EU: 'Buồn' nhà máy quân sự; Vụ mua Credit Suisse; Anh đưa di dân đến Rwanda; Pháp: chính phủ thoát hiểm, rác thành biểu tượng

Tình trạng buồn tại các nhà máy quân sự EU

(Ảnh minh họa).

Ngày 19/3, tờ Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết khả năng EU cung cấp vật tư quân sự cho Ukraine đã bị cản trở do thiếu hụt chất nổ.

Một số quan chức châu Âu và các nhà sản xuất vũ khí nói với hãng tin này rằng các nhà máy quân sự của EU đang khan hiếm nguồn cung cấp thuốc súng và thuốc nổ TNT.

Tình huống này có thể làm trì hoãn kế hoạch tăng cường sản xuất đạn pháo trong 3 năm. Các nguồn tin cũng phàn nàn rằng điều này có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng EU sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao “bất kể có đổ bao nhiêu tiền vào vấn đề này”.

“Vấn đề cơ bản là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu không ở trạng thái tốt để sản xuất với quy mô lớn” - một quan chức Đức nói với hãng tin này.

Những lo ngại trên cũng được Chủ tịch Jiri Hynek của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh của Cộng hòa Séc đưa ra.

Theo trích dẫn của Financial Times, ông cho biết mặc dù việc xây dựng một nhà máy pháo binh mới “rất dễ dàng”, nhưng không thể sản xuất đạn pháo nếu không có nguyên liệu thô.

Quan chức này chỉ ra rằng không thể tăng sản lượng thành phần cơ bản trong thuốc súng là nitrocellulose trong một thời gian ngắn. Nếu muốn tăng sản lượng thuốc súng, có lẽ cần 3 năm.

Theo quan chức quốc phòng Italy Gianclaudio Torlizzi, để khắc phục tình hình, EU cần tìm các nguồn cung cấp mới.

Các quan chức EU nhiều lần bày tỏ lo ngại kho vũ khí của họ đang cạn kiệt do sự hỗ trợ của khối đối với Ukraine.

Tháng 12 năm ngoái, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, than thở rằng nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến kho dự trữ quân sự nhanh chóng cạn kiệt.

Trong bối cảnh đó, một số quan chức chủ chốt của châu Âu đã thúc giục khối này chuyển sang “nền kinh tế chiến tranh”.

Trong khi đó, hôm 16/3, tờ New York Times đưa tin Mỹ và các đồng minh đang cạn kiệt đạn dược cho Ukraine, quốc gia đang đốt hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong trận chiến giành thành phố Artyomovsk trọng điểm của Donbass (được gọi là Bakhmut ở Ukraine).

Theo tờ báo này, các quan chức phương Tây lo ngại rằng quá trình trên “không bền vững" và có thể gây nguy hiểm cho chiến dịch mùa xuân đã được lên kế hoạch của Kiev.

Moscow đã cảnh báo các nước phương Tây rằng việc cung cấp quân sự cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài chiến sự hơn là thay đổi kết quả, đồng thời sẽ khiến các quốc gia cung cấp viện trợ như vậy tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

(Nguồn: Soha)

Kẻ thắng, người thua trong vụ thâu tóm Credit Suisse

Trong khi UBS được nhận định là bên hưởng lợi sau thương vụ mua lại Credit Suisse, trái chủ, cổ đông lớn,... lại chịu ảnh hưởng tiêu cực vì cuộc khủng hoảng này.

UBS đang nổi lên là bên chiến thắng hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng của Credit Suisse, sau một thỏa thuận lịch sử do chính phủ làm trung gian. Thỏa thuận này chứa một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng, theo Bloomberg.

Sau một ngày cuối tuần đàm phán đầy hỗn loạn để đưa ra giải pháp trước phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á, công ty này đã đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ của mình.

Theo Reuters, UBS Group sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 3,23 tỷ USD) cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ trong một thỏa thuận được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh lớn của chính phủ.

Wall Street Journal gọi thương vụ này là "cuộc siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu về mặt hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Kẻ thắng

Giám đốc điều hành của UBS Ralph Hamers sẽ chứng kiến tài sản của ngân hàng tăng vọt lên khoảng 5.000 tỷ USD và được miễn trừ đặc biệt để để giữ chi nhánh Thụy Sĩ của Credit Suisse - vốn rất có lãi. Nhiều nhà phân tích cho rằng nó đáng giá hơn gấp ba lần số tiền mà UBS đã trả cho toàn bộ ngân hàng.

Việc tiếp quản sẽ củng cố vị thế của UBS với tư cách là công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới, đồng thời thúc đẩy tham vọng phát triển ở châu Mỹ và châu Á. UBS cho biết họ dự kiến tiết kiệm chi phí 8 tỷ USD mỗi năm vào năm 2027, theo CNN.

Ralph Hamers và đội ngũ của ông sẽ có nhiều việc phải làm khi họ cân nhắc nên giữ lại, thay đổi hay loại bỏ lĩnh vực kinh doanh hay nhân sự nào.

Tuy nhiên, ông sẽ có 56 tỷ franc bất lợi thương mại âm (xảy ra khi một công ty mua lại công ty khác dưới giá trị thị trường của nó) để giúp trang trải các khoản bút toán giảm, cũng như 9 tỷ franc bảo lãnh từ chính phủ Thụy Sĩ để bù đắp một số khoản lỗ nhất định.

Công ty này cũng có thể tiếp cận một dòng thanh khoản khổng lồ từ ngân hàng trung ương. Mặc dù hiện tại UBS sẽ tạm dừng việc mua lại cổ phiếu của mình, họ cho biết họ vẫn cam kết chia cổ tức lũy tiến.

Người thua

Bloomberg nhận định cổ đông hàng đầu của Credit Suisse nằm trong những bên chịu lỗ.

Các nhà đầu tư vùng Vịnh đang bị tổn thương. Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia đã mất 1,1 tỷ franc (gần 1,2 tỷ USD) chưa đầy 15 tuần kể từ khi hoàn tất việc mua cổ phần trong đợt huy động vốn gần đây nhất của Credit Suisse.

Ngân hàng này từng nghĩ mua được một món hời khi trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse chỉ vài tháng trước. Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia đã góp phần gây ra sự hoảng loạn trong tuần này, khi ông bác bỏ việc tăng cổ phần của ngân hàng này trong Credit Suisse.

Trong khi đó, nỗi đau của Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) kéo dài trong một thời gian dài hơn nhiều, vì họ đầu tư lần đầu vào Credit Suisse trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, họ có khả năng đã mất một số tiền thậm chí còn lớn hơn.

Ngoài việc là chủ sở hữu lớn thứ hai, ngân hàng này trước đây đã sở hữu trái phiếu AT1, vốn sẽ về 0 sau thỏa thuận mua lại, mặc dù không rõ liệu QIA có còn nắm giữ khoản nợ đó hay không.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Ulrich Koerner của Credit Suisse dự kiến rời đi, do không thể vực dậy ngân hàng này. Ông Koerner, người mới đảm nhận vị trí này vào mùa hè năm ngoái, đã vạch ra kế hoạch cắt giảm rủi ro sau hàng loạt vụ bê bối và thua lỗ để tập trung hơn vào quản lý tài sản.

Tuy nhiên, ngân hàng này đã không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin khiến hàng tỷ USD bị rút ra vào tháng 10/2022. Trong những ngày gần đây, áp lực gia tăng cho đến khi chính phủ Thụy Sĩ buộc phải can thiệp.

Các trái chủ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực trong vụ thâu tóm Credit Suisse. Họ thường được bảo vệ khỏi thua lỗ tốt hơn so với các cổ đông, nhưng không phải trong trường hợp này.

Sau khi nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ được đối thủ UBS mua lại, toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse sẽ giảm về 0. Toàn bộ AT1 của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.

Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường AT1 ở châu Âu, vượt xa kỷ lục trước đó là 1,44 tỷ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha - Banco Popular - sau khi nhà băng này bị thâu tóm hồi năm 2017.

Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) trở thành cơ quan quản lý đầu tiên theo dõi một ngân hàng - vốn được coi là quan trọng về mặt hệ thống - phải được giải cứu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Chính phủ Thụy Sĩ đã phải cung cấp hàng tỷ franc bảo lãnh cho UBS và ngân hàng trung ương buộc phải cung cấp hỗ trợ thanh khoản rộng rãi để tạo điều kiện giải cứu. Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thừa nhận đây là cách duy nhất để ổn định thị trường tài chính quốc tế.

Không những vậy, kế hoạch lớn của cựu Giám đốc ngân hàng đầu tư Citigroup Michael Klein nhằm hồi sinh thương hiệu First Boston (CSFB) và xây dựng nó thành một đế chế tư vấn ở Phố Wall giờ đây cũng tan thành mây khói.

Ông Klein, lãnh đạo CSFB, đang trong quá trình bán công ty tư vấn của mình cho Credit Suisse với giá khoảng 210 triệu USD, khi giá trị thị trường của ngân hàng này đột ngột giảm sút trong những tuần gần đây. Kế hoạch này được cho cũng bị ảnh hưởng sau vụ mua lại.

(Nguồn: Zing News)

Anh sẽ đưa di dân đến Rwanda nếu tòa án chấp thuận

(Ảnh minh họa).

Chính phủ Anh hôm 20/3 cho biết họ có thể bắt đầu trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda trong vài tháng tới – nhưng chỉ khi tòa án Anh phán quyết rằng chính sách gây tranh cãi này là hợp pháp.
Bộ Nội vụ Anh cho biết họ nhắm tới bắt đầu các chuyến bay ‘trước mùa hè’, khi Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đến thăm quốc gia Đông Phi này để củng cố cam kết của chính phủ của Đảng Bảo thủ đối với kế hoạch này.

Tại thủ đô Kigali của Rwanda, bà đã gặp Tổng thống Paul Kagame và Bộ trưởng Ngoại giao Vincent Biruta, thăm các cơ sở lưu trú dành làm nơi ở cho người bị trục xuất khỏi Anh và dự lễ khởi công một khu nhà ở khác cho di dân. Dự án này dự kiến xây dựng hơn 1.000 căn nhà.

“Tôi rất thích được tận mắt nhìn thấy những cơ hội dồi dào mà đất nước này có thể đem tới cho những di dân được di dời trong khuôn khổ quan hệ đối tác của chúng tôi,” bà Braverman nói.

Ngoại trưởng Biruta nói rằng Rwanda sẽ đem đến cho di dân ‘cơ hội xây dựng cuộc sống mới ở một nơi an toàn, an ninh thông qua việc cung cấp chỗ ở, giáo dục và dạy nghề.’

Phát ngôn viên chính phủ Rwanda Yolande Makolo nói trước báo giới rằng nước này sẵn sàng tiếp nhận hàng ngàn di dân từ Anh, nói rằng bà không coi việc sống ở Rwanda là ‘hình phạt’. Bà cho biết Rwanda quyết tâm làm cho thỏa thuận thành công.

Anh và Rwanda đã đạt được thỏa thuận gần một năm trước mà theo đó một số di dân đến Anh bằng tàu nhỏ sẽ được đưa đến Rwanda, nơi đơn tị nạn của họ sẽ được xử lý. Những người được cấp quyền tị nạn sẽ ở Rwanda thay vì quay lại Anh.

Chính phủ Anh lập luận rằng chính sách này sẽ phá vỡ mô hình kinh doanh của các băng đảng buôn người và chặn di dân có hành trình đầy rủi ro qua eo biển Manche.

Hơn 45.000 người đã đến Anh bằng thuyền vào năm 2022, so vớichỉ 8.500 người vào năm 2020.

Nhưng kế hoạch trị giá 170 triệu đô la này đang sa lầy trong những thách thức pháp lý và chưa có ai được đưa đến Rwanda.

Hồi tháng 12, Tòa án Tối cao phán quyết chính sách này là hợp pháp, nhưng một nhóm những người xin tị nạn từ các nước bao gồm Iran, Iraq và Syria đã được phép kháng cáo.

Các tổ chức nhân quyền trích dẫn ra hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Rwanda và lập luận rằng thật vô nhân đạo khi gửi di dân hơn 6.400 km đến một nước mà họ không muốn sống.

(Nguồn: VOA)

Chính phủ Pháp 'thoát hiểm' trong gang tấc

Chính phủ của Tổng thống Macron vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội với tỷ lệ sít sao, sau khi thông qua luật tăng tuổi hưu.

Quốc hội Pháp ngày 20/3 bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo kiến nghị của nhóm nghị sĩ độc lập LIOT, sau khi ông Macron viện dẫn quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật cải cách hưu trí mà không cần Hạ viện bỏ phiếu.

Chính phủ Pháp đã "thoát hiểm" trong gang tấc khi 278 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong khi LIOT cần tối thiểu 287 phiếu để kiến nghị được thông qua. Nếu kiến nghị của LIOT có thêm được 9 phiếu ủng hộ, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sẽ phải từ chức và Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm tân thủ tướng hoặc tổ chức bầu cử.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai, do đảng đối lập cực hữu National Rally (NR) khởi xướng, nhận được ít sự ủng hộ hơn, với 94 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại chính phủ.

Động thái này đồng nghĩa luật cải cách hưu trí do Tổng thống Macron phê chuẩn trước đó bắt đầu có hiệu lực.

Phe đối lập đang tiếp tục tìm cách khiếu nại lên Hội đồng Bảo hiến Pháp, cơ quan hiến pháp quyền lực nhất, để tìm cách chặn một phần hoặc toàn bộ luật cải cách hưu trí. Hội đồng Bảo hiến Pháp sẽ có một tháng để đánh giá những ý kiến phản đối với đạo luật.

Tổng thống Pháp Macron hôm 19/3 cho biết ông hy vọng luật cải cách hưu trí do chính phủ ông phê chuẩn có thể hoàn thành "hành trình dân chủ" của nó với sự tôn trọng từ tất cả mọi người khi được quốc hội thông qua.

Chính quyền Tổng thống Macron hôm 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để "vượt quyền" quốc hội, phê chuẩn luật cải cách hưu trí. Điều 49.3 cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.

Các nghị sĩ có thể đáp trả bằng cách đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị được hơn 50% nghị sĩ tại Hạ viện ủng hộ, dự luật sẽ bị bác bỏ và chính phủ phải từ chức. Nếu không, dự luật được coi là đã thông qua và trở thành luật.

Luật cải cách hưu trí Pháp sẽ nâng tuổi nghỉ hưu ở nước này từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Luật này đã vấp phải phản đối của người dân ngay từ khi được đưa ra hồi năm ngoái.

Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp không đồng tình với nó. Loạt cuộc biểu tình rung chuyển nước Pháp đã xảy ra cuối tuần qua khi người dân xuống đường, đình công để phản đối đạo luật.

(Nguồn: Vnexpress)

Rác thải ở Paris trở thành biểu tượng của biểu tình

(Ảnh minh họa).

Những ụ rác chất đống ngày càng cao dần trên đường phố của thủ đô Paris, Pháp đã trở thành biểu tượng của các cuộc biểu tình phản đối tăng tuổi về hưu tại nước này.

Theo hãng tin AP, cuộc đình công của những người thu gom rác tại Paris hôm nay (21/3) đã bước sang ngày thứ 16. Tòa thị chính Paris cho biết, cho tới giờ, có 9.300 tấn rác bị chất đống trên đường phố, giảm một chút so với 10.000 tấn rác thải cách đây vài ngày.

Cuộc đình công của những người thu gom rác đang gây tổn hại tới mỹ quan của thủ đô nước Pháp, một tai họa thực sự đối với "Kinh đô Ánh sáng".

"Tôi thích mùi nước hoa Chanel hơn là mùi hôi thối này. Tôi thấy có nhiều chuột", Vincent Salazar, nhà tư vấn nghệ thuật 62 tuổi, sống ở khu vực giàu có của Paris cho biết. Hiện, có một đống rác lớn nằm ở góc tòa nhà của ông Salazar, tòa nhà nhìn ra Vườn Luxembourg.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người dân Paris thờ ơ chứng kiến nhiều cuộc đình công khác, Salazar không mấy bận tâm. "Tôi may mắn được sống ở đây, nhưng tôi ủng hộ những người đó 200%. Họ phải ngửi mùi rác suốt cả ngày. Họ nên được nghỉ hưu sớm".

Salazar là một trong đa số những người Pháp phản đối quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 lên 64 với phần đông người lao động và từ 57 lên 59 tuổi đối với những người thu gom rác.

Quyết định của Tổng thống Macron đã được Quốc hội Pháp thông qua vào tuần trước mà không cần bỏ phiếu nhờ một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp. Hôm qua, chính phủ của ông Macron cũng vượt qua hai kiến nghị bỏ phiếu không tín nhiệm mà các nghị sĩ giận dữ đưa ra.

Dự luật tăng tuổi về hưu được coi là đã được thông qua. Dù vậy, các công đoàn tổ chức biểu tình và một số công dân không hề có ý định lùi bước.

Người lao động thuộc nhiều ngành nghề, từ giao thông vận tải tới năng lượng đã tổ chức các cuộc đình công không liên tục kể từ tháng 1. Song chính rác ở thủ đô Paris đã khiến những người thu gom nó phải tức giận.

Cuối tuần qua và đầu tuần này, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra và thùng rác, túi rác đã trở thành nhiên liệu cho những kẻ gây rối chuyên đốt phá Paris vào buổi đêm. Ít nhất 100 người đã bị bắt giam.

"Rác thải là một cách tốt để phản đối. Nó có tác động lớn", Tony Gibierge, 36 tuổi, người mới mở một cửa hàng ở phía nam Paris nói. Tony là một trong những người biểu tình hòa bình tại Paris và các thành phố khác bằng cách hát và nhảy múa. Người đàn ông này cho biết: "Bây giờ, chúng ta phải dập lửa, ngừng nhảy múa. Thông điệp hiện là: Không có gì kết thúc và hầu hết rác chưa biến đi đâu cả".

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang