EU: Đối phó với BĐKH; Kẹt giữa '2 làn đạn'; Tranh cãi việc gửi quân, viện trợ 'khủng' cho Ukraine; Điểm bất lành cho BĐN

CHÂU ÂU ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: CẦN HÀNH ĐỘNG QUYẾT ĐOÁN

Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới và các rủi ro về khí hậu đang đe dọa an ninh năng lượng, lương thực, hệ sinh thái, sức khỏe người dân... Đánh giá do Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa công bố cho thấy, nhiều rủi ro đã ở mức nghiêm trọng và có thể trở thành thảm họa nếu không hành động khẩn cấp và quyết đoán.

Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt như những năm gần đây sẽ còn trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu. EEA đã công bố báo cáo đầu tiên mang tên “Đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA)” để giúp xác định các ưu tiên chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Theo đánh giá, các chính sách và hành động thích ứng của châu Âu chưa theo kịp tốc độ rủi ro đang gia tăng nhanh chóng.

Trong nhiều trường hợp, việc thích ứng dần dần sẽ không đủ và nhiều biện pháp nhằm cải thiện khả năng phục hồi khí hậu đòi hỏi thời gian dài nên phải có hành động khẩn cấp. Một số khu vực ở châu Âu đã trở thành điểm nóng về rủi ro khí hậu. Trong đó, Nam Âu có nguy cơ cháy rừng cao, đang đối mặt với tác động của tình trạng khan hiếm nhiệt và nước đối với sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người... Trong khi lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn đe dọa các vùng ven biển trũng thấp của Lục địa già, nơi có nhiều thành phố đông dân cư.

“Nhiệt độ cực cao, hiện tượng tương đối hiếm gặp, đang trở nên thường xuyên hơn trong khi lượng mưa đang thay đổi. Các trận mưa như trút nước, cực đoan đang ngày càng nghiêm trọng và những năm gần đây châu Âu đã chứng kiến lũ lụt thảm khốc ở nhiều khu vực khác nhau”, EEA cảnh báo. Giám đốc điều hành EEA Leena Yla-Mononen lưu ý, 2023 là “năm ấm nhất” trong suốt 100.000 năm qua. Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục đã được ghi nhận kể từ tháng 6-2023 và “đây là điều bình thường mới”.

Trên thực tế, năm ngoái Lục địa già đã trải qua một mùa hè khắc nghiệt. Các quốc gia châu Âu phải vật lộn để đối phó với hậu quả của nhiệt độ thiêu đốt, cháy rừng dữ dội và lũ lụt tàn khốc. Lính cứu hỏa Hy Lạp phải chiến đấu vất vả để ngăn chặn những đám cháy phá hủy nhiều ngôi nhà gần thủ đô Athens. Nhà sản xuất điện EDF của Pháp phải cắt giảm sản lượng điện hạt nhân do nắng nóng quá mức...

Trong khi đó, Na Uy luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về mưa ở khu vực phía Nam đất nước. Chắc chắn, tình trạng khẩn cấp về khí hậu - nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến thời tiết khắc nghiệt và tác động của nó trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.

Theo EEA, các vấn đề liên quan đến khí hậu đã gây ra 85.000 đến 145.000 ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Chỉ riêng năm 2022, các đợt nắng nóng cực độ khiến hơn 60.000 người thiệt mạng trên lục địa này. Năm 2021, lũ lụt chưa từng có quét qua Bỉ, Đức và Hà Lan, gây thiệt hại 44 tỷ euro (48 tỷ USD). Cùng năm đó, Italia chứng kiến khoảng 60.700ha rừng bị thiêu rụi trong các vụ cháy nghiêm trọng. Năm 2023, lũ quét ở Slovenia gây thiệt hại ước tính hơn 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tổng thiệt hại kinh tế do các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu ở các nước Liên minh châu Âu (EU) đã vượt quá 650 tỷ euro (711 tỷ USD) từ năm 1980 đến năm 2022.

Thêm nữa, thời gian cố gắng ngăn chặn biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải và các nỗ lực khác dường như đã kết thúc, mặc dù vẫn cần thiết để tránh làm tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Tất cả các tác động đang diễn ra và rủi ro trong tương lai đều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản và lĩnh vực bảo hiểm.

Theo EEA, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu phải là “một trong những ưu tiên hàng đầu” đối với nhiệm kỳ tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách EU. Nhiều chuyên gia về khí hậu nhận định, các quốc gia thành viên EU đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiểu rõ những rủi ro khí hậu và chuẩn bị ứng phó với chúng.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị của xã hội là chưa đủ vì việc thực thi chính sách đang tụt hậu so với mức độ rủi ro gia tăng nhanh chóng. Để giảm thiểu rủi ro khí hậu ở châu Âu, EEA nhấn mạnh rằng, các quốc gia thành viên EU cần hợp tác với sự tham gia của cấp khu vực và địa phương khi có hành động khẩn cấp.

NGÂN HÀNG CHÂU ÂU KẸT GIỮA “HAI LÀN ĐẠN” TRONG CUỘC CHIẾN TRỪNG PHẠT

Ở bên kia chiến tuyến, Moscow cũng áp đặt những hạn chế ngày càng khắt khe đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Nga.

Nhà Trắng đang thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng cuối cùng còn lại của châu Âu vẫn làm ăn với Nga khi xung đột quân sự ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3.

Gần đây, một lần nữa, Raiffeisen Bank International (RBI) – ngân hàng và nhà cho vay dựa trên tài sản lớn thứ hai của Áo trên khắp Trung và Đông Âu, và là ngân hàng phương Tây lớn nhất vẫn hoạt động tại “xứ sở Bạch dương” – lại bị Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo.

Raiffeisenbank, công ty con của RBI tại Nga, cho biết họ đã giảm đáng kể các hoạt động ở nước này kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine 2 năm trước, và đang làm tất cả những gì có thể để tìm lối thoát, nhưng chiến lược rút lui mà họ lựa chọn chứa đầy rủi ro.

Đối tượng bị cảnh báo

Trước xung đột, Raiffeisenbank là một trong những ngân hàng quan trọng nhất có trụ sở tại EU hoạt động tại thị trường Nga.

Bối cảnh đã thay đổi đáng kể, được đánh dấu bằng sự bùng nổ xung đột ở Ukraine và việc Mỹ, EU và Anh tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Các biện pháp trừng phạt này đã tạo thêm nhiều lớp phức tạp cho hoạt động kinh doanh ở Nga của ngân hàng Áo.

Kể từ khi xung đột bùng phát, Raiffeisenbank cho biết họ đã giảm đáng kể các hoạt động ở Nga, ví dụ như ngừng nhận các hoạt động kinh doanh mới, giảm hơn một nửa các khoản cho vay và ngừng các hoạt động ngân hàng đại lý, thu hẹp đáng kể vòng tròn đối tác làm ăn ở đó. Thu nhập hoa hồng – các khoản phí mà ngân hàng tạo ra thông qua hoạt động kinh doanh hàng ngày – đã giảm 43% vào năm ngoái.

Cựu Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg, người hiện đang giữ chức Ngoại trưởng của quốc gia vùng Alps, đã công khai bảo vệ ngân hàng này, cho rằng Raiffeisenbank không nên bị giám sát quá mức, vì ngân hàng này hoạt động tương tự như nhiều công ty phương Tây vẫn hợp tác kinh doanh với Nga.

Ông Schallenberg lập luận rằng Raiffeisenbank, có mặt tại Nga từ năm 1996, đóng một vai trò nhất định trong việc tài trợ các hoạt động ở nước này cho các quốc gia và công ty phương Tây.

Là một trong số ít các ngân hàng lớn không bị ảnh hưởng bởi các đòn trừng phạt của phương Tây, Raiffeisenbank có thể thực hiện các giao dịch ngoại hối ở Nga mà không bị hạn chế. Dữ liệu chính thức cho thấy ngân hàng này chịu trách nhiệm một phần đáng kể trong tất cả các khoản thanh toán giữa Nga và phần còn lại của thế giới.

Hồi tháng 1 năm ngoái, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu RBI làm rõ hoạt động thanh toán và các quy trình liên quan liên quan đến công ty con ở Nga.

Hồi tháng 3 năm ngoái, RBI công bố ý định thoái vốn Raiffeisenbank hoặc tách hoạt động của công ty này. Tuy nhiên, nhiều tháng tìm kiếm người mua không có kết quả, buộc RBI phải lựa chọn ngừng hoạt động tại Nga để tránh bị buộc ngừng hoạt động hoàn toàn.

Có thông tin cho biết RBI đang xem xét chuyển giao hoạt động kinh doanh cho các cổ đông để duy trì mối quan hệ tài chính giữa Vienna và Moscow, đồng thời bảo vệ danh tiếng của tập đoàn trong bối cảnh xung đột. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là liệu thực thể mới có hoàn toàn độc lập với RBI hay không – yếu tố then chốt quyết định liệu có nên đặt ngân hàng này dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Áo hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay không.

Lối thoát đầy rủi ro

Nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng cuối cùng còn lại của châu Âu vẫn đang làm ăn với Nga, Nhà Trắng đã phái quan chức chuyên trách tới Vienna để làm việc với các quan chức Áo và đại diện của RBI.

Tại cuộc gặp hôm 8/3 tại Vienna, bà Anna Morris, Phó trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề toàn cầu, đã giải thích nguy cơ ngân hàng này bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ nếu họ không giữ khoảng cách rõ ràng hơn với Nga. Thông tin chi tiết về cuộc gặp chưa được công bố ngay lập tức, trong khi RBI cũng như Bộ Tài chính Mỹ đều từ chối bình luận.

Mỹ vẫn đang tận dụng sự thống trị của mình trong hệ thống tài chính quốc tế để phát huy đòn bẩy chính trị bên ngoài biên giới đất nước. Đối với bất kỳ ngân hàng phương Tây nào, việc bị loại khỏi hệ thống đồng USD chắc chắn sẽ là một “thảm họa”.

Ở bên kia chiến tuyến, những hạn chế ngày càng khắt khe của Moscow đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Nga có nghĩa là cho đến nay tất cả thu nhập của RBI đều bị kẹt lại ở nước này chứ không thể chuyển về Áo.

Giữa “hai làn đạn”, ngân hàng Áo đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc thu hẹp quy mô hoạt động của mình. Họ khẳng định bản thân có rất ít lựa chọn khả thi để làm điều đó mà không gây tổn hại không cần thiết cho các cổ đông của mình.

Chiến lược rút lui mà họ lựa chọn cũng chứa đầy rủi ro. Hồi tháng 12 năm ngoái, RBI cho biết họ đã ký kết một thỏa thuận hoán đổi tài sản phức tạp với nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska, người vốn nằm trong danh sách trừng phạt của cả Mỹ và EU.

Theo thỏa thuận, RBI dự định hoán đổi cổ phần của mình trong hoạt động ở Nga lấy 27,8% cổ phần trong Strabag SE, một tập đoàn xây dựng có trụ sở tại Áo tập trung vào thị trường Trung và Đông Âu.

Cơ chế chính xác của vụ hoán đổi trên vẫn chưa rõ ràng, nhưng RBI tính toán rằng chi nhánh ở Nga của tập đoàn sẽ chuyển nhượng cổ phần dưới dạng cổ tức bằng hiện vật cho công ty mẹ ở Áo. Họ sẽ thu được khoảng 1,5 tỷ Euro từ các hoạt động ở Nga nếu thỏa thuận diễn ra theo đúng kế hoạch.

Vấn đề là cổ phần ở Strabag cho đến gần đây vẫn thuộc sở hữu của ông trùm kim loại Deripaska. Ông Deripaska sở hữu cổ phần thông qua một công ty mẹ có tên Rasperia; cùng ngày Strabag công bố dự định hoán đổi cổ phần, họ cũng thông báo rằng Rasperia đã được tiếp quản bởi một công ty mẹ khác đăng ký ở Moscow, là AO Iliadis.

Nhìn bề ngoài, sự thay đổi quyền sở hữu đó đã loại bỏ trở ngại cho việc hoán đổi. Nhưng Iliadis chỉ mới được thành lập cách đây 7 tháng và người hưởng lợi cuối cùng của nó vẫn chưa rõ ràng. Do đó, việc hoán đổi – dự kiến hoàn thành vào cuối tháng này – vẫn đang chờ xử lý.

“RBI sẽ chỉ thực hiện thương vụ Strabag khi chắc chắn rằng những người đứng sau Iliadis không bị trừng phạt”, một phát ngôn viên của ngân hàng Áo nói với Politico EU hôm 8/3. “Để đạt được mục tiêu này, họ đang tiến hành một quy trình tuân thủ toàn diện”

EU TRANH CÃI VỀ VIỆC GỬI QUÂN TỚI UKRAINE

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/3 công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Trong khi, Liên minh châu Âu cũng rục rịch với ý tưởng đưa binh sĩ tới Ukraine để hỗ trợ quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, ý tưởng có phần mạo hiểm đang gây những tranh cãi giữa các thành viên trong khối.

Ý tưởng đưa binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine lần đầu tiên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trong một cuộc họp của lãnh đạo các nước EU hồi cuối tháng 2 vừa qua.

“Tôi chưa bao giờ nói rằng Pháp không ủng hộ việc gửi quân tới Ukraine. Tôi sẽ không giải tỏa sự mơ hồ của cuộc tranh luận bằng cách nêu tên người đó ra đây, tôi đã nói rằng đây có thể được xem như một phần của các lựa chọn. Chúng ta không nên loại trừ bất cứ điều gì để theo đuổi mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ Ukraine”, ông Macron nói.

Kịch bản ban đầu được xem là mơ hồ theo cách khẳng định của nhà lãnh đạo Pháp, giờ lại đang trở thành chủ đề nghiêm túc tại châu Âu cũng như các thành viên NATO. Từ chỗ đơn độc và có phần táo bạo khi đưa ra đề xuất, ông Macron dường như đang tìm thấy tiếng nói chung với một số nước về vấn đề này.

Trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne mới đây, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã nhấn mạnh rằng, Litva đồng ý thảo luận về khả năng đưa binh sĩ của NATO tới Ukraine. Ngoại trưởng Litva cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine mọi điều mà quốc gia Đông Âu này cần.

Theo giới phân tích, Pháp đang xây dựng một liên minh với các nước cởi mở, trong đó có khu vực Baltic với phương án đưa binh sĩ NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn vấp phải sự phản đối của không ít quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và NATO.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhấn mạnh: “Bạn có thể gửi tất cả vũ khí trên thế giới đến Ukraine. Bạn có thể gửi rất nhiều tiền đến đó. Bạn cũng có thể gửi rất nhiều sự trợ giúp về mặt hậu cần. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi: cuộc chiến này không có giải pháp quân sự và sẽ không bao giờ”.

Không chỉ các nước thành viên Liên minh châu Âu, ngay cả Mỹ đến nay vẫn không ủng hộ ý tưởng này của Pháp.

Trong một tuyên bố mới đây, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder khẳng định, thế giới cần nhiều nỗ lực quốc tế để đảm bảo Ukraine nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất song Mỹ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Trong một diễn biến có liên quan, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá 300 triệu USD, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác.

Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tiếng cảnh báo, nếu quân đội Mỹ và đồng minh xuất hiện ở Ukraine, Nga sẽ coi đây là những người can thiệp và sẽ có phản ứng thích đáng. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nước này không cần sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, nhưng sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này trong trường hợp nhà nước Nga bị đe dọa.

MỸ, CHÂU ÂU GỬI VIỆN TRỢ QUÂN SỰ "KHỦNG" CHO UKRAINE

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 12-3 tuyên bố sẽ gửi gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

Đây là động thái đầu tiên của chính phủ Mỹ trong nhiều tháng, khi nguồn tài trợ bổ sung cho Kiev vẫn bị các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội ngăn chặn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay khoản viện trợ này đến từ khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến từ các hợp đồng của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng mua các loại đạn pháo và đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Ông Sullivan cho hay số đạn này cho phép Ukraine sử dụng được trong một thời gian, có thể trong vài tuần.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho rằng gói viện trợ này bao gồm tên lửa phòng không và đạn pháo. Ông nói thêm việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua hợp đồng tiết kiệm của Lầu Năm Góc có thể chỉ diễn ra lần này và không phải là cách tài trợ bền vững cho Kiev.

Các quan chức Mỹ cũng đã xem xét các phương án tịch thu khoảng 285 tỉ USD tài sản của Nga bị đóng băng vào năm 2022 và sử dụng số tiền này để thanh toán vũ khí của Ukraine. Thông báo trên được đưa ra khi Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 12-3 để bàn về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được thỏa thuận về quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine, mở đường cho khoản viện trợ 5 tỉ euro. Các nhà ngoại giao cho biết nếu không có bất kỳ trục trặc nào vào phút cuối, thỏa thuận này sẽ được các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận tại cuộc họp ở Brussels trong ngày 13-3.

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss cho biết Đức ủng hộ thỏa hiệp. Ông nói: "Đó là một giải pháp tốt cho Ukraine vì nó cho phép cung cấp viện trợ quân sự song phương, tránh sự chậm trễ quan liêu, như một phần trong nỗ lực của châu Âu".

ĐIỀM BẤT LÀNH KHÔNG CHỈ CHO BỒ ĐÀO NHA

Điều đáng được chú ý đến hơn cả ở cuộc bầu cử quốc hội Bồ Đào Nha trước thời hạn vừa qua không phải là phe cầm quyền đến nay bị mất quyền mà là việc phe cánh cực hữu, dân túy đã thắng lớn.

Ở lần bầu cử này, đảng cánh hữu Chega giành được 18% số phiếu bầu, trở thành đảng phái chính trị lớn thứ 3 trong quốc hội mới. Đảng Chega chỉ mới được thành lập hồi năm 2019, là một đảng dân túy cực hữu. Ở cuộc bầu cử năm 2022, đảng này chỉ giành được 7% số phiếu bầu.

Kết quả bầu cử lần này rất đáng được chú ý vì 2 lý do. Thứ nhất, Bồ Đào Nha từ nhiều năm nay rồi được coi là thành lũy vững chắc trong cuộc đối phó sự trỗi dậy của các lực lượng cánh hữu, cực hữu cực đoan, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Bồ Đào Nha là điểm sáng gần như duy nhất còn lại trong bức tranh toàn gam màu tối về châu Âu trên phương diện vừa nêu. Bây giờ, thành lũy cuối cùng này xem ra đã bị thất thủ.

Thứ hai, không bao lâu nữa, châu Âu có sự kiện chính trị lớn nhất trong năm nay là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Cuộc bầu cử này có tầm quan trọng đặc biệt đối với tương lai của EU và châu Âu bởi EU và châu Âu hiện đối mặt rất nhiều thách thức, mà giải quyết được hay không tùy thuộc vào cục diện quyền lực trong Nghị viện châu Âu mới. Nếu phe cánh hữu, cực hữu cực đoan, dân túy và dân tộc chủ nghĩa gia tăng thêm đáng kể thế và lực trong Nghị viện châu Âu mới, thì EU và châu Âu chỉ thêm bất an và bất ổn về đối nội, không thể giải quyết được tất cả những vấn đề trên.

Bởi thế, kết quả cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vừa qua ở Bồ Đào Nha vừa qua là điềm bất lành đối với Bồ Đào Nha và châu Âu, đối với EU và Nghị viện châu Âu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới và cả trong tương lai.

Nguồn: Hà Nội Mới; Người Đưa Tin; VOV; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang