dân biểu Dragos Tudorache, đảng cánh trung, việc ra luật về lĩnh vực này là một quyết định ‘‘lịch sử và có ý nghĩa tiên phong’’ của Liên Âu, và có thể sẽ được nhiều nước khác noi theo.

Theo đạo luật vừa được thông qua, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo ‘‘được sử dụng rộng rãi’’ phải tôn trọng các quy định về sự minh bạch, cũng như các quy định của Liên Hiệp Châu Âu về tác quyền. Các hệ thống được xem như ‘‘có nguy cơ cao’’, chẳng hạn như được sử dụng trong các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong giáo dục, trong quản lý nhân lực, hay trong lĩnh vực an ninh, sẽ phải tuân thủ các đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Cụ thể là, theo đạo luật này, để được phép sử dụng, việc phân tích tác động của ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với các quyền căn bản của người dân là điều ‘‘bắt buộc’’. Các hình ảnh, văn bản hay video do trí tuệ nhân tạo chế ra sẽ phải được ghi rõ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.

Đạo luật của châu Âu cũng sẽ cấm ‘‘các hệ thống chấm điểm công dân’’ như của Trung Quốc, hay ‘‘việc nhận dạng người từ xa, tại các địa điểm công cộng, thông qua các thông số sinh trắc học’’, ứng dụng được dùng trong ngành an ninh một số quốc gia. Về điểm này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu được phép có một số ngoại lệ. Các ứng dụng như vậy có thể được lực lượng an ninh sử dụng trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, hay để tìm kiếm nạn nhân.

Một cơ quan chuyên về trí tuệ nhân tạo, thuộc Ủy Ban Châu Âu, sẽ có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ luật. Luật cho phép xử phạt đến 7% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức độ vi phạm và quy mô của doanh nghiệp.

Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ này, ông Thierry Breton, nhận định đạo luật này ‘‘cân bằng giữa đòi hỏi kiểm soát nguy cơ và khuyến khích cách tân.’’ Tuy nhiên, theo AFP, hiệp hội CCIA (Computeur & Communications Industry Association), một tổ chức lobby trong lĩnh vực này, đã chỉ trích các quy định ‘‘mơ hồ’’ của đạo luật, ‘‘có thể làm chậm lại tốc độ phát triển và triển khai các ứng dụng có ý nghĩa cách tân’’. Ngược lại các tổ chức bảo vệ người dân, như Đài quan sát các tập đoàn đa quốc gia ở Pháp, hay LobbyControl ở Đức, thì lo ngại là các nhóm lobby sẽ gây áp lực làm suy yếu các quy định chế tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Sau khi được Nghị Viện Châu Âu thông qua, đạo luật còn phải được 27 quốc gia thành viên Liên Âu phê chuẩn vào tháng 4 trước khi được đưa vào hệ thống luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 5 hoặc tháng 6.

EU THÊM 5 TỶ EURO VIỆN TRỢ UKRAINE, NGA CẢNH BÁO NGUY CƠ XUNG ĐỘT VƯỢT KIỂM SOÁT

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận cung cấp thêm 5 tỷ Euro (5,5 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài sang năm thứ 3.

Bỉ, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cho biết, các đại sứ từ 27 quốc gia trong liên minh hôm 13/3 đã nhất trí "về nguyên tắc" kế hoạch viện trợ bổ sung vũ khí cho Ukraine trong năm 2024.

Theo hãng thông tấn Deutsche Welle, khoản đóng góp 5 tỷ Euro trợ giúp Kiev sẽ được chuyển vào quỹ do EU quản lý, có tên "Cơ sở hòa bình châu Âu". Quỹ này hoạt động như một chương trình hoàn lại tiền cho các nước thành viên EU khi họ gửi đạn dược đến các quốc gia khác.

EU đã cam kết phân bổ 6,1 tỷ Euro từ quỹ này để hoàn trả một phần chi phí vũ khí do các nước thành viên chuyển giao cho Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột với Nga. Quyết định tăng cường quỹ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng, giữa lúc các nước vẫn còn tranh cãi về cách thức hoạt động của quỹ.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ca ngợi động thái mới của EU “thể hiện mạnh mẽ và kịp thời về sự thống nhất châu Âu".

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột vượt kiểm soát

Cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo tình hình xung quanh Ukraine đang trở nên nguy hiểm và rủi ro đang gia tăng.

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Zakharova phát biểu: “Do những hành động khiêu khích thiếu cân nhắc của thậm chí chỉ một hoặc 2 quốc gia thành viên EU hoặc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc khủng hoảng Ukraine hoàn toàn có thể vượt ra ngoài biên giới địa lý, có quy mô hoàn toàn khác và phát triển ngoài tầm kiểm soát”.

Theo bà Zakharova, Moscow tin phương Tây đang đi "trên bờ vực thẳm" và đẩy thế giới đến gần vực thẳm bằng những hành động của họ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Do đó, câu hỏi hiện là làm thế nào để tránh những rủi ro leo thang hơn nữa. Chúng là điều hiển nhiên và đáng sợ đối với tất cả những người hiểu biết", người phát ngôn nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị phương Tây nên từ bỏ ý tưởng đánh bại Nga về mặt chiến lược cũng như nên ngừng hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev.

Giới chức EU, NATO và Ukraine đều chưa lên tiếng phản hồi trước cảnh báo của đại diện Nga.

BA LAN TRIỆU 50 ĐẠI SỨ VỀ NƯỚC

Ba Lan triệu 50 đại sứ được chính phủ cũ bổ nhiệm về nước, như một phần trong nỗ lực cải cách các phái bộ ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Ba Lan hôm 13/3 thông báo quyết định triệu hồi những đại sứ này được Ngoại trưởng Radek Sikorski đưa ra, nhưng không công bố danh sách chi tiết. Quyết định đã được tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phê duyệt và đã bắt đầu được thực hiện.

Bộ Ngoại giao Ba Lan gọi thay đổi này là cần thiết, nhằm giải quyết tốt hơn, chuyên nghiệp hơn các nhiệm vụ khó khăn mà ngành ngoại giao nước này đang đối mặt. Thủ tướng Tusk nhấn mạnh đây không phải hành động "trả thù" chính phủ tiền nhiệm của cựu thủ tướng Mateusz Morawiecki.

Ông Tusk còn nhắc tới đại sứ Ba Lan tại Mỹ Marek Magierowski và khen ngợi nhà ngoại giao này, cho thấy ông Magierowski không nằm trong danh sách bị triệu hồi.

Ông Tusk, người có quan điểm thân Liên minh châu Âu (EU), nhậm chức Thủ tướng Ba Lan sau khi đánh bại đảng Công lý và Luật pháp (PiS) của ông Morawiecki trong cuộc bầu cử tháng 12/2023. Đảng PiS trước đó đã nắm quyền ở Ba Lan 8 năm và thi hành nhiều chính sách gây căng thẳng với EU.

Tuy nhiên, quyết định triệu hồi các đại sứ có thể vấp phải sự phản đối của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, thành viên đảng PiS. Nếu ông Duda không chấp thuận, tại các quốc gia có đại sứ bị triệu về nước, tham tán sẽ đảm nhận vị trí trưởng phái bộ.

Trước đó, Thủ tướng Tusk đã thúc đẩy nỗ lực cải cách truyền thông nhà nước Ba Lan, sa thải loạt lãnh đạo các cơ quan này ngay sau khi nhậm chức. Tổng thống Duda khi đó chỉ trích ông Tusk "gây hỗn loạn".

ĐAN MẠCH SẼ GỌI NHẬP NGŨ PHỤ NỮ

Chính phủ Đan Mạch cho biết, nước này có kế hoạch yêu cầu nữ giới thực hiện nghĩa vụ quân sự, qua đó trở thành một trong số ít quốc gia ở châu Âu gọi nhập ngũ với phụ nữ.

"Chế độ nghĩa vụ quân sự mạnh mẽ hơn, bao gồm bình đẳng giới hoàn toàn, phải góp phần giải quyết các thách thức về quốc phòng, tổng động viên toàn quốc, và bổ sung cho lực lượng vũ trang của chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen nói trong họp báo.

Phụ nữ Đan Mạch từ trước đến nay đã có thể tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện. Nữ giới chiếm khoảng 1/4 trong số hơn 4.700 lính nghĩa vụ của Đan Mạch trong năm 2023.

Đan Mạch là quốc gia châu Âu thứ 3 áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ, sau Na Uy và Thụy Điển lần lượt vào năm 2015 và 2017.

Theo số liệu chính thức, Lục quân Đan Mạch có 7.000-9.000 quân nhân chuyên nghiệp, không bao gồm lính nghĩa vụ đang được huấn luyện cơ bản.

Nam giới Đan Mạch trên 18 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng do có đủ số tình nguyện viên, không phải nam thanh niên nào cũng được gọi nhập ngũ. Thay vào đó, nhà chức trách tổ chức rút thăm.

Phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Poulsen, Thủ tướng Mette Frederiksen nói rằng trong khuôn khổ cải tổ quân đội, Đan Mạch sẽ kéo dài thời gian phục vụ quân ngũ cho cả nam và nữ từ 4 lên 11 tháng. Nước này cũng sẽ đầu tư vào các hệ thống phòng không trên bộ và một lữ đoàn bộ binh lên tới 6.000 quân vào năm 2028.

"Chúng tôi không tái vũ trang ở Đan Mạch vì muốn chiến tranh, hủy diệt hoặc đau khổ. Chúng tôi đang tái vũ trang ngay bây giờ để tránh chiến tranh, trong một thế giới mà trật tự quốc tế đang bị thách thức", bà Frederiksen nói.

Đan Mạch là thành viên sáng lập NATO và là nước ủng hộ quan trọng cho Ukraine phản kháng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Copenhagen là một trong số ít quốc gia cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev, dự kiến được giao vào mùa hè này.

Đan Mạch đã chi khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng vào năm ngoái, nhưng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 5,4 tỷ euro trong 5 năm tới để đáp ứng mục tiêu 2% của NATO.

'CÀ PHÊ SỬA CHỮA' THỊNH HÀNH TẠI ANH

Trong những năm gần đây, sự kiện "cà phê sửa chữa" đang gia tăng trên khắp nước Anh, khi mọi người cố gắng hồi sinh đồ vật hỏng hỏng thay vì vứt chúng đi, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và bền vững là xu thế.

Cà phê sửa chữa là gì?

"Cà phê sửa chữa" là tên của sự kiện có thể diễn ra ở các trung tâm cộng đồng, nhà thờ, quán cà phê và thư viện. Đây là ý tưởng của bà Martine Postma người Hà Lan vào năm 2009. Theo đó, khách hàng sẽ mang đồ đạc bị hỏng của họ từ nhà đến, có thể đa dạng từ quần áo, đồ nội thất, đồ chơi, đồ điện tử...

Sau khi đánh giá món đồ bị hỏng, tình nguyện viên sửa chữa có kỹ năng phù hợp sẽ thực hiện “phép thuật” đồng thời khuyến khích khách hàng ngồi cùng họ để học cách tự sửa chữa. Nếu không có gì cần sửa chữa, khách hàng có thể thưởng thức một tách trà hoặc cốc cà phê và giúp người khác sửa đồ.

Bà Martine đã tổ chức "cà phê sửa chữa" đầu tiên ở Amsterdam vào tháng 10/2009. Đó là một thành công lớn. Điều này đã thôi thúc bà Martine thành lập tổ chức Repair Cafe International Foundation.

Theo Repair Cafe International Foundation, trên toàn thế giới hiện có trên 3.000 "cà phê sửa chữa", từ Hà Lan, Anh, Mỹ đến Ấn Độ và Nhật Bản với hơn 45.000 tình nguyện viên và khoảng 55.000 đồ vật được sửa chữa mỗi tháng.

"Cà phê sửa chữa" đang mọc lên khắp nơi trên thế giới. Do các tình nguyện viên có tay nghề ở địa phương điều hành, họ đã góp phần giảm thiểu rác thải tại địa phương qua việc sửa chữa đồ chơi, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ điện tử và quần áo… Việc sửa chữa thường miễn phí.

Cà phê sửa chữa mang lại nhiều ý nghĩa ở Anh

Cô Sophie Heathscott (35 tuổi) tại London đã tổ chức "cà phê sửa chữa" từ năm 2021. Heathscott chia sẻ với phóng viên tờ Guardian rằng bản thân cô đã sửa được rất nhiều quần áo và đồ chơi. Hơn nữa, điều tuyệt vời là các em nhỏ cũng được trải nghiệm hoạt động nhiều ý nghĩa này.

Trong khi đó, cô Harriet Bagley (29 tuổi), khách hàng tại một sự kiện "cà phê sửa chữa" ở ngôi làng nhỏ Carmarthen, xứ Wales, chia sẻ: “Cà phê sửa chữa là cách tuyệt vời để chỉ cho các con tôi về giải pháp xử lý, thay vì chỉ bàn luận với chúng về vấn đề xảy ra”.

Ông Ali Anthony (55 tuổi), một tình nguyện viên cà phê sữa chữa ở Wrexham (Anh) nói: “Điều chúng tôi đang cố gắng đạt được là ngăn mọi thứ bị ném vào bãi rác. Tôi cũng hướng dẫn mọi người sửa chữa món đồ, với hy vọng rằng họ sẽ biết cách khắc phục những hư hỏng tương tự trong tương lai. Nhiều người có suy nghĩ sẽ vứt đi những thứ bị hỏng. Nhưng họ thường ngạc nhiên khi biết đồ đạc có thể sửa chữa được và hầu hết không phải là quá khó khăn”.

Nguồn: RFI; Vietnamnet; Vnexpress; Dân Trí; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang