Giá café tiếp đà lao dốc; Vay tiền, trả nợ trước hạn bị làm khó; Đại gia công nghệ lùi bước chờ thời; Môi giới BĐS rầm rộ trở lại

ĐÀ LAO DỐC CỦA GIÁ CAFÉ CHƯA NGỪNG LẠI

Đà lao dốc của giá cà phê trên sàn giao dịch quốc tế và tại Việt Nam vẫn chưa ngừng lại. Loại hạt thế mạnh của nước ta đã “bốc hơi” 39.000 đồng 1kg chỉ trong vòng một tuần, về mốc 95.700 đồng/kg.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tạo - người trồng cà phê ở Đắk Mil (Đắk Nông) - cho biết, giá loại hạt này rớt còn 95.200 đồng/kg. Cũng may, ông bán hết sạch cà phê nhân lúc giá lên 121.000 đồng/kg.

“Nhiều nông dân ở vùng này ôm hàng với hy vọng giá tăng cao hơn nữa. Khi giá vọt lên trên 134.000 đồng/kg vẫn chưa chịu bán. Ai cũng không ngờ giá quay đầu giảm mạnh”, ông nói.

Sau khi giá cà phê vào đà giảm, ông Tạo cho hay, hoạt động mua bán chững lại. Các đại lý không dám mua, doanh nghiệp cũng chỉ vào lượng nhỏ hàng vì đều ngóng giá, sợ sẽ rớt thêm.

Trong phiên giao dịch ngày 8/5, giá Robusta trên sàn London giao tháng 7/2024 tiếp đà giảm thêm 163 USD, về mốc 3.378 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 9/2024 giảm mạnh 165 USD, về ngưỡng 3.305 USD/tấn.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân cũng tiếp đà giảm mạnh, xuống còn 95.000-96.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, giá cà phê bắt đầu lao dốc sau kỳ nghỉ lễ vừa qua với biên độ lớn. Cụ thể, ngày 1/5, giá cà phê chỉ giảm 1.200 đồng/kg; ngày 2/5 giảm 2.500 đồng/kg; sang đến ngày 3/5 giá giảm sốc 12.500 đồng/kg; ngày 4/5 thị trường ghi nhận mức giảm kỷ lục 15.300 đồng/kg.

Ngày 5/5 tiếp đà giảm 2.000 đồng/kg; đến ngày 6/5 chỉ giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, song loại hạt này chính thức mất mốc 100.000 đồng/kg. Ngày 7/5 giá ổn định nhưng đến hôm 8/5 lại giảm 4.800 đồng/kg.

Như vậy, chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê từ đỉnh 134.400 đồng rơi xuống còn 95.700 đồng/kg, tức “bốc hơi” gần 39.000 đồng, tương đương giảm 28,5%.

Theo các chuyên gia, giá cà phê lao dốc trong những ngày qua do điều tiết theo thị trường thế giới. Ngoài ra, tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, “mưa vàng” đã xuất hiện khiến tâm lý mất mùa được giải tỏa.

Tuy nhiên, cú lao dốc bất ngờ của giá cà phê làm cho túi tiền của bà con nông dân còn ôm hàng cũng “bốc hơi” khoảng 39 triệu đồng/tấn so với lúc giá đỉnh.

Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý II/2024 sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng.

Hiện ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh. Ước tính, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt mức 3.791 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.402 USD/tấn, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các tháng còn lại của quý II/2024, giá cà phê thế giới sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Thị trường tiêu dùng cà phê châu Âu biến động do sự mất cân bằng cung - cầu từ Việt Nam, sau khi sản lượng cà phê Robusta thấp hơn mức trung bình trong niên vụ cà phê 2022-2023, ước đạt 28,5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.

Ngoài ra, thế giới phụ thuộc khá nhiều vào lượng cà phê có chất lượng cao từ Brazil hàng năm. Do đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi sẽ có khả năng gây thêm biến động đối với thị trường cà phê trong ngắn và trung hạn.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê nhận định, thời gian tới, giá cà phê còn giảm nhưng khó về dưới 70.000 đồng/kg. Hiện người trồng cà phê ở nước ta vẫn hưởng lợi lớn khi giá cà phê neo ở mức cao.

VAY TIỀN, TRẢ NỢ TRƯỚC HẠN GẶP KHÓ

Những trường hợp khách vay bị trì hoãn thanh lý khoản vay trước hạn có thể là cá biệt, không phải đa số

Sau bài "Cho vay mua nhà vẫn khó", một số bạn đọc đã phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc họ gặp khó khăn khi muốn trả nợ ngân hàng (NH) trước hạn.

Đóng phí phạt, vẫn không được tất toán

Chị Lê Anh (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết cuối năm 2022, chị có vay mua nhà tại một NH ở TP HCM. Lãi suất thời điểm đó lên tới 15,4%/năm. Sau hơn 1 năm, lãi suất cho vay trên thị trường giảm mạnh nhưng chị vẫn phải trả lãi tới 14,9%/năm. Cuối năm 2023, chị Anh quyết định liên hệ NH để làm thủ tục tất toán khoản vay.

"Tuy nhiên, suốt 3 tháng đầu năm 2024, tôi liên hệ cán bộ tín dụng NH này nhiều lần nhưng không được xử lý. Nhân viên này liên tục hứa hẹn, thậm chí xin... khất, dời việc thanh lý khoản vay sang thời gian khác.

Tới đầu tháng 4, sau khi tôi đã hoàn tất mọi thủ tục, đóng phí phạt trả nợ trước hạn, cán bộ tín dụng vẫn tiếp tục báo "chờ duyệt". Phải hơn một tuần sau, khi tôi làm căng, đòi liên hệ trực tiếp với hội sở, chi nhánh NH này mới xử lý tất toán khoản vay" - chị Anh kể.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh (ngụ tỉnh Gia Lai) có khoản vay mua nhà dự án ở TP Quy Nhơn (Bình Định) để kinh doanh du lịch, tại một NH có trụ sở ở Hà Nội hơn 2 năm nay. Do việc kinh doanh không hiệu quả mà vẫn phải trả lãi vay NH hằng tháng, gần đây chị quyết định tất toán khoản vay.

"Tôi đồng ý đóng phí trả nợ trước hạn và thống nhất các thủ tục hồ sơ theo yêu cầu nhưng gần 2 tuần sau, cán bộ tín dụng vẫn chần chừ không làm hồ sơ, cũng không thông báo rõ lý do. Đến khi tôi nói không tất toán sẽ phản ánh tới NH Nhà nước, cán bộ tín dụng đó mới nói sẽ thanh lý. Vậy có phải làm khó khách vay?" - chị Thanh đặt vấn đề.

Còn anh Ngọc Minh (ngụ quận 7, TP HCM) kể khoản vay mua nhà với dư nợ 2,5 tỉ đồng của anh đã trả được 4 năm. Đến đầu năm 2024, gia đình thay đổi kế hoạch nên quyết định tất toán khoản vay, rao bán căn nhà.

"Tôi đồng ý trả toàn bộ số tiền vay và các khoản lãi phát sinh, lãi phạt nhưng NH không thông báo khi nào mới nộp tiền và nhận lại tài sản thế chấp. Gần 2 tuần tôi chờ đợi không rõ lý do, trong khi đã có khách mua nhà và hẹn thời gian ra công chứng hợp đồng mua bán" - anh Minh bức xúc.

Trong khi đó, một số NH sau khi biết khách muốn thanh lý khoản vay để chuyển sang vay NH khác có lãi suất thấp hơn, đã kiếm cớ trì hoãn hoặc đề nghị khách hàng tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng và hứa sẽ giảm mạnh lãi vay.

Coi chừng tác dụng ngược

Chuyên gia tài chính NH, TS Châu Đình Linh phân tích nguyên nhân khiến các NH trì hoãn khi có khách trả nợ sớm, là do khi khách hàng trả nợ trước hạn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, dư nợ cho vay trung dài hạn của NH.

Khi đó, NH sẽ phải tìm kiếm khách hàng mới để cho vay tránh ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận. Nhưng khi khách hàng vay mới, lãi suất sẽ thấp hơn khách cũ nên việc NH không muốn khách trả nợ trước hạn là dễ hiểu.

"Gần đây, nhiều NH đẩy mạnh cho vay trả nợ NH khác với lãi suất ưu đãi, đã làm tăng sự cạnh tranh giữa các NH trong cho vay mua nhà. Không chỉ nguồn thu tín dụng sụt giảm mà NH còn bị thiệt hại từ những sản phẩm dịch vụ khác sau khi khách hàng tất toán khoản vay. Vì vậy, nhân viên tín dụng thường cố gắng thuyết phục khách hàng duy trì khoản vay cũ. Việc này nếu không khéo sẽ bị cho là "làm khó" hoặc bị tác dụng ngược" - TS Châu Đình Linh nói.

Đại diện một NH cổ phần trụ sở tại Hà Nội cho rằng những trường hợp khách vay bị trì hoãn thanh lý khoản vay trước hạn có thể là cá biệt, không phải đa số. Vì quy định của NH nếu hồ sơ thủ tục của khách hàng đúng quy định thì cán bộ tín dụng phải tất toán khoản vay cho khách hàng. Việc "làm khó" có thể do áp lực từ cán bộ tín dụng về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Giám đốc chi nhánh một NH cổ phần ở TP HCM thừa nhận cạnh tranh giữa các NH trong giữ chân khách vay đang rất gay gắt, nhất là từ khi nhiều NH triển khai cho vay trả nợ NH khác với lãi suất thấp hơn nhiều. "Có thể cán bộ tín dụng sợ khách hàng tất toán chuyển qua NH khác vay với lãi suất thấp hơn nên chần chừ thanh lý hợp đồng vay" - giám đốc chi nhánh NH này nói.

ĐẠI GIA CÔNG NGHỆ LÙI BƯỚC CHỜ THỜI, CHƯA THEO BƯỚC TỶ PHÚ GIÀU NHẤT

Kéo dài chuỗi ngày thua lỗ

CTCP VNG (mã: VNZ) của Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều nét giống các quý trước đó. Doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn khá tốt, tăng khá mạnh trong quý đầu năm nhưng chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lớn và lỗ trong công ty liên kết, qua đó khiến VNG lỗ sau thuế.

Trong quý I/2024, VNG ghi nhận doanh thu tăng khá mạnh từ mức 1.852 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 2.259 tỷ đồng. VNG lỗ gần 31,4 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 90 tỷ đồng trong quý I/2023, ghi nhận quý lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, VNG vẫn được xem là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và là “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam.

Trên thực tế, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNG (tiền thân là Vinagame) là khá ấn tượng, với hơn 884 tỷ đồng sau khi kết thúc 3 tháng đầu năm, cao hơn con số 847 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. VNG hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng hiện có doanh thu lớn vẫn đến từ mảng game.

Chi phí bán hàng vẫn là khoản chi lớn của doanh nghiệp gắn với tên ông Lê Hồng Minh, với gần 485 tỷ đồng trong kỳ. VNZ cho biết, việc thúc đẩy hoạt động quảng cáo với các sản phẩm mới khiến chi phí cao, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Tới cuối quý I, tài sản của VNZ tăng 14% so với đầu năm, lên gần 11 nghìn tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền khá cao 4.600 tỷ đồng, tăng nhiều so với mức gần 3.970 tỷ đồng hồi đầu năm.

VNG đầu tư vào các công ty liên kết và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác rất nhiều, nhưng một tỷ lệ lớn bị mất vốn.

Cụ thể, tới cuối tháng 3/2024, VNG có tổng các khoản đầu tư vào các công ty liên kết lên tới hơn 1.992 tỷ đồng nhưng lỗ gần 1.023 tỷ đồng, chỉ còn lại 969 tỷ đồng. Trong đó, có các khoản mất trắng như 510 tỷ đồng vào Tiki Global, 33 tỷ đồng vào Rocketeer, 35 tỷ đồng vào Beijing Youtu.

Tổng các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác đạt gần 296 tỷ đồng tính tới cuối tháng 3/2024, nhưng phải dự phòng hơn 95 tỷ đồng.

Tới cuối quý I/2204, VNG ghi nhận tổng nợ phải trả là 7.528 tỷ đồng, tăng so với mức 6.784 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn là 1.330 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số 865 tỷ đồng hồi cuối năm 2023) và vay dài hạn là 577 tỷ đồng (giảm nhẹ).

Vốn chủ sở hữu tăng từ mức 2.810 tỷ đồng lên 3.370 tỷ đồng.

Trước đó, lũy kế cả năm 2023, VNG lỗ hơn 756 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 1.533 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là năm thứ 3 liên tiếp VNG của ông Lê Hồng Minh thua lỗ. VNG ghi nhận thua lỗ nặng từ đầu tư liên kết.

Ông lớn công nghệ chưa niêm yết Mỹ, tập trung vào mảng thanh toán

Bên cạnh mảng game truyền thống, VNG đang tập trung rất mạnh vào nền tảng thanh toán trung gian Zalopay thông qua khoản đầu tư vào CTCP Zion. Trong quý I, VNG rót thêm hơn 190 tỷ đồng vào các công ty con, nâng tổng đồng tư lên 5.028 tỷ đồng. Nhưng VNG phải trích lập dự phòng gần 3.787 tỷ đồng.

Riêng sở hữu tại Zion tăng lên 73,75%, tương đương 3.550 tỷ đồng. Riêng dự phòng cho Zion có thể lên tới 2.300 tỷ đồng. Tới cuối 2023, VNG tăng sở hữu tại Zion từ mức gần 70% hồi đầu năm lên hơn 72,65%, tương ứng gần 3.365 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, thu từ dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn áp đảo, với hơn 1.722 tỷ đồng (trong tổng 2.259 tỷ đồng) và gia tăng mạnh so với con số 1.374 đồng cùng kỳ năm trước. Dịch vụ quảng cáo mang về gần 205 tỷ đồng. Dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet tăng vọt từ mức 203 tỷ đồng cùng kỳ lên gần 297 tỷ đồng.

Như vậy, VNG vẫn dựa chính vào mảng game trực tuyến và đang đẩy mạnh doanh thu từ mảng dịch vụ giá trị gia tăng. Zalopay được xem là mảng chiến lược của ông lớn công nghệ này.

VNG được xem là kỳ lân công nghệ của Việt Nam với quy mô vốn hóa có lúc đã lên ngưỡng một vài tỷ USD. Doanh nghiệp này có mạng xã hội Zalo nổi tiếng ở thị trường trong nước và đang bơm mạnh tiếp cho nền tảng thanh toán di động ZaloPay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của CEO Lê Hồng Minh cũng đã hoàn thành dự án xây dựng VNG Data Center.

Dù là ông lớn công nghệ nhưng VNG vẫn chưa thể bứt phá. Doanh nghiệp này không hoàn thành mục tiêu giảm lỗ trong năm 2023 và không thực hiện được kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ để có thể hút vốn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Trên thực tế, trong năm 2023, VNG đã rất sốt sắng niêm yết quốc tế sau khi hãng ô tô điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ. Tuy nhiên, sau đó ông lớn công nghệ VNG đã rút hồ sơ IPO tại Mỹ.

Trước đó, VNG đã đặt mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD trong năm 2023 với đợt phát hành ra công chúng (IPO) tại Mỹ thông qua VNG Limited. VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023. Cổ đông chi phối VNG Limited dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.

Doanh nghiệp của ông Lê Hồng Minh quyết định sẽ không tiến hành IPO và cũng chưa cung cấp bất kỳ khoảng thời gian sẽ tiến hành lại quá trình IPO hay lý do cho việc rút hồ sơ nói trên.

Cho dù không giải thích nhưng thị trường chứng khoán thế giới gần đây không mặn mà với các đợt IPO, kể cả của các hãng công nghệ truyền thống, trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tập đoàn tài chính lớn rút về thế phòng thủ. Dòng tiền gần đây chỉ đổ vào các hãng có phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trước đó, hãng xe điện VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã phải hủy bỏ phương án IPO và chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq của Mỹ hồi tháng 8/2023 thông qua hình thức hợp nhất với công ty SPAC Black Spade Acquisition Co.

Câu chuyện ra biển lớn đối với VNG dường như chưa chín muồi. Ông Lê Hồng Minh sau đó cũng đã có chia sẻ rằng, các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với các đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á.

Theo một đánh giá mới đây của Tech in Asia, tốc độ tăng trưởng của VNG đã chậm lại trong những năm gần đây và hoạt động kinh doanh công nghệ-tài chính (fintech) của công ty đã trở thành rào cản lớn trong việc tăng trưởng lợi nhuận.

Về cơ cấu cổ đông, 2 ông lớn công nghệ của Trung Quốc là Tencent và Ant Group cùng với quỹ đầu tư GIC của Singapore đang nắm giữ số lượng cổ phân áp đảo tại VNG Limited. Trong khi VNG Limited sở hữu 49% tại “kỳ lân” VNG Corporation của Việt Nam.

Những kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam được quốc tế để mắt, gọi tên“Kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam. Đây là dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN RẦM RỘ TRỞ LẠI, SẴN SÀNG CHU KỲ MỚI

Báo cáo thị trường tháng 4/2024 của DXS - FERI chỉ ra, số lượng doanh nghiệp đặng ký mới giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023 (đạt 98,7%) nhưng số doanh nghiệp quay lại hoạt động ghi nhận tăng (22%) cho thấy các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho một chu kỳ mới.

Dữ liệu từ đơn vị này cho thấy, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng về số lao động mới tham gia vào ngành bất động sản, phần lớn là nhân viên kinh doanh.

Cụ thể, số lượng nhân viên kinh doanh quay trở lại ngành tiếp tục tăng nhanh, ước tính đạt khoảng 20 -30% so với cùng kỳ.

Số vốn đăng ký mới tăng đến 60% so với cùng kỳ 2023 (đạt hơn 112.400 tỷ đồng) dù số doanh nghiệp đăng ký mới giảm. Các doanh nghiệp vẫn đang trên đà quay lại thị trường với các chiến lược lâu dài hơn bằng sự chuẩn bị kỹ càng về nội lực.

Cùng với đó, các chủ đầu tư tự tin đặt ra các mục tiêu rất cao về doanh thu (cao nhất đạt 120.000 tỷ đồng) và mức tăng trưởng lợi nhuận (cao nhất đạt >900%) cũng như các kế hoạch tăng vốn để triển khai các dự án trong năm 2024.

Theo đại diện DXS - FERI, đa phần chủ đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường, và doanh thu kế hoạch 2024 chủ yếu đến từ hoạt động mở bán mới các dự án bất động sản nhà ở.

Chia sẻ về nguồn cầu thị trường nhà ở trong tháng 4/2024, đơn vị này cho biết, tỉ lệ hấp thụ nguồn cung mới có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng thị trường miền Bắc đạt mức bình quân lên đến 60-65%. Trong khi thị trường phía Nam ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt từ các giỏ hàng đã mở bán trong các giai đoạn trước lẫn các dự án mới.

Về giá có sự tăng giá ở phân khúc căn hộ, bao gồm cả rổ hàng mới lẫn dự án tiếp theo. Giá bán ở các phân khúc khác tương đối ổn định do nguồn cung mới ở các phân khúc này chưa có sự thay đổi đáng kể.

Về chính sách bán hàng, do giá mở bán các dự án mới đang ở mức khá hợp lý nên các chính sách bán hàng hiện tại được các CĐT tung ra ở mức cơ bản, chủ yếu dành cho các khách hàng đặt booking sớm, mua sỉ hoặc các chương trình chiết khấu, quà tặng trực tiếp tại các sự kiện mở bán...

Cũng theo đại diện DXS-FERI, niềm tin thị trường đã có sự cải thiện. Đi đầu bằng việc các CĐT mạnh dạn đưa ra mục tiêu doanh thu cao và kế hoạch triển khai hàng loạt dự án mới. Thị trường cũng phản hồi tích cực hơn khi các dự án mở bán mới lẫn các dự án đang được truyền thông đều nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng và các nhà đầu tư. Hầu hết các bên đều tin rằng thị trường đã bước qua vùng đáy.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; Việt Nam; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang