EU: Chuyển biến nhận thức; Bỏ nhiên liệu hạt nhân Nga; Pháp cảnh báo khủng bố; Anh không kiểm soát ô nhiễm; Thủ tướng trẻ nhất Ireland

CHUYỂN BIẾN NHẬN THỨC

Tây Ban Nha, Ireland, Slovenia và Malta là những thành viên EU vừa biểu lộ chuyển biến nhận thức mới về vấn đề công nhận nhà nước Palestine độc lập.

Bên lề cuộc gặp cấp cao vừa rồi của EU ở Brussel (Bỉ), các nhà lãnh đạo 4 quốc gia trên đã gặp nhau riêng để bàn thảo, rồi tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine độc lập.

Trước đó, trong EU có 9 thành viên công nhận Palestine có quyền thành lập nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ bao gồm Dải Gaza, vùng bờ tây sông Jordan và miền đông Jerusalem như đã được LHQ xác định. Một số thành viên khác có ý công nhận nhà nước Palestine độc lập.

EU ủng hộ giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine với nội dung cốt lõi là thành lập nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Israel nhưng chưa công nhận nhà nước Palestine độc lập. Cho tới nay cũng chưa có thành viên EU nào đơn phương công nhận nhà nước Palestine độc lập.

EU và các thành viên EU rất khó xử trong vấn đề này. Lý do là họ đều coi trọng quan hệ với Israel hơn và không muốn vì Palestine mà khúc mắc với Israel. Cho nên, họ chủ ý tìm cách thoát khỏi tình thế khó xử bằng việc ủng hộ giải pháp chính trị hòa bình trên. Chỉ có điều phía Israel ngày càng cản trở việc hình thành nhà nước Palestine độc lập, khiến EU và các thành viên càng khó tiếp tục thiên vị Israel. Bởi vẫn thiên vị, EU có thể bị tổn hại về uy danh chính trị, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và trong thế giới Ả Rập. Cuộc xung đột Hamas - Israel, đặc biệt cách thức Israel tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza khiến EU và các thành viên phải vừa thôi thúc vừa gây áp lực buộc Israel đi vào đàm phán hòa bình với Palestine.

Động thái mới của 4 thành viên EU trên vừa thể hiện chuyển biến nhận thức riêng vừa còn thôi thúc EU nói chung và các thành viên khác nói riêng cũng phải chuyển biến nhận thức để EU thống nhất quan điểm nội bộ và phối hợp hành động.

SAU KHÍ ĐỐT NGA, EU ĐANG PHẢI TỪ BỎ NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN CỦA NGA

Áp lực về đạt mục tiêu giảm phát thải carbon và việc nhanh chóng đoạn tuyệt khí đốt Nga đã thúc đẩy Bỉ và các nước châu Âu khác quan tâm tới năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, với uranium được làm giàu của Nga chiếm tới 30% nguồn cung của EU trong năm 2022, khối 27 thành viên có nguy cơ phải chuyển từ phụ thuộc quốc gia này sang quốc gia khác.

"Việc thay đổi chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng hạt nhân, rất phức tạp nhưng chúng ta cần thực hiện càng nhanh càng tốt. Chúng ta cần ngắt kết nối với nhiên liệu hạt nhân Nga nhưng cũng cần phải đảm bảo vẫn có thể sản xuất điện không phát thải" - Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chia sẻ với Financial Times.

Tháng 12 năm ngoái, Bỉ quyết định gia hạn thời gian tồn tại của 2 lò phản ứng hạt nhân mà nước này dự kiến đóng cửa vào năm 2025.

Hiện các lò phản ứng này sẽ hoạt động tới năm 2035. Tuy nhiên, ông De Croo chia sẻ, cá nhân ông nghĩ rằng, thời gian tồn tại của các lò phản ứng này nên kéo dài thêm 20 năm.

Trước đó, lãnh đạo từ hơn 30 quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh năng lượng hạt nhân đầu tiên do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Brussels ngày 21.3 cũng nêu thông điệp về việc mở rộng năng lượng hạt nhân.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết, hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân phản ánh sự thay đổi đang diễn ra và là sự thay đổi đáng chú ý.

Việc phục hưng ngành năng lượng hạt nhân bắt đầu được đề cập từ năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 28 của Liên Hợp Quốc, khi 25 quốc gia, trong đó có Canada, Anh và Mỹ ký cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng hạt nhân vào năm 2050.

Đây là dấu mốc trở lại của ngành này sau cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.

Seth Grae - Chủ tịch Hội đồng quốc tế của Hiệp hội Hạt nhân Mỹ - cho biết, một phần khó khăn trong tìm kiếm giải pháp thay cho uranium làm giàu của Nga là do thiếu nhà đầu tư.

“Năng lực làm giàu uranium tiêu tốn hàng tỉ USD nên chúng tôi cần sự đảm bảo từ các chính phủ" - ông nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết, Pháp và Áo là những quốc gia đang tham gia kế hoạch mở rộng nhà máy hạt nhân của Hungary do nhà thầu Rosatom của Nga đảm nhận.

Áo, Luxembourg và Đức phản đối việc EU chi ngân sách cho năng lượng hạt nhân do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn tài trợ cần cho năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Khí hậu Áo Leonore Gewessler lưu ý: “Mỗi dự án hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ và phát sinh chi phí đắt đỏ, đặt ra nguy cơ bóp méo thị trường khi nguồn ngân sách của EU dành cho nỗ lực tốn kém như vậy".

Một nhà ngoại giao EU tiết lộ, nguồn tài trợ của EU cho năng lượng hạt nhân sẽ là "quà Giáng sinh" cho Pháp, nước có 56 lò phản ứng hạt nhân, lớn nhất châu Âu.

PHÁP NÂNG CẢNH BÁO KHỦNG BỐ LÊN MỨC CAO NHẤT

Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại một trung tâm hòa nhạc ở ngoại ô Moscow, Nga.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal công bố quyết định hôm 24/3, sau cuộc gặp với Tổng thống Emmanuel Macron cũng như các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của đất nước.

Theo Reuters, động thái diễn ra chỉ vài tháng trước khi thủ đô Paris của Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 2024.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Attal giải thích, Chính phủ Pháp buộc phải nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất "trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở Moscow và các mối đe dọa đè nặng lên nước Pháp".

Hệ thống cảnh báo khủng bố của Pháp có 3 cấp độ. Theo quy định, cấp độ cao nhất sẽ được kích hoạt sau khi xảy ra một cuộc tập kích ở Pháp hoặc nước ngoài hoặc khi mối đe dọa về một cuộc tấn công tiềm ẩn sắp xảy ra.

Việc kích hoạt báo động cấp cao nhất cho phép Paris triển khai các biện pháp an ninh đặc biệt, kể cả việc lực lượng vũ trang tăng cường tuần tra ở những nơi công cộng như nhà ga, sân bay và các địa điểm tôn giáo.

ANH KHÔNG ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA EU VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM SÔNG

Chính phủ Anh sẽ không áp dụng quy định mới của EU, trong đó yêu cầu các công ty dược phẩm và mỹ phẩm trả tiền cho ô nhiễm sông.

Các nhà lập pháp ở châu Âu đã ký vào bản cập nhật chỉ thị xử lý nước thải đô thị (UWWT), nhằm thắt chặt hơn nữa các hạn chế về ô nhiễm. Theo quy định mới, nhiều thành phần từ chất thải nông nghiệp và nước thải sẽ phải được loại bỏ khỏi đường thủy. Đây cũng là lần đầu tiên EU áp dụng tiêu chuẩn đối với các chất ô nhiễm vi mô như hóa chất từ chất thải dược phẩm.

Bản cập nhật cũng giới thiệu một biện pháp quan trọng có tên là “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất”, có nghĩa là các công ty mỹ phẩm và dược phẩm sẽ được yêu cầu đóng góp chi phí xử lý nước thải nếu chúng gây ô nhiễm hóa học.

EU nhấn mạnh quyết tâm thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Điều này có nghĩa là chi phí làm sạch hóa chất khỏi đường thủy sẽ được chi trả một phần bởi ngành có trách nhiệm, thay vì bằng hóa đơn nước hoặc ngân sách công.

Quy định mới sẽ yêu cầu các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất phải trả ít nhất 80% chi phí cho việc loại bỏ chất ô nhiễm vi mô. EU cho biết điều này sẽ giúp các dòng sông, hồ, nước ngầm và biển trên khắp châu Âu sạch hơn.

Ông Chloe Alexander từ CHEM Trust kêu gọi Anh thực hiện các biện pháp của EU để buộc những bên gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm và cấm sử dụng hóa chất độc hại.

Người dân Anh không nên phải chịu các chi phí lớn để làm sạch môi trường vì sự cẩu thả trong quản lý hóa chất.

Anh và xứ Wales có thể bị tụt lại trong vấn đề ô nhiễm nước, vì các khu vực khác của Vương quốc Anh sẽ áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chất ô nhiễm vi mô. Bắc Ireland, theo khuôn khổ Windsor, cũng phải tuân thủ các cập nhật về xử lý nước thải đô thị do các yêu cầu môi trường giống như Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, chính phủ Scotland đề xuất áp dụng các quy định tương tự với UWWT để tiếp tục tuân thủ các tiêu chuẩn của EU và dễ dàng tái gia nhập khối hơn.

Theo ông Michael Nicholson, người đứng đầu chính sách môi trường tại Viện Chính sách Môi trường Châu Âu, cho biết: “Nếu luật cập nhật của EU về xử lý nước thải có hiệu lực trong vài tháng tới thì rất có thể đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc giải quyết ô nhiễm từ các sản phẩm mỹ phẩm và dược phẩm xâm nhập vào sông và biển của chúng ta và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng cũng như đời sống thủy sinh. Nó cũng sẽ mở ra một sự khác biệt đáng kể với cách tiếp cận được áp dụng để làm sạch nước thải ở Anh. Vương quốc Anh nên lưu ý và cân nhắc mạnh mẽ.”

Các quy định mới cũng sẽ đưa ra biện pháp giám sát có hệ thống đối với các hạt vi nhựa ở đầu vào và đầu ra của các nhà máy xử lý nước thải đô thị cũng như trong bùn, đồng thời sẽ giám sát “các hóa chất vĩnh viễn” như PFAS.Hiện tại Anh không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hoạt động giám sát bắt buộc nào như vậy.

Một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói: "Chúng tôi đã thiết lập nguyên tắc trả tiền cho người gây ô nhiễm theo luật Môi trường. Các chương trình của chúng tôi đáp ứng hoặc vượt quá các tiêu chuẩn của EU".

Chính phủ Anh cũng đang thực hiện biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo người gây ô nhiễm chịu trách nhiệm, bao gồm tăng gấp bốn lần số lượng thanh tra công ty cấp nước, đầu tư 180 triệu bảng Anh để giảm thiểu sự cố tràn nước thải, và thay đổi luật để áp đặt hình phạt không giới hạn từ Cơ quan Môi trường. Điều này sẽ giúp việc xử phạt trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

IRELAND SẼ CÓ THỦ TƯỚNG TRẺ NHẤT TRONG LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC

Bộ trưởng Giáo dục đại học Ireland Simon Harris sẽ chính thức được bầu làm Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của quốc đảo này khi Quốc hội nhóm họp vào ngày 9/4 tới.

Theo Reuters, ngày 24/3, ông Simon Harris, 37 tuổi, đã trở thành lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Fine Gael thay thế ông Leo Varadkar - người tuyên bố từ chức hôm 20/3.

Ông Varadkar đứng đầu chính phủ liên minh hiện nay của Ireland cùng với đảng Fianna Fáil và đảng Xanh, vì vậy, người kế nhiệm ông sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Irealand.

Trong bài phát biểu trước các thành viên của đảng Fine Gael sau khi trở thành lãnh đạo mới, ông Harris cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, đảm bảo an toàn, trật tự và thực thi pháp luật, đồng thời giải quyết vấn đề nhập cư.

Ông khẳng định niềm tin vào dịch vụ công và sức mạnh của chính trị để tạo nên khác biệt và giúp cuộc sống của người dân trở nên tốt đẹp hơn.

Ông Harris sẽ chỉ có 1 năm để cứu liên minh khỏi thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Ireland. Kết quả của những cuộc thăm dò dư luận trong 3 năm qua cho thấy, Sinn Fein - đảng cánh tả ủng hộ thống nhất Ireland với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh - có khả năng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2025.

Ông Harris trở thành nghị sĩ năm 24 tuổi và thăng tiến nhanh chóng trong đảng Fine Gael. Chính trị gia này đảm nhận vai trò nội các đầu tiên vào năm 2016, giữ chức Bộ trưởng Y tế Ireland, là người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động ứng phó ban đầu với đại dịch Covid-19.

Từ năm 2020, ông Harris giữ chức Bộ trưởng Giáo dục đại học, nghiên cứu, đổi mới và khoa học. Ông là một trong những bộ trưởng được biết đến nhiều nhất ở Ireland, có kênh TikTok thu hút gần 100.000 người theo dõi và 1,8 triệu lượt thích.

Nguồn: Thanh Niên; Lao Động; Vietnamnet; Môi trường & Đô thị; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang