EU: 'Lá bài kinh tế'; Chiến lược công nghiệp QP mới; Pháp tăng an ninh; Văn hóa nghỉ trưa, thức đêm ở TBN; BĐN lập chính phủ mới

"LÁ BÀI KINH TẾ" CỦA CHÂU ÂU

Trong bối cảnh các nước châu Âu đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh với những cường quốc khác, giới chính trị gia khu vực cho rằng họ có một "lá bài" bí mật trong cuộc chạy đua kinh tế. Đó là tiền tiết kiệm của người dân.

Người dân châu Âu từ lâu đã tiết kiệm nhiều hơn so với người Mỹ và số tiền ngày càng tăng trong thời gian gần đây, có thể do những bất ổn như xung đột Nga-Ukraine. Do vậy, Chính phủ các nước châu Âu đang tìm cách huy động tiền tiết kiệm của những hộ gia đình.

Tại Pháp, các chính trị gia như Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire đang để mắt tới lượng tiền gửi ngân hàng của người dân Khu vực tiền chung châu Âu (eurozone) với trị giá 8.400 tỷ euro (9.092 tỷ USD). Ông Le Maire từng nói về việc tiền đang "ngủ" trong tài khoản thay vì đóng góp vào sự thịnh vượng chung. Do đó, ông cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần có một quỹ tiết kiệm chung để có thể định hướng lại các nguồn tiền nhàn rỗi trong người dân và chuyển đổi chúng thành các khoản đầu tư kinh doanh dài hạn với thuế suất ưu đãi mà các doanh nghiệp, cá nhân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận. Tại Anh, Chính phủ nước này đã đề xuất một loại tài khoản mới cho phép người dân nước này đầu tư miễn thuế lên tới 5.000 bảng Anh (6.301 USD) vào các công ty trong nước. Tại Italy, Chính phủ bán trái phiếu cho các hộ gia đình....

Tất cả các kế hoạch trên đều dựa trên một nhận định chung: châu Âu đang có rất nhiều tiền mặt có thể được sử dụng cho các mục tiêu của châu lục này, từ chuyển đổi xanh cho đến tăng cường năng lực quốc phòng. Các chính trị gia châu Âu kỳ vọng tiền tư nhân đầu tư vào chứng khoán địa phương hoặc trái phiếu Chính phủ, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tăng trưởng và năng suất với Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia đang tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho các ngành công nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những kế hoạch trên có nguy cơ gây thất vọng cho những người gửi tiết kiệm trong khi không giải quyết được những vấn đề trong mô hình kinh tế châu Âu. Giáo sư Daniela Gabor tại Đại học West of England nhận định các chính trị gia đã đưa ra một giải pháp quá dễ dàng để giải quyết những vấn đề rất phức tạp.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế đã lưu ý rằng tiền gửi là nguồn vốn quan trọng của các ngân hàng. Nhà kinh tế chính trị Benjamin Braun của Viện Nghiên cứu Xã hội Max Planck nhận định khái niệm về tiền “ngủ” trong tài khoản ngân hàng không hợp lý, bởi không có gì có thể ngăn cản ngân hàng cấp khoản vay mới khi có cơ hội. Theo ông Braun và các nhà kinh tế khác, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ phải là một phần giải pháp cho những thách thức dài hạn đối với châu Âu như xây dựng nền kinh tế xanh hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chính phủ đang phải gánh khoản thâm hụt ngân sách lớn kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, việc bán trái phiếu có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực kiểm soát chi tiêu công. Trong khi đó, nhà tư vấn đầu tư Massimo Famularo, có trụ sở tại Milan, cho rằng khi tập trung quá nhiều tài sản tại thị trường trong nước, các hộ gia đình cũng có thể mất đi cơ hội đa dạng hóa đầu tư.

NHỮNG THÁCH THỨC LỚN VỚI CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG MỚI CỦA EU

EU đã đưa ra chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của riêng mình vào thời điểm đưa chưa bao giờ tốt hơn thế. Nhưng nếu không có nguồn tài trợ dài hạn, chiến lược có nguy cơ thất bại.

Khi tình hình ở Ukraine xấu đi và cuộc bầu cửMỹ đang đến gần, châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cải thiện thế trận quân sự của mình. Gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng đầu tiên của EU. Đây là nỗ lực của EU nhằm chuyển từ các phản ứng khẩn cấp ban đầu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine sang cải thiện sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trong dài hạn.

Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của châu Âu nhằm mục đích tăng cường sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua hợp tác đầu tư, nghiên cứu, phát triển, sản xuất, mua sắm và sở hữu dựa trên EU. Nhìn chung, EC muốn các quốc gia thành viên cùng nhau mua vũ khí và mua chúng ở châu Âu.

Hơn 3/4 số thương vụ mua sắm quốc phòng của các quốc gia thành viên EU từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đến tháng 6/2023 được thực hiện từ bên ngoài EU, trong đó riêng Mỹ chiếm 63%. Chiến lược này xác định đến năm 2030, ít nhất 50% ngân sách mua sắm của các quốc gia thành viên (60% vào năm 2035) sẽ được chuyển cho các nhà cung cấp có trụ sở tại EU và ít nhất 40% thiết bị quốc phòng sẽ được mua sắm theo phương thức hợp tác.

Cụ thể, EC muốn các quốc gia thành viên xác định các dự án quốc phòng châu Âu có lợi ích chung và nỗ lực sản xuất chúng ở châu Âu. Những dự án này có thể lấp đầy những khoảng trống về năng lực trong hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của châu Âu, nhận thức về miền không gian, phòng thủ mạng hoặc an ninh hàng hải.

Để đạt được mục tiêu đó, EC đề xuất một cơ chế bán hàng quân sự mới táo bạo của châu Âu, lấy cảm hứng từ mô hình bán thiết bị quân sự ra nước ngoài của Mỹ, trong đó Washington ký hợp đồng trực tiếp với các chính phủ khác. EC muốn hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng kho dự trữ các thiết bị quốc phòng quan trọng, duy trì một "danh mục” tổng quan tập trung về các thiết bị quốc phòng do EU sản xuất và thay đổi các quy định mua sắm để giúp các nước tham gia giao dịch dễ dàng hơn.

Tất cả các biện pháp này đều nhằm mục đích khuyến khích các chính phủ châu Âu hợp tác - và ngăn họ mua vũ khí bên ngoài EU. Hiện nay, các chính phủ châu Âu mua thiết bị có sẵn từ Mỹ vì điều này được coi là nhanh hơn và dễ dự đoán hơn so với việc dựa vào hợp tác quốc phòng của châu Âu và là cách tốt để đảm bảo lợi ích của Mỹ đối với an ninh châu Âu.

Nổi lên như một cơ quan quản lý khủng hoảng có năng lực sau đại dịch COVID-19, EC tiếp tục thể hiện sự mạnh mẽ trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nhận ra mức độ dễ bị tổn thương trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của họ. Tuy nhiên, thành công là chưa chắc chắn: ngay cả khi các quốc gia có thể đồng ý với chính sách công nghiệp do EC đề xuất mà không có nguồn tài trợ dài hạn đảm bảo, chiến lược này nguy cơ thất bại.

Chi tiêu quốc phòng của EU đạt mức kỷ lục 270 tỷ euro(295 tỷ USD) vào năm 2023, tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách đáng kể về năng lực - chẳng hạn như châu Âu thiếu nguồn cung cấp đạn dược và khả năng tình báo, giám sát và trinh sát. Các nhà kinh tế và nhà hoạch định quốc phòng từ lâu đã ủng hộ việc các chính phủ và công ty quốc phòng châu Âu hợp tác nhiều hơn.

Về lý thuyết, hợp tác mang lại lợi ích kinh tế như giảm sự trùng lặp thiết bị, tăng sản lượng và giảm chi phí. Trên thực tế, lợi ích quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ, cùng với sự kém hiệu quả trong hoạt động và vấn đề quan liêu, đã cản trở sự hợp tác hiệu quả trong lịch sử. Từ năm 2021 đến năm 2022, chỉ có 18% tổng đầu tư thiết bị ở châu Âu là hợp tác.

Các hiệp ước của EU cũng ngăn cản việc sử dụng ngân quỹ của mình cho chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu thuộc phạm vi quản lý của EC. Trước đây, EC đã cố gắng điều tiết thị trường thiết bị quốc phòng và giảm thiểu sự kém hiệu quả của quốc gia nhưng những nỗ lực đó phần lớn không thành công. Những lo ngại về việc "sao chép" NATO và sự từ chối của các quốc gia thành viên trong việc ủy quyền ra quyết định về các vấn đề quốc phòng có nghĩa là EC chưa bao giờ được phép thực thi bất kỳ quyền lực có ý nghĩa nào đối với chính sách công nghiệp quốc phòng.

Nhưng khi xung đột ở Ukraine nổ ra và các nước châu Âu muốn gửi viện trợ quân sự đã phải đối mặt với tình trạng kho đạn dược và thiết bị cạn kiệt cũng như thời gian sản xuất kéo dài, EC đã nhìn thấy cơ hội để can thiệp.

Để ứng phó sớm với một cuộc chiến tranh tiềm tàng, các sáng kiến của EU tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua sắm chung và bổ sung thêm nguồn dự trữ cho châu Âu với hai điểm nổi bật: Đạo luật tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua mua sắm chung (EDIRPA), nhằm tìm cách giúp lấp đầy khoảng trống về năng lực bằng cách sử dụng các ưu đãi tài chính của EU (300 triệu euro trong hai năm) để bù đắp những rủi ro liên quan đến mua sắm chung. Và trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine, Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược sử dụng nguồn tài trợ của EU (500 triệu euro trong hai năm) để tăng cường sản xuất đạn dược.

Tuy nhiên, EC không thể làm gì nhiều trước thực tế là các nước châu Âu vẫn trông cậy vào "chiếc ô" an ninh của Mỹ. Mặc dù chiến lược mới chỉ ra sự mong manh của vấn đề phụ thuộc này, nhưng chính sự mong manh đó thậm chí có thể là lý do lớn hơn để một số nước EU tìm cách lấy lòng Washington.Mặc dù vậy, EC có thể nỗ lực tăng cường độ tin cậy của chuỗi cung ứng quốc phòng châu Âu.

Giờ đây, xung đột đã quay trở lại lục địa, các nhà hoạch định quốc phòng châu Âu muốn đảm bảo quân đội của họ có quyền tiếp cận tất cả các thiết bị phòng thủ cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng. Về phần mình, EC mong muốn thiết lập nguồn cung của châu Âu với thương mại quốc phòng trong nội bộ EU chiếm ít nhất 1/3 giá trị của thị trường quốc phòng EU.

Để đạt được mục tiêu đó, EC muốn lập bản đồ các nhà cung cấp và chuỗi cung ứng sản xuất quốc phòng chính ở EU – điều này đã gây tranh cãi khá nhiều vì đòi hỏi quyền tiếp cận vào thông tin nhạy cảm từ các quốc gia thành viên và các công ty quốc phòng. Để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung, EC cũng đề xuất sử dụng quỹ của EU để dự trữ các trang thiết bị quan trọng, như linh kiện điện tử và nguyên liệu thô dùng trong hệ thống phòng thủ. Chiến lược mới thậm chí còn đưa ra khả năng đặt hàng được xếp hạng ưu tiên, cho phép các quốc gia thành viên và EC chuyển hướng sản xuất để ưu tiên giao hàng quân sự hơn giao hàng dân sự trong thời kỳ khủng hoảng.

Tóm lại, chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của EU vạch ra một con đường đầy tham vọng hướng tới hội nhập và hợp tác lớn hơn trong mua sắm quốc phòng và chính sách công nghiệp, với mục tiêu biến cuộc khủng hoảng quốc phòng của châu Âu thành cơ hội tăng cường an ninh tập thể và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, thành công của chiến lược sẽ phụ thuộc vào việc khắc phục các vấn đề lâu dài về chủ quyền quốc gia, nguồn tài trợ và cân bằng các ưu tiên chiến lược.

TĂNG CƯỜNG AN NINH CHO THẾ VẬN HỘI OLYMPIC

Bộ Quân đội Pháp, ngày 28/3, tuyên bố nhiều quốc gia sẽ cử binh lính tới tăng cường an ninh cho Thế vận hội Olympic và Paralympic sắp diễn ra vào mùa hè này tại Paris trong bối cảnh nước này đang đứng trước nguy cơ bị tấn công.

Trong thông cáo mới nhất, Bộ Quân đội Pháp nhấn mạnh đã có hơn 35 quốc gia « đồng ý » gửi binh lính tới hỗ trợ cho an ninh trong kỳ Thế vận hội diễn ra vào tháng 7 này. Các lực lượng nước ngoài sẽ tăng cường cho quân đội và cảnh sát Pháp trong một số lĩnh vực như việc sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện chất nổ và các hoạt động khủng bố.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết các lực lượng vũ trang nước này sẽ tham gia gìn giữ an toàn cho Thế vận hội. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ Pháp, hiện Ba Lan đang đề xuất cử hơn 40 sĩ quan cảnh sát cùng với 13 đội chó nghiệp vụ. Về phần mình, Đức cũng khẳng định sẽ cử binh lính và cảnh sát tham gia Thế vận hội. Trước đó hồi đầu tháng 1, Pháp đã yêu cầu 46 « đối tác nước ngoài » cung cấp gần 2.185 sĩ quan tăng cường cho lực lượng an ninh nội địa.

Việc các nước phản hồi tích cực đến yêu cầu của Pháp về tăng cường hỗ trợ an ninh là một dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh Pháp đang phải chịu áp lực lớn về nguy cơ khủng bố sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công khủng bố tại Nga. Chủ nhật tuần trước (24/3), Chính phủ Pháp đã quyết định nâng kế hoạch an ninh Vigipirate lên mức tối đa.

Nguy cơ khủng bố là rất lớn. An ninh của người dân Pháp sẽ được ưu tiên trên hết. Chúng tôi đã nâng cảnh báo khủng bố trong khuôn khổ kế hoạch Vi-di-pi-rát (Vigipirate) lên mức cao nhất. Lực lượng an ninh sẽ được tăng cường tại tất cả các địa điểm nhạy cảm như trường học, nhà ga, nơi hành lễ hay các địa điểm biểu diễn - Thủ tướng Pháp Gabriel Attal chia sẻ

Theo thông tin từ Bộ trưởng Quân đội Pháp, Sébastien Lecornu, Pháp sẽ huy động 18.000 binh sĩ cho Thế vận hội, trong đó có 3.000 sĩ quan chịu trách nhiệm giám sát trên không

VĂN HÓA NGHỈ TRƯA, THỨC ĐÊM GÂY TRANH CÃI Ở TÂY BAN NHA

Ảnh hưởng từ đổi múi giờ trong lịch sử, người Tây Ban Nha kéo dài thời gian làm việc và sinh hoạt về đêm, điều gây tranh cãi nhiều năm qua.

Người Tây Ban Nha không ăn trưa trước 14h chiều. Ca làm thường kết thúc sau 19h và bữa tối sớm nhất bắt đầu lúc 20h30. Để phục vụ nhu cầu du lịch, nhiều nhà hàng ở nước này cũng mở cửa quá nửa đêm, các nhân viên về nhà lúc rạng sáng.

Yolanda Diaz, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Xã hội Tây Ban Nha, gần đây chỉ trích văn hóa sống về đêm của quốc gia là "điên rồ".

"Không có nước nào lại mở nhà hàng đến tận 1h sáng. Thật điên rồ khi người Tây Ban Nha làm ngơ vấn đề này cho đến khi không còn biết bây giờ là mấy giờ nữa", bà Diaz nói.

Isabel Ayuso, Thị trưởng Madrid, phản pháo lại luận điểm này. "Người Tây Ban Nha chúng ta khác biệt. Đừng biến chúng ta thành những kẻ buồn chán, suốt ngày ở nhà".

Số giờ làm việc của người Tây Ban Nha chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu, nhưng lại ngủ ít hơn hầu hết phần còn lại của châu lục, trung bình ngủ 7,13 tiếng mỗi đêm.

Chính phủ Tây Ban Nha gần đây tham vấn Viện Sử dụng Thời gian (TUI) ở Barcelona để điều chỉnh luật về giờ làm việc. Marta Junque, chuyên gia TUI, cho biết trước đây Tây Ban Nha không thường "sống muộn" như vậy.

"Ông bà tôi thức dậy khi mặt trời ló dạng và ngừng làm việc khi tắt ánh mặt trời. Bây giờ trời tối vào lúc 18h hoặc 19h nhưng chúng ta vẫn làm việc", Junque nói.

Thời gian biểu của người Tây Ban Nha thay đổi từ thời nhà độc tài Francisco Franco, người được phát xít Đức và Italy hậu thuẫn, lãnh đạo đất nước năm 1936-1975. Trong Thế chiến II, Franco đã điều chỉnh múi giờ của Tây Ban Nha sang múi giờ của Đức. Thời gian biểu người người dân phải cộng thêm một giờ và đến nay vẫn chưa được điều chỉnh lại.

"Đáng lẽ chúng tôi phải cùng múi giờ với Bồ Đào Nha hoặc Anh. Nhưng thay vào đó, người Tây Ban Nha vẫn sống theo múi giờ Đức", Junque cho biết.

Kinh tế Tây Ban Nha suy thoái dưới thời Franco cũng buộc lao động phải làm nhiều công việc một lúc, khiến giấc ngủ trưa (siesta) ngày càng phổ biến.

Bắt nguồn từ chữ "sexta" trong tiếng Laitn, nghĩa là giờ thứ 6 sau bình minh, giấc ngủ trưa là thời gian nghỉ ngơi truyền thống của nông dân Tây Ban Nha và Italy, thường vào khoảng giữa trưa, khi ánh nắng gay gắt ở Địa Trung Hải lên đỉnh điểm.

Dưới thời Franco, người dân Tây Ban Nha thức dậy lúc bình minh, làm việc 6-8 tiếng, ăn uống, nghỉ trưa 2-3 tiếng, sau đó di chuyển đến nơi khác để làm công việc thứ hai trong vài tiếng cho đến tối.

Dù khảo sát năm 2016 cho thấy chưa đầy 18% người Tây Ban Nha thường xuyên ngủ trưa, hơn 50% nói không có thói quen này, động thái đổi múi giờ dưới thời Franco đã ảnh hưởng đến "đồng hồ sinh học" của Tây Ban Nha cho đến ngày nay, kéo nhịp sống của nền kinh tế đến tận đêm khuya.

Văn phòng, hàng quán ở Tây Ban Nha vẫn thường đóng cửa nghỉ trưa 2-3 tiếng rồi hoạt động đến tối, kéo dài thời gian nhân viên phải ở nơi làm việc.

Chuyên gia Junque mô tả lối sinh hoạt này khiến người Tây Ban Nha "nghèo thời gian", đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ, những người thường đảm nhận nội trợ trong khi vẫn đi làm. Theo TUI, 30% phụ nữ Tây Ban Nha thiếu nghiêm trọng thời gian dành cho bản thân.

Lối sinh hoạt này cũng có thể là nguyên nhân khiến năng suất làm việc của lao động Tây Ban Nha kém so với các nước châu Âu khác.

"Thời gian làm việc càng kéo dài thì năng suất của bạn càng kém. 'Văn hóa điểm danh' hiện diện ở các văn phòng Tây Ban Nha, tức đề cao lao động có mặt tại nơi làm việc hơn là có năng suất làm việc tốt", bà Junque nhận định. "Thực tế chứng minh thời gian làm việc dài và thiếu quyền tự chủ trong chọn giờ làm khiến năng suất làm việc Tây Ban Nha thấp".

Tây Ban Nha đã vật lộn tìm cách điều chỉnh lại múi giờ và "đồng hồ sinh học" quốc gia. Cựu thủ tướng Mariano Rajoy năm 2016 từng nỗ lực kéo múi giờ của Tây Ban Nha về múi giờ Anh nhưng bất thành.

Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez hiện chủ trương linh hoạt, giảm thời gian làm việc, đồng thời yêu cầu bắt buộc tăng lương đối với những nhân viên làm đêm.

Chính sách này có tác động lớn đến ngành dịch vụ, du lịch Tây Ban Nha. Việc phục vụ nhiều "múi giờ ăn uống" của nhiều du khách từ các văn hóa khác nhau khiến các nhà hàng chịu gánh nặng chi phí vận hành. Tại khu phố El Carmen nổi tiếng ở Valencia, đám đông đến ăn tối chỉ đạt đỉnh điểm sau 22h.

Đến quá nửa đêm, khu phố vẫn tập nấp du khách, tràn ngập tiếng cười, tiếng nhạc. "Trong khi các quan chức tranh cãi về giờ làm việc muộn, người Tây Ban Nha dường như sẽ không sớm thay đổi lối sống về đêm này", Atika Shubert, phóng viên của CNN, nhận định.

BỒ ĐÀO NHA THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ MỚI

Ngày 28/3, Thủ tướng mới được đề cử Luis Montenegro của đảng Dân chủ xã hội (PDS) đã gửi danh sách nội các mới cho Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa.

Trong thông báo mới, Văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha cho biết ông Marcelo Rebelo de Sousa đã chấp thuận với danh sách nội các mới, trong đó các vị trí chủ chốt, lãnh đạo bộ tài chính, kinh tế và ngoại giao sẽ do các chính trị gia giàu kinh nghiệm đảm nhiệm. Cụ thể, ông Paulo Rangel, đang là thành viên Nghị viện châu Âu (EP), sẽ đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng; ông Joaquim Miranda Sarmento, cựu chủ tịch nhóm nghị sĩ của PDS sẽ đảm nhiêm cương vị Bộ trưởng Tài chính; ông Pedro Reis, lãnh đạo cơ quan thương mại và đầu tư của chính phủ đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Kinh tế.

Trước đó, ngày 27/3, Quốc hội Bồ Đào Nha đã bầu ra chủ tịch mới sau khi 2 đảng PDS và Đảng Xã hội (PS) lớn nhất trong cơ quan lập pháp này đạt được thỏa thuận quan trọng giúp tháo gỡ thế "quốc hội treo" hình thành sau tổng tuyển cử hồi đầu tháng này. Theo thỏa thuận mới, hai đảng nhất trí chia sẻ vai trò lãnh đạo Quốc hội Bồ Đào Nha. Theo đó, ông Jose Pedro Aguiar-Branco của PSD được bầu làm chủ tịch quốc hội trong 2 năm, cho đến tháng 9/2026, trước khi chuyển giao cho một đại diện của PS.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 10/3, đảng PDS trung hữu đã giành chiến thắng sít sao trước PS với 78 ghế và 2 ghế của đảng đồng minh để giành tổng cộng 80 ghế trong quốc hội 230 ghế. Đảng PS về thứ 2, cũng với 78 ghế nhưng không có đảng liên minh. Sau khi đạt thỏa thuận quan trọng nêu trên, PDS và PS có thể thành lập chính phủ mới mà không cần thêm sự ủng hộ từ đảng khác.

Dự kiến, Chính phủ mới của Bồ Đào Nha sẽ nhậm chức vào ngày 2/4 và sau đó trình bày các đề xuất chính sách trước Quốc hội Bồ Đào Nha. Trong trường hợp các đảng khác phản đối và đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công, lãnh đạo đảng khác sẽ được mời đứng ra thành lập chính phủ hoặc cuối cùng Bồ Đào Nha sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử khác nếu các phương án này đều không hiệu quả.

Chính phủ mới của Thủ tướng Montenegro được tin là không phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về kinh tế và tài chính khi "kế thừa" một khoản thặng dư ngân sách lên tới 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao thứ hai kể từ năm 1974.

Nguồn: Hải Quan Online; Báo Hòa Bình; VOV; Vnexpress; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang