EU: Đi vào vết xe đổ; Ba Lan rung chuyển; Đình công khắp Hy Lạp; Triệu người Pháp biểu tình; Đức vẫn mua dầu Nga

Đi vào vết xe đổ

(Ảnh minh họa).

Cuối tháng 2, ít nhất 67 người chết đuối sau khi một chiếc thuyền chở người tị nạn bị đắm ở vùng biển động ngoài khơi bờ biển phía Đông Italy.

Trong số những người thiệt mạng có 20 trẻ em, trong đó có một trẻ sơ sinh.

Trong những năm qua, Italy đã trở thành điểm đến hàng đầu của những người di cư muốn tìm đường vào châu Âu. Tuy nhiên, tuyến đường thủy từ Tunisia sang Italy ở Địa Trung Hải được xem là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Bất chấp cảnh báo trên, hàng nghìn người di cư vẫn tìm cách vượt biển vào châu Âu thông qua con đường này.

Sự kiện cuối tháng 2 vừa qua là một lời cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra với người tị nạn khi chạy trốn khỏi quê hương trước khi họ có thể chạm đến châu Âu như mong ước. Tuy nhiên, sau sự kiện này, dòng người tị nạn đổ vào châu Âu dự kiến vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu suy giảm.

Tình trạng người di cư bất hợp pháp đã bùng nổ ở các quốc gia châu Âu trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn để đối phó với số lượng người nhập cư khổng lồ từ xung đột Nga - Ukraine. Trong thời gian dài, đây vẫn là thách thức hiện hữu mà châu Âu chưa thể giải quyết được.

Đứng trước vấn đề trên, Thủ tướng Italy Georgia Meloni nhấn mạnh: “Những quy định hiện hành về tình trạng di cư đang đặt trách nhiệm nặng nề lên những nước mà người di cư đặt chân đến đầu tiên tại châu Âu như Italy, Hy Lạp.

Italy sẽ không thể tự giải quyết vấn đề trên nên Liên minh châu Âu (EU) cần can thiệp, bắt đầu từ việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài”.

Tuy nhiên, thay vì là thực thể thống nhất, EU là một liên minh của nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia có chương trình nghị sự và quan điểm riêng về vấn đề người di cư. Do đó, khi tình trạng di cư đạt đến một mức độ nghiêm trọng nhất định, mỗi bên thường sẽ phản ứng theo cách khác nhau.

Còn nhớ trong cuộc khủng hoảng năm 2015, Hungary đã dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn người di cư. Đức thiết lập chính sách mở cửa nhưng chính điều này đã khiến tình trạng di cư trầm trọng hơn vì khuyến khích các quốc gia đơn phương hành động. Những lo ngại về khủng hoảng di cư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020.

Năm 2016, EU đã thống nhất đi đến thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó, EU sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế, đổi lấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào EU.

Nhưng ngay cả khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đến thỏa thuận, đây vẫn không phải là giải pháp lâu dài. Trong quá trình thực thi các điều khoản trong thỏa thuận, hai bên đã nảy sinh nhiều bất đồng. Nhiều quốc gia EU thay vì tham gia vào kế hoạch đã tiến hành thảo luận tìm giải pháp mới trong trường hợp thỏa thuận đổ vỡ.

Một lần hiếm hoi khác EU thể hiện hành động thống nhất là liên quan đến tình trạng người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, điều tương tự đã không diễn ra với các cuộc di cư của người tị nạn từ các quốc gia khác.

Di cư hàng loạt và những thách thức mà tình trạng trên diễn ra nằm ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia châu Âu đơn lẻ mà cần sự thống nhất và hành động đoàn kết của cả liên minh. Thế nhưng, các chính trị gia EU đang phớt lờ những bài học trong quá khứ và đi vào “vết xe đổ” của năm 2015.

(Nguồn: Soha)

Cái chết của Mikolaj Filiks gây rung chuyển Ba Lan

Đảng cầm quyền Ba Lan đang bị chỉ trích sau khi cậu con trai 15 tuổi của nghị sĩ đối lập, từng bị tội phạm ấu dâm lạm dụng, đã tự sát sau một bản tin cho phép lần ra danh tính.

Đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan đã bị chỉ trích sau cái chết của Mikolaj Filiks, cậu con trai 15 tuổi của nghị sĩ đối lập, Guardian đưa tin hôm 7/3.

Hạ viện Ba Lan đã đứng mặc niệm một phút hôm 7/3 trong tang lễ của Mikolaj Filiks.

Mẹ thiếu niên tự sát, Magdalena Filiks, một nghị sĩ từ đảng đối lập chính của Ba Lan - đảng Nền tảng dân sự (PO) - tuần trước cho biết Mikolaj Filiks qua đời vào tháng 2.

Thiếu niên này đã tự kết liễu đời mình vài tuần sau khi Đài Szczecin, một đài phát thanh công cộng nằm trong hệ thống truyền thông công cộng do đảng PiS cầm quyền kiểm soát chặt chẽ, đăng một câu chuyện về một “vụ bê bối ấu dâm” bị cáo buộc trong hàng ngũ của đảng đối lập PO, theo Politico.

Tin tức tiết lộ chi tiết về các nạn nhân, khiến Filiks dễ dàng bị xác định danh tính công khai.

Trong tin tức vào tháng 12/2022, đài đã tiết lộ tuổi của những đứa trẻ vị thành niên và trong đó có con của một nghị sĩ địa phương.

Đài Szczecin đưa tin thêm người đàn ông bị kết án là cựu thành viên của đảng Nền tảng dân sự và ứng viên bầu cử, đồng thời là nhà hoạt động LGBT.

Câu chuyện, được các phương tiện truyền thông nhà nước khác đưa tin rộng rãi, đã gây náo động ở Ba Lan. Một số người ủng hộ phe đối lập cáo buộc rằng đảng PiS bảo thủ đã dàn dựng nó vì lợi ích chính trị nên ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của cậu bé.

Lãnh đạo của đảng Nền tảng dân sự, đồng thời là cựu thủ tướng Ba Lan và chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk đã đăng trên Twitter cam kết “bắt PiS phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi xấu xa, mọi tổn hại và bi kịch mà họ đã gây ra khi nắm quyền”.

Szymon Hołownia, lãnh đạo đảng đối lập Ba Lan 2050, cho biết "không có lời nào ngày hôm nay có thể mang lại niềm an ủi".

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, thời điểm trừng phạt những kẻ có lời nói dẫn đến cái chết sẽ đến”.

Các công tố viên đang điều tra cái chết của Mikolaj Filiks. Trong khi đó, Hội đồng Phát thanh Truyền hình Quốc gia Ba Lan đã mở một cuộc điều tra nhằm xác định liệu đài Szczecin có phát sóng nội dung “cho phép xác định nạn nhân là trẻ em, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến phúc lợi của các em hay không”.

(Nguồn: Zing News)

Đình công, biểu tình khắp Hy Lạp sau thảm kịch tàu hỏa đối đầu

(Ảnh minh họa).

Hy Lạp tiếp tục đối mặt loạt cuộc đình công và biểu tình khắp cả nước sau thảm kịch tàu hỏa đâm trực diện khiến ít nhất 57 người chết.

Hàng nghìn người Hy Lạp hôm nay lên kế hoạch đình công để bày tỏ thái độ giận dữ với vụ tàu khách đâm trực diện tàu hàng cuối tháng trước. Cuộc đình công dự kiến có sự tham gia của người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể sẽ gây cản trở những dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe điện và xe buýt.

"Chúng tôi sẽ buộc ngành đường sắt phải an toàn hơn để không còn ai gặp tai nạn bi thảm như sự việc ở Tempi. Chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm với đồng bào và các đồng nghiệp đã thiệt mạng trong vụ tai nạn", công đoàn đường sắt Hy Lạp tuyên bố.

ADEY, công đoàn đại diện cho hàng trăm nghìn lao động khu vực công, cũng kêu gọi đình công một ngày và biểu tình phản đối "tội ác giết người". Các nhóm giáo viên và học sinh cũng thông báo sẽ tham gia tuần hành.

Loạt cuộc biểu tình dự kiến diễn ra rầm rộ nhất bên ngoài tòa nhà quốc hội Hy Lạp ở thủ đô Athens. Cuối tuần trước, Athens ghi nhận hơn 10.000 người tuần hành trên khắp thành phố, với hàng trăm quả bóng bay màu đen được thả lên trời để tưởng niệm các nạn nhân.

Đoàn tàu chở 350 khách từ Athens tới thành phố Thessaloniki, miền bắc Hy Lạp, tối 28/2 đâm vào tàu chở hàng khi vừa ra khỏi đường hầm ở Larissa, miền trung nước này. Cú đâm trực diện khiến ít nhất 57 người chết, đa số là sinh viên.

Giám đốc nhà ga thành phố Larissa, nơi xảy ra vụ tai nạn, phải đối mặt với cáo buộc giết người do sơ suất và đã thừa nhận một số trách nhiệm.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, đang bị chỉ trích sau thảm kịch tàu hỏa, đã xin người dân tha thứ và cam kết giải quyết sự việc tới cùng. Bộ trưởng Giao thông Hy Lạp Kostas Karamanlis cũng đã tuyên bố từ chức.

(Nguồn: Vnexpress)

Hàng triệu người biểu tình chống cải cách hưu trí ở Pháp

Mặc dù vẫn còn những tranh cãi giữa các công đoàn và cảnh sát Pháp về số lượng chính xác những người biểu tình đã xuống đường phản đối dự luật cải cách hưu trí trong ngày 7/3 trên toàn nước Pháp nhưng các con số hai bên đưa ra đều khẳng định đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Pháp trong gần 30 năm qua.

Theo số liệu được Bộ Nội vụ Pháp đưa ra tối ngày 7/3, đã có tổng cộng 1,28 triệu người Pháp tham gia vào đợt xuống đường thứ 6 trên toàn nước Pháp nhằm biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp. Riêng tại thủ đô Paris, số người biểu tình theo thống kê của cảnh sát Pháp là 81 ngàn người. Tuy nhiên, các số liệu được Tổng Công đoàn lao động Pháp – CGT đưa ra lớn hơn rất nhiều. Theo CGT, gần 3,5 triệu người đã biểu tình tại hơn 300 địa điểm trên toàn nước Pháp và riêng tại thủ đô Paris là gần 700.000 người.

Giới phân tích tại Pháp nhận định, việc nhà chức trách và các công đoàn luôn đưa ra các con số sai lệch nhau rất nhiều là điều thường thấy trong mọi cuộc biểu tình tại Pháp, nhưng trong cuộc xuống đường ngày 7/3, bất chấp số liệu ra sao thì đây cũng là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Pháp từ năm 1995 đến nay, và con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều số liệu do Bộ Nội vụ Pháp công bố. Chỉ riêng con số 1,28 triệu người xuống đường theo Bộ Nội vụ Pháp cũng đã khiến cuộc tổng đình công, biểu tình ngày 7/3 phá vỡ kỷ lục 1,27 triệu người tham gia trong cuộc biểu tình hôm 31/1/2023.

Ngoài tâm điểm là thủ đô Paris, cuộc biểu tình ngày 7/3 cũng ghi nhận số lượng người tham gia kỷ lục ở nhiều thành phố khác trên khắp nước Pháp, đặc biệt là tại một số thành phố nhỏ, nơi số người xuống đường biểu tình ở một số thành phố chiếm đến 50% dân số. Ngoài việc tham gia đông đảo, thái độ của người biểu tình tại một số nơi cũng trở nên cực đoan hơn. Nhiều vụ đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa người biểu tình quá khích với cảnh sát ở một số thành phố như Nantes, Saint-Denis và đặc biệt xung quanh Quảng trường Italy ở quận 13 thủ đô Paris, buộc cảnh sát Pháp phải dùng hơi cay can thiệp.

Về lĩnh vực nghề nghiệp, cuộc tổng đình công và biểu tình ngày 7/3 cũng ghi nhận tỷ lệ người lao động bãi công tăng cao trong một số lĩnh vực, như tại Tổng Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) là 39%, tại Tổng Công ty điện lực Pháp (EDF) là trên 47%. Theo Bộ Giáo dục Pháp, cũng đã có trên 35% giáo viên cấp tiểu học và trên 30% giáo viên trung học đình công ngày 7/3. Ngay trong tối ngày 7/3, các công đoàn Pháp đã họp và ra quyết định kêu gọi một đợt xuống đường mới ngày thứ Bảy cuối tuần này, 11/3 và tiếp đến là một cuộc tổng đình công-biểu tình quy mô lớn vào 15/3.

Đánh giá cuộc xuống đường ngày 7/3 là một thành công lớn, Tổng thư ký Tổng Công đoàn lao động Pháp – CGT, ông Philippe Martinez kêu gọi người lao động Pháp trong nhiều lĩnh vực tiếp tục duy trì việc đình công trong những ngày tới, đồng thời cảnh báo tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu chính phủ Pháp không chịu đối thoại.

“Trong tất cả mọi xung đột, ít nhất bao giờ cũng có một dấu hiệu cởi mở để cố gắng đối thoại nhưng hiện nay không có bất cứ ai gọi cho chúng tôi và hỏi xem có thể làm gì, có thể đối thoại ra sao. Không có bất cứ gì. Tôi có cảm tưởng là ở Phủ Tổng thống cũng các Bộ, họ coi như không có bất cứ điều gì đang xảy ra ở đất nước này. Điều này là rất nghiêm trọng”, ông Martinez nói.

(Nguồn: VOV)

Luôn miệng kêu gọi cấm vận, ông lớn châu Âu này vẫn ngày ngày "mở hầu bao" mua nhiên liệu từ Nga - thậm chí lọt top 2 người mua lớn nhất

(Ảnh minh họa).

Chỉ riêng khí đốt tự nhiên đã chiếm hơn 12 tỷ USD trong nhập khẩu của Đức.

Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một năm kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Nga đã kiếm được hơn 315 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trên khắp thế giới, với gần 1 nửa trong số đó (khoảng 149 tỷ USD) đến từ các quốc gia EU.

Không ngạc nhiên khi Trung Quốc là nước mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga kể từ cuộc xung đột. Theo đó, nước này chủ yếu nhập khẩu dầu thô, chiếm hơn 80% lượng nhập khẩu với tổng giá trị hơn 55 tỷ USD.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất của EU - Đức chính là nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ 2 của Nga, chủ yếu nhập khẩu khí đốt tự nhiên với trị giá hơn 12 tỷ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO nhưng không thuộc EU, theo sát Đức với tư cách là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ 3 của Nga kể từ cuộc xung đột. Quốc gia này có khả năng sẽ sớm vượt qua Đức, vì không phải là một phần của EU có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm nhập khẩu Nga của khối được đưa ra trong năm ngoái.

Mặc dù hơn một nửa trong số 20 quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu là từ EU, các quốc gia từ khối này và phần còn lại của châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu do lệnh cấm và trần giá đối với nhập khẩu than, vận chuyển dầu thô bằng đường biển và nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga. đã có hiệu lực.

Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đang giảm

Các lệnh cấm và trần giá của EU đã khiến doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch hàng ngày của Nga giảm gần 85%, từ mức cao nhất vào tháng 3/2022 là 774 triệu USD/ngày xuống còn 119 triệu USD/ngày vào ngày 22/2/2023.

Mặc dù Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trong thời gian này, từ 3 triệu USD/ngày lên 81 triệu USD/ngày vào ngày 22/2/2023, nhưng mức tăng này không gần bù đắp được lỗ hổng 655 triệu USD còn lại do các quốc gia EU giảm nhập khẩu.

Tương tự, ngay cả khi các quốc gia châu Phi đã tăng gấp 2 lượng nhập khẩu nhiên liệu của Nga kể từ tháng 12 năm ngoái, xuất khẩu sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga vẫn giảm 21% kể từ tháng 1, theo S&P Global .

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến doanh thu

Nhìn chung, từ mức cao nhất vào ngày 24/3 với khoảng 1,17 tỷ USD doanh thu hàng ngày, doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm hơn 50% xuống chỉ còn 560 triệu USD/ ngày.

Cùng với việc EU giảm mua hàng, một yếu tố góp phần quan trọng là sự sụt giảm giá dầu thô của Nga, cũng đã giảm gần 50% kể từ cuộc xung đột, từ 99 USD/thùng xuống còn 50 USD/thùng như hiện nay.

Liệu sự suy giảm này sẽ tiếp tục hay không vẫn chưa được xác định. Điều đó nói lên rằng, loạt lệnh trừng phạt thứ 10 của EU, được công bố vào ngày 25/2, cấm nhập khẩu nhựa đường, các vật liệu liên quan như nhựa đường, cao su tổng hợp và muội than ước tính sẽ làm giảm gần 1,4 tỉ USD tổng doanh thu xuất khẩu của Nga.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang