EU: Công nghiệp lãnh đòn; Tham vọng năng lượng xanh; Hung tin từ đối tác; TBN cấm đấu bò người lùn; Giáo viên Bỉ tuần hành

Ngành công nghiệp EU đang lãnh đòn của chính mình

(Ảnh minh họa).

Các quy luật đơn giản nhất của thị trường không thể bị bãi bỏ hoặc thay đổi, ngay cả bởi ý chí của các siêu cường mạnh nhất thế giới.

Một sản phẩm rẻ hơn với chất lượng phù hợp sẽ tìm được đường đến tay khách hàng, bất kể việc lưu thông bị cấm hoặc bị rút khỏi phiên đấu giá do nỗ lực hạn chế giá.

Sản phẩm bán chạy "không khoan nhượng" như vậy chính là dầu của Nga khi có chất lượng cao, nhưng được bán với mức chiết khấu ấn tượng do lệnh trừng phạt của phương Tây. Tất cả điều này đang tác động trở lại châu Âu, tấn công ngành công nghiệp của EU.

Theo hãng tin Anh Reuters, các nhà máy lọc dầu tại Cựu lục địa đã mất đi lợi nhuận đáng kể, vì châu Á - nơi gần như chuyển hoàn toàn sang nguyên liệu thô của Nga, đang "tràn ngập" châu Âu bằng nhiên liệu diesel theo đúng nghĩa đen.

Các nhà máy lọc dầu địa phương không thể cạnh tranh với sản phẩm từ những nhà cung cấp nước ngoài và lợi nhuận của họ đã giảm tới gần một nửa.

Vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi ngoài châu Á, nguyên liệu thô từ Liên bang Nga (cả dầu thô và sản phẩm tinh chế) vẫn được cung cấp thông qua các trung tâm hàng hóa toàn cầu đến châu Âu.

Các thương nhân EU và những nhà máy lọc dầu trong khu vực chỉ đơn giản là không có việc làm: sản phẩm giá rẻ, cùng với khối lượng khổng lồ, không để lại cơ hội cho các nhà sản xuất phương Tây.

Biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu châu Âu đối với nhiên liệu diesel đã giảm xuống còn 13 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2022, theo Reuters.

Đồng thời, lợi nhuận từ việc xử lý dầu Brent Biển Bắc chuẩn đã giảm 71% xuống còn 3,56 USD/thùng trong tháng Tư.

Đương nhiên, việc mất nguồn cung từ Liên bang Nga, nơi cơ sở hạ tầng được xây dựng trong nhiều năm cũng tạo ra một vấn đề khác: thiếu dầu chua vừa với hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Mọi hy vọng về một giải pháp thay thế đã tan thành mây khói khi các nhà máy lọc dầu châu Âu phụ thuộc vào dầu từ Kurdistan không có hàng do nguồn cung chưa được nối lại từ cuối tháng 3, khi Iraq buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng vận chuyển dầu của người Kurd thông qua trọng tài phân xử mà không có thỏa thuận.

Ngành công nghiệp EU đang chịu đòn kép tàn khốc từ các biện pháp trừng phạt của chính mình và nguyên liệu thô đã trở thành công cụ trừng phạt cho những hành động hấp tấp.

Kết quả là mọi thứ mà Brussels làm để khiến Mỹ hài lòng đều chống lại chính họ. Không thể sống trong một thế giới cô lập của chứng sợ Nga, vi phạm mọi quy luật thương mại và kinh doanh và mong không phải chịu phản ứng “chính đáng” từ thị trường toàn cầu dưới hình thức thiệt hại.

Tuy nhiên Liên minh châu Âu bị nhận xét vẫn tiếp tục cố gắng làm điều này khi đi vào vết xe đổ của một trải nghiệm tiêu cực mà họ đã biết từ lâu.

Nguồn: Soha)

Châu Âu với tham vọng biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới

Các lãnh đạo châu Âu giờ đây tuyệt nhiên không muốn miếng bánh to nhất trong đại dự án 800 tỷ euro xây dựng nền tảng năng lượng xanh cho châu Âu lại rơi vào tay các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ.

Tham vọng biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới

Trong bản Tuyên bố chung được lãnh đạo 9 quốc gia ven Biển Bắc ký và công bố đầu tuần này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, châu Âu sẽ xây dựng được một mạng lưới điện gió trên Biển Bắc có công suất 120 GW và đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 300 GW. Đây là một mục tiêu cực kỳ tham vọng, như đánh giá của Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo thì đây là các dự án lớn nhất trong cả một thế hệ và lớn hơn bất cứ một dự án nào ở tầm quốc gia.

Để so sánh và hình dung được quy mô cực kỳ lớn của đại dự án năng lượng xanh này thì có một con số như sau: tổng công suất các dự án điện gió của các nước Tây - Bắc Âu hiện nay trên Biển Bắc chỉ là 25 GW/năm. Điều này đồng nghĩa với việc 9 nước châu Âu cần phải tăng gấp gần 5 lần sản lượng điện gió trong 7 năm tới, và gấp 12 lần trong 30 năm tới. Đây là thách thức rất lớn, cả về kinh tế, kỹ thuật lẫn thời gian với các nước châu Âu.

Trong số các nước tham gia vào Thượng đỉnh Biển Bắc đầu tuần này tại thành phố Ostend của Bỉ, Anh là một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực điện gió nhưng hiện cũng chỉ có sản lượng điện gió 12 GW/năm nhờ 45 trang trại điện gió. Đức có 30 trang trại điện gió với sản lượng 8 GW/năm, tiếp đến là Hà Lan với 2,8 GW/năm, Đan Mạch và Bỉ cùng sản xuất được 2,3 GW/năm. Các con số này cho thấy, để đạt được mục tiêu nhân gấp gần 5 lần sản lượng điện gió từ nay đến năm 2030, các nước châu Âu cần phải dồn các nguồn lực khổng lồ về kinh tế và triển khai với tốc độ rất nhanh chóng thì mới có thể bắt kịp với tiến độ đã đề ra.

Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư là cực kỳ lớn, như nước Pháp đã đặt mục tiêu đầu tư đến 40 tỷ euro từ nay đến năm 2050 để có thể đạt mục tiêu sản xuất được 40 GW điện gió vào giữa thế kỷ này. Nếu tính toàn bộ châu Âu, số tiền cần chi ra có thể lên tới 800 tỷ euro và đây sẽ là đại dự án chung tốn kém nhất trong lịch sử châu Âu. Tất nhiên, nếu hoàn thành được tất cả các mục tiêu đã đặt ra thì Biển Bắc sẽ trở thành trang trại điện gió lớn nhất thế giới, ít nhất là dựa trên những dự án đã được công bố đến thời điểm này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng đã và đang triển khai những đại dự án lớn về điện gió trên biển, trong đó Trung Quốc tiến rất nhanh. Gần 1 nửa sản lượng điện gió trên thế giới hiện nay do Trung Quốc sản xuất và Trung Quốc cũng đang có rất nhiều ưu thế trong việc sản xuất các tua-bin khổng lồ dùng cho các trang trại điện gió trên biển.

Châu Âu từng bước tự chủ về năng lượng?

Nếu các nước châu Âu đạt được mục tiêu đến năm 2050 sản xuất được 300 GW/năm nhờ các trang trại điện gió trên Biển Bắc thì sản lượng điện gió này sẽ đủ để cung cấp cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu, tức gần 3/4 dân số châu Âu. Đây sẽ là bước tiến cực kỳ lớn của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như chuyển đổi mô hình kinh tế xanh.

Thực tế, an ninh là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong đại dự án này. Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đổ vỡ quan hệ năng lượng tồn tại nhiều thập kỷ qua giữa châu Âu và Nga, buộc các nước châu Âu phải thay đổi toàn bộ chiến lược năng lượng, không chỉ là tìm nguồn thay thế cho khí đốt, dầu mỏ của Nga mà còn phải đầu tư toàn diện vào các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, bởi đây là các nguồn năng lượng duy nhất mà châu Âu có thể tự chủ, không phụ thuộc vào bên ngoài.

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, châu Âu đã có ý thức về vấn đề này nhưng chưa thực sự bị đẩy vào tình thế cấp bách. Tuy nhiên, hiện tại châu Âu không thể trì hoãn thêm nữa bởi ngay cả khi tìm được các nguồn cung thay thế cho năng lượng Nga thì châu Âu vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các đối tác khác, dưới một hình thức khác. Ví dụ rõ nhất là việc châu Âu đã thay khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí tự nhiên hoá lỏng giá đắt hơn gấp nhiều lần từ Mỹ nên về mặt chiến lược lâu dài, châu Âu không thể hài lòng với việc chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào Nga nhưng lại chuyển qua phụ thuộc vào Mỹ, phải gánh vác chi phí năng lượng quá cao, dẫn tới việc đe doạ mức sống của người dân và triệt tiêu năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp châu Âu.

Do đó, đối với châu Âu, việc cấp tốc đẩy nhanh các ngành năng lượng xanh là bài toán an ninh mang tính sống còn, không chỉ về năng lượng mà còn về kinh tế, về sự tự chủ của châu Âu.

Về tổng thể, các mục tiêu năng lượng xanh này cũng nằm trong lộ trình chuyển đổi năng lượng mà châu Âu đã đặt ra từ năm 2019, đó là dần chấm dứt các nguồn năng lượng hoá thạch, thay bằng năng lượng tái tạo, hướng đến năm 2050 sẽ đạt mức trung hoà carbon trên toàn khối. Các tham vọng này đã được cụ thể hoá bằng Hiệp định Xanh (Green Pact) mà Uỷ ban châu Âu công bố từ 2 năm trước và sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với Chiến lược công nghiệp Xanh mà châu Âu sắp công khai chi tiết.

Những trở ngại của châu Âu trong đại dự án 800 tỷ euro

800 tỷ euro là một con số khổng lồ. Để so sánh, các nước EU đã phải tranh cãi gay gắt hồi năm 2021 mới có thể thông qua được gói phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro. Do đó, mặc dù đại dự án này kéo dài vài thập kỷ nhưng để thu xếp được khoản đầu tư này một cách lâu dài và ổn định, các nước châu Âu sẽ cần phải vượt qua rất nhiều trở ngại.

Về mặt kỹ thuật, châu Âu cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Hiệp hội các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện gió châu Âu là WindEurope cho biết, hiện nay các nước châu Âu mỗi năm chỉ gia tăng thêm được 7 GW điện gió trong khi để đạt được tham vọng đề ra thì mỗi năm cần thêm được ít nhất 20 GW điện gió ở Biển Bắc.

Điểm nghẽn ở đây là châu Âu vẫn chưa thực sự làm chủ được các công nghệ quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong việc sản xuất các tua-bin dùng cho các cột điện gió trên biển. Đây cũng chính là một trong những nội dung trọng tâm được lãnh đạo 9 nước châu Âu thảo luận tại Thượng đỉnh Biển Bắc vừa qua, đó là phải thống nhất các quy chuẩn kỹ thuật giữa các nước, để sau khi các trang trại điện gió ngoài khơi được đồng loạt xây dựng trên Biển Bắc thì châu Âu có thể tạo dựng, kết nối tất cả các trang trại này thành một mạng lưới điện thống nhất.

Khía cạnh khác cũng cực kỳ quan trọng là tất cả các quy trình kỹ thuật này phải do các công ty châu Âu đảm nhiệm. Đây là cảnh báo được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với bài học trong quá khứ là châu Âu từng đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nhưng rồi sau đó lại đánh mất thế mạnh vào các đối thủ khác, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, để rồi giờ đây phần lớn nhu cầu pin năng lượng mặt trời châu Âu là phải nhập từ Trung Quốc.

Các lãnh đạo châu Âu giờ đây tuyệt nhiên không muốn miếng bánh to nhất trong đại dự án 800 tỷ euro xây dựng nền tảng năng lượng xanh cho châu Âu lại rơi vào tay các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ. Chắc chắn vấn đề này sẽ được Uỷ ban châu Âu đưa vào trong chi tiết của bản Kế hoạch công nghiệp Xanh sắp tới, một kế hoạch sẽ mang nặng tính bảo hộ của châu Âu, nhằm đối trọng với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ hay các chính sách tương tự từ Trung Quốc.

Nguồn: VOV)

Chưa kịp mừng vì khiến doanh thu dầu mỏ của Nga sụt giảm, châu Âu bất ngờ nhận hung tin từ các đối tác từng hứa hẹn trở thành nguồn cung thay Nga

(Ảnh minh họa).

Các nguồn cung tiềm năng thay thế Nga đang khiến EU một lần nữa "khóc dở, mếu dở".

Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, châu Âu đã mạnh tay trừng phạt dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga bằng đường biển. Các nhà máy lọc dầu của châu Âu vẫn vận hành tốt dù không cần đến nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên giờ đây họ đang phải đối mặt với bấp bênh về nguồn cung một lần nữa: mất những nguồn cung thay thế từ Iraq và một số quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới khi họ đều sẽ cắt giảm sản lượng một cách gây sốc.

Nga vẫn luôn là nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên nguồn cung từ Nga đã bị cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày kể từ khi xung đột xảy ra và các biện pháp trừng phạt ngày càng được thắt chặt.

Châu Âu đã tìm ra được những nhà cung cấp từ Trung Đông để thay thế cho Nga nhưng lại đang bắt đầu gặp khó khăn khi Iraq mới đây đã tạm dừng các chuyến hàng đến châu Âu thông qua cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, các nhà sản xuất OPEC+ bao gồm cả Nga đã tuyên bố cắt giảm sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7.

Đối với châu Âu, sự mất mát này đến vào một thời điểm không may. Các loại dầu của Nga và Iraq có tỷ trọng và chất lượng lưu huỳnh tương tự nhau. Đáng nói là các nhà máy lọc dầu ở châu Á - đặc biệt là Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với loại dầu này. Điều này khiến EU sẽ phải cạnh tranh gay gắt đối với Trung Quốc.

Các nhà phân tích Amrita Sen và Christopher Haines của Energy Aspects cho biết: “Một trận chiến cam go giữa châu Âu và châu Á đang chờ đợi, và châu Á đang sẵn sàng trả giá cao hơn châu Âu để mua các thùng dầu”.

Theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg, trong tháng 3, EU đã nhập khẩu 95.000 thùng dầu Urals có nguồn gốc từ Nga mỗi ngày, giảm mạnh so với gần 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 2 năm ngoái. Tất cả hàng hóa đã được vận chuyển đến Bulgaria, quốc gia được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga.

Châu Âu đã thay thế ít nhất 1/4 nguồn cung của Nga bằng dầu thô từ Trung Đông kể từ mùa xuân năm 2022, theo Energy Aspects. Các dòng chảy từ Lưu vực Đại Tây Dương, từ Na Uy và Angola đến Mỹ cũng tăng trong quý 1 năm 2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết trong báo cáo hàng tháng vào đầu tháng này.

Tuy nhiên EU giờ đây sẽ khó có thể trông đợi vào khách hàng Trung Đông. Kể từ tháng trước, khoảng 450.000 thùng dầu/ngày được cung cấp từ Iraq đã bị tạm dừng trong bối cảnh tranh chấp thanh toán. Vào tháng 3, chỉ có khoảng 169.000 thùng dầu/ngày được vận chuyển qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ và đã đến các quốc gia EU, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho biết.

Các hạn chế làm tăng thêm sự khan hiếm trên thị trường dầu thô bởi các nhà sản xuất Trung Đông cũng đang sử dụng nhiều dầu của chính họ hơn để tăng cường xử lý tại các nhà máy lọc dầu mới trong nước.

Ở Địa Trung Hải, giá các loại dầu như Basrah Medium của Iraq, thường được giảm giá mạnh so với các loại khác do hàm lượng lưu huỳnh của chúng đã tăng lên mức mà nhiều thương nhân cho rằng quá đắt.

Nhà máy lọc dầu Hy Lạp Hellenic Petroleum SA cũng đã đưa ra một cuộc đấu thầu hiếm hoi — lần đấu thầu đầu tiên trong hai năm qua để mua nguồn cung Basrah Medium ngay lập tức. Một số thương nhân cho biết động thái này báo hiệu sự khan hiếm dầu trên thị trường giao ngay trong bối cảnh các loại dầu từ Iran đã bị mất đi.

Nguồn: CafeF)

Tây Ban Nha cấm ‘đấu bò người lùn’

Quốc hội Tây Ban Nha hôm 27/4 đã ra lệnh cấm các sự kiện đấu bò hài hước của người lùn, một quyết định được các nhóm quyền của người khuyết tật hoan nghênh.

“Đấu bò người lùn” đã trở thành sự kiện truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ ở Tây Ban Nha, với người lùn hóa trang thành nhiều nhân vật như hề, lính cứu hỏa,... để đấu bò nhưng không giết chúng. “Đấu bò người lùn” thường được biểu diễn công cộng và nhằm gây hài hước.

Luật được Tây Ban Nha thông qua hôm 27/4 tuân thủ các chỉ thị của EU về chống phân biệt đối xử với người khuyết tật và được các nhà vận động ca ngợi, AP đưa tin.

Hội đồng Hoàng gia về Người khuyết tật của Tây Ban Nha làm cố vấn cho bộ quyền xã hội thúc đẩy lệnh cấm trên.

Jesús Martín, Tổng giám đốc của tổ chức, cho biết: “Những người mắc chứng lùn đã bị chế giễu tại các quảng trường công cộng ở đất nước chúng tôi, truyền bá suy nghĩ rằng có thể cười nhạo sự khác biệt của người khác đến rất nhiều bé gái và bé trai đi cùng người lớn để xem những màn trình diễn đáng xấu hổ này”.

Một số người biểu diễn đã biểu tình trước quốc hội để phản đối lệnh cấm.

Daniel Calderón, một người biểu diễn đấu bò người lùn, nói với hãng tin EFE: “Họ hiển nhiên cho rằng chúng tôi bị chê bai hoặc cười nhạo, nhưng ngược lại, sự tôn trọng mà người ta dành cho chúng tôi rất ấn tượng”.

Tây Ban Nha trong nhiều năm đã kêu gọi cấm đấu bò người lùn. Hồi năm 2021, vấn đề này tiếp tục gây chú ý khi được Bộ Quyền Xã hội Tây Ban Nha nêu lên.

Martín Blanco, người mắc chứng loạn sản xương, một dạng bệnh lùn, đã chỉ trích các buổi biểu diễn như vậy. "Nếu lũ trẻ cười nhạo người đấu bò, chắc chắn chúng sẽ cười nhạo tôi", anh nói với hãng tin El Pais.

Nguồn: Zing News)

Giáo viên Bỉ tuần hành phản đối điều kiện làm việc

(Ảnh minh họa).

Ngày 27/4, hàng nghìn giáo viên nói tiếng Pháp đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Brussels (Bỉ) tham gia cuộc tuần hành phản đối điều kiện làm việc hiện nay trong hệ thống giáo dục của nước này.

Những người tham gia tuần hành bày tỏ sự bất bình trước điều kiện giảng dạy, chẳng hạn như tình trạng quá tải hành chính và tỷ lệ học sinh-giáo viên không cân xứng, khiến các lớp học quá đông. Vấn đề đánh giá chất lượng giáo viên về kỹ năng sư phạm cũng được đặt ra.

Cùng với đó, các tổ chức công đoàn giáo viên cũng chỉ trích một dự thảo thỏa thuận liên minh trong lĩnh vực giáo dục nói tiếng Pháp, mà họ cho rằng sẽ có tác động tiêu cực đến quyền của giáo viên, trong khi nội dung thỏa thuận sẽ không giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay.

Những người tham gia tuần hành kêu gọi các chính trị gia thực hiện cải cách để cải thiện hệ thống giáo dục.

Cùng ngày, Công đoàn Đường sắt, Hàng hải và Giao thông vận tải (RMT) - nghiệp đoàn công nhân đường sắt lớn nhất Anh - thông báo kế hoạch đình công của nhân viên đường sắt vào ngày 13/5 sau khi RMT bác đề xuất chi trả tiền lương mới nhất của các công ty vận hành đường sắt.

Hồi đầu tháng này, tổ chức đại diện cho các công ty vận hành đường sắt của Anh Rail Delivery Group (RDG) đã đưa ra một số đề xuất mới cho nhân viên trong ngành nhằm chấm dứt đình công dai dẳng nhiều tháng nay, liên quan vấn đề lương và điều kiện làm việc.

Tuy nhiên, RMT cho biết đã nhận được giải thích rõ ràng từ các công ty vận hành đường sắt rằng mức tăng lương 5% sẽ chỉ có hiệu lực nếu RMT không tổ chức thêm cuộc đình công nào. RMT cho rằng RDG đã từ bỏ các đề xuất ban đầu và phá hỏng cuộc đàm phán, do đó các công nhân ngành đường sắt không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tiến hành đình công để đạt được thỏa thuận về tiền lương, điều kiện làm việc và bảo đảm an toàn cho người lao động.

RMT từng 2 lần hủy kế hoạch đình công vào ngày 30/3 và 1/4 trong quá trình thương lượng tăng lương cho nhân viên ngành này.

Thời gian gần đây, ở Anh liên tục diễn ra các cuộc đình công đòi tăng lương của các ngành từ giáo viên, bác sĩ, y tá trong bối cảnh lạm phát tại nước này đã tăng lên 10% - mức cao nhất trong 40 năm qua.

Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang