Gặp khó vì quy định tách thửa mới; Tín hiệu mới Vành đai 2 tỷ đô; Khi Đại Ninh thành đại án; Dự án cấp bách nhưng làm đủng đỉnh

NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ VÌ QUY ĐỊNH TÁCH THỬA MỚI

Những điều kiện để hộ dân được tách thửa trong dự thảo thay thế Quyết định 60 của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu, điều kiện được tách thửa đang gây lo ngại sẽ làm khó người dân.

Muốn tách thửa đất ở mới, phải có quy hoạch 1/500

Theo dự thảo, diện tích tối thiểu sau khi được tách thửa ở khu vực 1 là 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m. Khu vực 2 diện tích tối thiểu 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m. Khu vực 3 diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.

Đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau: 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Tuy nhiên, điều kiện để được tách thửa là đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp thửa thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang thì phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được tách thửa.

Trường hợp thửa thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) thì phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc quy hoạch chi tiết rút gọn tỷ lệ 1/500), thiết kế đô thị chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được tách thửa.

Các thửa đất trước và sau khi tách thửa đều phải tiếp giáp với đường giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.

Chỉ phù hợp với doanh nghiệp, người dân khó thực hiện?

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng trước kia điều kiện tách thửa là những khu đất có quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 nay bắt buộc phải có 1/500 là gây khó khăn thêm cho người dân có nhu cầu thực sự tách thửa cho con cái. Quy định này không khả thi trên thực tế vì quy hoạch 1/500 chỉ những dự án bất động sản mới làm được, còn người dân tách 1, 2 nền không thể tự làm quy hoạch 1/500.

Đồng quan điểm này, đại diện UBND huyện Bình Chánh cũng cho rằng, các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn huyện hầu như chưa có quy hoạch 1/500 mà chỉ có tại các dự án bất động sản. Do vậy, nếu căn cứ vào quy định này để tách thửa thì hầu như người dân không đáp ứng được.

Trong khi đó, liên quan quy định, các thửa đất trước và sau khi tách thửa đều phải tiếp giáp với đường giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Điều này, theo luật sư Trương Thị Hòa, là khó hiểu bởi thế nào là đường tiếp giáp? Quy định này liệu có mâu thuẫn với điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về "Quyền về lối đi qua" khi quy định về đường đi tại các bất động sản.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thành phố cần xem lại quy định diện tích tối thiểu, theo hướng nhỏ hơn để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở.

Ông Phan Ngọc Phúc, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc nói rằng đối với vùng lõi của trung tâm thành phố, cũng như các quận huyện đã có 1/2.000 khi tách thửa, cơ quan chức năng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể về kết nối hạ tầng, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội.

Đối với đất quy hoạch hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới, trong đó một khu đất có rất nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Do đó, nếu thửa đất cần tách mà có quy hoạch chi tiết 1/500 phù hợp sẽ được tách thửa. Như vậy, so với Quyết định 60 thì những nội dung này mở ra rất nhiều cho người dân được tách thửa.

Về hạn mức tách thửa, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, thời gian qua thực tế các quận, huyện không phản ánh gì về nội dung này. Do đó, dự thảo lần này tiếp tục thực hiện theo các khu vực như dự thảo.

Tuy nhiên, một số điều của Quyết định 60 không còn phù hợp với thực tế do vậy tinh thần là phải sửa. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý phản biện, tiếp thu những điều góp ý hợp lý. Trong quá trình đó xem xét, cập nhật những nội dung của luật Đất đai 2024 để có sự thống nhất xuyên suốt khi quyết định được ban hành.

TÍN HIỆU MỚI VÀNH ĐAI HUYẾT MẠCH HƠN 2 TỶ USD Ở HÀ NỘI

Đường trên cao Vành đai 2 khi khánh thành và thông suốt toàn tuyến sẽ giúp 'giải cứu' tình trạng ùn tắc nghiệm trọng ở nội đô Hà Nội.

Đường trên cao Vành đai 2 sẽ 'giải cứu' ùn tắc nội đô

Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP xem xét đề xuất chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng mức đầu tư ước tính hơn 21.000 tỷ đồng, gồm đoạn dưới thấp với kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao 3.895 tỷ đồng.

Sở đã đề xuất chia thành hai dự án riêng biệt. Trong đó đoạn dưới thấp có chi phí dự kiến lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng và chi phí xây lắp là 541 tỷ đồng.

Còn đoạn trên cao thuộc nhóm dự án nhóm A, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 3.895 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao (cầu cạn) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 trên cao xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy, tổng chiều dài khoảng 3,8km, quy mô mặt cắt ngang 19m; là đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80km/h, nghiên cứu đồng bộ các nút giao theo quy hoạch.

Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.

Hiện Vành đai 2 đã thông suốt toàn bộ các đoạn đi qua ngoại thành, trong nội thành chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài gần 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.

Ở khu vực nội đô, những đoạn đã hoàn thiện của Vành đai 2 góp phần giải cứu ùn tắc giao thông rất nhiều. Tiêu biểu như đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở được khởi công xây dựng vào tháng 4/2018, với tổng kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng.

Trục Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được coi là điểm đen giao thông tại Thủ đô nay đã được giải quyết phần nào nhờ Vành đai 2 trên cao và dự án cầu Vĩnh Tuy 2.

Tuy nhiên, nút giao Ngã Tư Sở hiện vẫn thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm vì lý do các phương tiện đang đi Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Trường Chinh lại phải đi xuống dưới thấp (đoạn qua Láng) thành nút thắt cổ chai gây nên xung đột giao thông. Vì vậy, việc triển khai 4km đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy là "mảnh ghép" quan trọng cho toàn bộ dự án.

"Khi đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Trường Chinh) thông xe, lượng xe lưu thông nhanh hơn, lúc đó giao thông như một dòng nước chảy xiết, còn Ngã tư Sở như một cái cống hẹp, do đó dẫn đến tình trạng ùn tắc", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông nói với báo Lao Động.

Bên cạnh đó, đoạn Vành đai 2 từ Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km có tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng sau khi khánh thành cũng giúp giải toả áp lực giao thông cho tuyến đường Phạm Văn Đồng và cầu Thăng Long, góp phần rút ngắn nửa thời gian quãng đường đi từ Nhật Tân đến Cầu Giấy.

Tính cấp thiết của việc hoàn thiện Vành đai 2

Vành đai 2 là một trong 7 tuyến đường vành đai của Hà Nội, là một dự án rất lớn, được xây dựng trong khoảng 20 năm với tổng kinh phí hơn 2 tỷ USD. Một số công trình điển hình của đường vành đai 2 như: cầu Nhật Tân (13.500 tỷ đồng); đường Hoàng Sa - Trường Sa (6.600 tỷ đồng); đường Võ Chí Công (hơn 6.600 tỷ đồng); nút giao trung tâm quận Long Biên (2.800 tỷ đồng)…

Nhiều người dân Hà Nội bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, sớm khép kín các tuyến đường vành đai, đặc biệt là Vành đai 2.

“Đoạn từ Ngã Tư Sở đến cuối đường Láng vẫn đang ùn tắc nghiêm trọng vì nút thắt cổ chai, nếu được mở rộng sớm ngày nào và hoàn thành đoạn trên cao, giao thông chắc chắn sẽ thông suốt”, anh Nguyễn Anh Toán ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ người dân, chuyên gia giao thông cũng đồng nhận định tính cấp thiết của dự án này trong việc giải tỏa ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở, cũng như đồng bộ hạ tầng cho toàn tuyến Vành đai 2.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết trên báo Dân Trí rằng, dự án kết nối, tăng thêm dung lượng cho vành đai 2 trên cao Hà Nội đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy là cần thiết, cần được triển khai sớm.

Trong tương lai gần, khi tuyến vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy được thực hiện, sẽ giúp hạ tầng của toàn tuyến được đồng bộ, giải tỏa áp lực cho "điểm đen" về ùn tắc giao thông của thành phố.

DỰ ÁN ĐẠI NINH TRỞ THÀNH ĐẠI ÁN

Dự án Đại Ninh từ chỗ được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế địa phương, nay trở thành đại án khiến nhiều cán bộ cấp cao của Lâm Đồng vướng vòng lao lý.

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh ở Lâm Đồng) có vị trí tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật để thực hiện dự án. Sau nhiều năm được giao đất, dự án vẫn không được triển khai. Không những không thực hiện, phía chủ đầu tư còn làm mất 368 hecta đất.

Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ cử đoàn đến tỉnh Lâm Đồng thực hiện công tác thanh tra. Qua đó yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.

Bị chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã gửi đơn cứu xét và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành liên quan cho công ty tiếp tục thực hiện dự án, khôi phục việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Ngày 1/3/2021 Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác đến tỉnh Lâm Đồng để thanh tra lại. Sau đó ra kết luận mới sửa đổi một số nội dung mà kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ban hành trước đó như: Rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh; Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giãn tiến độ, điều chỉnh và gia hạn cho dự án.

Sau khi có kết luận mới, tháng 11/2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh từ 25.243 tỷ đồng thành 30.291,6 tỷ đồng (tăng 20%).

Chính từ việc ban hành kết luận thanh tra rồi lại sửa kết luận thanh tra mà cả tổ công tác xác minh nội dung kiến nghị của công ty cùng Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đều bị bắt.

Tiếp tục điều tra, cơ quan chức năng phát hiện sai phạm liên quan đến cả các cán bộ cấp Trung ương như: Bà Trần Bích Ngọc - Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I). Gần đây Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

KÈ CHỒNG SẠT LỞ CẤP BÁCH NHƯNG LÀM ĐỦNG ĐỈNH

Kè chống sạt lở bờ sông và đê bao ngăn lũ tại Đắk Lắk là dự án cấp bách nhưng lại chậm tiến độ và có dấu hiệu lãng phí nếu không được điều chỉnh.

Dự án kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) được HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5-2020 với tổng mức đầu tư 128 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, nhưng đến nay còn ngổn ngang, chỉ thực hiện được một khối lượng rất nhỏ.

Kè chống sạt lở bờ sông... cách xa sông!

Gói thầu kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách qua thôn 5 và thôn 13 (xã Vụ Bổn) có tổng chiều dài khoảng 2.600 m do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là ban quản lý dự án) làm chủ đầu tư.

Trong đó, đoạn kè sông Krông Pách qua thôn 13 dài 728 m thuộc hạng mục cấp bách ưu tiên thực hiện trong hạn mức vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 cho các địa phương. Tuy nhiên, đến nay gói thầu mới thi công được 18/32 tỉ đồng.

Theo quan sát, khu vực này bờ sông khá thoải, kè xây dựng có nhiều vị trí cách xa mép sông. Phía bên kia sông có bờ cao hơn, dốc hơn, không xây kè nhưng không xảy ra tình trạng sạt lở. Tại khu vực này, nhiều ống cống bê-tông được đơn vị thi công để ngổn ngang trên bãi đất rộng.

Tương tự, đoạn kè sông Krông Pách qua thôn 5 dài 1.872 m đang được nhà thầu tổ chức xây dựng trên đoạn dài khoảng 50 m. Nhiều tấm sắt để lâu ngày ngoài trời đã bị hoen gỉ, nằm chỏng chơ.

Đáng chú ý, theo thiết kế, gói thầu kè chống sạt lở bờ sông dài gần 2 km này có nhiều đoạn nằm cách xa bờ sông hàng trăm mét. Có những đoạn dài từ mép sông lên đến bờ kè đã được khai thác đất làm gạch, làm ruộng, độ cao đã được hạ thấp. Trong khi đó, ở mép sông cây cối mọc um tùm, rất khó xảy ra sạt lở.

Đối với gói thầu đê bao ngăn lũ cánh đồng Thanh Niên, sau thời gian dài xây dựng hiện chỉ mới xây được 1 cống tiêu ở cuối tuyến và đắp 1 đoạn đất dài hơn 200 m.

Ông Trần Văn Bắc (ngụ thôn Phú Quý, xã Vụ Bổn) cho biết trước đây khu vực cánh đồng Thanh Niên vào mùa mưa xảy ra ngập lụt thời gian dài. Cách đây 5 - 6 năm, khi hồ chứa nước Krông Pách hạ ở thượng nguồn đưa vào hoạt động, điều tiết nước thì tình trạng ngập lụt giảm hẳn.

Còn theo ông Ngô Minh Tiến (xã Vụ Bổn), cách đây hơn 1 năm, dù gia đình đã cho đơn vị thi công đắp đê bao giữa ruộng theo thiết kế nhưng đến nay, cũng chỉ đắp được một đoạn dài hơn 200 m. "Trước đây, chưa có hồ Krông Pách hạ thì người dân chỉ làm được 1 vụ nhưng hiện làm 2 vụ bình thường" - ông Tiến thông tin.

Nhiều đoạn kè bất hợp lý

Một lãnh đạo UBND xã Vụ Bổn cho biết dự án chậm tiến độ có nhiều vướng mắc. "Chính quyền địa phương mong muốn chủ đầu tư, cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng, đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí" - vị này kiến nghị.

Theo ban quản lý dự án, các gói thầu thi công xây dựng đã hết thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 31-12-2023. Đến nay vẫn chưa có cơ sở để trình thủ tục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng do chưa điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Tính đến hết tháng 3-2024, lũy kế vốn bố trí 82 tỉ đồng, lũy kế giải ngân 41,72 tỉ đồng, số vốn còn lại chưa giải ngân 40,28 tỉ đồng, dư nợ tạm ứng quá hạn theo hợp đồng là 25,47 tỉ đồng. Trường hợp tiếp tục chậm trễ sẽ dẫn đến tạm ứng quá hạn phải thu hồi. Khi phải nộp trả ngân sách nhà nước sẽ gây thiếu hụt nguồn vốn, kéo dài thời gian hoàn thành.

Điều bất ngờ nữa là sau gần 2 năm khởi công, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá lại thì đề nghị cắt giảm 1 đoạn kè dài 922 m do thấy chưa hoặc không cần thiết!

Theo lý giải của chủ đầu tư, có đoạn kè khi triển khai dự án thì không xác định rõ được phạm vi khai thác cát nhưng giờ xác định lại thì trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 sẽ không xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông nữa.

Bên cạnh đó, thời điểm khảo sát, thiết kế tuyến đường liên xã Ea Ô - Vụ Bổn là đường đất nhưng nay đã được làm bằng bê-tông. Vị trí chân kè cách xa mép sông trung bình 100 m, người dân đã san gạt tận dụng để trồng lúa nước. Ngoài ra, theo đặc điểm hình thái dòng chảy trên sông cho thấy khi đến vị trí này lưu tốc dòng chảy là rất nhỏ nên không gây xói lở.

Cùng với đó, chủ đầu tư cho biết sau khi hồ thủy lợi Krông Pách thượng chặn dòng, tích nước đã có tác dụng cắt giảm lũ hạ du.

Đề nghị giảm quy mô nhưng vẫn... giữ vốn!

Theo ban quản lý dự án, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí vận chuyển do thay đổi vị trí khai thác đất đắp đã tăng thêm 30 tỉ đồng so với kế hoạch được phê duyệt. Ban quản lý dự án đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường dự án. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng giảm quy mô đoạn kè dài 922 m nhưng... giữ nguyên tổng mức đầu tư ban đầu.

Nguồn: Thanh Niên; Soha; Khoa học & Đời sống; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang