EU: Mua chung đạn pháo; Gánh nặng chăm sóc con cái; Pháp biểu tình lan rộng, bỏ phiếu bất tín nhiệm; Anh tìm vũ khí mới

Các nước EU ký thỏa thuận cùng mua đạn pháo cho Ukraine

Một số quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu sẽ ký một thỏa thuận vào ngày 20/3 để hợp tác mua đạn pháo cho Ukraine trong khuôn khổ nỗ lực đẩy nhanh và tăng nguồn cung đạn pháo mà Kyiv nói rằng họ cần khẩn cấp để chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết nhiều quốc gia trong số 27 nước của khối dự kiến sẽ ký vào cái gọi là thỏa thuận dự án, trong đó đưa ra các điều khoản tham chiếu cho kế hoạch, nhưng con số chính xác vẫn chưa rõ ràng vì một số nước vẫn đang xem xét đề nghị.

Các quan chức nói hiệp ước cùng mua đạn pháo 155 mm sẽ được ký kết bên lề cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại Brussels vào ngày 20/3. Những đơn đặt hàng đầu tiên theo kế hoạch có thể được đặt vào cuối tháng Năm.

“Sự sắp xếp này đã được thiết lập rất, rất nhanh chóng”, quan chức cấp cao của EU, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói trong một cuộc họp báo vào ngày 17/3. “Tất cả các quốc gia thành viên (EU) và Na Uy đều có thể tham gia.”

Ukraine xác định việc cung cấp đạn pháo 155 mm là một nhu cầu cấp thiết khi nước này đang tham gia vào cuộc chiến tranh tiêu hao khốc liệt với các lực lượng xâm lược của Nga, trong đó cả hai bên đều bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày.

Các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây đã cảnh báo trong những tuần gần đây rằng Kyiv đang đốt các loại đạn pháo nhanh hơn so với khả năng sản xuất của các đồng minh, dẫn đến một nỗ lực mới để gửi nguồn cung và tìm cách tăng cường sản xuất.

Một sáng kiến lớn mua vũ khí chung sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hội nhập EU.

Dự án được khởi xướng vào ngày 20/3 sẽ do Cơ quan Phòng vệ Châu Âu của EU dẫn đầu.

Các quan chức EU nói động thái này sẽ dẫn đến các đơn đặt hàng đơn lẻ lớn hơn cho các công ty vũ khí, từ đó khuyến khích họ đầu tư vào việc tăng công suất và giảm sự cạnh tranh giữa các chính phủ đang đẩy giá lên bằng cách cố gắng đặt các đơn đặt hàng tương tự.

Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch do người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell trình bày nhằm dành 1,07 tỷ đô la để hoàn trả cho các nước EU vì đã gửi đạn pháo từ kho dự trữ của họ tới Ukraine và thêm 1 tỷ euro cho việc mua sắm chung.

Kho đạn

Các nhà ngoại giao nói các chính phủ EU vẫn đang tranh cãi về các chi tiết chính vào ngày 17/3, do những bất đồng về cách thức hoạt động của kế hoạch và sự thiếu rõ ràng về mức độ đạn dược hiện tại trong kho dự trữ của các thành viên EU, vốn được giữ bí mật.

Các đại sứ tại EU từ các nước thành viên sẽ gặp nhau vào ngày 19/3 để cố gắng hoàn thiện các chi tiết của kế hoạch tổng thể để có thể được các ngoại trưởng phê duyệt vào ngày 20/3, các nhà ngoại giao nói.

Các quan chức EU cho biết sẽ mất ít nhất vài tháng trước khi bất kỳ quả đạn nào được đặt hàng như một phần của hợp đồng mua sắm chung đến được Ukraine.

Nhưng họ lập luận rằng việc biết một nỗ lực mua sắm chung lớn đang được tiến hành sẽ khuyến khích các nước thành viên gửi thêm hàng trong kho dự trữ hiện tại của họ tới Ukraine.

Số tiền này sẽ đến từ Quỹ Hòa bình Châu Âu, một quỹ do EU điều hành đã tài trợ 3,6 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Kho dự trữ đạn dược của nhiều chính phủ phương Tây đã cạn kiệt nghiêm trọng do cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Mua sắm chung của EU cũng sẽ nhằm mục đích bổ sung chúng.

(Nguồn: VOA)

Gánh nặng chăm sóc con cái ở châu Âu

90% trẻ em 3-5 tuổi và 1/3 trẻ dưới 3 tuổi ở các nước châu Âu được gửi đến các cơ sở chăm sóc trẻ em, nhưng chi phí nuôi trẻ giữa các quốc gia có chênh lệch rõ rệt.

Cô Sarah Ronan từng phải nghỉ việc trông con vì không đủ khả năng chi trả chi phí cho con đi nhà trẻ.

“Cũng giống như bao bậc phụ huynh khác, tôi phải dành dụm và quản lý chi tiêu sao cho hợp lý và hiệu quả. Trước đây, con trai tôi, trong một tuần, chỉ đi lớp 2 ngày, và những ngày còn lại do ông bà nội hoặc ông bà ngoại trông”, cô Ronan, trưởng dự án Liên minh Giáo dục mầm non và Chăm sóc trẻ của Women’s Budget Group ở Vương quốc Anh, cho biết.

“Nhưng mọi thứ thay đổi khi ông bà hai bên không còn đủ sức khỏe để trông cháu nữa. Thế nên tôi đang phải chi 1.200 bảng Anh (1.356 Euro) mỗi tháng để cho con đi nhà trẻ 5 ngày một tuần, trong khi thu nhập sau thuế mỗi tháng của tôi chỉ là 1.700 Bảng (1.921 Euro)”, cô nói với Euronews.

Câu chuyện của cô Ronan là tình trạng phổ biến ở Vương quốc Anh, đất nước có chi phí chăm sóc trẻ em cao nhất châu Âu, đồng thời cũng là nơi phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong công việc sau khi lập gia đình.

“Cú đấm bồi” từ khủng hoảng sinh hoạt phí

Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện bởi Tổ chức từ thiện Pregnant Then Screwed cho thấy, 75% thu nhập của cha mẹ ở Anh là để chi trả cho việc chăm sóc con cái.

Vào năm 2022, Anh trở thành quốc gia có chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ nhất trong số các nước phát triển, khiến hàng nghìn người tại khắp các thành phố ở “xứ sở sương mù” tham gia cuộc biểu tình với tên gọi “Cuộc tuần hành của các bà mẹ” vào tháng 10 năm ngoái.

“Cho đến nay chính phủ vẫn chưa có bất kỳ hành động quyết liệt nào để giải quyết cái giá của lạm phát. Điều này dẫn đến việc chi phí chăm sóc trẻ em sẽ tăng thêm ít nhất 10% vào tháng 4 tới”, bà Joeli Brearley, người sáng lập tổ chức từ thiện Pregnant Then Screwed, cho biết.

“Học phí nhà trẻ trung bình mỗi năm là 14,000 Bảng Anh và chúng tôi dự đoán con số đó sẽ còn tăng thêm 1,000 Bảng mỗi năm”, bà Brearley nói với Euronews.

Cứ 3 cặp cha mẹ tham gia cuộc khảo sát thì có một trong số họ tiết lộ rằng họ đã phải dựa vào các hình thức vay nợ để chi trả các khoản cho con cái.

Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh khiến ngay cả những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống cũng trở thành gánh nặng, chi phí chăm sóc trẻ tăng cao càng khiến sự bất bình đẳng trong kinh tế xã hội trở nên trầm trọng hơn, và gây tác động không tương xứng đến phụ nữ, buộc họ phải giảm giờ làm việc hoặc rời bỏ lực lượng lao động.

Khoảng 1.7 triệu phụ nữ ở Anh đang làm việc với số giờ ít hơn bình thường do không đủ khả năng chi trả chi phí chăm sóc con trẻ, theo ước tính của tổ chức tư vấn Center for Progressive Policy có trụ sở tại London.

Tình thế trái ngược

90% trẻ em 3-5 tuổi và 1/3 trẻ dưới 3 tuổi ở các nước châu Âu được gửi đến các cơ sở chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, kinh phí nuôi trẻ giữa các quốc gia có sự chênh lệch rõ rệt.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi phí nuôi con ở Anh chiếm 52% thu nhập trung bình của phụ nữ, gấp 10 lần so với chi phí ở Đức và Áo – những nước vẫn đang chu cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em công cộng – chỉ chiếm 5% thu nhập của cha mẹ.

Ở đa số các nước châu Âu, cha mẹ được hưởng trợ cấp cao cho việc chăm sóc trẻ, phần nào đã giảm bớt áp lực tài chính của họ.

Ví dụ như ở Hà Lan, nơi mà thị trường bị chi phối bởi các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, chi phí chăm sóc trẻ chiếm 80% thu nhập trung bình của phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi được chính phủ hỗ trợ, các bậc cha mẹ có thu nhập thấp chỉ phải chi trả 5% chi phí chăm con.

Ngoài ra, chính phủ Hà Lan đang lên kế hoạch triển khai chế độ trợ cấp 95% chi phí chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ đang đi làm vào năm 2025.

Ở Anh, dù chính phủ đã đầu tư 4 tỷ Bảng (4.52 tỉ Euro) để hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ trong suốt 5 năm qua, thông qua 8 phương thức hỗ trợ khác nhau, đây vẫn là nơi có chi phí nuôi con tốn kém nhất.

“Các phương thức hỗ trợ hiện có không còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình nữa”, cô Ronan chia sẻ.

Các gia đình trong hoàn cảnh khó khăn có thể đăng ký Chương trình Thuế Tín dụng Trẻ em của chính phủ Anh, hỗ trợ chi trả tới 85% chi phí chăm sóc trẻ em cho các hộ có thu nhập thấp xấp xỉ 16,000 Bảng (18,080 Euro) mỗi năm, nhưng số tiền này sẽ được thanh toán trả sau. Do đó, khoảng 1 triệu hộ gia đình ở Anh – mặc dù đủ điều kiện tham gia – đều không mặn mà với chương trình này.

Hệ thống Kita ở Đức vẫn còn bất cập

Trái ngược với tình huống ở Anh, chi phí chăm sóc trẻ trung bình ở các quốc gia như Đức chỉ tốn 1,310 Euro mỗi năm.

Từ năm 2013, trẻ em trên 12 tháng tuổi ở Đức có thể được gửi đến các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày, được gọi là Kita, tại các địa phương. Các Kita thường tính phí 70-150 Euro/tháng, nhưng khoản tiền này sẽ được nhà nước trợ cấp.

Cô Clara Gruitrooy, một nữ doanh nhân kiêm bà mẹ 2 con, chia sẻ rằng cô cảm thấy may mắn vì đã chuyển từ Hamburg đến Berlin sinh sống, nơi cô được hưởng dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí.

Cô Gruitrooy hiện là Giám đốc của Working Moms chi nhánh Berlin, một hiệp hội các bà mẹ ở Đức có cùng chí hướng hỗ trợ lẫn nhau về cách cân bằng giữa nghề nghiệp và nghề “mẹ”.

“Nếu tôi không được hỗ trợ chi phí nuôi con cái, tôi không biết làm cách nào để có được vị trí như ngày hôm nay”, cô Gruitrooy chia sẻ với Euronews.

Dù Kita ở Đức khiến các nước như Anh phải ghen tị, mô hình này vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ở Đức, Kita đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, trong khi các gia đình có con nhỏ vẫn xếp hàng dài để chờ đến lượt được gửi con ở đây, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Thanh niên Đức thực hiện năm 2020, 49% phụ huynh có con dưới 3 tuổi cho biết họ cần gửi con đến Kita, nhưng chỉ 24% cơ sở đáp ứng được thời gian mà họ muốn.

“Ở Đức, tìm được chỗ trông trẻ mới khó chứ giá cả không phải là vấn đề”, cô Gruitrooy chia sẻ dưới góc độ người từng trải, khi cô vừa đang xây dựng sự nghiệp của riêng mình vừa phải chật vật tìm chỗ gửi con.

Bởi vì cô có thể điều hành công việc trực tuyến nên cô vẫn đang cố gắng giải quyết ổn thoả mọi việc cho đến khi cô tìm được trung tâm Kita phù hợp để gửi con đến.

“Nếu bạn được tự do lựa chọn dịch vụ chăm sóc trẻ miễn phí thì đây không còn là vấn đề nan giải nữa”, cô Gruitrooy cho biết. “Vấn đề bây giờ sẽ chỉ xoay quanh về chất lượng, về sự bình đẳng và về dịch vụ”

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Biểu tình chống tăng tuổi hưu lan rộng khắp nước Pháp

Các cuộc biểu tình phản đối luật tăng tuổi hưu ở Pháp đã bùng phát thành bạo loạn, đốt phá và lan rộng khắp cả nước.

Hơn 300 người đã bị bắt giữ trên khắp nước Pháp trong đêm biểu tình bạo loạn 17/3, khi những người biểu tình đốt phá ở nhiều thành phố lớn để phản đối việc chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron hôm 16/3 phê chuẩn luật tăng tuổi hưu mà không cần thông qua quốc hội.

Tại thành phố Lille, các sĩ quan chống bạo động mang theo khiên chắn dàn hàng trên đường phố để ngăn chặn đám đông quá khích.

Tại thành phố Toulouse, đám đông tập trung bên ngoài tòa thị chính, đốt pháo sáng và hô khẩu hiệu phản đối đạo luật và đối đầu với cảnh sát.

Tại Nantes, nhóm người biểu tình phóng hỏa đốt đống rác trên đường phố để phản đối luật tăng tuổi hưu. Trước đó, công đoàn nhân viên môi trường ở Pháp đã tổ chức các cuộc đình công để phản đối luật cải cách hưu trí, khiến đường phố ngập tràn rác thải.

Tại thủ đô Paris, cảnh sát chống bạo động đã buộc phải bắn hơi cay giải tán người biểu tình bên ngoài quảng trường Concorde. Sau khi đám đông biểu tình bị giải tán, một số người vẫn tới phóng hỏa và đập phá các cửa hàng ở những khu phố lân cận.

Trước đó tại quảng trường Concorde, hàng nghìn người trước đó tập trung chờ sẵn khi Hạ viện thảo luận về dự luật cải cách hưu trí.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã chỉ thị cho Thủ tướng Elisabeth Borne kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để phê chuẩn luật nâng tuổi nghỉ hưu của lao động Pháp từ 62 lên 64 mà không cần bỏ phiếu ở quốc hội. Theo Tổng thống Macron, có quá nhiều rủi ro kinh tế đối với đất nước nếu các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật.

Khi các chính trị gia đối lập cáo buộc chính phủ có cách tiếp cận tàn bạo và phi dân chủ, những người biểu tình đã xuống đường ở Paris và các thành phố khác. Khoảng 200 người biểu tình đã chặn các tuyến đường giao thông trong một thời gian ngắn trên đường vành đai Paris vào sáng sớm 17/3.

Trong lĩnh vực năng lượng, làn sóng đình công đã xảy ra tại một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của đất nước và được lên kế hoạch kéo dài đến ngày 20/3, một đại diện của Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT) cho biết.

Công nhân đã đình công liên tục tại địa điểm phía bắc của TotalEnergies de Normandie. Việc ngừng sản xuất sẽ gây thiệt hại lớn cho các hoạt động công nghiệp và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu.

Cuộc đình công của những người thu gom rác ở Paris cũng tiếp tục diễn ra khi hàng nghìn tấn rác thải chất đống trên các đường phố khắp thủ đô. Một số công đoàn giáo viên đề nghị các giám sát viên cũng đình công vào đầu tuần tới khi học sinh trung học bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đã cảnh báo chống lại cái mà ông gọi là sự hỗn loạn của các cuộc biểu tình đường phố ngẫu nhiên, tự phát.

"Phe đối lập là hợp pháp, các cuộc biểu tình là hợp pháp, nhưng hành động bạo loạn đốt phá thì không hợp pháp", Bộ trưởng Darmanin nói thêm.

Ông thừa nhận đang đối phó với "các cuộc biểu tình rất khó khăn" và cho biết thực tế là hình nộm của các quan chức đã bị đốt cháy trong một cuộc biểu tình ở Dijon.

"Các cuộc biểu tình ở các thành phố từ Rennes đến Marseille, 310 người đã bị bắt trong đêm, trong đó có 258 người ở Paris", Bộ trưởng Darmanin nói với Đài phát thanh RTL.

(Nguồn: Dân Trí)

Phe đối lập muốn bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ Pháp

Phe đối lập Pháp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Pháp, sau khi Tổng thống Macron vượt quyền quốc hội thông qua luật tăng tuổi hưu.

LIOT, nhóm nghị sĩ độc lập và trung dung tại Hạ viện Pháp, ngày 17/3 trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne. Kiến nghị của LIOT được 91 nghị sĩ từ các đảng phái đối lập khác đồng ký tên.

"Việc này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hiện tại", Bertrand Pancher, lãnh đạo LIOT, cho biết.

Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Macron ngày 16/3 họp nội các và dùng quyền lực đặc biệt theo hiến pháp để phê chuẩn luật cải cách hưu trí mà không thông qua quốc hội, làm dấy lên các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố.

Đảng đối lập cực hữu National Rally (NR), với 88 nghị sĩ tại Hạ viện, là bên tiếp theo nộp kiến nghị, cho rằng đạo luật cải cách hưu trí là "bất công và không cần thiết". Kiến nghị của NR dự kiến nhận được ít sự ủng hộ hơn.

Nghị sĩ NR Laure Lavalette nói đảng này sẽ ủng hộ tất cả kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm được trình lên quốc hội. "Điều quan trọng là xóa bỏ dự luật bất công này", bà cho biết.

Hạ viện Pháp dự kiến bỏ phiếu về các kiến nghị vào ngày 20/3. Kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm cần nhận được 289 phiếu ủng hộ trên tổng số 577 ghế Hạ viện để được thông qua. Trong trường hợp này, Thủ tướng Borne sẽ phải nộp đơn từ chức cho ông Macron. Ông chủ Điện Elysee sau đó có thể bổ nhiệm tân thủ tướng hoặc tổ chức bầu cử.

Nếu kiến nghị không có đủ số phiếu cần thiết, dự luật cải cách hưu trí sẽ được coi là đã thông qua và trở thành luật.

Dự luật quy định nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng, với nhiều cuộc biểu tình, đình công đã xảy ra từ tháng 1.

Dự luật nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện, nhưng vấp phải phản đối của nhiều nghị sĩ ở Hạ viện. Tổng thống Macron từng thúc đẩy dự luật trong nhiệm kỳ đầu tiên nhưng không thành công. Ông nêu lại vấn đề khi tái tranh cử hồi tháng 4/2022, nhưng liên minh cầm quyền của ông mất thế đa số tại Hạ viện vào tháng 6 cùng năm.

Theo ông chủ Điện Elysee, cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Pháp bùng phát thành bạo loạn và đốt phá, khiến đường phố tan hoang. Lực lượng an ninh đã bắt 310 người, trong đó có 258 người ở thủ đô Paris.

Soumaya Gentet, 51 tuổi, nhân viên một chuỗi siêu thị ở Paris, nói bà rất tức giận và sẽ biểu tình cho đến khi dự luật được thu hồi. "Họ không nghĩ đến những gì người dân muốn", bà Gentet cho biết.

"Ông Macron không quan tâm, không hiểu người dân. Dự luật cần phải được thu hồi", Lamia Kerrouzi, đồng nghiệp của Gentet, nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Anh tìm mua vũ khí mới sau khi chuyển hết pháo tự hành AS90 cho Ukraine

Quân đội Anh quyết định bổ sung sức mạnh lực lượng pháo binh của nước này bằng pháo tự hành Archer của Thụy Điển, để thay những hệ thống AS90 hiện có.

Quân đội Anh đã quyết định thay thế các tổ hợp pháo tự hành AS90 mà trước đó nước này cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine, bằng các khẩu pháo tự hành Archer của Thụy Điển, thông tin được truyền thông trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết.

Cũng theo nguồn tin này Anh và Thụy Điển đang có kế hoạch ký một thỏa thuận trong tương lai gần cho việc cung cấp 6 đến 8 hệ thống pháo tự hành 155 mm Archer. Số lượng pháo này không đủ để bù đắp cho số pháo tự hành thiếu hụt, nhưng sẽ cho phép người Anh chuyển các hệ thống AS90 cho Ukraine.

Các khẩu pháo của Thụy Điển sẽ cung cấp cho lực lượng pháo binh Anh có thêm nhiều sự lựa chọn, tức cho phép họ rút một số lượng pháo tự hành AS90 hiện có trong biên chế để chuyển giao cho Ukraine.

Pháo tự hành FH77 BW L52 Archer được phát triển từ mẫu lựu pháo kéo FH77 155 mm tích hợp trên khung gầm xe tải Volvo A30D. Tuy nhiên, người Anh sẽ nhận được lựu pháo trên một khung gầm khác, nhiều khả năng là xe đặc chủng Rheinmetall MAN HX-series 8x8.

Một nguyên mẫu của Archer với khung gầm Rheinmetall MAN cũng từng được chế tạo trước đó.

Pháo tự hành Archer có tầm bắn với đạn thông thường là 40 km, khi sử dụng đạn M982 Excalibur độ chính xác cao thì tầm bắn lên tới 60 km. Tốc độ bắn là 8 phát mỗi phút. Pháo còn được trang bị thêm modul chiến đấu điều khiển từ xa được tích hợp sẵn trên xe.

Tốc độ tối đa của hệ thống khi di chuyển trên đường cao tốc lên tới 70 km/h, kíp pháo thủ từ 3-4 người. Thời gian triển khai chiến đấu và cơ động khỏi trận địa là khoảng 30 giây.

Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng đang chờ chuyển giao pháo tự hành Archer. Trước đó Chính phủ Thụy Điển cũng đã cam kết với Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đưa pháo tự hành Archer vào gói viện trợ quân sự, nhưng vẫn chưa rõ là vào thời điểm nào và số lượng bao nhiêu.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang