EU: Chi phí nuôi con; Mối nguy thị trường năng lượng; Pháp tổng đình công; Dự luật di dân ở Anh; Phần Lan 'thức tỉnh' trước TQ

Nuôi con ở châu Âu: Chênh lệch chi phí đáng kinh ngạc

(Ảnh minh họa).

Sarah Ronan - Trưởng dự án của Liên minh Chăm sóc Trẻ em và Giáo dục sớm tại Nhóm Ngân sách của Phụ nữ Vương quốc Anh, nơi có chi phí nuôi con cao nhất ở châu Âu - từng phải nghỉ việc vì không đủ tiền nuôi con.

Đắt đỏ nhất ở Anh

Đây là câu chuyện quen thuộc ở Vương quốc Anh - nơi có một số chi phí chăm sóc trẻ em cao nhất ở châu Âu, theo Euronews.

“Giống như nhiều bậc cha mẹ, tôi đã phải ghép các mảnh ghép chăm sóc con lại với nhau để mọi thứ vận hành hiệu quả. Con trai tôi ở với bên ông bà này 2 ngày trong tuần và ở với ông bà khác 1 ngày trong tuần. Con tôi ở nhà trẻ chỉ 2 ngày một tuần. Và sau đó, tình trạng của các ông bà thay đổi do sức khỏe kém. Tôi đối mặt với việc phải đưa con tới nhà trẻ 5 ngày một tuần. Chi phí cho việc đó là 1.200 bảng (1.356 Euro) một tháng. Sau thuế, tôi kiếm được khoảng 1.700 bảng (1.921 Euro) mỗi tháng" - Ronan nói với Euronews.

Cuộc khảo sát mới nhất do tổ chức từ thiện Pregnant The Screwed thực hiện nhận thấy, việc chăm sóc trẻ em ở Anh có thể tiêu tốn tới 75% thu nhập của cha mẹ.

Năm 2022, Vương quốc Anh trở thành quốc gia có chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ nhất trong số các nước phát triển, khiến hàng nghìn người tại các thành phố trên khắp đất nước tham gia cuộc biểu tình mang tên “Cuộc tuần hành của những xác ướp” vào tháng 10.

“Dường như chi phí chăm sóc trẻ em sẽ tăng thêm ít nhất 10% nữa trong tháng 4 năm nay" - Joeli Brearley, nhà sáng lập Pregnant The Screwed, nhận định.

"Trung bình, chi phí cho một nơi chăm sóc trẻ em là 14.000 bảng (15.815 Euro) một năm và chúng tôi dự kiến con số đó sẽ tăng thêm 1.000 bảng (1.130 Euro) một năm" - bà nói thêm.

Theo Euronews, cứ 3 phụ huynh tham gia khảo sát thì có 1 người tiết lộ rằng, họ phải dựa vào một số hình thức vay nợ để trang trải chi phí chăm sóc con cái.

Trong bối cảnh Anh đang xảy ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến khó mua các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, chi phí chăm sóc trẻ em cao đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế xã hội và tác động không tương xứng đến phụ nữ, buộc họ phải giảm số giờ làm việc hoặc hoàn toàn rời khỏi lực lượng lao động. Ước tính có khoảng 1,7 triệu phụ nữ ở Anh đang làm việc ít giờ hơn so với bình thường do chi phí chăm sóc con cái không tương xứng, theo Centre for Progressive Policy.

Ở Anh, dù chính phủ đã đầu tư 4 tỉ bảng Anh (4,52 tỉ Euro) vào dịch vụ chăm sóc trẻ em mỗi năm trong 5 năm qua, thông qua 8 chương trình hỗ trợ khác nhau nhưng Anh vẫn là nơi có chi phí chăm sóc trẻ cao nhất. “Các loại hỗ trợ hiện có thực sự không đáp ứng được nhu cầu của các gia đình nữa" - Sarah Ronan chia sẻ.

Chi phí thấp nhưng chưa hoàn hảo

Trên khắp các nước EU, có tới 90% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và 1/3 trẻ em dưới 3 tuổi đến các trung tâm chăm sóc trẻ em chính thức. Tuy nhiên, chi phí chăm sóc trẻ em rất khác nhau trên khắp châu Âu. Dữ liệu từ OECD chỉ ra, chi phí chăm sóc trẻ em dao động từ dưới 5% ở Đức và Áo đến gần 52% thu nhập trung bình của phụ nữ như Vương quốc Anh.

Ở hầu hết các nước châu Âu, các bậc cha mẹ có thể hưởng lợi từ việc chăm sóc trẻ được trợ cấp cao giúp giảm gánh nặng tài chính cho họ.

Ví dụ, ở Hà Lan, chi phí chăm sóc con có thể lên tới 80% thu nhập trung bình của phụ nữ bởi hầu hết là các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân. Tuy nhiên, sau khi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, các bậc cha mẹ có thu nhập thấp ở Hà Lan cuối cùng chỉ phải trả 5%. Trên thực tế, chính phủ Hà Lan đang lên kế hoạch chi trả 95% chi phí chăm sóc trẻ em cho tất cả các bậc cha mẹ đang đi làm vào năm 2025.

Ở những quốc gia như Đức, chi phí chăm sóc trẻ em trung bình hàng năm chỉ là 1.310 Euro. Từ năm 2013, trẻ em trên 12 tháng tuổi ở Đức được quyền hợp pháp tới các trung tâm chăm sóc ban ngày tên Kitas thông qua chính quyền địa phương. Kitas thường tính phí 70 đến 150 Euro mỗi tháng, nhưng chi phí sau đó được nhà nước trợ cấp.

Tuy nhiên, dù đáng ghen tị với các quốc gia như Vương quốc Anh, mô hình chăm sóc trẻ em ở Đức vẫn chưa hoàn hảo. Ở nhiều nơi, Kitas thiếu nhân lực với hàng dài trẻ em chờ được gửi ở đây, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Trong cuộc khảo sát do Viện Thanh niên Đức thực hiện năm 2020, 49% phụ huynh có con dưới 3 tuổi cho biết họ cần Kita nhưng chỉ 24% cơ sở có thể đảm bảo số giờ họ cần.

(Nguồn: Lao Động)

Đừng vội mừng vì thoát phụ thuộc Nga, châu Âu đang gặp mối nguy chưa từng có trên thị trường năng lượng

So với việc mất đi nguồn cung từ Nga, châu Âu đang gặp phải bài toán khó hơn rất nhiều.

Trong trạng thái "bình thường mới" hiện nay, giá khí đốt châu Âu đang được giao dịch ở mức €45 - €50/Mwh. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, những người đã chứng kiến ​​giá cả tăng vọt lên khoảng €350 vào tháng 8 và lo sợ mất điện và nhà cửa đóng băng, thì đó là một lý do để ăn mừng. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng năng lượng chưa dừng lại ở đó.

Đối với các doanh nghiệp đã trả giá trung bình €20 cho khí đốt của họ từ năm 2010 đến năm 2020, điều này phức tạp hơn. Đối với hầu hết người dân và các ngành nghề, mức giá khí đốt hiện tại vẫn còn gây "đau đớn" mặc dù họ có thể thắt lưng buộc bụng để đối phó. Còn đối với các ngành công nghiệp sử dụng đến nhiều năng lượng như các công ty hóa chất hay nhà máy thủy tinh, giá vẫn đang tăng cao một cách đầy thảm hại.

Giá điện của Vương quốc Anh dường như đã ổn định ở mức dưới 150 bảng Anh (tương đương 180 USD)/Mwh. Nếu so với mức đỉnh vào tháng 8 và tháng 12/2022, nó đã rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên nếu so với mức trung bình của trong giai đoạn 2010 - 2020 chỉ £45, đó thật sự là bài toán đau đầu mà họ sẽ phải giải.

Với mức tăng chi phí dường như là dài hạn, thậm chí là vĩnh viễn, các công ty đang tăng giá để bảo vệ lợi nhuận của mình. Mặc dù động thái tăng giá đã diễn ra từ đầu năm 2022, tuy nhiên, giá sẽ còn dâng cao hơn vào năm 2023 khi các công ty sẽ tiến hành định giá lại vào đầu năm.

Điều này đang thúc đẩy lạm phát ở châu Âu, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ và sản xuất. Ngay cả giá lương thực cũng tăng do một số nhà kính không đủ khả năng sưởi ấm cho mùa đông, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và chi phí tăng cao hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đang ở thế khó khăn: mặc dù tăng trưởng kinh tế đang ở mức báo động, tuy nhiên thị trường đang dự đoán các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

BASF SE, gã khổng lồ hóa học của Đức đã tuyên bố cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy vào tuần trước. Ông Martin Brudermüller, ông chủ của BASF cho biết: “Khả năng cạnh tranh của châu Âu đang ngày càng bị ảnh hưởng. Giá năng lượng cao hiện đang đặt thêm gánh nặng lên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của chúng tôi.”

Châu Âu sẽ ra sao trong những năm tới?

Châu Âu đã vượt qua mùa đông tốt hơn nhiều so với những gì các chuyên gia đã lo sợ mặc dù thiếu đi nguồn cung từ Nga. EU cũng đã có thể nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia thân thiện như Mỹ, Qatar và không phải cạnh tranh gay gắt nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Châu Âu đã sử dụng ít khí đốt hơn từ kho dự trữ so với những năm trước đây do thời tiết ấm hơn bình thường, giúp giá hạ nhiệt so với mức đỉnh.

Chỉ còn 4 tuần nữa mùa đông sẽ kết thúc, các bể chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 61%, mức cao nhất từ ​​trước đến nay vào thời điểm này của mùa. Trừ khi thời tiết trở nên lạnh giá bất thường, châu Âu sẽ thoát khỏi mùa đông với trữ lượng khí đốt dự trữ ít nhất là một nửa, cao hơn nhiều so với mức dự trữ 20% đến 30%. Ngoại trừ năm 2020, khi nhu cầu giảm do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa do Covid-19, châu Âu chưa bao giờ có mức dự trữ nhiều như vậy vào cuối mùa đông - mức cao trước đó là 47% vào năm 2014. Đó là những gì châu Âu có thể ăn mừng.

Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Châu Âu sẽ phải đấu tranh vào mùa đông tiếp theo bằng cách thắt lưng buộc bụng. Sau đó là khắp phục các thiệt hại kinh tế như các ngành công nghiệp cắt giảm sản xuất, bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm - mặt hàng cực kì quan trọng.

Greg Molnar, một nhà phân tích khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ước tính rằng 80% lượng khí đốt tiết kiệm được trong năm ngoái là do các yếu tố "phi thường".

"Theo ước tính của chúng tôi, chỉ 20% năng lượng tiết kiệm được trong năm vừa qua là do người dân thay đổi thói quen." Ngoài ra năm ngoái nguồn cung thay thế dồi dào là do nhà nhập khẩu LNG lớn nhất - Trung Quốc vắng bóng trên thị trường do các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch. Từ năm 2023, tình thế sẽ xoay chuyển.

Dù giá khí đốt đã hạ nhiệt, tuy nhiên đây vẫn là mức giá "cắt cổ" và sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty châu Âu phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh trong dài hạn và khu vực phải đối mặt với lạm phát nghiêm trọng hơn.

(Nguồn: Soha)

Pháp đối mặt ngày “Thứ Ba đen tối” vì tổng đình công toàn quốc chống cải cách hưu trí

(Ảnh minh họa).

Trong thông báo cập nhật đưa ra ngày 6/3, Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp – SNCF cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị huỷ trong ngày 7/3.

Giao thông trên toàn bộ nước Pháp, đặc biệt là tại các sân bay, bên tàu và ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số cơ sở kinh tế quan trọng bị phong toả... nước Pháp có nguy cơ tê liệt trong ngày 7/3 khi tất cả các liên đoàn tại nước này kêu gọi tổng đình công toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay để phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp.

Trong thông báo cập nhật đưa ra ngày 6/3, Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp – SNCF cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị huỷ trong ngày 7/3. Hầu như toàn bộ các chuyến tàu cao tốc nối Pháp với các nước châu Âu láng giềng như Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ không hoạt động. Tại các thành phố lớn của Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, giao thông cũng sẽ đình trệ nghiêm trọng. Hầu hết trong số 14 tuyến đường tàu điện ngầm tại thủ đô Paris sẽ chỉ hoạt động trong vài giờ cao điểm. Với các chuyến tàu từ trung tâm Paris ra các vùng ngoại ô, tỷ lệ hoạt động chỉ khoảng 25%.

Trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, các công đoàn tại Pháp cũng kêu gọi người lao động bãi công, biểu tình, thậm chí phong toả các cơ sở kinh tế quan trọng. Ngay trong tối 6/3, nhiều nhóm biểu tình đã chặn các con đường dẫn đến một số nhà máy lọc dầu, trong khi nông dân nhiều địa phương phong toả các vòng xoay lớn tại các thành phố vừa và nhỏ.

Trong ngày 6/3, ngày kết thúc 2 tuần nghỉ Đông dành cho các học sinh từ tiểu học đến trung học tại Pháp, tổ chức tập hợp các công đoàn lớn nhất tại Pháp ra lời kêu gọi người lao động Pháp ngày 7/3 xuống đường nhiều nhất có thể, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đình công nhất có thể để nước Pháp ngừng hoạt động, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Pháp nhượng bộ trong dự luật cải cách hưu trí. Các con số thăm dò dư luận tại Pháp nhận định, tổng số người biểu tình tại Pháp trong ngày 7/3 có thể sẽ vượt quá 2 triệu người, cao hơn số lượng người biểu tình cao nhất vào hôm 30/01/2023.

Tổng thư ký Công đoàn lao động dân chủ – CFDT, tổ chức công đoàn lớn nhất tại Pháp, ông Laurent Berger khẳng định, chính phủ Pháp và đích thân Tổng thống Emmanuel Macron không thể hy vọng âm thầm thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Quốc hội Pháp mà đã đến phải lúc phải lắng nghe sự phản đối của hàng triệu lao động đang biểu tình và phải đưa ra câu trả lời.

Ông Laurent Berger nói: “Đây không phải là chuyện dự luật cải cách này chưa được giải thích rõ ràng, mà đây là một bất công xã hội, một sự bất bình đẳng, một sự phớt lờ thực tế lao động cụ thể và những người lao động đang bày tỏ tất cả những điều này một cách ôn hoà. Liệu chúng ta có muốn mọi thứ trôi qua âm thầm, như là một sự sắp xếp chính trị, một động thái chính trị được thông qua ở Quốc hội? Không, đây là một phong trào xã hội rộng lớn đang bày tỏ chính kiến và cần phải có một câu trả lời”.

Dự luật cải cách hưu trí được chính phủ Pháp trình lên Quốc hội Pháp tranh luận cách đây gần 1 tháng và hiện đang được xem xét tại Thượng viện, trước khi đưa trở lại bỏ phiếu tại Quốc hội. Mặc dù đa số người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong đó trọng tâm là việc nâng tuổi về hưu lên 64 tuổi, nhưng chính phủ Pháp vẫn hy vọng dự luật này sẽ được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR). Ngoài ra, chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne cũng không loại trừ khả năng sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp để thông qua dự luật này mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tuy nhiên, các công đoàn cũng như hầu hết các đảng đối lập tại Pháp, đặc biệt là các đảng cánh tả, khẳng định sẽ phản đối đến cùng dự luật này và sẽ gây sức ép bằng các cuộc biểu tình, tổng đình công liên tiếp để buộc chính phủ Pháp nhượng bộ./.

(Nguồn: VOV)

Dự luật nói di dân vượt biển vào Anh sẽ vĩnh viễn bị cấm quay lại

Người nhập cư phi pháp bằng đường biển từ lục địa châu Âu vào Anh sẽ bị trục xuất, bị cấm tái nhập cảnh vĩnh viễn trong tương lai và sẽ không thể đăng ký xin quốc tịch Anh, theo nội dung luật mới.

Một loạt các đề xuất sẽ được áp dụng cho bất kỳ ai vào bờ biển Vương quốc Anh bằng thuyền nhỏ dạ̣ng vượt biên.

Thông tin chi tiết dự kiến sẽ được chính phủ Anh công bố vào thứ Ba.

Hội đồng Tị nạn đã chỉ trích các kế hoạch trên và nói rằng điều này sẽ dẫn đến kết quả là hàng ngàn người sẽ rơi vào "tình trạng lấp lửng vĩnh viễn".

Thủ tướng Rishi Sunak, người coi việc "dừng tàu thuyền" là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, nói với tờ Mail on Sunday: "Đừng mắc sai lầm, nếu đến đây bất hợp pháp, bạn sẽ không thể ở lại."

Luật mới sẽ đặt nhiệm vụ cho Bộ trưởng Nội vụ là phải đưa bất kỳ ai đến Anh bằng thuyền nhỏ đến Rwanda hoặc một nước thứ ba "an toàn" nào đó, "ngay khi có thể thực hiện được một cách hợp lý" và cấm họ không bao giờ được quay trở lại Anh.

Hiện tại, những người xin tị nạn khi đến Anh có quyền xin được bảo vệ theo Công ước về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc và Công ước về Nhân quyền của Châu Âu.

Nhưng tờ Mail on Sunday cho biết một điều khoản trong Dự luật Di cư Bất hợp pháp dự kiến sẽ áp dụng "ngưng chặn các quyền" theo đó cho phép chính phủ can thiệp vào các công ước một cách hiệu quả.

Chính phủ từ lâu đã cố gắng giải quyết tình trạng số lượng người xin tị nạn vượt biên nguy hiểm từ Pháp sang Anh tăng cao.

Tuy nhiên, không rõ chính phủ đang đề xuất chính xác những gì để hạn chế quyền của người xin tị nạn.

Việc thực hiện cam kết trục xuất người xin tị nạn cũng không phải là chuyện đơn giản.

Tuy đã đạt thỏa thuận vào năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có một di dân nào được đưa đến Rwanda, và mọi kế hoạch nhằm triển khai việc này hiện đều đang tạm ngưng. Anh cũng không có thỏa thuận 'trả người' cho EU.

Kế hoạch Rwanda vẫn chưa được triển khai sau khi vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà vận động và sự can thiệp của pháp luật.

Tuy nhiên, vào tháng 12, Tòa Thượng thẩm ra phán quyết theo đó nói kế hoạch này không vi phạm Công ước về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Quyết định của tòa đang phải đối mặt với những khiếu nại tiếp theo tại các tòa án, với phiên điều trần sơ bộ dự kiến sẽ diễn ra ​​vào hôm thứ Hai tại Tòa Phúc thẩm.

Hội đồng Người tị nạn đã cáo buộc các bộ trưởng phá vỡ cam kết lâu nay của Anh theo Công ước Liên Hiệp Quốc trong việc trao cho mọi người quyền có phiên trình bày một cách công bằng, bất kể họ đến Anh theo cách nào.

Giám đốc điều hành Enver Solomon cho biết luật "thiếu sót" sẽ không ngăn chặn được những chiếc thuyền mà còn dẫn đến việc hàng chục nghìn người bị giam giữ với chi phí rất lớn, vĩnh viễn trong tình trạng lấp lửng và bị coi như tội phạm chỉ vì họ muốn tìm nơi ẩn náu.

"Điều đó không khả thi, tốn kém và sẽ không ngăn được các con thuyền," ông nói.

Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, người sẽ trình bày các luật mới, nói với tờ The Sun on Sunday rằng "con đường duy nhất để đến Vương quốc Anh phải là con đường an toàn và hợp pháp".

Bộ Nội vụ cho biết có một số con đường "an toàn và hợp pháp" để đến Anh. Tuy nhiên, một số chỉ dành cho những người đến từ các quốc gia nhất định như Afghanistan và Ukraine, hoặc cho những người có quốc tịch Anh hải ngoại ở Hong Kong.

Các tuyến đường tị nạn khác chỉ chấp nhận một số lượng người tị nạn hạn chế với những tiêu chí rõ ràng.

Bộ trưởng Bắc Ireland của chính phủ, Chris Heaton-Harris, nói với chương trình 'Chủ nhật với Laura Kuenssberg' của BBC rằng luật mới chỉ là một phần trong cách ứng phó của Anh, đồng thời nói thêm: "Chúng tôi cần có đầy đủ mọi vũ khí trong tay để nỗ lực ngăn chặn cả nạn buôn người lẫn nạn di dân bất hợp pháp qua eo biển với Pháp."

Kế hoạch 'vô đạo đức'

Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải nhiều phản đối mạnh mẽ.

Một số gương mặt thuộc đảng Lao động đối lập nói rằng các biện pháp mới là không khả thi, khó được Quốc hội thông qua và cũng sẽ không nhận được sự hậu thuẫn từ Pháp.

Trong lúc đó, đảng Tự do Dân chủ gọi kế hoạch này là "vô đạo đức, không hiệu quả và cực kỳ tốn kém cho người dân đóng thuế trong khi không làm gì để ngăn chặn những chuyến vượt biển trên những chiếc thuyền nhỏ".

Freedom from Torture, một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ người xin tị nạn, gọi các đề xuất này là "có tính báo thù và rối loạn chức năng".

Chính phủ Anh từng nói kế hoạch đưa người xin tị nạn đi Rwanda sẽ khiến di dân chùn bước, không băng qua eo biển nữa, nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy điều đó đã xảy ra.

Vào năm 2022, đã có 45.756 di dân vượt qua Eo biển La Manche để đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ, theo số liệu của chính phủ mà BBC thu thập, đối chiếu.

Đó là con số cao nhất kể từ khi tình trạng này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2018.

Số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy 2.953 người đã vượt qua eo biển bằng cách này trong năm nay, khởi hành từ nhiều quốc gia bao gồm Albania, Iran, Iraq, Afghanistan và Syria.

Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu, hơn một năm qua, có những người Việt từ VN qua ngả châu Âu vẫn tìm cách vào Anh bằng đường biển, bất chấp hiểm nguy.

(Nguồn: BBC)

Phần Lan 'thức tỉnh' trước sự phụ thuộc vào Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Theo mạng tin châu Âu EURACTIV.com ngày 6/3, một nghiên cứu mới cho biết, đã đến lúc Phần Lan đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng để thoát khỏi phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, mặc dù việc tìm kiếm các giải pháp thay thế là khó khăn.

Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về máy móc, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm gia dụng khác. Thống kê từ Hải quan Phần Lan cho thấy gần 2/3 máy tính xách tay và gần 50% điện thoại được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phần Lan về các nền kinh tế mới nổi (BOFIT), sự phụ thuộc của Phần Lan vào Trung Quốc mạnh đến mức các công ty thương mại và điện tử của Phần Lan sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề do sự gián đoạn nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Trong một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Phần Lan, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Thương mại Quốc tế Nina Vaskunlahti khuyến khích các công ty tiếp tục đánh giá nguy cơ gián đoạn thương mại liên quan đến chuỗi cung ứng.

Khi trả lời phỏng vấn tờ YLE, bà Vaskunlahti cho biết đã đến lúc xem xét tình hình và tổ chức đàm phán về tác động của Trung Quốc đối với Phần Lan - ngay cả khi không có khoản đầu tư đáng kể nào của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng Phần Lan cũng như mối liên hệ trực tiếp giữa lĩnh vực tài chính của Phần Lan và Trung Quốc là ở mức vừa phải.

Theo bà Vaskunlahti, Phần Lan nên đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài càng nhiều càng tốt để trở nên tự cung tự cấp hơn và tăng sản xuất trong nước, bao gồm cả các linh kiện. Tuy nhiên, bà Vaskunlahti cũng cho rằng Phần Lan cần tiếp tục mở cửa cho thương mại và hợp tác toàn cầu.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang