EU: 'Mật ong pha tạp'; Cải cách quy định tài khóa; Chìm trong núi nợ; Anh gửi uranium nghèo cho Kiev; Serbia trả đũa Ukraine

EU đau đầu đối phó nạn 'mật ong pha tạp'

(Ảnh minh họa).

Người nuôi ong đang vận động Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các quy tắc đối với mật ong trong bối cảnh các sản phẩm có pha thêm đường đang tràn ngập thị trường khối.

Trong tuần vừa qua, 20 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi khối này ban hành quy định mới về dán nhãn mật ong, cũng như tăng cường năng lực kiểm tra phát hiện các sản phẩm không đạt chuẩn.

Động thái này được đưa ra sau khi một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cho thấy tình trạng "mật ong pha trộn" đang gia tăng. Gần một nửa số sản phẩm được khảo sát vi phạm quy định EU vì pha thêm đường, nước và chất tạo màu trái quy định.

“Chúng về cơ bản là nước đường”, một quan chức EU phàn nàn, theo Financial Times.

Do các sản phẩm nhập khẩu có giá thành thấp hơn sản phẩm từ châu Âu, những người nuôi ong trên khắp lục địa già cho rằng tình trạng trên sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, cũng như khiến ngành nuôi ong dần mai một - điều gây ra nguy cơ với vai trò của ong với môi trường.

“Có sự cạnh tranh không công bằng từ bên ngoài EU, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Yvan Hennion, một người nuôi sở hữu khoảng 300 tổ ong tại Halluin, miền Bắc nước Pháp, nói. “Đó không phải mật ong thật và đang khiến giá thành đi xuống”.

Sản phẩm kém chất lượng

Trên thị trường EU hiện nay, khoảng bốn trên năm sản phẩm mật ong được bày bán tại siêu thị - tính cả sản phẩm nội khối lẫn nhập khẩu - là hàng pha tạp. Hồi tháng 1, Slovenia từng đề nghị nhãn sản phẩm phải có tên tất cả quốc gia xuất xứ - cũng như tỷ lệ chi tiết - của từng thành phần.

Slovenia cũng mong muốn Ủy ban châu Âu tăng số phòng thí nghiệm có chức năng phát hiện mật ong pha trộn.

“Chúng tôi mong (các sản phẩm) có thể được truy xuất nguồn gốc, cũng như hy vọng mật ong trái quy tắc sẽ không còn có thể tồn tại”, một quan chức tuyên bố.

Bất chấp những lời kêu gọi, EU vẫn phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu người dân. Mỗi năm, khối này nhập khẩu khoảng 175.000 tấn mật ong - không thua nhiều so với con số 218.000 tấn được sản xuất trong khối. Nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Mỹ Latinh.

Một nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2021-2022 cho thấy 46% mẫu mật ong được khảo sát vi phạm quy định của EU - tăng mạnh so với tỷ lệ 14% trong giai đoạn 2015-2017. Trong số 123 công ty được đánh giá, khoảng 70 cơ sở có xuất khẩu mật ong bị nghi pha đường.

Các công ty này không chỉ đến từ bên ngoài châu Âu: Tất cả doanh nghiệp Anh được khảo sát đã xuất khẩu ít nhất một hũ mật ong bị nghi không đạt chuẩn EU vào khối này. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là kết quả từ việc mật ong từ nhiều quốc gia được đóng gói ở Anh.

Ông Hennion cho biết dù doanh số bán hàng từ cơ sở của ông vẫn tăng, giá thành mà các nhà bán buôn trả ông đang có xu hướng giảm trong những năm qua. Ông chỉ bán với mức giá thấp nhất là 3,5 euro (khoảng 3.9 USD)/kg mật ong, nhưng mật ong nhập khẩu có thể có giá chưa đầy 1 euro (khoảng 1,1 USD)/kg.

Ông Hennion cho rằng điều này có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp nuôi ong. “Mọi thứ gắn liền với nhau”, ông nói.

Tương lai bấp bênh

Ông Stanislav Jaš, một người nuôi ong tại Phần Lan, nói rằng ông đã phải bán mật ong trực tiếp cho khách hàng - thay vì qua đơn vị bán buôn - khi giá thành giảm.

Trong khi tỏ ra “hạnh phúc” trước đề nghị của giới chức EU, ông Jaš - người cũng là thành viên của Copa and Cogeca, một tổ chức vận động vì quyền lợi của nông dân châu Âu - cho rằng văn bản này vẫn “thiếu tham vọng” đối phó với hàng kém chất lượng và hỗ trợ nông dân.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để cải thiện bản đề xuất”, ông nói thêm.

Cả hai người nuôi ong ở Pháp và Phần Lan đều cho rằng ngành công nghiệp nuôi ong có vai trò quan trọng với cả môi trường lẫn nông nghiệp nói chung do ong tham gia vào quá trình thụ phấn của thực vật.

Theo số liệu của EU, các tác nhân thụ phấn - bao gồm ong mật - đóng góp 22 tỷ euro (khoảng 24,4 tỷ USD) mỗi năm cho ngành nông nghiệp của khối. Khoảng 80% hoa màu và cây trồng dại tại lục địa châu Âu được thụ phấn bằng cách này.

Tuy nhiên, các con số trên đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuốc trừ sâu, ô nhiễm và một số nhân tố khác. EU mong muốn đảo ngược xu hướng này vào năm 2030.

Ông Hennion tự nhận mình là một người nuôi ong theo kiểu “du mục”. Ông thường xuyên mang đàn ong của mình đi khắp nước Pháp để đảm bảo chúng có thể hút được mật từ cây cải dầu.

Dù vậy, ông Aapo Savo - một người đóng gói mật ong tại Phần Lan - cho rằng phương thức này có thể dần biến mất nếu giá thành vẫn thấp.

“Tương lai ngành nuôi ong chuyên nghiệp tại châu Âu sẽ ra sao”, ông Savo nói. “Việc sản xuất mật ong sẽ ngày một khó. Tôi không nghĩ ngành này có thể trụ lại”.

(Nguồn: Zing News)

Liên minh châu Âu công bố đề xuất cải cách các quy định tài khóa

EC đặt mục tiêu tham vọng là sẽ hoàn tất đàm phán về đề xuất cải cách quy định tài khóa vào cuối năm nhưng nhiều khả năng mục tiêu này sẽ không khả thi trong bối cảnh tồn tại chia rẽ các nước.

Ngày 26/4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố đề xuất cải cách các quy định tài khóa, vốn được mong đợi từ lâu và cũng là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các nước thành viên của khối xoay quanh việc làm sao để vừa khuyến khích đầu tư vừa đảm bảo giám sát đầy đủ chi tiêu của các chính phủ.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã trình bày về các đề xuất cải cách nhằm đơn giản hóa các quy định phức tạp được biết đến với tên gọi là Hiệp định ổn định và phát triển. Bộ quy định này cho phép giới hạn số tiền mà các thành viên EU có thể vay.

Các ý kiến phản đối cho rằng các quy định đã không thể ngăn chặn tình trạng nợ công tăng tại 27 nước thành viên và cần được cải cách để phù hợp với thực tế tại các nền kinh tế đa dạng trong khối. Hiện hiệp định này đang được đình chỉ tạm thời để các nước ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.

EC đặt mục tiêu tham vọng là sẽ hoàn tất đàm phán về đề xuất cải cách này vào cuối năm nay nhưng nhiều khả năng mục tiêu này sẽ không trở thành hiện thực trong bối cảnh tồn tại chia rẽ giữa các nước thành viên EU, đặc biệt giữa các nước ở Bắc Âu như Đức và Nam Âu như Italy.

Đức, quốc gia bảo vệ các quy định tài khóa nghiêm ngặt, lo ngại kế hoạch cải cách nới lỏng quá mức những ràng buộc ngân sách và làm tổn hại tính công bằng trong khối.

Italy và một số nước cho rằng những quy định nghiêm ngặt giới hạn khả năng đầu tư của các nước. Hiệp định hiện nay quy định các khoản thâm hụt ngân sách công của các nước EU không được quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công phải dưới mức 60% GDP.

Những cải cách mới được EC đề xuất ngày 26/4 không quá khác so với nội dung kế hoạch mà cơ quan này từng công bố hồi tháng 11/2022. Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết với những đề xuất trên, EC đảm bảo cả yếu tố công bằng và cân nhắc tình hình cụ thể tại các nước thành viên.

EU cũng muốn tạo thêm điều kiện để các nước đầu tư cho lĩnh vực kỹ thuật số và chuyển đổi xanh khi Brussels phải đương đầu với thách thức cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc, những nơi có chi phí năng lượng rẻ hơn và đang đưa ra những khoản trợ cấp có thể khiến các doanh nghiệp quyết định rời khỏi châu Âu.

Theo đề xuất cải cách, các nước thành viên có thể đưa ra lộ trình điều chỉnh dần dần, thông qua cải cách và đầu tư, để giảm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn ít nhất là 4 năm. EC cũng yêu cầu các nước thành viên nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách 0,5%/năm nếu mức thâm hụt trên mức 3% GDP. Các nước thành viên nếu rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể được ngoại lệ để thực hiện những biện pháp đặc biệt vốn bị cấm theo quy định.

Năm 2020, EU đã cho phép các nước thành viên tạm dừng áp dụng Hiệp định ước ổn định và phát triển để rót tiền hỗ trợ các nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2022, quyết định tạm dừng áp dụng hiệp định được gia hạn trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh. Từ đó, nợ công của các nước thành viên EU cũng đã tăng nhanh chóng.

Nợ công của Italy gần 150% GDP trong khi nợ công Pháp là 110% GDP, đều cao hơn các mức giới hạn mà EU đề ra. Hiệp định sẽ được khôi phục hiệu lực từ năm 2024 trong khi điều duy nhất mà các nước thành viên có thể nhất trí cho đến nay là cần cải cách hiệp định này./.

(Nguồn: VietnamPlus)

Một số quốc gia EU chìm trong "núi nợ"

(Ảnh minh họa).

Sau khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, nhiều nước châu Âu đã tăng cường khả năng quân sự và giúp đỡ những người tị nạn từ quốc gia láng giềng Ukraine.

Theo Bloomberg, một số quốc gia ở châu Âu tính đến thời điểm hiện tại đã vay khoảng 32 tỷ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba quốc gia thành viên EU, gồm Ba Lan, Romania và Hungary, hiện nằm trong số những nước nợ nhiều nhất trong số các thị trường mới nổi.

Ba Lan đã vay nước ngoài gần 9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nền kinh tế mới nổi về khoản vay nước ngoài, chỉ sau Ả Rập Saudi. Trong khi đó, Romania vay 6 tỷ USD - đứng thứ tư và và Hungary vay 5 tỷ USD - cao thứ năm.

Đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm, ba quốc gia châu Âu này nằm trong số năm nền kinh tế mới nổi có vay nợ lớn nhất.

Theo Bloomberg, nợ vay tăng mạnh là do nhu cầu giải quyết các khoản trợ cấp ngày càng tăng do khủng hoảng năng lượng và chi tiêu liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Những nước này đã tăng cường khả năng quân sự và giúp đỡ những người tị nạn từ quốc gia láng giềng.

Thêm vào đó, chính sách tiền tệ cứng rắn của các ngân hàng trung ương đã khiến việc vay mượn trên thị trường trái phiếu trở nên đắt đỏ hơn nhiều, ngay cả với nhiều quốc gia được xếp hạng cao.

Ba Lan đang trả 5,5% tiền lãi hàng năm cho loại trái phiếu mới kỳ hạn 30 năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất của trái phiếu tương tự được bán vào năm 2021.

Lãi suất tăng được dự đoán sẽ tăng thâm hụt ngân sách đột ngột ở các nước vay nợ, và chắc chắn sẽ thêm áp lực lên lĩnh vực tài chính trong khu vực.

Theo ước tính của Bloomberg, thâm hụt ngân sách của các nước châu Âu này sẽ tăng lên 4,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 1,3% được ghi nhận hai năm trước.

Daniel Wood - nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại William Blair International, nói với Bloomberg rằng, cuộc xung đột ở Ukraine gây thâm hụt tài chính cho nhiều quốc gia châu Âu. Chiến sự đã giảm tăng trưởng và nguồn thu của chính phủ. Trong khi đó, các nước phải chi ngân sách nhiều hơn để giúp người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí sinh hoạt.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Anh xác nhận đã gửi đạn uranium nghèo cho Kiev

Anh được cho là đã gửi cho Ukraine hàng ngàn quả đạn dành cho xe tăng Challenger 2, bao gồm cả những quả có uranium nghèo.

Ngày 25/4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh James Heappey cho biết, "chúng tôi đã gửi tới Ukraine hàng nghìn quả đạn cho Challenger 2, bao gồm cả đạn xuyên giáp uranium nghèo. Vì lý do an ninh, chúng tôi sẽ không bình luận về chỉ số sử dụng của các bộ được cung cấp".

Ông cũng chỉ ra rằng tất cả các thiết bị quân sự và đạn dược do London cung cấp đều nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) và Bộ Quốc phòng Anh không giám sát chúng được sử dụng ở đâu và như thế nào.

Ngoài ra, ông Heappey nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh không có nghĩa vụ phải dọn dẹp đạn uranium nghèo sau khi kết thúc xung đột. Tuy nhiên, ông đảm bảo rằng phía Anh ủng hộ một số biện pháp nhằm khôi phục Ukraine, cơ sở hạ tầng và dịch vụ của nước này.

Trước đó, ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Ukraine sẽ trở thành quốc gia không người ở vì kho đạn uranium nghèo do Anh cung cấp. Bà lưu ý rằng ở những nơi sử dụng đạn như vậy, tỷ lệ ung thư gia tăng gấp nhiều lần đã được ghi nhận.

Kế hoạch cung cấp cho Kiev đạn dược chứa uranium nghèo đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Annabelle Goldie công bố ngày 21/3.

Ngày 22/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc London cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev sẽ là một bước tiến xa hơn hướng tới "sự leo thang nghiêm trọng".

Ông cũng chỉ ra rằng việc sử dụng đạn uranium nghèo sẽ làm giảm đáng kể khả năng sản xuất thực phẩm chất lượng cao và không bị ô nhiễm của Ukraine.

Về phần mình, ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ đáp trả việc sử dụng đạn uranium nghèo nếu điều này xảy ra.

Các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ Donbass. Quyết định khởi động chiến dịch đặc biệt này được đưa ra ngày 24/2/2022 trong bối cảnh tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn, được cho là do các chiến binh Ukraine thường xuyên pháo kích.

(Nguồn: Soha)

Serbia đe dọa trả đũa Ukraine

(Ảnh minh họa).

Serbia cảnh báo có thể thay đổi lập trường về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sau khi Kiev bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu xin gia nhập Hội đồng châu Âu của Kosovo.

Theo đài RT, Ủy ban cấp bộ trưởng của Hội đồng châu Âu hôm 25/4 đã tổ chức một cuộc họp bất thường nhằm quyết định số phận đơn đăng ký của Kosovo. Nỗ lực xin gia nhập hội đồng này đã nhận được sự ủng hộ của 33/46 nước thành viên, trong khi 7 nước bỏ phiếu chống và 5 nước bỏ phiếu trắng, bao gồm cả Ukraine.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic tuyên bố: “Tôi phải nói rằng, Ukraine đã làm chúng tôi ngạc nhiên một cách khó chịu. Toàn bộ câu chuyện này liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ... Các bạn có biết Serbia đã nỗ lực bao nhiêu để bỏ phiếu cho tất cả các nghị quyết, để lên án hành vi vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine?”.

“Chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của chúng tôi trong tương lai về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia đó”, ông Dacic nói thêm, ám chỉ đến Ukraine, Bosnia và Herzegovina, Hy Lạp, Slovakia và Armenia, những nước có phiếu bầu khiến Belgrade “kinh ngạc”.

Serbia, nước có quan hệ gần gũi với Nga, đã phản đối phương Tây áp trừng phạt Moscowchiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, nước này không tán thành việc dùng vũ lực, đồng thời nhấn mạnh đến việc phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Kosovo, khu vực có đa số người Albania sinh sống, đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Mỹ và nhiều đồng minh gần như ngay lập tức công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền. Song, Serbia vẫn coi Kosovo là một tỉnh trực thuộc.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang