EU: Chặn domino từ SVB; Chuẩn bị mùa đông không Nga; Thách thức đàm phán vũ khí; Ý điều tra TikTok; Macron tìm lối thoát

Chạy đua ngăn chặn hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của SVB

(Ảnh minh họa).

Sau khi một ngân hàng lớn sụp đổ gần đây, các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý đang phải vật lộn nhằm ngăn chặn "hiệu ứng domino" gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - cuối cùng đã không thể chống chọi trước cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu. Theo Reuters, UBS Group sẽ trả 3,23 tỷ USD cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD trong thỏa thuận được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh lớn của chính phủ Thụy Sĩ và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2023.

Vài giờ sau, nhóm ngân hàng trung ương trên thế giới thúc đẩy sự dịch chuyển của đồng USD thông qua hệ thống tài chính toàn cầu, nhằm duy trì các khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế lớn thế giới.

Theo CNN, trong tuần này, các nhà đầu tư và khách hàng, trong tâm thế lo lắng, mong muốn được giải đáp những câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các ngân hàng khác sắp sụp đổ, hay sẽ được giải cứu? Liệu các cơ quan quản lý có buộc phải can thiệp với thêm các kế hoạch giải cứu?

Tin vừa xấu vừa tốt

Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu cách đây 2 tuần, với sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng Silicon Valley và ngân hàng Signature chỉ trong 3 ngày. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Các ngân hàng khu vực có hồ sơ tương tự SVB, gồm First Republic Bank (FRC), PacWest (PACW) và Western Alliance (WAL), đứng trên “bờ vực” trong tuần qua. Nhiều khách hàng lo lắng rút hàng chục tỷ USD tiền mặt từ các ngân hàng nhỏ và gửi chúng vào những tổ chức được vốn hóa tốt hơn.

Nhằm thanh toán cho các khách hàng, các ngân hàng khu vực đã tranh giành khả năng tiếp cận tiền mặt. Một tuần trước, First Republic nhận khoản vay 70 tỷ USD từ JPMorgan Chase và khoản vay 30 tỷ USD khác từ nhóm 11 ngân hàng. Điều này dường như vẫn chưa đủ, với bằng chứng cổ phiếu của First Republic giảm thêm 33% vào hôm 17/3.

Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của First Republic xuống mức “không đáng đầu tư” (junk status) vào tối 17/3. Moody's cho biết động thái này phản ánh tình hình tài chính của ngân hàng đang xấu đi và “những thách thức đáng kể” mà ngân hàng phải đối mặt, do phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn và chi phí vận hành cao hơn khi khách hàng rút tiền mặt.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng chưa rõ danh tính khác tìm kiếm các khoản vay khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua. Họ đã vay khoản tiền kỷ lục 153 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của Fed vào tuần trước, lựa chọn cuối cùng để có thể nhanh chóng tiếp cận với tiền mặt.

Theo Bloomberg, cửa sổ chiết khẩu (discount window) là cơ sở cho vay trực tiếp do chính Fed cung cấp nhằm hỗ trợ sự ổn định và giải quyết nhu cầu thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ.

Cơ chế này cho phép ngân hàng hàng trung ương cho các ngân hàng khác vay tiền trong tối đa 90 ngày. Họ sẽ được nhận tiền mặt, nhưng cần cung cấp tài sản thế chấp để ngân hàng trung ương nắm giữ trong trường hợp không thể hoàn trả khoản vay.

Tin tốt là những khoản vay này không phản ánh điểm tiêu cực nào trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Không có ngân hàng nào vay theo điều khoản tín dụng thứ cấp (secondary credit terms) từ cửa sổ chiết khấu của Fed. Theo đó, đây là khoản vay khẩn cấp hỗ trợ những ngân hàng gặp khó khăn nghiêm trọng, nên sẽ đi kèm những hạn chế và sự giám sát chặt chẽ hơn từ Fed.

Jill Cetina - nhà phân tích của Moody - lưu ý Fed cung cấp khoản vay tín dụng cơ bản (primary credit), và điều này cho thấy “giới chức Mỹ coi các ngân hàng cần hỗ trợ khẩn cấp là 'khỏe mạnh' và không có nguy cơ sụp đổ trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, tin xấu là tất cả khoản vay này phản ánh mức độ căng thẳng trong hệ thống tài chính vào lúc này. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng có thể từ chối cho vay tiền, giám sát chặt chẽ hơn uy tín tín dụng của người đi vay.

Hệ quả là có ít khoản thế chấp hơn, tiền không còn chảy nhiều vào các doanh nghiệp, dẫn tới đình trệ nền kinh tế toàn cầu và viễn cảnh suy thoái trong tương lai.

Đó là lý do các ngân hàng trung ương phải can thiệp vào hôm 20/3. Việc họ phối hợp hành động - điều thế giới chưa từng chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu một thập niên trước - là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể tác động lâu dài và gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu.

Cần củng cố niềm tin

Giải pháp cho vấn đề này chính là khách hàng cần ngừng rút tiền gửi. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng và cơ quan quản lý cũng cần xoa dịu nỗi lo lắng này trước khi việc khách hàng rút tiền gửi xảy ra trên toàn hệ thống.

Đây cũng là lý do ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ Mỹ đảm bảo tất cả khoản tiền gửi của khách hàng, bất kể họ có bảo hiểm hay không. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đảm bảo tiền gửi tại các ngân hàng đủ điều kiện lên tới 250.000 USD/tài khoản. Các nước châu Âu cũng vận hành chương trình tương tự.

Nếu các cơ quan quản lý bảo hiểm tất cả khoản tiền gửi, tương tự những gì xảy ra với khách hàng SVB và Signature, điều này có thể khiến nhiều khách hàng tin tưởng tiền của họ an toàn khi gửi trong các ngân hàng khu vực.

Hôm 17/3, Moody's cho biết "khả năng cao" các cơ quan quản lý liên bang có thể đưa ra ngoại lệ rủi ro mang tính hệ thống để bảo vệ tất cả người gửi tiền không được bảo hiểm tại First Republic. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục đưa ra ngoại lệ với thêm một ngân hàng nữa, điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý “giải cứu” mọi ngân hàng đang trong thế bấp bênh.

Một quan chức Mỹ tiết lộ lượng tiền gửi tại các ngân hàng vừa và nhỏ của nước này đã ổn định trong những ngày gần đây.

Các vấn đề của Credit Suisse - vốn hình thành trong nhiều năm - không liên quan tới hiện tượng tiền gửi bị rút ồ ạt tại các ngân hàng Mỹ gần đây. Tuy nhiên, sau khi UBS giải cứu Credit Suisse, “làn sóng” rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ đã hạ nhiệt, trong khi các ngân hàng trung ương nỗ lực cung cấp nhiều tiền hơn.

Nhờ đó, có hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại sẽ qua đi và thế giới tránh được suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc.

(Nguồn: Zing News)

Châu Âu lại chuẩn bị mùa đông không Nga

Châu Âu dự kiến sẽ yêu cầu thắt lưng buộc bụng để giảm tối đa nhu cầu sử dụng khí đốt đối phó mùa đông 2023.

Lãnh đạo châu Âu đang có ý định gia hạn gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng, có thể giảm thêm 15% nhu cầu sử dụng để đối phó với mùa đông thiếu khí đốt.

Đầu tuần này, giới chức lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc gia hạn thêm 1 năm gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng nhằm hạn chế nhu cầu về khí đốt nhằm giúp lục địa này vượt qua mùa đông tới mà thiếu vắng khí đốt của Nga.

Theo đó, EC cho rằng, các quốc gia nên gia hạn gói biện pháp khẩn cấp thêm 1 năm, kéo dài từ đầu tháng 4/2023 đến tháng 3/2024.

Ngoài việc tiếp tục kêu gọi cắt giảm sử dụng năng lượng, lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi tự nguyện cắt giảm thêm nữa nếu có thể.

Mục tiêu tự nguyện mà họ hướng tới là cắt giảm thêm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt trong vòng 1 năm tới.

Hồi tháng 8 - 1/2023, các nước EU đã cắt giảm 19% mức sử dụng khí đốt kết hợp trên toàn bộ lục địa nhằm đối phó với mùa đông thiếu vắng nguồn khí đốt bổ sung từ Nga.

Gói biện pháp khẩn cấp đã được EC đề xuất và EU thông qua hồi cuối tháng 10/2022, sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2023.

Các biện pháp bao gồm: cùng mua chung 15% khối lượng cần thiết để đạt được mục tiêu lấp đầy toàn bộ 90% các kho chứa khí đốt vào ngày 11/1/2023.

Mỗi quốc gia sẽ có trách nhiệm tập hợp các công ty trong nước tham gia vào kế hoạch này và sẽ không mua khí đốt của Nga.

Ngoài ra, Brussels còn đưa ra các biện pháp điều chỉnh quy tắc thị trường năng lượng bằng cách yêu cầu các địa điểm giao dịch từ ngày 31/1/2023 phải áp đặt giới hạn giá trên và dưới mỗi ngày để giới hạn các biến động.

Từ cuối tháng 7/2022, 27 thành viên EU đã đồng ý giảm nhu cầu khí đốt toàn lãnh thổ. Ngoài ra, Ủy ban còn đưa ra đề xuất "một số mục tiêu bắt buộc" để giảm nhu cầu sử dụng điện, với mức giảm ít nhất 10% tiêu thụ hàng tháng và 5% trong giờ cao điểm.

Chính việc "thắt lưng buộc bụng này" và một mùa đông ấm áp bất thường đã giúp châu Âu có thể ổn định trải qua đến tháng 3/2023.

Tuy nhiên, "chiến dịch đặc biệt tại Ukraine" của Nga vẫn chưa kết thúc, và các gói biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và EU chưa có dấu hiệu nào để gỡ bỏ. Do dó, châu Âu sẽ cần những biện pháp dài hơi nhằm đối phó với tình trạng không có khí đốt giá rẻ từ Nga nữa.

Moscow đã cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream vào cuối mùa hè năm 2022 như một động thái trả đũa các gói biện pháp trừng phạt của Châu Âu vì "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Nga triển khai tại Ukraine.

Thậm chí, đường ống này bị hư hại nghiêm trọng trong một vụ nổ mà các quan chức phương Tây cho là xuất phát từ hành động phá hoại. Các động thái này đã góp phần làm tăng giá khí đốt ở châu Âu.

Giá tăng cao đã giúp hạn chế sản lượng công nghiệp và chính phủ các nước và EU đã khuyến khích người tiêu dùng giảm tiêu thụ năng lượng.

Cho đến nay, EU tiếp tục triển khai các biện pháp mở rộng khai thác năng lượng tái tạo nhằm thay thế khí đốt của Nga và xây dựng cơ sở hạ tầng đón nhận khí đốt hóa lỏng (LNG) nhằm nhập khẩu nhiên liệu từ các nhà cung cấp thay thế.

Mỹ được cho sẽ là quốc gia hưởng lợi từ các chính sách thay thế nguyên liệu của châu Âu bằng việc tăng cường xuất khẩu dầu thô hoặc LNG.

Ngày 28/3, các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ thảo luận về mục tiêu đạt 90% công suất các bể dự trữ khí đốt vào tháng 11/2023 để đối phó với mùa đông năm nay.

(Nguồn: Soha)

Thách thức đối với EU trong vai trò nhà đàm phán vũ khí của châu Âu

(Ảnh minh họa).

Tham vọng của EU trong việc đoàn kết và mua chung vũ khí đang phải đối mặt với một loạt vấn đề trước khi kế hoạch bắt đầu.

Tham vọng trở thành nhà đàm phán vũ khí

Các nhà lãnh đạo EU đặt mục tiêu trong tuần này ký kết một kế hoạch trị giá 2 tỷ euro, trong đó các quan chức lập luận rằng sẽ cho phép những nước thành viên vừa có thể nhận lại tiền để gửi đạn dược cho Ukraine vừa tài trợ cho các dự án mua chung trong tương lai để tiếp tục cung cấp đạn pháo cho Kiev. Những người ủng hộ kế hoạch này hy vọng đó là sự khởi đầu về việc EU trở thành nhà đàm phán vũ khí cho châu Âu.

Kế hoạch này đánh dấu thời điểm quan trọng đối với EU – một liên minh được thành lập vì hòa bình hiện đang sẵn sàng mua và gửi vũ khí cho một quốc gia có xung đột.

Dù vậy, việc đề ra kế hoạch là một chuyện. Thu hút mọi người tham gia lại là một việc khác.

Đầu tiên là vấn đề thời gian. Ukraine hiện đang cần nhiều vũ khí, đặc biệt là đạn pháo 155mm mà quân đội nước này đang tiêu hao với số lượng lớn ngoài tiền tuyến. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của EU sẽ cần nhiều tháng để có thể đáp ứng nhu cầu của Kiev.

Vấn đề tiếp theo là tiền. Mặc dù EU dường như đã có 2 tỷ euro ban đầu, nhưng điều đó sẽ chỉ giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đạn dược và mua chung đạn dược trước mắt. EU cũng đang định hình một kế hoạch dài hạn để thúc đẩy sản xuất công nghiệp quốc phòng, vốn sẽ cần thêm hàng triệu euro nữa. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế trì trệ, đây sẽ là một thách thách lớn.

Vấn đề lớn nhất có thể là ở quan điểm của mỗi nước. Khi EU chuyển sang tích hợp chiến lược quốc phòng của châu Âu, các nước thành viên tỏ ra lo ngại về việc trao thêm quyền lực cho Brussels.

Đức đã tỏ ra thận trọng về vấn đề này khi Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng ông sẵn sàng để các nước khác tham gia vào cuộc đàm phán hợp đồng vũ khí của Berlin nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến việc để EU tham gia đàm phán cho họ.

“Vấn đề là các nước đều muốn đảm bảo rằng họ nhận được trang thiết bị của mình trước tiên và vẫn mua sắm theo các ưu tiên của từng quốc gia”, bà Hannah Neumann, một thành viên Nghị viện châu Âu của Đức cho biết.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Những thách thức trên được thảo luận vào ngày 20/3 khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tập trung tại Brussels để xem xét và có thể khởi động kế hoạch. Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn 155 mm - số lượng mà Ukraine đề nghị - trong năm tới.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ nêu ra vấn đề trên vào cuối tuần này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào cuối tuần này

Trọng tâm đề xuất của EU là Quỹ Hòa bình châu Âu, một khoản tiền mà khối này đã và đang sử dụng để trả lại một phần cho các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine. Các quan chức hiện đang xem xét sử dụng 2 tỷ euro từ quỹ để trang trải cả viện trợ đạn dược cho Ukraine, cũng như các đơn đặt hàng chung để bù lại những nguồn cung cấp đó trong EU.

Các quan chức EU cũng tìm kiếm những giải pháp dài hạn hơn để nâng cao năng lực của châu Âu trong việc sản xuất không chỉ đạn pháo mà tất cả các loại thiết bị quân sự. Điều đó sẽ đòi hỏi phải có thêm tiền.

Về nguyên tắc, EU đã ủng hộ ý tưởng về một kế hoạch mua sắm chung - một đề xuất tương tự chiến lược tiêm chủng Covid-19 mà khối này đã thực hiện cùng nhau và mua chung vaccine. Lý do được đưa ra là EU đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp tương tự. Xung đột đang cận kề, nguồn cung cấp cho Ukraine đang cạn kiệt và châu Âu lo ngại về việc liệu họ có thể tự bảo vệ mình khi cần hay không.

Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ: Các hợp đồng vũ khí do EU đàm phán sẽ chỉ dành cho các công ty EU hay có thể khai thác các công ty bên ngoài? Nguồn tiền trong tương lai để thúc đẩy sản xuất sẽ đến từ đâu?...

Một vấn đề nhạy cảm là trong trường hợp tất cả các nước đồng ý mua sắm chung, thì để xác định ai có thể quyên góp đạn dược và ai cần bổ sung thêm, trước tiên mỗi quốc gia phải cho biết họ có bao nhiêu. Một số nước sẽ không muốn chia sẻ thông tin này.

Tính chất khó dự đoán của xung đột

Một lo ngại khác len lỏi vào các cuộc đàm phán là EU có thể sẽ mua quá nhiều khi vội vàng giúp đỡ Ukraine.

Những lo ngại này xuất hiện trong bối cảnh các hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 của EU đang được đánh giá lại. Các thỏa thuận đã được ký kết trong cuộc tranh giành để đảm bảo có càng nhiều vaccine càng tốt, nhưng hiện giờ châu Âu vẫn còn hàng triệu liều vaccine chưa sử dụng.

Do tính chất khó dự đoán của xung đột, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp lo ngại tình huống tương tự có thể lặp lại, trong đó EU tích trữ các đơn đặt hàng đạn dược và sau đó sẽ hối tiếc về khoản đầu tư khi nhu cầu thời chiến giảm đi.

Các công ty quốc phòng có thể sẽ yêu cầu một khoản “phí bảo hiểm” từ EU – một khoản chi phí khác mà các chính phủ sẽ phải gánh chịu./.

(Nguồn: VOV)

Italy điều tra TikTok vì 'nội dung nguy hiểm'

Italy mở cuộc điều tra đối với TikTok vì không thực thi quy định về gỡ bỏ "nội dung nguy hiểm" liên quan hành vi tự làm hại bản thân.

Giới chức Italy hôm 21/3 cho biết cuộc điều tra của họ nhắm vào Ailen TikTok Technology, công ty con của TikTok, bắt nguồn từ các video quay cảnh người trẻ tuổi "có hành vi tự làm hại bản thân", trong đó có "thử thách vết sẹo kiểu Pháp".

Trong thử thách được nhiều người lan truyền trên TikTok, trẻ em tự véo má mình một cách thô bạo để tạo ra vết bầm tím, khiến các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và y tế lo ngại.

Giới chức Italy đã kiểm tra trụ sở Ailen TikTok Technology, với sự hỗ trợ của cảnh sát tài chính.

"Công ty sở hữu nền tảng đã không áp dụng hướng dẫn về gỡ bỏ nội dung nguy hiểm như xúi giục tự tử, tự làm hại bản thân và dinh dưỡng không lành mạnh", giới chức Italy cho hay, đồng thời cáo buộc TikTok không thiết lập hệ thống giám sát đầy đủ, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên "dễ bị tổn thương".

Phản ứng trước động thái này, TikTok ra tuyên bố cho biết họ đã tuyển dụng hơn 40.000 "chuyên gia an toàn" và không cho phép "hiển thị hoặc quảng cáo" các nội dung mà giới chức Italy nêu ra. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ thanh thiếu niên", tuyên bố nêu.

Giới chức phương Tây đang áp dụng chính sách ngày càng cứng rắn hơn với TikTok, thuộc sở hữu công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị chính quyền Trung Quốc truy cập hoặc sử dụng. Mỹ, Canada, Bỉ, Anh, New Zealand và Ủy ban châu Âu đã cấm ứng dụng này trên thiết bị làm việc. Quan chức Hà Lan và nhân viên chính phủ ở Na Uy cũng được khuyến nghị không cài đặt TikTok.

ByteDance từ lâu đã khẳng định không lưu trữ dữ liệu ở Trung Quốc hoặc chia sẻ dữ liệu đó với chính phủ.

TikTok thường xuyên bị cáo buộc truyền bá thông tin sai lệch, khiến người dùng gặp nguy hiểm với các video "thử thách" nguy hiểm. Một số trẻ em được cho là đã tử vong khi thực hiện thử thách nín thở đến bất tỉnh trên TikTok.

(Nguồn: Vnexpress)

Tổng thống Macron tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp

(Ảnh minh họa).

Ông Macron sẽ bảo vệ những gì lẽ ra là một cuộc cải cách hàng đầu, đồng thời tìm kiếm động lực mới trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ 2 của mình.

Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp, mở đường cho dự luật gây tranh cãi gay gắt về nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64 trở thành luật.

Để phản đối dự luật, hàng triệu người đã xuống đường ở các thành phố của Pháp trong vài tháng qua. Nhưng giờ đây, sự tức giận của quần chúng hướng nhiều vào cách mà chính sách được thông qua.

Chính phủ đã sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để thông qua dự luật để “né” cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Pháp.

Ông Macron và nhiều nhà kinh tế lập luận rằng Pháp không thể tiếp tục chi trả các khoản trợ cấp hưu trí và các khoản khác trong các chương trình phúc lợi xã hội hào phóng của mình khi dân số già đi, và tỉ lệ công dân trong độ tuổi lao động so với công dân trong độ tuổi nghỉ hưu đang giảm nhanh chóng. Tuổi thọ đã tăng lên 82 ở Pháp, và các dự đoán cho thấy hàng triệu người nghỉ hưu hôm nay sẽ được hưởng chế độ hưu trí trong suốt 1/4 thế kỷ.

Khi các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt đình công và biểu tình mới vào ngày 23/3 để phản đối cải cách lương hưu của ông Macron, những người biểu tình đã tập trung tại trung tâm Paris vào tối 21/3, đánh dấu ngày biểu tình thứ 6 liên tiếp kể từ khi dự luật được thông qua.

Cũng có các cuộc đụng độ ở các thành phố phía Đông Dijon và Strasbourg trong đêm, trong khi những người biểu tình chặn giao thông ở các khu vực khác của đất nước.

“Mọi con mắt giờ đây hướng về Tổng thống Pháp, người sẽ xuất hiện trên chương trình tin tức hàng ngày của đài truyền hình TF1 và France 2 vào ngày 22/3 để phác thảo những gì đang xảy ra”, người phát ngôn của chính phủ Pháp Oliver Veran cho biết.

Ông Macron sẽ bảo vệ những gì lẽ ra là một cuộc cải cách hàng đầu, đồng thời tìm kiếm động lực mới trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ 2 của mình.

Một số người trong chính phe của ông Macron đã cảnh báo ông không nên tiếp tục công việc như thường lệ trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực và đình công rầm rộ là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền kể từ cuộc biểu tình Áo vàng cách đây 4 năm.

“Tất cả chúng ta đều yếu đi. Tổng thống, chính phủ và đa số”, ông Gilles Le Gendre, một nghị sĩ cấp cao trong phe của Macron, nói với tờ Liberation. “Không phải vì dự luật đã được thông qua mà chúng ta có thể làm việc như bình thường”.

Ông Patrick Vignal, một nghị sĩ khác trong phe của ông Macron, đã thẳng thắn kêu gọi Tổng thống đình chỉ dự luật cải cách hưu trí.

Nhưng trong cuộc hội đàm hôm 21/3 với Thủ tướng Elisabeth Borne, người đứng đầu 2 viện của Quốc hội Pháp và các nhà lập pháp cùng phe, để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi bình tĩnh bất chấp áp lực trên đường phố.

Ông Macron cho biết sẽ không có cải tổ chính phủ, không có bầu cử quốc hội mới, không trưng cầu dân ý về cải cách lương hưu gây tranh cãi của ông, và đã loại trừ việc rút lại luật hưu trí, một nguồn tin tham gia cuộc hội đàm nói với Reuters.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Thủ tướng Elisabeth Borne và Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt cũng nói rõ rằng chính phủ sẽ không thay đổi chiến thuật, trong khi các nghị sĩ đối lập kêu gọi ông Macron sa thải Thủ tướng.

Lãnh đạo Đảng Socialist (Xã hội) Olivier Faure nói với chính phủ Pháp rằng họ đang “đùa với lửa”.

Trong khi đó, liên minh NUPES cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon và Đảng National Rally (Tập hợp Quốc gia) cực hữu của bà Marine Le Pen đã yêu cầu Hội đồng Hiến pháp đánh giá liệu kế hoạch cải cách và cách thức nó được thông qua có vi hiến hay không.

Một khi vượt qua những rào cản cuối cùng này, nó sẽ được Tổng thống Pháp ký thành luật.

“Cải cách được thông qua, nhưng nó không được coi là hợp pháp trong mắt người dân Pháp”, nhà khoa học chính trị Jerome Jaffre nói với đài phát thanh France Inter hôm 21/3. “Đó là nguồn gốc của vấn đề, của sự cay đắng, và nó còn lâu mới được giải quyết”

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang