EU: Hồ Montbel cạn trơ;Người mua nhà gặp khó; Tương lai của Credit Suisse; Thỏa thuận Serbia-Kosovo; Chia rẽ về TQ

Hồ Montbel cạn trơ đáy

(Ảnh minh họa).

Việc hồ Montbel khô cạn giữa lúc nước Pháp đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục vào mùa đông không chỉ ảnh hưởng tới du lịch, nông nghiệp mà còn dấy lên lo ngại về an ninh nguồn nước.

Nằm dưới chân dãy núi Pyrenees, hồ Montbel nổi tiếng ở phía tây nam nước Pháp có làn nước màu ngọc lam, rộng mênh mông và đời sống thủy sinh phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, giữa lúc mùa xuân năm nay tới gần, khung cảnh tuyệt đẹp này gần như không còn, khi hồ như thành vùng đất đầy bùn, với những chiếc thuyền của câu lạc bộ chèo thuyền địa phương mắc cạn.

Nước Pháp vừa trải qua mùa đông khô hạn nhất trong 64 năm qua, khiến hồ không thể đầy nước, theo Reuters. Việc Pháp, cùng hầu hết nước châu Âu, đang đối mặt mùa đông làm dấy lên những lo ngại về an ninh nguồn nước trên khắp lục địa và viễn cảnh thêm một mùa hè hạn hán sắp tới.

Hồi tháng 2 vừa qua, vùng Ariege - nơi có hồ Montbel - thiếu hụt tới 80% lượng mưa.

“Chúng tôi hiện chỉ ở mức 25% tỷ lệ lấp đầy tối đa. Vào thời điểm này trong năm, thông thường chúng tôi sẽ chứng kiến tỷ lệ lấp đầy 60%”, Xavier Rouja - người quản lý đập của hồ Montbel - cho biết.

Hồ Montbel là hồ nhân tạo, trải rộng hơn 570 ha. Pháp đã tạo nên hồ nước này vào năm 1985 bằng cách làm ngập khu vực từng là rừng. Hồ này ban đầu dùng cho mục đích tưới tiêu cây trồng trong vùng. Tuy nhiên, theo thời gian, các khu cắm trại và đường mòn đi bộ mọc lên quanh bờ hồ, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.

Đi dạo trên lòng hồ khô cạn, hướng dẫn viên chèo thuyền Claude Carriere kiểm tra những chiếc thuyền buồm mắc cạn. Câu lạc bộ mà anh tham gia đã phải hủy bỏ một số cuộc thi kể từ tháng 1, khi diện tích nước trên mặt hồ không đủ để tổ chức chèo thuyền.

“Khi hồ đầy, chúng tôi có một vùng nước tuyệt vời. Đó là thiên đường của hòa bình, là nơi giải trí và thư giãn”, Carriere - tình nguyện viên tại câu lạc bộ chèo thuyền từ những năm 2000 - chia sẻ.

"Chứng kiến cảnh tượng này thật buồn làm sao. Nó trông giống một sa mạc lầy lội. Điều đó khiến trái tim chúng tôi tan nát”, anh nói thêm.

Ban quản lý câu lạc bộ đang tìm cách đa dạng hóa các hoạt động nhằm thích ứng với những đợt hạn hán khác trong tương lai.

Trong khi đó, ở hạ lưu, nông dân lại lo lắng khi mùa xuân và mùa hè sắp sang.

“Hồ Montbel là thứ đảm bảo thu nhập cho chúng tôi. Nếu ngày mai không có nước, rất nhiều trang trại sẽ sụp đổ và biến mất”, ông Christophe Mascarenc - người đứng đầu Hiệp hội thủy lợi nông dân khu vực - cho biết.

Ông Mascarenc sử dụng nước từ sông Ariege gần đó thay vì từ hồ Montbel. Tuy nhiên, ông có kế hoạch cắt giảm sản lượng ngô 50-60% trong năm nay nhằm tiết kiệm nước.

Một số nông dân khác trong khu vực chuyển sang các loại cây trồng sử dụng ít nước hơn.

Franck Solacroup, người đứng đầu Phái đoàn liên ngành thượng nguồn sông Garonne, cho biết khi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu gia tăng trong những thập niên tới, những mùa ấm và khô hơn sẽ ngày càng phổ biến.

"Vào năm 2022, chúng ta thực sự chứng kiến những điều sẽ trở thành chuyện thông thường vào năm 2050 do biến đổi khí hậu. Đây là điều chúng ta phải làm quen và thích nghi", ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Người mua nhà châu Âu gặp khó vì lãi suất thả nổi

Từ Thụy Điển, Tây Ban Nha, đến Anh hay Hy Lạp, người vay mua nhà bằng lãi suất thả nổi đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Với cú sốc lạm phát lan rộng 18 tháng qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ -0,5% lên 3%, mức tăng nhanh nhất kể từ khi eurozone ra đời. Bên ngoài khối đồng tiền này, điều tương tự cũng xảy ra ở Anh, Thụy Điển và Trung Âu.

Trong bối cảnh đó, người mua nhà ở châu Âu có hai "số phận" khác nhau. Trong khi tại Pháp, Đức và Hà Lan, lãi vay chủ yếu là cố định thì ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy, phổ biến là lãi thả nổi. Điều này khiến "các hộ gia đình đang phải đối mặt với lãi suất cao, phải trả nợ và chi phí sinh hoạt nhiều hơn", Alessandro Pighi, nhà phân tích của Fitch, giải thích.

Gilles Moëc, Kinh tế trưởng công ty bảo hiểm Axa, cho rằng 2 nơi đáng báo động nhất là Thụy Điển và Anh. Trong khi, các vụ tịch thu nhà ở Hy Lạp, Tây Ban Nha đang gia tăng. Ông cho rằng những gì đang xảy ra ở các quốc gia có lãi suất thả nổi là tín hiệu báo trước cho nguy cơ ở phần còn lại của châu Âu. "Cuối cùng, việc thắt chặt toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong nền kinh tế", ông nói.

Ở Tây Ban Nha, sáu tháng qua, tài xế xe buýt Miguel-Angel sống ở El Escorial, ngoại ô Madrid, sẵn sàng nhận thêm bất kỳ việc vặt nào để có tiền như lát gạch, cắt tỉa hàng rào, sửa chữa đường ống. "Tháng 10/2022, tiền nợ cần thanh toán hàng tháng của tôi tăng 200 euro, từ 590 euro hàng tháng lên 813 euro. Điều tệ nhất là tôi không biết khi nào nó sẽ ngừng tăng", người đàn ông 46 tuổi nói.

Miguel-Angel mua ngôi nhà gỗ ở Sierra de Madrid vào năm 2017, với lãi suất thả nổi, dựa trên lãi liên ngân hàng của eurozone (Euribor). Gần 70% khoản vay mua nhà ở nước này là thả nổi, với 3,7 triệu khoản vay trị giá hơn 500 tỷ euro. Với việc tăng lãi suất, khoản vay trung bình 140.000 euro trong 24 năm hiện phải thanh toán hàng tháng tăng gần 230 euro (44%) so với 2021.

Lãi suất khoản vay của Miguel-Angel được điều chỉnh 6 tháng một lần. Hiện Euribor đã đạt 3,5% và lãi suất cho khoản vay của anh ấy đã lên mức 4,5%. Tình trạng vỡ nợ vẫn chưa tăng ở Tây Ban Nha nhưng ngân hàng trung ương nước này dự báo tác động của tăng lãi suất với khả năng trả nợ sẽ tăng từ sau mùa xuân, khi các gia đình dễ bị tổn thương nhất cạn tiền tiết kiệm.

Tháng 11/2022, chính phủ Tây Ban Nha tung ra chính sách các hộ gia đình tốn hơn nửa thu nhập để trả nợ và kiếm được ít hơn 25.200 euro mỗi năm có thể ân hạn nợ gốc 5 năm và giảm lãi. Người dành 30% thu nhập để trả nợ và kiếm được ít hơn 29.400 euro mỗi năm thì được hoãn nợ 12 tháng và giãn nợ thêm 7 năm. Theo tính toán, hơn nửa triệu gia đình có khả năng phải cần đến. Hai tháng qua, 9.000 gia đình đăng ký hỗ trợ, với 1.000 hộ vào tháng 1 và 8.000 hộ vào tháng trước.

Tại Hy Lạp, số vụ tịch thu nhà đã bùng nổ. Vào buổi sáng cuối tháng 11/2022, Ioanna Kolovou hoảng sợ khi cảnh sát đến rất đông trước căn hộ của cô ở Zografou, ngoại ô Athens. Kolovou có khoản nợ chưa thanh toán là 15.000 euro, và ngôi nhà của cô đã được bán đấu giá, mua lại bởi một công ty tư nhân.

Với một số hỗ trợ sau đó, cô không bị đuổi khỏi nhà nhưng vẫn chịu áp lực phải trả tiền. Hôm 10/3, nhà cô đã bị cắt nước. Theo khảo sát của Liên đoàn Chuyên gia, Thợ thủ công và Thương gia Hy Lạp, 21,5% hộ gia đình nói sẽ không thể trả nổi nợ mua nhà trong năm nay, hầu hết đều do lãi suất tăng.

"Tháng 10 năm ngoái, tôi trả 300 euro một tháng tiền nợ vay nhưng giờ là 520 euro," Ilias Smilios, giáo viên, thành viên của tổ chức chống tịch thu nhà ở Thessaloniki, Hy Lạp, nói. Lãi vay trung bình cho khoản nợ 250.000 euro tại Hy Lạp là 5,76% trong tháng 10, lên 6,14% trong tháng 12 và dự kiến tăng thêm vào cuối tháng 3. Khoảng 45.000 ngôi nhà có thể bị tịch thu để siết nợ năm nay.

Ở Thụy Điển, ngân hàng trung ương đã tăng lãi điều hành từ 0,25% vào tháng 5/2022 lên 3% vào 14/2. Người Thụy Điển nằm trong số những người châu Âu nhạy cảm nhất với biến động lãi suất vì họ mắc nợ nhiều nhất, ở mức 180% thu nhập khả dụng. Cho đến 2016, các hộ gia đình không có nghĩa vụ trả nợ. Các ngân hàng chỉ yêu cầu trả lãi. Vì những khoản lãi đặc biệt thấp, nợ cá nhân tăng vọt.

Dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh Châu Âu, Thụy Điển vào 2016 đã buộc các hộ gia đình đã vay hơn 70% giá trị tài sản của họ phải trả 2% gián trị khoản vay mỗi năm và sau đó là 1% khi giảm xuống dưới 70%. Khi số tiền cho vay giảm xuống còn một nửa giá trị của tài sản, mọi nghĩa vụ trả nợ sẽ biến mất.

Năm 2018, giới hạn mới được áp dụng đối với các hộ gia đình đã vay gấp 4,5 lần tổng thu nhập hàng năm. Họ phải trả hết 3% khoản vay mỗi năm, sau đó là 2%, cho đến khi khoản vay chỉ chiếm 50% giá trị tài sản của họ. Khi lãi tăng, các hộ gia đình bắt đầu "thấm đòn", với một nửa số hộ vay năm 2021 chọn lãi thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần. Trong khi, Thụy Điển đã bước vào thời kỳ suy thoái, với tăng trưởng GDP giảm 0,5% trong quý IV, tệ nhất ở châu Âu.

Anna và Klaus là ví dụ. Khoản vay 3 triệu curon (260.000 euro) từ 2021 của họ có lãi suất 1,22% trong ba năm, nên cần trả 6.000 curon (525 euro) mỗi tháng. Nhưng khi hết hạn vào năm 2024, tiền thanh toán hàng tháng dự kiến tăng gấp đôi, vì lãi suất trong ba năm qua đã tăng lên hơn 4%.

Ở Anh, trong số 8,5 triệu khoản vay mua nhà, một phần tư có lãi suất thả nổi, dao động theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh, vốn đã tăng từ 0,1% lên 4% kể từ tháng 12/2021. Nhưng đại đa số người Anh vay lãi cố định thì thời gian cũng ngắn, thưởng 2-5 năm đầu. Khi hết hạn, họ phải gia hạn khoản vay.

Đó là điều sẽ xảy ra với hơn 3 triệu hộ gia đình trong 2 năm tới, theo Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA). Tất cả đều đã vay khi lãi suất ở mức thấp nhất, dưới 2%. Ngày nay, lãi suất cố định hai năm trung bình là 5,2%. Tình hình không đủ để gây ra một vụ sụp đổ bất động sản, nhưng đủ để hạ nhiệt mạnh thị trường.

Còn ở Austria, khoảng 50% các khoản vay mua nhà có lãi suất thả nổi. Lãi suất tăng cao đang tác động mạnh đến người đi vay tại đây. Helmut Ettl, Đồng giám đốc Cơ quan Thị trường Tài chính Austria (FMA), cảnh báo một số người sẽ gặp khó. Dù vậy, không hề có hoảng loạn ở quốc gia vùng núi Alps này.

Người phát ngôn của FMA Klaus Grubelnik xác nhận có những tín hiệu cho thấy rủi ro đã tăng lên trong các ngân hàng, nhưng mức nợ xấu vẫn rất thấp. "Chúng tôi đã quan sát thấy trong các cuộc khủng hoảng trước đây rằng người dân luôn làm mọi cách để trả nợ, ngay cả khi điều đó nghĩa là cắt giảm lối sống", vị này nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Tương lai nào đang chờ đợi ngân hàng Credit Suisse?

(Ảnh minh họa).

Chính quyền Thụy Sĩ đang ráo riết tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giúp ngân hàng Credit Suisse thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đang xem xét việc mua lại tất cả hoặc một phần ngân hàng Credit Suisse sau khi ngân hàng này lao đao vì khủng hoảng niềm tin, tờ Financial Times đưa tin.

Lãnh đạo 2 ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ dự kiến ​​sẽ gặp riêng vào cuối tuần này để đưa ra lựa chọn tối ưu cho Credit Suisse. Thỏa thuận giữa 2 ngân hàng, nếu đạt được, sẽ được thông báo muộn nhất vào tối 19/3, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Tin tức về quá trình đàm phán giữa UBS và Credit Suisse được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ buộc phải cung cấp hạn mức tín dụng khẩn cấp trị giá gần 54 tỷ USD cho Credit Suisse.

Chiếc “phao cứu sinh” mà ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ tung ra đã giúp giải tỏa một số áp lực trước mắt cho Credit Suisse, nhưng ngân hàng này cần có những thay đổi sâu sắc hơn để tránh rơi vào phá sản.

Tái cấu trúc

Đối với các nhà đầu tư, vấn đề của Credit Suisse không phải là tính thanh khoản của ngân hàng này, mà là mô hình kinh doanh của nó. Mối lo ngại này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu khách hàng tiếp tục rút tài sản. Câu hỏi đặt ra là tương lai của ngân hàng này sẽ như thế nào.

Credit Suisse đang trải qua một cuộc đại tu chiến lược lớn nhằm khôi phục sự ổn định và lợi nhuận sau hàng loạt thua lỗ và bê bối, nhưng thị trường và các bên liên quan không mấy tin tưởng rằng ngân hàng này sẽ thành công.

Không chỉ bản thân Credit Suisse mà chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA đã liên hệ chặt chẽ để thảo luận về các phương thức giúp ngân hàng này ổn định hoạt động.

Credit Suisse đã mất nhiều năm cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh sau hàng loạt bê bối và một thời gian khá dài chìm trong thua lỗ.

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, họ đang có ý định thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, nghĩa là chuyển vốn và các nguồn lực ra khỏi chi nhánh ngân hàng đầu tư đang thua lỗ sang các đơn vị quản lý tài sản trong nước.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác, đặc biệt là do sự thiếu minh bạch về những tài sản mà ngân hàng này sẽ bán ra.

Harris Associates, một trong những cổ đông lâu năm nhất của Credit Suisse đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại ngân hàng này, làm ảnh hưởng khá nặng nề đến uy tín của đội ngũ quản lý Credit Suisse và giám đốc điều hành Ulrich Körner.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, Credit Suisse hiện không còn nhiều lựa chọn vì các đối tác đã bắt đầu cảm thấy lo ngại về tương lai của ngân hàng này.

“Chặt đứt cánh tay”

Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ có thể thực hiện một động thái quyết liệt hơn, đó là bán bớt một phần hoạt động kinh doanh của mình để huy động thêm vốn mới.

Kế hoạch này từng được đề xuất bởi cựu CEO của Credit Suisse là Tidjane Thiam. Ông Thiam gần như đã niêm yết 25% cổ phần của ngân hàng này vào năm 2017, nhưng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ sau khi vấp phải sự phản đối của các thành viên hội đồng quản trị và các nhà đầu tư.

Các nhà phân tích ước tính rằng việc bán bớt đơn vị Thụy Sĩ có thể tăng tới 15 tỷ Francs Thụy Sĩ (16,25 tỷ USD), gần gấp đôi giá trị thị trường hiện tại của Credit Suisse là 7,7 tỷ Francs Thụy Sĩ (8,34 tỷ USD).

Các tài sản của Credit Suisse đều có giá trị, và các vụ đàm phán M&A liên quan đến các tài sản này đang được tổ chức, một nhân viên cấp cao của ngân hàng này cho biết.

Các đối thủ trong nước như ngân hàng tư nhân Julius Baer có thể sẽ quan tâm đến các mảng kinh doanh của Credit Suisse, nhân viên này cho biết. Tháng trước, Bloomberg cũng đưa tin Deutsche Bank đã để mắt đến các hoạt động quản lý tài sản và tài sản của ngân hàng này.

Credit Suisse cũng có thể thu hút sự quan tâm của các nhà cho vay lớn khác ở châu Âu, chẳng hạn như UniCredit của Ý. Tuy nhiên, sự phức tạp của thỏa thuận, bao gồm cả việc thuyết phục các nhà quản lý, có thể khiến người mua nản lòng, nhân viên ngân hàng trên cho biết.

Dù thế nào đi nữa, việc bán tài sản cũng sẽ là một bước đi khác biệt rất lớn so với kế hoạch tái cấu trúc, trong đó bộ phận quản lý tài sản và kinh doanh của Thụy Sĩ sẽ được đặt vào trung tâm của “Credit Suisse mới”.

Nó cũng sẽ đặt dấu chấm hết trên thực tế cho 167 năm lịch sử hoạt động của Credit Suisse với tư cách là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới về quản lý gia sản cho giới nhà giàu.

Tiếp quản hoàn toàn

Việc bán bớt các đơn vị của Credit Suisse có thể cần có thời gian, nhưng thị trường lại không thể chờ đợi được. Một giải pháp quyết đoán hơn có thể là một đối thủ tiếp quản hoàn toàn.

Từ lâu đã có tin đồn rằng ngân hàng Credit Suisse có thể sẽ được mua lại một phần hoặc toàn bộ bởi UBS, đối thủ lớn nhất của ngân hàng này ở Thụy Sĩ với mức vốn hóa thị trường khoảng 60 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với con số 7 tỷ USD của Credit Suisse.

Nhà phân tích Kian Abouhossein của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase cũng cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Credit Suisse chịu sự tiếp quản của một ngân hàng khác, đặc biệt là UBS.

Ông cho rằng nếu Credit Suisse bị bán cho UBS, ngân hàng này có thể sẽ phải phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), giải thể ngân hàng đầu tư và giữ lại các đơn vị quản lý tài sản.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng UBS đang tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh tài sản của tập đoàn tại Mỹ, việc mua lại Credit Suisse sẽ khiến họ mất tập trung.

Cả hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ được cho là phản đối ý tưởng hợp tác với nhau. “Việc sáp nhập sẽ gây rủi ro rất cao cho hệt thống ngân hàng Thụy Sĩ, đồng thời tạo ra tình trạng độc quyền, không tốt cho người dân Thụy Sĩ, theo ông Vincent Kaufmann, giám đốc điều hành của Ethos, một quỹ đại diện cho các cổ đông nắm giữ hơn 3% cổ phần của Credit Suisse.

Trong khi đó, các chiến lược gia của ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng chính quyền Thụy Sĩ có thể sẽ ưu tiên phương án kết hợp Credit Suisse và một đối tác khu vực nhỏ hơn, vì bất kỳ sự kết hợp nào với UBS đều có thể tạo ra “một ngân hàng quá lớn đối với quốc gia này”.

Nhìn chung, rất í người cho rằng Credit Suisse sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, bởi điều đó sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Thụy Sĩ và làm rung chuyển nền tài chính toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng nếu các đối tác của ngân hàng ngừng giao dịch hoặc các khách hàng “tháo chạy” khỏi Credit Suisse với số lượng lớn hơn bao giờ hết, chính quyền Thụy Sĩ sẽ ra tay giải cứu, bằng cách ngừng tất cả các khoản tiền gửi hoặc thực hiện một đợt bơm vốn trực tiếp vào ngân hàng này

(Nguồn: Người Đưa Tin)

EU: Sau 12 giờ đàm phán, Serbia-Kosovo đạt thỏa thuận quan trọng

Ngày 19/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, Serbia và Kosovo đã nhất trí về chuỗi các biện pháp để bình thường hóa quan hệ.

Theo đó, Kosovo thực hiện các cam kết của mình về quyền tự quản của các cộng đồng người Serbia ở Kosovo.

Sau cuộc đàm phán do EU làm trung gian giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti, ông Borrell nêu rõ: "Tôi vui mừng thông báo rằng cuối cùng, sau 12 giờ (đàm phán), chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận. Kosovo và Serbia đã đồng ý việc thực hiện phụ lục của Thỏa thuận về con đường bình thường hóa quan hệ song phương".

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho hay, Kosovo đã đồng ý khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán trong khuôn khổ cuộc đối thoại do EU hậu thuẫn để đảm bảo mức độ tự quản phù hợp cho các cộng đồng người Serbia ở Kosovo.

Trước đó, thông tin trên truyền thông cho hay, thỏa thuận do EU đề xuất quy định rằng cả hai bên sẽ tôn trọng độc lập, tự chủ, quyền tự quyết, bảo vệ nhân quyền và không phân biệt đối xử.

Hai bên cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giao thông và kết nối, tư pháp và thực thi pháp luật, y tế, thể thao, bảo vệ môi trường.

Cả Serbia và Kosovo đều muốn gia nhập EU, nhưng khối này tuyên bố rằng trước tiên họ cần giải quyết những tranh chấp của mình. Thỏa thuận cũng yêu cầu hai bên không cản trở các bước gia nhập EU của nhau.

Gần đây, căng thẳng đã bùng lên vì những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt như đổi biển số xe, hay việc bắt giữ một sĩ quan cảnh sát người Serbia của Kosovo. Các nước phương Tây đã lo ngại rằng căng thẳng có thể lan rộng thành một cuộc xung đột mới ở Balkan, nổ ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine bước sang năm thứ hai.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

EU chia rẽ nội bộ về Trung Quốc trước áp lực của Mỹ

(Ảnh minh họa).

Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen ủng hộ đường lối cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, trong khi Chủ tịch Hội đồng Charles Michel muốn tránh đối đầu.

Theo Politico.com, sự chia rẽ đang xuất hiện ở cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối với Trung Quốc của khối, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng gây áp lực buộc Brussels phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Các nhân vật cấp cao trong Hội đồng châu Âu – trong đó có Chủ tịch Charles Michel - đang thúc đẩy cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Trung Quốc so với cách tiếp cận của chính quyền Biden, vốn đang cố gắng gây áp lực cho các đồng minh hợp tác để đối phó với Bắc Kinh.

Hội đồng châu Âu là cơ quan của EU đại diện cho 27 quốc gia thành viên - bao gồm cả các chính phủ có lập trường ôn hòa đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như Đức, Hungary và Hy Lạp. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là một nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là thông qua ngành công nghiệp xe hơi, và muốn tránh xung đột trong quan hệ thương mại.

Điều này có nghĩa là có những lo ngại ở một số quốc gia thành viên rằng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đang có quan điểm cứng rắn hơn, phù hợp với Mỹ. Điều quan trọng là Ủy ban châu Âu là cơ quan hành pháp đóng vai trò cốt lõi ra quyết định về chính sách với Trung Quốc.

Đặc biệt, có sự lo ngại trong Hội đồng châu Âu về tuyên bố chung do bà Leyen và Tổng thống Biden đưa ra sau cuộc gặp của họ tại Nhà Trắng vào tuần trước.

"Chúng tôi có lợi ích chung trong việc ngăn chặn nguồn vốn, chất xám và kiến ​​thức của các công ty chúng tôi thúc đẩy những tiến bộ công nghệ giúp tăng cường khả năng quân sự và tình báo của các đối thủ chiến lược, bao gồm cả thông qua đầu tư ra bên ngoài", tuyên bố nêu rõ, ám chỉ về việc ngăn chặn các công ty phát triển công nghệ cao ở Trung Quốc.

Lập luận từ Hội đồng châu Âu là Ủy ban châu Âu - nơi đóng vai trò lãnh đạo trong việc chỉ đạo chính sách thương mại của EU - nên tham khảo ý kiến ​​nhiều hơn với các chính phủ trước khi tiến hành các biện pháp có thể “chọc tức” Bắc Kinh.

“Chắc chắn rằng Ủy ban có thẩm quyền về thương mại. Nhưng chúng ta đang nói về chiến lược địa chính trị, về vị trí của [EU] ở cấp độ quốc tế. [Điều này] phải được thực hiện với sự ủy quyền của Hội đồng châu Âu”, một quan chức của Hội đồng châu Âu nói trong điều kiện giấu tên.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng tuyên bố chung EU - Mỹ phản ánh chính sách của G7. Một phát ngôn viên Ủy ban cũng nhắc lại rằng bà Leyen trước đây đã nói về sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro, thay vì “tách biệt hoàn toàn” với Trung Quốc.

Những căng thẳng giữa Hội đồng và Ủy ban châu Âu, về chính sách của EU đối với Bắc Kinh cũng đã lên đến đỉnh điểm về thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tiếp theo.

Ủy ban châu Âu khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU sắp tới, đã được lên kế hoạch vào tháng 6, không thể diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU tiếp theo. Nhưng Mỹ thông báo ông Biden sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh với EU trước tháng 6, điều có thể khiến hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tiếp theo bị trì hoãn cho đến nửa cuối năm nay.

Mối quan hệ của EU với Trung Quốc hiện nay cũng đặc biệt nhạy cảm vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với EU cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên, phản ứng của châu Âu là “khá nước đôi”, với nhiều quốc gia do dự trong việc rút khỏi thị trường Trung Quốc khổng lồ, nhiều lợi nhuận.

Cuộc tranh cãi ở cấp cao nhất của EU về chính sách của khối đối với Trung Quốc một phần là phản ứng trước cáo buộc từ lâu rằng “bà Leyen và những trợ lý của mình quá thân thiết với Mỹ”.

Bản thân bà Leyen đã có mối quan hệ công việc thường xuyên với ông Biden. Ngoài các cuộc họp tại G7 và các cuộc họp quốc tế khác, bà Leyen đã hai lần gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Ngược lại, ông Michel vẫn chưa có chuyến thăm chính thức nào đến Nhà Trắng, nhưng đã thực hiện chuyến đi một mình gây tranh cãi tới Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang