Mỹ: Khó mua nhà; Botox giả hoành hành; Phiên tòa xử Trump; Nỗ lực phế truất Mike Johnson phá sản; Ra tối hậu thư cho Israel

LÃI SUẤT CAO KHIẾN NGƯỜI MỸ KHÓ MUA NHÀ

Lãi suất cao và giá nhà đắt đỏ đang khiến nhiều người thuê tại Mỹ không hy vọng sớm mua được nhà.

Khi lạm phát tăng tốc trở lại vài tháng gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu chưa thể giảm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Việc này khiến lãi vay mua nhà kỳ hạn 30 năm vượt 7,2% sau 5 tuần tăng liên tiếp.

Người Mỹ không kỳ vọng lãi suất này sớm giảm. Đầu tuần này, Fed New York công bố khảo sát mới nhất với người tiêu dùng, cho thấy năm tới họ dự báo lãi suất vay mua nhà lên gần 9%. Trong 3 năm tiếp theo, con số này có thể tiến sát 10%.

Việc này khiến người thuê có ít kỳ vọng hơn vào khả năng mua nhà. Báo cáo của Fed cho thấy số người lạc quan vào khả năng sở hữu nhà trong tương lai xuống thấp kỷ lục.

Giá thuê và mua nhà tại Mỹ đều được dự báo tăng cao trong năm tới. Hãng nghiên cứu Zillow đầu tuần này cho biết giá thuê nhà ở New York - nơi có bất động sản đắt đỏ hơn nhiều so với phần còn lại của nước Mỹ, điều chỉnh gấp 7 lần mức tăng của lương trong năm ngoái.

Dù vậy, tính chung cả nước, lương năm ngoái vẫn tăng nhanh hơn giá thuê.

Thực tế, giá nhà tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng đều từ 2012 đến nay, theo một báo cáo năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Nhà thuộc Đại học Harvard. Trong khi đó, số nhà đơn lẻ (single family home) xây mới lại giảm từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Vì thế, ngay cả khi lãi suất giảm, giá địa ốc vẫn ở mức cao do nguồn cung thấp.

Theo tính toán của WSJ, trước khi Fed nâng lãi vào tháng 3/2022, một người dành ngân sách cho chỗ ở khoảng 2.000 USD một tháng, có thể mua một căn nhà trên 400.000 USD. Hiện tại, với lãi suất quanh 7%, người này chỉ có thể mua căn 295.000 USD trở xuống.

Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Các hãng bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) cho biết quý I, trung bình một căn nhà đơn lẻ tại Mỹ là 389.400 USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà tại hầu hết thành phố lớn ở đây đều tăng trong quý đầu năm.

Thị trường địa ốc Mỹ biến động mạnh từ trong đại dịch. Năm 2021, khi lãi suất tại đây gần 0%, doanh số bán nhà lên tới 6,1 triệu căn - cao nhất từ năm 2006.

Sau đó, khi lạm phát lên cao vào 2022, Fed bắt đầu nâng lãi suất. Hệ quả là mức lãi vay mua nhà kỳ hạn 30 năm chạm 7,79% năm ngoái - cao nhất hai thập kỷ. Đến cuối 2023, doanh số bán nhà chạm đáy 30 năm, theo NAR.

Khảo sát hồi tháng 3 của hãng nghiên cứu thị trường Harris Poll cho thấy phần lớn người Mỹ, cả thuê và mua, đều chần chừ trong các quyết định liên quan đến nhà cửa. Nguyên nhân là môi trường kinh tế hiện không thuận lợi.

Hôm 7/5, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết trên Bloomberg, "trong nền kinh tế, nhà ở vẫn luôn là lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất". Giới phân tích cho rằng việc giảm lãi có thể ngăn lãi suất vay mua nhà tăng cao như hiện tại.

Trên CNN, Aditya Bhave - nhà kinh tế học tại Bank of America nhận định lạm phát có thể đã về mục tiêu nếu Fed nâng lãi suất sớm hơn. Dù vậy, ông cũng thừa nhận "giá nhiều mặt hàng tăng do đứt gãy nguồn cung, khiến Fed không thể can thiệp". Bên cạnh đó, nếu cơ quan này không giữ lãi suất ở mức gần 0% suốt 2 năm, nhiều chủ nhà hiện tại cũng không có cơ hội mua nhà.

Hãng môi giới bất động sản Redfin ước tính chỉ 16% nhà rao bán năm 2023 là trong khả năng chi trả của hộ gia đình. Cách đây 10 năm, tỷ lệ này lên tới 50%.

Người Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trên lý thuyết, sở hữu một căn nhà có thể giúp gây dựng tài sản. Nhưng để có nhà, họ cũng cần tích lũy được số tiền nhất định ban đầu. Trong khảo sát của Harris, có tới 72% người mua cho biết cần có tiền thừa kế, hoặc cho tặng từ người thân, bạn bè nếu muốn mua nhà sớm.

BOTOX GIẢ HOÀNH HÀNH, NHIỀU NGƯỜI NHẬP VIỆN

Ngày 8/5, hãng tin CBS dẫn nguồn giới chức y tế bang California (Mỹ) cảnh báo liên quan đến việc tiêm botox - một phương pháp làm đẹp sử dụng botulinum, có nguồn gốc từ vi khuẩn Clostridium botulinum, để giúp da căng mịn và trẻ trung hơn.

Theo Cơ quan Y tế công cộng bang California, chất botulinum giả đã được tìm thấy ở nhiều bang. Việc tiêm botox giả đã được thực hiện ở những cơ sở không có giấy phép và không đảm bảo an toàn, dẫn đến nhiều trường hợp phải nhập viện với các phản ứng nghiêm trọng.

Tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang điều tra các trường hợp phản ứng liên quan đến việc tiêm botulinum giả hoặc xử lý không đúng cách. Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm bị điều tra là hàng giả, được sử dụng ở những nơi không đạt tiêu chuẩn như tại nhà riêng hoặc các tiệm làm đẹp (spa) hoặc do các cá nhân không có giấy phép hoặc chưa qua đào tạo thực hiện.

Tính đến ngày 23/4, CDC Mỹ đã ghi nhận 22 trường hợp phải nhập viện khi tiêm botox giả trên khắp 11 bang, trong đó có California. Những trường hợp này đều là phụ nữ ở trong độ tuổi từ 25-59 tuổi.

Các triệu chứng của việc tiêm botox giả gần giống với ngộ độc, chẳng hạn như sụp mí mắt, khó nuốt, khô miệng, nói ngọng, khó thở, mệt mỏi và suy nhược toàn thân. Việc nhận biết các triệu chứng trên là rất quan trọng nhằm phát hiện và can thiệp sớm, qua đó giảm thiểu các biến chứng tiềm ẩn và đảm bảo phương pháp điều trị thích hợp.

PHIÊN TÒA DONALD TRUMP: NHIỀU CHI TIẾT NHẠY CẢM ĐƯỢC KỂ LẠI KHIẾN MỌI NGƯỜI ‘ĐỎ MẶT’

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu diễn viên phim người lớn Stormy Daniels đã vướng vào một cuộc chiến công khai liên quan đến cáo buộc quan hệ tình dục và thỏa thuận bịt miệng bằng tiền do người dàn xếp của ông Trump chi trả.

Những căng thẳng cùng các chi tiết nhạy cảm xung quanh đã bùng lên vào hôm 7/5 (giờ New York) khi bà Daniels lần đầu đối mặt ông Trump tại tòa án trong phiên xét xử cựu tổng thống Mỹ.

Cựu ngôi sao phim người lớn mang quần áo đen rộng thùng thình, tóc búi cao, không nhìn ông Donald Trump suốt một ngày, ngoại trừ lúc bà được yêu cầu chỉ ra ông.

Bà dành phần lớn thời gian đứng trên bục để kể lại việc quan hệ tình dục mà bà cho rằng đã thực hiện với ông Trump.

Trong khi đó, vị cựu tổng thống đã lắc đầu và chửi thề khi đối mặt với các bằng chứng của bà Daniels. Theo biên bản của tòa án, hành động này đã khiến thẩm phán đưa ra cảnh cáo với ông.

Cựu tổng thống Mỹ đối mặt với 34 tội danh về việc làm giả hồ sơ kinh doanh. Những tội danh này xuất phát từ cáo buộc rằng ông Trump che giấu khoản thanh toán 130.000 USD (3,3 tỷ đồng) tiền "bịt miệng" mà ông trả cho bà Daniels để giữ im lặng về việc quan hệ tình dục giữa hai người.

Ông Trump đã không nhận tội và phủ nhận việc quan hệ tình dục dù ông thừa nhận rằng vị luật sư cũ của mình, Michael Cohen, đã trả tiền cho bà Daniels để giữ im lặng về những tuyên bố của bà.

Với việc đã nhận tiền của ông Trump, bà Stormy Daniels sẽ phải ra tòa vào một thời điểm khác. Lời khai của bà khiến ngày 7/5 trở thành ngày xét xử kịch tính nhất trong suốt phiên tòa.

Bà đã kể những chi tiết khi hai người gặp nhau khủng khiếp đến mức các luật sư phía ông Trump nhiều lần yêu cầu hoãn phiên tòa. Thẩm phán Juan Merchan thừa nhận "có một số điều lẽ ra không nên nói ra thì tốt hơn" và cảnh báo các công tố viên không nên yêu cầu những chi tiết cụ thể có tính chất cá nhân như vậy.

Những chi tiết bao gồm việc họ không sử dụng bao cao su, việc bà đã đánh ông Trump bằng một cuốn tạp chí và những lời của ông Trump về vợ cũ.

Phiên tòa đã phát hiện ra một thế giới ngầm bao gồm các tòa soạn báo lá cải, các luật sư Hollywood mà một trong số đó được bà Daniels thuê để dàn xếp khoản tiền bịt miệng.

Lời khai hôm 7/5 của bà Daniels là một nước đi quá xa đối với đội bào chữa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump lắng nghe khi bà Daniels kể chuyện

Ngay từ đầu, các luật sư của ông Trump đã tìm cách yêu cầu Thẩm phán Merchan hạn chế những gì các công tố viên có thể hỏi bà Daniels về cáo buộc quan hệ tình dục năm 2006 và hai cuộc gặp sau đó giữa hai người.

Bên công tố lập luận rằng họ cần hỏi bà Daniels để xác định mục đích của khoản tiền bịt miệng. Cho dù bị giới hạn chặt chẽ hơn, những chi tiết giật gân vẫn được tiết lộ trong những câu trả lời dài bất thường của bà Daniels.

Đây không phải lần đầu tiên bà Daniels chia sẻ chi tiết về việc quan hệ tình dục mà bà nói là đã thực hiện cùng ông Trump. Từ khi thỏa thuận bịt miệng được đưa ra ánh sáng, bà đã kể câu chuyện này trên sóng truyền hình quốc gia, trong một bộ phim tài liệu, cho nhà báo truyền hình nổi tiếng nhất nước Mỹ và trong cuốn sách "Full Disclosure" (Tiết lộ toàn bộ) của bà.

Nhưng đây là lần đầu tiên bà chia sẻ câu chuyện khi ông Trump đang ngồi cách bà chỉ một vài bước chân.

Trong phiên tòa buổi sáng, bà Daniels đã tỏ ra vẻ lo lắng, nói nhanh đến mức cả Công tố viên Susan Hoffinger và Thẩm phán Merchan đều yêu cầu bà chậm lại. Đôi khi một số chi tiết trong lời khai của bà Daniels đã lọt khỏi sự giám sát của bà Hoffinger, người đã nhận cảnh báo nghiêm khắc từ thẩm phán để kiểm soát nhân chứng tốt hơn.

Ngôi sao phim người lớn đưa mắt về phía bồi thẩm đoàn khi kể về lần đầu gặp ông Trump tại một giải golf cho người nổi tiếng vào năm 2006. Bà nhớ lại rằng ông Trump đã mời bà đi ăn.

Bà cho biết ban đầu bà không muốn nhận lời, nhưng người đại diện đã khuyến khích và nói với bà "chuyện xấu gì có thể xảy ra được chứ?". Một số người tại tòa đã bật cười ngay sau lời khai.

Sau đó, bà mô tả việc đến phòng ông Trump để ăn tối và kể rằng vị cựu tổng thống Mỹ mặc bộ đồ ngủ bằng lụa khi mở cửa đón bà.

Bà Daniels kể với tòa rằng sau khi bà bước ra từ phòng tắm, trên người ông Trump chỉ còn quần đùi và áo phông.

Bà kể tiếp rằng họ đã quan hệ tình dục và thừa nhận có sự đồng thuận. Tuy nhiên, bà cho rằng việc gặp gỡ ông Trump đã khiến bà mất phương hướng.

Đội bào chữa ông Trump tức giận

Trước khi thẩm vấn chéo với bà Daniels, các luật sư của ông Trump nhiều lần phản đối cách thẩm vấn từ phía công tố viên.

"Các công tố viên đã khiến những giới hạn mà tòa áp đặt lên bà Daniels không còn hiệu lực," luật sư Todd Blanche nói.

Phía luật sư của ông Trump cho rằng các lời nói của bà Daniels về vị cựu tổng thống Mỹ "có hại quá mức" đến độ họ không tin có thể được sửa trong quá trình kiểm tra chéo.

"Đây là lời khai không thể rút lại được," ông Blanche nói tiếp.

Mặc dù Thẩm phán Merchan không cho phép hoãn phiên tòa, nhưng ông phần nhiều đồng ý rằng "nhân chứng hơi khó kiểm soát" và cho biết bà Hoffinger sẽ nói chuyện với bà Daniels về việc giữ cho câu trả lời ngắn gọn.

"Mức độ chi tiết mà chúng ta đang đi sâu vào là không cần thiết," vị thẩm phán nói.

Luật sư Susan Necheles bên phía ông Trump đã dẫn đầu một cuộc thẩm vấn chéo gay gắt nhằm làm suy yếu động cơ và hồi tưởng của bà Daniels. Có lúc hai người phụ nữ gần như hét vào mặt nhau.

Cuộc đối đáp trở nên căng thẳng hơn khi bà Necheles nhắc lại những cáo buộc bà Daniels dành cho ông Trump, đặt câu hỏi về cách nuôi dạy con cái của bà Daniels và ngụ ý rằng bà Daniels đang bịa đặt ra hồi ức của mình.

"Bà bịa ra chuyện này khi ngồi ở đó, đúng chứ?" bà Necheles hỏi.

Sau phiên tòa, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông nghĩ quá trình tố tụng đang "diễn ra tốt đẹp".

Các thành viên bồi thẩm đoàn đã lắng nghe từng lời nói và sẽ cân nhắc giá trị của bằng chứng từ bà Daniels.

Thật khó để biết 12 thành viên bồi thẩm đoàn ở New York đã làm gì trong ngày. Họ vẫn giữ thái độ bình tĩnh, không biểu lộ cảm xúc khi cuộc tranh cãi qua lại nảy lửa diễn ra trước mắt họ.

Khi phiên tòa hôm 7/5 tạm ngừng, Thẩm phán Merchan lại lần nữa đưa ra hướng dẫn thông thường của mình cho bồi thẩm đoàn: xin nhớ giữ thái độ cởi mở.

NỖ LỰC PHẾ TRUẤT MIKE JOHNSON THẤT BẠI

Hạ viện Mỹ hôm 8/5 đã đánh bại nỗ lực phế truất Chủ tịch Mike Johnson của dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene một cách nhanh chóng và áp đảo.

Các dân biểu Dân chủ đã hòa cùng đồng viện Cộng hòa bỏ 359 phiếu thuận so với 43 phiếu chống để giữ cho ông Johnson ở lại, trong nỗ lực tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn hồi tháng 10 năm ngoái khi phe Cộng hòa lật đổ ông Kevin McCarthy, người tiền nhiệm của ông Mike Johnson.

Động thái của bà Greene là lần hiếm hoi các thành viên cực đoan trong đảng Cộng hòa bất tuân ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của họ. Ông Trump viết trên mạng xã hội sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện rằng bây giờ ‘không phải lúc’ để đảng Cộng hòa lật đổ chủ tịch Hạ viện của chính họ.

Kiến nghị của bà Greene, được gọi là kiến nghị cách chức (motion to vacate), cho thấy sự rối loạn tại Hạ viện với thế đa số mong manh của phe Cộng hòa với tỷ lệ 217/213, nhất là khi mọi việc đã trở nên rõ ràng rằng nó sẽ thất bại trước sự chống đối của phe Dân chủ.

“Tôi đánh giá cao màn thể hiện sự tự tin từ các đồng viên của tôi để đánh bại nỗ lực sai trái này,” Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, 52 tuổi, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu. “Hy vọng rằng nó sẽ đặt dấu chấm hết cho kiểu ám sát cá nhân vốn đã trở thành đặc trưng cho Quốc hội hiện tại.”

Nhiều thành viên Cộng hòa đã chỉ trích động thái của bà Greene, bao gồm cả dân biểu trung dung Marc Molinaro.

“Bà ấy không phải là người biết cách lãnh đạo,” ông Molinaro bình luận về bà Greene.

“Bà ấy không phải là người biết cách đàm phán. Và bà ấy chắc chắn không quan tâm gì đến sự ổn định của Quốc hội hay những cử tri mà chúng tôi đại diện.”

Bà Greene đứng bên cạnh dân biểu Cộng hòa đồng viện Thomas Massie khi bà tuyên bố kiến nghị phế truất ông Johnson. Bà chỉ trích ông vì đã có một loạt thỏa hiệp với phe Dân chủ, phe đa số tại Thượng viện.

“Những lời bào chữa rằng ‘đây là cách hoạt động trong chính phủ bị phân rẽ’ là thảm hại, yếu ớt và không thể chấp nhận được,” bà Greene nói. “Ngay cả với thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa, ít nhất chúng ta cũng có thể bảo vệ biên giới.”

“Đảng Cộng hòa phải chiến đấu với bọn Dân chủ cánh tả cấp tiến, và tất cả những thiệt hại mà bọn họ đã gây ra cho đất nước chúng ta,” ông Trump viết trên mạng xã hội hôm 8/5. “Chúng ta trong tình thế không thích hợp để bỏ phiếu về kiến nghị cách chức. Vào những lúc nào đó, chúng ta rất có thể làm như vậy, nhưng giờ không phải là lúc.”

Bà Greene phát biểu với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu rằng bà không loại trừ sẽ cố gắng phế truất ông Johnson một lần nữa

MỐI QUAN HỆ ĐỒNG MINH VỚI ISRAEL RẠN NỨT NGHIÊM TRỌNG SAU YÊU CẦU BẤT NGỜ

Quyết định tạm dừng lô vũ khí viện trợ cho Israel là một thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Mỹ.

Mỹ ra tối hậu thư cho Israel, thừa nhận vai trò trong xung đột

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận thông tin xuất hiện trên truyền thông trước đó, tuyên bố Washington quyết định ngừng một số lô vũ khí viện trợ cho Israel - mà ông thừa nhận đã được sử dụng khiến dân thường Gaza thiệt mạng – nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh tấn công vào thành phố Rafah.

“Dân thường thiệt mạng ở Gaza là hậu quả của những quả bom đó và những cách khác khi họ nhắm vào các tập trung dân cư”, ông Biden nói với Erin Burnett của CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, đề cập đến các quả bom nặng 2,000 pound (hơn 900kg) mà Biden đã tạm dừng chuyển giao hồi tuần trước.

“Tôi đã làm rõ rằng, nếu họ tiến vào Rafah – họ chưa tiến vào Rafah – nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí vốn được sử dụng để đối phó với Rafah, đối phó với các thành phố – để giải quyết vấn đề đó”, Biden nói.

Theo CNN, tuyên bố của Tổng thống Mỹ - việc ông sẵn lòng lấy vũ khí Mỹ ra làm điều kiện đối với hành động của Israel đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng giữa Israel và Hamas. Ngoài ra, ông Biden thừa nhận rằng bom Mỹ đã khiến dân thường Gaza thiệt mạng cho thấy quan điểm nhìn nhận rõ ràng về vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng trấn an đồng minh bằng cách tái khẳng định cam kết của Mỹ. "Chúng tôi không rời bỏ an ninh của Israel. Chúng tôi chỉ không ủng hộ khả năng Israel phát động chiến tranh ở những khu vực đó", ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ tuyên bố, mặc dù Washington vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí phòng vệ cho Israel, bao gồm cả hệ thống Iron Dome, nhưng các lô hàng khác sẽ chấm dứt nếu Israel thực hiện một cuộc đổ bộ lớn vào Rafah.

Ông Biden hy vọng quyết định của Mỹ sẽ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ bỏ kế hoạch tấn công vào Rafah.

3.500 quả bom đã bị Mỹ ngừng chuyển giao

Chính quyền Mỹ đã quyết định tạm dừng chuyển giao một lô hàng gồm khoảng 3.500 quả bom cho Israel vào tuần trước, một quan chức cấp cao tiết lộ với truyền thông Mỹ.

Thông tin này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công khai xác nhận trong phiên điều trần Thượng viện hôm 8/5. Ông Austin cho biết thêm rằng, chiến dịch tấn công lớn của Israel ở Rafah có thể thay đổi quan điểm của Mỹ về viện trợ an ninh cho Israel.

"Chúng tôi hiện đang rà soát một số lô viện trợ an ninh trong tương lai gần giữa bối cảnh các sự kiện đang diễn ra tại Rafah", ông Austin cũng nhấn mạnh rằng không có vấn đề gì với khoản ngân sách bổ sung mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua mới đây.

Lô hàng được cho là bao gồm 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) và 1.700 quả bom 500 pound (khoảng 225 kg), AP dẫn nguồn tin cho biết.

Theo AP, mối quan tâm chính của Mỹ là cách Israel sử dụng các loại bom hạng nặng ở một khu đô thị đông đúc như Rafah, nơi hơn 1 triệu thường dân đang trú ẩn sau khi sơ tán khỏi các khu vực khác của Gaza do xung đột Israel - Hamas.

Mỹ đã sử dụng bom nặng 2.000 pound "một cách tiết kiệm" trong cuộc chiến kéo dài chống lại nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong khi đó, Israel lại thường xuyên sử dụng loại bom này trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng ở Gaza. Ngay tháng đầu tiên, Israel đã thả hàng trăm quả bom hạng nặng, rất nhiều trong số này có khả năng gây sát thương ở khoảng cách hơn 300m, phân tích của CNN chỉ rõ.

AP dẫn nguồn chuyên gia nhận định, việc sử dụng loại vũ khí này phần nào đã khiến số lượng người Palestine thương vong tăng cao.

Thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, phép thử quan hệ đồng minh

Quyết định tạm dừng 1 lô hàng và cân nhắc tới khả năng "giảm tốc" các lô hàng khác là một thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ ngừng viện trợ cho đồng minh thân cận của mình kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023.

CNN cho rằng, việc ông Biden công khai thừa nhận mối liên hệ giữa các lô vũ khí Mỹ với hành động của Israel tại Gaza có thể làm gia tăng rạn nứt giữa bản thân ông và nhà lãnh đạo Israel. Trong khi đó, NYT đánh giá, đây sẽ là phép thử cho mối quan hệ đồng minh 76 năm giữa Mỹ và Israel, một trong những quan hệ đối tác an ninh thân cận nhất, chặt chẽ nhất thế giới.

Mỹ đã cung cấp một lượng viện trợ quân sự khổng lồ cho Israel trong lịch sử. Sau vụ tấn công của Hamas hôm 7/10 nhằm vào Israel, lượng viện trợ của Washington cho đồng minh tiếp tục tăng lên.

Chính quyền Biden đã nhiều lần do dự trước quyết định ngừng chuyển giao vũ khí cho Israel mặc dù hai nước có những bất đồng về chính sách, bởi những hợp đồng như vậy thường được thực hiện trong nhiều năm, và việc Mỹ ngừng viện trợ nhiều khả năng không ảnh hưởng đến các quyết sách của Israel trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, nhiều quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng, việc trì hoãn giao các lô vũ khí có thể đặt quốc phòng Israel - vốn là một ưu tiên chiến lược của Mỹ - vào nguy cơ.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với những chỉ trích đến từ một số thành viên Đảng Dân chủ và cử tri. Họ cho rằng ông chưa nỗ lực đủ để ngăn chặn tình trạng thương vong tăng cao ở dân thường trên Dải Gaza.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, chiến dịch tấn công của Tel Aviv tại Rafah là không thể tránh khỏi và cần thiết để loại bỏ Hamas.

Trả lời phỏng vấn kênh Channel 12 của Israel, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã nói rằng, quyết định tạm dừng viện trợ của Mỹ là "một quyết định đáng thất vọng, thậm chí gây bức xúc".

Nguồn: Vnexpress; Báo Tin Tức; BBC; VOA; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang